Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
Tạp văn. ngọc tự.
(nguồn: đặc san Lý Tưởng - Úc Châu, số kỷ niệm ngày Không Lực 2024)
Nhớ về những năm tháng đời lính Không Quân
(Nhân dịp kỷ niệm ngày Không Lực 1.7.2024)
“Hào hoa nhất lính Không Quân”
Không biết câu truyền tụng quen thuộc này nói về Không Quân đã có từ bao giờ. Tôi nghe biết đến câu truyền tụng ấy khi bắt đầu cuộc đời Không Quân của mình ở Căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất từ cuối năm 1969, sau khi mãn khóa Khóa 3/69 Trường Bộ Binh Thủ Đức, và được chuyển sang Không Quân, rồi được phân bổ về phục vụ tại Khối Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tư lệnh Không Quân (CTCT/BTLKQ).
Cứ theo như ngữ nghĩa thì hào hoa nói đến sự rộng rãi và lịch duyệt trong giao thiệp, cũng hàm ý hào phóng, không quá câu nệ hay bị bó buộc với mọi thứ điều chuyện nơi cuộc sống. Văn chương một chút, hào hoa cũng có cả sự bay bướm, lả lướt trong đó nữa.
Và rồi cũng không biết từ lúc nào và do đâu, câu truyền tụng ấy được thêm vào một câu tiếp theo nữa, như để cho vần điệu hoàn chỉnh:
“Có mỗi cái quần anh cũng bán đi”
Dường như cũng chỉ là kiểu tự trào, phụ họa với sự đùa vui tếu táo quen thuộc của dân Không Quân thôi, chứ không mang ý nghĩa chế diễu hay dèm pha gì, và thực tế chắc cũng chẳng xẩy ra chuyện có ông Không Quân nào đem quần đi bán. Giống như kiểu diễn tả mức độ và tính cách của các tay chơi trong khắp thiên hạ: chơi tới bến, chơi xả láng sáng về sớm, bán trời không văn tự, dân chơi bất cần thân thể… Hào hoa gì khi phải bán luôn cả cái quần, thân thiết với đời lính hàng ngày. Nhưng của đáng tội, có bán đi cái quần thì cũng không được bao nhiêu, chả bõ bèn. Và trong thị trường buôn bán linh tinh hồi ấy ở ngay vùng Lăng Cha Cả hay ngoài Khu Dân Sinh, đều có những chỗ bán quần áo nhà binh cũ mới đủ kiểu loại, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy bầy biện quân phục may bằng loại vải xám nhạt đặc trưng của Không Quân. Mỗi người, như anh em chúng tôi hồi ấy khi mới về Không Quân, chỉ được cấp phát đủ số vải theo tiêu chuẩn hai ba bộ, và đem ra tiệm để may, theo vừa ni tấc mình mà sử dụng. Hàng quý hiếm chứ có phải thừa thãi đâu. Mà không có cách giải quyết nào khác hay sao, lại phải tính quẩn việc bán cả quần khi thiếu thốn tiền bạc để ăn chơi, nhằm thể hiện sự hào hoa của mình. Thiếu thốn thì ai chẳng từng gặp trong cuộc sống, nói chi đời lính.
Bên lề một buổi dạ tiệc khoản đãi các phi công xuất sắc tại Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, có mấy phi công trẻ vây quanh vị khách mời danh dự là ông Tướng cựu Tư lệnh Nguyễn Cao Kỳ chuyện trò thân mật, và chắc cũng xa gần đến câu truyền tụng trên, nên mới than thở rằng mang tiếng lính “hào hoa”, nhưng thường khi cũng “rách” lắm. Ông hóm hỉnh cười rồi nói: “thì cứ việc đi vay mà tiêu”. Và không quên tiếp theo ngay: “nhưng rồi nợ nần ai thì phải nhớ trả cho đàng hoàng, đừng có ù té chạy làng đó nghe chưa…”.
Cũng từng hỏi mấy hiền huynh Không Quân về xuất xứ câu truyền tụng nói trên. Anh Dương Hùng Cường (1934-1987) bảo dường như chưa xuất hiện vào thời của anh. Hỏi các anh em phóng viên, nhà văn Không Quân kỳ cựu ở Tập san Lý Tưởng Không Quân ngày đó như Minh Triệu, Kiêm Thêm, Trần Kim Nho, Thanh Chương, Hoàng Bá Thủy, hay đi làm phóng sự tại các đơn vị Không Quân, cũng chẳng ai xác định được, ngay cả cây viết phóng sự thời danh Nguyễn Đình Thiều (1942-1975), người len lỏi với mọi thứ ngóc ngách chữ nghĩa trong sinh hoạt báo chí, hoặc ông bạn Phan Lạc Giang Đông thân thiết của tôi, vào CTCT Không Quân ở Tân Sơn Nhất từ trước, cũng chịu luôn. Anh Thế Phong, Hồ Phong (hiện ở Saigon), thường giao du thân tình với nhiều phi công tài hoa, thì nói cũng nghe giới này hay vui miệng nhắc đến câu truyền tụng ấy, mỗi khi có dịp găp nhau, nhất là ông phi công nhà văn Đào Vũ Anh Hùng (Th/tá Đào Bá Hùng 1942- 2022) thì luôn miệng.
Có người cho rằng do mấy ông Không Quân trẻ tuyên bố để lấy le với thiên hạ mà ra. Người khác lại bảo chỉ các ông Không Quân già, nhiều thâm niên quân vụ mới dám phát ngôn lẫy lừng như thế. Tác giả hẳn nhiên phải là một ông Không Quân thứ thiệt rồi. Cũng có thể là do nhận xét, đánh giá của người ngoài chăng. Và câu truyền tụng chắc chừng xuất hiện vào giai đoạn Không Quân đi vào thời kỳ Hiện đại hóa (1965-1968) và tiếp theo. Đây là thời điểm nhiều thành phần tài hoa ngoài dân sự gia nhập Không Quân, phục vụ trong nhiều ngành, từ Phi hành đến Không Phi hành. Và mầu áo Không Quân có mặt đông vui nơi phố thị, xuất hiện thường xuyên trên báo chí, phim ảnh, qua các sáng tác thơ văn, nhạc…
và nữ danh ca Bạch Yến nhân dịp cô từ Pháp về thăm quê hương năm 1967
Câu truyền tụng “Hào hoa nhất lính Không Quân” được hình thành, chắc chắn không thể nào thiếu nguồn cảm hứng nền tảng và bối cảnh từ những hình ảnh bàng bạc, phảng phất chất Không Quân trong tác phẩm Đời Phi Công 1959 của Toàn Phong (Đại tá Nguyễn Xuân Vinh 1930-2022, vị cựu Tư lệnh Không Quân thứ hai) hay Buồn Vui Phi Trường 1966 của anh Dương Hùng Cường. Thêm nữa, là hình ảnh lãng mạn, lịch lãm phong lưu của các ông Không Quân Việt Nam thời xưa đi Pháp học hành, qua thơ Cung Trầm Tưởng (Trung tá Cung Thúc Cần, 1932-2000) được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, với những Mùa Thu Paris, có ga Lyon đèn vàng, ghế đá vườn Lục-xâm, có người em mắt nâu tóc vàng sợi nhỏ… Cùng với các nhạc phẩm viết về người lính Không Quân quá quen thuộc : Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc (Phạm Duy 1965), Tuyết Trắng (Trần Thiện Thanh), Một Chuyến Bay Đêm (Song Ngọc-Hoài Linh), Cho Một Người Vừa Nằm Xuống (Trịnh Công Sơn).
Cùng cần nói thêm với thời điểm xuất hiện của ông tướng Không Quân râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ ngày ấy, cộng thêm hình ảnh những phi công tham gia các phi vụ Bắc phạt, thật hiên ngang oai hùng…, chân dung người lính Không Quân và những nét rất riêng biệt nào đó đã trở thành quen thuộc, dễ cảm nhận với mọi người.
Đỉnh điểm và nổi bật nhất, có lẽ là hình ảnh người phi công Sĩ Phú, (Trung úy Nguyễn Sĩ Phú) với bộ râu trên khuôn mặt ăn ảnh và trong bộ đồ bay đầy nghệ sĩ tính, xuất hiện lần đầu tiên nơi màn hình Ti Vi Sàigòn hồi 1967-1968, để hát bài tình ca Em Tôi, trong một chương trình văn nghệ Không Quân. Cái chất Không Quân, nét “hào hoa” nổi bật hẳn lên và in sâu thêm trong tâm khảm mọi người từ đó.
Câu nói “Hào hoa nhất lính Không Quân” thường được nhắc đến trong những lần anh em Không quân gặp nhau chuyện trò hàn huyên vui vẻ.
Trung tướng Tư lệnh Không Quân Trần Văn Minh cũng từng có lần nói đến hào hoa, như trong các huấn từ hay khi nói chuyện thân mật với các thành phần quân nhân Không Quân nơi các dịp gặp gỡ, như trong một buổi dạ tiệc khoản đãi các chiến sĩ Không Quân xuất sắc nhân kỷ niệm ngày Không Lực 1.7, tại Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc. Ông luôn nhấn mạnh rằng hào hoa là sự hào hùng, anh dũng khi chiến đấu với địch quân. Còn trong đời sống với anh em đồng đội và mọi người thì phải luôn thể hiện sự hòa đồng, cảm thông, chơi với nhau trong tình huynh đệ, chơi cho đẹp, thật điệu nghệ… Như thế mới gọi là người Không Quân hào hoa.
Giống như “Hoa Sơn luận kiếm”, thời đó mà có “Phây Sơn luận chữ”, (Phây-búc) như ngày hôm nay, chắc hẳn tha hồ nghe các phây khách Không Quân tung tẩy múa phím luận bàn.
Đưa đẩy tí chút cho ra vẻ hiểu biết vì mình cũng là Không Quân, chứ đâu dựa hơi được chút gì, bởi cho dù có là lính Không Quân, tôi cũng chỉ là một anh chàng Không Quân tầm xoàng, làm việc văn phòng, một anh chàng Không Quân xóm nhỏ, chẳng dính dáng mảy may nào đến sự hào hoa.
Việc tôi có mặt trong Không Quân cũng thật ngẫu nhiên và đầy may mắn không nằm trong dự tính gì từ trước.
Chính đời lính Không Quân đã là khúc quanh quan trong, thay đổi hẳn cuộc đời tôi, ghi những dấu ấn kỷ niệm buồn vui đậm nét, cho mãi tận hôm nay vẫn không thể nào phai mờ trong trí nhớ và tâm khảm.
Những năm tháng là lính Không Quân, dù ngắn ngủi, chỉ được 5 năm và vài tháng thôi, anh chàng Không Quân xóm nhỏ tôi đã trưởng thành về mọi mặt.
Dẫu rằng từ hồi cuối năm 1966, cũng từng có tí chút gần gũi với Không Quân, nhưng lúc đó tôi chưa nghĩ gì về Không Quân. Khi ấy, tôi đang học năm thứ Nhất trường Luật, qua anh Trần Quốc Minh, một hiền huynh thân quen, phục vụ trong Không Quân ở Tân Sơn Nhất giới thiệu, nhóm anh em văn thơ, báo chí dân sự chúng tôi được Trung tá Lưu Kim Cương, một người đầy nghệ sĩ tính, rất yêu văn nghệ, đang là Tư lệnh Không Đoàn 33, bảo trợ để cho ra đời một tờ báo (Bán nguyệt san Văn học Thời đàm do anh Cao Thế Dung làm Chủ bút bộ mới). Tôi cũng hân hạnh có mặt trong lần được ông mời Ban Biên tập vào văn phòng để chuyện trò thăm hỏi thân mật. Sau đấy, hồi chiến cuộc Mậu Thân đợt II, tháng 5/1968, ông đã hy sinh đền nợ nước. Tờ báo của chúng tôi vẫn tiếp tục hiện diện trong sinh hoạt báo chí ngoài dân sự, nhưng dường như tôi quên đi chuyện Không Quân và không hề nghĩ đến việc mình sẽ trở thành lính Không Quân.
của Không Lực Hoa Kỳ, Tân Sơn Nhất, 1967
Rồi thời gian qua đi cũng chẳng lâu gì. Cũng do chiến cuộc Mậu Thân 1968 kéo dài, đã làm ngừng trệ và gián đoạn việc học hành của tất cả sinh viên học sinh các cấp. Khi việc học hành bắt đầu bình thường trở lại, tôi lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần dữ dội, luôn bị căng thẳng tâm lý. Lúc nào cũng cảm thấy một nỗi lo sợ bất an nào đó rình rập.
Nguyên nhân chỉ vì tôi có mấy người bạn, người cùng lớp trường Luật, người bên Văn Khoa, họ tham gia phong trào sinh viên phản chiến. Chắc có khuynh hướng thiên Cộng, hoặc được móc nối sao đó, nên ngay sau Tết Mậu Thân đã trốn chạy ra vùng Việt cộng tạm chiếm và rồi thấy có tên trong Danh sách thành phần nhân sự của “Liên Minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa Bình Việt Nam”, một tổ chức Cộng sản trá hình vừa thành lập, do Luật sư Trịnh Đình Thảo đứng đầu. Báo chí loan tin đầy đủ danh tính và phân khoa những người này đã theo học trước đây. Cơ quan an ninh càng ngày càng mở rộng cuộc điều tra để nhằm truy diệt tận gốc cái ung nhọt Cộng sản nguy hiểm ở đại học, nên ra sức dò tìm các mối liên hệ xa gần của mấy người này.
Mặc dù không tham gia vào các sinh hoạt của họ, và cũng chẳng dính líu gì, chỉ là sự thân quen lâu ngày, thường hay ngồi chung uống cà phê chuyện trò tán gẫu linh tinh, chỗ này nơi nọ, sau giờ lên giảng đường. Thế nhưng tôi cứ phập phồng khi nghĩ đến việc bị liên lụy vạ lây oan uổng, hệ quả rất phiền phức, một khi mình bị cơ quan an ninh hỏi đến. Lúc đó biết phải giải thích, biện minh thế nào đây chứ. Không thể để tình trạng như vậy kéo dài, cứ phân tâm ảnh hưởng rất nhiều đến việc học, chả còn tâm trí nào mà ngồi nghe các thầy giảng bài để ghi chép, phần khác cũng ảnh hưởng tình hình thời sự khi đó; cuối cùng tôi chọn giải pháp đi lính.
Tháng 3/1969, quyết định bỏ dở năm học thứ hai Luật khoa, tôi ghi tên nhập ngũ Khóa 3/69 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức.
Tôi lẳng lặng giã từ giảng đường thật âm thầm chứ không có một chút lãng mạn nào như hình ảnh trong bài hát quen thuộc Trả Lại Em Yêu của nhạc sĩ Phạm Duy. Chẳng có tình yêu nào vắt ngang vai nên đâu có em yêu nào mà trả lại khung trời đại học. Hàng ngày đi về, tôi thường phóng xe ào ào, không khi nào để tâm đến bóng mát của hai hàng cây trên con đường Duy Tân đi ngang trường Luật ấy, nên cũng chẳng cảm thấy lưu luyến gì. Và thức uống thì chỉ cà phê đá quanh năm, không uống chanh đường, không có người tình, thành thử chưa bao giờ biết môi người khác có vị ngọt hay mặn…
Và rồi tôi cũng đã không ra đi về miền cát nắng, nơi có quê hương mịt mù thuốc súng… mà chỉ quanh quẩn ở thành phố Sàigòn, làm lính Không Quân trong Căn cứ Tân Sơn Nhất. Anh chàng Không Quân xóm nhỏ tôi, là lính Không Quân, gọi cho ra vẻ bình dân là lính tầu bay, nhưng chưa bao giờ ngửi được mùi xăng máy bay. Hàng ngày chỉ ngửi thấy toàn mùi giấy, đơn giản vì chỉ làm việc văn phòng thôi.
Ngày ấy, sau khi mãn khóa huấn luyện ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi được chuyển sang Không Quân, rồi phục vụ tại Phòng Kế Hoạch & Chính Huấn, Khối CTCT/BTLKQ cho đến ngày cuối cùng 30.4.1975 đau thương.
Tôi vẫn nhớ từng diễn tiến về từng sự việc nơi mỗi thời đoạn.
Nói theo các thầy Tý Sửu Dần Mẹo thì mỗi con nguời đều có cái số của mình. Tôi biết tôi có số ăn may, thánh nhân đãi kẻ khù khờ, chó ngáp phải ruồi chứ chẳng tài cán gì, thuộc thành phần lúc nào cũng ù ơ dzí dầu, ba phải, không có lập trường dứt khoát bao giờ.
*
Buổi sáng hôm ấy trình diện nhập ngũ tại Quân vụ thị trấn Biệt Khu Thủ đô. Ngay buổi chiều, tôi và các anh em khác có mặt trong ngày được đưa lên Trung Tâm 3 Tuyển mộ & Nhập ngũ, trại Nguyễn Tri Phương để làm các thủ tục và tập trung chờ khi đủ số lượng từng đợt, đưa sang Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung (TTHLQT) thụ huấn Giai đoạn I.
Những ngày nằm chờ ở đây, anh em tân khóa sinh chúng tôi sôi nổi bàn tán trao đổi về chuyện binh nghiệp. Nhiều người nói nhìn cái dáng nhỏ con gầy cơm, mắt cận thị đeo kính dầy cộp như tôi, thì khi mãn khóa có về Tiểu Khu nào, may ra cũng chỉ được giao cho phụ trách đám Nhân dân Tự vệ, chẳng mong gì được các đơn vị tác chiến thèm dòm ngó đến.
Tôi cũng không lấy làm mặc cảm, mà đinh ninh chả chừng rồi ra sẽ như thế thật. Nhưng rồi mọi chuyện sau đấy đã khác hẳn đi, do những may mắn bất ngờ nằm ngoài suy tính.
Khi sang TTHLQT, về Tiểu đoàn khóa sinh Nguyễn Huệ nổi tiếng, tôi mới gặp và biết cũng nhập ngũ khóa này với tôi, có cả Nguyễn Hữu Thiện, ông bạn thân thiết cùng xóm nhỏ học Luật sau tôi một năm. Tôi thân quen thêm Nguyễn Kỳ Dzương, nằm cạnh nhau, cùng Tiểu đội, dân ngã tư Bẩy Hiền; cũng học Luật, lại từng đi làm cho sở Mỹ, rất quảng giao, nên chúng tôi dễ dàng thân thiết. Ông này dáng người cao lớn, chắc cỡ 1m 80, được chọn làm thủ kỳ, luôn luôn vác cờ đại đội đi đầu mỗi khi xuất trại.
Xong giai đoạn I, lên Trường Bộ binh Thủ Đức tiếp tục thụ huấn Giai đoạn II, ba đứa thân thiết chúng tôi vẫn lại cùng Tiểu đội, giường nằm cạnh nhau, giường trên giường dưới. Tôi về Không Quân là do hai ông này…
Đang khi thụ huấn được đâu vài tháng, Văn phòng Bộ Chỉ huy trường thông báo về việc quân chủng Không Quân sẽ tuyển một số tân sĩ quan sau khi tốt nghiệp cuối khóa, sang phục vụ bên đó, nhưng không phải ngành phi hành bay bổng, ai có nguyện vọng thì làm đơn theo mẫu để nộp. Hai ông bạn tôi hào hứng nộp đơn ngay tức thì. Tôi chần chừ, đắn đo phân vân suy nghĩ, nhớ đến thể trang của mình và lời nhận xét của mấy ông bạn tân khóa sinh những ngày đầu vừa nhập ngũ, với lại cứ nghĩ đã là lính rồi thì lính nào chả được, còn gì để tính toán.
Hai ông bạn thân thiết của tôi ra sức trấn an đốc thúc và bảo Không Quân có nhiều ngành phục vụ, ba thằng đã thân thiết thì đi đâu cũng phải có nhau, với lại về bên đó tránh được nơi trận mạc, chốn binh đao lửa đạn, chỗ không dành cho ngữ người như tôi muốn làm người hùng. Nếu cứ đợi ngày mãn khóa, phải chọn đơn vị tác chiến thì tùy… Nghe theo lời bạn, tôi ký tên vào đơn và nộp trước khi hết hạn.
Thời gian sau đó, phái đoàn quân y Không Quân lên khám sức khỏe các ứng viên đã nộp đơn và may mắn sao, tôi cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết đòi hỏi.
Và rồi cuối khóa, Không Quân đã đón khoảng 100 tân chuẩn úy chúng tôi về trình diện Bộ Tư lệnh Không Quân cho các ngành Chiến Tranh Chính Trị (CTCT), Hành chánh Tài chánh, Quân cảnh & An ninh Phòng thủ, Vũ khí Đạn dược, Tiếp vận…, mỗi ngành gần 20 người. Sau đấy mới nhận Giấy nghỉ phép mãn khóa.
Khi đó tôi mới biết mình và ông bạn thân thiết xóm nhỏ Nguyễn Hữu Thiện, cùng có tên trong danh sách thuộc CTCT. Riêng Nguyễn Kỳ Dzương thì về Quân cảnh.
Thoạt đầu tiên, tôi cứ những tưởng mình được về ngành CTCT Không Quân là nhờ tí chút thành tích hoạt động hồi ở quân trường: là Sinh viên sĩ quan trong Ban Báo chí & Phát thanh của Khóa, Ban Biên tập Đặc san của Trường. Hàng tuần, tôi cũng tham gia việc thu thanh Chương trình Phát thanh của Trường Bộ binh Thủ Đức tại Đài Phát thanh Quân đội do Trung úy Trịnh Cung (Nguyễn Văn Liễu), Phòng Tâm Lý chiến trên Bộ Chỉ huy trường hướng dẫn. Tôi còn đoạt Giải Nhất về Diễn thuyết và Hùng biện của Khóa.
Nhưng rồi biết ra, thực tế không phải vậy, việc quyết định chọn người và chọn ngành cho chúng tôi trong Danh sách đã nộp đơn sang Không Quân, là dựa theo một tiêu chuẩn đòi hỏi nào đó, và căn cứ trên kết quả khách quan bài Khảo sát Trắc Nghiệm Tâm lý cá nhân với hàng trăm câu hỏi đủ thứ đề tài, hồi vừa vào lính ở Trung Tâm 3 Tuyển mộ & Nhập ngũ trại Nguyễn Tri Phương.
Cũng nhờ chính ngay thời điểm đó, Không Quân đang đi vào Giai đoạn Bành Trướng, các ngành đều phát triển mạnh mẽ, đang rất cần nhiều nhân lực để nhanh chóng cung ứng kịp thời cho nhu cầu hoạt động của các đơn vị, trong đó có CTCT.
Anh em chúng tôi là Khóa 3/69, nhưng gốc từ Trường Bộ Binh chuyển sang phục vụ ngành Không Phi hành. Năm đó Không Quân còn có các Khóa 3/69 Phi hành, 69A và 69B Phi hành học ngoài TTHLKQ Nha Trang nữa.
Sự may mắn của tôi vẫn còn tiếp tục trong việc chọn đơn vị.
Khi hết thời hạn nghỉ phép, vào trình diện Khối CTCT/BTLKQ, nơi tiếp nhận đầu tiên, Th/tá Bùi Hoàng Khải, Trưởng phòng Kế Hoạch & Chính Huấn (P. KH&CH) cho tất cả nhóm chúng tôi viết một bài luận văn để khảo sát năng lực. Kết quả, ông nói sẽ chọn tôi về làm việc với ông, và tính toán sắp xếp đơn vị cho những người còn lại. Nhưng rồi Khối Nhân viên/BTLKQ cho biết không thể xin đích danh một ai. Theo quy định, các tân sĩ quan đều phải qua bên đó bắt thăm chọn đơn vị để bảo đảm khách quan và sự công bằng.
Lúc tiến hành việc này, chúng tôi hoàn toàn được tự do và thoải mái trong việc trao đổi với nhau tờ thăm có sẵn tên đơn vị mà mình đã bắt được, trước khi nộp lại cho Sĩ quan phụ trách việc bắt thăm ghi vào Biên bản chính thức. Các tờ thăm gồm đủ tất cả Khối CTCT các SĐ KQ và Căn cứ trực thuộc. Tờ thăm tôi bắt được ghi tên đơn vị không phải Khối CTCT/BTLKQ mà là nơi khác, ở ngoài Nha Trang. Các anh em kia trong nhóm chúng tôi, gia đình ở các tỉnh, có người lại bắt thăm trúng CTCT/Liên đoàn Kiểm báo trong phạm vi Căn cứ Tân Sơn Nhất. Cũng có trường hợp chỗ này nơi kia, không gần với địa phương đang cư trú.
Đổi qua đổi lại cho nhau, người có thăm ghi đơn vị là Khối CTCT/ BTLKQ, cùng Đại đội Sinh viên Sĩ quan hồi trên quân trường, xin đổi lá thăm đơn vị Liên đoàn Kiểm báo TSN mà tôi cũng vừa đổi được từ một người khác. Anh ấy nói không dám ở gần mặt trời, chỉ có tôi may ra mới đủ sức để trụ lại nơi này, chắc nhớ việc tôi đã suýt được chọn trước đó.
Ông bạn thân thiết xóm nhỏ Nguyễn Hữu Thiện của tôi chọn đi Căn cứ 92 Pleiku cho thỏa mãn mộng giang hồ hằng khao khát bấy lâu nay. Khoảng hai năm sau chàng mới chuyển về Khối CTCT Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ dưới Biên Hòa, gặp lại ông bạn Nguyễn Kỳ Dzương là Quân cảnh ở SĐ3KQ.
Nguyễn Kỳ Dzương sau ngày 30 tháng 4, đi tù cải tạo về rồi vượt biên thành công. Sang đến Hoa Kỳ, có chí tiến thủ học hành thêm, trở thành giáo sư dậy Đại học. Khi nghỉ hưu, hoạt động hội đoàn, đoàn thể Cựu Quân nhân QLVNCH trong Cộng động Tỵ nạn. Được bầu là Hội trưởng Hội Quân Cảnh Không Quân và Tổng Hội trưởng Tổng Hội Quân Cảnh bên Cali.
Còn Nguyễn Hữu Thiện thì cũng gần sáu năm tù cải tạo. Khi ra tù được hơn năm, tổ chức vượt biển trót lọt. Đi định cư tại tiểu bang Victoria, Úc Đại Lợi, cuộc sống ổn định tốt đẹp. Vợ chồng con cái dâu rể cháu nội ngoại đề huề. Ông này thuộc mẫu người xông xáo, tháo vát, nhiều tài. Đã từ lâu là khuôn mặt quen thuộc trong các sinh hoạt của cựu quân nhân Không Quân Việt Nam tại Úc Châu: là Tổng Thư ký trong Ban Chấp Hành Liên Hội Ái Hữu Không Quân Úc Châu và Hội Ái hữu KQ Victoria, trong nhóm Chủ trương Biên tập báo Lý Tưởng Úc Châu cũng như Ban Thực hiện Quyển Quân Sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, một công trình biên soan rất công phu đầy giá trị… Ông bạn tôi, Nguyễn Hữu Thiện còn là một tác giả quen thuộc của Trang mạng Hội Quán Phi Dũng; là một phây-bút vui nhộn, luôn có rất nhiều comment hoan hô tán thưởng thường xuyên, mỗi khi phóng bút.
Tôi chính thức làm việc tại Phòng Kế Hoạch & Chính Huấn Khối CTCT/BTLKQ từ đó và gắn liền với nơi đây cùng bao kỷ niệm nhớ mãi.
là đường vào Giáo xứ Bùi Phát, xa hơn nữa là Cổng xe lửa số 6, rồi Nhà thờ ba chuông..., cuối cùng là Lăng Cha Cả
Cái xóm nhỏ thân yêu của tôi nằm sát cạnh bờ kênh Nhiêu Lộc, đi từ ngoài Cổng xe lửa số 6 Phú Nhuận vào, dọc theo đường xe lửa độ vài trăm thước, đến mãi tuốt bên trong sâu, thêm một ngõ quẹo nữa mới tới, có khoảng vài trăm nóc gia thôi. Có một lối vào khác, phía bên đầu hẻm đường Nguyễn Huỳnh Đức, băng qua những dẫy nhà khu cư xá Kiến thiết. Đây là một xóm lao động bình dị như bao xóm ngõ khác. Vậy mà cũng có được anh chàng Không quân đầu tiên là tôi và ông bạn thân thiết Nguyễn Hữu Thiện như vậy đấy. Thật ra cả xóm ngày ấy cũng ít thấy bóng dáng lính tráng, chỉ có một hai anh lớn tuổi, quân nhân phục vụ văn phòng ở đơn vị Hành chánh Quân đội nào đó. Mãi sau nữa mới lại có thêm những ông Không Quân khác, gồm nhiều thành phần.
Khi bạn tôi Nguyễn Hữu Thiện đi đơn vị rồi, hàng ngày nơi xóm nhỏ, chỉ còn lại mỗi một anh chàng Không Quân tôi một cõi đi về thôi, nên dường như có vẻ nổi bật.
Một lần, mấy cô học trò Trưng Vương tinh ranh láu lỉnh, cũng thân quen vì cùng xóm lâu ngày, đã cắc cớ hỏi tôi:
_ Anh đi lính Không Quân, vậy lái loại máy bay gì đấy?
Tôi trả lời tỉnh khô:
_ Tầu bay giấy!
Thế là các cô cười rúc rích rồi im re, vì cứ ngỡ rằng sẽ có một câu trả lời ngọng nghịu, ngẩn tò te nào đó. Chắc hẳn trong tâm trí, các cô mình cũng muốn xóm nhỏ có được hình ảnh một ông anh Không Quân bay bổng hào hoa chứ không cà là mèng như tôi. Tôi không nói gì về ngành Không phi hành vì thấy chẳng cần thiết với mấy cô học trò chỉ xếp sau quỷ và ma.
Chừng đâu gần hai năm sau, xóm nhỏ cũng có được vài ông phi công, cũng là chỗ bạn bè thân quen.
Phạm Thanh Từ, dưới Cái Sắn lên trọ học ở nhà người anh trong xóm tôi, bỏ dở việc học tại Ban Toán Đại học Khoa học, vào Không Quân trở thành phi công bay Vận tải, phục vụ tại một Phi đoàn Vận tải Võ trang AC thuộc SĐ5KQ. (Ông bạn tôi mới mất cách nay vài năm bên Dallas).
Trường hợp Nguyễn Văn Vinh, nhà ở mé ngoài, sau lưng nhà thờ Tân Hòa mới có chuyện để nói. Ông này người cao ráo rất đẹp giai, là con trai duy nhất của một bà mẹ góa, được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, đang còn học hành ngon lành, thấy Không Quân có thông báo tuyển phi công đi Hoa kỳ học lái Trực Thăng nên ghi tên ứng tuyển và được tuyển chọn liền. Học xong về nước, ra đơn vị bay bổng đánh đấm mới được đâu vài tháng thì hy sinh trong một phi vụ hành quân. Mấy ngày tang lễ bạn mình, khi không vướng bận chuyện gì, tôi thường sang nhà bạn để phụ giúp các công việc. Một lần, bất chợt bà mẹ hắn ôm chặt vai tôi, vừa mếu máo vừa kể lể rằng tại sao hắn không đi thứ lính như tôi, mà lại bay bổng làm gì, bây giờ để bà lại trơ trọi một thân một mình. Tôi lặng người không nói nên lời. Làm sao khác được, chiến tranh là thế đấy. Chắc hẳn bà nhớ đến hình ảnh anh chàng Không Quân khác là tôi, vẫn thường ngày đi về trong xóm nhỏ.
Nói về chuyện hy sinh đền nợ nước thì vô chừng. Một người bạn khác, Vũ Kim Lâm, ở cách nhà tôi vài dẫy nhà, con trai út trong gia đình đã có ba người anh trong quân ngũ mà một là tử sĩ, cũng có mẹ là một bà góa, tình nguyện nhập ngũ Khóa 1/69 trước tôi, ra trường về SĐ 9 Bộ Binh dưới Sa Đéc. Tết năm đó về phép chúng tôi còn gặp nhau, ra quán cà phê đầu hẻm ngồi nói chuyện đời lính, tuần sau về đơn vị đi hành quân đụng trận là xong luôn. Tiếp theo, trước ngày Nguyễn Văn Vinh tử trận vài tháng, một người em ruột tôi, Trung đội trưởng Bộ Binh, cũng hy sinh đền nợ nước vùng Dầu Tiếng.
Sự hy sinh nơi chiến địa không dành riêng cho mầu chiến y của một thành phần chiến binh nào.
Cùng thời gian, tôi còn có hai người bạn thời Trung học (Trần Minh Cảnh và Thái Bá Thanh, em Tr/tá Thái Bá Đệ SĐ 1 KQ), vào Không Quân, cũng dân Trực Thăng dưới SĐ 3 KQ Biên Hòa, bay hành quân dọc ngang liên miên khắp các mặt trận, vẫn được bình yên vô sự, chẳng sứt mẻ tí nào, vậy đấy.
Thêm một dịp tôi nhớ đến ngành Không Phi hành của mình.
Từ chữ nghĩa Không phi hành, bất giác tôi đã mỉm cười khi liên tưởng và nhớ đến kỷ niệm nho nhỏ trước đây, dường như nó vận vào mình.
Chẳng là sau biến cố chính trị 1.11.1963, lật đổ Chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm, bố tôi là công chức nhưng có dính dáng thêm tí chút “Cần lao Nhân vị” nên bị thất sủng. Ông chán đời xin nghỉ việc ở nhà. Đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, mẹ tôi xoay sở việc bán bánh cuốn buổi sáng tại ngôi chợ nhỏ gần nhà.
Hàng ngày sau khi đi học về, buổi chiều tôi có nhiệm vụ mang mấy ký gạo đã ngâm từ đêm hôm trước, đi sang lò bún nằm trong khu xóm dọc theo đường xe lửa bên kia Cống bà Xếp kênh Nhiêu Lộc, để xay thành bột nước, thứ nguyên liệu dùng để tráng bánh cuốn.
Trong món ăn này, ngoài mấy thứ phụ gia, phụ liệu khác, không thể nào thiếu hành phi. Làm hành phi đòi hỏi nhiều công sức lắm: ngồi tỉ mẩn bóc sạch vỏ từng củ một cho hết cả rổ hành, rồi thái mỏng bằng dao thật sắc. Xong xuôi mới đến công đoạn phi hành, nghĩa là đợi lúc chảo mỡ đủ độ sôi cần thiết, thả từng mẻ hành đã thái vào. Phải chú ý luôn tay khuấy đảo để hành không bao giờ bị cháy đen lỗ chỗ mà phải có cùng mầu vàng xuộm bắt mắt thơm lừng. Công việc này được giao cho chị tôi đảm nhận. Nói vui, như vậy là tôi đã thuộc thành phần không phi hành từ hồi đó rồi.
Khi vào Không Quân, anh chàng Không quân xóm nhỏ tôi chính thức trở thành người lính Không phi hành, làm việc văn phòng từ những vận may bất ngờ như vậy đấy.
*
Tại Phòng Kế Hoạch & Chính Huấn, tôi nhanh chóng bắt kịp và hòa nhập ngay với công việc. Ngay ngày đầu, Th/tá Hoàng Song Liêm, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, do mấy người bạn tôi quen, làm việc dưới quyền ông giới thiệu, nên cũng muốn xin tôi để tăng cường cho Ban Biên tập Nguyệt san Lý Tưởng mà Phòng ông phụ trách, nhưng vì đã chấm tôi từ trước, sếp Bùi Hoàng Khải, Trưởng Phòng KH&CH từ chối. Không tham gia trực tiếp, nhưng tôi cũng đồng thời trở thành một cộng tác viên của tờ Lý Tưởng.
Tại môi trường làm việc văn phòng, tôi quen dần với các loại văn thư trong quân đội như các biểu mẫu, phiếu trình, phiếu tham khảo, phiếu lưu ý, phiếu gửi…, công điện, bưu điệp. Khi soạn thảo văn thư cũng nắm vững các quy tắc hành văn, câu chữ… liên quan cần thiết cho mỗi loại.
Khoảng sáu, bẩy tháng sau, tôi và tất cả số tân chuẩn úy cùng khóa từ Trường Bộ Binh Thủ Đức chuyển sang, cộng thêm mấy ông sĩ quan khác trong ngành thuộc các đơn vị, chưa đi thụ huấn khóa học chuyên môn nào về CTCT, được gửi lên Trường Đại học CTCT Đà Lạt theo học Khóa 8 Sĩ quan Căn Bản CTCT để có được Chỉ số Chuyên nghiệp hay còn gọi Ám số Quân sự trong hồ sơ quân bạ. Gần cuối khóa, tôi đoạt cả hai giải Thuyết trình và Biện luận; ông bạn Phan Lạc Giang Đông đoạt giải nhì Thuyết trình.
Khóa học chỉ hơn hai tháng nhưng cũng thêm một kỷ niệm thật đẹp đời lính Không Quân xóm nhỏ của tôi.
Mãn khóa học này về lại đơn vị chưa được bao lâu, Phòng Kế Hoạch & Chính Huấn thành lập Đoàn Công Tác Chính Huấn, nhằm tăng cường hoạt động yểm trợ sinh hoạt CTCT cho các đơn vị trong giai đoạn mới. Trưởng đoàn khi ấy là Đ/úy Trần Như Đẩu (sau lên Th/tá), gốc phi công Trực thăng dưới SĐ 4 KQ chuyển về. Tôi được giao nhiệm vụ Phụ tá, kiêm nhiệm Trưởng Ban Biên Soạn Tài Liệu & Thuyết Trình.
Để phối hợp công tác Học tập Chính trị, cổ võ sĩ khí, tinh thần chiến đấu, phục vụ, tình huynh đệ chi binh… cho anh em quân nhân được thêm phong phú, qua những buổi sinh hoạt CTCT tại các đơn vị Không Quân, ngoài phần Thuyết trình và thảo luận về đề tài, còn có Toán Chiến Sĩ Ca, đảm trách phần văn nghệ chủ đề với những bài hùng ca, chiến đấu ca, tình ca quê hương… rất được tán thưởng.
Toán này do anh Ngô Mạnh Thu Th/s I bên Nhạc đoàn KQ, cũng thuộc Khối CTCT/BTLKQ, được đưa sang Đoàn Công Tác Chính Huấn để phụ trách. Anh xuất thân Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn, từng là Trưởng Xưởng Du Ca trong Phong Trào Du Ca, nên quá dầy dạn kinh nghiệm. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, Trưởng Phong Trào Du Ca, tác giả bản hùng ca Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, động viên nhập ngũ phục vụ bên Cuc Chính Huấn, Tổng cục CTCT, thỉnh thoảng cũng đưa một Toán nữ Huấn đạo bên ấy cùng đi công tác với chúng tôi, tăng cường sinh hoạt cho Không Quân.
Toán Chiến Sĩ Ca quy tụ nhiều khuôn mặt nổi bật của Phong trào Nhạc trẻ Sài Gòn mới vừa nhập ngũ vào KQ thời gian đó như Minh Phúc, Nguyễn Quốc Trí, Nguyễn Trung Cang (sáng lập Ban nhạc Phượng Hoàng), ba anh em Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng (Ban nhạc The Dreamers, gia đình nhạc sĩ Phạm Duy)… Và có mấy cô nữ ca sĩ được tuyển thêm do sự giới thiệu của các thân hữu như: Thu Nguyệt, Cát Dung (gốc thuộc Đoàn Văn Công Chí Linh Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Vũng Tầu), Thế Dung (ca sĩ nhạc trẻ).
Cùng sinh hoạt lâu ngày chung với nhau nên chúng tôi thân tình gần gũi, có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhất là những chuyến đi công tác các đơn vị…
Tôi nhớ mãi lần đó tại một Không Đoàn Chiến Thuật, chúng tôi thực hiện Buổi sinh hoạt Học tập về Chính trị Thời sự và nhiệm vụ của KQ trong giai đoạn khó khăn, sau khi ký kết Hiệp định Paris 27 tháng Giêng năm 1973. Chương trình mới bắt đầu chưa được bao lâu thì có mấy phi công phải bỏ dở để đi bay tăng cường yểm trợ hành quân. Khoảng nửa tiếng sau, qua tin tức vô tuyến điện báo về cho biết một cánh chim trong số mấy phi công đó vừa gẫy cánh trên vùng trời lửa đạn. Chương trình ngừng lại giây lát, hoàn toàn thinh lặng để tưởng niệm. Trong anh em chúng tôi, có tiếng đàn guitar thùng dạo nhè nhẹ và một tiếng hát cất lên:
…Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây. Đã vui chơi trong cuộc đời này. Đã bay cao trong vòm trời đầy. Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai, không có ai từng ngày, không có ai đời đời…… Rồi từ đó trong trời rộng đã vắng anh… Anh nằm xuống như một lần vào viễn du. Đứa con xưa đã tìm về nhà… Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang. (Hát Cho Một Người Vừa Nằm Xuống_Trịnh Công Sơn)
Bài hát kết thúc trong bầu khí im lặng bi tráng trầm hùng. Nhưng sau đó, thời gian còn lại tiếp theo của chương trình là sự sôi sục tinh thần vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu đầy khí thế của các phi công hiện diện.
*
Cũng nhờ thường đi đến các đơn vị KQ để thực hiện những buổi sinh hoạt học tập chính trị, kể cả các Căn cứ Chiến thuật, Biệt đội… đồn trú ở mọi tỉnh thành, từ Biên Hòa, Pleiku, Nha Trang, Đà Nẵng, Cần Thơ cho đến Phù Cát, Phan Rang, Sóc Trăng, Sơn Trà…, tôi mới được biết nhiều thành phố, địa danh, mà nếu ở ngoài dân sự, chưa chắc có dịp nào đặt chân đến, vì nhân mỗi chuyến đi công tác như thế, lại có thêm một lần được thăm danh lam thắng cảnh địa phương.
Thời gian không đi công tác,Toán Chiến Sĩ Ca tập luyện các bài hát mới cho chương trình. Riêng tôi, ngoài lúc phụ giúp việc văn thư của phòng, luôn để thời gian tìm kiếm, thu thập tài liệu trên sách báo hầu biên soạn các đề tài cần thiết. Thêm nữa, vì có niềm vui với thơ văn hồi còn đi học, nơi môi trường mới, tôi lại được dịp tiếp tục thực hiện niềm vui của mình qua các sáng tác thơ, truyện về đời sống và các sinh hoạt của Không Quân, từ chất liệu những thực tế đã quan sát và ghi nhận đây đó chung quanh những chuyến đi công tác. Tuy không đều đặn thường xuyên, nhưng khi bài vở viết xong, gửi cho Lý Tưởng hoặc tờ Cánh Thép bên CTCT/SĐ 5 KQ do Tr/úy Hoàng Như An phụ trách. Tôi thân quen anh khi cùng theo học Khóa CTCT trên Đà Lạt.
Cũng từ chuyện chữ nghĩa và sinh hoạt thêm với tờ Lý Tưởng, tôi có sự thân tình với các anh em trong Ban Biên tập Nguyệt san Lý Tưởng, cũng như mấy hiền huynh khác, Không Quân kỳ cựu và là những cây bút cộng tác viên thường xuyên của tờ báo như anh Dương Hùng Cường, Đạo Cù (Tr/tá Trần Tam Tiệp), Đào Vũ Anh Hùng (Th/tá Đào Bá Hùng), thành dây mơ rễ má cho tới mãi sau này.
Mọi thứ cứ êm xuôi tiếp diễn cho đến khi có những thay đổi.
Đầu năm 1974, Khối CTCT/BTLKQ có đợt thuyên chuyển đi đơn vị vài nhân sự đứng đầu các Phòng, Ban thuộc Phòng Chính Huấn và Phòng Tâm Lý Chiến. Sau lần đó, ngoài nhiệm vụ và công việc như cũ, tôi được giao thêm làm Thư ký tòa soạn tờ Lý Tưởng và cũng là người phụ trách công việc này sau cùng, vì thời gian tiếp theo đã xẩy đến những biến chuyển trọng đại của thời cuộc, làm biến đổi Quân chủng Không Quân cũng như vận mệnh đất nước, rồi kết thúc với ngày 30 tháng Tư năm 1975 đau buồn bi thương ấy, như tất cả mọi người đều biết.
Đọng lại từng kỷ niệm đâu thể nào quên giữa bối cảnh như thế, tưởng chừng như vừa mới đây thôi.
Thời gian ấy, sau khi có Hiệp Định Paris 27.01.1973, đất nước bắt đầu gặp những bất lợi khó khăn về chính trị và quân sự. Tiếp đến là sự thất thế trên các chiến trường hồi đầu năm 1975, đưa đến cuộc triệt thoái chiến lược Cao Nguyên, Quân Đoàn I, Vùng I Chiến Thuật… các đơn vị Quân đội trong đó có Không Quân và người dân tại những nơi ấy phải lần lượt di tản ào ạt, hoảng loạn. Từng địa phương mất dần vào tay Cộng sản.
Buổi sáng ngày thứ ba 08.4.1975 tại văn phòng, khi tôi đang cùng các anh em trong Ban Biên tập và Tòa soạn Lý Tưởng phân lọc, sắp xếp các bài vở, hình ảnh… chuẩn bị cho số báo đặc biệt sắp ra với chủ đề: ”Không Quân Giữa Những Ngày Quê Hương Thương Khó”, bỗng nghe tin về việc Dinh Độc Lập vừa bị ném bom. Chưa kịp hết bàng hoàng xôn xao, chúng tôi được lệnh khẩn cấp soạn thảo Bản Thông báo để đưa phổ biến ngoài Đài Phát thanh & Truyền Hình trong thời gian sớm nhất. Liền đó, được các cơ quan thẩm quyền cung cấp tức thời chi tiết liên quan đến thủ phạm thực hiện vụ ném bom: phi công Nguyễn Thành Trung thuộc một Phi Đoàn dưới SĐ 3 KQ; cùng với sự dặn dò về nội dung cần thiết. Bản Thông báo được phê duyệt, trong đó nội dung nhấn mạnh việc ném bom Dinh Độc Lập ấy chỉ là hành động phản loạn nhất thời của một cá nhân riêng lẻ. Sở dĩ có nội dung như vậy là vì cùng thời gian, bên cạnh nhiều thứ tin tức chính trị, thời sự vỉa hè, có dư luận xầm xì liên quan đến một nhân vật Không Quân trong việc phản đối Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Đây là văn thư cuối cùng tôi góp phần soạn thảo, cùng với số báo Lý Tưởng đang còn dở dang chưa thực hiện hoàn tất, dù đã chuẩn bị đưa đi nhà in. Những ngày còn lại của tháng Tư năm 1975 ấy là những ngày hoang mang cùng cực với những biến động dồn dập bên ngoài và ngay trong phạm vi Căn cứ Tân Sơn Nhất. Và rồi…
Sáng ngày 30.4.1975, không thể nào vào được trong trại vì nơi các cổng ra vào, hàng rào kẽm gai phòng thủ đã kéo ngang đóng chận lại hết, tôi đứng tần ngần một lát giữa đám đông anh em Không Quân rồi quay về nhà. Cũng ngay buổi sáng hôm đó, cũng như tất cả các anh em quân nhân khác, tôi thẫn thờ cởi bỏ bộ quân phục Không Quân, chấm dứt đời lính của một anh chàng Không Quân xóm nhỏ.
Rồi sau đấy là hai lần đi tù dưới chế độ Cộng sản (tù cải tạo tháng 6/1975 - tháng1/1981, án tù 4 năm từ tháng 4/1984 - tháng 4/1988 vì cùng với anh Dương Hùng Cường tham gia việc liên lạc và gửi các bài viết chống chế độ Cộng sản ra hải ngoại cho Văn Bút Việt Nam bên Paris, khi ấy do cựu Tr/tá Trần Tam Tiệp, cũng là một hiền huynh Không Quân ngày trước làm Tổng Thư Ký) đằng đẵng kéo dài tổng cộng gần mười năm, cùng thời gian dài vất vưởng trong xã hội đầy nhiễu nhương. Gia đình tôi đi Hoa Kỳ định cư muộn màng vào cuối năm 2006, một trong những chuyến tầu vét của Chương trình H.O.
Trong hoàn cảnh những ngày tháng đó, tôi luôn nhớ về Không Quân và hãnh diện vì mình từng là Không Quân, dù chỉ là anh chàng Không Quân xóm nhỏ.
*
Thời gian phục vụ Không Quân, công việc cũng bình thường, chẳng có gì nổi trội xuất sắc, chỉ là một anh chàng Không Quân xóm nhỏ làm việc văn phòng, nhưng tôi biết chắc một điều đơn giản là tôi đã làm tròn bổn phận. Tôi luôn hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao, không bao giờ bê trễ. Chưa khi nào tôi bị cấp trên nhắc nhở, khiển trách. Chưa lần nào vi phạm quân phong quân kỷ để bị kỷ luật. Hãnh diện khoe kể một chút là tôi luôn được tất cả mọi người chung quanh yêu thương quý mến và tận tình giúp đỡ khi cần thiết.
Có lẽ biến cố trong đại và dấu tích lớn nhất cuộc đời anh chàng Không Quân xóm nhỏ tôi là chuyện lấy vợ, đám cưới ngày 13 tháng Giêng năm 1973. Cô dâu là thân mẫu các con tôi, bà nội, bà ngoại các cháu của tôi bây giờ. Ngày ấy thân hữu Không Quân đăng lời chúc mừng trên báo đùa vui rằng tôi lấy vợ để chào mừng Hiệp định Paris sắp được ký kết (Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam ký ngày 27.01.1973).
Thời gian đó, anh chàng Không quân xóm nhỏ tôi không phải là mẫu hình tượng lý tưởng anh trai tiền tuyến, vậy mà cũng có một cô em gái hậu phương, nhà mãi bên Hàng Sanh, do bạn bè thân quen giới thiệu đưa đẩy, rồi không biết vì nhầm lẫn hay dại dột khi nghe lời tán tỉnh mà xiêu lòng rồi yêu và can đảm dám nhận lời về làm vợ tôi. Tôi cũng từng cẩn thận cảnh báo rằng yêu tôi rồi làm vợ tôi sẽ chẳng sung sướng gì đâu đấy, mà có thể khổ hạnh suốt cả đời không chừng. Nhưng nàng vẫn cương quyết bảo đã yêu là cứ yêu, khổ mấy cũng nhận chịu được, nhất định cho đến cuối đời, lúc nào cũng có nhau bên nhau, luôn đi cạnh nhau. Đúng thế thật, nàng đã giữ trọn lời hứa ấy. Sau hơn năm mươi mốt năm ngày cưới, qua bao nhiều khổ hạnh, cho đến bây giờ, đi đâu chúng tôi cũng có nhau bên nhau. Nói cho ra vẻ tình tứ lãng mạn chứ hiện nay, vợ chồng già ngụ cư ở thành phố Rít-mông (Richmond) bên hông Houston Texas, hàng tuần chỉ bên nhau đi nhà thờ tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật, sang khu chợ Việt Nam mua bó rau muống, hay đúng ngày hẹn đến bác sĩ khám sức khỏe định kỳ, tới nhà thuốc lấy thuốc refill về uống. Vậy thôi.
Nhớ lại chuyện lấy vợ ngày ấy của anh chàng Không Quân xóm nhỏ tôi, có bao nhiều điều để nói. Hàng tháng, lương lính tính liền lấy đâu ra mà dư dả dành dụm trước. Bố mẹ cũng chẳng khá giả gì, gia đình chỉ vừa đủ ăn đủ tiêu. Cưới hỏi thì bao nhiêu việc phải suy nghĩ, từ khoản chút ít tiền bạc cần có sẵn, cho đến địa điểm tổ chức tiệc cưới. Cứ suy nghĩ miên man và tâm sự với mấy người thân thiết chung quanh. Một ông Th/sĩ già nhanh chóng giúp liền ngay kế sách, đứng ra rủ mời nhiều người khác trong phạm vi khu gia binh gia đình ông cư ngụ, cùng tham gia một “dây hụi” để cho tôi là người “hốt” đầu. Tôi sớm có được một khoản tiền chi dùng mấy việc cần thiết, nhờ kiểu tín dụng bình dân này mà trước đây chỉ biết loáng thoáng.
Bố vợ tương lai của tôi là công chức trung cấp tại Tổng Nha Ngân Sách & Ngoại Viện, Bộ Tài Chánh, ông sẽ mời dự tiệc cưới cô con gái cưng đầu lòng nhiều vị khách từ các mối giao thiệp xã hội, nên khi tôi ngỏ ý sẽ xin phép tổ chức tiệc cưới tại Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, bên trong phạm vi Căn cứ Tân Sơn Nhất, thay vì một nhà hàng vùng Chợ Lớn, ông rất vui. Cũng để ra vẻ là dân Không Quân chứ Câu lạc bộ ấy không phải là chỗ dành cho anh chàng Không Quân xóm nhỏ hạng xoàng như tôi. Được chấp thuận không có gì khó khăn, nhờ vẫn thường cùng anh em Ban Văn nghệ đến đây để phụ trách các Chương trình Văn nghệ tiếp tân cho Bộ Tư lệnh nên Ban Quản lý Câu lạc bộ đã quen mặt, lại còn bớt 10 % trên tổng chi phí nữa.
Tiệc cưới đêm hôm ấy của anh chàng Không Quân xóm nhỏ tôi có hai ban nhạc thời danh giúp vui: Ban The Dreamers (Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng…) và Ban Phượng Hoàng (Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà…), cộng thêm mấy cô nữ ca sĩ nữa mà không ai lấy thù lao, vì đều là chỗ thân tình quý mến, cùng chung đơn vị phục vụ từ lâu, như tôi có giới thiệu bên trên.
Xôm trò quá xá. Nhiều khách dự tiệc không biết rõ, cứ tưởng chú rể là một ông Không Quân ngon lành lắm, đâu biết thực ra chỉ là một anh chàng Không Quân xóm nhỏ, có được những điều ấy hoàn toàn do may mắn và được sự thương mến giúp đỡ của các anh em huynh đệ.
*
Nếu đừng có cái ngày 30 tháng Tư năm 1975 quái quỷ ấy xẩy ra thì… Nhưng làm sao khác đi được, lịch sử đất nước, trong đó có Quân chủng Không Quân đã phải nhận lấy một sự thật trong hoàn cảnh phũ phàng đắng cay như thế đấy.
Trong cuộc sống, có những diễn tiến trọn vẹn tốt đẹp từ khi khởi đầu cho đến lúc kết thúc. Nhưng cũng có những điều chuyện phải dở dang ngoài ý muốn để rồi cứ nhớ mãi không thôi.
Đi từ những năm tháng chuẩn bị Hình thành, rồi lần lượt qua từng giai đoạn Phát Triển, Hiện Đại hóa, Bành Trướng…, Không Quân Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc, có thời gian được xếp vào loại một trong những Không Lực hùng mạnh tại Á Châu.
Những đôi cánh sắt tung hoành dọc ngang khắp vùng trời tổ quốc thân yêu, đã cùng với các lực lượng quân bạn chiến đấu hàng ngày trên chiến địa, bảo vệ vững chắc từng tấc đất lãnh thổ. Biết bao chiến tích huy hoàng lẫy lừng có phần đóng góp của Không Quân, trong đó có xác thân của những cánh chim quê hương mà chiến sử trân trọng ghi chép.
Và rồi như đã viết, Hiệp định Paris 27.01.1973 đưa đến những hệ lụy bất lợi cho phía chính nghĩa Việt Nam Cộng Hòa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lãnh vực hoạt động, nhất là quân sự, Không Quân không tránh khỏi điều đó. Rõ ràng nhất là thái độ quay lưng của đồng minh Hoa Kỳ, đã cắt giảm các nguồn tiếp trợ chiến cụ, không còn dồi dào đầy đủ như trước. Trong khi đó, phía Cộng sản Bắc Việt xâm lăng hiếu chiến, vẫn được Tầu cộng và Liên sô ngấm ngầm chi viện, càng ra sức tấn công mạnh mẽ không ngừng nghỉ.
Có một thời gian Không Quân ở vào tình trang phải “đình động” kéo dài. Và chấm hết trong hoàn cảnh nghiệt ngã, dầu sôi lửa bỏng ấy của lịch sử đất nước, làm tan đàn sẻ nghé. Đàn chim vỡ tổ tan tác bay đi mưôn phương.
Để rồi từ mọi nơi chỗ đây đó, qua từng thời gian, dù giữa hoàn cảnh cuộc sống như thế nào, mỗi một người Không Quân, có bao giờ quên được những năm tháng buồn vui phi trường ấy của mình nơi đơn vị, phần sở, bên cạnh các đồng đội thân yêu. Những gợi nhắc bất chợt, như vào một ngày kỷ niệm riêng tư nào đấy, nhất là Ngày Không Lực 1.7 hằng năm của Quân chủng, làm cho tất cả ngày tháng cũ của từng người lại ùa về trọn vẹn trong hồi tưởng như một cuốn phim.
Vũ Ngô Khánh Truật (đứng), Khóa 65C
Nơi góc nhỏ chốn tha hương xứ người, tôi, một người lính Không Quân tầm thường thôi, anh chàng Không Quân xóm nhỏ ngày xưa ấy, nhưng cũng vẫn luôn mãi nhớ ơi là nhớ Không Quân của mình.
Xin cám ơn các vị chỉ huy KQ kính mến, các hiền huynh thân quý, các hiền hữu và những anh em huynh đệ thương yêu của một thời Không Quân của tôi, anh chàng Không quân xóm nhỏ.
Xin chân thành tưởng nhớ những người đã không còn hiện diện trên trần thế này.
ngọc tự
(KQ Trần Ngọc Tự)
Richmond, Texas. Tháng 5/2024.
(Forumpost: Không Quân và anh chàng Không Quân xóm nhỏ. )