Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Nợ - Phạm Văn Bản

Nợ

Phạm Văn Bản

---oo0oo---

 

 

Trong tuần qua, tôi đọc lời bình luận của Niên Trưởng Nguyễn Trường Khương và hồi đáp của vài bạn trên trang Không Lực Việt Nam Cộng Hòa về tựa đề Thần Báo – Phi Đoàn 520 khu trục phản lực A-37 tác chiến của Sư Đoàn 4 Không Quân trong chiến tranh Việt Nam ngày trước. Anh Khương có người em Thiếu Úy Nguyễn Trường Thới cùng phục vụ với tôi trong Thần Báo và Chiến Đấu Cơ A-37 của Thới bị bắn rơi bởi hỏa tiễn phòng không của địch quân Cộng Sản vào chiều ngày 13 tháng 4 năm 1975. Thời điểm cũng là lúc đơn vị chúng tôi thu xếp quân trang quân dụng để giã từ Biệt Đoàn 74 Zulu ở căn cứ Tân Sơn Nhất, mà chuyển quân trở lại phi trường Bình Thủy sau khi phi đạo đã sửa chữa.


Mặc dù Thần Báo đang bận rộn chuyển quân, nhưng cũng đã cắt cử một số chuyến bay cứu trợ Thiếu Úy Phi Công Thới, nhưng phi vụ bất thành vì Thới đã tử nạn và không tìm ra tin tức. Đây cũng trở thành món nợ của chính cá nhân tôi phải áy náy, vì nợ bạn chiến đấu của mình thì không thể khỏa lấp bằng cách dùng câu ca từ “đi không ai tìm xác rơi!” trong Không Quân Hành Khúc mà an ủi thân nhân tử sĩ, nếu chúng ta có lòng tự trọng.

Cho nên mấy bữa nay tôi cũng nặng lòng suy tư về bổn phận cũng như thân phận của người trai thế hệ, dù tới tuổi đầu bạc, nhưng vận mệnh dân nước và của những thân nhân tử sĩ vì nước hy sinh. Tất cả tưởng chừng như vô thức!

Trên trang mạng xã hội nay tôi cũng đã tìm lại nhiều bạn đọc từng thân thiết với tôi từ thuở ấu thơ hay những thời còn mài ghế nhà trường, cho tới tuổi động viên gia nhập quân trường, thao trường, ngữ trường, phi trường và cả tù trường. Nhiều bạn gởi thư từ tâm sự, khuyến khích, động viên tôi kèm theo những hình ảnh gợi lại trong tôi bao kỷ niệm buồn vui của một thời để thương và để nhớ.

Tất cả những điều nói trên trở thành món Nợ trong tôi. Không chỉ là Nợ áo cơm mà mình nhớ trả, nhưng Nợ bạn và Nợ quê hương – không chỉ với những bạn còn sống mà cả những người đã nằm xuống vì nước quên mình – thì xin thú thật, nhiều lúc chính mình cũng vô tình lãng quên.

Hôm nay ngồi tính lại sổ đời với những món nợ, trước hết là nợ những bạn “vị quốc vong thân” thì tôi rút ra một trường hợp tiêu biểu trong những anh hùng của mình. Thứ đến là món nợ với các bạn mình còn sống: nợ say, nợ cười, nợ ý thức, … và nợ nước.

Cặp bài trùng trong Thần Báo của tôi là Thiếu Úy Nguyễn Văn Xi đã cùng đi đánh trận Sầm Giang với tôi, và Xi bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 của địch quân Cộng Sản bắn rơi, phi cơ nổ tung và phi công không mở dù. Sau khi lấy được thi hài về sư đoàn thì phi đoàn cắt cử tôi là người đại diện đơn vị đi trực tùng sự. Tôi theo trực thăng chở quan tài Xi tới Tổ Đình của Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở Tòa Thánh Tây Ninh.

Sau nghi lễ, tôi theo Xi về thăm quê ngoại ở Cát Lái Quận 2 rồi chúng tôi bay về quê nội trong vùng xôi đậu ở Mỏ Cày, Bến Tre. Theo đề nghị thì phi đoàn yêu cầu tôi trú ngụ tại đồn địa phương quân và theo nhóm lính đưa quan tài về gia đình. Nhưng gia đình Xi lại muốn giữ Xi tới ngày hôm sau mới hạ huyệt, và đêm hôm ấy tôi phải quyết định ở lại cùng an ủi gia đình nhà hiếu mặc dù trong vùng “ban ngày quốc gia, ban đêm Việt Cộng.”

***

Người cha của thiếu úy hoa tiêu khu trục A 37 Nguyễn Văn Xi đứng hiu quạnh bên cạnh chiếc quan tài phủ quốc kỳ nền vàng sọc đỏ, trên quan tài có nén nhang sắp tàn và tấm hình người thanh niên đẹp trai lìa trần, “lá xanh rụng trước lá vàng!” Trước khuôn hình là chiếc mũ sĩ quan đại lễ của bạn tôi thường dùng, mà hôm nay chính tôi lại là người đại diện đơn vị đi thi hành công tác tùng sự trong bộ quân phục đại lễ của Không Quân, và kính cẩn đặt nhẹ tấm bảo quốc huân chương, kèm theo anh dũng bội tinh với nhành dương liễu trên vành mũ của bạn tại Mỏ Cày, Kiến Hòa nơi quê hương bạn tôi.

Vòng hoa cườm dựng trước quan tài, tuy không lớn hơn những vòng hoa phúng điếu khác bên cạnh, nhưng trên dòng vải tím chạy ngang tràng hoa, đã được bàn tay khéo viết của thiếu tá phi đoàn phó Mai Văn Hiền ghi lên:

TỔ QUỐC GHI ƠN
PÐ 520/ SÐ4KQ

Bác Hai Công đau khổ ngước nhìn các con đang tiến ra phòng khách, thường ngày trong nhóm ấy có Xi, nhưng hôm nay anh đang nằm trước mặt bác và mọi người. Cô Ba em Xi dẫn đầu cầm bình hoa tươi, Cô Tư mang hộp nến đỏ tiến đến vái người anh mình đang an giấc nghìn thu. Ngoài mái hiên kia thì bác gái, vợ và các con Xi đang lăn ra khóc lóc thảm thiết… Nhìn cảnh ấy tôi đứng chết lặng người. Ðời là bể khổ: sinh, lão, bệnh, tử!

***

Quận Mỏ Cày là vùng đất địch, sáng nay trực thăng đáp xuống chi khu, Trung úy Chi khu trưởng ra đón tôi và khuyên nên ngủ tại đồn đêm nay cho an toàn. Nhưng nóng lòng muốn gặp bạn đang quàng tại nhà, nên tôi từ chối và bước xuống xuồng nơi cô Ba em Xi đang chờ và muốn đưa ngay về nhà.

Xuồng rời đồn địa phương quân được một quãng thì em Ba hóa trang cho tôi thành ra một nông dân như dáng một chàng du kích của “quê hương đồng khởi,” và dặn tôi không được phát âm cái giọng Bắc kỳ. Chiếc tam bản chở một Thần Báo cũng thuộc loại nặng cân do cô thôn nữ tuổi trăng rằm chèo chống, cứ thoăn thoắt như phản lực cơ bay qua nhiều kinh rạch hầu tránh tầm kiểm soát của Việt Cộng trong vùng, rồi luồn qua những hàng dừa ổi đang trổ bông để vào nhà bạn.

Trên đường về, Cô Ba hỏi tôi:
- Anh Hai có sợ nước không?
Tôi nhìn cô lựa cách trả lời:
- Không, vì quê tôi ở miền Cái Sắn cũng có nước ngập như thế này. Nhưng đừng lật xuồng mà dìm tôi uống nước là được rồi.
- Anh có bơi giỏi không?
- Có lẽ cũng ngang với Xi.
Nghe nhắc tới anh cô, cô thở dài, khẽ nói:
- Vâng. Em biết các anh mà.

Lúc đó, cô chỉ dẫn cho tôi, nếu trường hợp có Việt Cộng ập tới thì tôi phải chạy ngay ra chỗ trú ẩn nơi đây, là cái nơi mà Bác Hai Công đã dày công nghiên cứu và dựng nên một điểm bí mật và an toàn cho Xi mỗi khi anh hai cô có sự vụ lệnh nghỉ phép thăm nhà. Tôi gật đầu, và cô vào nhà bưng ra thau nước để tôi rửa mặt, thay lại đồ quân phục đại lễ trước khi vào nhà trực xác bạn.

***

Bác Hai xửng sốt và ngạc nhiên không ngờ tôi lại đến đây, vì vùng này thuộc vùng xôi đậu, hiếm thấy bóng dáng quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ra vô, trừ khi có những cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng. Mỏ Cày là căn cứ điểm của địch, con lộ đất duy nhất nối dài hơn chục cậy số từ Chi khu vào đây dọc theo ven kênh đã thường bị đắp mô, gài mìn liên tục và quanh đây trên những đọt dừa còn cắm vài lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bạc màu phất phới.

Nhưng tôi dám đến cũng chỉ vì bạn, hơn nữa tôi đã quen với cảnh sống trong vùng xôi đậu, ban ngày thì Quốc Gia và ban đêm thì Cộng Sản, nên đã chẳng coi đám giặc nước này ra gì. Lần trước tôi đến thăm gia đình bác từ ngày Xi còn học chung khóa trong trường sĩ quan trừ bị Thủ Ðức, rồi đến trường Sinh Ngữ quân đội, cùng đi du học ở Hoa Kỳ, rồi lại về phục vụ chung đơn vị, là Phi Ðoàn 520, Không Ðoàn 74 Chiến Thuật, Sư Ðoàn 4 Không Quân. Gia đình bác cũng biết chúng tôi như cặp bài trùng, cứ mỗi lần trực chiến là hai đứa dành nhau cất cánh, tới mục tiêu thì tranh nhau tiến vào đánh bom, đứa nào đánh đẹp thì đứa thua phải mất cho nhau chầu nhậu.

Có lần mùa cày vừa xong Bác Hai và Cô Ba xuống Bình Thủy ghé nhà thăm chúng tôi. Căn nhà của tôi lúc ấy là do Xi đến văn phòng cư xá chọn lãnh, bạn bảo rằng mình cần ở căn nhà đối diện với nhau cho tiện chạy qua chạy lại. Thế là từ đó tôi án ngữ phía trước và bạn tọa lạc phía sau trong cư xá Hoàng Hoa III này.

Hôm ấy sau phi vụ Thần Báo, Bác Hai bắt gặp một chuyện khó lường và đương nhiên phải đứng ra phân xử, tính điểm cho chúng tôi sau khi đánh bom từ chiến trường về. Có thể nói là một trận đánh bom đẹp nhất, bất phân thắng bại, và Bác lại là người trọng tài bất đắc dĩ, vì hai đứa là những học viên có tiếng ở những trường huấn luyện phi hành Hoa Kỳ với điểm ưu hạng. Sau đó bác đành chấm điểm huề và bác đã lãnh cuộc bao thầu một chầu thuộc hạng “nhất dạ đế vương” bên quán Song Mã. Bác nghe thế phì cười và hỏi:

- Tưởng sao chứ dễ nè, thì em ba nó đi mua cho chục vịt lộn là nhất dạ, … còn cái vụ đế vương … sao mà sánh bằng bia, hay rượu cognac chứ.

Tất cả cười ầm và thế là bác cháu dẫn nhau thả bộ qua Không Gian Tự, nhắm hướng quán ăn ngựa đua trong trại gia binh Hoàng Hoa II trực chỉ.

Đêm nay đứng canh xác Xi mà lòng tôi buồn vời vợi, buồn mất bạn, buồn tợ chim bằng gãy cánh. Trong tiếng nấc lòng, tôi thấy Bác Hai cầm tay và bảo tôi đi thay đồ ngủ rồi theo cô ba tới địa điểm ẩn cư an toàn của Xi mỗi khi có phép về thăm nhà.

Sau chuyến công tác tùng sự tôi trở về đơn vị trong sự thinh lặng và suy tư về Nợ Nước. Nhưng tới trường hợp tử trận của Thiếu Úy Nguyễn Trường Thới thì tôi lại không có được cơ hội tùng sự như Phi Công Nguyễn Văn Xi.

Nguyện xin Hương Hồn Nguyễn Trường Thới sớm phiêu diêu miền cực lạc, cầu bầu Đức Quốc Tổ và Hồn Thiêng Sông Núi luôn phù trợ cho Dân Nước Việt Nam thoát nạn Cộng Sản để xây dựng nền tự do dân chủ và nhân quyền trong thời đại mới Tín Liệu ngày nay.

Và xin được chia sẻ nỗi tiếc thương đến Bào Huynh Nguyễn Trường Khương và tang quyến.

 

Phạm Văn Bản
 
Reader response => Nợ - Phạm Văn Bản)
Rate this item
(1 Vote)