Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Các bạn không nên gọi Sài Gòn là Sài Thành - Nguyễn Gia Việt

Trong lịch sử Việt Nam, cái tên Sài Gòn tuy chỉ có hơn 300 năm tuổi nhưng nó vinh quang huy hoàng tột đỉnh. Cá tánh của Sài Gòn cũng không phải ai cũng có được, từ kinh tế, tài chánh tới văn hóa, kỹ thuật, kỹ nghệ và tầm nhìn, mà coi mòi nhút nhỉ rồi. Thành ra Sài Gòn luôn kiêu sa ở vị thế chót vót.

Đừng kêu Sài Gòn là Sài Thành vì Sài Thành là cái tên không thể hiện được sự ngạo nghễ của Sài Gòn.

Sài Thành là nhại từ Hà Thành (Hà Nội).

1-Lịch sử chữ Hà Thành

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh Việt Nam có hai quốc gia riêng biệt gọi là Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trên sách sử các giáo sĩ Tây chép là Tonkin và Cochin-Chine.

Đàng Ngoài là tên nước của chúa Trịnh vua Lê ở khúc Bắc Kỳ. Đàng Trong là quốc gia phía nam sông Gianh tới Nam Kỳ của chúa Nguyễn.

Tonkin là những chữ của Tây phương chỉ xứ Đàng Ngoài.

Trước nhứt trên bản đồ và các cuốn sách của giáo sĩ Tây, Tonkin tức là Đông Kinh là tên của Thăng Long – Hà Nội, tức lấy tên kinh đô để chỉ xứ Đàng Ngoài.

Người ta gọi Thăng Long là Kẻ Chợ. Kẻ Chợ là tên gọi khác của Thăng Long Hà Nội xưa.

Hà Thành là tên của Hà Nội trong dân gian, là mỹ tự của Hà Nội do đám sĩ phu Bắc Hà uốn lưỡi đặt ra kiểu như Tràng An, Phụng Thành, Long Thành, "Tp không vội được đâu" hay "Tp hoa sữa" vậy.

2- Lịch sử Sài Gòn

Năm 1698 tướng Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Đồng Nai lập thành huyện Phước Long, vùng Sài Gòn thành huyện Tân Bình, sử kêu là hai huyện, ta coi là năm khai sanh ra Sài Gòn.

Chúa Nguyễn Phước Chu có công rất lớn với hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn.

Những cái tên Prei NoKor, Phiên Trấn, Gia Định, Phiên An, Bến Nghé, Sài Gòn đã hình thành một đô thị an vui, no ấm, thạnh vượng của Nam Kỳ Lục Tỉnh, là đô thành của Lục Tỉnh.

"Phủ Gia Định, phủ Gia Định, nhà đủ người no chốn chốn
Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi
Lạc thổ nhóm bốn dân: sĩ nông công thương ngư tiều canh độc"


Ngày xưa tên của Sài Gòn bây giờ ở khu quận nhứt là Bến Nghé, tên của khu Chợ Lớn là Sài Gòn viết Hán tự là Đề Ngạn 堤岸 hoặc Tây Cống.

Bến Nghé là tên một con rạch ở Sài Gòn, nếu hiểu gần là con rạch có nhiều trâu nghé, nếu hiểu kiểu logic hơn là từ chữ Khmer, Kompong Kon Krabei, Kompong là bến.

Năm 1778 sau khi bị Tây Sơn thảm sát, cướp bóc, phá hủy cù lao Phố Biên Hòa, người Hoa lục đục bỏ xứ cù lao kéo về khúc Gia Định lập ra Chợ Lớn gọi là Tây Cống.

Năm 1782 Tây Sơn hành quân tàn sát Chợ Lớn giết hơn 10.000 người, quăng xác xuống sông, từ kinh Tham Lương tới sông Bến Nghé xác người dập dềnh khiến nước sông không chảy được, dân chúng không dám ăn cá tôm.

Chợ Lớn vẫn phát triển thành một trung tâm thương mãi lớn.

Lịch sử Chợ Lớn có từ ngày 20-10-1879, khi Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers ra Nghị định thành lập TP Chợ Lớn (Municipalité de Cho Lon).

Cái tên Sài Gòn chuyển qua Bến Nghé, Pháp gọi vùng Bến Nghé là Sài Gòn vì tên Bến Nghé khó đọc với họ.

Lúc đó hai thành phố Chợ Lớn và Sài Gòn là hai nơi riêng tách nhau ra.

Chợ Lớn bị xóa xổ cấp tỉnh và thành phố kể từ ngày 22 tháng 10 năm 1956 thời TT Ngô Đình Diệm sau sắc lịnh 143/VN, lúc này hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn đã gặp nhau nên nhập lại thành đô thành Sài Gòn.

3- Đừng gọi Sài Gòn là Sài Thành

Trong lịch sử Miền Nam, ông bà Miền Nam chúng ta chưa bao giờ cho Sài Gòn "ăn theo" đám bán nước miếng khi ẩn ý Sài Gòn là Sài Thành.

Viết "Sài Thành" là vừa thiếu hiểu biết, vừa không tôn trọng người Sài Gòn, giễu cợt lịch sử văn minh Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Gợi nhớ Sài Gòn xưa mà nhồi nhét trong cụm từ "Sài Thành" cũng là xúc phạm người Sài Gòn, xúc phạm văn hóa Sài Gòn.

Sài Thành không phải là danh xưng Sài Gòn trong lịch sử Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Sài Thành là nhại từ Hà Thành (Hà Nội) của những người luôn muốn Sài Gòn phải núp nách Hà Nội.

Trong lịch sử hình thành xưa rày, Sài Gòn là Sài Gòn, người Miền Nam từ cuộc sống tới thư tịch cổ chưa bao giờ kêu Sài Gòn là Sài Thành.

"Hò ơi!
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ"

4- Sài Gòn có nét riêng, có cái nghinh ngang kiểu Sài Gòn

Sài Gòn rực rỡ trong lập xứ, thể hiện bản sắc riêng, anh dũng trong chiến cuộc với quân Khmer, chống quân Tây Sơn và với người Pháp sau này.

Thành Sài Gòn xây tám cửa thinh thang từng là Gia Định Kinh của chúa Nguyễn Ánh.

Sài Gòn từ 1945 cũng hiên ngang đối diện với những người muốn thay đổi những quy luật đời thường của nhân loại và họ thất bại.

Từ năm 1946, Sài Gòn là thành đô của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ. Đến năm 1949 Sài Gòn là thủ đô của Quốc Gia Việt Nam.

“Ở sát một bên kinh thành Sài Gòn, lại nhờ mấy năm lúa gạo cao giá làm cho cuộc kinh tế đâu đâu cũng thạnh phát, nên miệt Phú Nhuận mở mang mau lẹ, ngày nay dân cư đông đảo buôn bán xôn xao xe hơi, xe điện rần rần, nhà gạch phố lầu chớn chở.” (Trích cuốn “Ông Cử” Hồ Biểu Chánh).

Đến năm 1955 Việt Nam Cộng Hòa được thành lập, Sài Gòn vẫn là thủ đô với tên gọi chánh thức là “Đô thành Sài Gòn”.

"Cùng nhau đi tới Saigon
Cùng nhau đi tới Saigon

Thủ đô yêu dấu nước Nam tự do".

Đô thành là thủ đô của một quốc gia, là nơi định đô, đặt cơ quan đầu não, là trung tâm của chánh trị nước đó.

Sài Gòn từng có đường Cộng Hòa, Công Lý, Dân Chủ, Tự Do và Thống Nhứt. Sài Gòn có dinh Độc Lập một thời huy hoàng tột đỉnh với nền giáo dục tiến bộ, nhân bản, khai phóng.

Trong văn minh thì Sài Gòn luôn đứng trên Hà Nội.

Trong cuốn “Một tháng ở Nam Kỳ” viết năm 1918 ông Phạm Quỳnh là một sĩ phu Bắc Hà kể những cảm giác dạo phố Sài Gòn, và ông đã so sánh chê Hà Nội thậm tệ.

Nên nhớ từ năm 1902 Paul Doumer đã dời thủ đô Đông Dương từ Sài Gòn ra Hà Nội, thời điểm Phạm Quỳnh vô Nam 1908 thì Hà Nội đang ngạo nghễ danh xưng thủ đô của xứ Đông Dương.

- Phạm Quỳnh khen dinh Norodom (Dinh Độc Lập) thanh thoát, chê dinh Toàn Quyền ở Hà Nội (nay là phủ chủ tịch) nặng nề, bức bối:




“Đẹp nhất, coi trang nghiêm nhất là con đường đi thẳng vào phủ Toàn quyền (người Sài Gòn thường gọi là tòa Chánh soái). Hai bên có hai khu vườn trồng những cây lớn, tối trông như hai đám rừng nhỏ, ở giữa một con đường rộng chạy thẳng băng tự đầu tỉnh đằng kia cho tới ngang cửa phủ. Coi thật là có bề thế, có vẻ tôn nghiêm, xứng đáng với một nơi tướng phủ.

Mà phủ Toàn Quyền ở đây, qui mô cũng đẹp hơn ở Hà Nội. Phủ Toàn Quyền Hà Nội tựa hồ như một đống gạch xếp vuông, trông có vững vàng bền chặt mà nặng nề biết bao nhiêu!”

- Phạm Quỳnh khen nhà Xã Tây, tức là tòa thị sảnh Sài Gòn (Hôtel de ville) và chê tòa đốc lý – tức tòa thị chánh Hà Nội:




“Mặt trước trông thẳng ra đường Charner vừa dài vừa rộng, đi đằng xa lại, coi cũng có cái vẻ trang nghiêm, xứng đáng làm nơi công sở của một chốn đô hội lớn như Sài Gòn.

Chẳng bì với nhà Đốc lý Hà Nội ta, thật so sánh mà thẹn thay. Mà Hà Nội lại là nơi thủ đô của Đông Dương!”

- Phạm Quỳnh chê luôn nhà hát lớn Hà Nội:

“Hà Nội có cái nhà hát to quá không biết dùng để làm gì, suốt cả năm bỏ vắng ngắt như chùa bà Đanh”

Rồi ông kết luận:

“Nói tóm lại, cái hình thức của thành phố Sài Gòn sánh với thành phố Hà Nội còn hơn nhiều. Từ cách đặt đường phố cho đến cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà, cho đến cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá, nhất nhất đều có tiến bộ hơn Hà Thành ta cả”

Phạm Quỳnh khen Sài Gòn nức nở:

”Người ta thường gọi Sài Gòn là cái “hạt báu của Á Đông” (la perle de l’Extrême- Orient)”

Phạm Quỳnh trong viết một câu về người và đất Nam Kỳ như sau:

“Cho nên cái cảm giác của người mới bước chân tới đây là cái cảm giác vui, vui mà tin cậy ở cái tương lai, chớ không phải buồn mà thương tiếc cho sự ký vãng”.

Phạm Quỳnh nhận ra rằng xứ Nam Kỳ, xứ Sài Gòn "nhất nhất đều có tiến bộ hơn Hà Thành ta cả" là tương lai của VN, ông ”vui mà tin cậy ở cái tương lai” của VN.

Nam Kỳ lục tỉnh là vùng đất mới, được mang danh tự do, tiến bộ, dân chủ hơn hai vùng Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Con người Nam Kỳ cũng open, lòng dạ thoáng, có nền văn hóa, xã hội, con người tân tiến.

Thành ra Pháp mới lấy Nam Kỳ làm xứ thuộc địa trong khi 2 xứ kia bảo hộ.

Nam Kỳ và Sài Gòn là trung tâm kinh tế đã nổi lên trên bản đồ Việt Nam và vai trò của nó ngày càng lớn, lớn tới mức là duy nhứt, độc tôn.

Lòng yêu nước thương dân, tinh thần cầu thị ham học hỏi ở người Nam Kỳ không bút mực nào tả xiết.

Kết luận:

Sài Gòn là thành đô mãi mãi trong lòng người Miền Nam. Mỹ tự “Kinh thành Sài Gòn” còn tồn tại trong nỗi khắc khoải của chính người Nam Kỳ.

"Sài Gòn có bến Chương Dương,
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do
Có Chợ Quán, có Cầu Kho,
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm
Có ôtô buýt khắp miền,
Vườn chơi có Thảo Cầm Viên, Tao Đàn
Bến Thành đã tiếng tăm vang
Chợ Cầu Ông Lãnh lại càng nên đi
Xe đò, xe máy, taxi
Bình Tây, Khánh Hội ngại gì xa xôi
Chánh Hưng, Phú Nhuận đây rồi
Thị Nghè, Tân Định nhiều nơi còn chờ
Trải bao thay đổi đến giờ
Khắp nơi đã rợp bóng cờ vinh quang
Sài Gòn - thủ phủ Việt Nam

Mai này kiến thiết mở mang còn nhiều"





Chúng ta yêu Sài Gòn, Sài Gòn của văn minh và tình yêu thương. Hàng triệu người được Sài Gòn cưu mang và nuôi dưỡng, thành danh ở đất Sài Gòn.

Các bạn trẻ không viết Sài Thành cho Sài Gòn. Viết "Sài Thành" là không đúng với lịch sử Sài Gòn.

Sài Gòn là đất dưới quyền cai quản của Tả Quân Lê Văn Duyệt khi ông còn sống và ngày nay cũng là Phước Thần của đất Sài Gòn.




Sài Gòn có tâm linh là ở Lăng Ông Bà Chiểu chứ không phải là Đức Thánh Trần chỉ tay ở bờ sông Bến Bạch Đằng.

Vì có công gầy dựng, phát triển Sài Gòn nên sau bị oan khuất, hạ nhục mà dân thương Tả Quân Lê Văn Duyệt nhiều hơn, từ tình cảm tới tâm linh, thành linh thần Sài Gòn Gia Định.

Lăng Ông linh thiêng trong lòng dân Nam Kỳ, đó là lòng dân, dân thương nên dân cúng.

Vì ngày xưa Tổng Trấn làm cho Sài Gòn, Nam Kỳ giàu mạnh nên nhiều người Việt lẫn Hoa coi ông là Phước Thần, thành ra cúng tế ông là cầu xin, đó là lẽ thường xuất phát từ tâm tưởng của người dân.

Mình không kỳ thị, nhưng phân biệt cho rõ mà ứng xử cho đúng với tâm thế của con cháu đời sau, những kẻ hậu sanh văn minh, ăn ở điệu nghệ, lịch sử kiểu Miền Nam rặc ròi.

Gọi Sài Gòn là Sài Thành là "mồm loa mép giải".

Đánh tráo làm chi khi lòng người mới quan trọng. Lòng Người là ý Trời đó.

Người Miền Nam rất tình cảm, chung thủy, họ vẫn nuôi dưỡng những điều mà họ đã gắn bó, góp phần kiến tạo ra dù qua năm tháng có lật lọng phũ phàng.

Cái lòng hoài vọng của dân Nam nó bảo thủ lắm, cứ nuôi, cứ thương, cứ nhớ, cứ nhắc hoài.

Đừng bao giờ nghĩ rằng người Miền Nam "lạc loài trên lịch sử tổn thương" nên muốn nói gì, viết gì cũng được.

Suốt lịch sử hình thành Sài Gòn sáng lừng năm châu bốn biển nhưng luôn bị lép vế ở mặt nào đó liên quan tới "sức mạnh" mà ai cũng biết dù nó luôn được coi là xứ nhà giàu.

Các bạn trẻ Sài Gòn và Miền Nam chú ý đặng mà viết tên quê hương mình cho đúng, cho chính xác.

Sài Gòn không phải là Sài Thành.

Sài Gòn là Sài Gòn, Gia Định là Gia Định, Chợ Lớn là Chợ Lớn mà không có "Sài Thành" gì hết.

Tất cả thế hệ sau ráng cố sức mà nhắc nhớ nhau, nhớ để không quên, quên gì quên, quên nguồi cội gốc rễ mình là bạn sẽ tiêu đời đó nha hôn!

"Người còn đây đất còn đây
Vàng son ngày ấy theo mây chốn nào?".






Rate this item
(0 votes)