Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Vận May Thử Lửa - Nguyễn Phú Chính - Lôi Thanh 01

Posted by January 21, 2022 1934

Vận May Thời Thử Lửa (1)

Nguyễn Phú Chính - Lôi Thanh 01


***

(Tôi viết bài này năm 2012 và hiệu đính Tháng 01/2022)


Vừa mới qua năm 2022 mấy ngày, trời San Jose âm u, mưa rĩ rã ngày đêm, trước tai họa lớn nhứt của nhân loại: dịch Covid-19 Tàu, hoành hành cả thế giới hơn 2 năm nay. Gần 282 triệu người bị nhiễm cộng vớihơn 5 triệu 4 tử vong, kinh tế xuống dốc, lạm phát gia tăng. Đây là mùa Đông thứ 31 của lần thứ ba tôi đến Mỹ, thứ 60 năm ngày nhập ngũ, là năm thứ 84 của cuộc đời. Nếu ví cuộc đời trăm năm với bốn mùa

Xuân-Hạ-Thu- Đông thì tôi đang ở vào nửa Mùa Đông. Thế hệ chúng tôi gánh trọn nỗi bất hạnh chung của đất nước nên mùa Xuân của chúng tôi gặp giông bão chiến tranh do Bắc phương hiếu chiến, vô thần gây ra, chôn vùi biết bao sinh mạng đang tuổi thanh xuân đầy hoài bảo. Sau 47 năm hòa bình và hơn 30 năm “đổi mới”, Việt Nam ngày nay chưa bằng những năm 1957-58 ở thế kỷ trước của VNCH về tự do, dân chủ. Sau 13 năm 19 ngày trong quân ngũ, góp phần bảo vệ quê hương bằng mạng sống của chính mình với đôi lần đổ máu để sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, dù thân tôi còn nguyên vẹn, mà mất cả quê hương. Bản thân và gia đình tôi cùng chịu chung số phận hẩm hiu, tù đày, đói khát với toàn thể đồng bào Miền Nam thân yêu. Thật đúng với hai câu thơ được truyền khẩu ở quê mà ba tôi thường luận bàn:


“Sàigòn con Quốc(cuốc) quá sang,
Le le choáng ổ bạt ngàn sạch trơn” (1)

Nhân dịp nầy tôi kể cho quý bạn đôi chút về cuộc đời gian truân, lận đận của tôi. Nhờ may mắn và phước đức của ông bà để lại nên sau 2 lần bị thương, một lần bị bắn rớt, 5 lần máy bay tắt máy rớt, và hơn 9 năm trong ngục tù Cộng Sản bị lưu đày từ Nam ra Bắc, vào Nam, đói khát nơi rừng thiêng nước độc, giáp giới Tàu Cộng. Chắc chắn không phải do tôi tài giỏi hay nhiều kinh nghiệm mà đó là VẬN MAY, là phép lạ. Viết về mình rất khó, không tránh khỏi chủ quan, mong bỏ qua. Xin đa tạ!!!

Trên bức tường phía chân giường tôi treo những bức ảnh 5 loại trực thăng mà tôi đã chết sống với nó (OH-23, Ch-34, UH-1H, TH-55, Ch-47). Phía dưới là 2 tấm bản đồ thế giới và Việt Nam. Một số hình ảnh gia đình, bạn bè treo rải rác chung quanh các bức tường. Hơn chục bức tranh màu do tôi vẽ, vì nằm nhà tránh Covid. Chừng ấy hình ảnh đã gợi cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm trong cuộc đời.

Ngày 16 tháng 12 năm 1962 tôi đến Mỹ học Anh văn tại trường sinh ngữ Lackland AFB (Air Force Base) thành phố San Antonio, Texas. Đây là lần xuất ngoại đầu tiên đến một quốc gia tiên tiến nhất thế giới làm sao không bỡ ngỡ. Cái gì cũng mới, cũng lạ cần học hỏi. Sau 3 tháng xong khóa học, lãnh lương, ký giấy chuyển qua trường bay. Đến ngày ra đi, trường bay chỉ nhận 3 khóa sinh. Trần Quế Lâm, Tô Phùng Đạt, Nguyễn Văn Dũ đầu danh sách, lên trường bay trước, còn tôi, Phạm Ngọc Củng, Nguyễn Văn Phước “Xì” ở lại chờ. Đây là điềm mở màn trở ngại về sau. Ở lại học tà tà Anh Văn một tháng để chờ khóa sau.
Trường bay Fort Wolters cách Lackland AFB khoảng 5 giờ lái xe về hướng Bắc. Mineral Wells, Texas, một thành phố nhỏ 5 dậm phía Tây của trường, đơn sơ như bất cứ thị trấn nào mà chúng ta thường thấy trong những phim Cowboy Mỹ. Đây là căn cứ của Bộ Binh mà trường bay do Hãng dân sự Southern Air Way thầu dạy loại trực thăng OH-23 (observe helicopter). Họ chỉ nhận dạy những khóa sinh đã tốt nghiệp hoa tiêu trên phi cơ cánh ngang (fixed-wing). Riêng mấy đứa tôi là những sinh viên đầu tiên chưa có một giờ bay nào, được nhận học thí nghiệm mà chúng tôi có hay biết gì đâu. Sau nầy mới biết, những hoa tiêu VN kỳ cựu trên Morane-500 hay L-19 qua Mỹ học xuyên huấn trực thăng tại Căn cứ Stead AFB, Nevada. Riêng khóa đàn anh 61, trước khi đi Mỹ học trực thăng, đã qua khóa xuyên huấn 25 giờ bay L-19 tại Trung Tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang.

Một tháng đợi chờ rồi cũng qua mau. Chúng tôi đến trường bay, hăng hái làm thủ tục nhận lớp, nhận thầy. Hơn mười ngày quần thảo với chiếc trực thăng OH-23D, một con ngựa bất kham, chúng tôi mệt lả, rã rời. Không đứa nào bay tới giờ hạn định 12 giờ solo, đã bị loại rồi. Sáu anh chàng có bằng pilot hẳn hoi, hai ngoại quốc, bốn Mỹ chính gốc cũng cùng số phận. Tổng cộng 9/32 của khóa tôi bị loại.

Đêm nằm trằn trọc, suy nghĩ vẩn vơ. Đời tôi chưa bao giờ khổ sở như những ngày nầy. Tôi biết tay chân tôi không đến đổi tệ, nhưng giờ bay quá ít, chưa quen với máy bay đã bị loại. Tôi ra đời trong một gia đình trung nông, một tỉnh miền Hậu Giang sông nước. Đó là An Giang trù phú, chưa bao giờ nếm mùi chiến tranh, chưa bao giờ thiếu ăn, thiếu mặc. Thiếu làm sao được, làm ruộng: làm chơi, nhưng ăn thật. Một năm làm việc đồng áng không quá 4 tháng (2 tháng gieo, 2 tháng gặt) nghỉ 8 tháng, cũng dư thừa, nhà cửa khang trang. Dù lúa gạo dư thừa, nhưng hồi còn nhỏ tôi ăn cơm đổ, ba tôi thường nhắc nhở: “cơm là hột ngọc, ăn phí phạm, sau không có mà ăn”. Tôi có để ý đâu, nhưng sau 1975, nằm trong tù mới nghiệm ra lời ba tôi là đúng. Có lẽ ba tôi quan niệm: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ” nên việc học hành của tôi cũng tà tà vì anh tôi thích thì dạy, không thì đi đánh cờ, đá gà. Đi bắn chim, câu cá là sở trường của tôi. Anh tôi nuôi hoặc đi đá cá thia thia cũng không vắng mặt tôi. Mãi đến khi má tôi đưa tôi đi thăm dì Út cách nhà tôi chừng 5 km, trong thành phố Long xuyên, dì nói với má tôi: “Chị để thằng Chính lớn chồng ngồng rồi mà không học hành gi, coi sao đặng, chị Ba. Con Hoa và con Nở, con thằng Hai Lớn, gửi nhà em để ăn học. Chị coi con gái mà còn đi học, còn thằng Út của chị cứ long nhong hoài ”. Ba con Hoa là anh họ tôi. Là con út, “út mót” thì đúng hơn, vì khi chị tôi lên 6 tuổi, má mới sinh tôi nên được cưng lắm. Ba má tôi suy tính, bàn bạc vài hôm rồi quyết định gởi tôi ở nhà dì để học. Dượng tôi tuy là thương gia, nhưng cũng là cựu giáo viên nên ba má tôi tin tưởng hơn ở nhà chị hai tôi gần đó. Lúc nầy là tháng 10 tôi không xin vào được trường L’ecole primaire élementaire de Longxuyen (trường tiểu học Tỉnh) nên tôi học tạm ở trường đình Bình Đức gần đó. Sau khi thầy hiệu trưởng Nguyễn Tấn Trào “phỏng vấn”, tôi được thầy cho học lớp cao nhứt của trường do thầy dạy: Lớp Ba. Năm sau tôi vào được trường Tỉnh. Má tôi bảo tôi sáng dạ. Mẹ khen con là chuyện thường tình. Nhờ lớn tuổi và chăm học, nên tôi học gỉỏi, năm nào cũng đứng nhứt lớp, lãnh thưởng. Tôi mới nghiệm ra rằng học không cần thông minh xuất chúng, chỉ trên trung bình nhưng chăm chỉ, siêng năng thì có thể vượt bạn bè.

“Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín từng gươm báo trao tay
Nửa đêm truyền hịch chờ ngày xuất chinh”
(Chinh Phụ Ngâm: Đoàn Thị Điểm)

Thấy người ta học nhảy lớp đậu cao, tôi bắt chước lên Sài Gòn học nhảy (học bỏ lớp, không phải nhảy đầm ). Người ta học nhảy tới,nhảy lui, nhảy ra bác sĩ, còn tôi học nhảy qua nhảy lại, nhảy vào lính. Nói vậy chớ ba má tôi tin tưởng vào sự siêng năng của tôi lắm, bằng chứng là sau khi lấy xong chứng chỉ Dự Bị Dược Khoa, ba tôi cất ngay cái nhà gần nhà thương, để tương lai sẽ mở Pharmacy một bên, một bên để ở. Năm sau, học lấy chứng chỉ năm thứ nhứt, chưa tới đâu, lại chui đầu vào Không Quân, ra Nha Trang để bị “hành hạ.” (Nhà nầy sau khi “người anh em” trong “bưng” ra mượn tạm làm văn phòng Phường, rồi kết tội là nhà của Trung Tá Giặc Lái Ngụy, làm khó làm dễ, ban đêm xả súng vào nhà bể hết cửa kính mặt tiền. Cuối cùng chịu không nỗi, ba tôi phải bán cho chúng, rẻ như cho, vào năm 1981.)

Nghĩ đến đây tôi quá hối hận vì tuơng lai mù mịt. Trong cuộc sống thời học sinh, sinh viên, tôi không thiếu gì cả. Bạn bè có gì, xe gì, tôi có đó. Đời tôi chưa thi rớt lần nào. Thế mà bây giờ lại nếm mùi cay đắng. Nằm thao thức mãi, không sao ngủ được, bỗng có tiếng gõ cửa. Nhìn đồng hồ chỉ 3 giờ sáng, tôi hé cửa phòng. Thằng Diack, bạn cùng khóa, cũng bị loại, mặt buồn rười rượi năn nĩ tôi bán dĩa có bản nhạc nó vừa nghe. Nó bảo nghe buồn quá. Tôi lấy dĩa ra tặng nó. Nó cám ơn quá. Bản “Đêm Tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước do Thanh Thúy hát. Tôi pha café cùng nó uống, dịch sơ đại ý bản nhạc, và cùng chuyện trò tâm sự về sự thất bại của mình. Nó quyết định ngày mai không ra Hội Đồng. Nó bảo: “Tao Thiếu Úy Pilot. Tao không lái trực thăng được, trả tao về đơn vị lái fixed-wing, chứ tao đâu có phạm tội gì mà phải ra Board.”

Tôi khuyên nó nên ra Hội Đồng vì mình là quân nhân, cuối cùng nó nghe lời tôi. Phần tôi, nó bảo tôi cứ nói trở ngại Anh Ngữ, vì tôi là người ngoại quốc, hy vọng hơn, chứ nếu nói bay không được thì bị loại về nước ngay. Trước tôi, ba bạn Lâm, Đạt, Dũ cũng như trường hợp tôi… Ra Hội Đồng, ông chủ tịch hỏi tôi sao “you” bay không được? Tôi trả lời ngay: Ít giờ quá. Ông bảo nếu cho “you” 1000 giờ chắc “you” bay được chứ gì?? Tức quá, nhưng cũng ngậm miệng làm thinh. Ông hỏi tiếp: ở phòng “you” có nói tiếng Anh không? – No sir. Sao “you” không nói tiếng Anh?- vì tôi chỉ có 3 thằng ViệtNam, nên nói tiếng Việt cho đỡ nhớ nhà. Kết quả ra Hội Đồng: Mấy thằng bạn Mỹ bị loại về đơn vị cũ, 2 bạn ngoại quốc 1 xuống lớp, 1 về nước, còn 3 đứa tôi cũng bị loại, nhưng đuợc trở về Lackland AFB học lại Anh Văn như 3 bạn trước.


Học xong Anh Văn trở lại trường bay. Lần nầy học bay không trở ngại. Điểm ra trường cao. Ông G. Bonner, thầy tôi rất vừa lòng. Ông hiền hòa và rất thương tôi. Trong thời gian nầy, hai biến cố lịch sử làm thay đổi vận mệnh quê hương và chính trường nước Mỹ. Cuộc đảo chánh 1/11/1963 của các tướng lảnh lật đổ chính phủ hợp hiến của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhẫn tâm hạ sát ông và bào đệ của ông là cố vấn Ngô Đình Nhu. Các đài truyền hình Mỹ đều chiếu trực tiếp cảnh thủ đô Saigòn hớt hải, náo loạn. Các khóa sinh VN nghĩ bay, chỉ học địa huấn trong lớp mà thôi. Một tuần sau, chúng tôi bay lại bình thường. Một hôm vì thời thời tiết xấu, tuyết rơi nhiều, cả lớp đang ngồi chờ và xem TV trong phòng họp. TV đang chiếu trực tiếp Thổng Thống Kennedy đang viếng thăm thành phố Dallas. Vợ chồng tổng thống thật xứng đôi, trẻ, đẹp như tài tử điện ảnh. Dallas là thành phố lớn nhứt tiểu bang Texas, cách trường bay khoảng 60 dậm về hướng Đông mà cuối tuần chúng tôi thường đến đây giải trí. Xe Tổng Thống mui trần vừa đổ dốc, để chạy qua dưới cầu xa lộ, bổng dưng thấy ông gục xuống, anh cận vệ phóng người phủ lên mình ông. Thằng bạn cùng thầy với tôi, đập bàn cái rầm, khóc nức nở. Đoàn xe hộ tồng ngừng lại, bao quanh. Đây là cảnh chiếu trực tiếp chỉ một lần, sau đó TV khi lập lại chỉ chiếu đến lúc xe xuống dốc. Tôi nhìn quanh cả lớp hầu như ai cũng ứa lệ, tôi cũng bùi ngùi xúc động. Điều nầy nói lên sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với vị nguyên thủ quốc gia của họ. Đó là ngày 22/11/1963, chỉ 3 tuần lễ sau cuộc đảo chính tại VN do Mỹ chủ trương. Ông Kennedy là một trong vài tổng thống trẻ nhứt lịch sử Mỹ, đắc cử năm ông 44 tuổi. . Đến năm 1968, Thượng nghị sĩ Robert Francis Kennedy, em ruột của TT, đang vận động tranh cửa Tổng Thống tại California cũng bị ám sát chết. Như vậy có phải là quả báo chăng .Trong một tháng liền, trường tôi mỗi đầu giờ đều có thổi khúc kèn truy diệu. Nghe nhớ quê nhà, buồn não nuột.


Năm 1969-70 qua làm Sĩ Quan Liên Lạc, tôi gặp lại thầy tôi: ông G. Bonner và 3 thằng bạn cùng khóa: Diack, Jim Boot và Carter. Ông Bonner hiện là một Flight Commander của trường. Thằng Diack lên Đại úy Trưởng phòng Hành Quân của một phi đoàn quan sát, cũng đồn trú trong căn cứ nầy. Còn thằng Jim Boots đặc trách phòng Learning Center, chỉ dẫn cho khóa sinh VN học thêm, gần phòng tôi. Nó ăn tiết canh vịt và nước nắm như điên. Đặc biệt Debbie, vợ nó, Mỹ trắng mà nhảy Tango rất đẹp. Có lần vợ chồng nó mời tôi và một ít khóa sinh đến nhà nó làm tiết canh vịt và nấu ăn. Mấy sĩ quan khóa sinh rất rành nấu nướng vì đã ở các đơn vị tác chiến Bộ Binh. Trong bàn tiệc, Debbie ngồi giữa tôi và Boots. Nó vừa ăn muỗng tiết canh, xoay qua vợ nó, nhe răng cười:"delicious". Vợ nó:"terrible", mặt xanh như tàu lá, xĩu, ngã ngữa vào tôi. Boots và Carter đều đã giải ngũ , là thầy dân sự của trường. Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Carter: Theo tục lệ trường bay, khi khóa sinh được bay solo lần đầu, trên đường xe bus chở từ phi trường phụ(STAGE FIELD) trở về, bị bạn khiêng thẩy xuống hồ. Tới lần tôi được bay solo, bị thảy xuống hồ, áo bay uớt nhẹp. Khi lên bus, vô tình tôi ngồi kế thằng Carter, thấy tôi mừng hí hửng, nó bảo:” Ah boy! hai mươi mấy năm trước tao cũng solo như mầy” Thấy tôi ngạc nhiên, nó giải thích nó trước đây là Trung tá, vì sắp giải ngũ nhưng chưa đủ thâm niên quân vụ nên nó ghi danh ở lại quân đội với cầp bậc Warrant Officer (chuẩn úy “muôn năm”) để đủ 25 năm nó sẽ giải ngũ,tiền hưu cao hơn. Khi làm sĩ quan liên lạc, tôi nhớ có bay với một khóa sinh VN bị trở ngại. Thằng Tr/úy Suck, thầy của khóa sinh, phát cáu vì có học trò bay dở nên không có thiện cảm với tôi. Tôi phớt lờ mặc kệ. Khi bay về, gặp lại Carter, một huấn luyện viên kỳ cựu, lão luyện, đang dạy lớp nầy. Mừng quá, nó lôi tôi lên bục giới thiệu với thầy cả lớp, tôi là classmate của nó. Đến đó thằng Suck mới làm lành xin lỗi tôi.


Mãn khóa chúng tôi qua căn cứ Fort Rucker, tiểu bang Alabama, học bay loại CH-34 (Cargo Helicopter) đang sử dụng tại VN. Trường có trưyền thống hãnh diện với trường mình. Ngoài 2 chữ lớn Fort Rucker còn có 2 hàng chữ nhỏ hơn: “The largest heliport in the World” và “Above the Best”. Tôi có một kỷ niệm nhớ đời: là khóa sinh duy nhứt bay solo đêm lần đầu bay từ phi trường phụ (stage field) về Fort Rucker, bị thầy Cotton cự quá cỡ. Số là tôi bay đêm ride đầu với thầy ra stage field, cất, hạ cánh vài lần, thầy Cotton thả solo đêm, ông và thằng học trò thứ hai vào briefing room uống coffee đợi. Mới cất cánh và hạ cánh được 2 lần (thầy dặn 3 lần), Stage field bị mất điện, tối om. Đài kiểm soát ra lệnh tất cả máy bay phải bay về phi trường chánh. Vì solo đêm lần đầu nên cũng bấn loạn: nếu đáp phi đạo không đèn quá nguy hiểm, nhưng nếu chần chờ không theo kịp các máy bay khác thì làm sao nhớ hướng bay về mà cũng chưa bao giờ đáp đêm lần nào. Cuối cùng tôi quyết định bay theo các máy bay khác về. Một mình bay đêm, rất khó khăn vừa bay vừa đổi tần số đài kiểm soat, lại chưa bao giờ nghe giọng nữ nên càng lo lắng, hồi hợp. Cuối cùng cũng đáp được và taxi được về parking. Hơn một giờ sau, ông thầy quá giang xe bus về. Ông giận cự nự quá. Ông Flight Commander đến can thiệp vì lệnh của ông bảo bay về. Vì thầy tôi thả tôi solo sớm quá trong lúc các thầy khác còn bay với học trò nên bay về êm ru, trừ có tôi bay một mình. Tốt nghiệp loại nầy kể như xong, nhưng phải học bay thêm 10 giờ UH-1 (Ulitity Helicopter), sẽ thay thế trong tương lai.(xem ảnh dưới). Sau khi bay thực tập hành quân và mưu sinh thoát hiểm trong rừng một tuần lễ, chúng tôi về trường nghỉ ngơi và làm lễ mãn khóa, về nước giữa năm 1964. Đây là lần may nắm đầu tiên khi vào đời binh nghiệp.

 



Tốt nghiệp về nước, Phước Saigon, Củng NhaTrang, tôi ra Phi Đoàn (PĐ) 213, Không Đoàn 41CT tại căn cứ KQ Đà Nẵng. PĐ sử dụng trực thăng CH-34C và D, do hãng Sikorsky chế tạo. Loại nầy chở được từ 7 đến 10 lính với trang bị đầy đủ. Nhiệm vụ của PĐ là tiếp tế, tản thương, chuyển quân cho các tiền đồn, quận lỵ hẻo lánh, và tham dự các cuộc hành quân lớn nhỏ trong lãnh thổ trách nhiệm Vùng I Chiến Thuật: từ Sa Quỳnh, cực Nam Quảng Ngãi đến vùng Phi Quân Sự, vĩ tuyến 17. Đôi khi chúng tôi phải thi hành những phi vụ tản thương, tiếp tế bên kia biên giới Lào. KĐ 41CT chỉ có 3 Phi Đoàn: PĐ 110 quan sát, PĐ 213 trực thăng, và PĐ 516 khu trục, tổng cộng khoảng 50-60 hoa tiêu và quan sát viên.

Đám độc thân chúng tôi ở quay quần chung quanh Câu Lạc Bộ Trần Văn Thọ. Trước lạ sau quen, rồi thân nhau như anh em, không thiếu tiếng cười. Lần đầu tiên nếm mùi bún bò Huế cay ứa nước mắt, gần Ngã Năm. Giết thì giờ trong cafê Diệp Hải Dung, muốn sang vô nhà hàng Tây Select, vừa vừa thì nhà hàng Tàu Thời Đại hoặc thịt bò “Chateau Brillant”của Ba Quy ngon tuyệt…hoặc đi tắm biển Mỹ Khê để “rửa mắt”.Vài năm sau cũng đủ bốn món ăn chơi gần như Sài Gòn thu hẹp.

Chỉ Huy Trưởng (CHT) PĐ213 là Đại úy Đào Đức Trân Một cấp chỉ huy hiền lành, đạo đức, thích mạo hiểm, anh em kính nể. Ông thích đi bay với tôi. Có lần bay đi thả dù duy trì khả năng của một toán Nhảy Dù. Nhảy đợt đầu xong, đáp xuống bãi đáp nghỉ giải lao, ông hỏi th/sĩtrưởng toán chỉ dẫn ông cách nhảy dù. Tôi đinh ninh ông hỏi cho biết, không ngờ đợt hai bắt đầu, ông mượn dù ông nhảy thật, tôi phải bay một mình, không có co-pilot. Ai cũng lo vì họ chỉ chỉ sơ sơ thôi, cuối cùng ông nhảy được, mọi người khen và nể ông quá. Ông cũng là Pilot trực thăng đầu tiên học đậu bay Boeing 707 của Air Viêtnam, trong lúc vài Pilot fixed Wing học bay bị loại)
(Ông mất 7/2011 tại San Jose)

Chỉ Huy Phó (CHP) là Tr/úy Đặng Văn Phước, nickname: ”Phước răng đồng” người gốc Biên Hòa, ăn nói bình dân, hay la lối, dùng tiếng Đan Mạch nhiều, nhưng lại hiền hòa, sống chung lâu với ông, anh em đều thương và kính mến ông. Đến khi lên tới Đại tá cũng chưa bao giờ phạt một đàn em nào.(ông mất tháng 10/2010 tại LA).

Trưởng Phòng Hành Quân (TP/HQ) là Th/úy Vũ Quang Triệu, tục danh “Triệu Voi” vì ông to con. Ông quê Thái Bình, hiền hòa, thật thà, dễ dãi. Bạn bè và đàn em đều thương mến và kính trọng. Ông là “Pilot Thái Bình”, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết trào lộng: “Buồn Vui Phi Trường” tác giả Dương Hùng Cường (mất trong tù CS 1984). Ông được mệnh danh là người biết lái may bay trước khi biết đi xe đạp. Vợ ông cũng rất hiền hòa và chân thật. Hiện hai ông bà sống tại tiểu bang Utah. Gần nhau hơn mười năm từ Đà Nẵng đến Biên Hòa, tôi có rất nhiều kỷ niệm với ông trên chiến trường cũng như trong đời thường. Hồi ở Biên hòa với ông, có lần mới 6 giờ 30 sáng ông gọi tôi lên PĐ ngay. Tưởng anh em trong PĐ có gì sơ sót nên ông giận, tôi vội chạy lên. Ông chỉ lên bảng “Phi Vụ Lệnh”, bảo tôi: “ông coi như vầy được không?”(ông thường gọi tôi bằng tên, nay ông gọi tôi bằng “ông” chắc ông giận lắm ). Tôi ôn tồn “thưa Đ/tá, đó là lỗi của tôi, chớ không phải lỗi của Sĩ Quan Trực, vì tôi không dám phổ biến nickname Đ/tá cho anh em trong PĐ”. Thì ra, bản tin thời tiết:“TIN KHÍ TƯỢNG” thì SQT ghi tếu là ‘TIN KHÍ VOI”. Thỉnh thoảng bạn bè của ông mới gọi nickname, không ngờ một th/úy dám đùa với ông nên ông phát cáo. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông giận.


Có lần đi nhậu với ông, thường ông lái chở bọn tôi, chứ không để tài xế lái. Hôm đó tôi say quá, ông đưa tôi về tận nhà. Thay vì dìu tôi vô nhà, ông một tay xách 2 tay và tay kia 2 xách 2 chân tôi, đi khệnh khạng mang tôi vào nhà tôi, lấy chân đá vào cửa. Vợ tôi ra mở cửa, ông thẩy tôi lên giường nói:” tôi trả anh cho chị đây”. Khi tĩnh vợ tôi thuật lại làm tôi “quê’ quá. Với trọng lương tôi 130Lbs mà ông xách tôi như xách con thỏ thì biết ông khỏe như thế nào” Triệu Voi có khác!!


Còn lại toàn là Th/úy trước chúng tôi một vài khóa và những Ch/úy mới ra trường trực thăng tại VN, nhưng vẫn trước tôi. Dù về PĐ sau, nhưng vì học ở Mỹ đầy đủ hơn nên khoảng 4 tháng sau tôi cũng ra Hoa Tiêu Chánh. Đặc biệt, PĐ tôi còn có một “nhân vật”ngoại lệ: Đó là Đ/úy Nguyễn Đức Hớn, cao to, là Chỉ Huy Trưởng PĐ trực thăng đầu tiên của KQ, nay về đây không ai dám cắt ông bay, chỉ “ngồi chơi, xơi nước” lý do gốc “Tây”. Ông thường đưa vợ lên PĐ đánh domino hay “binh xập xám”. Có lần ông tâm sự với tôi: “Nếu còn Tướng Hinh là “moi” không còn ngồi đây nghe cậu.”Thấy ông“Đ/úy muôn năm” tôi thương ông quá. Nghe nói gần sập tiệm ông cũng ịchđụi lên được Tr/tá.

Ngoài ra, còn phải nói đến “Ông Trời Vân” do chính CHT PĐ đặt tên. Đó là T/úy Huỳnh Long Vân, Khóa 12 Thủ Đức qua KQ là Khóa 62A, tướng to cao, mập mạp, gốc Long An, miệng lúc nào cũng cuời hề hề, không bao giờ thấy anh giận ai và không thấy ai giận anh, kể cả các xếp của PĐ. Anh là vua bàn ra, là “dám đốc” cắt bay của TPHQ. Mỗi chiều TPHQ cắt bay, anh đứng ngoài cố vấn: “thằng A gốc Huế, thích bay ở Huế, thằng B có đào ở Quảng Ngãi, cho nó đi Quảng Ngãi, còn thằng C thích bay với thằng Đ. v.v…” Cuối cùng ground alert tại Đà Nẵng chỉ còn “Ông Trời Vân” lãnh thôi. Trực tại Đà Nẵng ít khi bay, chỉ ngồi đánh domino và trưa về nhà ăn cơm nhà với vợ.

Một thời gian sau, đám hoa tiêu khiếu nại quá. Chắc thấy mặt tôi lầm lì, ít nói, trông “khó thương” nên anh Vân đề nghị tôi làm sĩ quan cắt bay. TPHQ và các anh em khác đồng ý ngay, có lẽ lúc đó tôi cũng có “vai vế” chút đỉnh vì đã lên Trưởng Phi Cơ rồi. Sau nầy đa số các anh lớn đi đơn vị hoặc PĐ khác, tôi cũng lên lead, làm trưởng toán biệt phái Huế hay Quảng Ngãi. Nhớ có lần biệt phái Quảng Ngãi, TPHQ chỉ định tôi trưởng toán, anh Vân bay chiếc số 2, anh cũng cười hề hề. Vừa đến Quảng Ngãi đem đồ đạc vào khách sạn xong, bay trở ra Tam Kỳ làm việc ngay. Lúc đó biệt phái còn được ưu đãi cho ở khách sạn. Bay tiếp tế, tản thương ở Tam Kỳ đến khoảng 4 giờ chiều, tiếp tế cho Quế Sơn xong, thời tiết hơi xấu, họ cho về. Tôi dẫn 2 chiếc về Quảng Ngãi. Vừa cất cánh, anh Vân bàn ngay: “Gần Đà Nẵng, tại sao tao mầy không về Đà Nẵng, Chính?” Tôi ít nghe lời bàn ra vì tôi phải chịu trách nhiệm, nhưng tự dưng hôm đó tôi xiêu lòng dễ dàng. Gọi đài Panama xin về Đà Nẵng với lý do thời tiết xấu. Panama bảo tôi cố gắng vào Quảng Ngãi. Bay thử một hồi, tôi báo cáo không thể vào QN được và được lịnh về Đà Nẵng. Thực tế, nếu tôi cố gắng, có thể bay vào QN được. Không biết tại sao hôm đó tôi lười vậy. Về Đà Nẵng ai cũng vui và qua một đêm ngủ yên lành. Sáng hôm sau cất cánh sớm vào QN và được biết đêm qua đặc công vào đánh khách sạn, nơi chúng tôi để đồ ngủ hôm qua, làm chết vài sĩ quan bộ binh. Thật hú vía!


Xin cám ơn lời bàn “Mao Tôn Cương” cùa anh. Tôi thuật lại sự thoát chết của chúng ta như thắp một nén hương lòng cho anh, vừa đàn anh, vừa bạn thân. Nếu tôi là văn sĩ thì cuộc đời của anh, tôi phải viết mấy trăm trang sách. Số anh là số đẻ bộc điều: anh làm việc “tịch tà”, không nịnh bợ, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy, ai lên lon, anh cũng lên. Anh được người vợ đảm đang, chu đáo lo cho anh không thiếu thứ gì, và lo cho cả những thằng bạn tù của anh. Anh sung sướng trọn đời, dù trong ngục tù Cộng Sản. Trước khi chết anh cùng chị đi tắm biển, ăn nhà hàng rồi ngã ra chết. Trên đời nầy có ai được như anh? Ai cũng thương cái tánh thật thà, khề khà của anh.

Khoảng tháng 4 năm 1966, lần biệt phái hành quân Quảng Ngãi. Tôi và Minh chiếc số 1. Tạ Thái,“Thái Esso” bay số 2. (có lần Thái rớt gần quốc lộ, không để ý chiếc sồ 2 xuống rước, cởi áo bay bỏ vào helmet chạy ra đường dí súng vào tài xế xe xăng Esso bắt đưa về ĐN). Tôi để Minh bay từ Đà Nẵng. Vừa qua Hội An, cánh cửa bên tôi bị tuột ra, may mắn tôi chụp lại được, nếu không, nó đập vào cánh quạt đuôi, chắc chúng tôi được hốt xác. Minh quay lại đáp xuống sân bay Hội An. Bỏ cánh cửa vào phi cơ, tôi cất cánh lại , vừa được 500 bộ, một tràng đại liên quạt vào tàu nghe lốp bốp. Tôi thấy Minh nhảy dựng lên, mặt tái xanh. Máu, mảnh kính văng tung tóe khắp phòng lái, trông thê thảm vô cùng. Tôi đinh ninh Minh bị trúng đạn chết, vì thấy Minh nhảy dựng lên giống như trong phim.


-Mầy có sao không? Tôi hỏi.
Rờ khắp mình, Minh đáp:
-Chắc không sao anh.


Thì ra, đạn trúng khung ghế xếp, hất Minh lên trông giống như nó bị trúng đạn.Tôi cảm thấy chân đau buốt, nhìn xuống bắp vế trái, quần tôi tét một lỗ bằng trái banh Tennis, máu me dầm dề. Đưa Minh bay. Tôi lấy khăn cột vết thương. Định đáp lại Hội An, nhưng thử cử động, thấy chân còn động đậy được, tôi gọi Panama báo cáo và xin về Đà Nẵng. Thấy cảnh thê lương nầy, Minh mất bình tĩnh, bay hơi quờ quạng. Cơ Phi ngồi bên dưới ghế tôi, ngước lên nhìn tôi, vuốt mặt đầy máu me: “Th/úy ơi, em bị thương rồi.” Nhìn xuống qua khe hở tôi thấy mặt Hiển máu me bê bết, tôi cũng bấn loạn:


-Có sao không ? Kêu y tá giúp.


Minh sợ thêm, bay chao đảo hơn. Tôi cố bình tĩnh vừa giúp Minh giữ máy bay, vừa theo dõi bên dưới thế nào. Chừng 5 phút sau, Hiển báo: “Em không sao”. Tôi mới yên tâm và hiểu ra, máu của tôi chảy xuống đầu hắn. Tôi gọi đài Kiểm Soát xin đáp khẩn cấp.Tôi được ẳm đưa qua chiếc số 2, Thái Esso cất cánh, đáp vào bịnh viện Duy Tân sau vài phút.

Bác sĩ Mã Sái, thần tượng của tôi, người cùng tỉnh, phụ trách ca mổ. Sau khi cắt ống quần, tôi mới thấy viên đạn xuyên từ phía sau trổ ra phía trước, một lỗ bằng miệng ly, tê buốt. May mắn là không bể xương. Không biết ca mổ bao lâu, nhưng khi tôi tĩnh dậy là 8 giờ tối. Hai ngày sau mới dời ra khu dưỡng thương. Nằm đối diện với một Ch/úy bộ binh, chân trái bị cắt gần đầu gối, còn lại là hạ sĩ quan và lính. Nhìn những thương binh chung quanh, tôi mới thấy mình nhẹ nhất. Thờigian nầy là thời binh biến và Phật Giáo Miền Trung đem bàn thờ Phật xuống đường. Các loa phóng thanh của bịnh viện ra rả chửi Thiệu-Kỳ. KĐ41 cấm trại 100%, anh em PĐ213 cũng chẳng aì qua thăm tôi được. Ông Ch/úy có chú lính tà lọt dễ thương, cũng giúp tôi sai vặt, mua thuốc hút, qua chùa xin cơm chay cho cả ba cùng ăn. Cả tuần lễ, anh em PĐ mới lén chui rào đem thuốc hút, thức ăn qua thăm tôi. Tôi cũng lái xe lăn quen rồi. Vì vết đạn phá lớn mất nhiều thịt, sau khi mổ, thịt thiếu nên may nhíu lại làm bắp vế teo tại đoạn có vết thương. Rất cám ơn bác sĩ Mã Sái, giải phẩu vết thương quá đẹp, nhỏ và dài khoảng 15 cm, giống như con sông Thu Bồn trển bản đồ, nơi tôi bị bắn. Đùi bị căng, không co chân được, tôi phải tập nhiều tháng. Năm rồì, nhức đầu gối, đi chụp X-ray, không ngờ còn vài mãnh đạn bằng ngón tay út gần đầu gồi.

Sau 25 ngày tôi được xuất viện về PĐ và được 10 ngày phép. Tôi về tỉnh thăm gia đình. Biết tôi bị thương, má tôi không cầm được nước mắt. Tội nghiệp bà ngồi nắn bóp tay chân tôi, xem tôi như hồi còn nhỏ. Ba tôi ngồi trầm ngâm nhìn khoảng không, không nói nên lời.


Tôi cũng đuợc “Em đến thăm anh một chiều… nắng”. Em là người “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Trước khi trở về PĐ, má tôi mua cho tôi một tượng Phật bằng ngà để hộ mạng, tôi đeo đến ngày nay. Năm 1972, có phi vụ xuống Sóc Trăng, tôi đến thăm gia đình Minh, lúc đó là Sĩ Quan Hành Quân của một PĐ trực thăng đồn trú tại đây. Anh em vui mừng vô cùng, nhưng vài tháng sau, tôi được tin Minh bị bắn hạ khi bay Gunship trong một phi vụ đổ quân. Tôi rất xúc động khi nghe tin buồn nầy, thế là “Minh Hủi” thân yêu của tôi đã đền nợ nước. Thôi! em yên nghỉ nơi miền vĩnh cửu, không còn hận thù, không còn bị trêu chọc.


Loại máy bay một động cơ bị trục trặc, tắt máy rớt là chuyện thường, trực thăng cũng không ngoại lệ. Vùng I núi non hiểm trở nên việc tiếp tế, tản thương chỉ có trực thăng là nhanh chóng và hữu hiệu. Ban đêm hoặc thời tiết xấu, bay đụng núi hay tắt máy rớt trong núi chết như chơi. Riêng, tôi là người vô cùng may mắn, với 5 lần bị tắt máy đều thoát chết, ngay khi qua Mỹ làm Sĩ Quan Liên Lạc, bay với khóa sinh trên trực thăng TH-55 cũng bị tắt máy rớt.


Một lần khác đang biệt phái Huế, phi cơ tới giờ kiểm kỳ, chiều đem về Đà Nẵng đổi chiếc khác. Để Tôn Thất Khánh bay, tôi ngồi mơ mộng nhìn trời. Vừa ngang đèo Hải Vân, thình lình tàu rung mạnh, vào triệt nâng (Stall) rớt trong mây, nhìn tốc độ số không, tôi hốt hoảng chụp cần lái. Khánh giằng lại. Tôi la lên: “Tao bay”. Rơi trong mây không biết bao lâu, khi tốc độ lên được 60 dặm, rớt ra khỏi mây, đúng ngay khe núi, gần sát ngọn cây. Hú hồn! Trường hợp nầy, nếu không nói sợ, thì gọi là gì? Đêm đó nằm ngủ giật mình mấy lần, tiếng nhạc xập xình trong Câu lạc Bộ Trần Văn Thọ, sát khu độc thân, tôi cũng không còn lòng dạ đâu mà qua nhảy với nhót. Thoát chết là may rồi!

Tôi lên Trung Úy đầu năm 1967, cuối năm lên Trưởng Phòng Hành Quân thay Đại Úy Châu, xuôi Nam. Tôi được thưởng xuất ngoại, tháp tùng đi Đài Loan lấy phi cơ. Tàu chưa sửa xong, phải chờ hơn 1 tháng, về tới VN đúng 29 Tết Mậu Thân 1968. Bị kẹt dưới Long Xuyên và Tân Sơn Nhất cả tuần. Khi ra được Đà Nẳng, hôm sau tôi đi biệt phái Huế ngay. Thời gian nầy thành phố Huế bị VC chiếm trọn, chỉ còn đồn Mang Cá gồm Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 1BB và bịnh viện Nguyễn Tri Phương thôi. Bạn bè trong PĐ cho biết tình hình Huế. Biết tôi độc thân, cơm hàng cháo chợ, sẽ đi biệt phái nên vợ chồng “Bình Sữa”, ông chủ nhà hàng Hàng Không VN Đà Nãng, đều bới thức ăn khô cho tôi.(mấy năm nay tôi làm Quản Lý Câu Lạc Bộ Sĩ quan Trần Văn Thọ do Nhà hàng Hàng Không VN đỡ đầu). Tôi thật sự xúc động và không bao giờ quên sự giúp đỡ của bạn bè và người thân.


Đêm đó bàn thảo kế hoạch và lộ trình vào Huế. Sáng hôm sau cất cánh gồm 4 chiếc: Tôi & Th/úy Ngọc “Tây Lai” số 1, Tr/úy Trần Duy Kỳ số 2, Đ/úy Cao Quang Khôi “Già Rô” số 3, Tr/úy Nguyễn Duy Thể “Người Tiền Sử” số 4. Trong những ngày Tết, thời tiết ở Huế quá xấu, trần mây hơn trăm bộ, có nơi sát ngọn cây. Theo kế hoạch, khi 4 chiếc ra đến cửa Thuận An, hai chiếc 3&4 làm vòng chờ tại đây. Tôi và Kỳ (1&2) bay xuống sát ngọn cây dọc theo sông Hương, tới Gia Hội quẹo phải lên hướng Bắc rồi vòng qua đài tiếp vận VOA của Mỹ với hy vọng chưa bị VC chiếm để đáp hướng Nam. Hai chiếc bay song song cho chiếc sau đỡ bị lãnh đạn khi VC bắn hụt chiếc trước. Trên đường từ Thuận An vào cũng thấy cờ của Giải Phóng treo rải rác, nhưng chúng không bắn kịp nên cũng yên tâm phần nào. Khi hai chiếc vào đáp, thời gian không quá 45 giây. Không ngờ VC nằm ngay bờ ngoài của Thành Nội, xả mấy tràng AK47, tôi chỉ kịp la lên cho 3 chiếc kia biết: “Tao bị thương rồi” và đáp ngay vào sân bịnh viện. Chiếc số 1: tôi bị thương xuyên bàn tay phải, cần lái bể một miếng. Chiếc số 2: bị bể máy. Hạnh, Y Tá Phi Hành, đạn lọt qua khe hở của áo giáp, thủng bụng chết ngay trên bàn mổ. Xui tận mạng!. Kiểm lại hai chiếc, chiếc nào cũng lãnh 5 tới 10 lỗ. Hai chiếc 3&4 được lệnh trở về Đà Nẵng.

Vào bịnh viện mới thấy sự tàn ác của VC: dân, lính bị thương không đủ giường, nằm la liệt đầy máu me dưới đất. Khó tin một lần nữa sự may mắn lại đến tôi: Viên đạn AK47 xuyên qua bàn tay phải mà không gãy miếng xương nào. Sau Tết Mậu Thân, tôi được thăng cấp đặc cách Đại úy 1/4/1968 và lãnh thêm 1 Chiến Thương Bội Tinh nữa! Bạn bè hù “nhứt quá tam”, không có lần thừ ba đâu, nghe “em”. Biết đâu sáng đi bay, chiều xuống Âm Phủ ăn cơm. Nghe cũng ớn! Ở Huế có quán cơm tên Âm Phủ nghe rùng rợn quá.

Tôi xin chân thành tri ân các bác sĩ bệnh viện Nguyễn Tri Phương ( Huế), dù đa đoan công việc, nhưng vẫn nhớ cho người mang mền cho chúng tôi trong những đêm buốt giá Tết Mậu Thân. Cũng xin cám ơn tất cả anh em Tiểu Đoàn Dù đã dạy cho chúng tôi biết thế nào là lòng can đảm của một quân nhân. Các anh đã bình tĩnh, thản nhiên nằm ngoài sân và phòng tuyến chờ địch, trong lúc chúng tôi, mặc áo giáp, ngồi bó gối núp sát tường.


Dù cuộc chiến trước đây chưa tới hồi khốc liệt, nhưng vẫn có vài người trong PĐ đã hy sinh. Trong những cuộc hành quân lớn như Ba Lòng, Ba Tơ, Ba Gia, Thăng Bình, Quế Sơn…cũng làm anh em trong PĐ hồi hộp…Chắc chắn giai đoạn nầy chưa nguy hiểm và sôi động bằng những năm sau đó. Những khóa sinh tôi gặp hay cùng bay ở trường bay Fort Wolters năm 1969-1970, tôi còn nhớ mặt, nhớ tên, nhiều em đã hy sinh sau mấy tháng ra trường trong những cuộc hành quân Lam Sơn 719 (1971) và mùa Hè Đỏ Lửa (1972). Những cái chết thật can đảm, thật hào hùng.


Anh em hoa tiêu 3 Phi đoàn sống gần gũi, thân thiết vui nhộn. Không gì vui bằng sau một ngày bay hành quân 8-9 tiếng mệt lã, từ Huế hay Quảng Ngãi về mà nghe trên tần số có hai trong ba tên Dương, Mai (PĐ213) và Dật (PĐ110) thì có ngay một trận cười thoải mái, quên hết mệt nhọc. Anh Vương Minh Dương hiện ở Dallas, anh Nguyễn Văn Mai bám trụ tại San Jose và anh Trần Dật trấn thủ đâu dưới LA. Anh em trực thăng và quan sát sử dụng chung phi trường Tây Lộc ở Huế. Ở chung Câu Lạc Bộ tại Đập Đá, ăn chung quán cơm 79 ngang cửa, có cô con bà chủ xinh xinh. Và có những“chỗ chung” khác như Cửa Sập… làm sao mà hoa tiêu độc thân, thời chiến làm sao tránh khỏi.

Phi trường Tây lộc là nơi nẩy nở những mối tình nên thơ, lãng mạn. có dang dở, có vành khăn tang và đa số con đàn, cháu đống. Tội nghiệp mấy bạn khu trục, PĐ516 bay đâu cũng về đáp Đà Nẵng. Quanh quẩn rồi cũng gặp nhau ngoài phố. Còn bay nghịch ngợm có lẽ trong đời ít nhứt cũng có vài lần. PĐ tôi, anh Nghĩa “con” và anh Hùng “Râu kẽm” là hai tay cự phách, bay nhẹ nhàng điêu luyện. Chiều về, vừa qua khỏi cầu Bạch Hổ, xuống thấp rửa bánh trên mặt sông Hương, tới cầu Trường Tiền, múc lên quẹo phải vòng 270 độ, qua trường Quốc Học & Đồng Khánh, đáp vào phi trường Tây Lộc ngon ơ. Có lần bay với tôi, anh Nghĩa hỏi muốn thử không.Tôi lắc đầu chịu thua. Ở Cần Thơ một tai nạn rửa bánh làm chết 5-6 hoa tiêu của mấy Phi Đoàn đi ăn cơm trưa. Thật oan mạng!!. Hoa tiêu PĐ tôi cũng có lần bay thấp, chiếc số hai đụng cô gái đang đi trên bờ đê tử nạn ở Huế. Hoa tiêu thân bại danh liệt. Ai còn dám thề máy bay cán nữa không? Anh Nghĩa sau làm Phi Đoàn Trưởng PĐ219, bị mất máy bay khi đậu trên Đalat. Do hoa tiêu trực thăng bị kỷ luật đánh cắp, đem vào rừng bán cho VC. Anh Nghĩa bị phạt tù.Vừa mãn hạn, anh lại vào tù CS và chết trong tù. Còn anh Hùng mất tích trong phi vụ bay đêm từ Khâm Đức về. Tôi ngậm ngùi thương tiếc hai đàn anh tay nghề lão luyện, gan dạ và đã hết lòng với đàn em. Năm 2011, họp 4 Phi Đoàn Chinook ở Las Vegas, đứng đợi xe bus của khách sạn đưa ra phi trường, anh em kể chuyện đi biệt phái, bay rượt bắt chim Nhan Sen, Chàng Bè…chiều về, đem ra quán nhậu. Có em bảo, bây giờ mới dám kể tôi nghe. Tôi nói: “Mấy em làm như khi vào lính, tôi mang lon Trung tá liền vậy”, nghĩa là cũng có bay nghịch...

Thường ngày, Phi đoàn có 2 chiếc ra làm việc hay biệt phái cho Huế và 2 chiếc Quảng Ngãi. Thân nhân của PĐ hay của đơn vị khác cũng có thể xin phép đi theo những phi vụ ra vào nầy. Anh Tr/úy PĐ bạn cũng thường xin cho người thân gia đình đi. Anh có cô chị họ bên vợ, nữ sinh Đồng Khánh, trông cũng bắt mắt lắm. Thỉnh thoảng nàng theo trực thăng vào Đà Nẵng thăm chị đang dạy ở trường Trung học Phan Chu Trinh, khi bạn bè chở, khi tôi chở. Đi trực thăng lâu ngày quen mặt. Đến cuối năm 1968, tôi năn nỉ muốn gãy lưỡi, nàng cũng không chịu xuống, cuối cùng tôi đành phải đưa nàng “về dinh”. Không biết tài bay bổng của tôi như thế nào, bạn bè chưa có ý kiến, nhưng được nàng khen đáp nhẹ nhàng, tôi vui rồi. Đến nay, khi vui là vợ chồng thắm thiết, khi buồn nàng là “thư ký” đắc lực của tôi. Tiểu sử của tôi nàng kể vanh vách, không sót một chữ. Để tình nghĩa thêm đậm đà, nàng tặng tôi: 1 gái, 2 trai. Năm nay gần 53 năm hương lửa chúng tôi được 2 cháu ngoại (1 trai đại học,1 gái lớp 9)và 3 cháu nội. (1 gái, 1 trai: đại học, 1 trai; lớp 12). Còn cậu Út đang cắm sào chờ bến, tạm thời ở chung với vợ chồng tôi.


Phi Đoàn Lôi Thanh 237
Hôm nay ngồi viết lại câu chuyện nầy, tôi không khỏi bùi ngùi nghĩ đến những người thiếu may mắn bỏ mình nơi chiến trường hay trong ngục tù Cộng Sản. Riêng PĐ237, 31 Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan , cũng vì nhiệm vụ đã hy sinh tánh mạng trong thời gian 4 năm tôi làm PĐT, trong đó có hai Phi Đoàn Phó, bạn cùng khóa: Nguyễn Hữu Nhàn và Võ Châu Phê. Vì tình đồng đội gắn bó, tình đồng khóa thân thương mà hai bạn không muốn đi đơn vị khác. Đầu năm 1972, nếu Nhàn chịu ra nhận chức vụ tương đương với PĐT ở Phù Cát và cuối năm 1972, Phê chịu ra làm PĐT Phi Đoàn tân lập ở Đà Nẵng thì biết đâu cuộc đời sẽ thay đổi. Âu cũng là số mạng!!!. Mặc dù mồ mã các bạn trong Nghĩa Trang Mạc Đỉnh Chi, Saigon, đã hơn một lần bị khai quật, nhưng giờ nầy đã nằm yên trong lòng đất mẹ, còn chúng tôi:

Vùi nắm xương tàn nơi đất khách!
Hồn trần phiêu bạt biết về đâu? (NPC)

Nguyễn Phú Chính - Lôi Thanh 01
(San Jose, Thung Lũng Hoa Vàng - Đông 2022)


Theo ý ba tôi:
- Con Quốc (Cuốc): tượng trưng cho Quốc Gia Việt Nam .
- Le Le : một loại chim sống trong đồng ruộng, rừng rú, tượng trưng cho CS.

 

Comments on: (Vận May Thử Lửa)

Rate this item
(1 Vote)