Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
Tôi còn nhớ vào giữa thập niên 50, lúc đó tôi chưa đầy 10 tuổi, ngôi chợ Mỹ-Tho do Pháp xây cất tuy còn kiên cố, vì bề ngoài nhìn thấy có rất nhiều cọc sắt lớn nhỏ sơn màu xanh lá cây từ trên tới dưới. Mặc dù chợ chỉ có một tầng trệt, nhưng mái nhà được ngăn làm hai tầng cao thấp bằng ngói, có một khoảng thông hơi và ánh sáng ở giữa, mà tầng trên là hình chóp nón dài theo hình chữ nhật của ngôi chợ khá cao. Nhìn tổng quát thì lối kiến trúc không đẹp. Diện tích bên trong nhà lồng chợ có mái che lại không rộng lớn, bởi phần chợ lộ thiên song song dọc theo hai bên chiều dài của nhà lồng chợ đã bằng phân nửa bên trong. Có lẽ vì thế mà chính quyền địa phương đã cho phá hủy toàn bộ để xây cất mới lại ngôi chợ Mỹ-Tho.
So với chợ cũ thì mái che chợ mới thấp hơn. Hệ thống thoát hơi phía trên lại không được rộng lớn, vì thế mà buổi trưa khi trời nắng rất nóng nực. Ngôi chợ mới tứ phía có bốn cổng rộng lớn ra vào với cửa sắt, ban đêm được đóng khóa lại và sáng sớm có người trực trong Ban Quản Lý ở cổng phía đường Nguyễn Huệ đi mở cửa. Chợ Mỹ-Tho hình chữ nhật, chiều ngang của mỗi bên có một cổng chánh. Phía trên là một thành vách khá cao mà trên đỉnh có dựng ba chữ “CHỢ MỸ-THO“ to đùng bằng xi-măng sơn màu đỏ tươi.
Còn cổng ra vào hai bên chiều dài có phần hẹp và thấp hơn chừng một nửa hai cổng chánh, phía trên mỗi bên có xây một bức tường hình chữ nhật lớn chừng 3 m x 2 m, ở giữa có hai chữ nổi lớn cũng sơn màu đỏ tươi, bên kia là CỬA NAM, còn bên đây là CỬA BẮC, đối diện trực tiếp qua con đường lộ ngắn với cửa nầy là tiệm buôn bán của Ba Mẹ tôi ngày xưa trên dãy phố có mười thương hiệu, con đường phía bên Cửa Nam cũng vậy. Hai dãy phố lầu thương mại hai tầng cùng mang tên là đường Võ Tánh, được xây cất giống nhau mà chỉ khác số nhà chẵn, lẻ. Mặt ngoài đường và bên trong xung quanh nhà lồng chợ, đều là những tiệm buôn nhỏ xây đâu lưng thống nhất với nhau, mà phần lớn đều bán tạp hóa và hàng vải tơ lụa. Ở giữa trong nhà lồng chợ có một đường đi khá rộng lớn được ngăn đôi từ cổng ra vào từ cửa Nam đến cửa Bắc, một bên dành cho các sạp bán basar, kim chỉ, giày dép, va-li, túi xách, nhưng phần lớn là sạp vải thông với cổng chánh hướng ra đường Nguyễn Huệ. Còn phân nửa là khu bán tạp hóa và thịt heo, mà cổng chánh hướng ra chợ cá giáp với con sông dài. Nhìn chung với lối kiến trúc cũng như sự phân chia sắp xếp các gian hàng buôn bán bên trong và phía ngoài rất mỹ quan.
Phạm vi chợ Mỹ-Tho tính ra cũng khá rộng lớn, bao gồm từ chợ Hàng Bông phía đường Nguyễn Huệ đến trước rạp hát Vĩnh Lợi, rồi từ bên trái rạp hát đến ngả ba bờ sông đường Trưng Trắc. Trên con đường dài nầy từ dốc cầu quây cho đến ngả ba đường Châu Văn Tiếp rồi quanh trái giáp vòng lại với Chợ Hàng Bông. Cộng thêm hai con đường ngắn Võ Tánh dọc theo hai bên chiều dài của nhà lồng chợ, cùng một đoạn ngắn đường Lê Ðại Hành ở giữa, giao tiếp với ngả ba đường Nguyễn Huệ và ngả tư Lê Lợi. Ngoài ra, từ dốc cầu quây phía Chợ Cũ bên phải là con đường Phan Thanh Giản chạy dài cho tới Bến Ðò, một bên là dãy phố buôn bán, còn phía bờ sông đều là những vựa cá, vựa bán trái cây và nông sản phẩm cũng tấp nập không kém bởi ghe xuồng, đò máy chở đầy ắp hàng hóa dài dọc theo bờ sông từ các vùng phụ cận tới. Chợ Mỹ-Tho trước năm 1975 được xem là một chợ sầm uất nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vì địa thế nằm gần thủ đô Sài-Gòn hơn các tỉnh miền Hậu Giang, nên phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ cũng như đường thủy rất thuận lợi.
Chợ Mỹ-Tho sau một đêm vắng vẻ yên tịnh thì trở mình bừng sống dậy khoảng ba giờ sáng, với đủ mọi thứ tiếng động ồn ào khá lớn. Bắt đầu từ khu chợ cá khi những ghe cá ở trên sông chạy bình-bịch từ các địa phương nhỏ thuộc tỉnh lỵ Mỹ-Tho và Bến-Tre rầm rộ đổ tới, cộng với tiếng đò máy chạy đưa khách từ miền thôn quê lân cận của hai tỉnh nhiều sông rạch nầy lên chợ Mỹ-Tho để bổ hàng. Chiếc máy xay nước đá của depot Chú Cẩu không ngừng nổ máy nghe đinh tai điếc óc để cung cấp nước đá bào cho bạn hàng cá. Những cái máng thiếc to và tròn cạn đáy đựng cá của mấy bà bán cá ban đêm xếp chất chồng lên được thảy xuống đất nghe xốn cả tai.
Vài chiếc xe hàng nổ máy xình-xịt chạy chầm chậm vô chợ cá để lên hàng chở về Sài-Gòn. Tiếng nói chuyện to lớn cũng như lời mặc cả giá tiền của những bà bán cá phải nói là như … bể thùng thiếc giữa không gian vào buổi sáng thật sớm. Lâu lâu cũng không tránh khỏi những tiếng chửi lộn tục tĩu trong chốc lát rồi ngưng. Ðó là chuyện xãy ra rất bình thường, vì họ là dân “hàng tôm, hàng cá“ mà! Tiếp theo đó, trên khắp các nẻo đường hướng về chợ Mỹ-Tho, từ Cầu Quây phía bên Chợ Cũ, đường Nguyễn Trải, Ngô Quyền, Lê Ðại Hành, Lê Lợi, rừng người mà phần đông là các bà, các cô trong vườn gồng gành rau cải, hoa quả, trái cây đổ xô ra chợ bán, có người còn buộc cây đuốc đang cháy lửa trên đầu đòn gánh để soi đường đi. Song song đó, những chiếc xe xích lô, ba bánh chất đầy rau cải, trái cây từ hướng Bến Xe Mới vội vã chạy xuống chợ. Tất cả tạo nên một quang cảnh vô cùng sống động cho một buổi chợ sáng bắt đầu.
Bên ngoài còn nhá nhem tối, tiết trời thật mát dịu vào buổi sáng đầy sương mai. Dưới ánh đèn đường yếu ớt, đông đảo bạn hàng buôn bán xung quanh chợ nhôn nhao bày những chiếc sạp, dựng mái che hoặc trương những cây dù bằng vải ny-lon cho gian hàng của mình. Nhiều người còn đốt những cây đèn khí đá hoặc đèn dầu để thấy đường bày hàng ra. Trong nhà lồng chợ, nơi khu vực bán thịt rộng lớn, những phần nửa con heo xẻ ra từ lò heo được xe ba bánh vội vã chở đến. Tiếng hô to để thiên hạ tránh đường của những người khuân vác nặng nhọc, cồng kềnh không ngớt vang dậy bởi ngổn ngang người qua lại. Tiếng dao to búa lớn nghe lạnh cả người của các bạn hàng thịt không ngừng thi nhau phân chia xương thịt, trên những tấm thớt không lồ bằng gốc cây to. Khu bán tạp hóa gần đó cũng bắt đầu lăng xăng bày biện đủ thứ đồ hàng xén ra. Còn phía bên bán vải vóc có vẻ nhàn hạ, sạch sẽ cũng như sự sắp xếp, bày trí thì tương đối gọn gàng và ít bận rộn hơn, nên từ bảy giờ chủ sạp mới ra mở cửa hàng, vì khách của họ gần như không thấy vào giờ nầy, ngoài trừ một số ít người ở miền thôn quê đi đò máy lên thật sớm để mua sắm.
Gần chợ cá dọc theo bờ sông là một dãy tiệm nhà sàn đều bán chén, dĩa, lò than, cà-ràng, khạp, lu nước chất đầy thiếu điều không có đường đi trong nhà. Nơi đây mở cửa rất sớm, vì khách hàng của họ phần đông đều từ trong vườn ra đi chợ. Những xe hủ tiếu, quán cà-phê, tiệm nước Cao-Thăng và Kỳ-Hương gần chợ đã có khách ngồi ăn uống một cách ngon lành.
Ðoạn đường Trưng Trắc từ chợ cá đến ngả ba đường Châu Văn Tiếp gần cây cầu gỗ bắt qua bên kia sông là những sạp bán gà, vịt con kêu chíp-chíp không ngừng nghe rất vui tai. Tiếp đến là các gian hàng bán đồ thủ công nghệ được đan bằng tre, bằng mây như thúng, rổ, đệm, cần xé .v.v. Ðến hàng gia cầm heo, gà, vịt là thấy bắt đầu có mùi khó chịu rồi! Nhiều con gà, vịt bị buộc chân dính từng chùm với nhau nằm la liệt dưới đất, một số ít được nhốt trong các lồng tròn bằng tre. Thỉnh thoảng có những con gà trống đứng hiên ngang cất tiếng lớn gáy sáng. Kế đến là chỗ bán của những người lái heo còn tồi tệ hơn nữa về mặt vệ sinh. Những chú lợn sữa được chủ quan tâm cho ở trong mấy cái chuồng nhỏ khối chữ nhật có lưới kẽm. Phần lớn mấy anh Trư Bát-Giới bị trói chặt chân nằm lăn lóc vẫy vùng trên những lớp rơm mỏng dưới đất, một số khó chịu kêu la như đang bị cắt cổ không bằng, có con còn phóng uế tại chỗ bừa bãi, nhiều con thì đưa cái bụng phệ sang một bên nằm ngủ ngáy khò khò …
Khoảng đường Nguyễn Huệ gần đầu chợ đến ngả ba đường Võ Tánh là khu vực ưa thích và quen thuộc của các bà, các cô, vì nơi đây tập trung nhiều sạp hàng ẩm thực ăn uống rất thơm ngon như: cháo lòng, cháo cá, bánh xèo, bánh giá, bánh đậu, bún bì, thịt nướng, chạo tôm, gỏi, bì cuốn, chè đậu, chè thưng, bánh ít nhưn đậu, nhưn dừa, bánh tét nhưn đậu, mỡ, chuối, bánh quy, bánh khoai mì, bánh da lợn, xôi, bắp ôi thôi đủ các thứ ngon miệng. Con đường Võ Tánh bên số nhà chẵn, phía Cửa Nam nhà lồng chợ là những sạp bán nón lá, kim chỉ, đồ đệm, mây, chiếu nằm, mà ở góc ngả ba đường Nguyễn Huệ, sát tường bên hông của tiệm thuốc Bắc Thọ-Nam Ðường, có một kiosque đặc biệt của chú Bảy Ích chuyên bán các loại bánh Tây và trái cây nhập cảng từ Pháp, Hong-Kong như: nho, táo, lê, củ năng, vải khô, hồng khô, hột dưa .v.v. Còn con đường ngắn số lẻ bên phía Cửa Bắc chỉ bán rau cải mà thôi. Từ đầu chợ đường Nguyễn Huệ đến con đường ngang rạp hát Vĩnh Lợi, là những sạp bán kim chỉ, guốc, nón lá, áo quần may sẵn. Bên phải khoảng giữa dãy phố, có tiệm buôn độc nhất Vân-Phát Hãng chuyên bán khá đầy đủ tất cả các loại rượu mạnh, thực phẩm đồ hộp, pho mai, mức, bánh kẹo nhập cảng không khác nào như một shop ở nước ngoài. Con đường phía trái dẫn đến ngả ba bờ sông là khu bán trái cây, nhưng nơi nầy bán không nhiều và ngon bằng ở đoạn đường ngắn Lê Ðại Hành tiếp giáp hai đầu với đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Còn chợ Hàng Bông trái cây với khối lượng lớn thường bán sỉ cho những bạn hàng mua đi bán lại.
Những dãy phố tiệm buôn của người Hoa xung quanh chợ có thông lệ mở cửa lúc 6 giờ sáng, nhưng thật ra vào giờ nầy chẳng mấy tiệm có khách vào mua. Không riêng gì tại chợ Mỹ-Tho mà hầu hết ngành thương mại ở các tỉnh thành lớn nhỏ tại Việt-Nam đều do người Hoa nắm giữ, đó chẳng qua vì họ có biệt tài buôn bán, tháo vác, cần kiệm, chịu cực giỏi và có tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau.
Nói về chợ Mỹ-Tho năm xưa, mà không nhắc đến chợ đêm thì quả là một điều thiếu sót. Nhớ lại hồi nhỏ, các chị em tôi rất thích chợ đêm, vì quanh năm suốt tháng chỉ thấy chợ ngày, nên khi gặp chợ đêm thì lấy làm vui thích lắm! Hàng năm, chợ Mỹ-Tho chỉ có ba buổi chợ đêm vào ngày 27, 28 và 29 tháng chạp Âm Lịch. Trước Tết một tuần, những đoạn đường tráng nhựa thuộc phạm vi chợ, đầu tiên người ta thấy hai bên lề đường, cách khoảng xa xa có hai cái lỗ nhỏ sâu hơn nửa thước, được đào sẵn đối diện song song với nhau. Qua hôm sau, tất cả các lỗ đó đã được dựng lên những cây cột cao chừng sáu mét. Mấy ngày kế tiếp, những sợi dây chì được nối liền ở phần trên giữa hai cây cột, rồi có dây điện và sau cùng ở chính giữa có gắn một cái bóng đèn tròn. Ðó là diễn tiến của những giai đoạn để chuẩn bị đèn đuốc cho ba buổi chợ đêm vào cuối năm.
Thực sự thì với những cái bóng đèn nhỏ được treo vỏn vẹn cách khoảng như thế, độ chiếu xa không đủ sức để tỏa sáng khắp các khu vực chợ rộng lớn, mà phải nhờ có sự phối hợp với những cột đèn đường và ánh sáng từ trong nhiều tiệm buôn dọc theo hai bên phố tăng cường thêm.
So với chợ ngày, dĩ nhiên chợ đêm không náo nhiệt bằng. Những gian hàng bánh trái ăn uống buổi sáng, cùng nhiều sạp buôn bán lộ thiên khác trên đường Nguyễn Huệ, ở hướng đầu nhà lồng chợ được rút lui, nhường chỗ cho các gian hàng bán rượu, trà, bánh mức, kẹo, thèo lèo, chà là, quà cáp và pháo Tết .v.v. Nói đến các sạp bán pháo tiểu, pháo trung và pháo đại thì trẻ em con trai mê thích lắm! Hiệu pháo nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Từ Quang và Ðiện Quang, với những phong pháo 100 viên, được bọc trong hộp giấy cứng dẹp hình chữ nhật màu đỏ, có giấy kiếng trắng bao bên ngoài. Một cạnh của chiều dài phong pháo để hở, thấy rõ một bên hai hàng dài “đít” pháo song song đều nhau là 50 cái lõm tròn nhỏ, với thuốc pháo có chất lưu huỳnh trong đó. Hai hiệu pháo nầy rất nhạy, nổ dòn lớn tiếng lại tan xác thành từng mảnh nhỏ như pháo của Hong-Kong.
Ðặc biệt dọc theo giữa con đường ngang trước rạp hát Vĩnh Lợi, nhiều gian hàng căng dù che và trải những chiếc đệm thật lớn san sát bên nhau, bày bán hàng núi dưa hấu được phân loại lớn nhỏ, chất đống có thứ tự theo hình chóp nón trông thật đẹp mắt. Một vài trái dưa bị bể lòi ruột đỏ au nằm lăn lóc một góc trên mặt đất, bên cạnh một tấm thớt nhỏ với cây dao sắc bén dài bảng lớn. Thỉnh thoảng, người chủ hàng xẻ một trái dưa to thật ngon ra làm 10 đến 12 miếng đều đặn hình bán nguyệt, rồi sắp đứng trên một cái mâm nhôm theo hình tròn bên cạnh một dĩa muối và con dao nhỏ, để cho người nhà vác lên một bên vai đi bán dạo vòng khắp chợ. Dĩ nhiên, dưa bán lẻ từng miếng nhỏ có lời nhiều hơn là bán nguyên trái. Những người có tiền, hay khách hàng mua đi bán lại mua trên chục trái thì giá tiền lại càng rẻ hơn. Loại dưa thời bấy giờ chỉ có vỏ màu xanh lá cây đậm bóng láng và chỉ xuất hiện trong mùa Tết, chớ không có sọc xanh trắng như ngày nay có quanh năm. Cũng nơi khu vực nầy trên vỉa hè trước rạp hát Vĩnh Lợi, những sòng “bầu cua cá cọp” bất hợp pháp được đám con nít say mê bao quanh, trước lệnh chỉ cho phép chơi trong ba ngày đầu năm.
Mấy tên lưu manh cờ gian bạc lận thừa cơ hội cho đồng bọn làm cò mồi, để chiêu dụ ăn tiền những người nhẹ dạ dễ tin một cách vô lương tâm, bằng trò chơi xảo thuật tráo bài ba lá. Mà khổ nỗi nạn nhân thua bạc đáng thương, lại có những người đàn bà bán rau cải, trái cây. Ban đêm họ trải chiếu, giăng mùng đơn sơ ngủ bờ ngủ bụi dưới mái hiên những tiệm buôn dọc theo phố để qua đêm, chờ sáng sớm hôm sau mối lái từ trong vườn mang hàng ra mua rồi bán tiếp. Có bà vì quá mê trò đỏ đen, nên bị thua sạch số tiền làm vốn buôn bán mà mặt mày thất sắc, xanh lét không biết tính sao trông thật tội nghiệp. Mặc dù mấy ông cảnh sát chợ thỉnh thoảng có đi tuần bố ráp các sòng cờ bạc. Nhưng khi ông Cò đi rồi thì nhóm phần tử xấu nầy lại vân tập trở lại, với hai con mắt “phía sau” để lừa bịp thiên hạ.
Mỗi năm khi có chợ đêm, giới trẻ rất thích thú được dịp hẹn nhau đi dạo rong chơi, còn những người có gia đình thì tìm thấy được phần nào không khí mùa Xuân sắp đến, qua sự mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết. Chợ đêm được kéo dài đến chừng 11 giờ thì vắng vẻ người đi. Lác đác đâu đó, người ta nghe được những tiếng pháo nổ đì đùng, mà lẽ ra lệnh cho đốt pháo được cho phép; kể từ chiều 30 Tết cho đến trễ lắm là hết ngày mùng 10.
Nhắc tới chợ Tết là phải kể đến chợ hoa, mà chợ hoa ở thành phố lớn nhỏ nào cũng có. Mỹ-Tho thì nhóm ở ngoài vườn hoa Lạc-Hồng. Ðoạn đường dài khoảng hơn 100 mét từ góc đường Trưng Trắc cho đến Ty Bưu Ðiện, được ngăn lại cấm xe lưu thông kể từ ngày 20 tháng chạp. Nơi đây bày bán đầy cả một rừng hoa với đủ mọi chủng loại như: cúc, huệ, mồng gà đỏ, vàng, trắng, tím, nhất là mai vàng và vạn thọ được người mua chiếu cố nhiều nhất! Ngoài bông hoa còn có kiểng như tùng, đặc biệt để chỉ sự sung túc thì có kim quít sai đầy trái vàng tươi.
Chợ hoa tấp nập nhất là vào buổi xế chiều trời mát cho đến tối, với dòng người nhộn nhịp mà phần đông là phụ nữ. Hàng ngàn chậu hoa đẹp ngũ sắc thuộc nhiều chủng loại, được sắp đầy tua tủa dưới mặt lộ để cho người mua tha hồ chọn lựa ngã giá. Nhiều nhánh mai vàng lớn nhỏ được người bán giơ cao lên để chào hàng. Có những cành mai chưa ra giêng thì đã nở rộ nên được bán với giá rẻ. Còn giới người Hoa bán tiệm trong chợ thường chuộng những gốc mai thật to đắt tiền, có nhiều nhánh bung xòe ra như cánh quạt, để gắn lên đó nhiều thiệp chúc Tết màu đại hồng, của người cùng trong ngành thương mại gởi tặng.
Thường thì chợ hoa náo nhiệt và bán đắt nhất vào mấy ngày cận Tết. Một số người vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên đợi cho đến chiều 30 Tết mới đi mua hoa về chưng bày trong nhà, vì giờ nầy chợ hoa đã thu dẹp rất nhiều và thưa thớt thấy rõ, người bán thì bán tháo bán đổ để lo về nhà đón Giao-Thừa, người mua được dịp mua hoa rẻ mà vẫn ăn Tết vui vẻ trong ba ngày Xuân.
Những ai có đi Chợ Mỹ-Tho vào buổi sáng 30 Tết thì đã biết, trên bốn đoạn đường ngắn bao xung quanh nhà lồng chợ, rừng người chen lấn chật cứng như nêm chưa từng thấy chỉ có thể nhích đi từ bước, tình trạng móc túi cũng thừa cơ hội nảy sinh ra không ít, vì sau Tết mấy ngày, chợ mới buôn bán trở lại bình thường, nên thiên hạ cần mua thêm nhiều nhu yếu phẩm dự trữ. Chừng 2 giờ chiều, chợ bắt đầu thưa người, từ bạn hàng trong nhà lồng chợ đến những người buôn bán bên ngoài đều đóng cửa, dọn dẹp về nhà lo chuẩn bị đón Giao Thừa. Xe chữa lửa của Sở Phòng Hỏa Cứu Hỏa bắt đầu tiến vào chợ cá ở bờ sông để rửa chợ cuối năm ăn Tết. Tất cả tiệm buôn tại chợ Mỹ-Tho đều ngưng thương mãi, phấn khởi làm tổng vệ sinh xách nước lau bàn, rửa ghế, chùi tủ, quét dọn nền nhà cửa sắt, đánh bóng lư hương tỉ mỉ để đón mừng Năm Mới.
Mùng một Tết, chợ Mỹ-Tho hoàn toàn ngưng hoạt động. Nhan nhản ở những góc phố, nhiều chiếc xe hủ tiếu, nước đá bán đắt như tôm tươi mà phần đông khách của họ là trẻ em mặc áo quần mới, mặt mày hớn hở vui vẻ vì trong túi có được nhiều tiền lì xì mới toanh. Qua ngày mùng hai, chỉ có một số ít người bán rau cải dọc theo chợ cá. Ðến mùng ba, mùng bốn thì quang cảnh chợ đông đúc thêm, nhà lồng chợ bắt đầu mở cửa, nhưng các sạp bên trong bán vẫn còn rất ít. Ðến ngày mùng năm, mùng sáu, đa số tiệm buôn bán tại chợ đã khai trương hơn một nửa và đến ngày mùng mười thì chợ nhóm trở lại bình thường.
Thời gian thấm thoát qua mau … Mới đây mà đã gần 40 năm dài xa Việt-Nam. Nhiều lần về thăm quê nhà, trở lại thành phố Mỹ-Tho thân yêu, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Những lúc rỗi rảnh, tôi thường yêu cầu thân nhân chở đi vòng quanh khắp mọi nẻo đường lớn nhỏ để tìm lại dấu chân của mình năm xưa. Ði đến đâu, tôi cũng đều có cảm tưởng như đang phảng phất ít nhiều kỷ niệm của một thời thanh xuân đầy hoa mộng, không khỏi khiến tâm tư bồi hồi xao xuyến.
Khi xe chạy ngang đại lộ Hùng Vương góc đường Ngô-Quyền, ngôi Trường “tà áo dài“ rất dễ thương Lê Ngọc-Hân bên nầy, đối diện gần đó là trường Nguyễn Ðình-Chiểu, mà ngày xưa tôi đã một thời theo học và ái mộ nhất! Quẹo trái sang đường Lê Ðại-Hành thì nhà cửa, tiệm buôn đã hoàn toàn khác hơn xưa. Ðến cuối đường rẽ sang phải là ngôi chợ hai tầng mới được xây cất sau nầy, mà bên trong rất ít người mua. Từ chợ cá đến những con đường xung quanh nhà lồng, chợ nhóm rất thưa thớt khác hẳn thời trước, người bán nhiều mà người mua thì lại quá ít. Tình thiệt mà nói, trầm ngâm đứng nhìn ngôi chợ “thiếu thiện cảm“ nầy, tâm trí tôi không khỏi liên tưởng đến hình ảnh ngôi chợ cũ thân thương đầy kỷ niệm với gia đình ba mẹ tôi đã một thời vang bóng: chợ Mỹ-Tho.
Tiểu-Minh
Bài viết đã được đăng trong Ðặc-San năm 2006, của Hội Ái-Hữu Nguyễn Ðình-Chiểu & Lê Ngọc-Hân Mỹ-Tho ở CA-USA, Nội San số Xuân 2007 của Hội Âu-Châu và trong website văn học nghệ thuật Nam-Kỳ Lục-Tỉnh tại CA-USA.