Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Biên Hòa: Không lời từ biệt - Nguyễn Phú Chính

 
*Bài nầy tôi viết năm 2015, nay hiệu chính đầy đủ hơn
(Như một nén hương cho anh em BH đã nằm xuống)
Nguyễn Phú Chính


Ngày 28 tháng Tư năm 2020, đúng 45 năm ngày Biên Hòa hấp hối. Bộ chỉ Huy SĐ3KQ tạm thời đặt tại Không Đoàn ( KĐ) Yểm Cứ, gần cổng 1 Biên Hòa, vì Bộ Tư Lệnh SĐ bị pháo kích. Có nội tuyến điều chỉnh nên rất chính xác. Tôi vô tình là một trong 3 người được nghe quyết định cho số phận Biên Hòa của Tr/Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân (TLKQ). Hai người kia là Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính, Sư đoàn Trưởng SĐ3KQ và Chuẩn Tướng Từ Văn Bê, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận (BCHKTTV). Mấy năm nay, tôi cứ lưỡng lự mãi vì đây là một câu chuyện buồn. Tự biết tôi không đủ khả năng diễn tả hết cảnh tang thương, oan nghiệt nầy, nên đành bỏ ý định viết… Giờ đây ba tướng đã quy thiên, bản thân tôi cũng không biết trước lúc nào. Tôi mạnh dạn viết, ít nhứt để ba đứa con tôi biết thêm phần nào nơi chúng đã sống êm đềm trong những ngày thơ ấu. Và cũng xin gửi đến những người bạn đã một thời từng chết sống, gắn bó với Biên Hòa, một khung trời kỷ niệm.


Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính


Chuẩn tướng Từ Văn Bê


“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.”


Lúc tôi đang làm Sĩ Quan Liên Lạc tại Fort Wolters, Mineral Wells, Texas năm 1969-1970, Thiếu tá Trưởng Phòng Liên Lạc muốn tôi về làm Phi Đoàn Phó (PĐP) PĐ Chinook tân lập do ông làm PĐT tại Biên Hòa. Vì biết nhau từ lúc còn bay chung ở PĐ213 tại Đà Nẵng nên tôi quyết định về Đồng Nai với ông.


CH-47A Chinook tại căn cứ trực thăng Phú Lợi của Hoa Kỳ


Phi Đoàn 237 Chinook thành lập ngày 30 tháng 9 năm 1970 tại Biên Hòa. Tuy nhiên PĐ vẫn còn bay chuyển tiếp hành quân chung với Đại Đội 225 Chinook của Mỹ tại Căn cứ Phú Lợi, tỉnh Bình Dương. Sau khi học xong khóa chuyển tiếp Chinook tại Fort Rucker, Ala, tôi về Phi Đoàn cuối tháng 12 năm 1970, vẫn lên xuống Saigon- Phú Lợi để bay với anh em. Đây là lần thứ hai tôi ở Biên Hòa. Lần đầu, tháng 6 năm 1969 tôi học chuyển tiếp UH-IH với Phi Đoàn Spartan của Mỹ một tháng. Trong thời gian nầy, tôi chịu đại tang, người mẹ yêu thương của tôi qua đời đột ngột tại Thị Xã Long Xuyên. Trước đó một tuần, tôi theo trực thăng về thăm cha mẹ. Bửa cơm vui vẻ với ba má và hai đứa cháu gái đang ở đây học. Trông rất khỏe, đâu ngờ mẹ tôi ra đi vội quá, mới trên 71 tuổi. Là con út nên bao nhiêu tình thương của mẹ dồn hết cho tôi. Tôi hụt hẫng như mất hồn. Và lần nầy tôi trở lại Biên Hòa cho đến ngày mất nước.

Sơ lược vài dòng lịch sử về Biên Hòa. Cuối thế kỷ 17, Biên Hòa nói riêng, miền Nam, nói chung, chưa phải là đất của Việt Nam mà là của nước Chân Lạp. Năm 1679, sau khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh, lập nhà Mãn Thanh bên Trung Hoa, Tướng nhà Minh là Trần Thượng Xuyên, Tổng Binh, cùng chủ tướng là Dương Ngạn Địch đem 50 chiến thuyền cùng 3.000 quân xuống Miền Nam xin thần phục Chúa Nguyễn của Việt Nam. Chúa Nguyễn Phúc Tần chấp thuận và thương lượng với Phó Vương Chân Lạp là Ang Nan cho hai tướng vào khai khẩn sinh sống. Tướng Dương Ngạn Địch dẫn quân vào Mỹ Tho còn tướng Trần Thượng Xuyên vào Bàn Lân, Biên Hòa ngày nay, lập nghiệp.


Đến năm 1699, nước ta có sự bất hòa với Chân Lạp, Chúa Nguyễn sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam cùng Trần Thượng Xuyên đánh với Chân Lạp.( đền thờ của ông tại đình Mỹ Phước- Thị xã LongXuyên). Quân ta toàn thắng và năm 1700 sát nhập các vùng Biên Hòa, Gia Định, Vĩnh Long và An Giang vào nước ta. Đây là bài học mà chính quyền Cộng Sản Việt Nam phải học thuộc lòng: Cho nước láng giềng mượn đất khai thác, rồi gây sự, đánh chiếm lấy luôn. Lúc nầy Biên Hòa còn hoang vu không người ở. Nhờ công của Tướng Trần Thượng Xuyên khai quang mà trở nên trù phú ngày nay (tham khảo tiểu sử Tổng Binh Trần thượng Xuyên).

Khi về đây, bạn bè tôi ai cũng lưu ý tôi về màu đỏ, vì màu đỏ chỉ có ông Thần Trần Thượng Xuyên độc tôn mà thôi. Đứa nào không tin, dùng xe màu đỏ thì y như rằng sẽ đi đoong ngay. Điều nầy tôi không tin đến khi ứng nghiệm cho nhân viên PĐ của tôi. PĐ thiệt hại nặng sau mùa Hè “Bình Long Anh Dũng”, nhưng bù lại đựợc tuyên dương công trạng và được nhận đở đầu, đồng thời nhận đươc tiền thưởng bay phi diễn hạng nhứt đồng hạng Ngày Quân Lực 19/6/1973 (6 chiếc Chinook thường thấy trong vài DVD hải ngoại). Vì vậy, tôi có ý định tổ chức sinh nhựt PĐ 3 tuổi. Vì chiến tranh nên không tổ chức năm 1972. Một hôm Th/úy Nguyễn Hiền của PĐ mời tôi qua quán cafê của chú ở khu gia binh. Nói quán cho ra vẽ, thực ra đây là một barrack cũ, gia đình ở 1/3 còn 2/3 mở quán kiếm thêm tiền chợ.Tôi do dự, vì thỉnh thoảng tôi cũng xuống uống ủng hộ gà nhà. Lần nầy khi vào tôi rất ngạc nhiên, một màu đỏ hiện ra: tất cả tấm trải bàn và màn cửa sổ đều màu đỏ. Vì không tin nên tôi không có ý kiến việc làm ăn của nhân viên. Hiền bảo, nếu tôi tổ chức sinh nhựt PĐ, chú xin đóng góp phần rượu. Tôi dọa, tổ chức cho 4-5 trăm người, tiền rượu ít nhứt cũng phải trên trăm ngàn. Chú bảo chú đủ khả năng. Tôi cám ơn và giải thích: Tiền rượu do đơn vị đở đầu hứa đài thọ. Hơn nữa các đơn vị bạn trong Vùng 3 mỗi người vài chai cũng uống mệt nghĩ.


CCKQ Biên Hòa, 1971: Đại tá Huỳnh Bá Tính tới tham dự kỷ niệm 1 năm ngày thành lập PĐ-237


Phần ban nhạc do tiểu đoàn Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) Quân Đoàn 3 và SĐ3KQ đảm trách. Ca sĩ toàn gạo cội như Anh Khoa, Ban tam ca Sao Băng, kịch có Tú Trinh, La Thoại Tân v.v. .và vũ đoàn Maxim, do Tổng Cục CTCT quân đội giúp free. Nghe nói ca sĩ Ngọc Minh, Sơn Ca do anh em trẻ PĐ mời được nữa. PĐ chỉ lo thức ăn nhẹ là đủ, không tốn kém bao nhiêu. Mùa hè năm 1973 hai cô em vợ của Hiền nghĩ học, lên giúp chạy bàn và thu tiền nên quán càng đông khách. Trong thời gian nầy, ban đêm phi trường Biên Hòa cũng bình yên, ít bị pháo kích. Lý do địch cũng sợ bị trả đủa: nhẹ thì cho mấy chiếc trực thăng võ trang lên diệt ngay, nặng thì sáng hôm sau mấy chục chiếc A-37 từ Cần Thơ và F-5 Biên Hòa lên Lộc Ninh rãi thảm bom xả láng.( Lộc Ninh là một quận lỵ của tỉnh Bình Long giáp Cambodge địch chiếm, nơi đặt chính phủ ma Mặt trận Giải Phóng Miền Nam)

Tuy nhiên, có một đêm khoảng 4giờ sáng, một đợt pháo kích 5-7 trái , một trái lọt vào khu gia binh ngay barrack của Hiền. Được tin, tôi đến nơi, xe cứu thương cũng mang những người bị thương ra gần hết. Đến bịnh viện Biên Hoà, đợi đến sáng biết kết quả: vợ chồng và 2 cô em vợ của Hiền đều chết, trừ đứa con gái 3 tuổi chỉ bị thương nhẹ. Quá đau buồn trước cảnh chết thê thảm nầy, tôi thẩn thờ trở lại hiện trường. Phòng của ngũ vợ chồng Hiền rộng, 2 giường cách nhau khá xa. Máu me loan lỗ, nệm mền , quần áo tung tóe khắp nơi. Đây là khu nhà thời Pháp để lại, khung nhà bằng sắt. Trái hỏa tiển 122ly xuyên qua mái, chạm thanh sắt xà ngang nổ, miểng tạt qua ngay hai giường nằm làm chết 4 người.



Bộ tư lệnh Quân Đoàn III


Nhân dịp ăn ở nhà hàng La plage bên bờ sông Biên Hòa, bọn bạn chỉ đình Tân Lân, hơi xéo phía trên, nơi thờ phụng Tướng Trần Thượng Xuyên. Vì linh hiển nên dân Biên Hòa sùng bái ông như Thần. Nhìn từ ngoài vào trong đình thờ, ngoài các hoa văn chạm trổ, thếp vàng, phần còn lại sơn toàn là màu đỏ. Trong 45 năm qua, không biết có bao nhiêu tên mù quán, yêu thich màu máu, tôn thờ chủ thuyết không-tưởng, đã đi gặp Mark- Lenin. Hiển linh, xin Ngài làm theo nguyện vọng của toàn dân để dân tộc Việt Nam được tự do, hạnh phúc, đời đời sẽ nhớ ơn Ngài.


Nói đến Biên Hòa phải nói đến những đặc sản nổi tiếng: bưởi Biên Hòa như bưởi Thanh, bưởi Đường, bưởi Da Láng ở cù lao Phố. Bưởi Ổi ở Tân Triều, núi Bửu Long. Sản phẩm nổi tiếng nữa là đồ gốm Tân Vạn, gạch ngói quận Công Thanh (dọc theo hai bờ sông Đồng Nai cạnh vòng đai phía Tây và Tây Bắc phi trường ra tới cầu Gành, chợ Đồn). Dân Miền Tây của tôi, ai có nhà lợp ngói Biên Hòa đều là dân nhà giàu.


Nói đến Biên Hòa không thể quên quán ăn mà anh em KQ chúng tôi, mấy ngày đầu tháng hay la cà thăm viếng, cuối tháng “cơm chỉ”, cơm tay cầm” thường xuyên. Từ cổng số 1 ra, quẹo phải đến rạp hát Biên Hùng, có quán cơm bình dân Bích Liên. Nơi đây ba chàng hảo hán độc thân vui tính, chiều thường ra ăn “cơm chỉ”. Một hôm, vừa bưng cơm ra, chị Ba chủ quán hỏi : còn cậu kia đâu?. Tiên “Gù” không trả lời, cầm đôi đủa gát ngang chén cơm… Bảo “Địa” rưng rưng chỉ chén cơm cúng Đặng Thiện Hiền: “ nó vừa mới hy sinh sáng nay, chị ”, làm chị sụt sùi ngấn lệ. Cả quán ai nghe cũng buồn lây. Tiên “Gù” vừa qua đời tháng 10 năm 2018 tại San Jose, California

Ăn cary Tư Dữ hoặc ngồi bẹp mấy sạp lề đường, ngõ vào ga xe lửa lai rai nghêu, sò, ốc, hến, chem chép …chắc chẳng gì bằng. Từ cổng 1 quẹo trái ra ngã ba cây Mít, sang thì vào Biên Hòa Club của ông Tám Mộng, đồng thời cũng là chủ của rạp hát Biên Hùng. Nếu thích, chạy thẳng ra Hố Nai, Tân Hiệp tham dự “hạ cờ tây”. Còn từ cổng số 2 ra, quẹo phải về Saigòn theo ngã xa lộ Đại Hàn. Vừa qua cầu mới Hoà An, gần đầu cầu, bên trái là quán Bình Minh của Ba Đức có cá tôm, chim rắn cũng nổi tiếng.

Xéo cửa Bình Minh, bên kia đường là quán lá có chim đủ loại. Chim đang sống trong lồng, thích con nào chọn, chỉ 10-15 phút sau có món nhậu đem ra ngay. Nếu không dừng ở đây, bạn có thể theo đường hữu ngạn sông Đồng Nai ra cầu xa lộ, có quán thịt rừng của Mười Diên cũng hao rượu lắm. Cũng khu nầy còn có lò gốm của ông Bảy Vạn. Một liệt lão, đầu bạc phơ quắc thước, thích đám nhậu KQ phá mồi lắm. Cũng từ cổng số 2, nếu đi thẳng theo đường Dóc Sỏi, nơi có nhiều “của lạ” (không ai nhớ tên thực của nó là đường gì). Tại ngã ba ra Biên Hùng là quán cơm Tân Phước, đặc biệt, canh chua cá bông lau, cá rô kho tộ. Vì ngon quá mà một anh chàng trực thăng rước luôn cô gái rượu của ông chủ. Bạn tiếp tục đường nầy ra tới chợ là nhà hàng người Hoa: Hạnh Phước. Thỉnh thoảng đưa vợ con ăn nhà hàng nầy cũng ấm cúng lắm. Từ đây nếu quẹo trái cách đó một khu phố có quán cơm xã hội cho những người nghèo, do chính phủ đài thọ. Tôi đã ăn tại đây vài lần cho biết, chỉ trả 15- 20 đồng gì đó, không bằng tiền ¼ tô phở, cũng cơm canh, xào mặn, ăn tạm được. Cơm trắng, nước nắm ăn bao nhiêu cũng được.

Qua khỏi khu buôn bán và dinh Tỉnh Trưởng, dọc bờ sông bên tả ngạn nầy có Tân Hiệp Quán và Tuyết Hồng. Một trong hai quán nầy đặc biệt có xôi chiên phồng. Họ làm từ cục xôi bằng nắm tay, khi chiên, nở lên to, bọng ruột như trái banh, vàng lườm, thơm phức, dòn tan, ăn với gà nướng hay chiên, ngon tuyệt. Dĩ nhiên đây là món gia truyền. Mấy mươi năm nay tôi chưa thấy nó qua Mỹ hay đã thất truyền rồi, uổng thật. Tới nữa là Nhà hàng Pháp La Plage trên bờ sông, như tôi đã nói trên, rất đắt. Hồi mới về Biên Hòa, chân ướt, chân ráo, Xếp tôi, dân tốt nghiệp pilot bên Tây, thích uống rượu Tây, theo kiểu Tây, gọi tôi đi nhậu. Ông bảo đi cho biết, ông bao, cũng may tôi có chai Martell Medaillon. Đã biết nơi nầy giá cắt cổ nên hai đứa chỉ kêu một dĩa cá cơm lăng bột chiên, dĩa salad cà dầu dấm và chai sôda Perier. Nhậu xong tính tiền, tôi liếc xem: Mấy món đó, cộng tiền công khui rượu bằng giá 2 chai rượu. Xếp bèn chơi ngông đưa tiền ăn, tiền tip trọn mười ngàn, hết 1/5 lương xếp, làm anh bồi bàn há hốc miệng.

Đó là lần thứ hai cũng là lần chót tôi vào La Plage. Bọn pilot nghèo chúng tôi ít khi vào, trừ trường hợp mấy thằng bạn thân, dân sự ở Saigon lên mời nhậu. Chạy thêm chút nữa nếu quẹo phải đến cầu Rạch Cát qua Cù Lao Phố (cù lao Hiệp Hòa). Ở đây có ông đại úy phân chi khu trưởng , chịu chơi, thích nhậu. Đôi khi buồn, ông cho lính gác cầu chận xe tôi lại, bắt vào nhậu vì mấy chú lính nhớ số xe tôi. Biết tôi ngày nghỉ thích đi câu tôm nên ông rủ tôi đi câu. Giao hẹn: bọn KQ chịu tôm, ông chịu rượu và ghe. Tôi thường câu trong bến tàu Hải quân ngoài cầu xa lộ. Vài đứa vừa câu vừa uống bia, chiều về cũng được 3-4 kg tôm cho bà xã vừa lòng.

Đêm đó nhằm lúc nước lớn, câu 2 giờ mà không được con tôm nào, bốn năm đứa nhậu khan muốn xỉn. Ông chọc quê, bảo chú lính đốt lò làm tôm nhúng dấm. Thấy tôi kiên nhẫn câu, anh em đói chịu không nỗi, anh bèn kéo 2 bao cát đựng đầy tôm bên hông ghe lên. Bọn câu tôm tôi “quê”quá cười xòa. Từ cù lao Phố qua cầu Gành, quẹo phải đến chợ Đồn có quán đầu cá lóc hấp Hồng Hoa của chị Năm và quán cô em gần đó, vừa rẻ vừa ngon. Chạy một chút nữa đến quán thịt rừng của Mười Diên kể trên, giáp một vòng ăn uống.


Đã nói về ăn, phải nhắc một chút ít về học. Biên Hòa có tất cả 3 trường trung học: Trường công Ngô Quyền, trường bán công Trần Thượng Xuyên và trường tư thục Khiết Tâm của cha Yến. Dân KQ độc thân cũng ưa lượn qua mấy trường nầy lắm. Cũng có vài nàng dâu KQ đang dạy ở đây, nên các đấng phu quân chỉ có bổn phận làm tài xế chứ không dám nhìn ngang, liếc dọc. Đó là tất cả những gì tôi biết và còn nhớ, qua góp ý của anh bạn, dân Biên Hòa, chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Đây cũng là dịp để ôn lại những kỷ niệm êm đẹp trong thời gian tôi ở Biền Hòa và để gợi lại cho anh em KQ đã từng gắn bó với xử bưởi nầy. Trong bài hát nào đó có câu“…Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa…” Có phải các anh chàng pilot của chúng ta không đó???

Phi Đoàn 237 là PĐ Chinook đầu tiên của Không Quân VN nên thu hút một số đông sĩ quan cấp Đại úy nhiều kinh nghiệm chiến trường từ 5 PĐ trực thăng hiện hữu tình nguyện gia nhập. Thêm vào đó, những hoa tiêu tốt nghiệp hàng đầu các khóa trực thăng huấn luyện tại Fort Hunter- GA, được tuyển chọn bay xuyên huấn Ch-47 Chinook tại Fort Rucker, Ala. Những hoa tiêu kỳ cựu đều biết nhau trước, còn các anh em mới, tôi đã gặp tại các trường bay nên xem nhau như trong gia đình. rất thân thiện cởi mở. Là PĐ đầu nên quân số đầy đủ, phi cơ hiện hữu 25 chiếc trên cấp số 18. Do đó phải tham dự các cuộc hành quân qua Cambodge và biệt phái cả 4 vùng chiến thuật. Tổng kết tổn thất về nhân mạng và phi cơ rất cao.

Riêng mùa Hè đỏ lửa 1972, mặt trận An Lộc, PĐ 237 hy sinh 14 nhân viên, trong đó có Th/tá Phi Đoàn Phó Nguyễn Hữu Nhàn. Một Th/tá Phi đội trưởng Nguyễn Tấn Trọng & Tr/úy Nguyễn Văn Thành bị bắt làm tù binh, Cơ phi, xạ thủ, Áp tải đều hy sinh. Ba phi cơ bị thiêu hủy hoàn toàn. Sau chiến trường An Lộc, Phi đoàn được chọn là đơn vị xuất sắc của Quân Đoàn 3 và được tuyên dương công trạng trước Quân Đoàn. Nhân dịp nầy, Tổng Cục CTCT Quân lực VNCH giới thiệu PĐ để Tổng Công Đoàn Công Kỹ Nghệ VN(TCĐCKNVN) đở đầu với số tiền $50.000 hàng tháng. Đây là đơn vị thứ hai được Tổng Công Đoàn đở đầu, sau Sư Đoàn Dù. Buổi lễ đở đầu được tổ chức long trọng, trang nghiêm tại BTL SĐ3KQ và phi đạo 237 với sự hiện diện hai phái đoàn của ông Thứ Trưởng Công Kỷ Nghệ Phạm Minh Dưỡng và ông Chủ tịch TCĐCKNVN, Nguyễn Văn Quí (cũng là chủ hảng gạch Thanh Danh, cạnh rạp Khải Hoàn). Nghe nói sau tháng Tư Đen, bác Quí sống trong túp lều tranh cạnh cầu xa lộ và chết theo sản nghiệp đồ sộ tiêu tan. Thật tội nghiệp cho bác !!!

Tổng kết của PĐ năm 1973 tương đối nhẹ hơn : tổn thất 8 nhân viên, 3 chiếc Chinook bị phá hủy hoàn toàn: 1 bị SA-7 bắn rớt tại núi Bà Đen, Tây Ninh, phi hành đoàn của Tr/úy Quang “ mắt nhung”, cả 5 đều hy sinh. Phi vụ biệt phái Cần Thơ, phi cơ bị bắn rơi tại Chương Thiện, xạ thủ Nguyễn Văn Lạc quyết định ở lại ôm đại liên bắn đoạn hậu để phi hành đoàn chạy thoát vào đồn nên đã anh dũng hy sinh. Trong phi vụ trao trả tù binh giữa VNCH và CS Biên Hoà -Lộc Ninh: Tr/sĩ áp tải Hoàng bị VC bội ước bắn tử thương. Ủy Ban Liên Hợp 4 bên và báo chí trong, ngoài nước có mặt tại Biên Hoà chứng kiến, nhưng cuối cùng cũng vào quên lảng. Đây là cái thói hèn hạ của VC, mỗi lần trao trả tù binh, trong phi vụ cuối cùng trong ngày, trên đường về đều bị bắn, mặc dù phi cơ có sơn huy hiệu trao trả tù binh, bay đúng cao độ và lộ trình do Uỷ Ban Liên Hợp định trước. Cuối năm tôi lại nhận một phi vụ thí quân: Phi vụ chuyển quân vào Tống Lê Chân, tỉnh Tây Ninh. Tiền đồn nầy do Tiểu đoàn 92 Biệt Động Quân (BĐQ) trấn giữ. Đây là cửa ngõ trọng yếu để CS xâm nhập vào Thủ Đô Saigòn. Cơ Phi: Th/sĩ Nguyễn Văn Tranh hy sinh, Trưởng Phi Cơ: Đ/úy Lê Văn Cầu bị thương chân . Một số Biệt Động Quân chết và bị thương.

Đến năm 1974 chiến trường khốc liệt, dù có đủ 4 PĐ Chinook cho 4 Vùng Chiến Thuật, nhưng thỉnh thoảng PĐ tôi cũng phải biệt phái tăng viện trong những cuộc hành quân lớn.



Tháng 2/1974 lại một tháng buồn của PĐ và gia đình tôi. Nhân dịp ông bà nhạc lên Biên Hòa thăm, tôi kể cho bà nghe về sự xui xẻo của tôi: chỉ trong tuần lễ mà tôi mất chiếc đống hồ Longine 5 sao, mua ở Mỹ và hộp quẹt Dupont bằng vàng do người bạn chí thân cho. Dù là giáo viên thời Pháp, nhưng bà vẫn tin vào tử vi. Bà cười bảo: năm nay là năm tuổi, tháng tuổi của con nên “của đi thay mạng người đó con”. Tuy đau lòng vì 2 vật thiết thân bị mất, nhưng tôi cũng cười cho vui lòng bà. Dù không tin, nhưng tôi cũng thuật cho Th/ tá Võ Châu Phê, vừa là bạn cùng khóa vừa là PĐP của tôi. Cùng tuổi, số quân 2 đứa chỉ khác nhau số cuối: tôi 522, anh 523. Tôi căn dặn anh phải thận trọng, thế thôi. Tuy nhiên, một buổi sáng gặp Phê ngoài phi đạo lúc 6giờ 30 vừa đem 1 chiếc Chinook từ Tân Sơn Nhứt lên. Tôi bảo anh: hôm nay tôi đi bay hành quân, ông ở PĐ không đi bay hay đi đâu hết, vì mấy Xếp gọi không có tôi cũng không có ông, tôi bị la phiền lắm. Khoảng 8giờ 30 từ Lai Khê, tôi cất cánh dẫn 4 chiếc vào tiếp tế cho An Lộc. Nghe dài không lưu Paris gọi bảo tôi kiểm soát lại Chinook, tôi gọi điểm số đủ 4 chiếc. Tôi hỏi tại sao, Paris cho tôi biết có một chiếc Chinook rớt. Tôi liền liên lạc về Không Đoàn 43CT, mới biết chiếc đó là chiếc bay huấn luyện của T/Tá Phê rớt ở căn cứ Long Bình, Biên Hòa. Chiều về, tôi về ngay bịnh viện Cộng Hòa thăm Phê .

Được biết phi hành đoàn gồm 6, 5 người chết tại chỗ, chỉ có T/tá Phê cũng đang hấp hối. Tôi bùi ngùi xúc động, nước mắt chảy dài trước sự thiệt hại của PĐ. Mới sáng nay, hai đứa còn uống café, nói chuyện vui vẻ, bây giờ bạn nằm thoi thóp đầy dây nhợ, đau đớn. Vợ anh là một y-tá nhiều kinh nghiệm ở bịnh viện Từ Dũ, biết không qua khỏi nên xin phép tôi về trước để lo hậu sự. Trước đó một tuần có Đ/úy Đào Quang Vinh, vì lý do gia cảnh nên được đổi về PĐ237. Theo nguyên tắc, Vinh chỉ cần bay với huấn luyện viên 30 phút để xác định hành quân là xong. Nhưng vì PĐ bận hành quân, hơn nữa muốn để Vinh nghĩ ngơi và quen với đơn vị mới nên không vội. Hôm đó anh Phê rãnh rỗi nên bay huấn luyện lên hoa tiêu chánh cho Tr/úy Ngô Minh Châu” dóc sõi”, nhân tiện kéo Vinh đi bay luôn cho xong, đâu ngờ chiếc Chinook anh vừa đem từ Tân Sơn Nhất lên bị đặt plastic. Đó là kết quả sau hơn một tháng điều tra của Công ty Boeing, nơi sản xuất Chinook. Sau gần tuần lễ việc ma chay, buồn và mệt nên cùng vài anh em xả hơi vài chai beer.

Khoảng 10 giờ tối về nhà, gặp ông bà nhạc lên chơi. Đang chuyện vui gia đình, có điện thoại từ bịnh viện Cần Thơ gọi báo cậu em vợ, Ch/úy Nguyễn Văn Huế vừa tử trận. Thế là chuyện buồn lại đến. Gọi KĐ43CT xin trực thăng sáng mai xuống Cần Thơ nhận xác em. Sau một ngày cùng ông bà nhạc ở bịnh viện Cần Thơ làm thủ tục và nghi lễ và một đêm ở Tử Sĩ Đường Không Quân Tân Sơn Nhất, sáng hôm sau đưa ông bà nhạc cùng quan tài em lên phi cơ về Huế. Tưởng vậy là xong, lai rai với mấy em đọc thân bẩy được mấy chục chim mía cho bỏ những ngày buồn mệt nhọc. Về đến Biên hòa khoảng 9 giờ tối. Tôi rất ngạc nhiên vì thấy trong nhà đèn sáng và đông người. Khi vào mới biết đứa con út 2 tháng tuổi bị sốt. Huy, bác sĩ gia đình, bảo đưa nó về bịnh viện Nhi Đồng Saigòn ngay vì sợ bị sốt xuất huyết. Vì bịnh viện không có bãi đáp trực thăng nên phải ngồi xe cứu thương đưa con đi. Sau một đêm thức trắng, ngồi hành lang vừa theo dõi tình trạng con, vừa hiến máu cho muỗi. Sáng hôm sau theo Chinook về Biên Hòa lo việc PĐ.

Cũng trưa hôm đó, vợ tôi đưa con về. Lý do: con không bị sốt xuất huyết. Tôi thở dài nhẹ nhõm. Gần một tháng “kỵ tuổi”, tôi mất thêm thằng bạn thân cùng Khóa với 5 anh em trong PĐ. cùng cậu em vợ mà tôi thương mến. Đây là thằng bạn cùng Khóa thứ hai đều là PĐP/ PĐ237của tôi. Nói tới “năm kỵ tháng tuổi”, nhớ lại Tết Mậu Thân 1968, tôi bị bắn rớt và vị thương tại thành phố Huế, rất may còn sống. Nhưng nghĩ lại, không lẽ tất cả hơn 6 ngàn đồng bào Huế vô tội bị chết oan đều kỵ tháng Dần năm Thân hết sao. Kết quả thảm khốc tầy trời nầy đếu do “tòa án nhân dân”của mấy tên trí thức cuồn tín Huế: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân và Nguyễn Thị Đoan Trinh cùng đồng bọn mất hết nhân tính gây nên.

Căn cứ Biên Hòa có 2 đơn vị lớn: SĐ3KQ và Bộ Chỉ huy Kỹ Thuật Tiếp Vân. SĐ3KQ gồm các Không Đoàn 23 khu trục, KĐ63 F-5, KĐ43CT trực thăng, KĐYểm Cứ và KĐ Bảo Trì-Tiếp Liệu. Chúng tôi đã sát cánh chiếu đấu, vui buồn, sống chết đều có nhau nên thân thiện. Sống gần nhau lâu năm, cũng không lạ gì với anh em BCHKTTV.


Từ ngày Hiệp Định Paris được ký kết 27/1/1073, tình hình chính trị sôi động, thành phần thứ ba và phe đối lập trong quốc hội VNCH cũng lộ mặt rõ hơn. Ngoài xã hội, do kích động xúi giục của báo chí thiên cộng, cán cộng nằm vùng, sinh viên hoc sinh xuống đường rần rộ, làm xáo trộn sinh hoạt người dân lương thiện tại Thủ Đô Saigon, nên dân chúng oán ghét. Ông già ba tri gần nhà ông nhạc tôi, ăn ngay nói thẳng bảo: “Thành phần thứ ba là đám cầm c...c chó đái, để cháu coi chẳng làm nên trò trống gì đâu”. Còn báo chí giữ lập trường quốc gia bảo:” đám nầy là đám đứng giữa, là gạch nối giữa đàn ông và đàn bà.

Đầu năm 1975, tin tức chiến trường dồn dập, bất lợi: Ngày 10/3 Buôn Mê Thuột bị tấn công. Sau 3 ngày Quân dân ta chống trả mãnh liệt, nhưng cũng mất về tay địch. Sau đó Phước Long, một tỉnh Đông Bắc giáp Biên Hoà thất thủ. Tiếp theo di tản chiến thuật, rút quân khỏi Pleiku tái phối trí. Khoảng đầu tháng 3, cậu em họ bên vợ tôi vừa tốt nghiệp bác sĩ quân y lên trình diện hậu cứ Liên Đoàn Biệt Động Quân của Đại Tá Tây, anh ruột của các anh Tám, Chín, Mười của KQ, đang đóng tại Long Bình. Tiện đường cậu ghé Biên Hòa thăm vợ chồng tôi. Ngồi nói chuyện mà cậu cứ liếc hai hoa mai vàng mới toanh trên ngực có vẻ vừa lòng lắm. Cậu thích thú kể chuyện huyên thiên về ông Tiểu Đoàn Trưởng trẻ, trông rất oai hùng và quá chịu chơi.

Tuần lễ sau, Tiểu Đoàn lên Pleiku, chưa được 10 ngày, Pleiku triệt thoái, cậu thất lạc, mất tích. Cả nhà ông chú lo lắng, thất điên bát đảo vì đứa con cưng mới tra trường không biết sống chết ra sao. Thế là 3 tỉnh Cao Nguyên Trung Phần vào tay địch. Mấy ngày sau, vợ thằng bạn chí thân của tôi chạy lên Biên Hòa khóc lóc, làm sao cho chồng chị (cũng Biệt Động Quân) bị thương nặng rút từ Pleiku về, đang nằm ở Quân y Viện Nha Trang. PĐ tôi tăng phái cho Nha Trang để triệt thoái quân ở Khánh Dương, nhưng tôi cũng rất bận rộn, thì giờ đâu đi tìm bạn.

Cũng trong tháng 3, vì tối mật nên nửa đêm tôi phải đích thân qua Quân Đoàn III họp. Khi tôi vào phòng đang họp. Đ/tá thuyết trình viên bảo tôi 6 giờ sáng mai cho 6 chiếc Chinook lên Lai Khê nhận lệnh. Nhiệm vụ của tôi chỉ có thế, họp không quá 3 phút. Sáng hôm sau, tôi dẫn 6 chiếc lên Lai Khê. Trời tờ mờ sáng, vừa xuống máy bay, một đám bàn bà trẻ con bu lại hỏi phải hôm nay rút An Lộc không? Tôi không trả lời và hỏi lại: các chị ở đâu đến đây. Họ bảo hôm qua ở Saigon nghe tin hôm nay rút An Lộc nên lên đây đón chồng. Tôi thầm nghĩ, chính tôi còn không biết, chỉ biết lên đây nhận lệnh. Thế mà người dân đã biết hôm qua, lộ hết rồi. Khi vào nhận lệnh, đúng như vậy: hôm nay triệt thoái An Lộc. Sáu chiếc câu 6 cây đại bác105 giả và một túi bao đựng cát. Ở xa trông giống như câu súng và đạn thật. Tuy nhiên vì quá nhẹ, chao đảo rất khó bay. Chuyến đầu đáp xuống Xa Cam trên quốc lộ 13 gần An Lộc. Bỏ súng đạn giả xuống, lấy súng thật và bốc quân về Chơn Thành, cũng trên quốc lộ 13, cách Lai Khê khoảng 10 km. Tại An Lộc khi cất cánh, địch pháo kích vài quả. Các chuyến sau cũng bị pháo kích dọa sau khi chúng tôi cất cánh xong. Chắc biết rút quân nên họ không muốn làm gián đọạn. Xong phi vụ, chiều về, không chiếc nào trúng mảnh pháo kích cả.

Cuối tháng 3 Huế, Quảng Ngãi di tản. Chiều 29/3/75, tôi cất cánh từ Hàm Tân về Biên Hòa, nghe trên tần số tiếng anh Phi đoàn Trưởng PĐ247 Đànẵng, tôi đùa có đem gì về nhậu không và được biết Đànẵng vừa rút bỏ hôm nay. Tôi ngỡ ngàng như trên trời vừa rớt xuống. Phù Cát, Nhatrang triệt thoái ngày 1 tháng 4. Thế là vô vọng, kể như thằng bạn kẹt luôn ở Nha Trang…Chuyện xảy ra nhanh như cơn ác mộng. Mấy ngày sau 2 chiếc của PĐ ra Phan Rang tăng phái, chiều về, tối Phan Rang bỏ ngỏ.

Chiều ngày 4/ 4 một chiếc C-5 Galaxy di tản cô nhi, rớt cạnh phi trường Tân Sơn Nhứt. KĐ43CT điều động mấy chiếc trực thăng và 1 chiếc chinook từ Biên Hòa xuống tiếp cứu phi cơ lâm nạn. Tôi rất ngạc nhiên thấy chiếc C-5 đáp song song bên phải phi đạo 25R trên khoảng đất ngoài vòng đai, rã ra từng mảnh mà sao không đáp được vào phi đạo. Trong số 250 cô nhi cùng 40 nhân viên điều dưỡng và phi hành đoàn, chết gần phân nửa. Trước cảnh nầy tôi cũng không ngăn được nước mắt, tiếc thương các trẻ thơ vô tội và những người làm việc thiện.

Ngày 6 tháng 4 được lệnh 4 chiếc ra Phan Thiết triệt thoái Tiểu Đoàn 82/LĐ 24 Biệt Động Quân của Th/tá Vương Mộng Long, từ Di Linh về Phan Thiết rồi Long Khánh. Vì Hớn Quản, Tánh Linh đã mất nên không thể bay qua đường đó, phòng không quá nặng. Trạm xăng phi trường Phan Thiết quá nhỏ, không đủ xăng cho Chinook nên tôi dẫn thêm hai chiếc nữa câu liên tục những túi xăng 2x500gallons ra Phan Thiết để đổ cho Chinook. Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân quá vất vả tại Di Linh, phải cho Chinook đón về vì lương thực đạn dược đã cạn kiệt. Trên quốc lộ 1, những đoàn xe quân đội, dân sự và đủ các loại phương tiện di chuyển người và người nối đuôi rồng rắn không dứt. Hôm sau tiếp tục chuyển TĐ82/ LĐ24 BĐQ. Hai hôm sau, tôi bay phi vụ ngoài Phan Thiết, xe cộ cũng như nêm trên quốc lộ 1. Chiều bay về Biên Hòa. Tắm rửa xong, đang ăn cơm, ngồi nghe đài BBC: Phan Thiết mất.


Ngày 8/4 Tr/úy trở cờ, phản loạn Nguyễn Thành Trung PĐ-F5 Biên Hòa dội bom Dinh Tổng Thống. Vài ngày sau Tr/tướng Tư Lệnh KQ lên Biên Hòa nói chuyện với các đơn vị trưởng. Đám phi đoàn trưởng chúng tôi lo ông cho uống café đắng vì vụ thằng Trung. Ông nói ba điều bốn chuyện xong, ông bảo: chúng ta có thể kiểm soát hành động, nhưng không thể kiểm soát được tư tưởng của nhân viên. Ông lấy ví dụ ông đang nằm với bà nhà, nhưng nghĩ đến người khác thì làm sao bà biết được. Nghe câu dí dỏm của ông ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm, cười thoải mái.

Đầu tháng 4, PĐ 237 lần lược nhận thêm nhân viên của 2 PĐ 247 và 241 từ Đà Nẳng và Phù Cát về. Dù trình diện không đầy đủ, quân số cũng hơn hai trăm. Nhờ vào tinh thần kỷ luật và tự nguyện của anh em 3 PĐ, nên việc điều động hành quân không bị xáo trộn.

Mặt Bắc tạm xong, PĐ lại qua mặt trận Long Khánh bắt đầu ngày 9/4. Hơn mười ngày tiếp tế thực phẩm, đạn dược cho Sư Đoàn 18 của Tướng Lê Minh Đảo và TĐ 82BĐQ đang quần thảo đẩm máu, khốc liệt với những SĐ Bắc Việt, đồng thời di tảng dân về vùng an toàn hoặc Long Bình. (Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ở tù cải tạo 17 năm, vừa từ trần tại Tiểu Bang Connecticut , USA, ngày 19/3/2020 hưởng thọ 87 tuổ). May mắn thay phi cơ chỉ bị lãnh đạn, nhưng không bị thiệt hại nào đáng kể. Cũng nhờ KQ dội 2 trái CBU hạng nặng (CBU- 55)gây thiệt hại nặng nề và làm chùn bước tiến của địch. Đêm 20 tháng 4, SĐ18 rút quân khỏi Xuân Lộc, lãnh thổ VNCH thu hẹp: tuyến đầu là vòng cung từ Hàm Tân qua Dầu Dây phía Đông lên Chân Thành, Lai Khê mặt Bắc và Tây Ninh Tây Bắc.

Cũng đầu tháng Tư, tôi nhận mật lịnh: PĐ luôn phải có 2 chiếc Chinook trực đêm, mục đích sẽ di tản nhân viên sứ quán VN tại Nam Vang khi cần. Ngày 17/4, Cao Miên thất thủ, không nghe ai nhắc lại lịnh trên, tôi thở ra nhẹ nhõm.

Khoảng 6 gìờ chiều ngày 21/4/75, tôi và ông anh vợ ở Saigon lên thăm, đang uống lai rai, xem TV nghe Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn tố cáo chính phủ Hoa Kỳ, TT Nixon nuốt lời hứa, bỏ rơi Đồng Minh VNCH. Cuối cùng ông tuyên bố từ chức. Tôi ngồi thừ ra, thoảng thốt, không còn muốn ăn uống gì nữa. Tiếng súng càng ngày càng gần thủ đô Saigon. Mức độ pháo kích phi trường Biên Hòa cũng tăng cường độ và chính xác. Thấy quá nguy hiểm, ngày 26 tháng 4 tôi gửi vợ con về gia đình ông bà nhạc gia ở Saigon. Trong lúc đó tất cả các PĐ khác cũng được lệnh dời về Tân Sơn Nhứt, các Phi Đoàn Trưởng đều về theo. Riêng PĐ237, Phi Đoàn Phó về, còn tôi phải ở lại Biên Hòa, tôi cũng không biết lý do.

Nhờ sự cố gắng của Phi Đạo 237 và hoa tiêu bay thử nên tổng số phi cơ PĐ khả dụng được 18 chiếc tốt. Mỗi đêm BTLKQ cho một chiếc trở lại Biên Hòa túc trực. Trưa 27 tôi và Đ/tá KĐT Vũ Quang Triệu lấy 1 chiếc Chinook đưa gia đình ông về Tân Sơn Nhất để di tản. Đây là gia đình duy nhứt của KĐ43CT có trong danh sách di tản. Trở lại Biên Hòa, không việc gì làm, nằm nhà chờ nghe pháo kích. Trốn pháo kích mãi cũng chán nên chiều tôi cũng ngồi ngoài sân nơi mà bạn bè gọi đùa là ‘Cư xá quý Tộc”, vì toàn là Snack Bar khang trang mà các ông bà chủ giao lại cho SĐ, gần Câu Lạc Bộ ( Jupiter)Trần Thế Vinh. Tôi trầm ngâm độc ẩm. Do có nội tuyến nên VC pháo kích 122 và 130 ly rất chính xác. Khuya đêm đó, phi hành đoàn Chinook biệt phái của Đ/úy Nguyễn Văn Son, về nhà tôi kiếm cơm ăn. Tội nghiệp anh em đói quá. Hiện tôi có nuôi một con gà cho các con vui, đang ấp. Tôi rất tiếc thương nó, nhưng cũng để anh em làm thịt nấu cháo ăn. Chúng tôi vui vẻ ăn uống, đâu ngờ đó là đêm cuối cùng chia tay. Sáng hôm sau, tức 28/4, chiếc Chinook biệt phái về lại Tân Sơn Nhất cùng những chiếc khác của PĐ bay tiếp tế, chuyển quân cho TĐ Dù khu Vũng Tàu Bà Rịa.


Khoảng 1 giờ trưa, nóng lòng gia đình ở Saigon, tôi lên BTL SĐ3KQ, (tạm thời đặt tại KĐ Yểm Cứ tránh pháo kích) xin về Saigon bằng phi cơ vài tiếng để thăm gia đình. Gặp Đ/tá Triệu nhờ ông ký Sự vụ lệnh. Ông bảo tôi vào gặp Tướng ký cho chắc. Vào phòng tôi gặp Ch/Tướng Huỳnh Bá Tính, và Ch/Tướng Từ Văn Bê đang nói chuyện nên tôi chưa kịp trình SVL. Bỗng có tiếng rè rè từ loa máy hotline, và tiếng Trung Tướng TLKQ: “cậu Tính”. Tướng Tính trả lời: “Tính nghe”. Giọng Tướng Minh ồ ồ, nhưng rõ ràng từng tiếng: “Lát nữa có thằng Mỹ đi chiếc trực thăng Air America lên gặp cậu. Tôi không biết nó sẽ nói gì với cậu, nhưng khi nó cất cánh đi, cậu thiêu hủy tất cả những gì cần thiết”.

Trả lời xong, Tướng Tính bảo tôi chờ. Ông hỏi quân số của Tướng Bê, ông kết luận: “ anh khoảng 6.000, tôi 6.000 là 12.000. Chính, cậu có thể đem được bao nhiêu Chinook lên đây”. Tôi trả lời: “Thưa Tướng, chắc hơn 10 chiếc”. Tướng căn dặn tôi những ưu tiên thứ tự: An ninh, gia đình quân nhân, quân nhân và cuối cùng là 600 quân nhân Liên Đoàn Phòng Thủ. Tôi định bước ra, sĩ quan trực vào báo với Tướng Tính: thiết giáp của Quân Đoàn III biệt phái phòng thủ phi trường đang rút về. Tướng bảo sao lạ vậy. Tôi nhìn đồng hồ treo tường lúc đó là 1giờ 15 chiều. Tướng Tính bảo sĩ quan trực lấy máy PRC25 đem ra xe tôi, để tôi liên lạc với ông và Chinook.

Khi ra xe, phản ứng tự nhiên, tôi chạy thẳng về cư xá cổng 2, nơi mà vợ chồng tôi và 3 cháu sống êm đềm trong suốt 5 năm qua. Tất cả gia đình ở đây đều về TSN, vắng lặng khác thường. Vào nhà, tôi đi một vòng các phòng, bàn ghế, đồ đạc còn ngăn nắp nguyên vẹn. Hình ảnh vợ con hiện ngay trong trí, tôi liên tưởng đến 3 bao cát đựng 3 bộ đồ của mỗi đứa, để cột chặt vào người khi chạy loạn. Vợ tôi tỉ mỉ may ở mặt trong bao cát một túi vải nhỏ có tờ giấy ghi địa chỉ ông bà ngoại cháu, tên họ mỗi đứa và một khâu vàng. Cẩn thận ghi chú:” ai thấy đứa bé thất lạc nầy xin mang về địa chỉ trên, xin hậu tạ”. Vợ tôi bảo đây là kinh nghiệm năm Tết Mậu Thân ngoài Huế. Tôi đứng thẩn thờ…lại định lấy cây súng shotgun hay AK-47 theo, do dự bỏ lại, với tay tắt máy lạnh. Khóa cửa, bước ra nhìn cây ổi xá lỵ trái oằn nhánh, 2 cây mãng cầu ta, hàng chôm chôm trước mặt đã đơm bông kết trái. Khóa cổng, nhìn ngôi nhà thân thương lần cuối: cây trái xum xuê.

Nghiêng đầu nhìn ra sau hè: cây mít, hai cây mận màu ngọc thạch và hai cây táo Thái lan đầy trái mà con Ci thằng Bi, Ten 5-3-1tuổi của tôi thích bẻ trái. Biết bao kỷ niệm sâu đậm, lưu luyến mà đành đoạn phải đi. Trước khi lên xe, sợ dân phá rào, phá nhà, tôi treo sâu chìa khóa trên cổng. Chạy qua PĐ vào phòng lầy túi helmet, bảo sĩ quan trực chuẩn bị di chuyển về Saigon. Hai hôm nay, dù PĐ dời về TSN, ở đây không làm việc, nhưng các sĩ quan trực vẫn chia phiên trực đầy đủ. Tôi lái qua West Ramp liên lạc với Chinook của PĐ. Tại đây gia đình KQ và lính bắt đầu tập hợp. Nhìn thấy chiếc trực thăng sơn trắng của Air America bay ngang đầu, tôi nhớ ngay lời TLKQ. Khoảng 5 phút sau, khu của Kỹ Thuật Tiếp Vận bốc khói đen trước nhứt. Nhớ các vụ di tản Miền Trung và khi thấy các kho chứa vật liệu cháy khói đen nghịt trời, ai cũng hoảng hốt. Gia đình và cả binh sĩ cũng lao nhao toán loạn, hàng ngũ rối loạn. Chuyến đầu, 12 chiếc, tôi vô cùng vất vả. Gia đình quân nhân, kể cả binh sĩ chen lấn, xô đẩy nhau lên phi cơ làm nghẽn lối, hỗn loạn. Khi cất cánh có người còn đeo tòn teng, tôi phải gọi pilot đáp xuống lại.

Những chuyến sau tôi đỡ vất vả. Tôi và Tướng Tính vẫn liên lạc thường xuyên. Tôi dự trù một chiếc chở 100 hay 110, phải mất 9-10 chuyến. Vì gần, bay thấp nên nhanh. Nhưng càng về chiều, các vụ thiêu hủy càng nhiều, những cột khói đen bay kín phi trường làm pilot rất vất vả mới đáp được vào đường di chuyển (taxi way). Đó cũng là một trở ngại lớn. Không ngờ chuyến thứ 5 một chiếc bị bắn ở cầu Hang thủng bình xăng. Tuy không bị thương, nhưng cũng phải đổi lộ trình.

Đến khoảng 5 giờ chiều, phi trường TSN bị đám phản loạn Nguyễn Thành Trung đánh bom, như tôi biết sau nầy, anh em không biết nên hốt hoảng bay toán loạn mất liên lạc. Không liên lạc được với Chinook, tôi gọi Tướng Tính và cũng không nghe trả lời. Tôi lại mất liên lạc với cả Tướng nữa sao. Trước đây thỉnh thoảng ông nhắc tôi: “Cậu cố gắng lo cho quân nhân và gia đình về Saigon”. Tôi lặng người, đứng nhìn Biên Hòa chập chùng trong khói lửa. Biên Hòa thân yêu, giờ đây trông thê thảm, tang thương, lòng tôi bồi hồi, đau xót. Biên Hòa thân thương của tôi giờ biến thành biển lửa. Xe cộ đủ loại bỏ chồng chất ngổn ngang. Quần áo, giầy dép, đồ đạc, giấy tờ rãi đầy trong bải đậu West Ramp. Số người còn lại cũng nháo nhác đợi trông. Hơn nữa, chiếc xe pick-up của tôi có lẽ chạy chậm tới lui từ trưa đến giờ nên chạy cà giựt, lại càng lo lắng. Tôi nhớ cách đây một giờ Tr/úy Đàm Quang Khánh, sĩ quan trực PĐ, trước khi lên Chinook về TSN còn nhắc tôi: “ Tr/tá về đi, em đã kinh nghiệm ở Đànẳng rồi”. Tôi tự hỏi: không lẽ tôi cũng bỏ chạy sao?
(Tr/úy Đàm Quang Khánh vừa tử nạn đúng ngày 30/4/2019 tại San Jose, California)

Trời càng tối, nhìn cảnh phi trường mịt mù khói lửa, ảm đạm, thê lương, sự lo lắng của tôi càng cao. Bất ngờ tướng Tính gọi, tôi mừng như sắp chết đuối vớ được phao, cứ ngỡ ông còn trong Bộ chỉ huy. Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng, vì vị trí tướng hiện tại ở Vũng Tàu. Tôi gọi Chinook khàn cả cổ. Mãi tới hơn 7 giờ tối tôi mới liên lạc được một chiếc. Khi phi cơ lên tới BH, trời tối, khói đen che kín bải đáp nên phải đáp gần vòng đai cuối phi đạo phía Tây.

Lên tàu xong, cất cánh qua núi Bửu Long đến cầu Mới bị bắn một tràng trung liên. Tôi lên thay co-pilot. Nghe trên tần số giọng quen: “ Các phi cơ trên tần số nầy, đổi qua tần số guard nhận chỉ thị”. Đổi tần số guard, tôi nghe: “các phi cơ lấy hướng Vũng Tàu”. Tôi yên lặng, thầm nghĩ vợ con mình còn ở dưới đất, ra Vũng tàu làm gì? .Ngay lúc đó phi hành đoàn la toán lên: “ SA-7...SA-7…” đồng thời anh em bấm trái sáng chống SA-7 (anti-SA-7 flare). Ánh sáng chớp chớp từng đợt tỏa sáng trong phòng lái. Tôi yên tâm hệ thống flare hoạt động tốt. Thình lình một luồng ánh sáng làm sáng rực cả trong tàu và phòng lái. Tôi thoáng nghĩ bị trúng SA-7 , chờ nổ chết thôi. May mắn thay, trái SA-7 trúng flare nổ, chắc cách thân tàu không xa nên lửa lóe sáng. Nhìn lại cao độ 4.000 bộ (feet), phía Nam Long Thành. Nhờ ban đêm, nên Cơ Phi ngồi sau Ramp (cửa sau), Áp Tải, Xạ Thủ ngồi hai bên cửa sổ nên phát hiện ngay tia lửa của hỏa tiển tầm nhiệt SA-7 và bấm flare kịp thời.

Đưa Tr/ úy Thanh bay về TSN. Từ trưa đến giờ không cơm nước nên đói khát và mệt lã người. Điếu thuốc đắng cả cổ, đầu óc mong lung, rối bời. Không để ý Thanh đang liên lạc với TSN, nhưng khi tôi nghe TSN quát chửi với Thanh. Tôi chụp cần lái: “ Chắc loạn rồi, anh chưa bao giờ nghe Đài Kiểm Soát dám chửi pilot, có thể VC đã chiếm TSN không chừng?”. Nhìn ánh đèn đêm thành phố Gò Công và TSN tôi biết vị trí chúng tôi ở trên Rừng Sác cao độ 4000 bộ. Chắc Thanh cũng lo lắng như tôi nên bay lạc qua đây. Đột nhiên, mấy phát phòng không 37ly nổ sáng rực, tỏa ra những vòng tròn khói đen ngang cao độ làm tôi giật mình, kéo lên, đồng thời quẹo phải lấy cao độ. Tôi nhớ ra súng phòng không thường chỉnh cao độ số chẳng nên tôi giữ ở cao độ lẻ 5500 bộ bay về Saigòn.

Tôi không dám đáp TSN nên đáp vào trường đua Phú Thọ. Xem tình hình xong, tôi tắt máy. Đ/tá Lộc Tư Lệnh SĐ101 Biệt Động Quân tân lập, lái xe Jeep ra gặp tôi: “Biên Hòa sao rồi ?.” “VC chưa đến mà đã chạy rồi Đ/tá”, tôi trả lời. Có lẽ tôi mệt quá nên cáu, mất lịch sự, trả lời nhát gừng ông vội vàng bước lại ôm vai tôi: “Bình tĩnh, vào đây với anh”, ông kéo tôi lên xe. Tôi hẹn gặp anh em phi hành đoàn sáng mai tại đây. Vào phòng họp Bộ Chỉ Huy SĐ, ông bảo lính mang cho tôi chai beer, tu một hớp, ngon như chưa bao giờ uống. Chúng tôi ngồi nghe ông Tr/tá thuyết trình tình hình. Quân của SĐ rải từ Hốc Môn về tới Saigòn. Địch kéo quân xuống khi gặp BĐQ, họ tránh giao tranh kéo qua ngã khác. Mục đích là tiến về Saigòn thật nhanh.

Tôi có hỏi riêng ý định của Đ/tá, ông bàn ra, còn kể công đã tham gia cách mạng đảo chính TT Diệm. Thấy không hợp lý ở hoàn cảnh nầy nên tôi xin phép về. Ông cho xe đưa tôi về nhà bà chị chồng của cháu tôi, (chồng nó cũng là nhân viên PĐ tôi) trong cư xá Ấn Quang. Không dám về nhà ông bà nhạc, vì tôi sợ nhiều người biết tôi. Vợ con tôi cũng trốn lại đây. Thấy tôi cả nhà đều mừng. Ăn qua loa, ngủ một giấc lấy sức. Sáng hôm sau 29/4, cả gia đình tôi bồng bế lang thang lội bộ từ Cư xá Ấn Quang về nhà ông nhạc tôi ở cư xá Lý Thường Kiệt, trước sân vận động, đường Nguyễn Kim. Sáng sớm, anh em vào lấy tàu đổ đầy xăng xong, để lại chỗ cũ, về đem gia đình vào đi. Nhưng hởi ơi! tàu bị đổi, tôi vào kiểm chiếc để lại chỉ còn 1700 Lbs xăng. Lúc nầy Tân Sơn Nhứt lại bị pháo kích nặng, tôi không thể làm gì hơn. Pilot không máy bay cũng như có súng không đạn. Vì không biết có hạm đội Mỹ đậu gần Vũng Tàu, nên đành bó tay và cũng không thể liều chở nhiều gia đình khi xăng quá ít.

* * *


Trong những trại tù từ Nam ra Bắc, vào Nam, đôi khi tôi đứng lặng bên những khu rừng già, đồi núi chập chùng xa thẩm. Cũng có lúc ngồi bên khung cửa sắt của những nhà giam chật hẹp nhìn những áng mấy bàng bạc lững lờ trôi. Lòng hồi tưởng đến chiến trường xưa, những khung trời kỷ niệm. Nơi có biết bao nhiêu bạn bè, đồng đội đã hy sinh hay mang thân tù tội. Quốc Tổ Hùng Vương ôi! Hởi Hồn Thiêng sông núi bốn ngàn năm lịch sử, có thấu cho lũ con cháu ngày nay bốn mùa khoai sắn thay cơm.

Tôi chợt nhớ đến một truyện ngắn mà thầy cho học thời Trung Học: “ Con Quốc Lạc Đàn”. Cũng như tôi, con quốc Út đứng trong chiếc lồng, nhìn bầu trời bao la tiếc rẻ, nơi mà nó từng bay nhảy vui đùa với anh em bạn bè. Nó cũng vô cùng hối hận vì không nghe lời mẹ gọi, cứ mãi mê lang thang rong chơi để cuối cùng bị mắc bẩy. Còn tôi, giờ thứ 25 của Biên Hòa, tôi vẫn nhiệt tình thi hành nhiệm vụ, để giờ phút cuối cùng không còn phương tiện ra đi. Tôi cũng không trách ai trong lúc dầu sôi lửa bỏng, đất nước điêu linh, ai cũng muốn sớm thoát bàn tay đẫm máu của CS mà lo lấy bản thân. Dù tôi qua đây sau, còn hơn không. Tôi dễ cảm thông với những anh em còn kẹt lại cùng đồng bào Miền Nam thân yêu. So với họ, gia đình tôi còn quá diễm phúc. Tôi luôn mang nìềm ân hận là chúng ta không làm tròn bổn phận đối với quê hương. Ước nguyện cuối đời tôi là tất cả chúng ta, dù ra đi với bất cứ phương tiện nào, hãy cùng đồng bào ruột thịt trong nước có cùng một hoài bảo, đấu tranh cho tương lai một Việt Nam độc lập, hoà bình, dân chủ, tự do, đa đảng và giàu mạnh.

Xin tạ lỗi với Biên Hòa.
Cúi đầu tạ tội cùng Mẹ Việt Nam.
Đứa con lưu lạc:

Nguyễn Phú Chính PĐ237

(Forumpost: Biên Hòa: Không lời từ biệt )

Rate this item
(1 Vote)