CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 23)
Hồi ký
NGUYỄN HỮU THIỆN
PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA
NGUYỄN HỮU THIỆN
PHẦN II: VỀ MIỀN ĐẤT HỨA
(tiếp theo kỳ 22)
CHƯƠNG 3 – Cửa ngõ Tự Do và Tình Người
Sau khi tả nơi chốn, xin viết về cuộc sống của người tỵ nạn ở trại Galang – cuộc sống mà với riêng tôi, rất đáng nhớ; thời gian tuy quá ngắn so với một đời người nhưng là những tháng ngày đầy kỷ niệm.
Từ bến tàu Galang, trước khi vào trại có cái cổng gỗ với hàng chữ:
Welcome Vietnamese Refugee To Galang Island
THE GATE OF FREEDOOM AND HUMANITY
Với một cựu sĩ quan bị đi học tập cải tạo gần 6 năm, được thả về sống dưới sự kiểm soát, kìm kẹp của chế độ cộng sản, chữ Tự Do (Freedom) trên cổng mang một ý nghĩa trọn vẹn và cao quý.
Cũng thế, phải là người bị chế độ mới gạt sang bên lề, phải liều chết rời bỏ quê hương với hai bàn tay trắng thì mới thấy được, mới cảm kích trước Tình Người (Humanity) mà thế giới nói chung dành cho những con người khốn khổ.
Thành thử trong khi không ít người – những người mà tôi cho là thành phần “tỵ nạn kinh tế” – cảm thấy tù túng, bực bội khi phải sống trong trại tỵ nạn, không hài lòng trước tiện nghi thiếu thốn, lương thực cấp phát không hạp khẩu vị, thì tôi lại cảm thấy thoải mái, yêu đời, vui vẻ chấp nhận chờ đợi ngày được đi định cư ở một đệ tam quốc gia.
Ngay từ khi mới tới Galang, nếu quên đi hình ảnh mấy anh cảnh sát Nam Dương lâu lâu phóng xe gắn máy phân khối lớn điếc tai trên con đường chính của trại, tôi có cảm tưởng mình đang sống ở một thị trấn nho nhỏ trên vùng cao nguyên đất đỏ của Việt Nam trước kia.
Bởi vì nhìn quanh chỉ thấy người Việt, đi đâu cũng nghe toàn tiếng Việt, cũng có chợ búa, nhà thờ (Công giáo và Tin lành), chùa chiền, các quán giải khát, quán bán thức ăn, sạp bán thuốc lá, bánh trái, quà vặt, tiệm hớt tóc..., không thiếu một thứ gì!
Quán Thiên Hương, rất đông khách vì nằm ở “ngã ba quốc tế”: trước mặt là con đường chính của Galang, đi lên bệnh viện, chợ, các cơ quan thiện nguyện quốc tế. Quẹo mặt là đường vào đồn cảnh sát Nam Dương và Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại. Đối diện quán Thiên Hương (tức vị trí người chụp hình) là trung tâm sinh hoạt của trại (ảnh Gaylord Barr)
Trừ những buổi phải lên văn phòng Cao ủy để được phỏng vấn, chụp hình làm thẻ căn cước tỵ nạn (ID), nộp đơn xin đi định cư..., người tỵ nạn chỉ biết ăn rồi chơi; trẻ em muốn học chữ, người lớn muốn học nghề hay Anh văn, đều có sẵn các lớp học.
Zone II với dãy sạp bán thuốc lá, bánh trái, các loại quà vặt, thức ăn vặt. Hậu cảnh là Zone III
với trung tâm sinh hoạt. Cận ảnh, hai em nhỏ đi học về (ảnh Gaylord Barr)
với trung tâm sinh hoạt. Cận ảnh, hai em nhỏ đi học về (ảnh Gaylord Barr)
Thể thao thì có đá banh, bóng chuyền, bóng bàn; giải trí thì tối tối có tivi mầu mở xem đài Singapore, lâu lâu lại có văn nghệ trong hội trường hoặc ngoài trời; muốn tắm biển thì đợi tới Chủ Nhật ra bãi biển dành riêng cho dân tỵ nạn, ở phía sau Zone IV, cách trại chưa đầy 1 km.
Bãi biển Galang (ảnh Gaylord Barr)
Lương thực do Cao ủy Tỵ nạn cung cấp (vào thời điểm 1980-1982) cũng được xem là chất lượng nhất trong số những trại tỵ nạn ở Đông Nam Á: gạo, thực phẩm đóng hộp (pa-tê, cá, hot dog...), mì gói, đậu xanh, trà khô; chỉ có một món bị nhiều người chê là rong biển đóng hộp của Nam Dương (rất có thể vì ngày ấy chưa có mấy người Việt biết thưởng thức món sushi của Nhật).
Ngoài ra, những ai có tiền có thể ra chợ Galang mua thịt thà tôm cá, rau trái tươi.
Có thể xem “chợ Galang” như một shopping center nho nhỏ không thiếu một thứ gì. Ngoài thịt cá, rau cỏ, bánh trái, tạp hóa, còn có sạp bán quần áo, giày dép, vải vóc, vàng bạc trang sức, bia rượu (bán lén, dĩ nhiên).
Một phía của chợ Galang (ảnh Gaylord Barr)
Một sạp bách hóa ở chợ; có cả bộ English 900 (ảnh Gaylord Barr)
Đa số người buôn bán ở chợ Galang là dân tỵ nạn Việt Nam, chỉ trừ một, hai tiệm quần áo giày dép là dân Nam Dương. Người Nam Dương đa số theo Hồi giáo (Nam Dương là quốc gia có tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới), không ăn thịt heo, cấm uống rượu nhưng, ít nhất cũng là ở Galang, họ không chỉ cho bán thịt heo tự do mà còn bỏ mối cho người bán, còn rượu thì cho bán lén (với sự đỡ đầu của cảnh sát Nam Dương).
Về nguồn nước thì mỗi zone có các giếng nước để tắm giặt, còn nước để uống và sử dụng trong việc nấu nướng thì do nhà thầu Nam Dương cung cấp (và nước mưa).
Một trong những điều khoản ký kết giữa Cao ủy Tỵ nạn và phía Nam Dương là nguồn nước uống phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh... tây phương, nghĩa là không cần phải nấu sôi uống vẫn an toàn. Sở dĩ Cao ủy Tỵ nạn đòi hỏi điều kiện khắt khe này là vì trong một tập thể cả chục ngàn người, cơ sở y tế và thuốc men giới hạn, nếu để xảy ra dịch tả (cholera) thì hậu quả không biết đâu mà lường!
Nước sạch đựng trong các bồn (xi-tẹc) được nhà thầu Nam Dương kéo tới từng khu, được các barrack trưởng phân phối theo đầu người, vì thế gia đình nào đông con có thể tiết kiệm, dành dụm cho các bà các cô tắm ở barrack, khỏi phải ra giếng.
Bên cạnh đó, vì nước do nhà thầu cung cấp bao giờ cũng dư cho nên các barrack trưởng có quyền du di, cấp thêm cho những người già yếu, những nhân viên thiện nguyện, hoặc một cô gái nào đó trong barrack mà anh chàng có ý định “ghép form” (kết duyên để cùng đi định cư)... Có thể nói đây là “đặc quyền đặc lợi” duy nhất của một vị barrack trưởng...
Tóm lại, so với những gì được cấp phát và tiện nghi sinh hoạt ở “hoang đảo” Kuku, Galang phải được xem là một... khu nghỉ mát 5 sao!
* * *
Tới đây viết về việc xin định cư ở đệ tam quốc gia của gia đình tôi.
Ngay sau khi được Phòng Định cư của Cao ủy Tỵ nạn LHQ phỏng vấn và cấp số hồ sơ (căn cước tỵ nạn), tôi làm đơn xin đi định cư tại Mỹ, nơi tôi có một người cậu ruột, một người dì ruột, và trên một chục anh chị em họ (first cousins) sống từ năm 1975.
Cậu ruột của tôi nguyên là một Trung tá ngành Chiến Tranh Chính Trị, còn người dượng cũng là một Trung tá phục vụ tại Nha Tổng Thanh Tra QLVNCH, chủ nhân “khu ao cá” ở Ấp Tây III, Phú Nhuận, mà tôi đã nhắc tới trước đây.
Nhưng cho dù không có cậu ruột, dì ruột ở Mỹ, tôi cũng thuộc thành phần được ưu tiên đi Mỹ: cựu sĩ quan QLVNCH sau năm 1975 từng bị bắt đi học tập cải tạo.
Vào thời điểm tôi ở Galang (1981, 1982) vì số người nộp đơn xin đi định cư tại Mỹ quá đông, phái đoàn Mỹ luôn luôn có một số nhân viên thường trực tại đây để phỏng vấn nhận người, trong khi hai phái đoàn Úc và Canada mỗi năm chỉ đến Galang một, hai lần, mỗi lần ở lại dăm ba ngày.
Vì phần lớn đồng bào trong trại không biết tiếng Anh nên việc điền đơn xin đi Mỹ, Úc, Canada thường do những người có khả năng Anh ngữ tình nguyện điền giúp, trong số đó có tôi.
Trong thời gian làm công việc này, tôi quen biết anh Q, thông dịch viên chính của phái đoàn Mỹ, và được anh cho biết chưa bao giờ người Mỹ họ khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, tôi vẫn tin sớm muộn mình cũng sẽ được phái đoàn Mỹ nhận vì dư điều kiện!
Nhưng những gì xảy ra sau đó đã khiến tôi thất vọng!
Khoảng ba, bốn tuần lễ sau khi nộp đơn tại Phòng Định cư Cao ủy, gia đình tôi được phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Tôi không nhớ tên người phỏng vấn nhưng chắc chắn không phải ông Bill, người mà tôi nghe nói có vợ Việt gốc Huế và biết nói tiếng Việt giọng Huế!
Sau một số câu hỏi về thân thế, hoạt động trước và sau 1975, có lẽ để đối chiếu với xấp hồ sơ trước mặt, nhân viên phỏng vấn lịch sự cám ơn chúng tôi đã chọn Mỹ làm miền đất hứa, NHƯNG vì gia đình của chị vợ tôi đã nộp đơn xin định cư tại Úc để đoàn tụ với năm người con, chúng tôi cũng phải nộp xin định cư tại Úc vì vợ tôi và chị vợ tôi là thân nhân trực hệ, trong khi giữa tôi và người cậu người dì ở Mỹ chỉ là họ hàng!
Sợ tôi hiểu lầm phái đoàn Mỹ làm khó dễ chúng tôi, ông ta nhấn mạnh đây là quy định hiện hành của Phòng Định cư Cao ủy Tỵ nạn, áp dụng cho tất cả mọi trường hợp chứ không chỉ với những người xin đi định cư tại Mỹ!
Sau khi nghe tôi trình bày nguyện vọng và nguyên nhân xin định cư tại Mỹ, trong đó có việc tôi đã sống gần dì dượng suốt buổi thiếu thời thì sự gần gũi, thân thiết phải hơn nhiều so với giữa vợ tôi và người chị, cả năm chỉ gặp nhau đôi ba lần, ông nói ông hiểu và cảm thông với những gì tôi trình bày nhưng không thể tạo ra một tiền lệ mà chỉ dành cho tôi một... biệt lệ!
Đó là đơn xin đi Mỹ của tôi không bị từ chối (rejected) mà luôn luôn mở (open) để nếu vì một nguyên nhân nào đó gia đình tôi không được phái đoàn Úc nhận, thì đơn xin đi Mỹ của tôi sẽ được chấp thuận ngay, không phải trải qua giai đoạn “được quan tâm cứu xét” (under consideration).
Vì thế, tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là làm đơn xin định cư tại Úc.
* * *
Lúc này là đầu tháng 12/1981, thời gian mà người tây phương chuẩn bị bước vào mùa holiday chính trong năm (lễ Giáng Sinh và tết dương lịch). Như vậy, phải đợi bước sang năm 1982 thì mới hy vọng phái đoàn Úc sang Galang để phỏng vấn những người nộp đơn xin đi Úc.
Nhưng bỗng tới giữa tháng 12, một phái đoàn hùng hậu của Úc tới Galang. Nói là hùng hậu bởi vì, theo những nhân viên thiện nguyện người Việt trên Phòng Định cư Cao ủy, số nhân viên tháp tùng bà trưởng phái đoàn đông gấp hai gấp ba lần mọi khi.
Cũng xin có đôi dòng đan thanh về bà trưởng phái đoàn Úc mà tôi nhớ mang máng tên là Helen. Đó là một phụ nữ da trắng trung niên, nhan sắc dưới trung bình, tóc ngắn uốn quăn tít, nét mặt khó chịu, ăn nói cộc lốc, miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc Winfield đỏ.
[Winfield là nhãn hiệu thuốc lá “quốc hồn quốc túy” của Úc, do chi nhánh Australia của hãng British American Tobacco sản xuất từ năm 1972, rất được dân Úc ưa chuộng, và được xuất cảng tới nhiều quốc gia ở Á châu, Âu châu, và cả Canada, Nam Phi.
Đặc điểm của Winfield là có hương vị tương tự Winston, Marlboro của Mỹ nhưng đậm đà hơn, nhưng sau khi hút xong lại để lại “mùi hôi thuốc lá” nồng nặc nơi người hút mà không một nhãn hiệu nào của tây phương có thể sánh bằng. Winfield có ba màu bao: màu đỏ nặng nhất, rồi tới xanh blue và gold]
Nam diễn viên Úc Paul Hogan (loạt phim Crocodile Dundee) quảng cáo thuốc lá Winfield đỏ (ảnh Internet)
Cùng với ngoại hình dưới trung bình và thói quen phì phèo Winfield đỏ, bà Helen còn bị nhiều người làm đơn xin đi định cư ở Úc có ác cảm vì bà nổi tiếng “đá” đẹp! Con trai dưới 18 tuổi không có cha, mẹ đi theo bị đá đã đành mà trường hợp cậu ta đi chung với anh, chị hay một người thân nào đó, người này cũng bị đá luôn, vì bà sợ con trai vị thành niên không có cha mẹ dạy dỗ sẽ trở thành những “trouble maker” trong xã hội Úc!
Nhưng những gì xảy ra vào trung tuần tháng 12/1981 cho thấy bà trưởng phái đoàn Úc đã thay đổi 180 độ. Mặc dù lúc nào cũng vẫn phì phèo điếu thuốc, bà Helen đã trở nên vui vẻ với mọi người, và quan trọng hơn cả là phỏng vấn rất nhanh và hầu như không “đá” một người nào cả!
Với nhịp độ phỏng vấn nhanh chưa từng thấy, gần tới lễ Giáng Sinh, phái đoàn Úc đã giải quyết gần hết các lá đơn xin đi định cư ở Úc. Như vậy, việc phái đoàn Úc kỳ này tới Galang đông gấp mấy lần mọi khi có lẽ là để giải quyết cho xong mọi việc trước khi trở về Úc mừng lễ Giáng Sinh và đón năm mới dương lịch.
Nhưng ngay sau đó, tôi, và không ít người làm việc thiện nguyện trên Phòng Định cư Cao ủy, biết mình đã đoán sai, vì phái đoàn Úc không về nước mà ở lại Galang với mục đích “tranh thủ” thời gian để phỏng vấn nhận thêm càng nhiều người đi định cư tại Úc càng tốt!
Tại sao bỗng dưng chính phủ Úc lại quá tốt với người Việt tỵ nạn cộng sản như thế?
Sau này có dịp tìm hiểu, tôi được biết không phải “bỗng dưng” mà trên thực tế ngay từ năm 1980 chính phủ Úc đã gia tăng tối đa con số tỵ nạn Đông Dương dự trù được nhận định cư tại Úc, nhưng vì “con rùa hành chánh” cũng như tiêu chuẩn nhận người cứng nhắc, cho tới gần cuối năm 1981, phái đoàn Úc mới nhận được hơn phân nửa con số mà chính phủ Malcolm Fraser đã đưa ra cho tài khóa 1980/1981.
Không ít người, Úc cũng như Việt, cho rằng Thủ tướng Malcolm Fraser của đảng Tự Do muốn chuộc lỗi trước việc vào tháng 4/1975, chính phủ Lao Động (thân cộng) của Thủ tướng Gough Whitlam đã tàn nhẫn bỏ rơi các nhân viên người Việt làm việc cho Úc, và sau đó cấm cửa người tỵ nạn Việt Nam. (1)
Thủ tướng Úc Malcolm Fraser (ảnh Internet)
Tôi không biết dư luận trên có đúng hay không, chỉ biết một điều chắc chắn sau hội nghị quốc tế về người tỵ nạn Đông Dương vào tháng 7 năm 1979 tại Geneva, đáp lại lời kêu gọi của Cao ủy Tỵ nạn LHQ, nước Úc đã lập tức gia tăng gấp đôi số người tị nạn được nhận mỗi năm.
Một cách cụ thể, con số ấy trong tài khóa 1980/1981 vào khoảng 24.000 người.
Cũng nên biết, mặc dù trên các văn bản chính thức, “Chính sách nước Úc da trắng” (White Australia Policy) đã bị bãi bỏ vào năm 1973, trên thực tế nó vẫn tiếp tục chi phối chính sách di dân của nước Úc. May mắn cho người tỵ nạn Đông Dương mà đại đa số là người Việt, Thủ tướng Malcolm Fraser của đảng Tự Do, người cầm quyền từ cuối năm 1975 tới đầu năm 1983, là một chính khách có tấm lòng vàng và không có óc kỳ thị.
Kể cả sau khi đã từ giã chính trường, ông vẫn tiếp tục ủng hộ, vận động dân chúng Úc mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn Đông Dương.
* * *
Trở lại với việc phái đoàn Úc không về nước nghỉ lễ Giáng Sinh mà ở lại trại tỵ nạn Galang để phỏng vấn người tỵ nạn xin định cư tại Úc.
Vài ngày trước lễ Giáng Sinh, khi giải quyết gần xong các lá đơn được nộp cho Phòng Định cư của Cao ủy trước đây, phái đoàn Úc đã ra một Thông báo được Phòng Thông tin đọc đi đọc lại trên loa phóng thanh, nội dung như sau (có thể tôi không nhớ chính xác từng chữ):
Thông báo của phái đoàn Úc
Phái đoàn Úc xin thông báo tới toàn thể đồng bào trong trại:
- Đồng bào nào đã nộp đơn xin định tại Úc mà chưa được gọi phỏng vấn, xin lên ngay Phòng Định cư để được phỏng vấn.
- Đồng bào nào muốn định tại Úc nhưng chưa kịp nộp đơn, xin lên Phòng Định cư nộp đơn để được phỏng vấn.
- Đồng bào nào đã nộp đơn xin định tại một quốc gia khác nhưng chưa được phỏng vấn, nay nếu muốn định cư tại Úc, xin lên Phòng Định cư nộp đơn để được phỏng vấn.
- Đồng bào nào trước đây đã nộp đơn xin định tại Úc, đã được phỏng vấn và bị từ chối, nay nếu vẫn muốn định cư tại Úc, xin lên Phòng Định cư gặp phái đoàn để được tái phỏng vấn.
Theo các nhân viên nguyện trên Phòng Định cư, xưa nay chưa từng có một thông báo nào có nội dung mời gọi một cách “thiết tha” đến mức ấy.
Kết quả, ngày nào cũng có hàng trăm người muốn đi Úc tụ tập phía trước Phòng Định cư. Trong số đó có không ít người trước đây không hề có ý định đi định cư tại Úc, nay đã đổi ý và nộp đơn.
Thành phần này xin định cư tại Úc chỉ vì mong sớm được rời trại tỵ nạn chứ không mấy người biết trước cuộc sống ở Úc nó như thế nào, tương lai của họ sẽ ra sao?!
Trong số này có một gia đình mà tôi quen biết sau khi tới Galang, gồm ba ông anh trai và hai cô em gái đã trưởng thành thuộc thành phần có học, trong đó có L, một sĩ quan Không Quân cùng trạc tuổi với tôi nhưng còn độc thân mà sau này chúng tôi có dịp gặp lại nhau tại Úc.
Cả năm anh em được phái đoàn Úc nhận ngay và sau đó đã tạo kỷ lục (ít ra cũng là ở Galang) chỉ ở trại tỵ nạn 29 ngày đã được đưa sang Singapore chờ chuyến bay đi Úc!
Không chỉ tạo kỷ lục mà còn phá bỏ nguyên tắc: họ chưa được PMI (Hội Hồng Thập Tự Nam Dương) khám sức khỏe mà đã đi định cư! Sau này, L cho tôi biết trong thời gian chờ chuyến bay ở Singapore, năm anh em cùng một số người khác đã được tòa Đại sứ Úc sắp xếp khám sức khỏe tại đảo quốc này.
Những người còn lại trong số được phái đoàn Úc nhận vào những ngày cuối năm 1981 cũng chỉ phải chờ ở Galang hơn một tháng, tối đa ba tháng, rồi được đưa sang Singapore chờ chuyến bay đi Úc.
* * *
Sau này tôi được biết mặc dù phái đoàn Úc đã ở lại Galang suốt mùa holiday (Giáng Sinh 1981 & tết dương lịch) để phỏng vấn, tổng số người tỵ nạn ở các trại ở Đông Nam Á được nhận định cư tại Úc cũng chỉ lên tới 21.000, chưa đủ 24.000 như đã được chấp thuận cho tài khóa 1980/1981.
Rút kinh nghiệm, bước qua năm 1982, bà Helen và các nhân viên trong phái đoàn Úc sau khi về nước làm việc với Bộ Di Trú và nghỉ xả hơi một tuần lễ, đã vội vã quay trở lại Galang.
Lần này, không cần phải ra một thông báo “mời gọi thiết tha” cũng đã có mấy trăm người nộp đơn sẵn, chờ phái đoàn sang Galang phỏng vấn nhận người.
Đáng nói hơn nữa, trong số người mới nộp đơn, thành phần có trình độ chiếm một tỷ lệ khá cao. Đó là những người có học vị, chuyên gia (bác sĩ, kỹ sư...), sĩ quan quân đội, công chức cao cấp, trung cấp...
Theo sự hiểu biết của tôi, trong những năm trước đó đa số người tỵ nạn xin định cư tại Úc theo diện nhân đạo thường là gia đình đông con, hoặc quê mùa, ít học... chỉ cần đi định cư, quốc gia nào cũng được, còn đại đa số chuyên gia, công chức, sĩ quan... ai cũng muốn đi Mỹ!
Lấy anh em cựu quân nhân Không Quân chúng tôi làm thí dụ điển hình, cho tới lúc tôi tới Galang (tháng 11/1981), số sĩ quan, kể cả một số sinh viên sĩ quan Không Quân ở Galang đã đi định cư tại Úc theo diện nhân đạo chỉ đủ đếm trên 10 đầu ngón tay! Nhưng qua đầu năm 1982, chỉ trong vòng 2, 3 tháng đã có mấy chục người nộp đơn xin đi Úc, trong đó có những vị thiếu tá, trung tá từng du học bên Mỹ.
Còn nếu tính cả các quân binh chủng khác, trong số hàng ngàn người xin định cư tại Úc có cả cấp Đại tá.
Về phía dân sự, có nhiều người là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư...
Dĩ nhiên, tất cả đều được phái đoàn Úc hoan hỉ nhận cho đi định cư
tại “lucky country” - mà cho tới lúc đó chúng tôi cứ đinh ninh là một vùng đất hoang vu bất tận, giang sơn của loài đại thử (kangaroo)!
Từ tháng 3 tới tháng 5/1982, trong số bạn bè, người quen biết của tôi những ai đã nộp đơn xin định cư tại Úc vào đầu năm 1982, đều lần lượt rời Galang sang Singapore đợi chuyến bay đi Úc.
Trong khi đó gia đình tôi và gia đình bà chị vợ vì xin đi Úc theo diện đoàn tụ phải chờ các con của bà ở Úc làm đơn bảo lãnh!
Bình thường, đơn bảo lãnh thân nhân ở Galang đi định cư tại Úc nộp cho Bộ Di Trú chỉ mất vài tuần lễ là hoàn tất, nhưng riêng trường hợp của chúng tôi vì đứa con trai lớn ở Úc bà mẹ ở đảo khai khác nhau một chi tiết nhỏ nên đơn bị bác!
Nguyên khi mới tới Galang khai lý lịch để làm hồ sơ Cao ủy, bà chị vợ khai có một người con gái nuôi (thực ra chỉ là cháu họ) với mục đích sau này có thể bảo lãnh sang Úc, trong khi đứa con trai ở Úc chỉ khai anh chị em ruột!
Những ai từng ở các trại tỵ nạn hẳn phải biết Cao ủy và các phái đoàn nhận người rất ghét việc khai gian dối, tiền hậu bất nhất, vì thế theo lời khuyên của nhân viên người Việt trên Phòng Định cư Cao ủy, bà chị vợ nói con trai ở Úc làm lại đơn bảo lãnh với chi tiết giống những gì bà đã khai ở đảo, để bà khỏi phải điều chỉnh hồ sơ Cao ủy.
Và trong thời gian chờ con trai làm lại đơn bảo lãnh, đơn xin đi Úc của gia đình bà chị vợ tạm thời bị gác sang một bên, tức là “under consideration” (đang được quan tâm). Vợ tôi “ăn theo” bà chị, gia đình tôi cũng bị gác đơn, nằm chờ.
* * *
Chính vì phải nằm chờ, tôi mới nhận lời giữ chức Zone trưởng Zone III, một chức vụ mà lúc đó bị xem là đa đoan, nhức đầu nhất trong số những công việc thiện nguyện ở trại tỵ nạn Galang.Như một thông lệ, mỗi khi có một đợt tỵ nạn mới tới trại, các barrack trưởng khi thiết lập danh sách để nộp lên văn phòng zone, thường ghi cả cấp bậc của các cựu quân nhân, cảnh sát quốc gia, chức vụ của các công chức thời VNCH để trong tương lai có thể mời ra đảm trách các chức vụ tại văn phòng zone hoặc giới thiệu với Ban đại diện trại.
Khi được biết tôi mang cấp bậc trung úy, Tài, Zone trưởng Zone III, một thiếu úy Địa phương quân trẻ măng, đã xuống tận Barrack 73 mời tôi giữ chức zone phó khi ấy đang bỏ trống.
Trước đó mấy ngày, Thảo, barrack trưởng Barrack 73, đã nói chuyện với tôi về việc này và khuyên tôi nên nhận lời, bởi vì theo lời Thảo, Tài còn quá trẻ, tính ba phải, hay nể nang cho nên không đủ uy tín và khả năng điều hành công việc tại Zone III, vốn được xem là zone quan trọng nhất.
Như tôi đã viết trước đây, Zone III nằm ở vị trí trung tâm, có các barrack ở cả hai bên mặt đường, “lãnh thổ” lại bao gồm cả trung tâm sinh hoạt của trại, gồm Hội trường, Youth Center, thư viện, phòng nghe băng tiếng Anh (Listening Center), các phòng học, tòa soạn bán nguyệt san Tự Do, sân khấu lộ thiên, chỗ đặt TV màu, sân bóng chuyền, sân đá banh..., lại gần Đồn cảnh sát Nam Dương và Văn phòng Chỉ huy trưởng Trại (Camp Commander Office) cho nên dù muốn hay không cũng dễ lọt vào mắt các xếp lớn của cả Cao ủy, Nhà cầm quyền Nam Dương lẫn Ban đại diện trại!
Tôi rất quý mến Thảo vì anh rất đàng hoàng, đạo đức, hăng hái tham gia đoàn Thanh niên Công giáo Galang; thấy anh tuy còn trẻ mà biết nghĩ tới việc chung như thế, tôi thấy mình cũng phải thể hiện chút thiện chí của một cựu sĩ quan QLVNCH, nên nhận lời giữ chức Zone phó Zone III.
Tuy nhiên, tất cả những gì tôi muốn đóng góp cũng chỉ là giúp Tài có thêm chút “uy”, cũng như đóng góp ý kiến xây dựng trong các buổi họp hàng tuần với các barrack trưởng, đa số là thanh niên trai trẻ.
Nhưng tới đầu tháng 2/1982, khi chàng thiếu úy zone trưởng có tên trong sách vào Galang 2, thì cũng là lúc tôi bị phái đoàn Úc gác hồ sơ, chờ cháu vợ bên Úc làm lại đơn bảo lãnh từ đầu.
Vì thế trong buổi họp bầu tân zone trưởng, sau khi được toàn thể barrack trưởng tín nhiệm qua cuộc bỏ phiếu kín, tôi đã nhận lời làm zone trưởng, và quyết định nhập cuộc!
Tôi sử dụng chữ “nhập cuộc” nghe có vẻ đao to búa lớn tuy nhiên trên thực tế khá chính xác. Bởi vì vào thời gian này, Zone III bị xem là zone có nhiều “vấn đề” nhất, chẳng hạn tình trạng “vô chính phủ” và mất vệ sinh ở các barrack, hoặc tệ nạn phá hoại các cơ sở nằm trong trung tâm sinh hoạt của trại mà trên nguyên tắc thuộc lãnh thổ Zone III.
Bản tính tôi vốn ham vui nhưng lười biếng, không thích nhận lãnh trách nhiệm, nhưng sau khi tới Galang, thấy đa số công việc “ăn cơm nhà vác ngà voi” đều do các cựu quân nhân, cựu công chức VNCH tình nguyện đảm trách, nay được (bị) bầu làm zone trưởng, tôi cũng muốn noi gương: trót mang danh một cựu sĩ quan QLVNCH, một khi đã làm thì phải làm tới nơi tới chốn. Đơn giản thế thôi!
* * *
Nói về người vượt biên một cách chung chung, có một thực tế ai cũng phải nhìn nhận nhưng không mấy người dám nói ra, đó là trong số người vượt biên có đủ mọi thành phần, thượng vàng hạ cám. Ở đây tôi không phân biệt giai cấp, trình độ học thức mà chỉ muốn nói tới ý thức của mỗi cá nhân.
Năm, sáu chục người sống chung trong một barrack với hai hàng sạp gỗ chạy dài liên tục, nằm sát nhau, sử dụng chung một khu nấu nướng, ăn uống, nhà cầu..., chỉ cần một vài người thiếu ý thức là có rắc rối, có vấn đề.
Lấy thí dụ (1) việc tuân theo quy định của nhà cầm quyền Nam Dương 11 giờ đêm ai nấy phải trở về barrack của mình, đóng cửa barrack, tắt điện để ngủ, và (2) yêu cầu của Ban đại diện trại mỗi sáng Thứ Bảy mọi người phải quét nhà, dọn dẹp chỗ ăn chỗ ngủ, làm vệ sinh chung quanh barrack của mình.
Nếu sau 11 giờ đêm vẫn còn một số thanh niên tụ tập bên ngoài barrack, cười nói um xùm, hoặc sáng Thứ Bảy bỏ đi chơi trưa, chiều mới về, barrack trưởng cũng chỉ có thể lưu ý, nhắc nhở, và nếu họ bỏ ngoài tai thì coi như... huề tiền, có báo cáo lên văn phòng zone cũng chẳng có biện pháp chế tài nào!
Chưa kể có khi còn gặp những thành phần ngang ngược, ra mặt chống đối, chẳng hạn ở một barrack trong Zone III của tôi có một anh chồng trẻ tên L, ỷ vợ mình quen biết cảnh sát Nam Dương (tôi không muốn đề cập tới sự “quen biết” ấy), chẳng những đã không bao giờ quét dọn chỗ ăn chỗ ngủ, không hề tham gia công tác vệ sinh chung quanh barrack mà mỗi khi bị barrack trưởng nhắc nhở còn nằm trên võng chửi thề, đại khái:
- ĐM, ngày còn ở Việt Nam bị công an ăn hiếp đành phải chịu, chứ tới trại tỵ nạn rồi đ... ngán thằng nào cả!
Hoặc một ông thợ bạc nọ ở cùng barrack với chàng thiếu úy cựu zone trưởng Zone III. Người này có sạp mua bán vàng bạc trang sức ở chợ Galang, khách hàng đa số là cảnh sát Nam Dương nên ông ta chẳng ngán ai cả.
Ông ta quan hệ với một phụ nữ không cùng barrack, ăn ở như vợ chồng. Để vô hiệu hóa lệnh cấm người lạ ở trong barrack sau 11 giờ đêm, ông ta mướn người dựng một cái ca-bin mái tôn vách gỗ ngay bên ngoài cửa sổ barrack để làm tổ ấm, có giường ngủ, bàn ăn, bếp núc, và cả lối ra vào từ phía bên ngoài barrack.
Ông ta lập luận: cái ca-bin này chỉ là phần “nới rộng” chỗ nằm của ông ta, thì ngủ ở đây cũng coi như có mặt tại barrack; còn người phụ nữ kia chỉ tới ngủ với ông ta ở cái ca-bin chứ đâu có vào bên trong barrack, việc cô ta vắng mặt tại barrack là chuyện của cá nhân cô ta!
Cả đến đứa con nít cũng biết ông thợ bạc ngụy biện, nhưng cậu nhỏ barrack trưởng và chàng thiếu úy zone trưởng không ai dám nói gì cả. Tệ hại hơn nữa là ông ta và cô nhân tình, có vẻ là “dân chơi” thứ thiệt, không e dè, kiêng nể một ai, đêm khuya cứ “đóng phim người lớn” - không phải phim câm mà phim âm thanh nổi - khiến những người nằm gần cửa sổ không tài nào ngủ được!
Chưa kể người ngoài nhìn vào ai cũng phải thắc mắc trước cái ca-bin khang trang ấy, tự hỏi không hiểu là “tư dinh” của ông kẹ nào đây?!
Cũng nên biết, các barrack là tài sản của Cao ủy Tỵ nạn, không ai được quyền sửa đổi, thêm bớt kiến trúc đã có sẵn (chỉ có một sự du di là lấy ván hay tấm ny-lông vây thành cái buồng tắm nho nhỏ sát barrack cho các bà các cô). Còn nấu nướng, ăn uống mỗi barrack đã có một dãy nhà mái tôn nho nhỏ nằm song song, sử dụng làm nhà bếp, nhà ăn chung cho mọi người.
* * *
Nếu quy định của nhà cầm quyền Nam Dương 11 giờ đêm ai nấy phải trở về barrack của mình, barrack trưởng đóng cửa, tắt điện... được đa số người tỵ nạn tuân theo thì yêu cầu của Ban đại diện trại mỗi sáng Thứ Bảy mọi người phải quét nhà, dọn dẹp chỗ ăn chỗ ngủ, làm vệ sinh, làm cỏ chung quanh barrack của mình, đã bị không ít người bỏ ngoài tai mà không có biện pháp nào để đối phó.
Qua các buổi họp với Ban đại diện trại, nghe khen chê của mọi người và báo cáo của các Zone trưởng, tôi được biết Zone IV từ lâu đã được ghi nhận là kỷ luật nhất, vệ sinh sạch sẽ nhất, còn Zone III của tôi luôn luôn đội sổ.
Đã vậy Zone III còn nằm ở vị trí trung tâm, cho nên luôn luôn đập vào mắt mọi người, trong đó có cô Amelia Bonifacio, tân Cao ủy trưởng.
[Trên giấy tờ, người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn tại Galang được gọi Đại diện Cao ủy LHQ (UNHCR Representative), nhưng khi nói chuyện mọi người thường gọi là Cao ủy trưởng]
Trong kỳ trước, khi nhắc tới Amelia Bonifacio, tôi viết cô là nhân vật số 2 tại Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Galang, vì lúc đó nhân vật số 1 là ông Fabrice, một người Pháp, nhưng tới cuối năm 1981 ông mãn nhiệm và cô Amelia Bonifacio lên thay.
Amelia Bonifacio được mọi người gọi bằng tên thân mật “Mely”, người Việt tỵ nạn thêm chữ “cô” cho lịch sự thành “cô Mê-ly”.
Cô Amelia Bonifacio (ảnh Gaylord Barr)
Xét về ngoại hình, cô Mely không có gì nổi bật. Gốc Phi-luật tân 100%, không lai Tây-ban-nha nên da của cô không được trắng cho lắm, cô có chiều cao hơn người nhưng các vòng đo thì khá khiêm nhượng... Tóm lại, cô Mely không có gì “mê ly” như cái tên đã được Việt hóa!
Nhưng trong công việc, nhất là công việc của một tổ chức thiện nguyện quốc tế như Cao ủy Tỵ nạn, cô Mely là một nhà lãnh đạo lý tưởng: tận tâm nhưng thẳng thắn, hòa đồng nhưng không vị nể một ai.
Vừa lên thay ông Fabrice, cô Mely đã bắt tay ngay vào việc cải tổ, thay đổi lề lối điều hành Văn phòng Cao ủy, đồng thời quan tâm tới mọi lĩnh vực trong cuộc sống của người tỵ nạn.
Thay đổi đầu tiên của cô Mely tôi kể ra đây chỉ là một việc nho nhỏ nhưng cũng đủ cho thấy cô luôn đòi hỏi mọi việc phải minh bạch, mà kết quả là tất cả mọi nhân viên thiện nguyện được cô cho hưởng “trợ cấp” mỗi tuần 1.500 rupiah (tương đương 3 đô-la Mỹ).
Nguyên ở Galang 1 có ba thành phần nhân viên thiện nguyện: nhân viên làm việc cho Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn, nhân viên phục vụ trong Ban đại diện trại, và nhân viên phục vụ trong các tổ chức thiện nguyện độc lập như Save the Children, World Relief...
Vào thời gian tôi mới giữ chức zone phó, khi ông Fabrice còn làm Cao ủy trưởng, trong ba thành phần nói trên chỉ có những người phục vụ trong các tổ chức thiện nguyện độc lập mới có chút thù lao, còn làm việc cho Văn phòng Cao ủy Tỵ nạn và Ban đại diện trại thì không có gì cả. Cao ủy chỉ có quỹ “tiếp tân” để mua cà-phê, trà, bánh ngọt... cho Phòng Định cư, gồm nhân viên Cao ủy, các phái đoàn phỏng vấn, và các nhân viên thiện nguyện người Việt; đồng thời trợ cấp cho Ban đại diện trại để sử dụng vào những buổi họp Ban đại diện, họp zone hàng tuần (mua bánh kẹo, hạt dưa, thuốc hút...)
Tôi không được biết số tiền tiếp tân Ban đại diện trại được Cao ủy trợ cấp là bao nhiêu mỗi tuần, và sau đó Ban đại diện chia cho mỗi zone bao nhiêu tôi cũng không biết, chỉ biết một điều là sau khi lên làm Cao ủy trưởng, cô Mely đã cúp hết tiền tiếp tân cho Ban đại diện trại, và thay vào đó “trợ cấp” đồng đều cho tất cả mọi nhân viên thiện nguyện của Văn phòng Cao ủy và Ban đại diện trại - từ ông trại trưởng xuống tới các barrack trưởng - mỗi người một tuần 1.500 rupiah.
Từ đó, các buổi họp hàng tuần hoặc bất thường của Ban đại diện trại chỉ có... nước trà!
Riêng các buổi họp ở văn phòng zone thì vẫn có trà, ít bánh kẹo, thuốc lá “chùa”. Đó là nhờ sự đóng góp tự nguyện của nhân viên văn phòng zone và các barrack trưởng, chẳng hạn tại Zone III, mỗi người chỉ lãnh 1.250 rupiah, 250 rupiah còn lại bỏ vào quỹ tiếp tân.
Tuy gọi là quỹ tiếp tân nhưng còn được sử dụng vào nhiều mục linh tinh khác, chẳng hạn chụp hình lưu niệm, mua banh, lưới cho bóng tròn, bóng chuyền, bóng bàn, tu bổ bảo trì các máy may của zone...
Số tiền này được giao cho cô Thư ký văn phòng zone quản trị, và báo cáo chi thu trong mỗi buổi họp.
* * *
Về quan tâm của cô Mely tới cuộc sống của người tỵ nạn tại Galang, ưu tiên 1 là vệ sinh trong trại.
Chỉ vài ngày sau khi lên thay ông Fabrice, cô đã bất ngờ đích thân xuống các barrack thăm nơi ăn chốn ở (kể cả cầu tiêu) của người tỵ nạn, và đã phải lắc đầu: quá sức bê bối, dơ dáy, mất vệ sinh, nhất là Zone III của tôi với những mương rãnh hôi thối bên hông các barrack.
Trong buổi họp tiếp theo đó của Ban đại diện trại và các zone trưởng, cô Mely tới tham dự và đưa ra những nhận xét (đúng ra là chê trách) của mình trước tình trạng vệ sinh tồi tệ trong trại.
Sau khi nghe Ban đại diện trại trình bày những khó khăn trong việc yêu cầu đồng bào tham gia công tác vệ sinh chung, cô Mely lạnh lùng hỏi:
- Thế Phòng Trật tự của quý vị để làm gì?
Phía Ban đại diện trại chưa kịp lên tiếng, cô Mely đã nói tiếp một hơi, tôi chỉ nhớ đại khái nội dung như sau:
Công việc của Văn phòng Cao ủy là giúp mọi người tỵ nạn được đi định cư tại đệ tam quốc gia. Khi đặt chân tới Galang, mọi người đều bình đẳng, nhưng sau đó qua sưu tra lý lịch, qua hạnh kiểm trong thời gian sống tại trại, mỗi người có thể sẽ có mức độ ưu tiên khác nhau. Kể cả những người đã được một phái đoàn nhận, Cao ủy vẫn đủ thẩm quyền đình hoãn việc đi định cư của họ. Trước đây Phòng Định cư Cao ủy đã được sự hợp tác của Phòng Trật tự trong việc thanh lọc những thành phần có lý lịch mù mờ, khả nghi, hoặc các thành phần bất hảo, thì nay cô cũng yêu cầu phải có biện pháp với những thành phần phá hoại cơ sở vật chất của Cao ủy, từ chối tham gia công tác vệ sinh chung, nhẹ thì cảnh cáo, nặng phải báo cáo lên Văn phòng Cao ủy.
Cũng xin có đôi dòng về Phòng Trật tự của Ban Đại diện trại ở Galang.
Không hiểu các trại tỵ nạn ở Thái Lan, Mã Lai, Phi-luật-tân thì sao còn ở Galang, Phòng Trật tự đúng ra phải gọi là Phòng An ninh & Trật tự, bởi vì song song với công tác trật tự trị an, còn có nhiệm vụ điều tra lý lịch những thành phần khai gian dối, hoặc bị nghi ngờ là người của cộng sản trà trộn vào hàng ngũ tỵ nạn, theo dõi những người có thành tích chống Mỹ, chống VNCH trước năm 1975, ghi vào sổ bìa đen những thành phần bất hảo trong trại... Kể cả những vụ tố cáo nhau liên quan tới chuyện vượt biên như lường gạt tiền bạc, canh me bằng vũ lực, v.v... cũng được đưa lên Phòng Trật tự giải quyết.
Trong việc điều tra lý lịch những thành phần bị nghi ngờ là người của cộng sản hoặc thiên tả, có thành tích chống Mỹ, chống VNCH trước năm 1975, Phòng Trật tự Galang đã phối hợp chặt chẽ với ông George của Phòng Định cư Cao ủy. Độc giả có lẽ chưa quên ông George này chính là người đã “hù dọa” tôi ở Kuku vì cái số ghe tự đặt không giống ai.
Cho nên cũng không có gì khó hiểu khi một số khoa bảng, trí thức xuất thân sinh viên “trâu đánh” (Sinh viên Tranh đấu ở miền Trung giữa thập niên 1960) sau khi vượt biên tới Galang đã bị phái đoàn Mỹ “đá”, phải nằm chờ ở Galang một thời gian dài rồi mới được Úc, Canada, hay một nước Âu châu nhận cho định cư.
* * *
Sau buổi họp giữa Ban Đại diện và cô Mely, tôi về Zone III phổ biến chỉ thị của Cao ủy trưởng cho các barrack trưởng, yêu cầu họ nếu cảnh cáo không có kết quả, phải thiết lập danh sách những người trốn tránh công tác vệ sinh sáng Thứ Bảy, hoặc có mặt ở barrack nhưng không chịu tham gia.
Tôi nhấn mạnh danh sách này sẽ được nộp lên Văn phòng Cao ủy, và không quên nhắc lại lời cô Mely: kể cả những người đã được một phái đoàn nhận, Cao ủy vẫn có quyền đình hoãn ngày đi định cư của họ!
Tôi cũng thông báo tôi sẽ đích thân tới đôn đốc kiểm soát tại các barrack có tiếng bê bối nhất, mất vệ sinh nhất. Sợ chưa đủ sức... hù dọa, tôi còn mời ông Phó phòng Trật tự cùng đi với tôi để phô trương thanh thế!
Đó là anh Th, cũng là một cựu quân nhân, thân hình vạm vỡ, da ngăm đen, nét mặt rắn rỏi, ăn to nói lớn, năng nổ, không biết kiêng dè, nể sợ một ai (là một thành viên trong Ban đại diện giáo dân Galang, anh từng “đụng độ” với cha Dominici)!
Kết quả, tuy không thể gọi là mỹ mãn, tôi đã thành công ngay trong buổi làm vệ sinh sáng Thứ Bảy đầu tiên (sau khi có chỉ thị của cô Mely): trong ngoài các barrack được quét dọn sạch sẽ, hầu hết các nhà tắm vá víu nham nhở đã bị dẹp bỏ, cỏ dại không còn phủ kín lối đi, và quan trọng nhất là mương rãnh bên hông các barrack đã được khai thông.
Những nhà tắm (kiêm nhà kho, nơi ăn uống, ngủ trưa...) bất hợp lệ bên hông các barrack. (ảnh Gaylord Barr)
Làm cỏ chung quanh barrack (ảnh Gaylord Barr)
Tới sáng Thứ Bảy kế tiếp, ông thợ bạc mà tôi nhắc tới đã chấp nhận tháo gỡ một phần cái ca-bin của mình, thu hẹp lại trông cho đỡ ngứa mắt; và cũng từ đó mỗi sáng Thứ Bảy, ông ta “mướn” một cậu nhỏ nhận làm cháu để thay ông ta tham gia công tác vệ sinh tại barrack.
(Còn tiếp)
CHÚ THÍCH:
(1) Malcolm Fraser (1930 – 2015), thuộc đảng Tự Do, là vị Thủ tướng thứ 22 của Úc-đại-lợi, cầm quyền từ tháng 11/1975 tới tháng 3/1983. Ông được các sử gia ghi nhận là người đã đưa hòn đảo Úc-đại-lợi từ “miệt dưới” xa xôi gia nhập “câu lạc bộ cường quốc”; ông cũng là người chấm dứt Chính sách nước Úc da trắng” (White Australia Policy) qua việc nhận di dân Á châu trong đó có trên 120.000 người Việt tỵ nạn cộng sản, và việc đề xướng chính sách Đa văn hóa (Multiculturalism).
Tuy nhiên với nhiều người, trong đó có bản thân tôi, thành tích “ngoạn mục” nhất của ông Malcolm Fraser phải là những việc ông làm khi còn giữ chức Lãnh tụ Đối lập: lật đổ chính phủ Lao Động mà không thông qua một cuộc tổng tuyển cử nào cả!
Thành tích này của ông Malcolm Fraser đã chấm dứt sự nghiệp của Gough Whitlam (1916 – 2014), tay Thủ tướng Lao Động khét tiếng thân cộng trong lịch sử nước Úc.
Gough Whitlam (ảnh Internet)
Nguyên từ cuối Đệ nhị Thế chiến, nước Úc có hai chính đảng lớn là Tự Do (Liberal Party) và Lao động (Labor Party); đảng Tự Do thường liên kết với đảng Quốc Gia (National Party), gọi là Liên Minh (Coalition).
Tự Do được xem là một đảng bảo thủ, chống cộng còn Lao động là một đảng cấp tiến – chữ “cấp tiến” mang ý nghĩa thời đại mới: chống tư bản (đặc biệt là Hoa Kỳ), thiên tả (đôi khi tới mức thân cộng), phản chiến, ủng hộ vô thần, phá thai, kéo phe đồng tính luyến ái...
Điều may mắn cho người Việt quốc gia là trong thời gian xảy ra cuộc chiến tranh quốc – cộng tại Việt Nam thì tại Úc, đảng Tự Do liên tục nắm quyền trong gần một phần tư thế kỷ (1949-1972). Cho nên ngay từ năm 1957, sau khi đón tiếp Tổng thống Ngô Đình Diệm tại thủ đô Canberra, Úc đã trở thành đồng minh quan trọng thứ nhì của VNCH, chỉ sau Hoa Kỳ.
Năm 1962, Úc gửi các cố vấn quân sự (huấn luyện chống du kích) tới Việt Nam, và tới năm 1965 gửi các lực lượng tác chiến của Lục Quân và Không Quân tới tham chiến, tới năm 1972 mới rút quân về. Trong thời gian 10 năm nói trên, đã có trên 60,000 binh sĩ Úc luôn phiên phục vụ tại Việt Nam, trong đó có 521 người hy sinh và trên 3000 mang thương tích.
Nhưng tới cuối năm 1972, sau khi đảng Lao Động lên nắm quyền, nước Úc quay một góc 180 độ!
Trăm tội cũng chỉ vì tân Thủ tướng Gough Whitlam là một người thân cộng. Trước đó, vào tháng 7 năm 1971, khi đang làm Lãnh tụ Đối lập, ôngta đã trở thành vị lãnh tụ đối lập đầu tiên trong lịch sử chính trường Úc thăm viếng Trung Cộng. Để rồi tới năm 1973, trở thành vị Thủ tướng Úc đầu tiên và nhà lãnh đạo tây phương thứ hai (sau TT Mỹ Richard Nixon) công du Trung Cộng.
Mặc dù đều được gọi là “state visit” nhưng trong khi chuyến công du của TT Richard Nixon năm 1972 chỉ mang tính cách “trình diễn” (một phần vì sự chống đối của nhiều người trong nội các, nhất là ngoại trưởng Hoa Kỳ William Rogers) thì chuyến công du của Gough Whitlamnăm 1973 đã bị thế giới tự do xem là một sự phản bội trắng trợn!
Thủ tướng Úc Gough Whitlam công du Trung Cộng năm 1973 (ảnh Internet)
Cũng trong năm 1973, Úc trở thành quốc gia tây phương đầu tiên thiết lập bang giao cấp đại sứ với hai chế độ cộng sản Hà Nội và Bắc Kinh.
Tháng Tư năm 1975, trước viễn ảnh miền Nam VN bị lọt vào tay quân cộng sản Bắc Việt, Không Lực Hoàng Gia Úc-đại-lợi đã đưa các vận tải cơ C-130 sang Sài Gòn để di tản nhân viên ngoại giao Úc và những người Việt từng làm việc với người Úc.
Khi biết được việc này, Gough Whitlam đã ra lệnh cho Không Quân Úc không được cho một người Việt nào bước lên phi cơ, và sau khi Sài Gòn thất thủ, đã ra lệnh cấm cửa người tỵ nạn Việt Nam. Nguyên nhân, theo một bài bình luận trên tờ The Australian - một nhật báo khuynh hữu hiếm hoi ở Úc - Gough Whitlam cho rằng “người tỵ nạn là những người chống cộng, rồi đây sẽ chống Lao Động” (Whitlam saw the refugees as anti-communist and likely anti-Labor).
Hậu quả, cũng theo tờ The Australian, cùng với 30 cựu nhân viên của tòa Đại sứ Úc đã có khoảng 130 người Việt khác có tên trong danh di tản đã bị bỏ lại mặc cho số phận (Loyal staff who had served Australia for years were left to their fate).
Trước đó ít lâu, cảnh “bỏ rơi” này cũng đã xảy ra tại thủ đô Nam Vang của xứ chùa tháp, và theo tờ The Australian, phần lớn người Căm-bốt bị Úc bỏ rơi sau đó đã bị Khmer Đỏ hành quyết!
Nhưng ở đời, đôi khi cái rủi của người này lại là cái may cho kẻ khác, mà trong trường hợp này “kẻ khác” ấy chính là các em cô nhi trong chiến dịch nhân đạo Babylift (Operation Babylift) do Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực Hoàng Gia Úc thực hiện: những chỗ trống trên phi cơ C-130 ấy đã giúp thêm hơn 100 em được đưa ra khỏi Việt Nam trong những giờ phút hấp hối của Sài Gòn, nâng tổng số cô nhi được đưa sang Úc lên 281 em, trong đó em nhỏ tuổi nhất mới lọt lòng mẹ được 10 ngày.
Các nhân viên phi hành Úc và trẻ mồ côi Việt Nam tại phi trường Tân Sơn Nhất (ảnh Australian War Memorial)
Gough Whitlam không chỉ bỏ rơi những nhân viên người Việt từng làm việc với Úc mà còn đòi trục xuất tất cả mọi nhân viên ngoại giao của VNCH cùng với hàng trăm sinh viên đang du học tại Úc về nước, viện lý do Việt Nam nay đã hòa bình, thống nhất; tuy nhiên trước sự phản kháng, vận động dư luận Úc của những nhân viên, sinh viên người Việt nói trên, Gough Whitlam đã không thực hiện được ý đồ của mình (lấy điểm CSVN).
* * *
Nhưng sự nghiệp muộn màng của Gough Whitlam đã chấm dứt hơi sớm. Cuộc khủng hoảng dầu lửa Trung Đông năm 1973 (giá dầu thô tăng hơn 300%) đã khiến các quốc gia tây phương bị khốn đốn, riêng tại Úc, công với sự bất tài và chính sách mị dân của chính phủ Lao Động (chẳng hạn mở thêm vô số trường học... nhưng chỉ lèo tèo mấy mống học sinh), toàn bộ nền kinh tế bị suy sụp đưa tới khủng hoảng tài chánh chưa từng có trong lịch sử nước Úc.
Vì thế, vào ngày 11/11/1975, Tổng Toàn quyền Úc là Sir John Kerr đã phải truất chức Thủ tướng của Gough Whitlam, một việc chưa từng xảy ra từ ngày Úc-đại-lợi được độc lập (1901). Quyền xử lý thường vụ chức vụ thủ tướng được trao cho Lãnh tụ Đối lập Malcolm Fraser, cho tới khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong thời hạn ngắn nhất.
Hơn một tháng sau, trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 13/12/1975, trên 95% cử tri Úc đã đi bầu với kết quả đảng Tự Do thắng lớn chưa từng thấy, và nếu cộng với số ghế của đảng Quốc Gia, chưa bao giờ Liên Minh cầm quyền đạt tỷ lệ cao như thế trong lịch sử quốc hội liên bang.
Tới cuộc cuộc tổng tuyển cử năm 1977, Liên Minh lại thắng. Gough Whitlam bị đảng Lao Động cho về vườn, chấm dứt sự nghiệp của một lãnh tụ thân cộng mù quáng nhất trong lịch sử Úc-đại-lợi.
Người Việt tại Úc trong tang lễ cố Thủ tướng Malcolm Fraser, nhà lãnh đạo được họ xem như một “người cha”