Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Nụ Cười Khó Hiểu Của Điệp Viên Vũ Ngọc Nhạ - Bùi Anh Trinh

Posted by June 13, 2019 4254
Huỳnh Văn Trọng (giữa) và Vũ Ngọc Nhạ đùa vui sau khi lãnh án 20 năm Huỳnh Văn Trọng (giữa) và Vũ Ngọc Nhạ đùa vui sau khi lãnh án 20 năm

Nụ Cười Khó Hiểu Của Điệp Viên Vũ Ngọc Nhạ
Bùi Anh Trinh

 

 

Cố vấn của Ngô Đình Diệm ?

Vũ Ngọc Nhạ tên thật là Vũ Xuân Nhã, sinh năm 1928 tại Thái Bình. Thuở nhỏ có vài năm theo học trường dòng. Năm 1945 đang học cấp 2 tại Hà Nội. Tháng 12 năm 1946 quân Pháp đuổi Hồ Chí Minh lên rừng, Nhạ về Thái Bình tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1951 được bầu làm thị ủy viên Thị xã Thái Bình.


Nhưng cũng năm 1951 Mao Trạch Đông cho dựng lại ĐCSVN, cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba phát động chiến dịch thanh trừng thành phần “trí phú địa hào” trong tổ chức Việt Minh. Nhạ bị liệt vào loại “cường hào tôn giáo” cho nên năm 1952 Nhạ phải chạy về Phát Diệm tham gia tổ chức “Tổng bộ tự vệ Phát Diệm”, một tổ chức chống cộng của Công giáo.

Năm 1953 đăng ký làm thông dịch viên cho quân đội Pháp, mang lon Trung sĩ. Năm 1954 quân Pháp rút về nước, Nhạ theo chân quân đội Pháp về sinh sống tại ngoại ô Paris nhưng sau đó tìm cách sang làm việc cho Tòa thánh La Mã. Tại Tòa thánh ông làm việc rất siêng năng cần mẫn nên được Đức Giáo Hoàng ban cho phép “Chết lành” ( Một nghi thức của Công giáo, khi hấp hối không cần làm phép rửa tội ).

Năm 1955 về lại Việt Nam, làm thư ký đánh máy trong Ty Công chánh tỉnh Gia Định. Cuối năm 1958 bị Mật vụ Miền Trung phát hiện là cán bộ Việt Minh tại Thái Bình nên bắt giam vào trại tập trung Phú Cam, Huế ( Một hình thức trại học tập chính trị dưới thời Ngô Đình Diệm, nhằm tập trung và thanh lọc các phần tử nghi ngờ còn hoạt động cho Cộng sản ).

Tại trại Phú Cam, tất cả những ai được xác minh là đã hồi chánh thì được thả ngay, còn những người có lý lịch không rõ ràng thì phải chờ điều tra. Trong thời gian này Nhạ có dịp làm quen với Mười Hương và Lê Hữu Thúy là hai ông trùm tình báo của CSVN được cài lại Miền Nam sau Hiệp định Geneve 1954. Mười Hương và Thúy bị bắt trước Nhạ vài tháng.

Vào giữa năm 1961 Nhạ được thả, ông trở lại sinh sống tại Sài Gòn. Nhờ giấy ban phép “Chết lành” của Đức Giáo Hoàng, ông mon men tiếp xúc với Linh mục Hoàng Quỳnh và lần hồi chiếm được sự tin cậy của linh mục Quỳnh.

Cố vấn của Nguyễn Văn Thiệu ?

Năm 1965 Tướng Nguyễn Văn Thiệu lên nắm Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo quốc gia, ông nhờ cố vấn chính trị Nguyễn Văn Ngân liên lạc với các đảng phái và đoàn thể để xin mỗi đoàn thể cử một người liên lạc với Văn phòng Chủ tịch để có thể thông báo cho Phủ chủ tịch những yêu cầu và nguyện vọng của đại diện dân chúng ( Tất cả có 43 đoàn thể ). Linh mục Hoàng Quỳnh đề cử Vũ Ngọc Nhạ làm người liên lạc giữa khối “Công giáo di cư” và Phủ chủ tịch.

Năm 1967 Tướng Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng thống, những liên lạc viên của các đảng phái hay đoàn thể ( gồm 43 người ) được biến thành “cố vấn chính trị của Phủ tổng thống” nhưng chỉ cố vấn riêng về đoàn thể của mình. Nghĩa là Vũ Ngọc Nhạ chỉ cố vấn về những vấn đề có liên quan tới “Khối công giáo di cư” mà thôi.

Các cố vấn đoàn thể làm việc trực tiếp với ông Cố vấn chính trị của Phủ Tổng thống là Nguyễn Văn Ngân nhưng thường ngày vẫn làm việc với đoàn thể của mình ở ngoài dinh Độc Lập; thỉnh thoảng cố vấn Nguyễn Văn Ngân mời các cố vấn đoàn thể vào họp trong dinh Độc Lập để nghe thông báo về một số chính sách mới của Chính phủ, hoặc để nghe ý kiến của dân chúng qua đại diện của các đoàn thể.

Sau trận Mậu Thân lực lượng vũ trang của Mặt trận giải phóng Miền Nam hoàn toàn tan nát, một số lãnh đạo nằm trong Trung ương Cục Miền Nam ( Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ ) muốn tiếp xúc thẳng với giới lãnh đạo VNCH, họ cho người tiếp xúc với Tướng Dương Văn Minh ( qua Thiếu tá CSVN Dương Văn Nhật ), Trung tá Trần Ngọc Châu ( qua Đại úy CSVN Trần Ngọc Hiền ).

Và cho điệp viên Lê Hữu Thúy tiếp xúc thẳng với Tổng thống Thiệu qua Cố vấn chính trị Nguyễn Cao Thăng và ông Huỳnh Văn Trọng, là Phụ tá đặc trách Bình định phát triển của Văn phòng Tổng thư ký phủ Tổng thống ( Nguyễn Văn Hướng là Tổng thư ký phủ Tổng thống, ông Trọng là 1 trong 4 phụ tá của ông Hướng ).

Điệp viên của CSVN ?

Để tổ chức đường dây tiếp xúc, Cố vấn an ninh của Tổng thống Thiệu là Tướng Đặng Văn Quang biết được Vũ Ngọc Nhạ từng quen biết với trùm tình báo CSVN Mười Hương cho nên nhờ Nhạ tìm cách bắt liên lạc với Mười Hương. Kết quả Nhạ bắt liên lạc được với Lê Hữu Thúy là người đang phụ trách đường dây Huỳnh Văn Trọng. Thúy giao cho Nhạ nhiệm vụ làm giao liên giữa Huỳnh Văn Trọng và Thúy.

Đầu năm 1969 Trọng nhận được một bản “Kế hoạch Bình định phát tiển nông thôn năm 1969” do cơ quan Bình đình phát triển nông thôn ( CORDS ) của Hoa Kỳ soạn thảo. Trọng sao ra 1 bản rồi nhân dịp Nhạ vào Dinh Độc Lập họp, Trọng giao cho Nhạ mang tài liệu về cho Thúy ( Để gây tin tưởng ). Đây là thành tích đầu tiên và cũng là thành tích duy nhất của “điệp viên” Vũ Ngọc Nhạ.

Sau vụ tài liệu “Kế hoạch Bình định phát triển năm 1969” bị tiết lộ, CIA lần ra đường dây thẩm lậu tin tức từ trong dinh Độc lập. Và đến khi cảnh sát bắt Trần Ngọc Hiền, rồi công bố vụ CIA liên lạc với CSVN qua Trần Ngọc Châu và Trần Ngọc Hiền, thì CIA trả đũa bằng cách rình bắt Lê Hữu Thúy cùng với tổ chức hoạt động của ông ta gồm có 42 người, trong đó có “Cố vấn” Vũ Ngọc Nhạ.

Rốt cuộc chuyện siêu điệp viên Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng chỉ là kết quả “chơi nhau” giữa và CIA và Phủ Tống Thống VNCH.

Trần Ngọc Hiền bị kết án 4 năm tù, Trần Ngọc Châu bị kết án 20 năm sau giảm xuống còn 10 năm. Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ bị kết án chung thân, sau giảm xuống còn 20 năm. Nhưng cả 4 không bị giam tại trại tù Cộng sản ở Phú Quốc mà lại bị giam ở Côn Đảo. Tuy nhiên tại Côn Đảo cả 4 ông sống như nghỉ mát ở đảo chứ không phải ở trong tù.

Đến tháng 4 năm 1973 trao trả tù binh tại Lộc Ninh thì Ủy ban tiếp nhận tù binh của CSVN chỉ nhận Trần Ngọc Hiền chứ không nhận 3 ông kia bởi vì họ không phải là người của CSVN. Bí quá Tổng thống Thiệu phải nhốt cả 3 ông vào Chí Hòa nhưng điều kiện sinh hoạt không phải là tù. Được vài tháng thì thả Trọng và Nhạ, còn Châu thì mãi tới cuối năm 1974 mới thả.

Đến tháng 4 năm 1975 Châu được nhân viên CIA lên danh sách những người cần được đưa ra khỏi Việt Nam ( nhân viên CIA ) nhưng Trưởng nhánh Viễn Đông của CIA thời đó là Shackley bác bỏ, do đó Châu phải vào trại tù cải tạo vì là nhân viên của chế độ cũ. Vũ Ngọc Nhạ phải đi kinh tế mới Phạm Văn Hai, còn Trọng thì chạy thoát sang Pháp. Riêng Trần Ngọc Hiền thì sau khi trao trả tù binh bị tước hết cấp bậc, tước hết đảng tịch và bị trục xuất ra khỏi Đảng vì tội đã khai báo hết những bí mật của tổ chức (ĐCSVN) cho địch.

Trong khi đó cấp trên của Vũ Ngọc Nhạ là điệp viên thứ thiệt Lê Hữu Thúy cũng không khá gì hơn. Năm 1973 ông được trao trả cho CSVN nhưng ông chỉ nhận được quân hàm thượng úy và được cho ngồi chơi xơi nước. Đến năm 1975 thì ông bị tước đảng tịch và cho nghỉ việc vì tội làm lộ đường dây tình báo A.22 tại Sài Gòn. Mãi đến khi người ta phong thiếu tướng cho Vũ Ngọc Nhạ thì ông mới được phục hồi đảng tịch và được phong đại tá cho tương xứng với cương vị ngày xưa là cấp chỉ huy của Nhạ.

Thiếu Tướng tình báo ?

Về phần Vũ Ngọc Nhạ , sau 30-4-1975 ra trình diện chế độ mới, bị đưa đi “Phòng tình báo quân sự” để nơi đây xác minh lý lịch hoạt động của ông ta. Sau khi xác minh thì được nhận được giấy khen về thành tích nhưng đồng thời cũng nhận được quyết định “kỷ luật” vì tội làm đổ bể đường dây tình báo tại Dinh Độc Lập. Đây là một cách “phủi ơn” đối với Vũ Ngọc Nhạ, do đó ông ta và gia đình phải đi kinh tế mới Phạm Văn Hai.

Đến năm 1985 xưởng phim truyện Thành phố Hồ Chí Minh cho dựng bộ phim “Ván Bài Lật Ngữa” từ quyển tiểu thuyết cùng tên của ông Trần Bạch Đằng. Ông Đằng lên đài phát thanh xác nhận ông Nhạ là 1 trong 5 nhân vật cấu thành siêu điệp viên Nguyễn Thành Luân. Biết được chuyện này nhà báo Hữu Mai từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm ông Trần Bạch Đằng để hỏi thăm về “điệp viên cố vấn của Tổng Thống Thiệu” . Ông Đằng dẫn Hữu Mai lên kinh tế mới Phạm Văn Hai gặp Nhạ.

Sau đó Hữu Mai về Hà Nội viết thành quyển tiểu thuyết “Ông Cố Vấn” nói về cuộc đời của ông Nhạ với nhiều sửa đổi, thêm thắt để cho có vẻ “có hậu”. Theo đó thì sau khi được Phòng tình báo xác minh lý lịch ông được thu dụng trở lại với cấp bậc Thượng tá, rồi sau đó thăng Đại tá (Chỉ là tiểu thuyết hóa chứ sự thực không có).

Đến năm 1992 có một ông cựu tướng tình báo Hoa Kỳ đến Sài Gòn để thiết lập bang giao giữa hai quốc gia. Ông tướng Hoa Kỳ ngỏ ý muốn gặp hai nhân vật tình báo CSVN mà ông ta rất ngưỡng mộ là Phạm Xuân Ẩn và Vũ Ngọc Nhạ. Chính quyền CSVN vội cho tìm Vũ Ngọc Nhạ từ khu kinh tế mới.

Sau đó ông Tướng HK ngỏ ý muốn được đi thăm Tướng Nguyễn Hữu An đang làm Hiệu trưởng Học viên quân sự tại Đà Lạt để trao đổi về quân sử chiến tranh Việt Nam. Cùng đi có cả Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ. Tại Học viện quân sự Đà Lạt, Trung tướng Nguyễn Hữu An nhân danh Quốc hội CSVN gắn cấp bậc thiếu tướng cho điệp viên Vũ Ngọc Nhạ ( Giấy tờ ghi là Quốc hội đã chuẩn thuận năm 1988 ). 
Đồng thời tại Sài Gòn, cấp trên của ông Nhạ là điệp viên thứ thiệt Lê Hữu Thúy được phong vượt cấp từ thượng úy (1973) lên đại tá.

Khi ông Nhạ trở lại Sài Gòn, ông Trần Bạch Đằng viết một bài báo kể rõ cuộc sống khó khăn của Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ trên khu kinh tế mới và ông hô hào quyên góp giúp đỡ. Riêng Thành đoàn Thanh niên Cọng sản Thành phố Hồ Chí Minh bỏ tiền ra in lại cuốn tiểu thuyết “Ông Cố Vấn”, tiền lời bán sách sẽ giao cho gia đình ông Nhạ.

Chỉ là màn kịch được giàn dựng.

Ngày nay báo chí còn lưu lại bức hình ông Trọng và ông Nhạ cười rất tươi sau khi lãnh án 20 năm; lại còn bông đùa gởi lời thăm sức khỏe Tổng thống Thiệu (sic). Không ai hiểu nổi những bí ẩn đằng sau nụ cười và những lời bông đùa đó. Mãi cho tới năm 2009 cơ quan CIA đưa ra tài liệu “CIA and The Generals” thì sự thật mới được phơi bày:

Theo CIA thì chỉ có Huỳnh Văn Trọng mới là điệp viên Cộng sản nằm trong Dinh Độc Lập nhưng năm 1975 ông Trọng lại chạy sang Pháp, chứng tỏ ông ta không phải là điệp viên của CSVN. Như vậy cấp dưới của ông ta là Vũ Ngọc Nhạ cũng không phải. Trong khi đó tài liệu của CIA lại xác nhận người cọng tác với CIA trước Mậu Thân là ông Trần Bạch Đằng (!).

Đến năm 1986 Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng bí thư; vì không ưa ông Kiệt cho nên ông ta cho phép tiết lộ một phần nào về chuyện ông Kiệt, ông Đằng lén bắt tay với CIA trước 1975, nhằm vận động không cho ông Kiệt làm Thủ Tướng sau khi Phạm Hùng qua đời. Vì vậy mà ông Đằng và ông Kiệt mới giàn dựng ra màn hỏa mù để hướng cho dư luận tin rằng Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng là những người được hai ông cài vào Dinh Độc Lập với sự đồng ý của Lê Duẩn ( Lúc này LD đã chết cho nên chẳng ai biết có thật hay không ).

Tóm lại, nếu những người nói trên thực sự là điệp viên của CSVN thì ngay từ năm 1975 người ta đã đã phong tặng anh hùng và cho cải táng hài cốt của Phạm Ngọc Thảo cũng như phong tướng cho Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng… chứ không đợi tới sau khi Lê Duẩn chết mới làm.

Bùi Anh Trinh


https://www.facebook.com/photo.php?f...type=3&theater

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Nụ Cười Khó Hiểu Của Điệp Viên Vũ Ngọc Nhạ)

Rate this item
(0 votes)