Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Hoài Niệm - Nguyễn Trà, Hoàng Ưng 239

Posted by January 29, 2021 2741

Hoài Niệm

Nguyễn Trà, Hoàng Ưng 239

 
 
 
Chiến tranh Việt Nam giữa Nam và Bắc, đã chấm dứt bốn mươi năm, một người lính không nhiều thì ít cũng có những kỷ niệm vui buồn của thời chinh chiến, để vọng về hoài cảm nỗi nhớ niềm thương, người lính được gắn liền với quê hương, với dân tộc và lịch sử, những kỷ niệm vui buồn gần nữa thế kỷ. Một thời vang bóng tung hoành trên vòm trời miền Nam Việt Nam, không quản ngại nhọc nhằn nguy hiểm bởi khí phất tuổi trẻ vượt qua những thử thách mạo hiểm, khi tuổi hưu trí lại lắng lòng hồi tưởng về dĩ vãng. Mỗi khi bắt gặp những hình ảnh quen thuộc mắt thấy tai nghe, những hình bóng một thời chiến đấu trên quê hương, mà cứ tưởng như vừa xảy ra hôm qua nhớ lại những thắng cảnh tuyệt vời, ước mơ sống lại thời thanh thiếu. Những lời trầm tình, những hình ảnh hào hùng những cảnh thiên nhiên tuyệt vời mà người lính trận vẽ thành những bức tranh sống thật và thao thức ôm ấp những tiếng thở dài, thời gian chưa đủ để xóa mọi dấu tích, làm khuây ngôi kẻ bại trận đau đớn tức tưởi, những năm tháng hào hùng chiến công hiển hách vẫn còn đậm nét hùng hồn chiến đấu của người lính.

Sở tôi làm nằm ngay con lộ chạy từ đông sang tây ngang qua trung tâm thành phố và cách nhà thương St Marýs khoảng hai trăm feet, trên đỉnh của biệt thự tầng lầu thứ sáu được dựng lên windshock ngày đêm quay về hướng gió, báo hiệu cho phi công sức mạnh và hướng gió để take off và landing. Hàng ngày nghe tiếng phi cơ trực thăng lên xuống đều đều, những chuyến bay khẩn cấp mang lại sự bình an cho những người gặp tai nạn trên các đường phố hoặc các xa lộ, bởi sự di chuyển và nhu cầu cần thiết trong đời sống hàng ngày, nhờ những chuyến bay cấp cứu nhanh chống làm bao nhiêu người lấy lại đời sống bình an và hạnh phúc. Ngày xưa ở Việt Nam dùng máy bay để chuyên chở những thương binh, tiếp tế cho các tiền đồn ngăn sông cách núi xa xôi hẻo lánh, hoặc thực hiện cho các cuộc đổ quân, cấp cứu tải thương vân vân, ngày nay tại Hoa Kỳ dùng phi cơ để cứu cấp tai nạn và chụp hình săn tin cập nhật cho các cơ quan truyền thông và báo chí.

Dù chiếc phi cơ ngày nay có thân thể hình hài khác hẳn ngày xưa, nhưng tiếng động cơ và cánh quạt tạo âm thanh kêu bành bạch giống như phi cơ trực thăng ngày xưa, phi cơ ngày nay được trang bị dụng cụ tối tân bằng điện tử chính xác làm cho các pilots tự tin khi đang điều khiển con chim sắt bay lượn trên không trung. Từ đằng xa tiếng động cơ và cánh quạt máy bay trực thăng kêu bình bịt vào hướng up wind vì ở phía đông của đất liền là biển Atlantic nên gió luôn phát xuất từ hướng ngoài biển khơi thổi vào từ phía east, vả lại dọc theo con lộ có con kênh khá lớn chạy song song và những bãi đất trống, một nghĩa trang rộng mênh mông open area là đường bay lý tưởng khi hạ cánh cho nên pilot thường landing into the east, into the wind. Thỉnh thoảng có gió tây nhẹ và yên tĩnh vẫn dùng đường bay land to the east, những ngày gió crosswind mạnh máy bay grade heading 360 độ đứng dưới đất nhìn chiếc máy bay đang bay ngang để landing to the east. Đường bay ngay trên đầu sở làm, nên cứ mỗi lần nghe tiếng máy bay trực thăng thì tôi vội vã chạy nhanh ra ngắm nghía chiếc máy bay mà một thời coi như người bạn tri kỷ được xử dụng cho cuộc chiến Việt Nam đang từ từ đáp xuống. Có những ngày bận rộn máy bay lên xuống nhiều lần, hầu hết landing và take off tôi được quan sát và chứng kiến một cách chăm chú miệt mài, cứ mỗi lần nghe tiếng máy bay trực thăng thì lòng lại nao nức và não nề nhớ một thời làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc không gian của thời chinh chiến.

“ Cho tôi xin chỉ một lần
Mơ làm cánh én giữa trời xuân
Tang bồng hồ thỉ mang chí lớn
Rạng giống Tiên Rồng lính Không Quân”


Vào những buổi sáng trời Đà Nẵng trong lành, bầu trời quang đãng gió yên tĩnh, phi đạo 340 cất cánh lên trên đỉnh đèo Hải Vân. Nhìn xuống quốc lộ số I đường lên đèo xuống dốc ngoằn ngoèo uốn lượn như con rắn đang di chuyển, xe cộ nối đuôi nhau đều đặn và chậm rãi. Bãi biển Nam Ô vắng bóng người tắm chỉ vài kẻ bộ hành rảo bước dọc theo bãi cát cạnh bờ nước, qua những làn sóng nhẹ nhàng vỗ vào bờ trong ánh nắng dịu hiền vào buổi bình minh. Phía đằng trước là Lăng Cô với những hàng dừa mườn mượt xanh biếc vây quanh những xóm nhà ngói đỏ, những chiếc thuyền đánh cá đang di chuyển quay mũi về hướng đông tiến ra biển khơi vỗ trùng, cơn sóng nhấp nhô nhè nhẹ. Ánh nắng ban mai dịu hiền gió se se thổi qua cửa sổ, ánh mặt trời phản chiếu trên mặt nước lấp lánh qua cửa kiếng máy bay, tạo ra một bức ảnh ban mai ngư phủ, sơn thủy. Chao ôi cảnh đẹp quê hương tôi vào buổi bình minh đầy nhựa sống, bay dọc theo quốc lộ đến Phú Bài qua thành phố Huế, một thành phố cổ kính thơ mộng lăng tẩm những đồi thông thoai thoải nguy nga bát ngát bao phủ cảnh hữu tình, song Hương núi Ngự Huế thơ Huế mộng ngàn năm văn vật những cảnh đẹp thiên nhiên của cố Đô hữu tình lãng mạn in đậm nhạt nhòa trong tâm thức tôi không bao giờ phai nhạt.

Vào những ngày gần cuối của cuộc chiến tôi được gởi đi biệt phái vào Nha Trang, gặp những phi vụ bay Cao Ly Đà Lạt, dọc theo những đồi thông lả lướt nằm dọc theo những con lộ vào những buổi chiều hoe nắng còn rơi rớt vài mảnh tia nắng cuối cùng của những ngày yếu ớt nhạt nhòa, như còn lưu luyến cảnh vật, những vạt nắng loang lỗ còn sót lại một vài tia chiếu rọi trên những cây thông xanh thẳng đứng đang đan cành lá trông vẻ nghèo nàn và vụng về ấp ủ đứng sừng sững nơi đồi cao vút. Gió cứ thổi về phương trời vô định, mây cứ trôi bềnh bồng trên không trung trong sự im lặng và tĩnh mịch của buổi hoàng hôn, lưu luyến cảnh vật những hình ảnh mảnh khảnh của đất trời mù khơi sương tuyết làm sống dậy bởi những tiếng gọi từ lòng núi rừng, âm hưởng bởi núi và cây đường đèo uốn lượn dọc theo sườn núi, ôi quê hương tôi đẹp thiên nhiên tuyệt vời, một giang sơn gấm vóc cẩm tú.

Vào miền Nam bằng phẳng ruộng cò bay thẳng cánh những đồng lúa bao la bát ngát chín vàng nhấp nhô uyển chuyển cuốn theo chiều gió, những mùi lúa chín thơm nhè nhẹ dịu dàng phưởng phất trên không trung, những dòng sông uốn khúc dài thăm thẳm vô tận, nhiều bán đảo hữu tình… Miền Nam nhà cửa thưa thớt, nhưng ruộng vườn trù phú không gian bao la rộng lớn, không diễn tả hết văn chương chữ nghĩa với cái máy computer nhỏ bé đang gõ chậm rãi lọc cọc trên đầu mấy ngón tay già nua nhăn nheo và run rẫy.

Bốn mươi năm từ giã chiến trường, từ giã vũ khí để lại kỷ niệm của một thời bay bỗng, với nhiệm vụ bảo quốc trấn không bảo vệ vòm trời miền nam tự do, bốn mươi năm trôi qua lòng người ấp ủ héo hắt tâm tư vẫn tiềm ẩn trong người mang hoài bảo hướng về quê hương và tổ quốc. Đôi lúc vờ quên đi nhưng không làm sao dứt bỏ những kỷ niệm đã đậm nét đặc thù của những người đã sinh ra lớn lên và trưởng thành nơi đất mẹ, những hình ảnh trong tâm khảm tạo những bức tranh thật mà chính đôi mắt trần đã trông thấy. Nỗi lòng người viễn xứ muốn tìm lại những tình cảm chân thực về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng gợi laị những kỷ niệm vui buồn thời chinh chiến.Tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống và được đắm mình trong những tình cảm chân thực những hình ảnh đẹp tuyệt vời, những núi non hùng vĩ biển cả mênh mông, những cánh đồng bao la bát ngát với mùi hương thơm nhè nhẹ ngào ngạt miền đất màu mỡ. Quê hương là một niềm vui nỗi nhớ não nề của kẻ xa xứ, với vóc dáng hình hài giang sơn gấm vóc, song núi mỹ miều, ước mơ và khát vọng của con người đang hướng về quê mẹ đã diễn tả qua bài thơ trong tập chuyện ngắn Nỗi Lòng Và Khát Vọng, của Nguyễn Ninh Thuận, tác giả sinh ra và lớn lên nơi miền khô cằn sỏi đá, vùng Hỏa Tuyến tỉnh Quảng Trị và đang sống tỵ nạn tại California Hoa Kỳ.

Nhớ thủa ban đầu, thấm thoát trôi!
Gợi bao kỷ niệm đã qua rồi
Buồn, cuối tháng Tư đen tối,
Yên ấm còn đâu hởi Đất Trời!
Em vẫn trong lòng mãi khắc ghi,
Nhớ bao hình ảnh lúc chia ly…
Người đi thoát nạn lòng tan nát
Im lặng thương đau biết nói gì?!...
Nhớ mãi anh ơi những chiến công,
Hùng anh diệt giặc giữ non sông.
Tô thêm tươi thắm miền đất nước,
Hồng Lạc cháu con quyết một lòng.
Uất ngàn đời năm bảy lăm.
Anh về đất mẹ nuốt hờn căm.
Ngàn năm vẫn nhớ thương anh mãi…
Chiến sĩ vô danh đã chết thầm


Em gái hậu phương tuổi mộng mơ cũng mong làm quen với phi công để muốn mình trở thành người bạn đồng hành, người tình hay là những em gái hậu phương. Không chỉ văn võ kiêm toàn mà có một thân thể cường tráng vạm vỡ, cao ráo sức lực dồi dào tâm hồn luôn tha thứ và bao dung, những bạn gái đẹp, giàu sang học giỏi thường mộng mơ để trở thành một người bạn, một người tình, một người vợ chung thủy đảm đang xây dựng tổ ấm gia đình với phi công.“ Tất cả đàn ông đều có lúc lầm lỗi, nhưng người đã có vợ bao giờ cũng nhận ra sai lầm của mình nhanh hơn.”

Phi công phần nhiều là nam giới khi người con trai ý thức được trách nhiệm, đựợc thiên phú ưu đãi sức khỏe và tài năng của mình, cũng thích được ở bên người phụ nữ mỹ miều tinh tế, phong cách lịch lãm, nhiều kiến thức và kinh nghiệm sống. Phi công trẻ tuổi thường mang những thú vui ngắn ngủi, có thể thỏa mãn những nhu cầu thầm kín hay tham gia vào những hoạt động lành mạnh vừa mới mẻ vừa sôi nổi mở ra một thế giới mới với rất nhiều cơ hội. Đôi lúc ăn chơi hết mình trong những ánh đèn mờ ảo vào những đêm thanh thản nơi náo nhiệt của đô thị trai trẻ thường sẵn sàng chấp nhận biến dạng và thay đổi, khi về già thường có xu hướng yên lặng bất chấp mọi tranh tụng mong cuộc sống bình thản ẩn dật trong gia đình nhiều hơn ngoài xã hội. Người phi công thường sợ phải gắn bó, đơn giản là chưa sẵn sàng bước vào xã hội bằng mối quan hệ nghiêm túc, là vấn đề lớn nếu bạn gái muốn tìm kiếm mối quan hệ lâu dài, bền vững, người nam giới cần nhiều thời gian mới thật sự trưởng thành, chưa học được những kỹ năng cần thiết cho mối quan hệ, không thể cùng nhau chia sẻ khó khăn, người ta thường gắn với nhãn hiệu không mấy thân thiện dẫn đến chuyện hời hợt và lạnh nhạt chia ly.

Không gian bao la rộng lớn vô tận nhưng nằm trong vòng tay và tầm mắt của người phi công từ chân trời góc biển hàng ngàn dặm với con chim sắt vỗ cánh vùng vẫy vời vợi giữa không gian bao la, lướt qua những luồng gió mạnh ẩn náu vào những đám mây bàng bạc khi hiện khi ẩn giữa không gian. Người phi công khi đang ở trên không trung điều khiển con tàu tâm hồn cảm thấy phóng khoáng thanh nhã luôn luôn tỉnh thức để đối phó với thời tiết kỹ thuật đề phòng mọi tai biến có thể xảy ra trong tic tắc cho nên cần thân thể khỏe mạnh một tâm hồn an lạc để đối phó với tử thần đang cặp kè sát vai của người phi công.

Trước năm bảy mươi lăm những phi công được gởi đến các nước đồng minh giàu mạnh có kỹ thuật cao để huấn luyện, Việt Nam được gởi sang Hoa Kỳ huấn luyện, tùy theo ngành một năm hai năm với tài trợ phí tổn rất là cao, theo chiếc tính của bộ quốc phòng Hoa Kỳ, chi phí cho một phi công trực thăng sau khi tốt nghiệp là một triệu dollar. Cuối thập niên một ngàn chín trăm sáu mươi hồi đó một bao thuốc lá giá 25 cents một gallon xăng 35 cents so với ngày nay có thể lên đến hai triệu triệu dollars. Sau khi Hoa Kỳ chuyển sang chương trình Việt Nam Hóa không quân Việt Nam Cộng Hòa mở thêm các khóa huấn luyện trực thăng tại Việt Nam với nhu cầu cần thiết cho chiến trường và quân đội Việt Nam cộng Hoà để tự lực tự cường bảo vệ miền nam Việt Nam.

Chiến tranh Việt Nam chưa sử dụng hết khả năng của không quân Việt Nam Cộng Hòa là một đội quân mạnh nhất Đông Nam Á, thuộc phe tư bản tự do, sau khi Hiệp định Paris đã ký kết không quân Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn Hoa Kỳ và đồng minh cố vấn, bị ảnh hưởng và giới hạn các phi vụ cũng như xử dụng vũ khí phải thông qua Hoa Kỳ, mà Hoa Kỳ đã có ý định bỏ rơi Miền Nam Việt Nam. Chúng ta có đủ máy bay, có đủ phi công với khả năng tinh thần khí khái và uy dũng chiến đấu tinh nhuệ hăng say, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ miền Nam tự do, nhưng cuối cùng vẫn bó tay và tháo chạy một cách vội vã nhục nhã.

Suốt trận chiến hai mươi năm lận đận của người lính trận Việt Nam Cộng Hòa nhiều phi công đã gục ngã trong những phi vụ nguy hiểm, nghĩa tử là nghĩa tận, chết không nguyên vẹn, chết không sợ hãi, chết trong khoảnh khắc vài tic tắc, chết cháy, chết bênh xác nổ tung trên không trung như xác pháo xương thịt rãi khắp nơi rừng hoang vắng ngoài trận địa. Một số phi công sa cơ phải tức tưởi uất hận khoanh tay trước họng súng của quân thù, những người đồng hành đã nằm xuống để giữ đất nước vẹn toàn, giờ này các anh, các bạn đã yên nghỉ ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng. Sau ngày ba mươi tháng tư năm một ngàn chin trăm bảy mươi lăm, cộng sản lùa các phi công vào trại cải tạo, có người không chịu nỗi cảnh áp bức, đói khát nên trốn trại vượt ngục có người thoát khỏi, có người bị bắt và chết trong rừng sâu, nơi biển cả. Sau những năm cải tạo được thả về nhiều người trở về quê cũ với đời sống kham khổ nơi đồng áng, có người đi kinh tế mới để lập nghiệp, một số theo diện HO đến Hoa Kỳ tuy muộn màng nhưng đã bắt kịp đời sống mới tại Hoa Kỳ. Người phi công ngày nay còn sống sót dù trôi dạt nơi chân trời góc bể xa xôi hẻo lánh, hay đang tỵ nạn một quốc gia nhỏ bé trên thế giới ,tổ quốc và đồng bào Việt Nam vẫn biết ơn và tri ân người phi công Việt Nam Cộng Hòa một thời bảo vệ tổ quốc trấn không.

Sau những năm từ giã bay bổng để lại không gian biển rộng trời cao thân thương, ở quê nhà làm thân phận người tỵ nạn, những năm đầu những người phi công vẫn còn phong độ bay nhảy trên xứ người, không phô trương, không khoe khoang về cuộc đời phi công mà vẫn an nhiên tự tại xây dựng đời sống và gia đình ở xứ người. Miền nam Việt Nam sau ngày ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm bị đổi chủ, từ chính trị, xã hội… bị đảo lộn số phận trôi nỗi hẫm hiu của tổ quốc và dân tộc Việt Nam lâm vào con đường nghiệt ngã và oái ăm của chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngày nay đã gần nữa thế kỷ vật đổi sao dời đá nát vàng phai, người phi công năm xưa nay đã lụm khụm già yếu, nhưng tinh thần vẫn phong lưu lả lướt vẫn giữ được phong cách của người hào hoa vang bóng một thời chim bằng gãy cánh, cứ tưởng thời gian đã quên đi, không để ý tới sự hiện hữu của những chàng phi công trẻ tuổi bị xệ cánh, ngày nay họ vẫn là những người con thân yêu Tổ Quốc Không Gian Việt Nam Cộng Hoà muôn thủa. Chúng ta vẫn tin tưởng một ngày trở về rửa nhục, để mẹ Việt Nam không còn cất lên tiếng ân oán giận hờn, cùng nhau trở về quê hương thành lập như những phim giả star war, đánh tan bầu trời u ám đã phủ trùm lên tổ quốc bốn mươi năm nay.

Bốn mươi năm, như bóng câu qua cửa sổ, thời gian không bao giờ trở lại nhớ về thời chinh chiến lòng người khắc khỏai dạt dào về dĩ vãng, dù quê hương dân tộc diểu dương trôi theo vận nước, dù thời gian xói mòn phai nhạt, con người trở nên già nua nhưng hoài bảo cố tri những năm tháng vẫn đậm nét nhớ nhung một thời bay lượn trên quê hương thân yêu vẫn mãi sống còn trong tâm hồn. Những người con thân yêu của tổ quốc vẫn ôm ấp nung náu ngày trở lại quê hương yêu dấu, thăm lại chiến trường xưa những cảnh đẹp của quê hương, với sau gần nữa thế kỷ lưu lạc nơi xứ lạ quê người. Than ôi! phe thắng cuộc lãnh đạo và điều hành quê hương bán rừng bán biển cho ngoại bang, quê hương tôi đã chìm đắm trong vực thẳm ngoài biển khơi. Lòng người vẫn tức tưởi thương thầm gợi nhớ chiến trường xưa mà người phi công một thời vùng vẫy bay lượn trên vòm trời miền nam tự do, ngày nay đã trở thành những người già nua răng rụng tóc bạc nhưng tâm hồn vẫn là người hào hoa phong nhã rộng lượng và khoan dung vẫn cảm thấy yêu đời, yêu người và yêu chính mình“Ta là đàn chim bay trên cao xanh… Ôi! phi công danh tiếng muôn đời”.


Nguyễn Trà, Hòang Ưng 239
West Palm Beach 2014



Cùng Tác Giả: Huế, Phi vụ cuối vùng

 

Reader response => (Hoài Niệm - Nguyễn Trà, Hoàng Ưng 239)

Rate this item
(1 Vote)