Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Nguyen Huu Thien

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 26)

Hồi ký

NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA



CHƯƠNG 3 – Cửa ngõ Tự Do và Tình Người

(tiếp theo và hết)


Đưa tiễn gia đình tôi ra bến tàu Galang sáng hôm ấy có Zone phó kiêm bạn tù Sơn “lồ”, một số barrack trưởng, một vài người thân và mấy anh em trong Chi Hội Không Quân Galang.

Tuy đông nhưng không ồn ào vì biết nói gì đây?!... Tất cả những gì anh em muốn nói thì hàng chữ trên cái cổng đã nói hộ rồi.

Đó là cái cổng gỗ ở bến tàu mà tôi đã mô tả trong một kỳ trước, từ bến tàu đi vào trại nhìn lên thấy hai hàng chữ tiếng Anh:

Welcome Vietnamese Refugee To Galang Island
The Gate Of Freedom and Humanity

Còn từ trong trại đi ra bến tàu thì ở mặt sau có hai hàng chữ:

Good Bye Good Luck And Begin Your New Life With Hope
Galang An Island To Remember

(hình Gaylord Barr)


Tại bến tàu, chúng tôi, người đi cũng như người tiễn, đứng ngồi chờ dưới hai cái mái tôn lớn, được ngăn cách với cầu tàu bằng mấy hàng dây kẽm, có cảnh sát Nam Dương giữ trật tự.

Trong số các nhân viên thiện nguyện ra tiễn người đi định cư có Gaylord Barr, Debbie Dodd, và đại diện Phòng Xã Hội Nam Dương.

Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau có tiếng máy tầu vọng lại rồi một chiếc tàu tốc hành (express) chạy tới, cập vào cầu tàu thấp sát mặt biển dành cho loại tàu này.

Tới lúc đó, nhân viên của ICM (Intergovernmental Committee for Migration) và nhà cầm quyền Nam Dương mới phối hợp làm việc, đọc tên từng người trong danh sách, xem hình trong căn cước tỵ nạn rồi mới cho bước xuống tàu. Tổng cộng khoảng 150 người, đa số đi định cư ở Mỹ, Úc, một số nhỏ đi Canada và các nước Âu châu.


Một chuyến tàu “Singapore Express” (hình Gaylord Barr)


Vĩnh biệt Galang - An Island To Remember



Tàu rời bến, tôi nhìn lại những bóng người đang vẫy tay từ biệt xa dần; cũng bâng khuâng nhưng trong lòng tôi không cảm thấy ái ngại cho người ở lại như hôm rời “hoang đảo” Kuku. Bởi tôi biết chắc chắn một khi đã tới được Galang - cửa ngõ của Tự Do và Tình Người - ngoài những tiện nghi tối thiểu do Cao ủy Tỵ nạn cung cấp, sớm muộn mọi người còn ở lại cũng sẽ được đi định cư.

Chặng đường cuối...

Chiếc tàu tốc hành Galang – Singapore tuy là tàu gỗ nhưng chạy khá nhanh và êm vì đây là vùng biển đảo, ít sóng lớn. Đường chim bay từ Galang tới Singapore chỉ khoảng 75 km nhưng vì phải đi vòng qua nhiều đảo lớn nhỏ, quá trưa tôi mới thấy những tòa cao ốc của đảo quốc này nhô lên ở chân trời phía bên trái.

Nhưng khi tới gần, chiếc tàu không chạy thẳng vào bờ mà lại vòng lên hướng bắc, đi vào một eo biển hẹp, hơn một tiếng đồng hồ sau mới cập vào một bến tàu ở bờ bên trái, mà sau này tôi được biết nguyên là một căn cứ hải quân của Anh ở Singapore.

Từ bến tàu, đoàn người được hướng dẫn tới trại Hawkins Road ở gần đó. Tên gọi chính thức của trại này là Trại Thuyền nhân Tỵ nạn Việt Nam (Vietnamese Boat People Refugee Camp), số 25 Hawkins Road, thị trấn Sembawang, nằm ở phần đất phía bắc của đảo quốc. Xưa kia trại này là cư xá của căn cứ hải quân.

Bản đồ hành chánh Singapore; ngôi sao đỏ ở phía bắc là thị trấn Sembawang


Trại Hawkins Road được ghi nhận là trại tỵ nạn chính thức đầu tiên của Cao ủy Tỵ nạn LHQ ở Đông Nam Á, được thiết lập vào năm 1978, tức là trước khi có hội nghị quốc tế về người tỵ nạn Đông Dương tổ chức tại Geneva vào tháng 7 năm 1979.

Thế nhưng Singapore lại là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ngăn chặn thuyền nhân tới thẳng trại tỵ nạn, và xua đuổi họ ra biển khơi!

Hiện nay trên Remember Singapore – một trang mạng độc lập về đảo quốc này – vẫn còn phổ biến một bài viết về việc thuyền nhân Việt Nam bị xua đuổi. Tạm dịch như sau:

Một quá khứ bị quên lãng - Thuyền nhân Việt Nam tại Singapore
(A Forgotten Past – Vietnamese Boat People in Singapore)

Là một quốc gia bé nhỏ với đất đai có hạn, Singapore phải ngăn chặn làn sóng tỵ nạn. Đồng thời cũng vì lo sợ các cán bộ cộng sản Việt Nam có thể đội lốt tỵ nạn để xâm nhập đảo quốc này một cách bất hợp pháp.

Vì thế Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên trong vùng ngăn chặn thuyền nhân lên bờ, hoặc tiến vào vùng duyên hải của họ, thay vào đó cung cấp thực phẩm, nước uống và nhiên liệu rồi đuổi ra khơi.

Được mệnh danh là Cuộc hành quân Dông bão (Operation Thunderstorm), công tác này đã được Lục quân và Hải quân Singapore phối hợp thực hiện.

Chẳng bao lâu sau, các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Mã Lai đã noi gương Singapore. Nhiều chiếc ghe của người tỵ nạn khi bị tàu hải quân kéo ra biển khơi đã bị lật chìm. Hàng nghìn người bị sóng cuốn trôi, bị chết đói hoặc rơi vào tay hải tặc.


* * *


Từ năm 1975 tới năm 1979, có khoảng 5000 người tỵ nạn Việt Nam tới Singapore nhờ được tàu buôn vớt ngoài biển và đưa vào đảo quốc này.

Năm 1978, được sự đồng ý của chính quyền Singapore, Cao ủy Tỵ nạn LHQ đã sử dụng một trại lính cũ của Quân đội Anh trước đây, số 25 Hawkins Road, thị trấn Sembawang, làm nơi tạm trú cho người tỵ nạn.

Trại Hawkins Road có diện tích 5.5 héc-ta, trong trại có hơn 10 dãy nhà, nay được sử dụng làm chỗ ngủ cho người tỵ nạn. Mỗi ngày, mỗi đầu người được Cao ủy Tỵ nạn cấp phát 2.50 đô-la Mỹ để mua thực phẩm và các thứ cần thiết.

Đa số người tỵ nạn chỉ ở trại Hawkins Road một thời gian ngắn. Vì trại chỉ có sức chứa tối đa 150 người, chính phủ Singapore đã yêu cầu các nước đã nhận cho họ định cư đưa đi càng sớm càng tốt. Tuy nhiên cũng có lúc dân số trong trại lên tới cả nghìn người.

Trại Hawkins Road được xem là trại tỵ nạn tốt nhất và nhân bản nhất so với các trại tỵ nạn khác ở Đông Nam Á, nơi mà những câu chuyện kinh hoàng về những gì xảy ra cho người tỵ nạn Việt Nam, như tra tấn, cưỡng hiếp, giết hại, đã được nhiều người kể lại.

Tới cuối tháng 6 năm 1996, trại Hawkins Road chính thức đóng cửa sau khi khoảng 100 thuyền nhân sống tại đây từ năm 1990 mà không được quốc gia nào nhận cho định cư, tình nguyện trở về Việt Nam.

Tính từ năm 1978 tới năm 1996, đã có tổng cộng 32,457 người tỵ nạn Việt Nam sống ở trại Hawkins Road. Đa số đã trở thành công dân các quốc gia Âu châu, công dân Úc hay công dân Mỹ.

Remember Singapore
Đăng lần đầu: 01 tháng 7, 2011
Hiệu đính: 25 tháng 1, 2022

(Bài viết ngắn trên đây không đề cập tới chi tiết trại Hawkins Road còn được sử dụng làm nơi chờ đợi phi cơ của những thuyền nhân đã được một quốc gia nhận cho định cư, tới từ Nam Dương, Mã Lai...)

* * *


Theo những tài liệu tôi đọc được sau này cũng như hồi ký của một số nhân chứng là các thuyền nhân sống sót, thì càng ngày Hải Quân Singapore càng tỏ ra cứng rắn, thậm chí có những hành động vô lương tâm, vô nhân đạo cho nên tới cuối năm 1980 hầu như không còn một chiếc ghe tỵ nạn nào từ Việt Nam có thể lọt vào đảo quốc này.

Chỉ có những thuyền nhân nào may mắn được tàu buôn ngoại quốc vớt ngoài khơi rồi đưa vào Singapore mới được đặt chân lên bờ, với điều kiện quốc gia (của tàu buôn) đó phải cam kết bằng văn bản sẽ nhận những thuyền nhân này định cư và đưa họ ra khỏi Singapore trước thời hạn 90 ngày!

Tới đây tôi xin được nhắc tới và đề cao lòng nhân đạo của các tổ chức tư nhân và tàu buôn của các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu trong việc cứu vớt thuyền nhân Việt Nam trên biển Đông.

Theo con số của Cao ủy Tỵ nạn LHQ, từ năm 1975 tới năm 1987 đã có tổng cộng 839,228 người Việt tạm trú tại các trại tỵ nạn của Cao ủy ở Đông Nam Á và Hương Cảng, trong số này có khoảng 5% (42,918 người) vượt thoát bằng đường bộ tới Thái Lan.

Cũng trong khoảng thời gian nói trên, 749,929 người đã được đi định cư tại các quốc gia đệ tam; nhiều nhất là Hoa Kỳ (402,382), kế tới là Pháp (120,403), Úc (108,808) và Canada (100,012).

Tuy nhiên nếu chỉ xét về hoạt động cứu vớt thuyền nhân trên biển Đông thì Tây Đức, Hòa Lan và các nước Bắc Âu phải được nêu danh hàng đầu.

Trước hết nói về Tây Đức, có lẽ không một người Việt tỵ nạn nào không một lần nghe tới tên con tàu “Cap Anamur”.

Nguyên vào năm 1979, sau hội nghị quốc tế về người tỵ nạn Đông Dương do Cao ủy Tỵ nạn LHQ tổ chức tại Geneva, cùng với việc chính phủ Tây Đức mở rộng vòng tay đón nhận người ty nạn, Tiến sĩ Rupert Neudeck (1939 – 2016), nguyên là một nhà giáo kiêm ký giả Đức, đã cùng bà vợ Christel và một nhóm bạn đứng ra thành lập tổ chức “A ship for Vietnam” (Một con tàu cho Việt Nam), với mục đích cứu vớt các thuyền nhân trên biển Đông phải đối diện với hiểm nguy phong ba bão táp và hải tặc.

Với tiền quyên góp từ dân chúng Đức, tổ chức của ông Rupert Neudeck đã mướn được chiếc tàu chở hàng Cap Anamur của Pháp và đưa sang biển Đông hoạt động.


Tàu Cap Anamur


Lúc đầu, không ít người đã bi quan cho đây là một công việc phiêu lưu vô định, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những kết quả tốt đẹp ngoài sự mong đợi của mọi người đã cho thấy sáng kiến ông Rupert Neudeck thật tuyệt vời!

Với sự yểm trợ tài chánh từ khắp nơi, sau đó “Một con tàu cho Việt Nam” đã trở thành hai, rồi ba con tàu - Cap Anamur I, II và III.

Tính tới năm 1986, tổ chức “A ship for Vietnam” đã cứu vớt được 10,375 thuyền nhân trên biển Đông và chăm sóc trên 35,000 người đau yếu, kiệt sức.

Cũng trong năm 1986, sau khi Cao ủy Tỵ nạn LHQ áp dụng “chính sách thanh lọc” đối với những thuyền nhân mới tới các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á, tàu Cap Anamur II đã đưa 358 thuyền nhân không được một quốc gia đệ tam nào cấp chiếu khán về thẳng hải cảng Hamburg của Tây Đức. (Chú thích 1)


Tàu Cap Anamur II chở thuyền nhân VN tới Hamburg, tháng 5 năm 1986

 

Tiến sĩ Rupert Neudeck (trái) và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel


Năm 2005, đánh dấu 30 năm miền Nam VN bị lọt vào tay cộng sản Bắc Việt, ông Rupert Neudeck đã được mời lên chương trình Paris By Night 77 để được phỏng vấn và tri ân về những gì mà ông và tổ chức A ship for Vietnam - còn gọi là Ủy ban Anamour - đã làm được cho thuyền nhân Việt Nam.


* * *


Về phần Hòa Lan, tuy không có những cá nhân đứng ra vận động thành lập các tổ chức như A ship for Vietnam nhưng hoạt động âm thầm của các công ty hàng hải và nhân viên đã mang lại kết quả thật ấm lòng.

Viết một cách chính xác, các công ty hàng hải ấy đã cố tình làm lơ, nếu không muốn nói là bật đèn xanh, để các tàu buôn của mình ưu tiên cứu người tỵ nạn trên biển cả, bất chấp những thiệt hại về doanh thu của công ty.

Theo một bài trên trang mạng Vạn Giã Quê Tôi viết về hoạt động nhân đạo nói trên, hai công ty hàng hải Hòa Lan đóng góp nhiều nhất vào việc cứu vớt người Việt trên biển là Smit Lloyd và Ned Lloyd. Chỉ trong hai năm 1980 và 1981, hai công ty này đã vớt được trên 2300 thuyền nhân Việt Nam.

Còn theo thuyền trưởng Willem Christ của công ty Smit Lloyd, trước sau các tàu buôn của công ty đã vớt được trên 10,000 thuyền nhân Việt Nam rải rác khắp vùng biển Đông Nam Á, trong đó chỉ có khoảng 400-500 do tàu của ông vớt, nghĩa là còn rất nhiều tàu khác của công ty Smit Lloyd đã tham gia hoạt động nhân đạo này.

Ông Willem Christ chỉ được mọi người biết tới tên tuổi vào năm 2012 sau khi bà mẹ của Alisha, một nữ thuyền nhân Việt Nam được ông cứu vớt trước đó 30 năm nhờ đài truyền hình SBS TV của Úc giúp tìm kiếm vị ân nhân của gia đình mình. (Chú thích 2)


* * *


Theo phóng sự trên SBS TV, vào một đêm trong tháng 2 năm 1982, chiếc thương thuyền của công ty Smit Lloyd do ông Willem Christ làm thuyền trưởng đang đi trên biển Đông thì khám phá ra chiếc ghe lâm nạn.

Đó là một chiếc ghe chở 168 thuyền nhân Việt Nam đang bị trôi giạt. Trước đó mấy ngày, ghe bị chết máy, các “chuyên viên” trên ghe đã liên tục tìm đủ mọi cách để sửa cái máy tàu nhưng nó vẫn không chịu nổ; giờ đây thực phẩm và nước uống đã cạn; cái chết chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nhưng cứu tinh đã tới kịp thời: chiếc tàu của thuyền trưởng Willem Christ. Trong số thuyền nhân được vớt có cô bé Alisha 2 tuổi, cha mẹ và một người cậu của cô.

Sau khi chắc chắn tất cả mọi người đã được vớt lên tàu, ông Willem Christ đã cho tàu ủi chìm chiếc ghe tỵ nạn để dàn cảnh đây là một tai nạn. Ông giải thích với phóng viên SBS TV:

“Một khi chiếc ghe bị chìm trên biển, họ không còn là người tỵ nạn nữa mà theo quốc tế công pháp, là những người lâm nạn bắt buộc phải cứu vớt... Ngày ấy, tôi đã ghi trong nhật ký hàng hải (logbook): Trong màn đêm, tàu đụng phải một vật nổi phía trước.”

“Chúng tôi không có gì để đãi họ ngoài một ly nước lạnh, tôi nói với họ - như tôi luôn nói với những thuyền nhân khác được chúng tôi vớt - đừng cám ơn chúng tôi, mà hãy cám ơn trời đã cho quý vị được may mắn gặp chúng tôi trên biển Đông này.”

Đoàn người được chiếc tàu của ông Willem Christ đưa tới đảo Pulau Bidong, thuộc lãnh thổ Mã Lai, nơi có một trại tỵ nạn của Cao ủy Tỵ nạn LHQ.


* * *


Gia đình của Alisha được định cư tại thành phố Melbourne, Úc-đại-lợi. Ngay sau khi tạm gọi là an cư lạc nghiệp trên quê hương thứ hai, bà mẹ của Alisha đã bỏ công tìm kiếm vị thuyền trưởng ân nhân của gia đình mình nhưng không có kết quả.

Nguyên nhân chính không phải vì ở Hòa Lan không ai biết, hoặc không ai còn nhớ về việc con tàu của ông Willem Christ vớt 168 người vào đầu năm 1982, mà chỉ vì ngày ấy do những nguyên nhân tế nhị, phức tạp liên quan tới bảo hiểm và trách nhiệm trước công ty, công việc cứu người trên biển Đông của những chuyến tàu của hai công ty Smit Lloyd và Ned Lloyd đã không được ghi lại đúng với thực tế đã diễn ra!

Sau gần 30 năm, bà mẹ của Alisha mới tìm ra vị cứu tinh năm xưa, và cô con gái hai tuổi ngày ấy nay đã đại diện gia đình tới thủ đô Hòa Lan Amsterdam tái ngộ vị thuyền trưởng.

Alisha nói trên SBS TV:

“Thật tuyệt vời khi tôi có cơ hội tái ngộ với người đã cứu vớt tôi. Chính nhờ ông Willem Christ - cùng với công ơn cha mẹ - mà tôi có được cuộc sống hiện nay. Bằng không, có thể tôi đã trở thành một kẻ ăn xin trên đường phố Việt Nam, hoặc nằm trong số những người đã vùi thây dưới lòng biển”.

* * *


Tôi không nhớ nhiều về thời gian sống ở trại Hawkins Road bởi vì trên thực tế cũng chẳng có nhiều điều đáng nhớ.

Lúc đó khoảng 3, 4 giờ chiều, đoàn người được một nhân viên Cao ủy Tỵ nạn nói tiếng Anh (có lẽ là người Hoa) và một thông dịch người Việt hướng dẫn vào trại.

Phía trước trại có một cái cổng sắt trên có hai hàng chữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh:

HÂN HOAN CHÀO ĐÓN CÁC BẠN
WELCOME TO HAWKINS ROAD


và huy hiệu của Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR).

Cổng trại Hawkins Road. Ngôi nhà lầu mái ngói đỏ phía trong là cửa tiệm bách hóa & hàng quán ăn uống


Vào bên trong, phía tay trái có một cái nhà tiền chế trông giống như một trailer lớn, có lẽ trước kia là Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn, nay được các nhân viên an ninh sử dụng.

Chúng tôi được đưa vào phía trong, tới trước một văn phòng nho nhỏ. Tại đây chúng tôi được nhân viên Cao ủy Tỵ nạn phổ biến một số việc như sau:

- Về nơi tạm trú, vì hầu hết các dãy nhà trong trại đều đã có người chiếm ngụ, chúng tôi cứ việc tới những căn còn trống, hoặc bất cứ căn nào đang có người ở xin họ chia bớt cho một khoảng trống để đặt lưng; cuối cùng, nếu vẫn không có chỗ thì ngủ tạm ở ngoài hàng hiên.

- Tại các căn nhà đều có bếp (dầu hôi), nồi niêu xoong chảo, mền chiếu của những người đi định cư để lại, chúng tôi có thể sử dụng.

- Bắt đầu từ ngày mai, mỗi ngày mỗi đầu người sẽ được Cao ủy Tỵ nạn cấp phát 2.50 đô-la Mỹ để chi dụng. Văn phòng trại sẽ có thông báo trên loa phóng thanh.

- Thực phẩm và mọi thứ cần thiết có thể mua ở cửa tiệm đối diện văn phòng trại.

- Mọi người có thể ra phố tham quan, mua sắm nhưng nên hỏi kỹ đường đi nước bước để khỏi bị lạc...

Khi đi vào các dãy nhà để tìm chỗ tá túc, tôi đã phải chán nản khi thấy ở những dãy nhà nằm phía ngoài, có nơi người ta đã phải trải chiếu ngoài hàng hiên!

Nhà ở đây là nhà mái ngói tường gạch nhưng được xây từ đầu thế kỷ, lại bị bỏ trống trong nhiều năm trời cho nên khá bệ rạc.

Trong khi gia đình bà chị vợ (7 người) kéo nhau vào sâu hơn ở phía trong với hy vọng tìm được chỗ trống, tôi vẫn đứng tần ngần trước một căn nhà trông tương đối sạch sẽ, dự tính sẽ vào hỏi, nếu không còn chỗ sẽ ở tạm ngoài hàng hiên. Gia đình tôi chỉ có hai vợ chồng với hai con nhỏ nên cũng dễ xoay sở.

Bỗng một người đàn ông từ trong nhà bước ra, nheo mắt nhìn tôi rồi buột miệng chửi thề:

- Địt mẹ mày Thiện!

Tôi kinh ngạc, sững sờ vì trước mắt tôi không ai khác hơn là Phạm Khắc Khiêm, tay trung úy Hải Quân cùng Đội từ những ngày đầu cải tạo ở Thành Ông Năm, “ân nhân” đã chỉ dẫn tôi cách đi biển đồng thời cũng là “oan gia” đã mua cho tôi cái hải bàn M88 dổm!

Tay bắt mặt mừng xong xuôi, Khiêm kể đại khái vợ chồng hắn và đứa con nhỏ vượt biên đầu năm 1982 (sau tôi mấy tháng), tới Pulau Bidong được Mỹ nhận ngay vì có cha mẹ và tất cả anh chị em đã di tản hồi năm 1975 và định cư ở Mỹ; hắn sang Singapore cách đây hai tuần và ngày mai sẽ đáp phi cơ đi Mỹ!

Tới phiên tôi cũng kể sơ chuyện vượt biên của mình. Rồi Khiêm dắt chúng tôi vào nhà lúc đó đã có hai gia đình tạm trú. Hắn dọn dẹp cái khoảng trống được sử dụng làm nhà bếp, nói chúng tôi ngủ đỡ, ngày mai hắn sẽ bàn giao “giang sơn” của hắn.

Đêm hôm đó hai thằng bạn tù ngồi ở hàng hiên nói chuyện tới khuya. Riêng tôi, khi thuật lại chi tiết chuyến đi đầy sóng gió của chiếc ghe 7 mét rưỡi của mình, tôi dấu nhẹm việc cái hải bàn M88 Khiêm mua giúp tôi là đồ dổm!

Bởi vì cuối cùng cả hai thằng bạn tù và gia đình cũng đã tới được bến bờ tự do mà không bị trầy vi sứt vảy. Tôi không muốn Khiêm bị cụt hứng vì cái chuyện không vui ấy!

Sáng hôm sau, khoảng 10 giờ, đại diện Cao ủy Tỵ nạn vào trại phát tiền, mỗi ngày một đầu người được 2.50 đô Mỹ, tức 5 đô-la Singapore theo thời giá (tôi không nhớ rõ mỗi lần được phát tiền cho mấy ngày).

Sau đó vợ của Khiêm dẫn chúng tôi vào cửa tiệm đối diện văn phòng trại. Đó là tầng trệt của một ngôi nhà lầu khá lớn, vừa bán các loại thực phẩm khô (kể cả gạo), các mặt hàng tạp hóa, dầu hôi để nấu bếp, vừa kiêm quán ăn và giải khát.

Phía trước có tấm bảng hiệu ghi bằng ba ngôn ngữ Hoa, Mã Lai và Việt Nam.

Xế chiều, chúng tôi tiễn gia đình Khiêm lên xe bus đi ra phi trường rồi trở về “giang sơn” vừa được hắn bàn giao: cái phòng nho nhỏ có cửa, diện tích vừa đủ trải hai chiếc chiếu.

* * *


Tạm quên đây là trạm dừng chân cuối cùng trước khi tới miền đất hứa, phải nói cuộc sống ở Trại tỵ nạn Hawkins Road buồn chán vô cùng. Đã không có bất cứ sinh hoạt giải trí nào lại thêm tâm trạng nôn nao trong lúc chờ đợi được gọi tên đi ra phi trường, cho nên tuy tối tối cũng có ti-vi màu phía trước văn phòng, cũng chiếu phim tập võ hiệp Hoàng Phi Hùng của Tàu, chương trình ca nhạc Solid Gold của Mỹ, các trận đá banh quốc tế... mà hồi còn ở Galang chúng tôi say mê theo dõi, nhưng cũng chẳng có mấy người xem!

May mắn nhất là những người vừa có tiền vừa có người quen biết ở Singapore đưa đi tham quan danh lam thắng cảnh của đảo quốc và mua sắm, ăn uống ở Downtown. Còn những ai rời Galang không một xu dính túi như gia đình tôi thì chỉ biết quanh quẩn trong hàng rào của trại Hawkins Road và... ăn đầu heo!

Để những người tỵ nạn ngày ấy không ghé Singapore hiểu được nỗi đau khổ phải ăn đầu heo, tôi xin có đôi dòng giải thích.

Không biết kỹ nghệ thịt heo đóng hộp ở đảo quốc này mỗi ngày giết bao nhiêu con, chỉ biết đầu heo ở Singapore là món thịt tươi rẻ mạt chưa từng thấy trên cõi đời này. Cứ hai ba ngày lại có một chiếc xe vận tải nho nhỏ chở thực phẩm tươi - rau trái, thịt cá - vào trại Hawkins Road để bán cho dân tỵ nạn. Mỗi cái đầu heo (heo kỹ nghệ, to bằng đầu con bê) chỉ giá 2.50 đô-la Singapore (1.25 đô-la Mỹ), trong khi một bịch 4 trái táo xanh nhỏ xíu, héo hắt (nhập cảng từ Úc, Tân-tây-lan) đã giá một đô-la!

Mặc dù trong suốt chín tháng ở Galang, ba bố con tôi chỉ được ăn thịt heo tươi một lần duy nhất vào dịp Tết ta, nhưng sang Singapore phải ăn đầu heo mấy ngày liền cũng vẫn ngán tới cổ, vợ tôi phải bấm bụng cho chồng con ăn tôm cá tươi một ngày trước khi mua cái đầu heo kế tiếp!


* * *


Sau ba bốn ngày cấm cung trong trại Hawkins Road, tôi quyết định “xuống phố”. Phố ở đây là thị trấn Sembawang, cách trại Hawkins Road gần một km, nằm ở cực bắc hòn đảo Singapore.

Sembawang là một trong hơn 20 đơn vị hành chánh, thương mại của Singapore mà các tư liệu tiếng Anh khi viết về đảo quốc này đã không thống nhất cách gọi, chỗ thì gọi là city, chỗ gọi là town, chỗ gọi là district..., ở đây tôi gọi là thị trấn (town) nếu ở ngoại ô, hoặc khu vực (district) nếu ở trung tâm. Gọi như thế để phù hợp với việc Wikipedia gọi Singapore là một “quốc gia thành phố” (city-state), nghĩa là cả nước chỉ là một thành phố lớn, tương tự Monaco bên Âu châu.

Singapore (trước 1975 người miền Nam gọi là Tân Gia Ba), danh xưng chính thức là Cộng Hòa Singapore (Republic of Singapore), là một hòn đảo nằm ở phía nam bán đảo Mã Lai, một bề 50 km, một bề 27 km, dân số gần 6 triệu (thống kê năm 2023).

Phía nam phân cách với Nam Dương bằng eo biển Singapore, phía bắc phân cách với Mã Lai bằng eo biển Johor - tuy gọi là eo biển (strait) nhưng thực ra bề ngang chưa tới 1 km, trông giống như một con sông, đứng bờ bên này có thể thấy bờ bên kia khá rõ.

So với các thị trấn khác, Sembawang tương đối nhỏ và thưa vắng. Sembawang trở thành một thị trấn có lẽ chỉ vì trước kia có căn cứ hải quân và nay có các cầu tàu (piers).

Nhưng dù nhỏ và thưa vắng, trước mắt tôi Sembawang cũng là thị trấn văn minh, hiện đại nhất mà tôi được được biết từ trước tới nay. Cái gì cũng mới lạ, đẹp mắt, đường phố sạch sẽ, hàng quán khang trang..., cả đến con người cũng khác hẳn người Hoa ở Chợ Lớn trước kia, sạch sẽ, sáng sủa, dễ nhìn hơn nhiều.

Sau khi tham quan một vòng trung tâm thương mại của Sembawang, tôi trở về trại và chiều hôm sau rủ vợ con ra phố, mua KFC cho hai đứa nhỏ còn vợ chồng ăn mì ở cái quán lộ thiên có vẻ bình dân nhất ở gần bờ tôi mà đã nhắm từ hôm trước. Lỡ chơi bảnh tôi tới luôn, mua một gói thuốc lá Winston của đế quốc Mỹ và một lon bia Tiger của Singapore rồi ra ngồi trên băng ghế bên bờ ngắm cảnh.

Lúc đó tôi mới chú ý tới mấy người đàn ông ngồi gần đó, trên băng ghế hoặc dưới mặt cỏ, vừa giải khát vừa trò truyện với nhau.

Tôi đoán họ là người Mã Lai qua ngôn ngữ cũng như nét mặt, màu da. Thấy họ cũng có vẻ hiền lành, tôi lân la làm quen, hỏi chuyện bằng tiếng Anh, dù cả đôi bên không lưu loát cho lắm cũng có thể hiểu được nhau.

Đó là những công nhân Mã Lai sang Singpore làm việc dưới hình thức sau này rất phổ biến tại Việt Nam: xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Và cũng giống như đại đa số XKLĐ Việt Nam hiện nay, ngày ấy người Mã Lai sang Singapore chỉ để làm cu-li (lao động tay chân) cho người Tàu Singapore. Sau này tìm hiểu tôi được biết vào cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, công nhân Mã Lai chiếm tới 40% lực lượng lao động ở Singapore, đa số là lao động nặng.

Phải lao động nặng hơn với số lương thấp hơn người bản xứ nhưng dân Mã Lai vẫn tranh giành nhau đi XKLĐ sang Singapore vì ở Mã Lai thiếu công ăn việc làm, và nếu có kiếm được thì lương cũng rất thấp so với bên Singapore.

Chưa hết, các công nhân Mã Lai còn bị nhà cầm quyền Singapore “bóc lột” bằng cách quy định một lệ phí visa lao động khá nặng, cứ ba tháng lại phải đóng một lần!

Một trong hai công nhân Mã Lai trò chuyện với tôi còn khá trẻ và ra vẻ có trình độ đã không dấu được sự cay đắng trước những bất công, tủi nhục của người XKLĐ Mã Lai ở Singapore.

Tới lúc đó tôi mới hiểu những công nhân Mã Lai chiều chiều kéo nhau ra cái bờ đá này không phải để ngắm sóng nước mà để nhìn về quê nhà ở ngay phía bên kia. Nghĩ tới thân phận lưu vong của mình, quê hương xa nghìn dặm không biết có ngày về hay không, tôi thầm cầu mong cuộc sống ở nơi chốn được nhiều người gọi là “miền đất hứa” sẽ không đến nỗi thê thảm như những người XKLĐ Mã Lai ở Singapore!

* * *


Ở trại Hawkins Road được khoảng một tuần, bà chị vợ rủ vợ tôi và mấy người khác ra phố Singapore, dân địa phương gọi là “Downtown”.

Như tôi đã có lần viết, không phải người “tỵ nạn cộng sản” nào cũng khố rách áo ôm như gia đình tôi mà có những người giàu, thậm chí rất giàu, chẳng hạn các gia đình người Hoa ở Chợ Lớn, sau khi phong trào “đi bán chính thức” chấm dứt đã tung vàng ra để vượt biên với tư cách tỵ nạn cộng sản.

Những người Hoa này ra phố Singapore như cơm bữa cho nên họ rành rẽ mọi thứ, từ đường đi nước bước, danh lam thắng cảnh, trung tâm thương mại, ẩm thực... Cho nên ai muốn ra phố cứ việc đi theo họ, khi về chỉ cần nhớ bến và số xe bus.

Lúc đầu vợ tôi không muốn đi vừa vì không có tiền mua sắm vừa vì bầu bì, nhưng sau khi tôi đồng ý hộ tống, nàng đã đi theo bà chị.

Đoàn người chờ ở trạm khoảng 10 phút thì xe bus tới. Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy một chiếc xe bus lớn, đẹp, tối tân, tiện nghi như thế. Theo sự hướng dẫn của mấy người Hoa Chợ Lớn, chúng tôi lần lượt bước lên xe, bỏ tiền cắc vào cái khe trên máy bán vé tự động, lấy vé rồi tìm chỗ ngồi.

Đi được nửa đường, tôi đã thấy những tòa nhà chọc trời từ xa xa. Càng tới gần trong tâm thành phố càng có nhiều bóng cây xanh, đủ loại hoa muôn màu hai bên đường, đem lại một cảm giác thật dễ chịu.

Bước xuống xe ở một trạm ở gần trung tâm thành phố, nơi tập trung những tòa nhà cao nhất, như một phản xạ, tôi nghểnh cổ nhìn lên để ước đoán bao nhiêu tầng, chẳng khác nào mấy anh nón cối đứng trước khách sạn Caravelle (10 tầng), khách sạn President (14 tầng) ở Sài Gòn hồi năm 1975!

Thực ra, vào thời gian này - đầu thập niên 1980 - Singapore mới bước vào giai đoạn phát triển, phố xá nhà cửa không chỉ thua các thành phố lớn của Nhật Bản mà còn không bằng Hương Cảng, nhưng với một người Việt vừa rời bỏ một Sài Gòn suy tàn dưới chế độ cộng sản, những tòa cao ốc, những thương xá với kiến trúc tân kỳ của Singapore phải được xem là biểu tượng điển hình của thế giới tư bản văn minh hiện đại mà chúng tôi sắp được bước chân vào.


Khu “Downtown” của Singapore vào năm 1982


Trong khi các bà các cô và đám con nít đi vào các thương xá, tôi đi một vòng khu phố. Nhận xét đầu tiên của tôi là sự sạch sẽ tới mức khó tin ở những nơi chốn công cộng, không một cọng rác, không một tàn thuốc lá, không một miếng giấy gói kẹo; kế đến là những thảm cỏ xanh rì xen lẫn hoa lá muôn màu được chăm sóc, cắt tỉa công phu...

Đường xá rộng lớn, hầu như chỉ có xe hơi và xe bus chứ ít thấy xe gắn máy và xe vận tải (xe vận tải chỉ được phép vào phố trước bình minh), còn taxi thì phần lớn là hiệu Mercedes!

Trước năm 1975 tôi chưa hề ra khỏi Việt Nam cho nên chỉ biết các thành phố lớn ở Á châu như Tokyo, Osaka, Hương Cảng, Thượng Hải, Đài Bắc... qua hình ảnh. Riêng Singapore cho tới giữa thập niên 1960 vẫn chưa có tiếng tăm gì, và nếu truyền thông quốc tế có nhắc tới thì cũng chỉ vì những rắc rối, bất ổn qua việc thành lập Mã Lai Á.

Ngược dòng lịch sử, trước năm 1963, Liên bang Mã Lai (Federation of Malaya) gồm các tiểu vương quốc và tỉnh tự trị nằm trên Bán đảo Mã Lai (Malay Peninsula).

Ngày 16/9/1963, do sự vận động của Anh quốc, một tân quốc gia được thành lập mang danh xưng Mã Lai Á (Malaysia), gồm Liên bang Mã Lai và ba cựu thuộc địa của Anh là North Borneo, Sarawak và Singapore.

Ý đồ của người Anh trong việc thành lập Mã Lai Á ai cũng thấy rõ: thông qua người Hoa duy trì ảnh hưởng tại khu vực, vì người Hoa chiếm tới 40% dân số của tân quốc gia này (75% ở Singapore, 23% ở Mã Lai) và đa số các cơ sở thương mại nằm trong tay họ.

Lo ngại trước việc Đảng Nhân Dân Hành Động của Lý Quang Diệu, lãnh tụ Singapore, sẽ làm mưa gió trong các cuộc bầu cử liên bang, Thủ tướng Tunku Abdul Rahman đã cố tình tạo ra căng thẳng sắc tộc (trong đó có căng thẳng giữa người Hoa sống ở Mã Lai với người Hoa sống ở Singapore), để rồi tới ngày 8 tháng 8 năm 1965, Quốc hội Mã Lai đã bỏ phiếu loại trừ Singapore ra khỏi Mã Lai Á với 126/126 phiếu thuận.

Lãnh tụ Singapore Lý Quang Diệu tuyên bố thành lập Cộng hòa Singapore (Republic of Singapore).

LƯU Ý: Trước năm 1975, truyền thông miền Nam có một sự phân biệt rõ rệt giữa hai danh xưng “Mã Lai” (Malaya) và “Mã Lai Á” (Malaysia).

Chữ “Mã Lai” để gọi người Mã Lai, bán đảo Mã Lai (Malay Peninsula), và Liên bang Mã Lai (Federation of Malaya) trước năm 1963, còn chữ “Mã Lai Á” để gọi tân quốc gia Malaysia (sau 1963).

Về phần truyền thông của cộng sản Hà Nội thì phiên âm Malaysia thành Ma-lai-xi-a, cũng giống như họ gọi Úc-đại-lợi là Ôx-tơ-rê-li-a, Tân-tây-lan là Niu-di-lơn vậy.

Rất tiếc, sau năm 1975 hầu hết người miền Nam cũng như người Việt hải ngoại đã quên danh xưng Mã Lai Á để chỉ gọi ngắn gọn là Mã Lai (cho nên tôi cũng đành phải gọi theo).


* * *


Chính thức trở thành một tân quốc gia trên bản đồ thế giới vào năm 1965, với diện tích khoảng 700 km2 (1/3 diện tích Sài Gòn – Gia Định trước 1975), dân số 1.8 triệu người, tài nguyên không có, kỹ nghệ chưa phát triển, Singapore hầu như chỉ là một con số không, cho nên Thủ tướng Lý Quang Diệu mới ước ao một ngày không xa Singapore sẽ bằng Sài Gòn của miền Nam VN!




Phố phường Singapore vào năm 1969


Nhưng chỉ cần 15 năm - một khoảng thời gian quá ngắn trong chiều dài lịch sử của một dân tộc - Singapore đã không chỉ vượt xa Việt Nam, qua mặt các nước Đông Nam Á mà còn hiên ngang sánh vai với những quốc gia phát triển, giàu mạnh hàng đầu thế giới.



* * *


Mang mặc cảm thua kém và tâm trạng buồn tủi cho đất nước, tôi không còn hứng thú chiêm ngưỡng những tòa nhà cao ngất ngưởng, những thương xá tráng lệ nữa mà đi ra bên ngoài khu Downtown để quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của người dân “Thành phố Sư tử”.

Trước hết nói về “người”, người Hoa ở Singapore nói chung so với người Hoa ở Chợ Lớn trông thanh tú, cao ráo, sạch sẽ, ăn mặc tươm tất, sang trọng hơn nhiều.

Trong khi 99% người Hoa ở Chợ Lớn nói chuyện với nhau ngoài đường phố bằng tiếng Hoa thì ở Singapore chỉ có người trung niên trở lên sử dụng tiếng Hoa, còn lại đám trẻ độ tuổi 30 trở xuống thì 99% nói tiếng Anh. Từ đó tôi mới hiểu tại sao đường phố Singapore đâu đâu cũng có những poster song ngữ của Bộ Văn Hóa bằng tiếng Quan Thoại và tiếng Anh: Learn Mandarin (Hãy học tiếng Quan thoại).

Ra khỏi khu Downtown tôi thấy một sinh hoạt thương mại hơi giống với ở Sài Gòn trước năm 1975, đó là những dãy sạp trên vỉa hè hai bên đường, bán quần áo, đồ chơi, máy radio-cassette... Viết là “hơi giống” vì những cái sạp ở đây rộng lớn, cao ráo, sạch sẽ, ngăn nắp hơn những cái sạp hai bên đại lộ Lê Lợi ngày xưa rất nhiều.

Tôi bị dãy sạp bán máy radio-cassette thu hút, không phải để mua vì làm gì có tiền mà chỉ để ngắm. Tới gần tôi mới khám phá ra ngoài máy móc người ta còn bán băng cassette nhạc ngoại quốc, đa số là nhạc Anh Mỹ, toàn nhạc hay mà giá chỉ 1 hoặc 2 đô-la Singapore (tức 50 xu hoặc 1 đô-la Mỹ). Giá rẻ mạt như thế bởi đây là băng “lậu”.

Tôi vô cùng thích thú vì trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi chỉ biết đĩa hát “lậu”. Còn nhớ ngày ấy chỉ trừ một số cậu ấm cô chiêu có tiền mua đĩa hát ở tiệm Anna (đường Nguyễn Huệ) hoặc thân nhân ở ngoại quốc gửi về, đa số người yêu nhạc ngoại quốc chỉ có một nguồn thưởng thức duy nhất là các chương trình nhạc ngoại quốc yêu cầu, nhạc ngoại quốc chọn lọc trên đài phát thanh.

Tới giữa thập niên 1960, tại một số sạp bán hàng bên lề đường bắt đầu bán những đĩa hát bằng nhựa (vinyl) màu vàng cam với giá chỉ bằng 1/3 đĩa o-ri-gin bán trong tiệm. Đó là những đĩa hát làm lậu tại Hương Cảng, Đài Loan, Singapore, tuy chất lượng kém nhưng nếu chơi trên những dàn máy rẻ tiền thì không phân biệt được.

Hương Cảng lúc đó còn là một nhượng địa của Anh quốc, luật lệ lỏng lẻo, ai muốn làm gì thì làm cho nên không chỉ trở thành trung tâm làm hàng giả lớn nhất thế giới, mà còn là nơi in ấn sách báo “lậu”, sản xuất đĩa nhạc “lậu” với quy mô lớn.

Đài Loan thì không ký hiệp ước văn hóa song phương với bất cứ quốc gia nào cho nên tha hồ làm đĩa hát lậu, in sách lậu; phổ biến nhất là sách học ngoại ngữ, chẳng hạn bộ Cours de Langue et de Civilization Française mà học sinh trung học tại miền Nam VN học sinh ngữ Pháp bắt buộc phải mua.

Còn Singapore vốn đã là một hải cảng tự do (free port) từ thời còn là thuộc địa của Anh quốc, sau khi trở thành một quốc gia riêng biệt (1965) vẫn duy trì tư thế hải cảng tự do để thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc (không phải đóng thuế) để tạo công ăn việc làm cho người dân, và không đánh thuế hàng hóa để thu hút du khách. Vì thế hàng o-ri-gin và hàng lậu, hàng giả đều được bày bán tự do.

Tuy nhiên, vì càng ngày càng ít người Việt chơi máy hát đĩa trong khi băng nhạc (tape) ngày càng phổ biến, tới cuối thập niên 1960 đĩa hát lậu không còn phổ biến. Tại Sài Gòn, cùng với cảnh trăm hoa đua nở của băng nhạc Việt Nam, một số người đã thực hiện các băng nhạc ngoại quốc lậu, tức là thu từ đĩa hát o-ri-gin, như các băng Sélection, Anna (của tiệm bán đĩa hát Anna)...

Bước sang thập niên 1970, băng cassette bắt đầu trở nên phổ biến, tuy nhiên chất lượng âm thanh thua xa băng lớn cho nên thường chỉ được gắn trong xe hơi hoặc chơi bằng máy xách tay chạy pin.

Nhưng trước khi tôi đi tù về và vượt biên (1981) thì vào năm 1979 hãng Sony của Nhật đã làm một cuộc cách mạng với máy cassette “Walkman” nhỏ bằng bàn tay nhưng nghe qua headphones chất lượng âm thanh không thua gì nghe từ dàn máy lớn. Tiếp theo là các kiểu máy radio-cassette xách tay với âm thanh khuyếch đại hiệu Sharp (cũng của Nhật) làm mưa gió trên thị trường...

Tôi tới Singapore vào thời điểm ấy cho nên những băng cassette nhạc ngoại quốc đựng trong hộp in hình màu của ca sĩ/ban nhạc với danh sách ca khúc, có khi còn kèm theo cuốn sách nhỏ in lời hát đã có sức thu hút mãnh liệt. Nhận thấy đây là một dịp may hiếm có, tôi móc hết tiền trong túi ra mua.

Rất tiếc, lúc đó tôi chỉ có hơn 10 đô-la Singapore cho nên chỉ mua được 4, 5 cuốn cassette nhạc pop Anh Mỹ chọn lọc giá 1 đô-la và 3 cuốn đặc biệt giá 2 đô-la của The Beatles, The Shadows và nam danh ca Pháp Adamo.

So với những người có tiền mua máy radio-cassette trị giá cả trăm đô-la ở Singapore, tôi chẳng lời được bao nhiêu nhưng sau khi tới Úc, bạn bè đã phải ganh tỵ vì những cuốn cassette của tôi đã trở nên vô giá, bởi ở Úc chẳng những không có băng “lậu” mà còn không có những băng chọn lọc với hàng chục ca khúc No.1 của các ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng như ở “hải cảng tự do” Singapore.

* * *


Sau gần hai tuần ở Singapore, chúng tôi được thông báo chiều 11/8/1982 sẽ đáp phi cơ sang Úc. Và phải đợi tới khi ra tới phi cảng quốc tế Changi, chúng tôi mới thực sự thấy được đỉnh cao văn minh của đảo quốc này.

Sau này có cơ hội tìm hiểu, tôi mới biết sau khi được chính thức khánh thành ngày 29 tháng 12 năm 1981, Changi International Airport đã được xưng tụng là phi cảng quốc tế hiện đại nhất, đẹp nhất thế giới, còn lúc đó, tôi chỉ biết mình bị choáng ngợp trước kiến trúc tân kỳ với đài kiểm soát không lưu cao chót vót (80m), với những bồn phun nước, cây cối hoa lá ở bên trong phi cảng, đặc biệt là các loại hoa lan và màn ảnh digital (đầu tiên trên thế giới) thông báo các chuyến đi và đến.

Hiện nay (2024), Changi International Airport đã có tới 4 terminal (dự trù sẽ có thêm T5 vào năm 2030), nhưng ngay ngày ấy, dù mới chỉ có T1, đã có tới 6 khu vực (island) với tổng cộng 200 quầy tiếp khách!


Đài kiểm soát không lưu của phi cảng Changi


Một trong 6 khu Departures trong phi cảng Changi với màn hình digital vào đầu thập niên 1980


Trong lúc đoàn người đi Úc chúng tôi (độ khoảng 50 người) ngồi ở phòng chờ lên phi cơ, có một diễn tiến khá thú vị, và với riêng tôi phải nói là hết sức thú vị. Đó là việc một số người đã khám phá ra trong số người tỵ nạn đi Úc có bà QV.

Bà QV nói tới ở đây chính là nữ tác giả viết sách dạy nấu ăn nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975, đã được tôi nhắc tới hai lần trong thiên hồi ký này.

Thực ra, cả đời tôi mới được thấy hình ảnh của bà QV hai lần, một lần trên báo một lần trên tivi, cho nên nếu không được những người ngồi gần cho biết người phụ nữ quá tuổi trung niên ăn diện sang trọng kia là bà QV, tôi đã không nhận ra vị “ân nhân” đồng thời cũng là “oan gia” của mình!

Gọi bà là ân nhân là vì vào đầu năm 1971, khi theo chồng ra Căn Cứ Không Quân Pleiku sau ngày cưới, trong hành trang vu quy của cô vợ yêu quý của tôi có cả cuốn sách “Cách nấu những món ăn Việt Nam căn bản” của bà QV, nhờ đó mà trong thời gian sống ở “phố núi cao”, tôi không phải cơm hàng cháo chợ nữa, cho dù cơm nhà đôi khi cũng phải cố gắng lắm mới nuốt được.

Còn gọi là oan gia vì sau năm 1975, bà đã lên tivi khuyến khích mọi người nấu bánh chưng bằng bo bo và quả quyết “cũng ngon như bánh chưng nấu bằng nếp”!

Những sự việc trên tôi đã viết chi tiết trong một vài kỳ trước đây, nay chỉ xin kể sơ.

Vào năm 1977, trong thời gian tù cải tạo ở Phước Long, thân nhân một anh bạn không biết kiếm đâu ra được mấy số Báo ảnh Liên Xô nhân dịp lên thăm nuôi đưa vào trại cho mọi người đọc cho biết.

Về hình thức, Báo ảnh Liên Xô cũng tương tự tạp chí Thế Giới Tự Do của Phòng Thông Tin Hoa Kỳ trước năm 1975, cũng in màu rất đẹp tuy giấy có phẩm chất kém hơn. Còn về nội dung dĩ nhiên sặc mùi tuyên truyền, nhưng vì ở tù trong rừng sâu không có thứ gì để đọc, anh em cải tạo cũng chuyền tay nhau cho tới khi nó rách nát.

Qua đọc Báo ảnh Liên Xô tôi mới khám phá ra hình bà QV trên Trang Phụ Nữ do “chị Vera” phụ trách, và qua nội dung trao đổi giữa đôi bên, tôi được biết bà QV đã từng viết thư cho chị Vera để tự giới thiệu bản thân, đề nghị thiết lập thêm mục gia chánh trên Báo ảnh Liên Xô, và bà hứa sẽ xung phong tham gia, hướng dẫn cách nấu các món ăn truyền thống của Việt Nam.

Vì không có Báo ảnh Liên Xô để đọc tiếp, tôi cũng quên luôn bà QV cho tới khi về Suối Máu hơn một năm sau đó, trước tết Kỷ Mùi được xem bà lên đài truyền hình Sài Gòn Giải Phóng hướng dẫn dân miền Nam nấu bánh chưng bằng bo bo, loại ngũ cốc để nuôi gia súc mà chế độ CSVN và người dân miền Bắc gọi là “cao lương”!

Đám tù cải tạo gốc Phước Long chúng tôi đã được hân hạnh làm quen với bo bo trong thời gian còn ở Tây Ninh, khi lên Phước Long phải ăn bo bo 100% trước khi bị bắt ăn độn “bắp đá” (bắp Nam Mỹ phơi khô, cũng để nuôi súc vật).

Bo bo nấu chín có mùi hôi nồng rất khó ăn, chưa kể vỏ của nó còn dai hơn cao-su (vì thế khi làm thức ăn cho gia súc, người ta phải xay thành bột). Vậy mà bà QV khi lên truyền hình hướng dẫn dân Sài Gòn nấu bánh chưng bằng bo bo đã phán một câu xanh rờn:

- Chị em cứ nấu thử đi, ăn ngon như bánh chưng nấu bằng nếp vậy!

Không hiểu trong số người tỵ nạn có mặt trong phòng chờ này có ai ngày ấy đã xem bà QV lên truyền hình biểu diễn nấu bánh chưng bằng bo bo hay không, và nếu có thì giờ đây họ nghĩ gì trước việc bà (cùng cô con gái) lại rời bỏ thiên đường xã hội chủ nghĩa nơi bánh chưng được nấu bằng bo bo?!

Theo suy đoán của tôi, nếu nhớ, chắc họ cũng chẳng vui gì trước việc bà QV lại có mặt trong hàng ngũ “tỵ nạn cộng sản”!

Riêng tôi cũng không vui, nhưng nhớ tới việc có hàng trăm nghìn người Việt gốc Hoa không biết một câu tiếng Việt nhưng nhờ có nhiều vàng đã trở thành “tỵ nạn” - đi bán chính thức cũng như đi chui - sống dưới sự bao bọc của Cao ủy Tỵ nạn LHQ tại các trại tỵ nạn ở khắp Đông Nam Á, tôi cho rằng bà QV vẫn xứng đáng được gọi là “tỵ nạn” hơn những người Việt gốc Hoa nói trên rất nhiều!

Nhìn bà và cô con gái lăng xăng chụp hình cho nhau (cái máy hình chắc mới mua ở Singapore), trong khi một số người tỏ vẻ khó chịu ra mặt, tôi lại cho đó là một cái gì hết sức tự nhiên. Làm người ai mà không mưu cầu hạnh phúc, và khi đạt được thì có quyền vui hưởng, đơn giản thế thôi!


* * *


Gần một tiếng đồng hồ sau, hành khách chuyến bay của hãng Hàng không Úc QANTAS được gọi vào cổng (gate) để lên phi cơ. Đám hành khách “tỵ nạn” chúng tôi đi sau cùng.

Từ cổng, chúng tôi được hướng dẫn lên phi cơ bằng cầu thang ống (jet bridge, trong nước gọi là “ống lồng”). Vào bên trong phi cơ, nhìn mỗi hàng ngang có tới 10 ghế tôi mới biết mình được đi Boeing 747 “Jumbo”, kiểu phi cơ khổng lồ mà trước năm 1975 họa hoằn lắm mới có một chiếc đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.

Theo sự hướng dẫn của nhân viên di trú của Tòa đại sứ Úc và các cô tiếp viên hàng không, đoàn người tỵ nạn chúng tôi được cho ngồi ở một khu vực dành sẵn, tuy nhiên vì có khá nhiều ghế trống, chúng tôi muốn ngồi đâu thì ngồi. Vợ tôi có tật say xe, sợ cao độ lại mang bầu nên đòi ngồi bốn ghế ở giữa (3-4-3), hơn nữa bay ban đêm có ngồi gần cửa sổ cũng chẳng thấy gì.

Khoảng 7, 8 giờ tối, phi cơ cất cánh. Chiếc Boeing 747 bay êm như mơ. Độ nửa tiếng sau, các nam nữ tiếp viên bắt đầu phân phối bữa ăn tối. Có hai món chính để lựa chọn là beef và chicken; vì ngày ấy chưa biết thịt bò Úc ngon nổi tiếng, cả gia đình tôi chọn món gà chiên, đi kèm với bánh mì ổ nhỏ, bơ, cheese, salad, một lon bia hay nước ngọt (loại lon ngắn bằng 2/3 lon 375 ml), hoặc một ly rượu vang đỏ hay vang trắng.

Bình thường, tôi không bao giờ ăn hết một phần ăn như thế, nhưng hôm đó tôi xơi tới gần hai phần!

Nguyên tôi chỉ được trời phú cho một nửa cái “ăn to nói lớn” mà một đực rựa cần có, nghĩa là tôi nói lớn, rất lớn, thuyết trình không cần microphone nhưng lại ăn rất ít và rất chậm.

Tôi ăn chậm bẩm sinh, tức là không phải răng yếu mà vì không thể nhai nhanh. nuốt nhanh như mọi người được. Vì thế khi đi lính, vào quân trường tôi luôn luôn bị đói, mọi người ăn xong, vị huynh trưởng ra lệnh đứng lên rời “nhà bàn”, tôi vẫn chưa ăn được nửa bữa!

Nhưng kể cả trường hợp có thì giờ thoải mái, tôi cũng không thể ăn nhiều vì bao tử quá nhỏ; cho nên trong tù cải tạo, sau khi ăn trưa, ngủ trưa, trên đường đi lao động ca chiều tôi đã cảm thấy đói.

Vậy mà trên chuyến bay đi Úc, sau khi ngốn hết khẩu phần của mình, nhìn sang thấy của vợ gần như còn nguyên, tôi tiếc rẻ (một đức tính có được trong tù) bèn ăn nốt!

Trước 1975, tôi thích uống hơn là ăn, nói theo cách nói của dân nhậu là không “phá mồi”, nhưng sau bao năm tù đày, thiếu thốn, đói khổ, giờ này chỉ cần được ăn một bữa tối đơn giản trên phi cơ QANTAS cũng đủ khiến tôi cảm thấy cái ăn nó chưa bao giờ thú vị đến như thế!


* * *


Đêm đã khuya, mặc dù hầu hết hành khách đã ngủ yên, hai cô tiếp viên vẫn đi lên đi xuống ở hai lối đi, quan sát tình hình, trò chuyện hỏi han hành khách còn thức, và phục vụ giải khát.

Thấy trên xe đẩy ngoài trà, cà-phê, sữa, nước ngọt... còn có chai whisky Johnnie Walker nhãn đen, dù không cảm thấy thèm rượu, tôi vẫn xin một ly single (45 ml).

Tôi chỉ muốn được thưởng thức lại hương vị quen thuộc của chai rượu mình ưa thích trước năm 1975 như một sự hồi tưởng quá khứ.

Đưa ly rượu lên mũi lắc nhẹ, hít một hơi tôi cảm thấy lâng lâng, sảng khoái; nhấp một ngụm nhỏ, vị cay thấm vào từng kẽ răng, hơi nồng bốc lên mũi, tôi nhắm mắt lại và nghĩ tới tương lai trước mặt. Mặc dù vẫn tiếc cơ hội đi Mỹ và chưa thể hình dung được cuộc sống ở Úc, tôi cũng cố tự nhủ thôi thì tới đâu hay tới đó, đã có hàng nghìn người nửa thầy nửa thợ như tôi định cư ở Úc chứ có phải một mình tôi đâu.

Que sera sera, nhưng ít nhất nơi quê hương thứ hai ấy tôi cũng sẽ không còn bị gọi là “ngụy”, các con tôi đi học về sẽ không còn hát “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ...” để rồi ăn mấy cái tát của mẹ, vợ tôi sẽ không còn phải bon chen ngoài chợ trời...

Nhìn bà QV và cô con gái tay cầm ly rượu sánh vai cô tiếp viên tóc vàng tươi cười chụp hình lưu niệm, tôi mỉm cười, uống cạn ly rượu rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Nguyễn Hữu Thiện
Melbourne, Úc-đại-lợi, tháng 7/2024

* Để hoài niệm một quãng đời và tưởng nhớ những người đã đến rồi đi, cách riêng:
- Linh mục Gildo Dominici (1935-2003) – một người cha tinh thần
- Nhạc sĩ Văn Giảng (1924-2013) – một người thầy
- Nhà thơ Phan Lạc Giang Đông (1940-2001) – một người bạn
- Nhà giáo Gaylord Barr (1947-2015) – một tâm hồn.



CHÚ THÍCH:

(1) Sau khi sang Úc định cư, qua tham gia các sinh hoạt cộng đồng tôi mới biết tới hoạt động của tàu Cap Anamur. Thời gian này, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People S.O.S Committee)do Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Xương, giáo sư Ðại Học University of California San Diego, sáng lập năm 1980 tại San Diego và làm chủ tịch, nhà văn Phan Lạc Tiếp giữ chức vụ Giám Ðốc Ðiều Hành, được xem là tổ chức nhân đạo (của người Việt) uy tín và đóng góp nhiều nhất vào quỹ hoạt động của tổ chức “A ship for Vietnam” – thường được gọi là “Ủy ban Cap Anamur”.

Sau khi chi nhánh của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển được thành lập tại Úc châu, do một vị linh mục tuyên úy vốn là cậu họ của tôi làm Trưởng ban, tôi đã tham gia với tư cách xướng ngôn viên (MC) cho các buổi văn nghệ, đấu giá gây quỹ của Ủy Ban tại thành phố Melbourne.

Đầu năm 1986, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển đã hợp tác với Ủy Ban Cap Anamur cùng với tổ chức Médecins Sans Frontières (MSF, Doctors Without Borders) của Pháp đưa con tàu Cap Anamur II ra khơi.

Trong thời gian 5 tháng hoạt động, tàu Cap Anamur II đã gặp 14 chiếc ghe tỵ nạn và vớt được tổng cộng 888 thuyền nhân. Trong số này, 530 thuyền nhân được được trao cho Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ ở Trại Palawan, Phi-luật-tân, để đi định cư tại các quốc gia đệ tam đã cấp chiếu khán cho họ.

Số 358 thuyền nhân còn lại được tàu Cap Anamur II chở thẳng về Tây Đức, tới hải cảng Hambourg ngày 5 tháng 5 năm 1986. Tại đây, các thuyền nhân Việt Nam đã được người dân và chính quyền đón tiếp trọng thể, được vinh danh là “Những Chiến Sĩ của Tự Do” (Freedom Fighters).

(2) SBS, viết tắt của Special Broadcasting Service, gồm SBS Radio và SBS TV, là một hệ thống truyền thông công cộng của Úc.

SBS Radio bắt đầu hình thành vào giữa thập niên 1970 với việc chính phủ Úc cung cấp cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật để các thiện nguyện viên trong nhóm sắc tộc thực hiện các chương trình phát thanh bằng ngôn ngữ mẹ đẻ tại hai thành phố lớn nhất của Úc là Sydney và Melbourne.

Tới đầu năm 1978, SBS Radio được chính thức thành lập với kinh phí do chính phủ liên bang tài trợ, phát sóng trên toàn quốc.

Luật sư Lưu Tường Quang, một người tỵ nạn trước năm 1975 là công chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao VNCH, trở thành vị Giám đốc đầu tiên của SBS Radio. Riêng tôi cũng thường xuyên cộng tác với Ban Việt Ngữ từ những năm cuối thập niên 1990 cho tới đầu thập niên 2010.

Về truyền hình, SBS TV bắt đầu hoạt động vào tháng 10/1980.

Tới cuối thập niên 1980, SBS đã lớn mạnh, không chỉ dành cho các sắc tộc (với trên 60 ngôn ngữ khác nhau) mà còn là một hệ thống phát thanh, truyền hình bằng Anh ngữ (mainstream) cho khán thính giả toàn quốc, và được tiếp vận tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Reader Response: (CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ - kỳ 26)

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 25)



Hồi ký

NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA


CHƯƠNG 3 – Cửa ngõ Tự Do và Tình Người

(tiếp theo kỳ 24)

Ít lâu sau giải thể thao mừng Ngày Quân Lực VNCH, vào khoảng đầu tháng 7/1982, có đợt đi định cư ở Úc trong danh sách có tên Hóa, Zone trưởng Zone IV, khiến tôi lại chạnh nhớ tới thân phận “Zone trưởng muôn năm” của mình.

“Zone trưởng muôn năm” là hỗn danh anh em trên Ban đại diện Trại đặt cho tôi sau khi tất cả các zone trưởng khác (có người “thâm niên” thua tôi) đã lần lượt đi định cư từ đời nào mà tôi cứ tiếp tục ở lì. Thậm chí trong thời gian đó có zone đã thay zone trưởng tới hai lần.

Về phía bạn bè, người quen, có nhiều anh em Không Quân mới tới Galang hồi tháng 3, tháng 4/1982 nay đã đi Úc rồi.

Trước kia tôi mong được đi định cư sớm một thì nay mong mười. Nguyên nhân: vợ tôi có bầu!

Vẫn biết có không ít em bé ra chào đời tại Galang, ngay trong Barrack 73 của tôi thôi đã có hai em (bố mẹ đi cùng ghe với chúng tôi), nhưng chẳng đặng đừng mới phải nhận hòn đảo này làm nơi chôn nhau cắt rốn.

Ghe TV-191026 của chúng tôi với hai em bé mới ra chào đời tại Galang. Hình chụp tại sân nhà thờ Công giáo


Lúc này, anh Q, thông dịch viên chính của phái đoàn Mỹ mà tôi quen biết vẫn chưa đi định cư, tôi làm một lá đơn nhờ anh trao cho trưởng phái đoàn, trong đó tôi ra sức tả oán về sức khỏe của vợ tôi cũng như cuộc sống thiếu thốn của vợ chồng con cái ở trại tỵ nạn.

Thực ra chỉ có sức khỏe của vợ tôi đáng quan ngại (nàng chỉ còn 39 kg), còn thiếu thốn thì chúng tôi đã quen. Tính tôi không thích nhờ vả, mang ơn ai cho nên trong suốt thời gian sống ở Galang, trong số thân nhân bên Mỹ tôi chỉ liên lạc với người dượng (Trung tá “khu áo cá”) vì trong đơn xin đi Mỹ tôi khai địa chỉ của ông, và được ông gửi cho 100 đô-la Mỹ; tự ý ông gửi chứ tôi không xin.

Đây là viện trợ duy nhất gia đình tôi nhận được trong thời gian ở Galang. Chúng tôi chỉ dám xài phân nửa, một nửa giữ lại để tới khi đi định cư còn có tiền sắm quần áo giày dép trông cho đỡ thê thảm.

Thực phẩm Cao ủy phát, trừ rong biển đóng hộp tôi không thể “nhá”, thứ gì chúng tôi cũng ráng ăn. Nhưng sau khi có bầu thì vợ tôi đâm ra sợ pa-tê (ham), vốn là món “có chất đạm” chính yếu trong “thực phẩm Cao ủy”; sợ tới mức ngửi thấy mùi đã muốn ói!

Trong đơn gửi phái đoàn Mỹ, tôi không quên nhắc lại lời hứa của họ trước đây: nếu vì một nguyên nhân nào đó gia đình tôi không được phái đoàn Úc nhận, thì đơn xin đi Mỹ của tôi sẽ được chấp thuận ngay, không phải trải qua giai đoạn “under consideration” (được quan tâm).

Mấy ngày sau khi tôi trao lá đơn cho anh Q, loa phóng thanh của Phòng Thông tin gọi tên tôi “lên gặp phái đoàn Mỹ có việc cần”. Trên đường đi lên Phòng Định cư, tôi vô cùng hồi hộp, không biết phái đoàn sẽ YES hay NO?!

Tới nơi tôi mới biết vị trưởng phái đoàn đang nghỉ phép và được gặp người xử lý thường vụ (acting). Ông này ra vẻ có nhiều thiện cảm với tôi; ông lắng nghe và tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của gia đình tôi, tuy nhiên ông cho biết ông chỉ có thẩm quyền nhận gia đình tôi đi Mỹ định cư theo diện bình thường, tức là phải vào Galang 2 học về văn hóa nước Mỹ trong lúc chờ đợi được đi, chứ ông không có quyền đưa chúng tôi vào danh sách đi thẳng sang miền đất hứa.

Vì thế ông cho tôi hai sự lựa chọn: (1) vào Galang 2 chờ đi Mỹ, (2) tiếp tục chờ đi Úc, khi ông nào trưởng phái đoàn Mỹ trở lại Galang, nếu muốn tôi có thể làm một lá đơn khác.

Ông cho tôi hai ngày để suy nghĩ, bàn thảo với gia đình trước khi quyết định.

Khi tôi trở về barrack, cả hai gia đình bà chị vợ và ông anh họ vợ (đã được Mỹ nhận) xúm lại vây lấy tôi, mỗi người một ý. Cuối cùng vợ chồng tôi nghe lời bà chị vợ, quyết định tiếp tục chờ đi Úc; nếu chuyến đi Úc sắp tới vẫn không có tên lúc đó tính sau.

Thực ra tôi đã để vợ tôi toàn quyền quyết định, bởi trong vụ này “bà bầu” là nhân vật chính. Nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm, bởi trong thâm tâm tôi không muốn vào Galang 2 một chút nào.

Sau hơn nửa năm giữ chức zone trưởng, tôi và anh chị em trên văn phòng zone cũng như các barrack trưởng coi nhau như anh em; đồng bào trong zone, nhất là giới trẻ, rất quý mến tôi.

Tôi và một số bạn trẻ Barrack 73 đón giao thừa dương lịch 1982 trong nhà bếp


Tôi không bao giờ quên được những bó rau muống còn tươi nguyên do anh em trồng bên hông các Barrack 64, 67 thỉnh thoảng đem biếu, hoặc những bữa tiệc thịt rừng (do anh em bẫy được) mà tôi luôn luôn từ chối, trừ bữa thịt trăn tôi sẽ kể ở một đoạn sau.

Nguyên trại tỵ nạn Galang được vây quanh bởi rừng thưa nên có nhiều loại rau mọc hoang và thú rừng, như thỏ, chồn, mễn, trăn rắn... Sau lưng Zone III về hướng bắc có rất nhiều rắn và thỏ. Mỗi khi “trúng mối” anh em thường tổ chức nhậu và mời tôi.

Tôi từ chối nhậu không phải tôi không thích uống rượu, không biết ăn thịt rừng mà chỉ vì dân tỵ nạn mấy người có tiền mua bia Tiger (của Singapore) để uống, đa số chỉ đủ khả năng uống rượu mạnh do người Nam Dương bán lậu, không bảo đảm, từng gây chết người.

Những ai có mặt tại Galang 1 vào cuối năm 1981 đầu năm 1982 hẳn phải biết, hoặc nghe kể vụ một nhóm bạn trẻ tổ chức tiệc nhậu mừng lễ Giáng Sinh, mua phải rượu pha cồn độc, uống xong bốn người chết tại chỗ, một người chết sau đó tại bệnh viện. Tất cả được chôn tại Nghĩa trang Galang, năm nấm mồ nằm cạnh nhau.

[Trên FB Trại Tỵ Nạn Galang, những người tới sau kể lại: không tính những trường hợp lẻ tẻ, đúng 10 năm sau (1991) lại xảy ra một vụ năm người cùng chết thảm vì uống rượu “Number One” của người Nam Dương bán lậu]

Còn bữa nhậu thịt trăn, nguyên nhân cũng khá ly kỳ rùng rợn: cháy rừng!

Đó là khu rừng nằm phía sau Zone II và Zone III. Tôi không biết nguyên nhân gây ra vụ cháy rừng này, chỉ biết Nam Dương nằm ngay đường xích đạo, nắng cháy da người, bước ra khỏi barrack là phải có cái dù che trên đầu, vì thế đám cháy lan thật nhanh, Galang lại không có bất cứ phương tiện cứu hỏa nào, nhà cầm quyền trại phải xin Ban Đại diện cho đọc thông báo trên loa phóng thanh kêu gọi đồng bào trong trại cùng tham gia chữa cháy bằng... tay.

Cũng may, rừng ở đảo Galang là rừng thưa cho nên mọi người sử dụng cuốc xẻng, chặt cây lấy cành dập ngọn lửa, cuối cùng cũng chế ngự được đám cháy.

Nhưng trong khi kêu gọi đồng bào vào rừng tham gia chữa cháy, cảnh sát Nam Dương cũng phải đề phòng việc có người lợi dụng cơ hội để trốn, vì thế họ phải cho nhân viên canh chừng.

Khoảng 2, 3 giờ chiều, các ngọn lửa đã được dập tắt, chỉ còn khói bốc lên ở một vài nơi. Khi cảnh sát ra lệnh cho mọi người trở về trại, một barrack trưởng thuộc Zone III chạy tới “mật báo” cho tôi biết một số anh em đã khám phá ra một con trăn lớn bị chết cháy và tạm thời ngụy trang bằng cách lấy cành lá phủ lên; anh em hỏi ý kiến tôi có cách nào để đưa “chiến lợi phẩm” về barrack mà không bị cảnh sát phát giác, tịch thu.

Tôi biết chắc chắn cảnh sát sẽ ở đây cho tới khi mọi người trở về trại, vì thế chỉ còn cách để con trăn ở chỗ cũ, sau khi cảnh sát đã rút đi hết mới lén trở lại, chặt con trăn ra làm mấy khúc bỏ vào bao bố đem về barrack, trông giống như vào rừng hái rau dại trở về vậy. Trường hợp cảnh sát khám phá ra con trăn trước khi rút lui thì coi như mình mất ăn!

Mọi người đành nghe theo lời tôi; và may mắn khi trở lai thì con trăn vẫn còn ở nguyên ở chỗ cũ!

Con trăn dài 3, 4 mét, thịt cũng phải trên chục ký, sau khi làm sạch sẽ anh em đã mang tới biếu tôi một khúc. Nhưng tôi vừa khoe với vợ thì đã bị nàng phản đối kịch liệt, chẳng những nàng nhất định không ăn, không cho hai con ăn, mà còn không cho tôi sử dụng bất cứ nồi niêu xoong chảo nào của nhà để nấu thịt trăn!

Vì thế, nể lời “bà bầu”, tôi đã phải trả lại khúc thịt trăn, và nhận lời tới tham dự bữa nhậu thịt trăn chung với anh em. Sau này tôi mới biết họ cố mời tôi cho bằng được là vì có một “mạnh thường quân” vừa lãnh được cái cheque thân nhân bên Mỹ gửi sang, chơi bảnh mua một thùng bia Tiger. Đây là lần đầu tiên, và duy nhất, ở Galang tôi được uống bia Tiger!

Tôi kể chuyện ăn nhậu ra đây không phải để khoe mà chỉ muốn nói lên phần nào tình cảm anh em trẻ dành cho ông “zone trưởng muôn năm”!

* * *
 

Những gì xảy ra hai, ba tuần sau khi tôi trả lời phái đoàn Mỹ (tiếp tục chờ đi Úc) cho thấy gia đình tôi có “số” định cư tại Úc: chúng tôi và gia đình bà chị vợ có tên trong danh sách đi Úc vào đầu tháng 8/1982. Chưa bao giờ có hai đợt đi Úc gần sát nhau như thế!

Tuy không vui mừng như lúc được cộng sản thả một cách bất ngờ từ trại tù Tống Lê Chân vào đầu năm 1981, khi mà một chú em Thiếu úy cùng ngành (Chiến Tranh Chính Trị) vẫn tiếp tục bị “học tập cải tạo”, tôi cũng có những bâng khuâng, bịn rịn khi phải rời xa Galang, nơi chốn đã ghi biết bao kỷ niệm của một đoạn đường đời chỉ hơn tám tháng!

Trong số những kỷ niệm ấy, đáng nhớ nhất phải là giao tình giữa tôi và nhạc sĩ Văn Giảng, người sau này cùng định cư tại thành phố Melbourne, Úc-đại-lợi, cùng với những dấu ấn mà cha Dominici để lại nơi “con chiên lạc bầy” này.

Văn Giảng – Ai về sông Hương

Nhạc sĩ Văn Giảng, tên họ đầy đủ là Ngô Văn Giảng, đã được tôi nhắc tới trong một kỳ trước, khi ông tình nguyện làm thông dịch cho Cao ủy từ đảo Kuku tới đảo Galang trên tàu Seasweep.

Ông và người con trai lớn vượt biên trước chúng tôi khoảng một tháng, tới thẳng đảo Natuna, là hòn đảo chính của hạt Natuna, cũng là tên quần đảo nơi có hai đảo nhỏ Pulau Laut và Sedanau mà chúng tôi đã lần lượt ở qua.

Tôi không biết ghe của ông Văn Giảng lớn nhỏ, chỉ biết có khoảng 20 người, đi từ Cần Thơ. Chủ ghe kiêm hoa tiêu là anh NVT, một người trung niên lạnh lẹ hoạt bát, xuất thân hướng đạo, “khách” phần lớn là sinh viên học sinh con nhà khá giả, trừ hai anh em tài công là cựu quân nhân. Tất cả là người miền Nam trừ cha con ông Văn Giảng gốc Huế.

Mọi người trên ghe của ông cũng được tàu Flora đưa tới đảo Kuku cùng chuyến với chúng tôi, và cũng ở trong những căn lều gần bãi biển. Tuy nhiên vì thời gian ở Kuku không lâu, tôi lại bị sốt rét hành gần chết nên không có dịp làm quen với bất cứ ai.

Chỉ sau khi tới Galang và cả hai ghe được ở cùng Barrack 73, tôi và ông Văn Giảng mới bắt đầu thân nhau.

Từ đoạn này, tôi sử dụng hai chữ “bác Giảng”. Thứ nhất, trong Barrack 73 của tôi, ngoài anh NVT và một ông cựu Thiếu tá “nửa chừng xuân”, ông anh cột chèo của tôi cũng “nửa chừng xuân” và một ông anh họ vợ đã quá “nửa chừng xuân”, tất cả còn lại đều còn trẻ, hoặc rất trẻ, nên họ gọi nhạc sĩ là “bác” và xưng “cháu”.

Riêng tôi còn hay ngồi đàn địch ca hát với cậu trưởng nam của bác, anh anh em em với nhau thì gọi “bác” xưng “cháu” cũng đúng thôi. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sau này khi bác giữ chức Trại phó, hầu như tất cả mọi người trong Ban đại diện Trại (trừ bác Trinh, Trại trưởng), trong đó có cả ông cựu Thiếu tá Trưởng phòng Trật tự, cũng đều gọi bác xưng cháu.

Lúc đó là cuối năm 1981, Bác Giảng mới hơn 57 tuổi, thì chúng ta phải hiểu rằng nhiều người gọi bằng “bác” vì lòng quý mến, kính trọng tư cách chứ không hẳn vì tuổi tác.

Tới đây, xin kể về đường “công danh sự nghiệp” của bác Giảng ở Trại Tỵ nạn Galang.

Cùng thời gian với việc tôi được bầu làm Zone trưởng Zone III, bác Giảng cũng được vị tân Trại trưởng là bác Trinh mời làm Trại phó. Tôi không hiểu cô Mely (Cao ủy trưởng) có giới thiệu bác Giảng với bác Trinh hay không; nếu không, bác Trinh quả có con mắt tinh đời.

Là người thông thạo Anh ngữ từng hai lần du học Hoa Kỳ, bác Giảng thường thay mặt ông Trại trưởng tham dự các buổi họp với Cao ủy Tỵ nạn, Nhà cầm quyền Nam Dương, Hội Hồng Thập Tự Nam Dương (PMI), cũng như các tổ chức thiện nguyện quốc tế.

Trong cương vị Trại phó, với uy tín, đạo đức, khả năng, và tính tình vui vẻ, bác Giảng đã trở thành một nhân vật được rất nhiều người kính mến, và trở thành niềm hãnh diện chung cho người Việt tỵ nạn ở Galang.

Là một nhạc sĩ nổi tiếng, trước kia từng làm Giám đốc Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, nay giữ chức Trại phó, nhưng bác Giảng sống khiêm tốn, giản dị, luôn làm gương cho mọi người, nhất là trong việc làm vệ sinh, quét dọn barrack mỗi sáng Thứ Bảy.

Một số thành viên Barrack 73: bác Giảng áo sơ-mi trắng ngồi giữa, hai bên là
ông anh họ của vợ tôi (áo xanh) và ông anh cột chèo, tôi ngồi ở mép trái
 

Các barrack ở Galang 1 là một căn nhà tôn vách ván, chỗ ngủ là hai dãy sạp gỗ dài, được phân chia bởi một lối đi hình chữ thập ở giữa nhà; như vậy, làm vệ sinh barrack chỉ là quét dọn một vài mét ở dưới gầm sạp gỗ và trên lối đi thuộc khu vực của mình, mấy phút đồng hồ là xong. Thế nhưng, như tôi đã viết trong một kỳ trước, không ít đồng bào, nhất là đám trai trẻ, đã không chịu thi hành “bổn phận công dân” trước khi rời barrack.

Nhưng riêng tại Barrack 73 của chúng tôi, cứ đúng 8 giờ sáng Thứ Bảy, bác Giảng luôn luôn là người đầu tiên cầm cây chổi, thử hỏi còn ai dám trốn tránh!

Bác Giảng luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người, đặc biệt là yêu trẻ em. Tôi vẫn còn nhớ đứa cháu gái 3, 4 tuổi con của bà chị vợ, những lúc bác có mặt ở barrack thường chạy tới nhõng nhẽo, ngồi trên lòng bác đùa giỡn.

Đáng phục không kém là con người phật tử thuần thành nơi bác Giảng. Ngày ấy tôi chưa được biết ngoài hai bút hiệu Văn Giảng, Thông Đạt, bác còn có bút hiệu Nguyên Thông (cũng là pháp danh của Bác), đã cùng với Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba khởi xướng nền Phật nhạc ở miền Trung vào thập niên 1940, và sau đó đã sáng tác nhiều bài Phật ca, cho nên tôi khá ngạc nhiên trước lòng sùng mộ của vị nhạc sĩ tác giả tình khúc nổi tiếng Ai về sông Tương!

(Sau này quen biết bác gái, tôi mới biết bút hiệu “Thông Đạt” của bác trai là ghép từ pháp danh của hai ông bà: Nguyên Thông – Tâm Đạt)

Tuần nào cũng vậy, sáng Chủ Nhật, khi vợ chồng con cái chúng tôi và các con chiên Chúa rời barrack đi dự lễ ở nhà thờ, thì bác Giảng và các đệ tử Phật lại leo đồi lên chùa Quan Âm, nơi bác thường ở lại tới chiều để tham gia Phật sự.

 

* * *
 

Khi bác Trinh đi định cư, ai cũng tin rằng ông Trại phó Ngô Văn Giảng sẽ lên làm Trại trưởng. Rất tiếc khi bác Trinh rời Galang thì hai cha con bác Giảng cũng vừa được Phái đoàn Úc nhận theo diện nhân đạo, không biết sẽ lên đường vào lúc nào, vì thế bác dứt khoát từ chối, đưa tới việc chúng tôi phải bầu một vị tân Trại trưởng là Đại úy Thể bên Đoàn Thanh niên Công giáo.

Vào giữa tháng 5 năm 1982, buổi tối trước ngày bác Giảng và người con trai lên đường sang Singapore để chờ phi cơ đi Úc, Ban đại diện Trại đã tổ chức một buổi tiệc trà... chay (kẹo, hạt dưa, trà, cà-phê) tại Hội quán Hải quân & Hàng hải Galang để từ giã. Không khí thật thân mật và cảm động, chỉ tiếc một điều là anh chàng ca sĩ chính của Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên lại chuyên hát nhạc ngoại quốc nên không thuộc lời bản Ai về sông Tương để hát cho buổi chia tay nhạc sĩ Thông Đạt thêm phần ý nghĩa.

Hơn ba tháng sau ngày bác Giảng đi Úc theo diện nhân đạo, gia đình tôi cũng được đi theo diện thân nhân bảo lãnh.

Khi chúng tôi tới hostel Eastbridge, vùng Nunawading, thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria vào giữa tháng 8/1982, thì bác Giảng và con trai vẫn còn tạm trú tại đó. Việc đầu tiên của tôi là chuyển cho bác tấm Bằng Tưởng lệ (Certificate of Merit) do cô Mely, Trung tá Siregar, và Bác sĩ Iwan Yussuf, người đứng đầu Hội Hồng thập tự Nam Dương (PMI), cùng ký tên đóng mộc. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là vì khi bác rời Galang, cô Mely không có mặt ở đảo.

* * *
 

Mấy năm sau, bác Giảng được đoàn tụ với bác gái và mấy người con nhỏ từ Việt Nam sang. Gặp lại bác sau thời gian này, tôi nhận ra rằng có lẽ tới lúc đó bác mới thật sự “thân tâm an lạc”, mà chỉ cần nhìn diện mạo hồng hào, đôi mắt tinh anh, nghe tiếng cười sang sảng của bác là đủ biết.

Vợ tôi có thói quen hay “phong” nhất cái này, nhất cái kia cho những người quen biết, và trong số đó bác Giảng là “người đẹp lão nhất”, còn bác gái là “bà vợ hiền nhất”. Tôi hoàn toàn đồng ý và thầm nghĩ: cũng may mà bác gái lấy được một ông chồng nghệ sĩ tài hoa hết mực nhưng lại có… tâm Phật!

Từ giữa thập niên 1990, vì ở hai vùng cách xa nhau, chúng tôi ít có dịp gặp lại bác Giảng, nhưng qua người con trai áp út của bác, một chuyên viên computer làm việc cho tờ tuần báo mà tôi cộng tác, chúng tôi vẫn luôn biết tin tức về bác và gia đình.

Chỉ khi nào cần tham khảo ý kiến, nhờ chỉ giáo trong lĩnh vực âm nhạc hoặc hỏi về sinh hoạt trong làng nhạc trước 1975, tôi mới dám làm phiền bác qua điện thoại. Cũng trong khoảng thời gian này, qua giao kết với những đồng hương gốc Huế của bác và qua sinh hoạt văn nghệ, chúng tôi còn được hân hạnh quen biết người em trai của bác, một nhạc sĩ kiêm nhiếp ảnh gia tài tử (nhưng rất tài ba), và một người cháu của bác cũng là một nhạc sĩ ở Melbourne.

Ông bà Ngô Văn Giảng (bên trái) và vợ chồng tôi (bên mặt) trong buổi hội ngộ
tại Melbourne với người cùng nghe từ Hoa Kỳ sang thăm (2001)
 

Kỷ niệm cuối cùng của tôi với bác Giảng là vào cuối năm 2012, một bà bạn già ở Brisbane, tiểu bang Queensland, xin tôi địa chỉ của bác, vì khi bà sang Hoa Kỳ, có mấy người học trò cũ của bác nhờ xin địa chỉ để viết thư thăm hỏi. Dĩ nhiên, sống ở một xứ tây phương, tôi phải điện thoại xin phép bác trước, và bác đã vui vẻ đồng ý.

Mấy ngày sau, tôi nhận được qua đường bưu điện CD “Let’s Love Together – 9 Rock Songs for the Poor Countries”, là tuyển tập thứ nhất gồm các ca khúc viết bằng tiếng Anh của bác, mà bác quên rằng trước đó mấy năm bác đã tặng chúng tôi ngay sau khi hoàn tất. Lần này, trong tờ giấy nhỏ kèm theo, bác viết mấy hàng đề tặng và thăm hỏi gia đình tôi. Nét chữ của bác vẫn đẹp – hình như cái gì nơi con người bác cũng đều đẹp – nhưng đã khá run rẩy.

Chi tiết ấy khiến tôi phải ưu tư, và cuối cùng việc gì phải đến đã đến. Ngày 9 tháng 5, 2013, bác Giảng mất, hưởng thọ 89 tuổi.

Trong đêm tang lễ tại chùa Quang Minh, lúc nghe trưởng nam của bác đọc lời tiếc thương và tạ lỗi trước linh cữu thân phụ, vợ tôi đã khóc, rồi tới phiên tôi cũng rơi lệ theo.

Một chi tiết khiến tôi càng thêm kính phục bác Giảng là chỉ tới khi bác nằm xuống, nghe các bài điếu văn, vợ chồng tôi mới biết trưởng nữ của bác là một vị ni sư thuộc hàng trưởng thượng ở VN, và một thứ nữ mà cả hai vợ chồng đều là bác sĩ. Vậy mà trong bao năm quen biết nhau, bác không hề “khoe” với chúng tôi!

Trong đời mình, tôi từng quen thân nhiều Phật tử, trong đó có cả các vị tu hành, nhưng có thể nói người con Phật đã để lại nhiều dấu ấn nhất nơi tôi chính là Nhạc sĩ Ngô Văn Giảng!

* * *
 

Theo di chúc, sau thất thứ nhất, tro cốt của bác Giảng đã được rải xuống biển.

Tới 5 giờ 50 phút chiều hôm ấy, 17 tháng 5, 2013, bác gái - cụ bà quả phụ Ngô Văn Giảng, nhũ danh Ngô Thị Bạch Đẩu - đã đi theo chồng.

Nguyên sau khi bác Giảng mất, bác gái vì quá xúc động, sức khỏe suy yếu dần, đã không thể tham dự tang lễ bác trai. Tới sáng sớm ngày rải tro bác trai xuống biển, bác gái lên cơn đau tim, được đưa vào bệnh viện, và trút hơi thở sau cùng vào buổi chiều cùng ngày.

Sau khi bác Giảng mất, tôi viết một bài tưởng nhớ tựa đề “VĂN GIẢNG - Ai về sông Hương”.

Nguyên khi bác còn sống, một bạn già của tôi và cũng là đồng nghiệp của bác là nhạc trưởng Vũ Văn Tuynh (bút hiệu Vũ Tuynh) sống ở thành phố Sydney, tuy là một con chiên Chúa, đã để di chúc thiêu xác ông và rải tro xuống biển.

“Bố Tuynh” - chúng tôi gọi như thế vì trước 1975 một già một trẻ cùng phục vụ trong Không Quân - nói đùa: cứ rải tro xuống biển Thái Bình, biết đâu lại trôi giạt về Việt Nam theo sông Hồng tới quê xưa Nam Định (ông và tôi cùng quê Xuân Thủy, Nam Định).

Vì thế, tới khi gia đình rải tro bác Giảng xuống biển, tôi cũng nghĩ thầm: biết đâu tro của bác cũng trôi về Việt Nam, theo cửa Thuận An ngược dòng Hương giang về cố đô Huế để bác được ngậm cười nơi chín suối!

Những ai thân quen bác Giảng đều biết bác yêu quê hương Việt Nam, Huế cách riêng, vô ngần. Sau khi tốt nghiệp âm nhạc tại Hoa Kỳ, với tư cách là một nhạc sĩ có trình độ nhạc lý cao nhất nhì Việt Nam, bác Giảng đã được chính phủ VNCH đề nghị giữ những chức vụ quan trọng trong ngành truyền thông và giáo dục ở thủ đô Sài Gòn, nhưng bác đã từ chối để được về sống tại cố đô; người ta đành trao cho bác chức vụ Giám đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế.

Chỉ sau khi ông Tăng Duyệt, nguyên giám đốc sáng lập nhà xuất bản nhạc Tinh Hoa và cũng là một bạn thân của bác, bị chết thảm trong Tết Mậu Thân 1968, bác mới giật mình, qua năm 1969 đưa toàn bộ gia đình vào Sài Gòn.

Định cư tại Úc, dù bác Giảng đã mau chóng được đoàn tụ với gia đình, tôi biết chắc chắn hạnh phúc trong lòng bác không bao giờ trọn vẹn, bởi bác nhớ Huế, nhớ Việt Nam và biết chắc chắn mình không bao giờ có thể trở lại, ít nhất cũng là trong kiếp này!

Vì thế, tôi mới nguyện chúc tro của bác sẽ trôi về tới cố đô qua tựa đề “VĂN GIẢNG - Ai về sông Hương”.

Rất tiếc, nơi phổ biến bài viết lại cho rằng tôi đã vô tình viết sai tựa đề ca khúc nổi tiếng “Ai về sông Tương” của bác thành “Ai về sông Hương” cho nên đã... có nhã ý sửa giúp thành “VĂN GIẢNG - Ai về sông Tương”!

Nhưng xét cho cùng, cho dù tựa bài viết là gì, bác Giảng cũng dư biết tôi muốn tiễn bác về “sông Hương”!

Cha Dominici: người Việt gốc Ý

Viết về cuộc sống ở trại tỵ nạn Galang những năm từ 1979 tới 1985 mà không nhắc tới Cha Dominici là một thiếu sót không thể chấp nhận, nhưng hơn 40 năm sau, viết khi đã có hàng chục bài viết về cha trên Internet lại có thể bị xem là một sự lập lại thừa thãi. Vì thế, tôi sẽ rất ngắn gọn về tiểu sử cũng như công việc của cha ở các trại tỵ nạn trước khi kể về những gì có liên quan tới cá nhân tôi.

Cha Dominici, tên đầy đủ là Gildo Dominici, sinh năm 1935 tại Assisi, miền Trung nước Ý, quê hương của Thánh Phan-xi-cô thành Assisi (tác giả Kinh Hòa Bình). Cha thụ phong linh mục năm 1960, tới năm 1964 xin gia nhập Dòng Tên (Jesuits) vì muốn đi truyền giáo ở ngoại quốc.

Cha Dominici “Đỗ Minh Trí” (ảnh dongten.net)
 

Năm 1967 cha sang Việt Nam, học tiếng Việt tại trung tâm Đắc Lộ, Sài Gòn, lấy tên Việt là Đỗ Minh Trí (phiên âm từ “Dominici”), rồi lên tiểu chủng viện Simon-Hòa ở Đà Lạt vừa dạy tiếng La-tinh cho chủng sinh vừa tiếp tục học tiếng Việt.

Năm 1970, cha Dominici sang Rome trình luận án Tiến sĩ Giáo luật rồi trở lại Việt Nam dạy tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt cho tới khi cộng sản chiếm miền Nam, cha trở về Ý...

Năm 1977 cha trở lại vùng Đông Nam Á, làm việc cho nhà dòng ở thủ đô Jakarta của Nam Dương. Sau khi Trại tỵ nạn Galang được thiết lập, tháng 8 năm 1979 cha được cử đến trại để đảm trách đời sống tinh thần cho người tỵ nạn Công giáo.

Tuy nhiên trước những thiếu thốn, khó khăn, đau khổ của thuyền nhân nói chung, cha đã dấn thân vận động, tranh đấu với Cao ủy Tỵ nạn và nhà cầm quyền Nam Dương cho nhu cầu, quyền lợi của người tỵ nạn tại Galang.

Ngoài những cơ sở vật chất như trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên, các barrack “nhà trẻ”, Phòng Xã hội... mà cha đã góp phần vận động xây dựng, cha còn sáng lập bán nguyệt san Tự Do, món ăn tinh thần cung cấp cho người ty nạn những hiểu biết về sinh hoạt trong trại, về thế giới bên ngoài, về đời sống tại những quốc gia mà họ sẽ đến định cư.

Thời gian ở Galang, cha Dominici viết hai cuốn sách (tiếng Việt) Việt Nam Quê Hương Tôi  Đi Tìm Anh Em.

Năm 1985, cha được nhà dòng thuyên chuyển qua trại Bataan, Phi Luật Tân rồi sang Thái Lan, cũng làm công việc giúp đỡ người tỵ nạn cho đến năm 1990.

Từ năm 1991, cha giữ vai trò Linh mục Tuyên úy cho phong trào Linh Thao tại Bắc Mỹ.

Năm 1996 cha trở về Ý nhưng hằng năm vẫn qua lại những nơi có cộng đoàn Công giáo Việt Nam để thăm nom và tiếp tục hướng dẫn các Thầy theo ơn gọi của Dòng Tên.

Năm 1998, các bác sĩ cho biết cha bị ung thư gan, được giải phẫu và hóa trị. Một năm sau, cha gần như khỏe hẳn nhưng thực ra vi khuẩn ung thư vẫn tiếp tục hoạt động trong cơ thể.

Đầu tháng 2/2003, bệnh ung thư tái phát triển mạnh, gan của cha ngưng hoạt động. Đêm Chủ Nhật rạng Thứ Hai 3/3/2003, vào khoảng 0 giờ 30, cha trút hơi thở sau cùng – hai ngày trước sinh nhật thứ 68.

* * *
 

Khi gia đình tôi tới Galang vào tháng 11/1981, nhân vật được mọi người nhắc tới nhiều nhất không phải cô Mely, Cao ủy trưởng, mà là cha Dominici. Tuy nhiên riêng cá nhân tôi, ngoài lời chào hỏi giữa vị lãnh đạo tinh thần và “con chiên” mới tới đảo sau thánh lễ Chủ Nhật đầu tiên, tôi không có quan hệ đặc biệt nào với cha cho tới khi nhận chức Zone trưởng Zone III.

Nguyên vào thời gian tôi lên làm zone trưởng thay Thiếu úy Tài, Zone III có rất nhiều “vấn đề”, như nạn phá hoại các cơ sở nằm trong trung tâm sinh hoạt của trại, nạn phe đảng, “vô chính phủ”, tình trạng thiếu vệ sinh ở các barrack, v.v...

Trong số các barrack của Zone III có Barrack 68, một barrack "tư trị" dành riêng cho các em vị thành niên không có thân nhân đi theo (Unaccompanied Minors Barrack), thường được mọi người gọi là “barrack nhà trẻ”.

Một số trẻ em không thân nhân và giáo viên trước Barrack Nhà Trẻ 68 (ảnh Gaylord Barr)


Ngoài khẩu phần của Cao ủy Tỵ nạn, Barrack Nhà Trẻ còn được cha Dominici và Phòng Xã Hội Nam Dương trợ cấp hiện kim để mua thêm thực phẩm tươi cũng như sử dụng trong các sinh hoạt.

Theo tôi được biết ở Galang 1 lúc đó có ít nhất ba barrack nhà trẻ ở các Zone I, III và IV, nhưng không hiểu vì nguyên nhân gì, barrack nhà trẻ của Zone III, tức Barrack 68, lại được xem là chính yếu, được Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên (Youth Center), Phòng Xã Hội Nam Dương, và cha Dominici quan tâm nhiều nhất. Rất có thể vì Barrack 68 nằm ở trung tâm trại, gần các cơ sở giải trí, giáo dục cho nên thu hút nhiều em tới sống hơn các barrack nhà trẻ khác chăng?

Barrack 68 nằm đối diện với Barrack 73 của tôi, nhưng thời gian mới lên làm Zone trưởng không mấy khi tôi ghé sang. Nguyên nhân: từ trật tự, vệ sinh cho tới sinh hoạt rất hỗn loạn, bê bối trong khi tôi lại không có tư cách để xen vào!

Người phụ trách Barrack Nhà Trẻ 68 lúc đó là T, một “trưởng” trong Hướng đạo Việt Nam ở Galang. Tôi không hiểu tổ chức và sinh hoạt của Hướng đạo Việt Nam ở Galang ra sao chỉ biết họ được cấp một nửa căn nhà trên khu sinh hoạt trại, tức là nằm trong lãnh thổ Zone III.

Trước khi viết về “trưởng” T, tôi cũng cần nhấn mạnh tôi chỉ viết về những gì xảy ra ở Barrack Nhà Trẻ 68 liên quan tới một thành phần cá biệt trong một tập thể mà thôi, chứ không đánh giá tập thể; đồng thời những lời cáo buộc về bê bối tình cảm của T, tôi cũng xin miễn đề cập tới.

Theo kết quả điều tra và báo cáo của Phòng Xã hội Công giáo (thuộc văn phòng của cha Dominici), T đã bớt xén tiền trợ cấp của cha Dominici và Phòng Xã Hội Nam Dương để tiêu xài cho cá nhân; về việc điều hành mọi sinh hoạt trong Barrack Nhà Trẻ, T hầu như không ngó ngàng tới mà giao hết cho các tay “anh chị” trong đám vị thành niên, mỗi “anh chị” này có một số “đàn em” để sai khiến, phục dịch, chẳng khác nào trong cuốn tiểu thuyết Luật Hè Phố của Duyên Anh.

Trước cảnh cá lớn nuốt cá bé này, một số em đã phải bỏ về barrack cũ của mình sống cho yên thân!

Một đôi lần trong giờ làm vệ sinh sáng Thứ Bảy, tôi tới Bararck 68 kiểm soát thì thấy không có em nào quét tước, dọn dẹp cả. Thậm chí tới khi cô Mely yêu cầu Ban đại diện Trại huy động đồng bào làm tổng vệ sinh, các em trong Bararck 68 cũng chỉ qua loa chiếu lệ.

Cuối cùng, sau khi có bằng chứng chắc chắn về việc T bớt xén tiền trợ cấp cho Barrack Nhà Trẻ để tiêu xài cho cá nhân và tình trạng chèn ép, áp bức trong barrack, cha Dominici đã làm áp lực để Ban đại diện Trại và Youth Center (Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên) ngưng nhiệm vụ của T và tìm một người khác thay thế.

Khi cha nói tôi tìm người có khả năng, thiện chí trong Zone III để đưa vào danh sách đề nghị, tôi đã khéo léo từ chối và “bán cái” cho Đoàn Thanh niên Công giáo.

Nhưng cuối cùng, người được đề cử và nhận lời lại không phải thành viên Đoàn Thanh niên Công giáo mà là một cựu sĩ quan: anh H, một Đại úy Địa phương quân.

Sau này khi đã lên làm Trưởng ban đại diện Trại, anh Thể mới cho tôi biết chính anh là người đã đề nghị cha Dominici tìm một cựu sĩ quan “độc thân tại chỗ”, và cũng chính anh đã thuyết phục được anh H, một bạn tù cũ ở Suối Máu, nhận lời làm Bararck trưởng Bararck 68.

Sở dĩ anh Thể đề nghị tìm một cựu sĩ quan vì anh tin rằng chỉ có áp dụng “kỷ luật thép” của quân đội mới có thể đưa đám thiếu niên bất trị này vào khuôn khổ.

Đại úy H chỉ hơn tôi mấy tuổi nhưng chững chạc hơn nhiều. Anh nhỏ con, rất hiền và ít nói, nhưng đó chỉ là những gì thể hiện ra bên ngoài của một người có bản lĩnh.

Trước hết anh dùng tình thương để cải hóa các em, nhưng chỉ có giới hạn, tới khi nhận thấy không có kết quả, anh thẳng thừng loại bỏ, tức là trả về barrack.

Một số em thuộc thành phần sừng sỏ sau khi bị trả về barrack, bị mọi người lạnh nhạt, ăn uống thiếu thốn, hối tiếc thì đã muộn, bởi trước đó, khi cảnh cáo các em, anh H đã tuyên bố một khi bị trả về anh sẽ không bao giờ chấp nhận cho trở lại.

Anh H kể cho tôi nghe có mấy em tới khóc lóc xin cải tà quy chánh nhưng anh không để mình bị yếu lòng. Anh sẵn sàng cho các em trở lại Bararck 68 tham gia mọi sinh hoạt, nhưng dứt khoát đây không còn là nơi ăn chốn ở của các em nữa!

Biện pháp mạnh này của anh H tỏ ra vô cùng hiệu quả; chỉ trong vòng một, hai tháng trời, Bararck 68 đã từ một nơi chốn không ai muốn bước chân vào trở thành một barrack gương mẫu, kỷ luật với những em nhỏ thật dễ thương, đáng mến, trong đó có em sau này trở thành bác sĩ, có em làm Thượng tọa...

Cha Dominici vô cùng hài lòng. Ngoài việc gia tăng yểm trợ vật chất, cha còn cử các thầy (tu sĩ) tới dạy dỗ, hướng dẫn các em về mặt văn hóa, cử người tình nguyện tới phụ trách bếp núc, và bản thân cha cũng thường xuyên xuống barrack thăm nom.

Mặc dù bản thân chẳng giúp được gì cho các em (ngoài việc khuyến khích các em tham gia đội bóng tròn và chơi bóng bàn) tôi cũng được các em nể nang, quý mến, có lẽ vì thấy tôi thường đi với cha Dominici và thân thiết với anh H.

Bên cạnh đó, nhiệt huyết và thành công của anh H còn khiến cha Dominici nhận ra khả năng và tinh thần trách nhiệm của anh em cựu quân nhân tham gia công việc thiện nguyện trong trại; nhờ đó sau này cha đã ủng hộ việc cựu Đại úy Thể của Đoàn Thanh niên Công giáo tình nguyện ứng cử Trưởng ban đại diện Trại, và tỏ ra “thông cảm” với tôi khi xảy ra một vụ “xô xát” giữa chàng Trưởng ban Trật tự của Zone III với một thành phần vô kỷ luật khét tiếng.

* * *
 

Một nhận xét nữa của tôi về những điều tốt đẹp nơi cha Dominici là tinh thần hòa đồng tôn giáo. Còn nhớ vừa chân ướt chân ráo tới Galang và nhận chức Zone phó Zone III, tôi đã bị Ban đại diện Trại “bán cái” việc tham dự buổi trình diễn ca khúc Giáng Sinh ngoài trời theo lời mời của nhà thờ Tin Lành Galang 1 nhân dịp lễ Giáng sinh 1981.

Viết là “bán cái” bởi vì vào khoảng thời gian này người Việt tỵ nạn dù lương hay giáo cũng chưa mấy người biết tới và yêu thích các ca khúc Giáng Sinh (Christmas carols) phổ biến ở các nước tây phương cũng như truyền thống trình diễn các ca khúc này trong mùa Giáng Sinh, cho nên chẳng ai muốn ai đi nghe... thánh ca cả.

Không ngờ khi vợ chồng tôi tới nơi, đã thấy cha Dominici và nhiều “chức sắc” của nhà thờ Công giáo Galang có mặt ở đó, và trong chương trình trình diễn còn có sự đóng góp của ca đoàn Công giáo Galang.

Một tháng sau, nhân dịp chùa Quan Âm tổ chức hội tết Nhâm Tuất (1982), cha Dominici đã hướng dẫn một phái đoàn hùng hậu gồm nhà thờ Công giáo, đại diện Cao ủy và các cơ sở thiện nguyện trong trại, có cả Phòng Xã Hội Nam Dương, lên chùa chúc tết Đại đức trụ trì (tôi không nhớ pháp danh) và được thầy mời ăn trưa.

Tham dự các sinh hoạt tại hội tết ở chùa Quan Âm còn có Đoàn Thiếu nhi Thánh thể của nhà thờ Công giáo Galang.

Cha Dominici (áo T-shirt vàng) và các nhân viên thiện nguyện được mời
dùng bữa trưa tại chùa Quan Âm
 (ảnh Gaylord Barr)
 

Tuy nhiên bên cạnh những việc tốt đẹp cha Dominici làm được cho đồng bào tỵ nạn VN nói chung, cho giáo dân nói riêng cha cũng gây ra một vài “rắc rối” nho nhỏ, hay viết chính xác hơn là một vài bất hòa nho nhỏ giữa cha và các con chiên có tự ái dân tộc cao.

Nguyên nhân là các bài giảng trong thánh lễ.

Vì gia đình tôi chỉ đi lễ Chủ Nhật chứ không đi lễ các ngày thường trong tuần cho nên tôi chỉ được biết sự việc này qua nghe ông anh họ vợ kể lại.

Theo lời ông anh, các bài giảng ngắn trong các thánh lễ ngày thường trong tuần của cha Dominici thường mang tính cách giáo dục, hướng dẫn, đề cập tới những cái tốt cái xấu trong cuộc sống của người tỵ nạn ở Galang, nhiều khi đem lại sự bực bội, khó chịu nơi con chiên dự lễ.

Thí dụ điển hình nhất là việc cha chê trách các cô gái “thiếu nết na”. Hôm đó, trong bài giảng cha đề cập tới việc một số cô gái tỵ nạn sống buông thả và kết luận một cách gay gắt:

“Liều chết vượt biên tìm tự do để xây dựng một cuộc đời mới chứ không phải để làm điếm!”

(Ông anh họ vợ tôi thề sống thề chết cha Dominici sử dụng hai chữ “làm điếm”)

Theo suy nghĩ của tôi, đây chỉ là một “tai nạn ngôn ngữ”. Đồng ý rằng cha Dominici đã bỏ ra bao năm để học tiếng Việt, thậm chí lấy tên Việt là “Đỗ Minh Trí”, nhưng điều đó không có nghĩa là cha thông hiểu, lĩnh hội được 100% phong hóa Việt Nam, trong đó có việc phải tránh đề cập công khai tới những điều không hay, những việc không tốt!

Vì thế tôi hoàn toàn thông cảm với cách phát biểu thiếu tế nhị của một vị tu hành đã dành trọn cuộc đời mình để phục vụ tha nhân, cách riêng người Việt tỵ nạn cộng sản.

Nhưng nhiều người trong đó có ông anh họ vợ tôi đã không có được sự thông cảm đó. Ông là một người rất sùng đạo, có em trai là linh mục mà nghe cha Dominici nói câu đó cũng phải nóng mặt! Sau khi tan lễ, ông và một số người lớn tuổi xôn xao bán tán, ai cũng bất bình trước lời giảng của cha. Có người còn đòi gặp cha để phản đối, báo hại ông “Trùm” (Trưởng ban đại diện giáo dân) đã phải hết lời khuyên can.

Thế nhưng theo tôi, cho dù cha Dominici thiếu tế nhị, ngài đã không “quá lời”!

Ở đây tôi không nói tới những quan hệ giữa nam nữ tỵ nạn với nhau (bởi đó là quyền tự do cá nhân) mà chỉ nói tới những sự việc mắt thấy tai nghe diễn ra giữa một số cô gái Việt Nam và cảnh sát Nam Dương trong Zone III (các zone khác có hay không, tôi không thể khẳng định).

Đó là mấy cô gái lẳng lơ thường tụ tập với đám cảnh sát Nam Dương dưới bóng cây bên hông một barrack gần kho lương thực.

Cảnh sát Nam Dương ở Galang thường chạy xe gắn máy phân khối lớn kiểu đường rừng (trail, off-road) màu sắc rực rỡ cho nên càng dễ gây sự chú ý của mọi người.

Các cô thường leo lên xe ngồi cười đùa, cợt nhả với với đám cảnh sát, thỉnh thoảng lại có cô được họ chở đi. Đi đâu, chỉ có trời biết!

Nhưng cho dù các cô không “làm điếm”, những cảnh khó coi nói trên cũng khiến nhiều người bực mình khó chịu, coi đó là một sự ô nhục cho cả tập thể người tỵ nạn ở Galang.

Ngay từ khi nhận chức Zone phó Zone III, tôi đã bị một số đồng bào lớn tuổi sống trong những barrack gần đó thẳng thắn đặt vấn đề, yêu cầu phải có biện pháp đối phó. Tuy nhiên cũng phải đợi tới khi Ban Trật tự của Zone III được thành lập, tôi mới lợi dụng sự quen biết Đại úy Marjuno chấm dứt được việc các cô và đám cảnh sát tụ tập sau 11 giờ đêm (giờ giới nghiêm), còn ban ngày thì vô phương...

Tôi thật sự không thoải mái chút nào khi nhắc tới việc làm của một vài cá nhân thiếu ý thức trong tập thể hàng ngàn người tỵ nạn, nhưng cũng phải đề cập tới để mọi người thấy được sự quan tâm của cha Dominici tới mọi mặt trong cuộc sống của người tỵ nạn ở Galang.

Nhân tiện cũng xin nhắc lại một tin ngày ấy được nhiều người loan truyền nhưng tôi không thể kiểm chứng, đó là việc cha Dominici đã yêu cầu bệnh viện Galang (của PMI, tức Hồng Thập Tự Nam Dương) từ chối phá thai cho những phụ nữ là tín đồ Công giáo...

Thêm một công việc thiện nguyện của cha Dominici không thể không nhắc tới là cha đã sử dụng một địa chỉ ở Singapore để thân nhân từ các quốc gia đệ tam gửi ngân phiếu cho cha, cha sẽ chuyển tiền cho người ở Galang.

Sở dĩ cha Dominici tự nguyện nhận lãnh công việc “không tên” này là vì có không ít người gửi tiền mặt trong thư cho thân nhân ở Galang và thư không bao giờ tới, còn gửi ngân phiếu kèm theo thư cũng có khi không nhận được.

Trong suốt thời gian ở Galang tôi chỉ được ông dượng ở Mỹ chi viện một lần duy nhất (và nhận được), cho nên tôi cũng không quan tâm tìm hiểu việc bị mất tiền mặt gửi theo thư hoặc ngân phiếu không tới tay người nhận. Nhưng chắc hẳn tỷ lệ bị mất phải cao cho nên cha Dominici mới nghĩ ra cách giúp đỡ những người tỵ nạn khốn khổ không biết cầu cứu, nhờ vả ai!


* * *
 

Sau khi tôi đi định cư, tới năm 1985 cha Dominici từ giã Galang để sang trại tỵ nạn Bataan, Phi-luật-tân phục vụ đồng bào tại đây, rồi sang Thái Lan...

Ngày ấy một số người cho biết cha rời Galang vì số người tỵ nạn ở đây đã giảm bớt nhiều, sau này khi cha mất, đọc bài Nhớ Cha Đỗ Minh Trí của Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ (dongten.net) tôi mới biết cha ra đi theo lệnh của Bề Trên. Xin trích dẫn một đoạn:

Một hôm, cha bị cảnh sát Indonesia chất vấn: “Tại sao khi có bất đồng giữa chính quyền và người tỵ nạn, ông luôn đứng về phía họ?” Cha trả lời: “Vì quý vị có quyền, có tiền, có súng, còn họ chẳng có chi hết.”

Sau đó ít lâu, cha nhận một bưu kiện, nhưng khi mở ra, cha thấy vỏn vẹn một viên đạn cùng với mấy chữ: “Xin mời ông đi nơi khác. Thế là Bề Trên bảo cha đi. (ngưng trích)

Lần cuối tôi gặp cha Dominici tại Galang là trong buổi tiệc trà tổ chức tại Bararck Nhà Trẻ 68 để tiễn anh H, Bararck trưởng, lên đường đi định cư tại Úc, khoảng giữa năm 1982.

Còn lần cuối cùng tôi gặp cha trên cõi thế là khi cha sang thăm Úc khoảng giữa thập niên 1990. Trong buổi tiếp xúc với cựu tỵ nạn Galang và những người ái mộ cha tại Trung Tâm Công Giáo Vinh-sơn Liêm, cha vui vẻ hỏi chuyện tôi và anh H về cuộc sống ở Úc. Trông cha có vẻ khỏe mạnh, có da có thịt, hồng hào hơn ngày còn ở Galang.

Nhưng chỉ vài năm sau, biết tin cha bị ung thư gan, và tới tháng 3/2003, được tin cha mất.

* * *
 

Người thứ ba trong số những nhân vật tôi không bao giờ quên sau khi rời Galang là Amelia (Mely) Bonifacio, đại diện Cao ủy Tỵ nạn LHQ tại Galang mà đồng bào thường gọi là “cô Cao ủy trưởng” hoặc bằng cái tên đã được Việt hóa hơi khôi hài pha lẫn thân thương: cô Mê-ly!

Bản thân tôi có cái tật (tạm gọi như thế) chỉ thích đàn bà con gái đẹp, cho dù họ dứt khoát không phải đối tượng chinh phục của mình. Nhưng riêng với cô Mely, tôi đã quý phục cô ngay từ đầu, và sau đó chẳng bao giờ quan tâm tới nhan sắc của cô!

Amelia “Mely” Bonifacio, 1981 (ảnh Gaylord Barr)
 

Khi gặp lại cha Dominici ở Úc, tôi được cha cho biết cô vẫn thường xuyên liên lạc với cha, và hiện giữ một chức vụ khá quan trọng. Khoảng năm 2000, khi Internet đã khá phổ biến, tôi tìm hiểu qua trang mạng của Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR), mới biết cô đang làm Giám đốc Khối Hỗ trợ Hoạt động trong Chương trình Thực phẩm Thế giới của Cao ủy Tỵ nạn LHQ (Director, Division of Operational Support, World Food Programme, United Nations High Commissioner for Refugees).

Nhân vật thứ tư trong số những người tôi mến phục và không bao giờ quên là Gaylord Barr (1947-2015) - một thành viên của tổ chức thiện nguyện Peace Corps (Hoa Kỳ), đảm trách việc đào tạo những giáo viên người Việt (đa số là các bạn trẻ) để họ dạy Anh ngữ cho đồng hương của mình - mà tôi đã trân trọng nhắc tới trong một kỳ trước.

Sau cùng là một nữ đồng nghiệp của Gaylord Barr mà tôi không thể không nhắc tới: Debbie Dodd. Với không ít bạn trẻ được đào tạo trở thành giáo viên Anh ngữ ở Galang vào thời điểm ấy, ngoài sự tận tâm, gần gũi, cô giáo Debbie còn được nhớ mãi với nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi.

Gaylord Barr và Debbie Dodd trao phần thưởng cho một học viên (ảnh Gaylord Barr)
 

Lúc đó (năm 1981, 1982) Debbie còn rất trẻ, tôi đoán chỉ chừng 24, 25 tuổi. Thoạt nhìn cô, tôi liên tưởng ngay tới một thần tượng ca nhạc của tôi là nữ ca nhạc sĩ Mỹ Carol King lúc còn trẻ cũng cắt tóc ngắn như cô. (Chú thích 1)

Cũng giống Gaylord Barr, Debbie Dodd không chỉ dạy Anh ngữ mà còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác ở trại tỵ nạn Galang. Có thể viết nơi nào có mặt Gaylord nơi đó có Debbie, kể cả trong chuyến đi Kuku năm 1981 trên tàu Seasweep để đón nhóm 200 người chúng tôi về Galang.

Chỉ có điều đáng tiếc là sau này vào website Galang Refugee Camp, tôi thấy tên tuổi của Debbie Dodd luôn được nhắc nhớ với lòng thương mến nhưng không ai được biết được biết đường đời của cô sau này ra sao?!

* * *
 

Công việc cuối cùng của tôi trong chức vụ Zone trưởng Zone III là tìm người “kế vị”.

Thông thường, khi một ông zone trưởng đi định cư (hoặc vào Galang 2) anh em văn phòng zone và các barrack trưởng sẽ bầu một trong hai ông zone phó lên làm zone trưởng, nhưng hai ông zone phó của tôi dứt khoát từ chối. Anh bạn tù Sơn “lồ”, Zone phó Hành chánh, thì viện lý do mình lè phè, không có uy; Hiền, Zone phó Trật tự, thì lấy lý do mình có nhiều “ân oán”, sợ không được cảm tình của một số người.

Cuối cùng, tôi phải năn nỉ ông N, vị Thiếu tá ở cùng Barrack 73 với tôi, xưa nay chưa từng tham gia bất cứ công việc gì trong trại, nhận lời giữ chức zone trưởng tạm thời cho tới khi anh em barrack trưởng tìm được người có khả năng tình nguyện làm zone trưởng...

Sau khi bàn giao chức vụ cho Thiếu tá N, tôi dành ngày cuối ở đảo để sang Galang 2 từ giã những người thân quen hoặc cùng làm việc thiện nguyện tại Galang 1 trước đây, trong đó có Thảo, nguyên Barrack trưởng 73 của tôi.

Sở dĩ tôi phải vào Galang 2 để từ giã vì biết ngày mai sẽ không có ai đi ra bến tàu để “tiễn người đi”. Vừa vì đường xa vừa vì yếu tố tâm lý.

Như tôi đã viết trước đây, thời gian này Galang 2 là nơi tạm trú của người tỵ nạn Căm-bốt và những người tỵ nạn Việt Nam đã được Mỹ nhận chờ ngày đi định cư. Thời gian chờ đợi có thể chỉ mấy tháng nhưng cũng có thể 2, 3 năm! Vì thế cuốc bộ mấy cây số ra bến tàu nhìn người khác lên đường đi định cư là một việc không ai cảm thấy phấn khởi cả.

Sau bữa ăn trưa với chị em Thảo, chúng tôi bịn rịn chia tay nhau.

Trên đường trở về Galang 1, tôi đề nghị dừng chân tại “Galang 3” – tức nghĩa trang Galang – vừa để nghỉ vừa để vĩnh biệt những đồng bào kém may mắn đã nằm lại đây, trong số đó có năm thanh niên chết oan vì uống phải rượu có chất độc mua của Nam Dương.

Thời gian này nghĩa trang Galang còn khá hoang sơ với trên dưới 200 nấm mồ đắp đất với những bia mộ hoặc thánh giá bằng gỗ nên trông rất thê lương, ảm đạm. (Chú thích 2)

(Còn tiếp)


CHÚ THÍCH:

(1) Carol King, sinh năm 1942, được ghi nhận là nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ sáng tác ca khúc thành công nhất của Hoa Kỳ trong hậu bán thế kỷ 20.

Khởi đầu sự nghiệp vào năm 17 tuổi với việc viết ca khúc cho các ca sĩ khác, Carol King đã đạt thành công rực rỡ với những ca khúc bất hủ như You've Got a Friend, It's Too Late, Will You Love Me Tomorrow...

Mười năm sau, được sự khuyến khích của nhiều người, Carol King bắt đầu thu đĩa và trình diễn trên sân khấu. Những buổi trình diễn “live” của Carol King đã thu hút đông đảo khán giả có trình độ thưởng thức cao vì ngoài sáng tác và hát, cô còn là một nhạc sĩ dương cầm, luôn tự đệm đàn cho mình trong các buổi trình diễn.

Carol King trên bìa album Tapestry
 

Năm 1971, album thứ hai của Carol King, tựa đề Tapestry, đã làm mưa gió với bốn giải thưởng âm nhạc Grammy Awards, 14 lần đoạt “đĩa Platinum”, trở thành một trong những album bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc Hoa Kỳ. Năm 1998, Tapestry được đưa vào Danh dự sảnh giải Grammy (Grammy Hall of Fame).

Carol King cũng là người đỡ đầu, hướng dẫn nữ ca nhạc sĩ nổi tiếng Mayumi Itsuwa của Nhật khi cô sang Mỹ học hỏi.

Người yêu nhạc nếu không biết tới tên tuổi Mayumi Itsuwa ít ra cũng từng thưởng thức những ca khúc bất hủ của cô được đặt lời Việt, như Kobito Yo (Hận tình trong mưa, Phạm Duy; Tình là giấc mơ, Khúc Lan), Ribaibaru (Trời còn làm mưa mãi, Nhật Ngân), v.v...

(2) Tổng cộng đã có khoảng 500 thuyền nhân Việt Nam nằm lại Galang 3, tức Nghĩa trang Galang. Sau này, tất cả những nấm mồ đất đã được đồng bào trong trại hoặc thân nhân xây xi-măng với tên tuổi trên mộ bia.

Ở lối vào có một trụ xi-măng màu cờ vàng với ba sọc đỏ. Rất tiếc, tới đầu thế kỷ 21, cùng với việc cho tay sai phá hủy một số bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở các trại tỵ nạn cũ ở Đông Nam Á, cộng sản Hà Nội còn gây áp lực ngoại giao với nhà cầm quyền Nam Dương, buộc họ phải sơn cờ vàng ba sọc đỏ thành hai màu trắng đen!

Nghĩa trang Galang hiện nay: màu cờ vàng ba sọc đỏ đã bị sơn trắng đen (ảnh FB Galang Refugee Camp)
 

Nghe kể lại, trong số những thuyền nhân xấu số được chôn tại Nghĩa trang Galang có hai cô gái bị hải tặc hãm hiếp, tới Galang đã tự tử vì nỗi ô nhục. Hai cô rất thiêng nên được đồng bào ở Galang 2 lập miếu thờ gọi là Miếu Hai Cô dưới một tàng cây cổ thụ ven rừng, to cao như cây đa ở Việt Nam. Nhiều người trong trại thường đến miếu thắp nhang khấn vái.

Về sau có thêm một thiếu nữ tự tử vì nguyên nhân tương tự, Miếu Hai Cô trở thành Miếu Ba Cô.

Miếu Hai Cô (ảnh FB Galang Refugee Camp)
 


CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 24)



Hồi ký

NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA



CHƯƠNG 3 – Cửa ngõ Tự Do và Tình Người

(tiếp theo kỳ 23)

Trong ba khó khăn lớn nhất của tôi khi nhận chức Zone trưởng Zone III, việc buộc mọi người tham gia công tác vệ sinh sáng Thứ Bảy sở dĩ đạt kết quả tốt đẹp phần lớn là nhờ “dựa hơi” cô Mely (Cao ủy trưởng), hai khó khăn còn lại tôi phải tự mình tìm cách giải quyết. Đó là nạn phá hoại các cơ sở của trung tâm sinh hoạt nằm trong lãnh thổ Zone III và tình trạng “vô chính phủ” tại các barrack.

Trước hết nói về nạn phá hoại các cơ sở ở trung tâm sinh hoạt, chủ yếu là các phòng học.

Vì hội trường, thư viện, phòng nghe băng Anh ngữ (Listening Center) sau khi sử dụng đều được khóa cửa, Youth Center và tòa soạn bán nguyệt san Tự Do thì có nhân viên ngủ đêm, Văn phòng Zone III thì lúc nào cũng đèn đuốc sáng trưng, trong khi các phòng học không có khóa cửa, chỉ được sử dụng vào ban ngày nên không có đèn điện, tối đến dễ trở thành mục tiêu phá hoại.

Youth Center -Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên (hình Gaylord Barr)


Người ta tới tháo gỡ bàn ghế, gỡ vách ván đem về barrack sử dụng không nói làm gì, mà còn có những đám trẻ tới tụ tập phá phách, phóng uế trong phòng học, thậm chí có khi còn lấy phân trét lên bảng đen!

Để đối phó, ông Zone trưởng Zone III chỉ có một “vũ khí” duy nhất là cái đèn pin do Phòng Trât tự của Ban Đại diện cấp cho các zone trưởng! Thành thử khi bị bắt gặp, các “thủ phạm” vừa bỏ chạy vào màn đêm vừa chửi thề, chọc quê, thậm chí có khi còn buông lời hăm dọa mà không ai làm gì được!

Suy nghĩ nát óc, tôi nhận thấy chỉ có một giải pháp là xin Ban Đại diện chính thức cho thành lập một toán tuần tiễu của Zone III.

Trước đó, qua trao đổi với Zone trưởng Zone IV, tôi biết zone này có một toán trật tự để đi kiểm soát các barrack, hoạt động rất hữu hiệu.

Như đã viết ở một đoạn trước, vào thời gian tôi nhận chức vụ Zone trưởng Zone III thì Zone IV được ghi nhận là kỷ luật nhất, vệ sinh sạch sẽ nhất trong số bốn zone, còn Zone III bị xem là tệ hại nhất.

Zone trưởng Zone IV lúc đó là Hóa, một thanh niên trong Gia đình Phật tử Long Hoa, rất được mọi người mến phục vì tư cách cũng như tinh thần phục vụ.

Sau vài lần gặp nhau trong các buổi họp của Ban Đại diện Trại, tôi kết thân với Hóa và xuống tận Văn phòng Zone IV để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Mặc dù Hóa khiêm nhượng cho biết nề nếp trong zone đã có từ đời nào, anh chỉ thừa hưởng thành quả từ những vị zone trưởng tiền nhiệm, tôi cũng nhận ra yếu tố chính giúp Hóa thành công trong việc duy trì an ninh trật tự, vệ sinh trong zone là việc anh cùng toán trật tự thường xuyên kiểm soát, đôn đốc, không vị nể một ai.

Tuy nhiên, vì toán trật tự này do Zone IV tự ý thành lập nên vẫn phải tuân theo lệnh giới nghiêm 11 giờ đêm, trong khi Zone III của tôi cần một toán tuần tiễu suốt đêm, vì thế phải được sự chấp thuận của Ban Đại diện Trại và Cảnh sát Nam Dương.

Trong buổi họp hàng tuần của Ban Đại diện và các zone trưởng, sau khi trình bày tệ nạn phá hoại các phòng học ngày càng gia tăng, tôi đề nghị cho phép Zone III thành lập một Ban Trật tự riêng để đi tuần, được quyền đi lại trong zone sau giờ giới nghiêm như các vị zone trưởng, và được quyền bắt giữ các thủ phạm.

Để tạo áp lực với Ban Đại diện, tôi nói nếu đề nghị của tôi không được chấp thuận, vì an toàn của bản thân tôi sẽ ngưng việc đi kiểm soát các cơ sở ở trung tâm sinh hoạt trước cũng như sau giờ giới nghiêm!

Đề nghị của tôi được ông Trưởng khối Giáo dục phổ thông ủng hộ hết mình (vì các giáo viên của ông thường xuyên sử dụng các phòng học), và cuối cùng đã được ông Trại trưởng chấp thuận.

Trại trưởng Galang 1 lúc đó là bác Trinh, một vị thẩm phán Tối cao Pháp viện thời Việt Nam Cộng Hòa, mới lên thay ông trại trưởng tiền nhiệm là một vị giáo sư (giáo chức biệt phái) đã đi định cư. Bác Trinh có dáng dấp nhỏ bé nhưng cá tính rất mạnh, phục vụ tận tụy, thẳng thắn, không vị nể một ai cho nên làm việc rất “ăn giơ” với cô Mely.

Bác Trinh (áo xanh) tại bến tàu Galang trong một lần tiễn người đi (hình Gaylord Barr)


Sau buổi họp, tôi vào văn phòng của bác Trinh để cùng với bác và ông Trưởng phòng Hành chánh soạn thảo quyết định thành lập Ban Trật tự của Zone III. Để tạo danh chính ngôn thuận và khỏi dẫm chân nhau, việc thành lập Ban Trật tự của Zone III được Ban Đại diện Trại thông báo bằng văn bản cho Đồn Cảnh Sát Nam Dương.

Theo quyết định thành lập, Ban Trật tự của Zone III gồm một trưởng ban và bốn thành viên. Quyết định này cũng ghi rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Trật tự của Zone III, và biện pháp đối với những người phá hoại các cơ sở ở trung tâm sinh hoạt vốn là tài sản của Cao ủy Tỵ nạn LHQ.

Cũng xin nhắc lại, theo thỏa thuận từ lúc ban đầu giữa ba phía - Cao ủy, Nhà cầm quyền Nam Dương và Ban Đại diện Trại - việc thi hành biện pháp kỷ luật đối với người ty nạn phạm pháp ở Galang là phần hành của cảnh sát Nam Dương. Cho nên tại đồn cảnh sát có một nhà giam người tỵ nạn gọi tắt là “P3V”.

Thực ra P3V, viết tắt từ mấy chữ Nam Dương “Panitia Pengelolaan Pengungsi Vietnam”, có nghĩa là “Ủy ban Quản lý Người tỵ nạn Việt Nam”, bao gồm tất cả mọi cơ sở của nhà cầm quyền Nam Dương tại trại tỵ nạn Galang, nhân sự gồm từ vị Chỉ huy trưởng Trại (Camp Commander) xuống tới viên cảnh sát quèn. Nhưng chẳng hiểu tại sao cảnh sát Nam Dương lại gọi nhà giam người tỵ nạn “P3V”, để rồi cả Văn phòng Cao ủy, Ban Đại diện Trại và đồng bào trong trại đều gọi theo.

Đám thanh thiếu niên tỵ nạn thuộc thành phần ba gai rất sợ bị đưa lên P3V vì ngoài việc ban ngày phải lao động (làm cỏ, đào mương, phá rừng chồi...) đêm về còn bị mấy tay cảnh sát có máu bạo hành lâu lâu nổi hứng thượng cẳng tay hạ cẳng chân; trong một số trường hợp còn bị cạo đầu – hình phạt mà người Nam Dương cho là nhục nhã nhất, thường chỉ dành cho tù hình sự trong các nhà tù Nam Dương.

[Vì hình phạt cạo đầu này mà có sự hiểu lầm tai hại của cảnh sát Nam Dương đối với những người tỵ nạn tự nguyện cạo đầu sau khi tới được bến bờ tự do vì có lời thề]

Vì thế trên thực tế, Văn phòng Cao ủy và Ban Đại diện Trại chủ trương cực chẳng đã mới phải nhờ tới cảnh sát Nam Dương thi hành biện pháp kỷ luật; riêng cha Dominici đã có lần phải lặn lội về thủ đô Jakarta để khiếu nại về việc cảnh sát Nam Dương ở Galang sử dụng bạo lực với người tỵ nạn.

Khi quyết định thành lập Ban Trật tự Zone III, bác Trinh cũng nhắc nhở tôi về chủ trương nói trên, và khuyên tôi tùy cơ ứng biến, nếu cần có biện pháp mạnh thì giao “thủ phạm” cho Phòng Trật tự của Ban Đại diện chứ đừng giao cho cảnh sát Nam Dương.

Tuy nhiên trên văn bản, nội dung quyết định vẫn ghi đầy đủ những gì đã quy định trong Nội quy Trại (người tỵ nạn phạm pháp sẽ chịu mọi biện pháp kỷ luật của cảnh sát Nam Dương) với mục đích răn đe.

Trở về Zone III, tôi cho thành lập Ban Trật tự, do Hiền, Zone phó Trật tự làm Trưởng toán.

Trước đó, Zone III - cũng như các zone khác - chỉ có một zone phó, tới khi thành lập Ban Trật tự, tôi mới lập thêm một chức zone phó nữa: anh bạn tù Sơn “lồ” làm Zone phó Hành chánh, Hiền làm Zone phó Trật tự.

(Sơn “lồ” nguyên là đội phó lao động của tôi trong trại cải tạo Đồng Ban, Tây Ninh, sau này trốn trại về Sài Gòn rồi vượt biên tới Galang, lọt vào Zone III)

Bốn thành viên Ban Trật tự là bốn barrack trưởng hăng say nhất tình nguyện, trong đó có Vinh “què”, Barrack trưởng 65, là barrack nằm gần khu phòng học nhất.

Bản quyết định thành lập Ban Trật tự Zone III được tôi cho photocopy để dán ở tất cả mọi barrack trong zone.

Kết quả, chỉ một, hai tuần sau khi Ban Trật tự Zone III bắt đầu các cuộc đi tuần ban đêm, nạn phá hoại các cơ sở ở trung tâm sinh hoạt và phóng uế trong các phòng học đã chấm dứt.

* * *


Việc thành lập Ban Trật tự Zone III còn góp một phần không nhỏ vào việc giải quyết tình trạng “vô chính phủ”, ai muốn làm gì thì làm ở các barrack.

Nguyên sau khi nhận chức Zone trưởng, tôi đã âm thầm xuống các barrack để tìm hiểu và nhận ra rằng trong không ít trường hợp nguyên nhân chính là barrack trưởng thiếu khả năng, uy tín, thậm chí phe đảng, đưa tới tình trạng chẳng ai nghe ai, chẳng ai ngán ai! Và nếu người nào cũng nghĩ rằng chỉ ở Galang vài tháng rồi đi định cư, hơi đâu lên tiếng phê bình, hoặc không ai chịu ra “tranh cử” chức barrack trưởng, tình trạng “vô chính phủ” ấy cứ tiếp diễn.

Muốn giải quyết thì điều kiện tiên quyết là phải được sự hưởng ứng của người trong barrack, phải có người tình nguyện nhận lãnh chức vụ barrack trưởng. Qua tham gia sinh hoạt trong Ban Đại diện Trại và các đoàn thể tại Galang 1, tôi nhận thấy phần lớn người tình nguyện phục vụ đồng bào trong trại đều thuộc một trong ba thành phần sau đây; cựu quân nhân, Đoàn Thanh niên Công giáo Galang, Gia đình Phật tử Long Hoa.

Trong cương vị zone trưởng, tôi đã tìm tới anh em cựu quân nhân trong các barrack để tìm hiểu tình hình và tham khảo ý kiến.

Trong số này có Hưng ở Barrack 69, một trong hai tay đại úy bạn tù thân thiết cùng nhà ở K1, Suối Máu trước đây. Hưng vượt biên với thằng con trai, tới Galang trước tôi gần một năm, đã được Phái đoàn Mỹ nhận, chờ sang Galang 2.

Hưng là người tinh tế và khó tính, vì thế những gì trái tai gai mắt trong Barrack 69 nói riêng, trong Zone III nói chung đều được hắn để tâm ghi nhận.

Ngoài đại úy Hưng, còn có thiếu úy Vinh “què”, Barrack trưởng Barrack 65 đã nhắc tới ở trên, cũng là một barrack trưởng thâm niên và rất có uy trong zone.

Với sự đóng góp ý kiến của Hưng, Vinh, và Thảo (Barrack trưởng Barrack 73 của tôi), tôi thiết lập một danh sách những barrack cần phải thay đổi barrack trưởng, rồi âm thầm tiến hành vận động, kêu gọi người tình nguyện.

Công việc của tôi đạt kết quả tốt đẹp phần lớn nhờ sự hưởng ứng của những người thuộc thành phần mới tới Galang được một vài tháng, đã được tôi đích thân “lên lớp” (nghĩa đen) khi vừa đặt chân tới trại.

Số là ngay sau khi đảm nhận chức vụ zone trưởng, tôi bắt đầu tổ chức những buổi hướng dẫn đồng bào mới tới được đưa về các barrack thuộc Zone III; địa điểm là một phòng học phía sau văn phòng zone.

Đây là một công việc hết sức cần thiết, hữu ích nhưng không hiểu tại sao các đời zone trưởng trước của Zone III không ai làm, cứ để mặc các barack trưởng tùy nghi hướng dẫn (còn ở các zone khác, có hay không tôi không được biết).

Cần thiết và hữu ích bởi vì đồng bào mới tới không biết một chút gì về cuộc sống trong trại, về các cơ quan trong trại, về những thủ tục họ sẽ phải trải qua để được đi định cư tại một đệ tam quốc gia...

Ngoài việc đem lại cho đồng bào những hiểu biết cần thiết, những buổi hướng dẫn nói trên còn tạo ra một sự cảm thông, tinh thần hợp tác của đồng bào với những người làm việc thiện nguyện trên văn phòng zone cũng như tại các barrack.

Kết quả, chỉ trong vòng hai tháng, đã có hơn 1/3 trong tổng số barrack của Zone III xin văn phòng zone cho tổ chức bầu lại barrack trưởng. Những người được bầu đa số là cựu quân nhân, các thanh niên trong Đoàn Thanh niên Công giáo, Gia đình Phật tử mới tới Galang trong những đợt cuối năm 1981, đầu năm 1982, trong số này có một nữ barrack trưởng đầu tiên và duy nhất ở Galang 1 (tính cho tới ngày tôi đi định cư).

Đó là một bà mẹ trẻ đi vượt biên với hai con nhỏ, chồng đã đi trước và định cư tại Mỹ; về sau mới biết đó là một cô em họ xa của tôi. Hương, tên cô, không chỉ là nữ barrack trưởng đầu tiên mà còn là một barrack trưởng xuất sắc, về sau đã được ông Trại trưởng cấp giấy khen.

* * *


Với dàn barrack trưởng có tinh thần phục vụ cao, Zone III đã có những sự cải tiến tốt đẹp, chẳng hạn phân phối thực phẩm một cách công bằng hơn, phân chia cầu tiêu cho từng “liên gia” để họ liên đới trách nhiệm gìn giữ vệ sinh, v.v...

Ngoài ra còn có việc lập phòng may của Zone III. Nguyên trong một lần tới văn phòng Zone IV chơi, tôi để ý thấy trong một góc phòng có đặt hai máy may để đồng bào trong zone tới sử dụng.

Tôi hỏi máy may ở đâu mà có thì Hóa, Zone trưởng Zone IV, cho biết do cơ quan từ thiện World Relief tặng cho mỗi zone hai máy vào đầu năm 1981. Tôi về hỏi Vinh “què” mới biết hai cái máy may của Zone III được đặt ở barrack của ông Zone trưởng, tức Tài, người tiền nhiệm của tôi. Tài viện lý do để trên văn phòng zone không có người trông coi.

Trên nguyên tắc, không cần biết hai máy may này được đặt ở đâu, đồng bào trong zone cũng có quyền tới sử dụng, nhưng trên thực tế không mấy người biết vì không được phổ biến rộng rãi. Rốt cuộc hầu như chỉ có người trong barrack của ông Zone trưởng sử dụng, trong đó có một hai bà thợ may, và hai cái máy may của Zone III đã trở thành cần câu cơm của họ.

Ngay sau khi được biết nguồn gốc hai máy may này, tôi quyết định đưa lên văn phòng zone. Nhưng cơ sở sử dụng làm văn phòng Zone III khá chật hẹp, chỉ là 1/3 ngôi nhà trong khu sinh hoạt, vừa đủ chỗ kê một bàn làm việc, một tủ hồ sơ, một cái bàn gỗ dài với hai băng ghế để họp barrack trưởng và tiếp đồng bào khi họ có việc phải lên văn phòng zone, và một cái kho vật dụng; thấy 2/3 còn lại của ngôi nhà được sử dụng làm phòng học nhưng lâu lâu mới có người tới, tôi xin Ban Đại diện Trại trao luôn cho Zone III để sử dụng làm phòng may và chỗ đặt bàn ping-pong (lâu nay bị bỏ xó trong kho).

Khi tôi đích thân đưa người xuống barrack của ông Zone trưởng cũ khiêng hai cái máy may lên văn phòng zone thì đã được đón tiếp bằng những cặp mắt không mấy thiện cảm của anh chàng barrack trưởng và đa số đồng bào trong barrack, nhưng biết làm sao hơn!

Từ đó, trụ sở văn phòng Zone III trở nên tấp nập hơn với đồng bào tới sử dụng máy may (phải book theo thứ tự) và chơi ping-pong. (Nhờ bàn ping-pong này mà tôi khám phá ra một tay vợt nữ siêu hạng, sẽ đề cập tới ở một phần sau).

* * *


Về trật tự trị an, việc Ban Trật tự cùng với zone trưởng khi được barrack trưởng mật báo, tới kiểm soát dân số tại các barrack sau giờ giới nghiêm gần như đã chấm dứt được tình trạng “ngủ lậu” - viết thẳng ra là nam nữ ở barrack này tới barrack khác để “qua đêm” với nhau.

Vì việc này, Ban Trật tự Zone III và cá nhân tôi đã bị một số người ghét cay ghét đắng, lén gọi là phát-xít, nhưng lại được đa số đồng bào trong zone hoan nghênh, bởi vì họ không còn phải khó chịu, bực mình trước những gì mà họ biết chắc đang diễn ra trong bóng tối đồng lõa.

Nhưng đáng nói hơn cả là sau này hầu như không còn xảy ra việc đang đêm cảnh sát Nam Dương vào các barrack trong Zone III để kiểm soát dân số nữa.

Trước kia, theo nguyên tắc đã được thỏa thuận từ đầu, với nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an, cảnh sát Nam Dương có quyền vào các barrack, ngày cũng như đêm, để thi hành nhiệm vụ, chẳng hạn điều tra về một vụ phạm pháp, hay bắt một thủ phạm đưa lên đồn cảnh sát, còn việc kiểm soát dân số trong các barrack là của Ban đại diện Trại, do các barrack trưởng chịu trách nhiệm.

Nhưng sau khi xảy ra vụ một thuyền nhân mất tích, cảnh sát Nam Dương đã dẫm chân Ban đại diện Trại, ban đêm bất thần vào các barrack để đếm đầu người theo danh sách của barrack trưởng.

Vụ mất tích này xảy ra trước khi tôi tới Galang cho nên chỉ biết nghe người ta kể lại: một cựu sĩ quan (trung úy hay thiếu úy) Không Quân còn trẻ, có vợ nhưng chưa có con, làm việc cho bán nguyệt san Tự Do của cha Dominici, một đêm nọ bỗng biệt tích.

Vì cơ sở của bán nguyệt san Tự Do có chỗ ngủ cho nên đôi khi người này làm việc khuya và ngủ lại ở trên đó, thành thử phải đợi qua ngày hôm sau, người vợ không thấy chồng về và trên tòa soạn cũng không thấy anh lên làm việc mới bắt đầu tìm kiếm, và tới cuối ngày vẫn không thấy mới báo cảnh sát Nam Dương.

Sau khi sự việc được trình lên Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại, cảnh sát Nam Dương đã huy động toàn bộ lực lượng đồng thời kêu gọi đồng bào trong trại tình nguyện cùng vào những khu rừng quanh trại để tìm kiếm.

Rừng ở Galang là rừng già nhưng thưa, không có các loài thú dữ, chỉ có chim chóc, thỏ, chồn, trăn...

Sau mấy ngày tìm kiếm không thấy dấu vết gì, và cũng vì không có “thư tuyệt mạng” để lại, không ai đoán được chuyện gì đã xảy ra cho người cựu sĩ quan này ngoài những tin đồn thiếu sức thuyết phục, chẳng hạn giữa vợ chồng có chuyện buồn nên anh vào rừng sâu tự tử, hoặc anh ta trốn sang Tanjung Pinang, thành phố lớn nhất trong vùng, nằm ở một hòn đảo cách Galang hơn 30 km, để sống kiếp giang hồ, v.v..., thậm chí còn có tin đồn anh là một điệp viên cộng sản giả dạng thuyền nhân tới Nam Dương để móc nối với “tàn quân” của Đảng Cộng Sản Nam Dương. (Chú thích)

Không tìm thấy dấu vết của người mất tích, nhà cầm quyền trại không biết ăn nói ra sao với Cao ủy Tỵ nạn, bởi vì theo thỏa thuận giữa đôi bên, phía Nam Dương có trách nhiệm bảo vệ an ninh và giữ thuyền nhân trong khu vực ấn định.

Hậu quả là sau vụ mất tích nói trên, nhà cầm quyền trại đã đưa ra những biện pháp kiểm soát gắt gao hơn, trong đó có việc ban đêm cảnh sát Nam Dương sẽ bất thần vào các barrack để đếm người.

Việc này không chỉ gây bực mình, căng thẳng vì thái độ hống hách, cung cách hành sự thô lỗ của cảnh sát Nam Dương mà còn dẫm chân Ban đại diện Trại.

Bị cảnh sát Nam Dương lấn lướt nhưng Ban đại diện Trại cũng không làm gì được bởi vì, như những ai từng ở Galang đã biết, cảnh sát họ muốn làm gì thì làm, sau đó Ban đại diện Trại có khiếu nại với Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại thì việc cũng đã rồi!

Lần này, sau khi khiếu nại, Ban đại diện Trại cũng chỉ đạt được một kết quả nho nhỏ: sau giờ giới nghiêm, nếu cảnh sát Nam Dương muốn vào các barrack để đếm người thì phải có sự hiện diện của zone trưởng.

Tuy nhiên trên thực tế, cảnh sát không bao giờ thông báo cho vị zone trưởng liên hệ mà cứ vào thẳng các barrack đếm người, barrack trưởng phải cho người cấp báo zone trưởng tới nơi... dự khán!

Nhưng sau khi Ban Trật tự Zone III được thành lập, hầu như trong zone không còn xảy ra việc này nữa, tất cả là nhờ sự giao hảo (tạm gọi như thế) giữa tôi và Đại úy Marjuno, Trưởng đồn cảnh sát Nam Dương.

Những ai từng ở Galang trong khoảng thời gian 1981-1982 nếu không biết mặt cũng phải nghe tên viên đại úy này.

Marjuno khoảng trên dưới 30 tuổi, tức là trẻ hơn tôi. Anh ta hơi lùn nhưng vạm vỡ, tuy cũng có màu da nâu như đa số người bản xứ nhưng mang những nét đẹp của dân Trung Đông, cộng thêm hàng râu mép khiến tôi liên tưởng tới nam diễn viên gốc Ai-cập Omar Sharif, người thủ vai chính trong cuốn phim Doctor Zhivago (1965).

Marjuno là một người rất nặng phần trình diễn, từ bộ quân phục với vô số phù hiệu tới khẩu súng lục Browning 9 ly lúc nào cũng kè kè bên hông, từ cái máy Motorola (walkie talkie) luôn luôn mở âm lượng (volume) tối đa tới cách ngồi gác một chân lên khung cửa chiếc xe Jeep...

Tính khí của viên đại úy cảnh sát này cũng bất thường, có lúc rất hung bạo có lúc lại vui vẻ hồn nhiên!

Về sự hung bạo của Marjuno, tôi chỉ nghe kể chứ không được chứng kiến, trong đó có vụ anh ta hành hung vị đại diện người tỵ nạn Căm-bốt ở Galang 2; còn về vui vẻ hồn nhiên, tôi thường thấy anh ta ngừng xe trò truyện, cười nói (bằng tiếng Anh pha tiếng Việt, tiếng Indo) với mấy người bán hàng quán bên lề đường, hoặc đùa dỡn với trẻ em trước các barrack; bên cạnh đó, tôi chưa từng nghe ai than phiền Marjuno có hành động, thái độ nham nhở với đàn bà con gái tỵ nạn như nhiều nhân viên cảnh sát dưới quyền anh ta...

Trong cương vị zone trưởng, tôi không cần và cũng không có cơ hội tiếp xúc với viên Trưởng đồn cảnh sát, tuy nhiên sau khi Ban Trật tự Zone III được thành lập và được Ban đại diện Trại thông báo bằng văn bản cho phía Nam Dương, tôi phải tới đồn cảnh sát tiếp xúc để đích thân thông báo cho họ việc Ban Trật tự Zone III sẽ bắt đầu đi tuần ban đêm trong lãnh thổ Zone III, bao gồm cả khu sinh hoạt.

Sở dĩ tôi phải cẩn thận như thế là vì không biết cảnh sát Nam Dương có đọc Thông báo của Ban Đại diện Trại gửi cho hay không, và nếu đọc, không hiểu họ có đồng ý cho Ban Trật tự Zone III đi tuần sau giờ giới nghiêm hay không?

Tới đồn cảnh sát, tôi trình thẻ zone trưởng cho nhân viên văn phòng và cho biết mục đích của mình. Lúc đó Đại úy Marjuno đang đứng gần đó liền mời tôi vào phòng làm việc của anh ta. Gần một tiếng đồng hồ sau, viên đại úy cảnh sát mới cho tôi ra về!

Trong gần một tiếng đồng hồ đó, tôi và Marjuno chỉ nói chuyện với nhau chưa đầy 10 phút về Thông báo thành lập Ban Trật tự Zone III, và viên đại úy đã đồng ý ngay trước việc chúng tôi sẽ nhận lãnh trách nhiệm kiểm soát khu sinh hoạt và các barrack thuộc Zone III, thời gian còn lại, chúng tôi nói chuyện về... súng đạn, phi cơ!

Nguyên Marjuno là một người say mê, thích sưu tầm, tìm hiểu về vũ khí, mà vào thời điểm tôi ở Galang (1981-1982) quân đội Nam Dương đang dần dần thay thế trang bị quân sự của khối cộng bằng trang bị quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh.

Khi ấy, cảnh sát Nam Dương vẫn còn trực thuộc quân đội (tới năm 1999 mới tách riêng), cho nên khi biết tôi là một cựu sĩ quan trong QLVNCH, Marjuno đã chuyển ngay sang đề tài quân sự, và sau khi trao đổi vài câu, viên đại úy rất thán phục, coi tôi như một cuốn tự điển sống về vũ khí quân sự.

Thực ra tôi cũng chỉ là một người say mê, thích tìm hiểu về vũ khí quân sự như Marjuno nhưng vì những loại vũ khí mà quân đội Nam Dương đang đặt mua của Hoa Kỳ và đồng minh - chẳng hạn súng trường M16A1, đại liên M60, phản lực cơ F-5E, trực thăng UH-1 của Mỹ, xe tăng Scorpion của Anh, xe tăng Leopard của Đức - tôi có một sự hiểu biết khá chi tiết cho nên viên đại úy rất thích thú, nhất là về khẩu súng M16A1 mà tôi có bằng thiện xạ, và chiếc phản lực F-5E Tiger II được sử dụng lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam VN.

* * *


Sau buổi gặp gỡ giữa tôi và Đại úy Marjuno, hầu như không bao giờ cảnh sát Nam Dương vào các barrack của Zone III để kiểm soát sau giờ giới nghiêm nữa; lần duy nhất họ vào là để truy lùng một phần tử phạm pháp mà họ nghi ngờ ẩn náu trong barrack này.

Lâu lâu Marjuno lại ghé văn phòng Zone III rủ tôi lên chiếc xe Jeep Wrangler của anh ta chạy vòng vòng trong trại, và tôi miễn cưỡng nhận lời.

Miễn cưỡng bởi vì người tỵ nạn hầu như không ai ưa cảnh sát Nam Dương, trừ một số rất nhỏ có quan hệ buôn bán, quan hệ trai gái với họ. Việc tôi xuất hiện bên cạnh Marjuno trên chiếc xe Jeep cảnh sát chắc chắn sẽ khiến đồng bào “ngứa mắt’ nhưng tôi không muốn làm mất lòng viên Đại úy Trưởng đồn Cảnh sát trong lúc tôi đang ra sức củng cố an ninh trật tự trong zone, đối phó với nạn phá hoại các phòng học, vì thế tôi miễn cưỡng trở thành một người “thân Indo” trước mắt mọi người.

Một đêm nọ khi đã quá giờ giới nghiêm, Marjuno còn cho ngừng xe Jeep trước Barrack 73, đập cửa gọi tôi cùng anh ta đi tuần tiễu. Tưởng có chuyện gì xảy ra trên trung tâm sinh hoạt, tôi mặc quần áo và lên xe ngay. Nào ngờ Marjuno cho xe chạy thẳng sang Galang 2, miệng huyên thuyên, thỉnh thoảng lại hứng chí phá lên cười như một thằng điên; sau khi đi một vòng Galang 2 mới trở về Galang 1...

Phó bản thẻ zone trưởng của tôi thay cho bản chính bị mưa ướt, được cấp ít lâu trước khi tôi
rời Galang, và anh Thể (Trại trưởng) đã vào Galang 2; ông Hoàng Công Duyên lên thay


Khoảng nửa năm sau khi tôi lên làm zone trưởng, Marjuno bị thất sủng, mà nguyên nhân chính là việc anh ta hành hung ông Trưởng ban đại diện người tỵ nạn Căm-bốt ở Galang 2.

Tôi không được biết rõ đầu đuôi, chi tiết sự việc, chỉ biết sau khi vị đại diện của mình bị Marjuno hành hung, người tỵ nạn Căm-bốt ở Galang 2 đã nổi loạn, chặn không cho bất cứ viên cảnh sát nào vào khu vực của họ, và yêu cầu Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn đứng ra giải quyết.

Sau đó, một buổi họp khẩn cấp đã diễn ra giữa Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn do cô Mely đại diện và Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại Galang do Trung tá Siregar cầm đầu.

Tôi không được biết nhiều về vị trung tá Chỉ huy trưởng Trại vì trước sau tôi chỉ được tiếp xúc trực tiếp một lần duy nhất khi ông tới thăm trung tâm sinh hoạt và ghé vào Văn phòng Zone III, qua đó tôi thấy ông là một người cao ráo, mang mắt kính, ra vẻ “gentleman” chứ không “lực điền” như Đại úy Marjuno.

Theo lời Trung úy H, một người bạn Không Quân cùng khóa cùng đơn vị với tôi trước năm 1975 nay làm việc trên Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại, ông Siregar là một người có trình độ, nói lưu loát cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.

Về cá tính và cách làm việc của ông Siregar, tôi không có cơ hội tìm hiểu và cũng không biết quan hệ giữa ông và Văn phòng Cao ủy ra sao. Chỉ biết một điều chắc chắn là ông và cha Dominici không ưa nhau. Việc này cũng dễ hiểu bởi vì cha Dominici luôn luôn bênh vực người tỵ nạn và đã có lần về thủ đô Jakarta tố cáo, khiếu nại về sự lộng hành của cảnh sát Nam Dương ở Galang.

Trở lại với buổi họp giữa Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn và Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại, cuối cùng Trung tá Siregar đã nhờ cô Mely gửi lời xin lỗi cá nhân ông Trưởng ban đại diện và toàn thể người tỵ nạn Căm-bốt ở Galang 2.

Về phần Đại úy Marjuno, không ai biết anh ta có bị biện pháp kỷ luật nào hay không, chỉ biết từ đó hầu như không xuất hiện công khai ở những nơi có người tỵ nạn nữa, và bị thay thế ít lâu sau khi tôi rời Galang..

Riêng tôi trong cương vị Zone trưởng Zone III, có thể nói đã từ lời tới huề qua việc quen biết viên đại úy này. Trong khi mang tiếng không tốt “thân Indo” trước mắt một số người, tôi đã đạt kết quả tốt đẹp trong việc củng cố an ninh trật tự trong zone, chấm dứt nạn phá hoại các phòng học, và nhất là không còn xảy ra việc đang đêm cảnh sát Nam Dương xông vào các barrack lục soát nữa.

* Ngày Quân Lực VNCH 1982

Khi tình hình vệ sinh, an ninh trật tự trong zone đã trở nên tốt đẹp, tôi bắt tay vào việc khuyến khích và tạo điều kiện cho thanh thiếu niên chơi các môn thể thao như bóng tròn, bóng chuyền, bóng bàn...

Nói cho ngay, tôi cũng chẳng mấy yêu thích các bộ môn thể thao, ngày còn ở bậc trung học đệ nhất cấp tuy có tham gia đội bóng tròn của trường nhưng vì lười chạy cho nên tình nguyện... bắt gôn (thủ môn), chỉ tới khi vào trại cải tạo của cộng sản mới nhận ra những lợi ích của các môn thể thao, về tinh thần cũng như thể chất.

Mặc dù Zone III có lợi thế ở gần sân banh và sân bóng chuyền trước trung tâm sinh hoạt, cho tới thời gian đầu năm 1982, không mấy người trong zone chơi hai môn thể thao này, ngoài một nhóm trẻ vài em chiều chiều ôm banh ra sân dợt chơi.

Trong khi đó Zone IV đã có một đội bóng tròn khá mạnh, lâu lâu chia ra hai phe đá trông khá hấp dẫn. Vì thế, ưu tiên một của tôi là tổ chức một đội bóng tròn cho Zone III.

Trước hết, tôi yêu cầu các barrack trưởng thiết lập danh sách thanh thiếu niên muốn tham gia, càng đông càng tốt để chia phe đá với nhau.

May mắn cho tôi, trong số mấy chục em tham gia có Đặng Văn Toán, một cầu thủ trẻ có trình độ chuyên môn khá cao, tình nguyện đảm trách vai trò huấn luyện viên nên đã gây hào hứng và đạt kết quả tốt đẹp ngoài sự mong muốn.

Về bóng chuyền, không chỉ có Zone III mà các zone khác cũng hăng hái tham gia phong trào chơi bóng chuyền nhờ sự xuất hiện của một “tuyển thủ” không mấy xa lạ với tôi: cựu Thiếu tá Vũ Ngô Khánh Truật, trước kia cùng phục vụ tại phi trường Biên Hòa với tôi; tới Galang, anh giữ chức chi hội trưởng Chi hội (cựu quân nhân) Không Quân. Trước năm 1975, anh là một cầu thủ trong đội tuyển bóng chuyền của Sư Đoàn 3 Không Quân.

Cứ chiều chiều, anh Truật lại rủ một vài người ra sân bóng chuyền trước khu sinh hoạt đấu với nhau; chẳng bao lâu đã thu hút được đông đảo thanh niên trong trại. Ngoài ra, anh Truật còn kiêm cả vai trọng tài, rất ư là... đúng điệu (professional).

Mấy tháng sau, nhân sắp tới Ngày Quân Lực VNCH 19 tháng 6, tôi bàn với anh Truật đề nghị Ban đại diện nhân dịp này tổ chức một giải thể thao toàn trại, vừa tạo không khí sôi nổi hào hứng vừa nêu cao chính nghĩa tỵ nạn.

Anh Truật hưởng ứng ngay và hứa sẽ đứng ra nhận lãnh nếu Ban đại diện Trại đồng ý tổ chức. Dĩ nhiên, Ban đại diện đồng ý.

Đồng ý một phần vì ông Trại trưởng (Trưởng ban đại diện Trại) lúc đó cũng là một cựu quân nhân: Đại úy Thể (xin lỗi, giờ này tôi không còn nhớ họ của anh).

Nguyên sau khi tôi lên làm Zone trưởng Zone III được mấy tháng, bác Trinh, Trại trưởng Galang 1, đi định cư, chúng tôi phải bầu một vị Trại trưởng mới.

“Chúng tôi” ở đây là những người được quyền bỏ phiếu, gồm các Trưởng phòng, Trưởng ban, Trưởng khối thuộc Ban đại diện, các zone trưởng và barrack trưởng, khoảng 150 người.

Theo thông lệ ở Galang, mỗi khi ông Trại trưởng đi định cư, ông Trại phó sẽ lên thay, nhưng lần này ông Trại phó dứt khoát từ chối vì ông đã được Úc nhận theo diện nhân đạo, có thể sẽ rời Galang chỉ trong vòng vài tuần lễ. (Ông Trại phó này không ai khác hơn là nhạc sĩ Văn Giảng, cùng Barrack 73 với tôi).

Vì thế Văn phòng Ban đại diện phải tổ chức một cuộc bầu cử tại Hội trường. Hai người tình nguyện ứng cử đều là cựu quân nhân: một vị Trung tá và Đại úy Thể.

Theo thủ tục, các ứng cử viên sẽ chọn một người (trong số những người được quyền bỏ phiếu) đứng ra giới thiệu, cổ động cho mình. Trong buổi bầu cử, ứng cử viên có 10 phút để nói về bản thân, và người giới thiệu được phát biểu trong vòng 15 phút. Vị Trung tá được ông Trưởng khối Giáo dục phổ thông giới thiệu, còn tôi giới thiệu Đại úy Thể.

Anh Thể là Trưởng đoàn Thanh niên Công giáo Galang nhưng vì không sinh hoạt trong Đoàn cho nên trước đó tôi không hề biết anh là Trưởng đoàn. Tôi tình nguyện lên phát biểu ủng hộ anh chỉ vì trước đây tôi ở cùng trại tù Suối Máu với anh, và tôi được biết anh đã tham gia cuộc nổi loạn đêm Giáng Sinh 1978, nằm trong Ban hành động của K3.

Khi lên giới thiệu, tôi phát biểu ngắn gọn chỉ khoảng 5 phút, đại khái tôi nói khi sống trong cảnh tuyệt vọng, khốn cùng, bị đày đọa về cả tinh thần lẫn thể xác, tương lai mờ mịt, người ta dễ để lộ ra con người thật của mình; trong cương vị một bạn tù cải tạo của anh Thể ở Suối Máu, từng tham dự cuộc nổi loạn đêm Giáng Sinh 1978, tôi có thể khẳng định anh đã giữ được tư cách, thể hiện được sự bất khuất của một sĩ quan QLVNCH.

Kết quả cuộc bỏ phiếu kín, Đại úy Thể đã thắng với khoảng 90% số phiếu!

* * *


Trở lại với giải thể thao kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH 19 tháng 6 do anh Vũ Ngô Khánh Truật làm Trưởng ban Tổ chức, bản Thông Báo của Ban Đại diện Trại được đọc đi đọc lại trong mấy ngày liền đã gây tác động mạnh mẽ, zone nào cũng lo tập dợt, hoặc thành lập (nếu chưa có) các đội bóng tròn, bóng chuyền, tuyển người thi bóng bàn, và chạy đua.

Vào thời điểm này, đội bóng tròn Zone IV được xem là mạnh nhất, bóng chuyền thì tôi không rõ, nhưng riêng bóng bàn thì tôi đoán chắc Zone III sẽ đoạt giải, vì không ai có thể thắng nổi một nữ vô địch trẻ từ Việt Nam!

Nguyên sau khi Văn phòng Zone III được Ban đại diện Trại cho sử dụng nốt 2/3 căn nhà để làm phòng may, tôi cho khiêng cái bàn ping-pong lâu nay bị bỏ xó trong kho ra, xuất quỹ mua lưới, một cặp vợt và một lố bóng.

Đa số các tay vợt đầu tiên tới chơi là các em từ Barrack 68 dành cho thiếu niên không có thân nhân (unaccompanied minors), thường gọi là Barrack Nhà Trẻ, bởi vì bàn ping-pong ở dưới đó lúc nào cũng có người chơi.

Bỗng mấy ngày sau, nghe tiếng reo hò, vỗ tay hoan hô, tôi rời văn phòng tới xem thì thấy một cô gái đang thi thố tài nghệ. Mặc dù về bóng bàn tôi chỉ là một tay mơ, cầm vợt đưa qua đưa lại cho vui, nhưng cũng có thể nhận xét tài nghệ của cô gái không thua gì các tay vô địch trước năm 1975 mà tôi đã từng xem thi đấu.

Sau này mới biết T.H. (tên cô) là một trong những tay vợt nữ hàng đầu ở thành Hồ, từng đi thi đấu nhiều lần.

Nhưng dù sao, bóng bàn cũng chỉ là bộ môn ít được chú ý tới so với bóng tròn và bóng chuyền.

Thật tình mà nói, khi cùng anh Truật đứng ra vận động tổ chức giải thể thao kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 6, tôi chỉ có mục đích cổ vũ phong trào thể thao trong trại và nhắc nhớ một ngày lễ quan trọng của VNCH trước năm 1975 chứ không hề có tham vọng Zone III của mình sẽ nổi đình đám.

Chẳng hạn bóng tròn. Từ lâu, đội của Zone IV đã được xem là mạnh nhất, đội của Zone III mới được thành lập không thể so sánh. Nhưng chàng huấn luyện viên trẻ tuổi Đặng Văn Toán vẫn nuôi tham vọng.

Sau khi việc tổ chức giải thể thao kỷ niệm Ngày Quân Lực được Ban đại diện Trại loan báo, Toán cho tôi biết các cầu thủ của Zone III rất háo hức, tới mức hễ thấy sân trống là đòi ra tập dợt. Rồi Toán đề nghị văn phòng zone thỉnh thoảng xuất quỹ cho các em giải khát để khích lệ tinh thần.

Quỹ của zone – tức đóng góp 250 rupiahs mỗi tuần của các barrack trưởng – đâu có bao nhiêu, cho nên tôi hỏi ý kiến các barrack trưởng về việc kêu gọi đồng bào trong zone tự nguyện đóng góp, và được mọi người đồng tình ủng hộ.

Kết quả, chỉ trong mấy ngày đầu, “Quỹ ủng hộ giải thể thao Ngày Quân Lực” của Zone III đã thu được hàng chục ngàn rupiahs; tôi lại sử dụng “chiến tranh tâm lý”, nhờ Phòng Thông tin đọc danh sách và số tiền đóng góp của mỗi barrack trên loa phóng thanh mỗi ngày hai lần, đưa tới một sự cạnh tranh đầy “chính nghĩa” giữa các barrack!

* * *


Không hiểu vì sự khích lệ tinh thần ấy hay chỉ vì... hên, trong trận chung kết, đội bóng tròn Zone III đã hạ đội Zone IV để đoạt giải vô địch Ngày Quân Lực 1982.

Zone III còn đoạt cả giải bóng bàn (đương nhiên) và giải nhất + giải ba trong cuộc chạy đua 1500 mét, chỉ thiếu giải bóng chuyền mà thôi!


Đội bóng tròn Zone III. Tôi đứng mép trái, kế bên là Zone phó Hành chánh Sơn “lồ”, ngồi phía trước tôi là Hiền,
Zone phó Trật tự. Thủ quân Đặng Văn Toán đứng thứ tư từ bên mặt.
 Tấm hình này ngày ấy tôi tặng cho Toán,
hơn 30 năm sau đã được anh phổ biến trên 
fb Trại Tỵ Nạn Galang, kèm theo mặt sau có chữ ký của tôi




Cuộc chạy đua kết thúc giải thể thao Ngày Quân Lực 1982. Hai áo vàng (Zone III) đoạt giải nhất và ba;
đứng sau các em, từ trái: tôi, ông trại phó, ông trại trưởng (anh Thể), đại diện Phòng Xã Hội Nam Dương,
và trưởng ban tổ chức Vũ Ngô Khánh Truật


Sau giải thể thao Ngày Quân Lực 19/6/1982, Zone III nổi như cồn, tôi cũng được nổi tiếng theo. Bên cạnh sự hãnh diện, niềm vui mang tính cách cá nhân, cục bộ ấy không thể không nói tới ảnh hưởng tích cực của giải này đối với phong trào thể dục thể thao ở trại tỵ nạn Galang, mà trong số những người có công đầu không thể không nhắc tới anh Vũ Ngô Khánh Truật – người sẽ giữ chức Trại trưởng Galang 1 ít lâu sau khi tôi rời đảo.

Sau này, qua thư từ của các em trong đội bóng tròn Galang gửi sang Úc, tôi được biết tới cuối năm 1982, hai trại Galang 1 và Galang 2 đã thành lập đội bóng tròn toàn trại để thi đấu với nhau.


Hai đội bóng tròn Galang 1 + 2



(Còn tiếp)


CHÚ THÍCH

Đảng Cộng Sản Nam Dương

Nguyên nhân chính khiến hai chính phủ Nam Dương và Singapore lúc đầu (trước năm 1979) không nhận thuyền nhân Việt Nam là vì họ lo sợ cộng sản quốc tế, thông qua cộng sản Việt Nam, cho cán bộ đội lốt thuyền nhân sang Nam Dương và Singapore để móc nối với "tàn quân" của Đảng Cộng Sản Nam Dương và Đảng Cộng Sản Mã-lai & Singapore.

* * *


Nguyên vào thời gian cao điểm của cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản, cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, Đảng Cộng Sản Nam Dương được ghi nhận là đảng cộng sản lớn nhất tại một quốc gia không theo chế độ cộng sản. Vào năm 1955, theo Cơ quan tình báo Trung ương (CIA) của Hoa Kỳ, Đảng Cộng Sản Nam Dương có tới 2 triệu đảng viên.

Tuy nhiên trong mưu đồ nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á, trong khi Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Mã-lai tiến hành chiến tranh du kích chống chính quyền thì Cộng sản Nam Dương chủ trương lũng đoạn chính trường để tiến tới việc thành lập một chế độ cộng sản, hoặc thân cộng.

Ở đây, chúng tôi xin miễn bàn tới cuộc chiến tranh du kích tại miền Nam VN vì trên thực tế chỉ vài năm sau ngày phát động, nó đã biến thành cuộc chiến tranh xâm lược của cộng sản Bắc Việt.

Cuộc chiến tranh du kích tại Mã-lai, thường được tây phương gọi là The Malayan Emergency, do Chin Peng (Trần Bình) - lãnh tụ Đảng Cộng sản Mã-lai và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Mã-lai - lãnh đạo, bắt đầu vào năm 1948 đã kết thúc năm 1960 với sự thất bại thê thảm của phe cộng sản. Chin Peng phải sống lưu vong và chết tại Thái Lan năm 2013.

[Độc giả có thể vào trang Google để tìm hiểu thêm về nhân vật Chin Peng và người tiền nhiệm của ông ta là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mã-lai Lai Teck (tên Việt: Phạm Văn Đắc, Trương Phước Đạt), một nhân vật Việt gốc Hoa đầy huyền thoại, về sau phản đảng và bị thanh toán tại Bangkok năm 1947]

Còn Đảng Cộng Sản Nam Dương (ĐCSND), được thành lập vào năm 1914. Sau cuộc nổi loạn năm 1926 bị thất bại, ĐCSND bị chính quyền thuộc địa đặt ra ngoài vòng pháp luật, đa số các lãnh tụ chạy sang Liên Xô, lực lượng còn lại trong nước lui vào bóng tối; một số sau đó thâm nhập vào Đảng Quốc Gia Nam Dương (Indonesian National Party) do lãnh tụ kháng chiến Sukarno thành lập năm 1927.

Trong thời gian quần đảo Nam Dương và bán đảo Mã-lai bị quân Nhật chiếm đóng trong Đệ nhị Thế chiến (1942-1945), Sukarno hợp tác với quân Nhật. Sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng Minh, trong lúc chờ quân Anh tới giải giới quân Nhật, Sukarno tuyên bố Nam Dương độc lập, tự xưng tổng thống, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại chế độ thuộc địa của Hòa Lan vừa được tái lập với sự hỗ trợ của quân Anh.

Nắm được thời cơ, ĐCSND bắt đầu hoạt động trở lại, nhiều đơn vị kháng chiến nằm dưới quyền kiểm soát hoặc chịu sự chi phối của cộng sản.

Năm 1949, Hòa Lan trao trả độc lập cho Nam Dương, Sukarno chính thức trở thành Tổng thống Cộng Hòa Nam Dương.

Bước sang thập niên 1950, trước tình hình chính trị bất ổn của Nam Dương sau khi được Hòa Lan trao trả độc lập, TT Sukarno dành mọi sự dễ dàng cho ĐCSND phát triển để tạo thế kiềng ba chân cho chế độ của ông, gồm quân đội, Hồi giáo, và cộng sản.

Năm 1955 Nam Dương đăng cai tổ chức Hội nghị Á-Phi (Asian–African Conference) đầu tiên tại thành phố Bandung trên đảo Java, thường được gọi là Hội Nghị Bandung, với sự tham dự của 29 quốc gia mới giành được độc lập (trong đó cả CSBV lẫn VNCH), đưa tới sự ra đời của Phong Trào Không Liên Kết (Non-Aligned Movement).


Quang cảnh Hội Nghị Bandung năm 1955. Cờ Cộng sản Bắc Việt và cờ VNCH là hai lá cờ áp chót
Kỷ niệm 60 năm Hội Nghị Bandung (2015), vẫn có cờ vàng ba sọc đỏ cho dù chính thể VNCH không còn tồn tại


Thế nhưng qua năm 1956, chính TT Sukarno lại bắt đầu ngả về phía các nước theo chế độ cộng sản với chuyến công du Trung Cộng của ông.

Để rồi từ một quốc gia không liên kết, Nam Dương đã liên kết với các ba quốc gia cộng sản là Trung Cộng, Bắc Hàn, CSBV, và một quốc gia trung lập thân cộng là Căm-bốt, mà Sukarno gọi là “Trục Bắc Kinh - Bình Nhưỡng - Hà Nội - Nam Vang”.

TT Sukarno và Hồ Chí Minh (1957)


Tới năm 1964, sau khi ông Lyndon Johnson lên làm Tổng thống Hoa Kỳ, TT Sukarno chấm dứt nhận viện trợ của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) và bắt đầu một chiến dịch chống Mỹ, Anh kịch liệt. Các cơ sở kinh doanh của người Mỹ ở Nam Dương bị đám đông (do ĐCSND khích động) cướp phá trước sự làm lơ của các cơ quan công lực, sách vở, phim ảnh Mỹ bị cấm, đĩa nhạc của ban Beatles bị đốt...

Cũng từ đó, Trung Cộng trở thành nguồn viện trợ lớn nhất cho Nam Dương (trước kia là Liên Xô).

TT Sukarno và Mao Trạch Đông (1956)


Thời gian này (đầu năm 1965), ĐCSND đã có trên 3 triệu đảng viên, được xem là lớn nhất thế giới sau hai đảng cộng sản Trung Hoa và Liên Xô.


Các đảng viên ĐCSND trong một cuộc biểu tình tại Jakarta


Với sự hỗ trợ của TT Sukarno, ĐCSND đã cho người thâm nhập vào mọi cấp chính quyền và quân đội. Tới giữa năm 1965, quân đội Nam Dương đã chia ra hai phe khuynh hữu và khuynh tả một cách rõ rệt; đáng nói là trong phe khuynh tả có cả Tư lệnh Không Quân.

Trong khi phe khuynh hữu được sự ủng hộ của Hoa Kỳ và Anh quốc, phe tả được sự hỗ trợ của Trung Cộng trong đó có việc thành lập các lực lượng nông dân và tổ chức quần chúng.

“Tắm máu cộng sản”!

Khi lực lượng và thanh thế lên tới đỉnh cao, cuối tháng 9/1965, phe cộng sản đã nổi loạn. Về sau, cuộc nổi loạn này được gọi là “Phong trào 30 tháng 9” (Thirtieth of September Movement) vì khởi sự tiến hành vào đêm 30/9/1965, do ĐCSND phối hợp với các tướng tá là đảng viên cộng sản, hoặc cảm tình viên của cộng sản trong quân đội Nam Dương.

Mục tiêu đầu tiên của phe nổi loạn là bắt giữ Đại tướng Nasution, Bộ trưởng Quốc phòng, các tướng lãnh thuộc Bộ Tổng tham mưu và tư lệnh các đại đơn vị (không theo phe cộng sản).

Tới khoảng 3 giờ sáng 1/10/1965, phe nổi loạn đã bắt giữ (và sau đó sát hại) sáu tướng lãnh cao cấp trong quân đội Nam Dương trong đó có Tư lệnh Lục Quân. Riêng Đại tướng Nasution, Bộ trưởng Quốc phòng, khi quân nổi loạn tràn vào tư dinh, ông đã kịp thời nhảy qua tường rào thoát thân, trong khi viên thiếu úy tùy viên của ông bị bắn chết vì trong bóng tối quân nổi loạn đã lầm tưởng viên thiếu úy này là vị Bộ trưởng Quốc phòng.

Cùng với các tướng lãnh nói trên, quân nổi loạn còn hạ sát một số thân nhân, tùy tùng của họ, trong đó có cô con gái năm tuổi của Đại tướng Nasution. Ngoài ra còn hai vị đại tá cũng bị giết.

Rạng sáng, phe nổi loạn chiếm đài phát thanh, Bộ Thông tin, quảng trường trung ương Merdeka Square, dinh tổng thống, và tuyên bố họ hành động để phá vỡ một cuộc đảo chánh của phe quân đội do CIA giật dây để lật đổ Tổng thống Sukarno, dự trù sẽ diễn ra vào Ngày Quân Lực Nam Dương, 5 tháng 10.

Cùng khoảng thời gian, phe nổi loạn đưa Tổng thống Sukarno tới căn cứ không quân Halim ở phía đông thủ đô, nơi họ đặt bộ chỉ huy, nói là để bảo vệ ông. Tổng Bí thư ĐCSND Aidit và Phó Thống chế Omar Dani, Tư lệnh Không Quân Nam Dương, cùng có mặt tại CCKQ này.

Tuy nhiên, vì thiếu sự hiểu biết về lãnh thổ thủ đô, thiếu sự điều nghiên, tiên liệu của những người cầm đầu, cuộc nổi loạn đã gặp khó khăn ngay trong ngày đầu tiên, tạo cơ hội cho “người hùng” Suharto ra tay.


Tướng Suharto trên bìa tạp chí TIME


Thiếu tướng Suharto là một sĩ quan có nhiều công trạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Hòa-lan, và sau này đã dẹp tan các cuộc nổi loạn của phe Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, ông không được Tổng thống Sukarno trọng dụng vì lập trường thân Mỹ.

Vào thời gian diễn ra cuộc nổi loạn của phe cộng sản, tướng Suharto đang giữ chức Tư lệnh Lực lượng Trừ bị Chiến lược (Army's Strategic Reserve).

Lúc 5 rưỡi sáng 1/10/1965, ông đang ngủ tại tư gia thì được thuộc cấp tới đánh thức và báo hung tin. Ông lập tức tới Bộ Tư lệnh của mình để tìm cách đối phó.

Bộ Tư lệnh Lực lượng Trừ bị Chiến lược của tướng Suharto nằm về hướng tây quảng trường trung ương (Merdeka Square), nơi dàn quân của phe nổi loạn, nhưng vì được ngăn cách bởi một nhà ga xe lửa, đã không bị họ chiếm đóng.

Sau khi liên lạc và được sự hậu thuẫn của vị Tư lệnh Hải Quân và vị Tư lệnh Cảnh sát (ngày ấy còn trực thuộc quân đội), tướng Suharto tự nhận lãnh trách nhiệm Tổng tư lệnh quân đội (vốn là của Tổng thống). Ông ra lệnh cho tất cả mọi đơn vị án binh bất động, mục đích để quân nhân của các đơn vị theo phe nổi loạn hoang mang, không chịu tuân lệnh các cấp chỉ huy.

Tới quá trưa 1/10/1965, tướng Suharto đã thuyết phục được lực lượng tham gia cuộc nổi loạn rời Merdeka Square, phân nửa tới Bộ tư lệnh Lực lượng Trừ bị Chiến lược đầu hàng, phân nửa rút về căn cứ không quân Halim, nơi phe nổi loạn đặt bản doanh.

Tới 7 giờ tối, quân của tướng Suharto đã tái chiếm dinh tổng thống và tất cả mọi cơ quan bị phe nổi loạn chiếm từ sáng sớm.

Đêm hôm đó, sau khi tướng Suharto ra tối hậu thư cho phe nổi loạn đang chiếm đóng căn cứ không quân Halim, Tổng thống Sukarno đã rời nơi này bay về thành phố Bogor ở phía nam thủ đô Jakarta, nơi có biệt điện của tổng thống; còn Phó Thống chế Omar Dani, Tư lệnh Không Quân, và Tổng Bí thư ĐCSND Aidit thì bỏ chạy - Dani về miền đông, Aidit về miền trung đảo Java, nơi có nhiều đơn vị quân đội và dân chúng theo cộng sản.

Khi lực lượng của tướng Suharto tới CCKQ Halim, hầu hết binh sĩ tham gia cuộc nổi loạn đã đào tẩu, và tới sáng ngày 2/10/1965, phe quân đội hoàn toàn làm chủ thủ đô Jakarta.

Ngày 4/10/1965, người ta tìm được thi hài sáu vị tướng và viên thiếu úy bị phe nổi loạn sát hại, quăng xác xuống một cái giếng ở gần CCKQ Halim. Ngày hôm sau, 5/10, Ngày Quân Lực Nam Dương, tang lễ bảy sĩ quan được cử hành trọng thể dưới sự chủ tọa của Đại tướng Nasution, Bộ trưởng Quốc phòng.

* * *


Cuộc phản công chớp nhoáng của Thiếu tướng Suharto tại thủ đô Jakarta và vùng phụ cận đã đưa tới sự tan rã mau chóng của lực lượng nổi loạn ở Trung Java, vốn được xem là “thành trì” của ĐCSND.

Trước đó, vào sáng 1/10/1965, khi phe nổi loạn ra tuyên cáo trên đài phát thanh quốc gia, Utomo Ramelan, một đảng viên cộng sản kiêm Thị trưởng Solo, thành phố lớn nhất Trung Java, ra tuyên ngôn ủng hộ “Phong trào 30 tháng 9”.

Cùng lúc, lực lượng nổi loạn đã hạ sát Đại tá Katamso, Tư lệnh một đại đơn vị ở Trung Java, cùng với vị Trung tá Tham mưu trưởng của ông.

Tuy nhiên, tới buổi tối cùng ngày, khi tin tức về cuộc phản công của tướng Suharto ở thủ đô Jakarta bay về, hầu hết lực lượng theo phe nổi loạn ở Trung Java đã quy thuận quân chính phủ, hoặc tự động tan hàng.

* * *


Sau khi quân đội làm chủ tình hình và quy trách ĐCSND tội chủ mưu cuộc nổi loạn, cùng với những chi tiết ghệ rợn về việc phe nổi loạn “tra tấn, hành quyết, bằm xác các tướng lãnh” trước khi quăng xuống giếng được loan truyền, các tổ chức thanh niên quốc gia (nationalist), Hồi giáo và quần chúng Nam Dương vốn sẵn có ác cảm với ĐCSND đã bắt đầu những cuộc “tắm máu” (mass killings) ở thủ đô Jakarta và những nơi được xem là “thành trì” của cộng sản, bắt đầu tại tỉnh Aceh - cái nôi của Hồi giáo ở đông phương - trên đảo Sumatra rồi lan sang Trung Java, và Đông Java.

Khi lực lượng nhảy dù thuộc Bộ tư lệnh lực lượng hành động khẩn cấp (Quick Reaction Forces Command) được đưa tới Semarang, thủ phủ của Trung Java, thì trụ sở của ĐCSND đã bị dân chúng đốt phá bình địa. Với sự hướng dẫn của dân chúng, các đơn vị nhảy dù săn lùng khắp các vùng quê để bắt giữ đảng viên cộng sản hoặc cảm tình viên, tiêu diệt các lực lượng võ trang gồm quân đội ly khai và đảng viên cộng sản.

Trong khi đó tại Đông Java, thành viên của Phong trào Thanh niên Ansor của Hồi giáo bắt đầu một cuộc tàn sát ghê rợn (thường là chặt dầu) nhắm vào các đảng viên cộng sản; cuộc tàn sát này sau đó đã lan sang đảo Bali (nằm cạnh đảo Java về hướng đông).

Trong số đảng viên cộng sản hoặc cảm tình viên bị săn lùng, bị giết có rất nhiều người gốc Hoa. Nguyên nhân: từ lâu, Trung Cộng đã là đồng minh thân thiết nhất của Nam Dương, có ảnh hưởng rất mạnh về chính trị, và hầu hết người Nam Dương gốc Hoa đều là đảng viên hoặc cảm tình viên của ĐCSND.

Năm 1960, người Nam Dương gốc Hoa còn thiết lập viện đại học Res Publica University, chủ yếu dành cho sinh viên gốc Hoa và con cháu đảng viên ĐCSND. Trong biến cố 30 tháng 9, 1965, đại học này đã bị đám đông chống Trung Cộng thiêu rụi.

Sau cùng cũng phải nhắc tới những Hoa kiều hoặc công dân Nam Dương gốc Hoa không phải đảng viên hoặc cảm tình viên của ĐCSND nhưng vẫn trở thành những nạn nhân oan uổng của đám đông thù ghét người Hoa; hàng quán, cơ sở thương mại, nhà cửa của họ bị cướp phá, bản thân bị hành hung, giết hại, đa số phải bỏ của chạy lấy người...

* * *


Các cuộc tấn công, truy lùng, xử tử phe cộng sản kéo dài nửa năm, tới tháng 3 năm 1966 mới hạ màn. Trong số những người bị giết có Tổng bí thư ĐCSND Aidit, bị quân đội bắt sống ngày 25/11/1965 và sau đó bị hành hình.

Theo các tài liệu đáng tin nhất, tổng số người bị giết là vào khoảng từ 500,000 tới 1.2 triệu, trong khi có những nguồn tin nói rằng từ 2 tới 3 triệu!

Bỏ qua những lời bình luận khen chê, bênh vực, lên án để chỉ xét tới hậu quả của cuộc “tắm máu” cộng sản tại Nam Dương năm 1965/66, các quan sát viên thời cuộc quốc tế tin rằng nó đã khiến cán cân nghiêng hẳn về phía Hoa Kỳ và đồng minh trong cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và xã hội chủ nghĩa, vì ĐCSND với 3 triệu đảng viên (được xem là lớn nhất thế giới sau hai đảng cộng sản Trung Hoa và Liên Xô) đã bị chính thức đặt ra ngoài vòng pháp luật!

Đồng thời quyền lực của Tổng thống Sukarno bị giảm bớt để chuyển dần sang phe quân đội và Hồi giáo.

Cuối cùng, vào ngày 12/3/1967, Quốc hội lâm thời đã truất phế “tổng thống trọn đời” Sukarno và đề cử Suharto, lúc này đã mang cấp bậc Trung tướng, làm Tổng thống. Sukarno bị quản thúc tại gia cho tới cuối đời (1970).

* * *


Nhưng dù bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, ĐCSND vẫn tìm cách hoạt động trong bóng tối.

Trước hết, Sudisman, nhân vật đứng hàng thứ tư trong Bộ Chính trị, sau khi Tổng Bí thư đảng Aidit bị bắt đã lên thay thế và cố gắng duy trì tổ chức bí mật của đảng dưới hình thức các tổ tam-tam, nhưng không mấy hiệu quả.

Tháng 12/1966, Sudisman bị bắt, bị tòa án kết án tử hình và bị hành quyết vào tháng 10/1968.

Còn tại các địa phương, hoạt động đáng kể nhất là ở Blitar, miền đông Java, nơi đa số nông dân theo cộng sản. Rewang, một ủy viên Bộ Chính trị cùng với viên Đảng ủy Đông Java tới vùng nông thôn nghèo khổ này bí mật lập căn cứ địa.

Được một viên cựu Trung tá trong quân đội Nam Dương đảm trách huấn luyện, tháng 3/1968 lực lượng du kích ở Blitar đã nổi loạn, tấn công trụ sở của Đảng Hồi Giáo Nam Dương ở Đông Java, sát hại khoảng 60 người gồm các lãnh tụ Hồi giáo và thường dân.

Ba tháng sau, lực lượng quân đội được đưa tới bao vây và nghiền nát căn cứ địa Blitar. Rewang thoát thân, trở thành người duy nhất trong Bộ Chính trị 10 người của ĐCSND sống sót.

Từ đó, ĐCSND xem như đã bị tận diệt, một số làng mạc ở Đông Java từng chứa chấp đảng viên, cảm tình viên của cộng sản bị đưa vào sổ bìa đen, đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của quân đội cho tới những năm đầu thế kỷ 21.

Reader Response: (CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ - kỳ 24)

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 23)




Hồi ký

NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA



(tiếp theo kỳ 22)

CHƯƠNG 3 – Cửa ngõ Tự Do và Tình Người

Sau khi tả nơi chốn, xin viết về cuộc sống của người tỵ nạn ở trại Galang – cuộc sống mà với riêng tôi, rất đáng nhớ; thời gian tuy quá ngắn so với một đời người nhưng là những tháng ngày đầy kỷ niệm.

Từ bến tàu Galang, trước khi vào trại có cái cổng gỗ với hàng chữ:

Welcome Vietnamese Refugee To Galang Island
THE GATE OF FREEDOOM AND HUMANITY


Với một cựu sĩ quan bị đi học tập cải tạo gần 6 năm, được thả về sống dưới sự kiểm soát, kìm kẹp của chế độ cộng sản, chữ Tự Do (Freedom) trên cổng mang một ý nghĩa trọn vẹn và cao quý.

Cũng thế, phải là người bị chế độ mới gạt sang bên lề, phải liều chết rời bỏ quê hương với hai bàn tay trắng thì mới thấy được, mới cảm kích trước Tình Người (Humanity) mà thế giới nói chung dành cho những con người khốn khổ.

Thành thử trong khi không ít người – những người mà tôi cho là thành phần “tỵ nạn kinh tế” – cảm thấy tù túng, bực bội khi phải sống trong trại tỵ nạn, không hài lòng trước tiện nghi thiếu thốn, lương thực cấp phát không hạp khẩu vị, thì tôi lại cảm thấy thoải mái, yêu đời, vui vẻ chấp nhận chờ đợi ngày được đi định cư ở một đệ tam quốc gia.

Ngay từ khi mới tới Galang, nếu quên đi hình ảnh mấy anh cảnh sát Nam Dương lâu lâu phóng xe gắn máy phân khối lớn điếc tai trên con đường chính của trại, tôi có cảm tưởng mình đang sống ở một thị trấn nho nhỏ trên vùng cao nguyên đất đỏ của Việt Nam trước kia.

Bởi vì nhìn quanh chỉ thấy người Việt, đi đâu cũng nghe toàn tiếng Việt, cũng có chợ búa, nhà thờ (Công giáo và Tin lành), chùa chiền, các quán giải khát, quán bán thức ăn, sạp bán thuốc lá, bánh trái, quà vặt, tiệm hớt tóc..., không thiếu một thứ gì!



Quán Thiên Hương, rất đông khách vì nằm ở “ngã ba quốc tế”: trước mặt là con đường chính của Galang, đi lên bệnh viện, chợ, các cơ quan thiện nguyện quốc tế. Quẹo mặt là đường vào đồn cảnh sát Nam Dương và Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại. Đối diện quán Thiên Hương (tức vị trí người chụp hình) là trung tâm sinh hoạt của trại (ảnh Gaylord Barr)


Trừ những buổi phải lên văn phòng Cao ủy để được phỏng vấn, chụp hình làm thẻ căn cước tỵ nạn (ID), nộp đơn xin đi định cư..., người tỵ nạn chỉ biết ăn rồi chơi; trẻ em muốn học chữ, người lớn muốn học nghề hay Anh văn, đều có sẵn các lớp học.


Zone II với dãy sạp bán thuốc lá, bánh trái, các loại quà vặt, thức ăn vặt. Hậu cảnh là Zone III
với trung tâm sinh hoạt. Cận ảnh, hai em nhỏ đi học về (ảnh Gaylord Barr)


Thể thao thì có đá banh, bóng chuyền, bóng bàn; giải trí thì tối tối có tivi mầu mở xem đài Singapore, lâu lâu lại có văn nghệ trong hội trường hoặc ngoài trời; muốn tắm biển thì đợi tới Chủ Nhật ra bãi biển dành riêng cho dân tỵ nạn, ở phía sau Zone IV, cách trại chưa đầy 1 km.

Bãi biển Galang (ảnh Gaylord Barr)


Lương thực do Cao ủy Tỵ nạn cung cấp (vào thời điểm 1980-1982) cũng được xem là chất lượng nhất trong số những trại tỵ nạn ở Đông Nam Á: gạo, thực phẩm đóng hộp (pa-tê, cá, hot dog...), mì gói, đậu xanh, trà khô; chỉ có một món bị nhiều người chê là rong biển đóng hộp của Nam Dương (rất có thể vì ngày ấy chưa có mấy người Việt biết thưởng thức món sushi của Nhật).

Ngoài ra, những ai có tiền có thể ra chợ Galang mua thịt thà tôm cá, rau trái tươi.

Có thể xem “chợ Galang” như một shopping center nho nhỏ không thiếu một thứ gì. Ngoài thịt cá, rau cỏ, bánh trái, tạp hóa, còn có sạp bán quần áo, giày dép, vải vóc, vàng bạc trang sức, bia rượu (bán lén, dĩ nhiên).


Một phía của chợ Galang (ảnh Gaylord Barr)
Một sạp bách hóa ở chợ; có cả bộ English 900 (ảnh Gaylord Barr)


Đa số người buôn bán ở chợ Galang là dân tỵ nạn Việt Nam, chỉ trừ một, hai tiệm quần áo giày dép là dân Nam Dương. Người Nam Dương đa số theo Hồi giáo (Nam Dương là quốc gia có tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới), không ăn thịt heo, cấm uống rượu nhưng, ít nhất cũng là ở Galang, họ không chỉ cho bán thịt heo tự do mà còn bỏ mối cho người bán, còn rượu thì cho bán lén (với sự đỡ đầu của cảnh sát Nam Dương).

Về nguồn nước thì mỗi zone có các giếng nước để tắm giặt, còn nước để uống và sử dụng trong việc nấu nướng thì do nhà thầu Nam Dương cung cấp (và nước mưa).

Một trong những điều khoản ký kết giữa Cao ủy Tỵ nạn và phía Nam Dương là nguồn nước uống phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh... tây phương, nghĩa là không cần phải nấu sôi uống vẫn an toàn. Sở dĩ Cao ủy Tỵ nạn đòi hỏi điều kiện khắt khe này là vì trong một tập thể cả chục ngàn người, cơ sở y tế và thuốc men giới hạn, nếu để xảy ra dịch tả (cholera) thì hậu quả không biết đâu mà lường!

Nước sạch đựng trong các bồn (xi-tẹc) được nhà thầu Nam Dương kéo tới từng khu, được các barrack trưởng phân phối theo đầu người, vì thế gia đình nào đông con có thể tiết kiệm, dành dụm cho các bà các cô tắm ở barrack, khỏi phải ra giếng.

Bên cạnh đó, vì nước do nhà thầu cung cấp bao giờ cũng dư cho nên các barrack trưởng có quyền du di, cấp thêm cho những người già yếu, những nhân viên thiện nguyện, hoặc một cô gái nào đó trong barrack mà anh chàng có ý định “ghép form” (kết duyên để cùng đi định cư)... Có thể nói đây là “đặc quyền đặc lợi” duy nhất của một vị barrack trưởng...

Tóm lại, so với những gì được cấp phát và tiện nghi sinh hoạt ở “hoang đảo” Kuku, Galang phải được xem là một... khu nghỉ mát 5 sao!

* * *


Tới đây viết về việc xin định cư ở đệ tam quốc gia của gia đình tôi.

Ngay sau khi được Phòng Định cư của Cao ủy Tỵ nạn LHQ phỏng vấn và cấp số hồ sơ (căn cước tỵ nạn), tôi làm đơn xin đi định cư tại Mỹ, nơi tôi có một người cậu ruột, một người dì ruột, và trên một chục anh chị em họ (first cousins) sống từ năm 1975.

Cậu ruột của tôi nguyên là một Trung tá ngành Chiến Tranh Chính Trị, còn người dượng cũng là một Trung tá phục vụ tại Nha Tổng Thanh Tra QLVNCH, chủ nhân “khu ao cá” ở Ấp Tây III, Phú Nhuận, mà tôi đã nhắc tới trước đây.

Nhưng cho dù không có cậu ruột, dì ruột ở Mỹ, tôi cũng thuộc thành phần được ưu tiên đi Mỹ: cựu sĩ quan QLVNCH sau năm 1975 từng bị bắt đi học tập cải tạo.

Vào thời điểm tôi ở Galang (1981, 1982) vì số người nộp đơn xin đi định cư tại Mỹ quá đông, phái đoàn Mỹ luôn luôn có một số nhân viên thường trực tại đây để phỏng vấn nhận người, trong khi hai phái đoàn Úc và Canada mỗi năm chỉ đến Galang một, hai lần, mỗi lần ở lại dăm ba ngày.

Vì phần lớn đồng bào trong trại không biết tiếng Anh nên việc điền đơn xin đi Mỹ, Úc, Canada thường do những người có khả năng Anh ngữ tình nguyện điền giúp, trong số đó có tôi.

Trong thời gian làm công việc này, tôi quen biết anh Q, thông dịch viên chính của phái đoàn Mỹ, và được anh cho biết chưa bao giờ người Mỹ họ khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, tôi vẫn tin sớm muộn mình cũng sẽ được phái đoàn Mỹ nhận vì dư điều kiện!

Nhưng những gì xảy ra sau đó đã khiến tôi thất vọng!

Khoảng ba, bốn tuần lễ sau khi nộp đơn tại Phòng Định cư Cao ủy, gia đình tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Tôi không nhớ tên người phỏng vấn nhưng chắc chắn không phải ông Bill, người mà tôi nghe nói có vợ Việt gốc Huế và biết nói tiếng Việt giọng Huế!

Sau một số câu hỏi về thân thế, hoạt động trước và sau 1975, có lẽ để đối chiếu với xấp hồ sơ trước mặt, nhân viên phỏng vấn lịch sự cám ơn chúng tôi đã chọn Mỹ làm miền đất hứa, NHƯNG vì gia đình của chị vợ tôi đã nộp đơn xin định cư tại Úc để đoàn tụ với năm người con, chúng tôi cũng phải nộp xin định cư tại Úc vì vợ tôi và chị vợ tôi là thân nhân trực hệ, trong khi giữa tôi và người cậu người dì ở Mỹ chỉ là họ hàng!

Sợ tôi hiểu lầm phái đoàn Mỹ làm khó dễ chúng tôi, ông ta nhấn mạnh đây là quy định hiện hành của Phòng Định cư Cao ủy Tỵ nạn, áp dụng cho tất cả mọi trường hợp chứ không chỉ với những người xin đi định cư tại Mỹ!

Sau khi nghe tôi trình bày nguyện vọng và nguyên nhân xin định cư tại Mỹ, trong đó có việc tôi đã sống gần dì dượng suốt buổi thiếu thời thì sự gần gũi, thân thiết phải hơn nhiều so với giữa vợ tôi và người chị, cả năm chỉ gặp nhau đôi ba lần, ông nói ông hiểu và cảm thông với những gì tôi trình bày nhưng không thể tạo ra một tiền lệ mà chỉ dành cho tôi một... biệt lệ!

Đó là đơn xin đi Mỹ của tôi không bị từ chối (rejected) mà luôn luôn mở (open) để nếu vì một nguyên nhân nào đó gia đình tôi không được phái đoàn Úc nhận, thì đơn xin đi Mỹ của tôi sẽ được chấp thuận ngay, không phải trải qua giai đoạn “được quan tâm cứu xét” (under consideration).

Vì thế, tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là làm đơn xin định cư tại Úc.

* * *


Lúc này là đầu tháng 12/1981, thời gian mà người tây phương chuẩn bị bước vào mùa holiday chính trong năm (lễ Giáng Sinh và tết dương lịch). Như vậy, phải đợi bước sang năm 1982 thì mới hy vọng phái đoàn Úc sang Galang để phỏng vấn những người nộp đơn xin đi Úc.

Nhưng bỗng tới giữa tháng 12, một phái đoàn hùng hậu của Úc tới Galang. Nói là hùng hậu bởi vì, theo những nhân viên thiện nguyện người Việt trên Phòng Định cư Cao ủy, số nhân viên tháp tùng bà trưởng phái đoàn đông gấp hai gấp ba lần mọi khi.

Cũng xin có đôi dòng đan thanh về bà trưởng phái đoàn Úc mà tôi nhớ mang máng tên là Helen. Đó là một phụ nữ da trắng trung niên, nhan sắc dưới trung bình, tóc ngắn uốn quăn tít, nét mặt khó chịu, ăn nói cộc lốc, miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc Winfield đỏ.

[Winfield là nhãn hiệu thuốc lá “quốc hồn quốc túy” của Úc, do chi nhánh Australia của hãng British American Tobacco sản xuất từ năm 1972, rất được dân Úc ưa chuộng, và được xuất cảng tới nhiều quốc gia ở Á châu, Âu châu, và cả Canada, Nam Phi.
Đặc điểm của Winfield là có hương vị tương tự Winston, Marlboro của Mỹ nhưng đậm đà hơn, nhưng sau khi hút xong lại để lại “mùi hôi thuốc lá” nồng nặc nơi người hút mà không một nhãn hiệu nào của tây phương có thể sánh bằng. Winfield có ba màu bao: màu đỏ nặng nhất, rồi tới xanh blue và gold]

Nam diễn viên Úc Paul Hogan (loạt phim Crocodile Dundee) quảng cáo thuốc lá Winfield đỏ (ảnh Internet)


Cùng với ngoại hình dưới trung bình và thói quen phì phèo Winfield đỏ, bà Helen còn bị nhiều người làm đơn xin đi định cư ở Úc có ác cảm vì bà nổi tiếng “đá” đẹp! Con trai dưới 18 tuổi không có cha, mẹ đi theo bị đá đã đành mà trường hợp cậu ta đi chung với anh, chị hay một người thân nào đó, người này cũng bị đá luôn, vì bà sợ con trai vị thành niên không có cha mẹ dạy dỗ sẽ trở thành những “trouble maker” trong xã hội Úc!

Nhưng những gì xảy ra vào trung tuần tháng 12/1981 cho thấy bà trưởng phái đoàn Úc đã thay đổi 180 độ. Mặc dù lúc nào cũng vẫn phì phèo điếu thuốc, bà Helen đã trở nên vui vẻ với mọi người, và quan trọng hơn cả là phỏng vấn rất nhanh và hầu như không “đá” một người nào cả!

Với nhịp độ phỏng vấn nhanh chưa từng thấy, gần tới lễ Giáng Sinh, phái đoàn Úc đã giải quyết gần hết các lá đơn xin đi định cư ở Úc. Như vậy, việc phái đoàn Úc kỳ này tới Galang đông gấp mấy lần mọi khi có lẽ là để giải quyết cho xong mọi việc trước khi trở về Úc mừng lễ Giáng Sinh và đón năm mới dương lịch.

Nhưng ngay sau đó, tôi, và không ít người làm việc thiện nguyện trên Phòng Định cư Cao ủy, biết mình đã đoán sai, vì phái đoàn Úc không về nước mà ở lại Galang với mục đích “tranh thủ” thời gian để phỏng vấn nhận thêm càng nhiều người đi định cư tại Úc càng tốt!

Tại sao bỗng dưng chính phủ Úc lại quá tốt với người Việt tỵ nạn cộng sản như thế?

Sau này có dịp tìm hiểu, tôi được biết không phải “bỗng dưng” mà trên thực tế ngay từ năm 1980 chính phủ Úc đã gia tăng tối đa con số tỵ nạn Đông Dương dự trù được nhận định cư tại Úc, nhưng vì “con rùa hành chánh” cũng như tiêu chuẩn nhận người cứng nhắc, cho tới gần cuối năm 1981, phái đoàn Úc mới nhận được hơn phân nửa con số mà chính phủ Malcolm Fraser đã đưa ra cho tài khóa 1980/1981.

Không ít người, Úc cũng như Việt, cho rằng Thủ tướng Malcolm Fraser của đảng Tự Do muốn chuộc lỗi trước việc vào tháng 4/1975, chính phủ Lao Động (thân cộng) của Thủ tướng Gough Whitlam đã tàn nhẫn bỏ rơi các nhân viên người Việt làm việc cho Úc, và sau đó cấm cửa người tỵ nạn Việt Nam. (1)


Thủ tướng Úc Malcolm Fraser (ảnh Internet)


Tôi không biết dư luận trên có đúng hay không, chỉ biết một điều chắc chắn sau hội nghị quốc tế về người tỵ nạn Đông Dương vào tháng 7 năm 1979 tại Geneva, đáp lại lời kêu gọi của Cao ủy Tỵ nạn LHQ, nước Úc đã lập tức gia tăng gấp đôi số người tị nạn được nhận mỗi năm.

Một cách cụ thể, con số ấy trong tài khóa 1980/1981 vào khoảng 24.000 người.

Cũng nên biết, mặc dù trên các văn bản chính thức, “Chính sách nước Úc da trắng” (White Australia Policy) đã bị bãi bỏ vào năm 1973, trên thực tế nó vẫn tiếp tục chi phối chính sách di dân của nước Úc. May mắn cho người tỵ nạn Đông Dương mà đại đa số là người Việt, Thủ tướng Malcolm Fraser của đảng Tự Do, người cầm quyền từ cuối năm 1975 tới đầu năm 1983, là một chính khách có tấm lòng vàng và không có óc kỳ thị.

Kể cả sau khi đã từ giã chính trường, ông vẫn tiếp tục ủng hộ, vận động dân chúng Úc mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn Đông Dương.

* * *


Trở lại với việc phái đoàn Úc không về nước nghỉ lễ Giáng Sinh mà ở lại trại tỵ nạn Galang để phỏng vấn người tỵ nạn xin định cư tại Úc.

Vài ngày trước lễ Giáng Sinh, khi giải quyết gần xong các lá đơn được nộp cho Phòng Định cư của Cao ủy trước đây, phái đoàn Úc đã ra một Thông báo được Phòng Thông tin đọc đi đọc lại trên loa phóng thanh, nội dung như sau (có thể tôi không nhớ chính xác từng chữ):

Thông báo của phái đoàn Úc

Phái đoàn Úc xin thông báo tới toàn thể đồng bào trong trại:

- Đồng bào nào đã nộp đơn xin định tại Úc mà chưa được gọi phỏng vấn, xin lên ngay Phòng Định cư để được phỏng vấn.

- Đồng bào nào muốn định tại Úc nhưng chưa kịp nộp đơn, xin lên Phòng Định cư nộp đơn để được phỏng vấn.

- Đồng bào nào đã nộp đơn xin định tại một quốc gia khác nhưng chưa được phỏng vấn, nay nếu muốn định cư tại Úc, xin lên Phòng Định cư nộp đơn để được phỏng vấn.

- Đồng bào nào trước đây đã nộp đơn xin định tại Úc, đã được phỏng vấn và bị từ chối, nay nếu vẫn muốn định cư tại Úc, xin lên Phòng Định cư gặp phái đoàn để được tái phỏng vấn.

Theo các nhân viên nguyện trên Phòng Định cư, xưa nay chưa từng có một thông báo nào có nội dung mời gọi một cách “thiết tha” đến mức ấy.

Kết quả, ngày nào cũng có hàng trăm người muốn đi Úc tụ tập phía trước Phòng Định cư. Trong số đó có không ít người trước đây không hề có ý định đi định cư tại Úc, nay đã đổi ý và nộp đơn.

Thành phần này xin định cư tại Úc chỉ vì mong sớm được rời trại tỵ nạn chứ không mấy người biết trước cuộc sống ở Úc nó như thế nào, tương lai của họ sẽ ra sao?!

Trong số này có một gia đình mà tôi quen biết sau khi tới Galang, gồm ba ông anh trai và hai cô em gái đã trưởng thành thuộc thành phần có học, trong đó có L, một sĩ quan Không Quân cùng trạc tuổi với tôi nhưng còn độc thân mà sau này chúng tôi có dịp gặp lại nhau tại Úc.

Cả năm anh em được phái đoàn Úc nhận ngay và sau đó đã tạo kỷ lục (ít ra cũng là ở Galang) chỉ ở trại tỵ nạn 29 ngày đã được đưa sang Singapore chờ chuyến bay đi Úc!

Không chỉ tạo kỷ lục mà còn phá bỏ nguyên tắc: họ chưa được PMI (Hội Hồng Thập Tự Nam Dương) khám sức khỏe mà đã đi định cư! Sau này, L cho tôi biết trong thời gian chờ chuyến bay ở Singapore, năm anh em cùng một số người khác đã được tòa Đại sứ Úc sắp xếp khám sức khỏe tại đảo quốc này.

Những người còn lại trong số được phái đoàn Úc nhận vào những ngày cuối năm 1981 cũng chỉ phải chờ ở Galang hơn một tháng, tối đa ba tháng, rồi được đưa sang Singapore chờ chuyến bay đi Úc.

* * *


Sau này tôi được biết mặc dù phái đoàn Úc đã ở lại Galang suốt mùa holiday (Giáng Sinh 1981 & tết dương lịch) để phỏng vấn, tổng số người tỵ nạn ở các trại ở Đông Nam Á được nhận định cư tại Úc cũng chỉ lên tới 21.000, chưa đủ 24.000 như đã được chấp thuận cho tài khóa 1980/1981.

Rút kinh nghiệm, bước qua năm 1982, bà Helen và các nhân viên trong phái đoàn Úc sau khi về nước làm việc với Bộ Di Trú và nghỉ xả hơi một tuần lễ, đã vội vã quay trở lại Galang.

Lần này, không cần phải ra một thông báo “mời gọi thiết tha” cũng đã có mấy trăm người nộp đơn sẵn, chờ phái đoàn sang Galang phỏng vấn nhận người.

Đáng nói hơn nữa, trong số người mới nộp đơn, thành phần có trình độ chiếm một tỷ lệ khá cao. Đó là những người có học vị, chuyên gia (bác sĩ, kỹ sư...), sĩ quan quân đội, công chức cao cấp, trung cấp...

Theo sự hiểu biết của tôi, trong những năm trước đó đa số người tỵ nạn xin định cư tại Úc theo diện nhân đạo thường là gia đình đông con, hoặc quê mùa, ít học... chỉ cần đi định cư, quốc gia nào cũng được, còn đại đa số chuyên gia, công chức, sĩ quan... ai cũng muốn đi Mỹ!

Lấy anh em cựu quân nhân Không Quân chúng tôi làm thí dụ điển hình, cho tới lúc tôi tới Galang (tháng 11/1981), số sĩ quan, kể cả một số sinh viên sĩ quan Không Quân ở Galang đã đi định cư tại Úc theo diện nhân đạo chỉ đủ đếm trên 10 đầu ngón tay! Nhưng qua đầu năm 1982, chỉ trong vòng 2, 3 tháng đã có mấy chục người nộp đơn xin đi Úc, trong đó có những vị thiếu tá, trung tá từng du học bên Mỹ.

Còn nếu tính cả các quân binh chủng khác, trong số hàng ngàn người xin định cư tại Úc có cả cấp Đại tá.

Về phía dân sự, có nhiều người là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư...

Dĩ nhiên, tất cả đều được phái đoàn Úc hoan hỉ nhận cho đi định cư
tại “lucky country” - mà cho tới lúc đó chúng tôi cứ đinh ninh là một vùng đất hoang vu bất tận, giang sơn của loài đại thử (kangaroo)!

Từ tháng 3 tới tháng 5/1982, trong số bạn bè, người quen biết của tôi những ai đã nộp đơn xin định cư tại Úc vào đầu năm 1982, đều lần lượt rời Galang sang Singapore đợi chuyến bay đi Úc.

Trong khi đó gia đình tôi và gia đình bà chị vợ vì xin đi Úc theo diện đoàn tụ phải chờ các con của bà ở Úc làm đơn bảo lãnh!

Bình thường, đơn bảo lãnh thân nhân ở Galang đi định cư tại Úc nộp cho Bộ Di Trú chỉ mất vài tuần lễ là hoàn tất, nhưng riêng trường hợp của chúng tôi vì đứa con trai lớn ở Úc bà mẹ ở đảo khai khác nhau một chi tiết nhỏ nên đơn bị bác!

Nguyên khi mới tới Galang khai lý lịch để làm hồ sơ Cao ủy, bà chị vợ khai có một người con gái nuôi (thực ra chỉ là cháu họ) với mục đích sau này có thể bảo lãnh sang Úc, trong khi đứa con trai ở Úc chỉ khai anh chị em ruột!

Những ai từng ở các trại tỵ nạn hẳn phải biết Cao ủy và các phái đoàn nhận người rất ghét việc khai gian dối, tiền hậu bất nhất, vì thế theo lời khuyên của nhân viên người Việt trên Phòng Định cư Cao ủy, bà chị vợ nói con trai ở Úc làm lại đơn bảo lãnh với chi tiết giống những gì bà đã khai ở đảo, để bà khỏi phải điều chỉnh hồ sơ Cao ủy.

Và trong thời gian chờ con trai làm lại đơn bảo lãnh, đơn xin đi Úc của gia đình bà chị vợ tạm thời bị gác sang một bên, tức là “under consideration” (đang được quan tâm). Vợ tôi “ăn theo” bà chị, gia đình tôi cũng bị gác đơn, nằm chờ.

* * *

Chính vì phải nằm chờ, tôi mới nhận lời giữ chức Zone trưởng Zone III, một chức vụ mà lúc đó bị xem là đa đoan, nhức đầu nhất trong số những công việc thiện nguyện ở trại tỵ nạn Galang.

Như một thông lệ, mỗi khi có một đợt tỵ nạn mới tới trại, các barrack trưởng khi thiết lập danh sách để nộp lên văn phòng zone, thường ghi cả cấp bậc của các cựu quân nhân, cảnh sát quốc gia, chức vụ của các công chức thời VNCH để trong tương lai có thể mời ra đảm trách các chức vụ tại văn phòng zone hoặc giới thiệu với Ban đại diện trại.

Khi được biết tôi mang cấp bậc trung úy, Tài, Zone trưởng Zone III, một thiếu úy Địa phương quân trẻ măng, đã xuống tận Barrack 73 mời tôi giữ chức zone phó khi ấy đang bỏ trống.

Trước đó mấy ngày, Thảo, barrack trưởng Barrack 73, đã nói chuyện với tôi về việc này và khuyên tôi nên nhận lời, bởi vì theo lời Thảo, Tài còn quá trẻ, tính ba phải, hay nể nang cho nên không đủ uy tín và khả năng điều hành công việc tại Zone III, vốn được xem là zone quan trọng nhất.

Như tôi đã viết trước đây, Zone III nằm ở vị trí trung tâm, có các barrack ở cả hai bên mặt đường, “lãnh thổ” lại bao gồm cả trung tâm sinh hoạt của trại, gồm Hội trường, Youth Center, thư viện, phòng nghe băng tiếng Anh (Listening Center), các phòng học, tòa soạn bán nguyệt san Tự Do, sân khấu lộ thiên, chỗ đặt TV màu, sân bóng chuyền, sân đá banh..., lại gần Đồn cảnh sát Nam Dương và Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại (Camp Commander Office) cho nên dù muốn hay không cũng dễ lọt vào mắt các xếp lớn của cả Cao ủy, Nhà cầm quyền Nam Dương lẫn Ban đại diện trại!

Tôi rất quý mến Thảo vì anh rất đàng hoàng, đạo đức, hăng hái tham gia đoàn Thanh niên Công giáo Galang; thấy anh tuy còn trẻ mà biết nghĩ tới việc chung như thế, tôi thấy mình cũng phải thể hiện chút thiện chí của một cựu sĩ quan QLVNCH, nên nhận lời giữ chức Zone phó Zone III.

Tuy nhiên, tất cả những gì tôi muốn đóng góp cũng chỉ là giúp Tài có thêm chút “uy”, cũng như đóng góp ý kiến xây dựng trong các buổi họp hàng tuần với các barrack trưởng, đa số là thanh niên trai trẻ.

Nhưng tới đầu tháng 2/1982, khi chàng thiếu úy zone trưởng có tên trong sách vào Galang 2, thì cũng là lúc tôi bị phái đoàn Úc gác hồ sơ, chờ cháu vợ bên Úc làm lại đơn bảo lãnh từ đầu.

Vì thế trong buổi họp bầu tân zone trưởng, sau khi được toàn thể barrack trưởng tín nhiệm qua cuộc bỏ phiếu kín, tôi đã nhận lời làm zone trưởng, và quyết định nhập cuộc!

Tôi sử dụng chữ “nhập cuộc” nghe có vẻ đao to búa lớn tuy nhiên trên thực tế khá chính xác. Bởi vì vào thời gian này, Zone III bị xem là zone có nhiều “vấn đề” nhất, chẳng hạn tình trạng “vô chính phủ” và mất vệ sinh ở các barrack, hoặc tệ nạn phá hoại các cơ sở nằm trong trung tâm sinh hoạt của trại mà trên nguyên tắc thuộc lãnh thổ Zone III.

Bản tính tôi vốn ham vui nhưng lười biếng, không thích nhận lãnh trách nhiệm, nhưng sau khi tới Galang, thấy đa số công việc “ăn cơm nhà vác ngà voi” đều do các cựu quân nhân, cựu công chức VNCH tình nguyện đảm trách, nay được (bị) bầu làm zone trưởng, tôi cũng muốn noi gương: trót mang danh một cựu sĩ quan QLVNCH, một khi đã làm thì phải làm tới nơi tới chốn. Đơn giản thế thôi!

* * *


Nói về người vượt biên một cách chung chung, có một thực tế ai cũng phải nhìn nhận nhưng không mấy người dám nói ra, đó là trong số người vượt biên có đủ mọi thành phần, thượng vàng hạ cám. Ở đây tôi không phân biệt giai cấp, trình độ học thức mà chỉ muốn nói tới ý thức của mỗi cá nhân.

Năm, sáu chục người sống chung trong một barrack với hai hàng sạp gỗ chạy dài liên tục, nằm sát nhau, sử dụng chung một khu nấu nướng, ăn uống, nhà cầu..., chỉ cần một vài người thiếu ý thức là có rắc rối, có vấn đề.

Lấy thí dụ (1) việc tuân theo quy định của nhà cầm quyền Nam Dương 11 giờ đêm ai nấy phải trở về barrack của mình, đóng cửa barrack, tắt điện để ngủ, và (2) yêu cầu của Ban đại diện trại mỗi sáng Thứ Bảy mọi người phải quét nhà, dọn dẹp chỗ ăn chỗ ngủ, làm vệ sinh chung quanh barrack của mình.

Nếu sau 11 giờ đêm vẫn còn một số thanh niên tụ tập bên ngoài barrack, cười nói um xùm, hoặc sáng Thứ Bảy bỏ đi chơi trưa, chiều mới về, barrack trưởng cũng chỉ có thể lưu ý, nhắc nhở, và nếu họ bỏ ngoài tai thì coi như... huề tiền, có báo cáo lên văn phòng zone cũng chẳng có biện pháp chế tài nào!

Chưa kể có khi còn gặp những thành phần ngang ngược, ra mặt chống đối, chẳng hạn ở một barrack trong Zone III của tôi có một anh chồng trẻ tên L, ỷ vợ mình quen biết cảnh sát Nam Dương (tôi không muốn đề cập tới sự “quen biết” ấy), chẳng những đã không bao giờ quét dọn chỗ ăn chỗ ngủ, không hề tham gia công tác vệ sinh chung quanh barrack mà mỗi khi bị barrack trưởng nhắc nhở còn nằm trên võng chửi thề, đại khái:

- ĐM, ngày còn ở Việt Nam bị công an ăn hiếp đành phải chịu, chứ tới trại tỵ nạn rồi đ... ngán thằng nào cả!

Hoặc một ông thợ bạc nọ ở cùng barrack với chàng thiếu úy cựu zone trưởng Zone III. Người này có sạp mua bán vàng bạc trang sức ở chợ Galang, khách hàng đa số là cảnh sát Nam Dương nên ông ta chẳng ngán ai cả.

Ông ta quan hệ với một phụ nữ không cùng barrack, ăn ở như vợ chồng. Để vô hiệu hóa lệnh cấm người lạ ở trong barrack sau 11 giờ đêm, ông ta mướn người dựng một cái ca-bin mái tôn vách gỗ ngay bên ngoài cửa sổ barrack để làm tổ ấm, có giường ngủ, bàn ăn, bếp núc, và cả lối ra vào từ phía bên ngoài barrack.

Ông ta lập luận: cái ca-bin này chỉ là phần “nới rộng” chỗ nằm của ông ta, thì ngủ ở đây cũng coi như có mặt tại barrack; còn người phụ nữ kia chỉ tới ngủ với ông ta ở cái ca-bin chứ đâu có vào bên trong barrack, việc cô ta vắng mặt tại barrack là chuyện của cá nhân cô ta!

Cả đến đứa con nít cũng biết ông thợ bạc ngụy biện, nhưng cậu nhỏ barrack trưởng và chàng thiếu úy zone trưởng không ai dám nói gì cả. Tệ hại hơn nữa là ông ta và cô nhân tình, có vẻ là “dân chơi” thứ thiệt, không e dè, kiêng nể một ai, đêm khuya cứ “đóng phim người lớn” - không phải phim câm mà phim âm thanh nổi - khiến những người nằm gần cửa sổ không tài nào ngủ được!

Chưa kể người ngoài nhìn vào ai cũng phải thắc mắc trước cái ca-bin khang trang ấy, tự hỏi không hiểu là “tư dinh” của ông kẹ nào đây?!

Cũng nên biết, các barrack là tài sản của Cao ủy Tỵ nạn, không ai được quyền sửa đổi, thêm bớt kiến trúc đã có sẵn (chỉ có một sự du di là lấy ván hay tấm ny-lông vây thành cái buồng tắm nho nhỏ sát barrack cho các bà các cô). Còn nấu nướng, ăn uống mỗi barrack đã có một dãy nhà mái tôn nho nhỏ nằm song song, sử dụng làm nhà bếp, nhà ăn chung cho mọi người.

* * *


Nếu quy định của nhà cầm quyền Nam Dương 11 giờ đêm ai nấy phải trở về barrack của mình, barrack trưởng đóng cửa, tắt điện... được đa số người tỵ nạn tuân theo thì yêu cầu của Ban đại diện trại mỗi sáng Thứ Bảy mọi người phải quét nhà, dọn dẹp chỗ ăn chỗ ngủ, làm vệ sinh, làm cỏ chung quanh barrack của mình, đã bị không ít người bỏ ngoài tai mà không có biện pháp nào để đối phó.

Qua các buổi họp với Ban đại diện trại, nghe khen chê của mọi người và báo cáo của các Zone trưởng, tôi được biết Zone IV từ lâu đã được ghi nhận là kỷ luật nhất, vệ sinh sạch sẽ nhất, còn Zone III của tôi luôn luôn đội sổ.

Đã vậy Zone III còn nằm ở vị trí trung tâm, cho nên luôn luôn đập vào mắt mọi người, trong đó có cô Amelia Bonifacio, tân Cao ủy trưởng.

[Trên giấy tờ, người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn tại Galang được gọi Đại diện Cao ủy LHQ (UNHCR Representative), nhưng khi nói chuyện mọi người thường gọi là Cao ủy trưởng]

Trong kỳ trước, khi nhắc tới Amelia Bonifacio, tôi viết cô là nhân vật số 2 tại Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Galang, vì lúc đó nhân vật số 1 là ông Fabrice, một người Pháp, nhưng tới cuối năm 1981 ông mãn nhiệm và cô Amelia Bonifacio lên thay.

Amelia Bonifacio được mọi người gọi bằng tên thân mật “Mely”, người Việt tỵ nạn thêm chữ “cô” cho lịch sự thành “cô Mê-ly”.


Cô Amelia Bonifacio (ảnh Gaylord Barr)


Xét về ngoại hình, cô Mely không có gì nổi bật. Gốc Phi-luật tân 100%, không lai Tây-ban-nha nên da của cô không được trắng cho lắm, cô có chiều cao hơn người nhưng các vòng đo thì khá khiêm nhượng... Tóm lại, cô Mely không có gì “mê ly” như cái tên đã được Việt hóa!

Nhưng trong công việc, nhất là công việc của một tổ chức thiện nguyện quốc tế như Cao ủy Tỵ nạn, cô Mely là một nhà lãnh đạo lý tưởng: tận tâm nhưng thẳng thắn, hòa đồng nhưng không vị nể một ai.

Vừa lên thay ông Fabrice, cô Mely đã bắt tay ngay vào việc cải tổ, thay đổi lề lối điều hành Văn phòng Cao ủy, đồng thời quan tâm tới mọi lĩnh vực trong cuộc sống của người tỵ nạn.

Thay đổi đầu tiên của cô Mely tôi kể ra đây chỉ là một việc nho nhỏ nhưng cũng đủ cho thấy cô luôn đòi hỏi mọi việc phải minh bạch, mà kết quả là tất cả mọi nhân viên thiện nguyện được cô cho hưởng “trợ cấp” mỗi tuần 1.500 rupiah (tương đương 3 đô-la Mỹ).

Nguyên ở Galang 1 có ba thành phần nhân viên thiện nguyện: nhân viên làm việc cho Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn, nhân viên phục vụ trong Ban đại diện trại, và nhân viên phục vụ trong các tổ chức thiện nguyện độc lập như Save the Children, World Relief...

Vào thời gian tôi mới giữ chức zone phó, khi ông Fabrice còn làm Cao ủy trưởng, trong ba thành phần nói trên chỉ có những người phục vụ trong các tổ chức thiện nguyện độc lập mới có chút thù lao, còn làm việc cho Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn và Ban đại diện trại thì không có gì cả. Cao ủy chỉ có quỹ “tiếp tân” để mua cà-phê, trà, bánh ngọt... cho Phòng Định cư, gồm nhân viên Cao ủy, các phái đoàn phỏng vấn, và các nhân viên thiện nguyện người Việt; đồng thời trợ cấp cho Ban đại diện trại để sử dụng vào những buổi họp Ban đại diện, họp zone hàng tuần (mua bánh kẹo, hạt dưa, thuốc hút...)

Tôi không được biết số tiền tiếp tân Ban đại diện trại được Cao ủy trợ cấp là bao nhiêu mỗi tuần, và sau đó Ban đại diện chia cho mỗi zone bao nhiêu tôi cũng không biết, chỉ biết một điều là sau khi lên làm Cao ủy trưởng, cô Mely đã cúp hết tiền tiếp tân cho Ban đại diện trại, và thay vào đó “trợ cấp” đồng đều cho tất cả mọi nhân viên thiện nguyện của Văn phòng Cao ủy và Ban đại diện trại - từ ông trại trưởng xuống tới các barrack trưởng - mỗi người một tuần 1.500 rupiah.

Từ đó, các buổi họp hàng tuần hoặc bất thường của Ban đại diện trại chỉ có... nước trà!

Riêng các buổi họp ở văn phòng zone thì vẫn có trà, ít bánh kẹo, thuốc lá “chùa”. Đó là nhờ sự đóng góp tự nguyện của nhân viên văn phòng zone và các barrack trưởng, chẳng hạn tại Zone III, mỗi người chỉ lãnh 1.250 rupiah, 250 rupiah còn lại bỏ vào quỹ tiếp tân.

Tuy gọi là quỹ tiếp tân nhưng còn được sử dụng vào nhiều mục linh tinh khác, chẳng hạn chụp hình lưu niệm, mua banh, lưới cho bóng tròn, bóng chuyền, bóng bàn, tu bổ bảo trì các máy may của zone...

Số tiền này được giao cho cô Thư ký văn phòng zone quản trị, và báo cáo chi thu trong mỗi buổi họp.

* * *


Về quan tâm của cô Mely tới cuộc sống của người tỵ nạn tại Galang, ưu tiên 1 là vệ sinh trong trại.

Chỉ vài ngày sau khi lên thay ông Fabrice, cô đã bất ngờ đích thân xuống các barrack thăm nơi ăn chốn ở (kể cả cầu tiêu) của người tỵ nạn, và đã phải lắc đầu: quá sức bê bối, dơ dáy, mất vệ sinh, nhất là Zone III của tôi với những mương rãnh hôi thối bên hông các barrack.

Trong buổi họp tiếp theo đó của Ban đại diện trại và các zone trưởng, cô Mely tới tham dự và đưa ra những nhận xét (đúng ra là chê trách) của mình trước tình trạng vệ sinh tồi tệ trong trại.

Sau khi nghe Ban đại diện trại trình bày những khó khăn trong việc yêu cầu đồng bào tham gia công tác vệ sinh chung, cô Mely lạnh lùng hỏi:

- Thế Phòng Trật tự của quý vị để làm gì?

Phía Ban đại diện trại chưa kịp lên tiếng, cô Mely đã nói tiếp một hơi, tôi chỉ nhớ đại khái nội dung như sau:

Công việc của Văn phòng Cao ủy là giúp mọi người tỵ nạn được đi định cư tại đệ tam quốc gia. Khi đặt chân tới Galang, mọi người đều bình đẳng, nhưng sau đó qua sưu tra lý lịch, qua hạnh kiểm trong thời gian sống tại trại, mỗi người có thể sẽ có mức độ ưu tiên khác nhau. Kể cả những người đã được một phái đoàn nhận, Cao ủy vẫn đủ thẩm quyền đình hoãn việc đi định cư của họ. Trước đây Phòng Định cư Cao ủy đã được sự hợp tác của Phòng Trật tự trong việc thanh lọc những thành phần có lý lịch mù mờ, khả nghi, hoặc các thành phần bất hảo, thì nay cô cũng yêu cầu phải có biện pháp với những thành phần phá hoại cơ sở vật chất của Cao ủy, từ chối tham gia công tác vệ sinh chung, nhẹ thì cảnh cáo, nặng phải báo cáo lên Văn phòng Cao ủy.

Cũng xin có đôi dòng về Phòng Trật tự của Ban Đại diện trại ở Galang.

Không hiểu các trại tỵ nạn ở Thái Lan, Mã Lai, Phi-luật-tân thì sao còn ở Galang, Phòng Trật tự đúng ra phải gọi là Phòng An ninh & Trật tự, bởi vì song song với công tác trật tự trị an, còn có nhiệm vụ điều tra lý lịch những thành phần khai gian dối, hoặc bị nghi ngờ là người của cộng sản trà trộn vào hàng ngũ tỵ nạn, theo dõi những người có thành tích chống Mỹ, chống VNCH trước năm 1975, ghi vào sổ bìa đen những thành phần bất hảo trong trại... Kể cả những vụ tố cáo nhau liên quan tới chuyện vượt biên như lường gạt tiền bạc, canh me bằng vũ lực, v.v... cũng được đưa lên Phòng Trật tự giải quyết.

Trong việc điều tra lý lịch những thành phần bị nghi ngờ là người của cộng sản hoặc thiên tả, có thành tích chống Mỹ, chống VNCH trước năm 1975, Phòng Trật tự Galang đã phối hợp chặt chẽ với ông George của Phòng Định cư Cao ủy. Độc giả có lẽ chưa quên ông George này chính là người đã “hù dọa” tôi ở Kuku vì cái số ghe tự đặt không giống ai.

Cho nên cũng không có gì khó hiểu khi một số khoa bảng, trí thức xuất thân sinh viên “trâu đánh” (Sinh viên Tranh đấu ở miền Trung giữa thập niên 1960) sau khi vượt biên tới Galang đã bị phái đoàn Mỹ “đá”, phải nằm chờ ở Galang một thời gian dài rồi mới được Úc, Canada, hay một nước Âu châu nhận cho định cư.


* * *


Sau buổi họp giữa Ban Đại diện và cô Mely, tôi về Zone III phổ biến chỉ thị của Cao ủy trưởng cho các barrack trưởng, yêu cầu họ nếu cảnh cáo không có kết quả, phải thiết lập danh sách những người trốn tránh công tác vệ sinh sáng Thứ Bảy, hoặc có mặt ở barrack nhưng không chịu tham gia.

Tôi nhấn mạnh danh sách này sẽ được nộp lên Văn phòng Cao ủy, và không quên nhắc lại lời cô Mely: kể cả những người đã được một phái đoàn nhận, Cao ủy vẫn có quyền đình hoãn ngày đi định cư của họ!

Tôi cũng thông báo tôi sẽ đích thân tới đôn đốc kiểm soát tại các barrack có tiếng bê bối nhất, mất vệ sinh nhất. Sợ chưa đủ sức... hù dọa, tôi còn mời ông Phó phòng Trật tự cùng đi với tôi để phô trương thanh thế!

Đó là anh Th, cũng là một cựu quân nhân, thân hình vạm vỡ, da ngăm đen, nét mặt rắn rỏi, ăn to nói lớn, năng nổ, không biết kiêng dè, nể sợ một ai (là một thành viên trong Ban đại diện giáo dân Galang, anh từng “đụng độ” với cha Dominici)!

Kết quả, tuy không thể gọi là mỹ mãn, tôi đã thành công ngay trong buổi làm vệ sinh sáng Thứ Bảy đầu tiên (sau khi có chỉ thị của cô Mely): trong ngoài các barrack được quét dọn sạch sẽ, hầu hết các nhà tắm vá víu nham nhở đã bị dẹp bỏ, cỏ dại không còn phủ kín lối đi, và quan trọng nhất là mương rãnh bên hông các barrack đã được khai thông.


Những nhà tắm (kiêm nhà kho, nơi ăn uống, ngủ trưa...) bất hợp lệ bên hông các barrack. (ảnh Gaylord Barr)

Làm cỏ chung quanh barrack (ảnh Gaylord Barr)


Tới sáng Thứ Bảy kế tiếp, ông thợ bạc mà tôi nhắc tới đã chấp nhận tháo gỡ một phần cái ca-bin của mình, thu hẹp lại trông cho đỡ ngứa mắt; và cũng từ đó mỗi sáng Thứ Bảy, ông ta “mướn” một cậu nhỏ nhận làm cháu để thay ông ta tham gia công tác vệ sinh tại barrack.

(Còn tiếp)


CHÚ THÍCH:

(1) Malcolm Fraser (1930 – 2015), thuộc đảng Tự Do, là vị Thủ tướng thứ 22 của Úc-đại-lợi, cầm quyền từ tháng 11/1975 tới tháng 3/1983. Ông được các sử gia ghi nhận là người đã đưa hòn đảo Úc-đại-lợi từ “miệt dưới” xa xôi gia nhập “câu lạc bộ cường quốc”; ông cũng là người chấm dứt Chính sách nước Úc da trắng” (White Australia Policy) qua việc nhận di dân Á châu trong đó có trên 120.000 người Việt tỵ nạn cộng sản, và việc đề xướng chính sách Đa văn hóa (Multiculturalism).

Tuy nhiên với nhiều người, trong đó có bản thân tôi, thành tích “ngoạn mục” nhất của ông Malcolm Fraser phải là những việc ông làm khi còn giữ chức Lãnh tụ Đối lập: lật đổ chính phủ Lao Động mà không thông qua một cuộc tổng tuyển cử nào cả!

Thành tích này của ông Malcolm Fraser đã chấm dứt sự nghiệp của Gough Whitlam (1916 – 2014), tay Thủ tướng Lao Động khét tiếng thân cộng trong lịch sử nước Úc.


Gough Whitlam (ảnh Internet)


Nguyên từ cuối Đệ nhị Thế chiến, nước Úc có hai chính đảng lớn là Tự Do (Liberal Party) và Lao động (Labor Party); đảng Tự Do thường liên kết với đảng Quốc Gia (National Party), gọi là Liên Minh (Coalition).

Tự Do được xem là một đảng bảo thủ, chống cộng còn Lao động là một đảng cấp tiến – chữ “cấp tiến” mang ý nghĩa thời đại mới: chống tư bản (đặc biệt là Hoa Kỳ), thiên tả (đôi khi tới mức thân cộng), phản chiến, ủng hộ vô thần, phá thai, kéo phe đồng tính luyến ái...

Điều may mắn cho người Việt quốc gia là trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh quốc – cộng tại Việt Nam thì tại Úc, đảng Tự Do liên tục nắm quyền trong gần một phần tư thế kỷ (1949-1972). Cho nên ngay từ năm 1957, sau khi đón tiếp Tổng thống Ngô Đình Diệm tại thủ đô Canberra, Úc đã trở thành đồng minh quan trọng thứ nhì của VNCH, chỉ sau Hoa Kỳ.

Năm 1962, Úc gửi các cố vấn quân sự (huấn luyện chống du kích) tới Việt Nam, và tới năm 1965 gửi các lực lượng tác chiến của Lục Quân và Không Quân tới tham chiến, tới năm 1972 mới rút quân về. Trong thời gian 10 năm nói trên, đã có trên 60,000 binh sĩ Úc luôn phiên phục vụ tại Việt Nam, trong đó có 521 người hy sinh và trên 3000 mang thương tích.

Nhưng tới cuối năm 1972, sau khi đảng Lao Động lên nắm quyền, nước Úc quay một góc 180 độ!

Trăm tội cũng chỉ vì tân Thủ tướng Gough Whitlam là một người thân cộng. Trước đó, vào tháng 7 năm 1971, khi đang làm Lãnh tụ Đối lập, ôngta đã trở thành vị lãnh tụ đối lập đầu tiên trong lịch sử chính trường Úc thăm viếng Trung Cộng. Để rồi tới năm 1973, trở thành vị Thủ tướng Úc đầu tiên và nhà lãnh đạo tây phương thứ hai (sau TT Mỹ Richard Nixon) công du Trung Cộng.

Mặc dù đều được gọi là “state visit” nhưng trong khi chuyến công du của TT Richard Nixon năm 1972 chỉ mang tính cách “trình diễn” (một phần vì sự chống đối của nhiều người trong nội các, nhất là ngoại trưởng Hoa Kỳ William Rogers) thì chuyến công du của Gough Whitlamnăm 1973 đã bị thế giới tự do xem là một sự phản bội trắng trợn!


Thủ tướng Úc Gough Whitlam công du Trung Cộng năm 1973 (ảnh Internet)


Cũng trong năm 1973, Úc trở thành quốc gia tây phương đầu tiên thiết lập bang giao cấp đại sứ với hai chế độ cộng sản Hà Nội và Bắc Kinh.

Tháng Tư năm 1975, trước viễn ảnh miền Nam VN bị lọt vào tay quân cộng sản Bắc Việt, Không Lực Hoàng Gia Úc-đại-lợi đã đưa các vận tải cơ C-130 sang Sài Gòn để di tản nhân viên ngoại giao Úc và những người Việt từng làm việc với người Úc.

Khi biết được việc này, Gough Whitlam đã ra lệnh cho Không Quân Úc không được cho một người Việt nào bước lên phi cơ, và sau khi Sài Gòn thất thủ, đã ra lệnh cấm cửa người tỵ nạn Việt Nam. Nguyên nhân, theo một bài bình luận trên tờ The Australian - một nhật báo khuynh hữu hiếm hoi ở Úc - Gough Whitlam cho rằng “người tỵ nạn là những người chống cộng, rồi đây sẽ chống Lao Động” (Whitlam saw the refugees as anti-communist and likely anti-Labor).

Hậu quả, cũng theo tờ The Australian, cùng với 30 cựu nhân viên của tòa Đại sứ Úc đã có khoảng 130 người Việt khác có tên trong danh di tản đã bị bỏ lại mặc cho số phận (Loyal staff who had served Australia for years were left to their fate).

Trước đó ít lâu, cảnh “bỏ rơi” này cũng đã xảy ra tại thủ đô Nam Vang của xứ chùa tháp, và theo tờ The Australian, phần lớn người Căm-bốt bị Úc bỏ rơi sau đó đã bị Khmer Đỏ hành quyết!

Nhưng ở đời, đôi khi cái rủi của người này lại là cái may cho kẻ khác, mà trong trường hợp này “kẻ khác” ấy chính là các em cô nhi trong chiến dịch nhân đạo Babylift (Operation Babylift) do Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực Hoàng Gia Úc thực hiện: những chỗ trống trên phi cơ C-130 ấy đã giúp thêm hơn 100 em được đưa ra khỏi Việt Nam trong những giờ phút hấp hối của Sài Gòn, nâng tổng số cô nhi được đưa sang Úc lên 281 em, trong đó em nhỏ tuổi nhất mới lọt lòng mẹ được 10 ngày.


Các nhân viên phi hành Úc và trẻ mồ côi Việt Nam tại phi trường Tân Sơn Nhất (ảnh Australian War Memorial)


Gough Whitlam không chỉ bỏ rơi những nhân viên người Việt từng làm việc với Úc mà còn đòi trục xuất tất cả mọi nhân viên ngoại giao của VNCH cùng với hàng trăm sinh viên đang du học tại Úc về nước, viện lý do Việt Nam nay đã hòa bình, thống nhất; tuy nhiên trước sự phản kháng, vận động dư luận Úc của những nhân viên, sinh viên người Việt nói trên, Gough Whitlam đã không thực hiện được ý đồ của mình (lấy điểm CSVN).

* * *


Nhưng sự nghiệp muộn màng của Gough Whitlam đã chấm dứt hơi sớm. Cuộc khủng hoảng dầu lửa Trung Đông năm 1973 (giá dầu thô tăng hơn 300%) đã khiến các quốc gia tây phương bị khốn đốn, riêng tại Úc, công với sự bất tài và chính sách mị dân của chính phủ Lao Động (chẳng hạn mở thêm vô số trường học... nhưng chỉ lèo tèo mấy mống học sinh), toàn bộ nền kinh tế bị suy sụp đưa tới khủng hoảng tài chánh chưa từng có trong lịch sử nước Úc.

Vì thế, vào ngày 11/11/1975, Tổng Toàn quyền Úc là Sir John Kerr đã phải truất chức Thủ tướng của Gough Whitlam, một việc chưa từng xảy ra từ ngày Úc-đại-lợi được độc lập (1901). Quyền xử lý thường vụ chức vụ thủ tướng được trao cho Lãnh tụ Đối lập Malcolm Fraser, cho tới khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong thời hạn ngắn nhất.

Hơn một tháng sau, trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 13/12/1975, trên 95% cử tri Úc đã đi bầu với kết quả đảng Tự Do thắng lớn chưa từng thấy, và nếu cộng với số ghế của đảng Quốc Gia, chưa bao giờ Liên Minh cầm quyền đạt tỷ lệ cao như thế trong lịch sử quốc hội liên bang.

Tới cuộc cuộc tổng tuyển cử năm 1977, Liên Minh lại thắng. Gough Whitlam bị đảng Lao Động cho về vườn, chấm dứt sự nghiệp của một lãnh tụ thân cộng mù quáng nhất trong lịch sử Úc-đại-lợi.


Người Việt tại Úc trong tang lễ cố Thủ tướng Malcolm Fraser, nhà lãnh đạo được họ xem như một “người cha”
 




Hồi ký

NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA


(tiếp theo kỳ 21)

 

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 21)



Hồi ký

NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA



(tiếp theo kỳ 20)

CHƯƠNG 2 – “Hoa tiêu” bất đắc dĩ

Ngôi nhà rất rộng, dư sức cho hàng trăm người nằm, ngồi thoải mái nếu như cái sàn gỗ còn nguyên vẹn. Nhưng sau bao năm tháng bị bỏ hoang phế, sàn gỗ nhiều chỗ đã bị mục nát, thủng lỗ cho nên ông “đại diện tỵ nạn” đã phải năn nỉ những người tới trước thu hẹp “giang sơn” để có chỗ cho chúng tôi.

(nguồn: FB Sơn H Cao)

Người có công với đất nước chúng không thờ lại đi nhận giặc làm cha. Đúng là bọn mất dạy.

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 20)
 
Hồi ký
NGUYỄN HỮU THIỆN

PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA



(tiếp theo kỳ 19)

CHƯƠNG 2 – “Hoa tiêu” bất đắc dĩ

Cái cầu tàu này sử dụng cho các tàu chuyên chở máy móc, vật liệu, tiếp tế cho giàn khoan, từ mặt biển đi lên khá cao, vì thế có một cái thang sắt đi xuống gần mặt nước để sử dụng khi cần thiết.