Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Lá thơ gởi bạn, 32 năm rồi mới được tin! - Phạm Hữu Lộc

Posted by March 10, 2019 4417

Lá thơ gởi bạn, 32 năm rồi mới được tin!


Phạm Hữu Lộc

Sáng thân mến,


Thật như một phép lạ ban xuống trong mùa lễ Phục Sinh năm nay, tôi tình cờ bắt được tin bạn qua mạng luới Internet. Đã hơn 32 năm hoàn toàn tôi không biết bạn ra sao, trôi dạt nơi nào, có an toàn trong cuộc di tản từ Đà Nẵng hay đã bỏ thân ngoài biển cả hoặc bị chôn vùi trong trại cải tạo ? Nhớ bạn lắm và rất mừng đã có được tin. Hôm nay với những gìòng chữ này, tôi sẽ kể hết cho bạn nghe những thăng trầm của tôi từ lúc VN sắp lọt vào tay VC cho tới ngày nay. Rất mong lá thư này sẽ nối lại khoảng cách thời gian kể từ lúc gặp bạn và bà xã trước tết năm 75, khi tôi ra Đà Nẵng học xuyên huấn A-37. 


Hôm âý (Không nhớ rõ ngày, hình như khoảng vài ngày trước khi mất nước) lúc VC bắn đạn 122 ly tới tấp vào phi trường Biên Hòa, tôi cùng các phi công khác trong Phi Đoàn (PĐ) được lệnh di tản phi cơ về Tân Sơn Nhất (TSN). Chạy ra những ụ đậu, mạnh ai nấy lên một chiếc A-1 quay máy, bay về TSN mà cũng không rõ tình trạng khả dụng của phi cơ ra sao. Hai phi đạo chính đều bị hư hại vì pháo kích không xài đuợc nên phải dùng taxiway chật hẹp. Trong lúc cất cánh, phi cơ cứ lỉa qua phải, tôi vất vả ráng giữ cho nó nằm trong taxiway. Con tàu lững lờ tăng tốc độ, chậm chạp bay lên, tôi thở phào nhẹ nhõm. Bỗng dưng cảm thấy như hai bánh đáp vướng hàng rào kẽm gai bên lề, tôi kéo vội bánh đáp lên nhưng con tàu đã mất trớn mà còn đâm về phía những ụ đậu bê-tông kế bên. Thấy mình khó sống, tôi vội vàng giựt hệ thống thóat hiểm hy vọng dù sẽ kéo mình an toàn ra khỏi phi cơ.

Đùng … Canopy bay mất, nhưng sao mình vẫn còn trong đây! Tôi cúp ga, chiếc khu trục A-1 mất sức nâng đập mạnh xuống rãnh nuớc bên đường taxiway. Hai anh lính Không Quân (KQ) gần đó phóng lại, leo lên hỏi tới tấp:

- Trung Úy có sao không… Trung Uý có sao không?

Vừa hỏi họ vừa giúp tôi thoát nhanh khỏi phi cơ và đưa tôi lên chiếc xe cứu thương không hiểu từ đâu mà có sẵn ở đó. Leo lên xe, tôi thấy mình không sao cả, chỉ rên đầu gối một chút. Tại bệnh xá, viên bác sĩ trực kêu tôi nằm lên bàn khám, vừa xoa nắn khắp tứ chi tôi ông vừa hỏi:

- Có đau không?

Tôi lắc đầu. Ông ký giấy cho tôi 4 ngày nghỉ bay. Tôi cảm ơn rồi mang nón bay và những dụng cụ mưu sinh (Survival gear) kiếm đường ra cổng, đón xe ôm về Sài Gòn vì sáng sớm hôm đó tôi đã nhờ một người bạn đem chiếc xe Honda SS-50 của mình về TSN rồi. Tuy phi trường đang ăn pháo kích nhưng bên cổng vẫn có những chiếc Honda ôm chờ khách, tôi vẫy một chiếc kêu chở về TSN. 

Tối hôm đó tôi đến nhà LP ở ngã tư Bảy Hiền, gặp nàng và bố mẹ nàng nhưng tôi không hé lời về chuyện thoát hiểm vừa qua. Vào lúc này, PĐ tôi phải đóng tạm phía sau đài kiểm sóat. Tôi vẫn lui tới nhà LP, đây là một hạnh phúc ấm áp của cá nhân tôi trong khi miền Nam VN đang lâm cơn nguy biến. Tình hình lên cơn sốt, các PĐ khu trục được lệnh gấp rút lấy tên vợ con để có thể di tản trước còn các phi công ở lại và sẽ di chuyển phi cơ qua Thái Lan sau. Tôi quay ngay về nhà LP, bàn cùng bố mẹ nàng nhưng ông bà chỉ đồng ý cho tôi và LP đi chung chứ đi riêng thì không… Chẳng biết nói sao nhưng tôi vẫn nộp tên nàng và một người em vào danh sách thân nhân khu trục di tản.

Tôi ghé ngang vào trại tiếp liên trong TSN, khung cảnh nhộn nhịp và ồn ào vì rất đông những thân nhân đang chờ gọi lên phi cơ của Mỹ để di tản. Gần chỗ cổng ra phi đạo, vài nhân viên tiếp liên đang kêu tên trong danh sách thân nhân các PĐ khu trục. Tôi hối hả phóng xe về báo cho L, một người bạn thân chung khóa và PĐ, cùng một vài bạn khu trục khác đang ở trong khu tạm cư, đốc thúc họ nên đi ngay. Tôi chở L và fiancé cuả hắn ra trạm tiếp liên. Nhân viên kiểm soát đọc tên một vài gia đình khu trục nhưng họ không có mặt. Một ông Đ/Tá mà tôi không biết tên, chắc không phải là dân khu trục, nhào đến muốn đưa tên người thân của ông vào thế. Không đồng ý, một vài anh em khu trục trong đó có tôi nữa lên tiếng:

- Nếu họ không có ở đây thì phải thế vào bằng thân nhân khu trục khác có mặt mà chưa có tên trong danh sách chứ!

Nhân viên tiếp liên đồng ý, sau đó fiancé của L cùng một số thân nhân khu trục khác lên phi cơ, qua đảo Guam chiều hôm ấy. Thấy fiancé của bạn mình ra phi cơ đi, tôi buồn, uớc gì mà LP cũng ra đi được như vậy!

Chiều hôm 28 tháng 4, 75 tôi và LP đang ngồi chuyện trò trong phòng khách thì bỗng nghe những tiếng như bom nổ gần đâu đây. Một đứa em nàng từ sân thượng chạy xuống:

- Em thấy máy bay đang nhào lộn ở phía TSN. 

Chạy lên sân, tôi thấy mấy chiếc A-37 đang vòng quanh phiá phi truờng, vài cột khói đen cũng bốc lên cao từ phiá đó. Tôi vội nói với LP:

- Anh vào TSN ngay vì có thể phải đi bay. 

Tôi cũng chào mẹ của nàng:

- Thưa bác, cháu phải vào căn cứ! 

Chúng tôi đi sát vào nhau ra phiá cổng sau nhà. Tôi nắm tay nàng từ giã:

- Thôi để anh vào phi trường xem sao! 

Bốn mắt nhìn nhau không hiểu tương lai sẽ đi về đâu, có ngờ đâu đó là lần cuối bên nhau. Leo lên chiếc Honda tôi trực chỉ TSN, cảnh đường vắng vẻ, lác đác đây đó có vài người với những ánh mắt đầy âu lo lẫn băn khoăn… Tới Lăng Cha Cả, tôi gặp nhiều xe cộ, phần đông là quân xa đậu đầy trước cổng Phi Long. Lần lượt cả hơn một tiếng đồng hồ sau tôi mới len theo qua cổng phụ bên hông vào trong phi trường được.

Tới nơi mới biết là PĐ đã chuyển ra phiá sau trạm cứu hỏa vì chỗ cũ quá gần nơi khu bị A-37 thả bom. Tối hôm đó, tôi và L qua khu gia binh ăn cơm. Oái oăm thay, dưới những ánh đèn lung lay, khu gia binh tấp nập đầy người ăn nhậu như ngày hội vậy… Tôi có cảm tưởng chắc mọi người hãy no say đi vì không biết ngày mai sẽ ra sao, bọn VC mà vào rồi chắc sẽ không bao giờ còn được tự do như vầy nữa!

Ú ... ú … ú ... đùng … đùng … đùng … liên miên không dứt những trái pháo 122 ly dội vào phi trường đêm hôm ấy. Tôi bật dậy nhào xuống hố cá nhân cùng với những bạn khác trong PĐ. Bầu trời còn tối đen nhưng tràn đầy những tiếng hú và các tia lửa của pháo kích lẫn những tiếng đùng đoàng chóa sáng khi pháo đạn chạm nổ... Tôi nằm chịu trận trong giao thông hào chờ trời sáng…TSN lúc bấy giờ chắc là trong tình trạng nội bất xuất ngọai bất nhập.

Trời đã sáng nhưng đạn pháo kích vẫn liên tiếp bắn vào. Tôi ngước lên bầu trời TSN thấy một chiếc AC-119 lượn quanh bắn ra những tia đạn xuống mục tiêu bên ngòai phi truờng. Bỗng từ dưới một lằn khói trắng, chắc là của SA-7, bay lên trúng gần một động cơ... nổ tung. Cánh phi cơ gẫy gập, con tàu như chim gẫy cánh xoáy đâm nhanh xuống… hình như có một vài đốm đen từ cửa hông nhảy ra nhưng không thấy dù bọc. Chiếc AC-119 lao xuống khuất sau chân trời… một cuộn khói đen bùng lên phủ cả một khung trời. Tôi bàng hoàng nghẹn ngào cho một phi hành đòan dũng cảm trong giờ thứ 25… 

Tôi cùng L nhẩy lên chiếc Honda chạy vòng quanh xem tình hình ra sao, qua khu nữ quân nhân thấy cư xá vẫn còn đang bốc cháy… rải rác đây đó những cụm khói đen vẫn còn bốc lên cao, có thể từ những phi cơ đang cháy vì trúng pháo kích… háo hớt qua các khuôn mặt của những người lính không biết mình sẽ phải phản ứng ra sao… lác đác dọc đuờng một vài xác chết chưa được phủ mặt… Chúng tôi chạy ra ngoài phi đạo qua những ụ đậu phi cơ. Khung cảnh ngoài taxiway không còn thứ tự nữa … rải rác chỗ này chỗ kia, xe hơi có, gắn máy có, bom có, súng đạn có, quần áo có… Chúng tôi ngừng lại chỗ đậu của một chiếc AD-5 thấy một số phi công cùng PĐ đang lên phi cơ. L theo lên, tôi dựng chiềc Honda sát bên tường ụ đâụ, khóa vội chân lại rồi leo lên phòng phía sau phi cơ. Khóa vậy thôi chứ biết chắc sẽ không có ngày trở lại với chiếc Honda khiêm nhượng, phương tiện di chuyển chính của tôi từ ngày du học Mỹ trở về vào đầu năm 72.

Ngòai hai người lái ra, chiếc AD-5 còn chứa thêm một số phi công khác phía sau. Chúng tôi chẳng ai nói năng gì, chiếc khu trục quay máy rồi taxi ra phi đạo cất cánh ... hồi hộp hơn nữa khi chiếc phi cơ lững lờ lấy cao độ... không hiểu có SA-7 bắn theo không… Thoáng trong ánh mắt nhìn xuống, tôi thấy một chiếc C-47 mầu trắng không hiểu vì lý do gì còn nằm bẹp phía cuối phi đạo… Chúng tôi hướng về Cần Thơ và đáp tại đó vào lúc xế trưa. Cũng trong ngày đó từ Cần Thơ chúng tôi cùng một số phi công khu trục khác bay qua Utapao. Chiếc AD-5 chứa 13 người: 12 phi công và một anh lính KQ, mỗi người đượm mỗi vẻ âu lo riêng của mình. Chiếc khu trục của chúng tôi bay hợp đoàn “tác chiến” với những chiếc A-1 khác trên đường di tản. Từ sáng đến giờ mọi hành vi của tôi như những phản ứng sinh tồn, không suy nghĩ giống như các hoạt động của “Autopilot”, nhưng khi bay đến vịnh Thái Lan, hiểm nguy đã qua tôi mới tỉnh giấc bàng hòang. Thôi thế là mất tất cả! Mất cha xa mẹ, mất anh em, mất đi cả sự nghiệp bay bổng, rời quê hương dấu yêu cùng bao kỷ niệm mà không hy vọng ngày về…! Đau đớn thay là phải xa LP, một mối tình đầu chứa chan những kỷ niệm êm đẹp và đầm ấm…

Phi cơ chạm bánh xuống phi đạo Utapao quẹo vào taxiway rồi từ từ theo chiếc pickup “follow me” dẫn vào bãi đậu, lúc bấy giờ chắc cũng khoảng 1, 2 giờ trưa. Chung quanh đã có nhiều phi cơ khác của KQVN đậu - vận tải, trực thăng, phản lực và cả Air Vietnam nữa. Chúng tôi lần lượt xuống, một người lính KQ Mỹ tới kêu chúng tôi để lại súng ống, đạn dược dưới phi cơ rồi đi vào chỗ tập trung. Một anh lính khác bắc thang lấy sơn sịt xóa những lá cờ VN trên chiếc A-1. Nhìn cảnh này tôi rướm lệ -- Ôi mình bây giờ đã trở thành dân du thủ du thực… không nước... không nhà… không người yêu… cuộc đời sẽ đi về đâu…! Bạn ơi, đã 32 năm rồi viết đến đây mà lòng tôi vẫn còn quặn đau, tưởng chừng như cơn ác mộng này vừa mới xẩy ra hôm qua!

Chỗ tập trung cũng sát gần phi đạo, suốt chiều hôm đó thỉnh thoảng lại có một vài chiếc phi cơ tỵ nan như chúng tôi xuống đáp, còn phi đạo thì tấp nập những chiếc phi cơ tiếp tế nhiên liệu trên không (Air tanker, KC-135) cùng những chiếc thám thính cao độ, U-2, thay nhau lên xuống. Tất cả chắc có lẽ đều hướng về phía VN… vớt vát cho cuộc di tản cuối của chiến tranh. Tối hôm ấy một số những ai có thân nhân và gia đình được phi cơ Mỹ bốc đi trước qua đảo Guam. Mệt và căng thẳng tinh thần quá tôi chợp mắt thiếp đi lúc nào không biết… Trưa hôm sau, 30 tháng 4, mọi người đều bàng hòang và tê tái khi hay tin tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng và kêu gọi binh lính hãy bỏ súng.

Qua đến đảo Guam, một mình buồn quá tôi xung phong làm thông dịch viên cùng phát ngôn trên hệ thống loa của trại, đăng tin tìm LP và gia đình. Vẫn nuôi hy vọng là biết đâu gia đình nàng lúc cuối cũng đi được. Tôi lân la lại gần mỗi chuyến xe buýt đến từ phi trường, hỏi thăm về LP, biết đâu nàng và gia đình sẽ xuất hiện trước mắt tôi như một phép lạ. Mỗi ngày qua đi là hy vọng lại phai dần. Tôi bây giờ “gia tài” chỉ còn một bộ đồ bay mang trên người trong lúc chạy, một cạc-táp da trong đó có hồ sơ huấn luyện bay khi tôi còn ở Mỹ cùng với bản chính bằng Tú Tài 2. Còn cái sac-marin trong đó có những thơ từ của LP và môt số kỷ vật khác thì bị thất lạc trong đêm di chuyển tại Utapao khi tôi cho môt gia đình người bạn mượn làm gối ngủ. Như người mất hồn, tôi rớm nước mắt cảm động cho những ai gặp được lại người thân xuống từ những chiêc xe búyt nhưng cũng tủi thân cho những kẻ “mồ côi” cùng hoàn cảnh như tôi. 

Đầu tháng 5 năm 75 tôi được di chuyển qua Ft. Chaffee trong tiểu bang Arkansas, một trong bốn trại tỵ nạn lúc đó. Tôi tiếp tục tình nguyện làm việc trên văn phòng tỵ nạn, vẫn hy vọng là sẽ lấy được tin tức cuả LP, những khi rảnh thì đốt thời gian qua những sinh hoạt hội đoàn Công Giáo trong trại. Tôi cũng cho Hội Hồng Thập Tự biết tên ông thầy dậy bay cũ của tôi, Capt. Linne nhưng không biết ông ta bây giờ ở đâu. Tháng 7 năm 75, tôi được ông và gia đình bảo trợ về vùng Columbus tiểu bang Mississippi. Lúc đó ông là Th/Tá và đang dậy bay tại căn cứ Columbus AFB, một nơi không xa lắm về phiá Bắc của căn cứ Keesler AFB, là nơi tôi đã học bay khoảng hơn 4 năm trước đó. 

Trên đường bay của Republic Airline từ Ft. Chaffee về Columbus, tôi gặp được một chị tiếp viên hàng không người Việt, chị thăm hỏi niềm nở. Chị lập gia đinh với một cựu Đ/Tá Mỹ và đã sống lâu tại Mỹ, giọng tiếng Anh của chị không khác một người đã sinh trưởng và lớn lên tại đây, nếu chỉ nghe tiếng mà không thấy nguời thì khó biết đó là một người Việt. Khi đổi phi cơ tại phi trường Memphis, chị bao tôi một bữa ăn trưa… Túi tôi hôm đó chỉ có $5 dollars do hội USCC (United States Catholic Conference) cho mang theo đi đường. Cử chỉ niềm nở và sự chân thành của chị ấy đã trở thành kỷ niệm an ủi đầu tiên trong bước chân tỵ nạn của tôi.

Tôi ở với gia đình ông thầy trong căn cứ khỏang hơn 3 tháng, ông bà tử tế dành cho tôi một phòng riêng. Khoảng 2 tuần sau khi rời trại tỵ nạn tôi bắt đầu làm đêm với lương tối thiểu tại nhà ăn cho binh lính trong căn cứ KQ. Làm tạp dịch từ rửa chén cho tới sắp xếp sửa soạn chén diã đến lau nhà chùi bàn v..v… Sự mệt nhọc về thể xác cũng như nỗi buồn tủi từ “Cưỡi khu trục đi mây về gió” xuống lau nhà rửa chén vẫn không thể nào sánh với nỗi cô đơn tha hương cầu tự do cùng mất mát của tình yêu đầu. Một niềm an ủi lớn lao nhất giúp tôi vươn lên để tiến là dù sao đi nữa tôi vẫn còn tự do cá nhân, may mắn hơn biết bao bạn bè, đồng đội cùng các chiến sĩ còn đang kẹt lại trong gông cùm cộng sản (CS). Hơn nữa tôi cũng sẽ có cơ hội tiếp tục ước mơ học hết đại học mà tôi đã cưu mang từ hồi còn đi bay ở Pleiku. 

Những khó khăn lúc đầu trong cuộc sống tỵ nạn gợi cho tôi nhớ lại Khóa 69B, khi bọn mình còn trong thời gian huấn nhục tại TTHLKQ Nha Trang. Giai đoạn đã đòi hỏi mình phải đem hết sức đối phó với những thử thách mệt nhọc của thể xác cùng những căng thẳng của tinh thần. TTHLKQ đã đào tạo những thư sinh non nớt như bọn mình thành các SVSQ, sẵn sàng nối bước “hào hùng và độc đáo” của các phi công đàn anh. Tôi còn đậm ghi những lời chỉ bảo của NT Lê Như Hoàn, cánh chim đầu đàn và mực thước của 69B, khi anh nhắn nhủ bọn mình trong bao lần tập họp khoá hay những lúc gặp riêng một vài anh em - “dù đường đi có khó khăn vạn dặm, ta hãy ngẩng mặt tiến lên từng bước một…” Còn NT Nguyễn Hồng Tuyền thì mang lại cho chúng ta những nhắn nhủ thân tình cùng sự che chở kín đáo, như từ một người cha hiền hòa... Sáng ơi! Các kinh nghiệm nhà binh này đã cho tôi những kiên trì và nhẫn nhục “không ngại núi e sông” để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống lúc đó. Tôi xin mạo muội:

- Quân trường đổ mồ hôi, tỵ trường bớt nản chí …

Ra thuê nhà ở với mấy người bạn Việt độc thân, tôi làm nhiều công việc lặt vặt cũng với lương tối thiểu, từ hãng làm bàn cầu (Toilet seat) qua tới quét đường cùng khiêng đồ lặt vặt trong trường đại học. Cuối cùng tôi kiếm đuợc một công việc khá hơn trong một hãng làm ca nô câu cá bằng nhôm (Aluminum fishing boat). Trong những năm đầu tỵ nạn, đêm đến tôi vẫn thường mang nhiều cơn ác mộng về VN. Tuy không biết bay trực thăng, thế mà tôi vẫn lái trực thăng, bay trong đêm đen, xà ngọn cây từ Vũng Tàu (VT) về Sài Gòn. Đến sân thượng nhà LP, nhẩy xuống bốc mọi nguời lên, bay vội trở ra VT, đáp trên hạm đội Mỹ, mừng rỡ và hớn hở đến khi trời sáng mới thấy tất cả là ai đó chứ không phải những người thân của mình… Rồi những đêm thấy mình còn đang kẹt lại ở VN, lo lắng qúa, hồi hộp qúa, tim đập mạnh:

- Làm sao thoát khỏi tay bọn CS bây giờ? 

- Chúng mà bắt được thì đi tù mọt gông!

Ráng tìm ra lối thoát đường đi… bật mắt dậy mới thâý mình nằm trong phòng ngủ bên Mỹ, nhờ vậy mà tim mới đập lại bình thường. Sự hồi hộp này làm tôi nhớ, lúc mới 4 hoặc 5 tuổi trong cuộc hành trình di cư từ Bắc vào Nam, con thuyền trong đêm tối phải đi ngang gần trạm kiểm soát trên sông của bọn vẹm. Mẹ đưa tay bịt miệng tôi, dúi tôi nằm sát dưới mạn thuyền sợ bọn chúng phát giác, từ đó con tim bé nhỏ đã bắt đầu biết run sợ là gì. 

Rồi một ngày nào tôi nhớ không rõ, nhân buổi họp mặt một số ít ỏi người Việt tại thành phố Columbus, Mississippi nhỏ nhoi này, tôi gặp X, bà xã tôi bây giờ. Trước kia X làm cho phái đoàn Mỹ trong Bốn Bên Quân Sự (Four-Party Joint) tại TSN. Gia đình nàng có trong danh sách được phi cơ Mỹ di tản trước, nhưng ba má cứ chần chừ vì còn một người con trai là Sĩ quan bộ binh, không biết sống chết ra sao. Ông bà sợ ra đi, con nó về rồi sao? Ông đã từ Bắc di cư nên không do dự việc này vì gia đình còn bao nhiêu con cái khác phải lo. Còn bà là người trong Nam chưa nếm mùi CS vả lại tình mẹ con sâu đậm, còn nuớc còn tát, cứ chờ xem sao. Hai ông bà kẻ thì gói quần áo sẵn sàng ra đi, người lại gỡ ra để chờ con. X thuyết phục không được cũng chẳng biết làm sao hơn. Mọi người trong nhà rất nôn nao .. rốt cuộc ông bà cho một người em gái đi tháp tùng với nàng. X và người em cũng về định cư trong thành phố nhỏ bé này, nhờ đó chúng tôi mới có duyên số gặp nhau. Sau 30 tháng 4, ông đã ra đi qua một liều thuốc ngủ vì không muốn sống dưới chế độ CS. Một vài năm sau bà cũng mất luôn vì buồn bệnh cho gia đình, người thì khuất, kẻ còn lại phải tản mác bốn phuơng trời.

Tha hương bấp bênh nơi xứ lạ quê người nên sau gần một năm quen biết nhau chúng tôi đã thành vợ chồng qua một cái đám cưới “bỏ túi” vào đầu năm 77. Lễ cưới do cha Tuyên Úy trong căn cứ KQ cử hành, với sự hỗ trợ của vợ chồng ông thầy tôi. Phù dâu là em gái của X, còn phù rể là chồng cô ấy. Tiệc cưới thật đơn giản trong phòng họp phía sau nhà thờ, vỏn vẹn có khoảng mươi người Việt cùng vài gia đình quen trong họ đạo. Chúng tôi nương tựa, đùm bọc lẫn nhau để sống cho tương lai và bắt đầu thực hiện mục đích đi học lại của tôi. Cố gắng làm lụng, chúng tôi sắm được một cái mobile home nho nhỏ cùng chiếc xe Mazda khiêm nhượng để sau này tôi đi học khỏi lo tiền nhà và nợ xe. Mùa hè năm 78 tôi vào trường Mississippi State University (MSU) học ngành kỹ sư hàng không không gian (HKKG, Aerospace Engineering). Thời gian bay bổng, cộng thêm sự gần gũi với phi cơ khi còn trong KQVN đã thúc đẩy tôi theo học ngành này. 

Xa ghế nhà trường đã khỏang 10 năm rồi nên tôi bắt đầu học lại lượng giác và đại số để lấy lại căn bản. Tôi cố gắng học không ngừng, rảnh thì làm việc thêm tại hãng ca nô trong những kỳ nghỉ hè hoặc dịp lễ Giáng Sinh kiếm thêm tiền chi phí. Ông giám đốc hãng thấy tôi chịu khó nên tiếp tục giúp đỡ cho làm trong mùa hè và những ngày nghỉ học cho tới khi tôi ra trường. X thì vẫn tiếp tục làm đủ nghề, từ may vá cho tới điện tử để lo tài chánh cho gia đình. Đầu năm 81 cháu gái lớn của tôi ra đời, cuộc sống lại chật vật hơn nhưng tôi vẫn kiên nhẫn vì chỉ còn hơn một năm nữa là ra truờng. Tháng 5, 82 tôi tốt nghiệp ngành HKKG, chúng tôi cũng trở thành công dân Mỹ luôn. Nhờ cố gắng tôi được hạng “Magna Cum Laude”, tôi thấy mình chẳng thông minh gì mà chỉ nhờ kiên nhẫn và hy sinh, như ông cha ta đã nói “có công mài sắt có ngày nêm kim.” Tôi tiếp tục ở lại truờng theo cao học cơ khí (Mechanical Engineering). Đến cuối năm 82, chúng tôi có thêm một cháu trai. 

Mùa hè năm 83, tôi nhận làm việc cho KQ Mỹ tại Eglin AFB, Florida nơi mà xưa tôi đã được huấn luyện bay A-1. Năm 87 KQ Mỹ gởi tôi về lại trường MSU để hoàn tất Master về Mechanical/Aerospace Engineering. Hạnh phúc đến mỗi ngày một nhiều với vợ chồng chúng tôi. Tôi thấy mình thật may mắn được một người vợ hiền, cặm cụi, đảm đang, hy sinh cho chồng con. Tôi khó có thể yên tâm để thực hiện ước mơ đại học của mình nếu không có nàng. Nhìn X, tôi thấy cảm phục và thương mến đến bao nhiêu phụ nữ VN khác cũng phải long đong vất vả cho chồng con trong nếp sống tỵ nạn khó khăn lúc ban đầu… Cám ơn Chúa, Ngài vẫn còn thương con! 

Từ ngày bước chân lên đất Mỹ cho đến gần 5 năm sau tôi mới liên lạc về với gia đình bên VN. Khi vừa qua tôi không viết thư về vì sợ bọn CS dùng nó để tố và làm khó dễ gia đình mình. Lại cũng nghe nhiều tin đồn là vùng Bẩy Hiền, nơi nhà tôi ở, đã bị phá hủy tan hoang… Khi được tin nhà vào năm 80 thì thầy tôi đã mất. Chúng tôi cố gắng trợ giúp cho vài người em bên nhà đi vượt biên và lo giấy tờ bảo lãnh cho gia đình hai bên, ngay sau khi chúng tôi nhập tịch Mỹ. Hai người em của tôi và một người em X đã thoát khỏi VN qua đường biển. Hai đứa em tôi sau này qua Mỹ còn cậu em vợ thì được Canada bảo lãnh. Mãi đến năm 92 thì gia đình tôi và mấy người em vợ mới qua được bên Mỹ theo diện đoàn tụ (Orderly Departure Program, ODP). Mẹ tôi sau khi tới Mỹ một thời gian thì mất vào năm 99 vì ung thư phổi. Các đứa em cuả vợ chồng tôi hiện ở rải rác khắp nơi: từ California, Oregon, Georgia, New Jersey, qua Louisiana tới Toronto, Canada.

Năm 90 tôi xin đổi về làm cho Trung Tâm Bay Thử Nghiệm cuả KQ Mỹ (Air Force Flight Test Center) tại Edwards AFB, California cho đến bây giờ. Nơi mà xưa kia phi thuyền con thoi (Space Shuttle) thường hay đáp xuống. Tôi thấy mình thật là có duyên số với ngành hàng không, tuy không còn đi bay như xưa nữa nhưng trong nhiệm vụ làm việc vẫn được gần gũi những chiềc phi cơ và kỹ thuật tân tiến, từ B-52, B-2, B-1, F-16, F-22, C-17, C-130… cho tới những phi cơ không người lái. Tôi lại được KQ Mỹ tiếp tục hỗ trợ trên đường học vấn, nhờ vậy sau hơn hai năm học đêm, tôi lấy thêm được MBA vào năm 2002. 

Hai con của tôi đã xong đại học và vẫn còn độc thân, các cháu có việc làm và hiện thời ở cách chúng tôi khoảng 160 km gần phiá Tiểu Sài Gòn (Little Saigon) bên California. Tôi cũng được biết là khỏang 1 hoặc 2 năm sau năm 75, LP lập gia đình với một bác sĩ quân y thời xưa, một người đã theo đuổi nàng từ lâu. Hình như LP và gia đình ở VN đang làm ăn sung túc. Nàng có ba cậu con trai tất cả đều thành toại và bốn người em đã định cư tại Mỹ. Tôi chắp tay mừng dùm nhưng cũng ngậm ngùi khi biết được bố của nàng, một cựu Sĩ Quan KQ sau bao năm tù cải tạo, đã vĩnh viễn ra đi cùng với hai người con trong một chuyến vuợt biển tìm tự do. 

Bây giờ trên vai mang nhiều tuổi đời, tôi thấy thấm thiết hơn với qúa khứ, ít muốn chạy đua với tương lai, lại hay cảm động với tình người và quê hương… rớm nuớc mắt khi nghe những bản nhạc về tỵ nạn và VN. Cảm ơn Trầm Tử Thiêng, đa tạ Trúc Hồ đã cho chúng ta…”Một ngày Việt Nam”… “Cám ơn anh”… “Bước chân Việt Nam”… Bao nhiêu bạn bè và đồng hương đã may mắn đến bờ tự do khắp nơi trên thế giới, tự do đó đã cho họ cùng con cái bao cơ hội bộc phát khả năng trên mọi phương diện. Đau xót thay cho quê hương mình với bao thế hệ trẻ vẫn còn bị quản thúc trong một chế độ coi rẻ những quyền thiêng liêng và căn bản của con người. Những mầm non đầy nhựa sống này đã không có những điều kiện để phát huy… Cảm phục thay bao nhiêu nhân sĩ cùng các bạn trẻ trong và ngòai nước, không ngại hiểm nguy, hy sinh sự nghiệp riêng tư hoạt động không ngừng cho tự do nhân quyền tại VN… Kính ái muôn vàn đến các vị đang hoạt động từ thiện, xóa dịu những đau khổ khó nghèo của bao nhiêu đồng bào bất hạnh tại VN.

Bạn ơi, đôi lúc nhìn lại cuộc đời, tôi mới thấy nhiều ngõ ngách cho định mệnh quá… nếu lúc di tản phi cơ về TSN, ghế thoát hiểm phóng tôi lên cao mà dù lại không bọc…nếu LP và gia đình đi được… nếu tôi không đi được… nếu tôi không có duyên phuớc gặp được bà xã tôi… Với một hay nhiều cái nếu này mà cộng lại thì cuộc đời tôi sẽ ra sao ? Định mệnh con người nhiều mông lung và phức tạp thật ! Ai trong chúng ta chẳng ít thì nhiều, sao khỏi những lúc thắc mắc cho chữ NẾU của cuộc đời mình.

Vài hàng để bạn rõ về nếp sống của tôi. Nếu có dự định qua California chơi cho tôi biết trước vài tháng để xin nghỉ tiếp bạn và gia đình. Nay đã biết bạn trôi dạt bên Thụy Sỹ, trong tương lai chắc tôi sẽ phải làm một chuyến qua đó thăm bạn. Tôi cũng mong trong những năm gần đây sẽ có dịp về thăm lại quê hương mình cùng ra Bắc để viếng nơi sinh truởng và quê của thầy mẹ tôi ở Thái Bình. Để rồi sau đó … Old soldier will fade away…!

Thân ái chào bạn, chúc bạn và Bà xã cùng các con cháu An khang mãi.

Lá thơ gởi bạn của một người tỵ nạn may mắn.


Phạm Hữu Lộc
Thái Dương 530 Fighter Squadron, 

A-1 Skyraiders, 
Cu-Hanh Pleiku AirBase, Vietnam

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Lá thơ gởi bạn, 32 năm rồi mới được tin!)

 

Rate this item
(1 Vote)