Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Đáp Bụng - Phạm Hữu Lộc

Posted by August 21, 2018 4353

Vài ngày sau Tết năm 1972 tôi ra trình diện Phi đoàn 530 tại Pleiku, lúc đó chiến cuộc đang bùng nổ ở miền Trung, một thời gian được gọi là mùa Hè đỏ lửa.

Phi công mới về nước như tôi được huấn luyện cấp tốc cho quen với địa thế để ra bay hành quân. Phi đạo ở đây vừa hẹp vừa ngắn gây nhiều khó khăn cho lúc cất cánh và đáp. Điều khiển chiếc phi cơ bánh đuôi với cánh quạt mạnh 2.700 mã lực trên phi đạo hẹp và ngắn đòi hỏi nhiều chú tâm, khác lúc tôi còn ở trường bay, phi đạo vừa rộng lại còn dài lê thê.

Vào một buổi sáng đẹp trời, tôi tập đáp với Thiếu Tá Đức, một Huấn luyện viên nhiều lâu năm trong Phi đoàn, danh hiệu hôm đó là Thái-Dương 30 (Jupiter 30). Đây là phi vụ thứ ba từ khi tôi về nước. Sau hai lần cất cánh và đáp trên phi đạo 09, mọi sự đều bình thản, khi đáp lần thứ ba, lúc phi cơ chạm bánh trên phi đạo, tôi cố gắng giữ cho cánh thăng bằng nhưng cánh trái cứ chìm xuống. Phi cơ lỉa qua nửa bên trái phi đạo, đúng lúc đó tôi vẳng nghe có tiếng trên làn sóng : " Thái Dương 30, bánh đáp trái của bạn đang bị quị xuống !". Anh Đức nghe được, một tay chụp cần lái tay kia tống hết ga và điều khiển cho phi cơ bay lên. Con tàu lờ lửng chờ tốc độ lên dần, gió cánh quạt cuốn bụi đỏ bay mờ mịt, nhưng cuối cùng cũng vượt lên được. Không có tiếng nói báo trước cùng phản ứng nhanh chóng của anh Đức, chắc cả thầy lẫn trò đều gẫy cánh hôm ấy.

Đó là tiếng của Thiếu Tá Phạm Văn Thặng, biệt hiệu Thặng Fulro, dẫn đầu một Phi tuần khu trục đang đậu chờ cất cánh. Đã bao năm mà tôi vẫn còn nhớ đến anh. Chẳng may, anh đã gẫy cánh trong một phi vụ yểm trợ cho quân bạn ở Kontum. Ơn Anh tôi đã đáp lại được một phần nhỏ khi được gác quan tài Anh tại Nghiã trang Quân đội Thủ-Đức. Tôi không thể quên được dáng to lớn với nước da ngăm đen cùng giọng nói oai vang của anh.

Con tàu lấy trớn lướt bổng lên không. Tôi kiểm soát lại phi cụ chỉ bánh đáp, bánh phải và bánh đuôi đều bình thường, nhưng hỡi ôi, bánh trái không lên mà cũng chẳng xuống ! Anh Đức bay lại một vòng thật thấp dọc theo phi đạo, nhờ đài kiểm soát xem vị thế của bánh đáp. Đài xác nhận vị trí như phi cụ chỉ. Chúng tôi bay lên cao độ, thả xuống dở lên vài lần nhưng đều vô hiệu. Anh Đức thử thêm một lần chót : lấy tốc độ cao rồi kéo con tàu lên thật gấp, gần ba lần trọng lực mong bánh trái sẽ xuống. Hai thầy trò xụ mặt vì trọng lực mà bánh đáp cũng chẳng xuống cho ! Chúng tôi quyết định kéo bánh đáp lên và đáp bụng.

Anh Đức giao cần lái cho tôi bay lên khoảng 9.000 bộ lượn quanh Pleiku. Đài kiểm soát đóng cửa phi đạo và chuyển lệnh cho các phi cơ khác đổi hướng ra khỏi Pleiku. Phía dưới các xe Cứu hỏa bắt đầu sắp dọc theo phi đạo, một xe cứu hỏa đặc biệt trải "foam" chống lửa trên phi đạo. Tôi để ga lớn cho con tàu mau hết xăng đề phòng hỏa hoạn lớn nếu bị rủi ro khi đáp.

Anh Đức rút bao thuốc lá, lấy một điếu rồi đưa qua mời, tôi lắc đầu cảm ơn. Lượn đi vòng lại quanh Pleiku khoảng hai tiếng. Tôi bèn mở Radio nghe nhạc đỡ buồn, oái oăm thay gặp ngay bản nhạc "Anh Quốc Ơi " do Thái-Thanh hát. Lúc đó tôi vẫn khá bình tĩnh vì tại trường bay tôi đã mục kích một bạn cùng khóa đáp bụng khi bay solo T-28. Mọi việc đều an lành, anh đáp rất đẹp, đẹp hơn những lúc đáp bình thường ! Phi cơ khu trục chắc chắn hơn T-28 nhiều, ngồi bên phải tôi lại là một đàn anh với cả ngàn giờ bay kinh nghiệm nên tôi rất an tâm.

Khi đồng hồ xăng chỉ khoảng 800 Pounds, phía dưới phi trường cũng sẵn sàng tiếp đón "Cánh chim què", foam đã trải trắng xóa phủ gần một phần ba phi đạo. Anh Đức cầm lại cần lái, bay một vòng thật thấp quan sát cả phi đạo lần cuối. Chúng tôi báo cho đài biết là sẽ vào đáp, hai thầy trò ôn lại một lần cuối những động tác khẩn cấp. Thầy cầm cần lái, trò có nhiệm vụ điều khiển cánh cản, tắt hệ thống điện và xăng lúc phi cơ chạm xuống rồi mạnh ai người đó thoát khỏi phi cơ. Lượn một vòng lớn vào đáp, chúng tôi từ xa nhắm thẳng phi đạo 09 bay tới. Mũi phi cơ hơi cao hơn những lúc đáp bình thường, cánh cản xuống hết cho tốc độ thật chậm, khoảng 90 dặm một giờ (knots). Con tàu chầm chậm bay tới; phiá trước, phi đạo dâng lên mỗi lúc mỗi lớn dần. Đảo mắt nhìn quanh phi đạo, tôi thấy vài xe Cứu hỏa trực sẵn, một số đông anh em lính Bảo trì và Phòng thủ đứng dọc theo khu trạm Hàng không chờ xem. Một số khác đứng trên thành những ụ đậu phi cơ.

Con tàu xuống thấp chỉ còn khoảng vài bộ trên cuối đầu phi đạo, anh Đức cắt ga rồi từ từ kéo nhẹ cần lái cho phi cơ nhẹ nhàng chìm xuống. Khi tàu vừa chạm mặt phi đạo, tôi liền tay kéo cảnh cản lên, tắt điện và xăng. Ngước mắt lên, tôi đã thấy các cánh quạt quẹo quặp vào, bụi foam bốc lên trắng xóa, con tàu ngon trớn như con thoi có đà tiếp tục lao về phía trước, các xe Cứu hỏa chạy tốc theo sau. Chỉ khoảng mười tới mười lăm giây sau, con tàu giảm hết tốc độ nằm giữa phi đạo. Hai thầy trò tức tốc tháo hết giây choàng, thoát nhanh ra khỏi phi cơ. Lẹ thật, chỉ vài giây sau chúng tôi đã ra khỏi phi cơ và đứng bên cạnh xe cứu thương. Xe Cứu hỏa tiếp tục xịt thêm foam lên khắp thân và cánh tàu. Từ xa nhìn lại, chiếc khu trục khi kia oai hùng bao nhiêu, bây giờ nằm sát trên phi đạo như chú cào cào bị mất râu.

Tối hôm đó, Phi đoàn đãi hai Thầy trò tôi thoát nạn an toàn. Anh em trong Phi đoàn mỗi người một phiên thay nhau cụng cạn ly bia với tôi. Là lính mới tôi ráng uống nhưng tửu lượng chẳng có là bao, tôi gục say lúc nào không biết. Sáng hôm sau, mở mắt dậy thấy mình đang nằm trong phòng tại Cư xá, đầu tôi nhức như búa bổ ! Ôi một kỷ niệm đầu tay trong cuộc đời bay bổng ! Tôi thầm nghĩ : " Tương lai mình sẽ ra sao ?"



Phạm-Hữu-Lộc
PĐ 530, 1972

Rate this item
(0 votes)