Print this page

Hành Quân Trực Thăng Vận - Tarin65

Posted by September 30, 2018 4602

Trong chiến tranh, sự phối trí lực lượng từng lúc một có một giá trị chiến thuật to lớn. Biết được chính xác tình hình bạn địch là trách nhiệm của mọi cấp chỉ huy chiến trường. Và ai cũng muốn tạo bất ngờ để có lợi thế tấn công hay phòng thủ, dựa vào một nguyên tắc chiến tranh tầm thường là di động tính. Ta thường nghe Việt Cộng đã từng chỉ thị cho cả một sư đoàn chính quy phát chạy nhanh ra khỏi vùng đang trú đống mà chúng hay được B-52 sẽ tấn công vào vùng đó. Chạy bộ cũng là cách thực thi di động tính, khi thiếu phương tiện vận chuyển trong những vùng rừng núi chập chùng mà VC ẩn náo..

Những phương tiện cơ giới đã từng được dùng tới trong Thế Chiến II gồm có:

- Tàu hỏa;
- Tàu thủy; tàu đổ bộ;
- Máy bay vận tải; thả dù; máy bay không động cơ như tàu lượn.
- Xe vận tải.

Các phương tiện vừa kể đã giúp cho cấp chỉ huy điều quân từ hậu phương ra tiền tuyến, sử dụng phương tiện dân sự như chiếc ‘cruiser’ Queen Mary, hay các phi cơ vận tải dân sự để chuyển quân từ Mỹ sang Âu Châu hay Phi Châu. Những sự chuyển quân to lớn đó có tính cách chiến lược, và đối phương cũng tìm tin tức và tổ chức chận đánh cho bằng được.

Các cuộc chuyển quân chiến thuật thường dùng phương tiện tàu đổ bộ, phi cơ thả dù, hoặc tàu lượn được kéo bằng phi cơ rồi lấy trớn mà đáp trên một vùng xa hơn trong đêm tối mà không có tiếng động.

Tất cả phương tiện thực hiện di động tính của đơn vị tham chiến gây nên yếu tố bất ngờ trong chiến tranh, cũng là một nguyên tắc căn bản. Như khi B-52 thả nhiều tràn bom xuống một vùng, đinh ninh rằng cả một sư đoàn địch sẽ bị tiêu diệt, nhưng rồi, nhờ địch hay được bỏ chạy ra khỏi vùng oanh kích nên kết quả chỉ là phí tiền phí của mà thôi. Nếu địch lại di chuyển đến một mục tiêu hành quân thích hợp của chúng thì yếu tố bất ngờ mà chúng tạo được sẽ vô cùng có lợi cho chúng, vì ta cứ tưởng đơn vị đó đã bị tổn thất lớn, ai ngờ chúng đã sẵn sàng tấn công ta ở một địa điểm khác, gây tập trung lực lượng với một đơn vị khác của chúng làm nghiêng cán cân lực lượng có lợi cho chúng trong thời gian nào đó...

Trong chiến tranh tại Việt Nam từ 1960 dến 1975, hành quân trực thăng vận là thí dụ điển hình vận dụng nguyên tắc di động tính.

Chiến trường Algérie là nơi Pháp đưa ra chiến thuật này.

Quân đội Pháp dùng máy bay trực thăng phản lực Allouette, kết hợp với pháo binh. Pháo binh tiền kích chuẩn bị bãi đáp đổ bộ, và yểm trợ trực tiếp quân đổ bộ khi họ khai triển hành quân sau đó. Nói khác đi, muốn đổ quân bằng trực thăng đến một vùng mục tiêu nào đó, trước hết phải có khả năng phối trí pháo binh. Và theo lệ thường, bộ binh đi đến đâu thì pháo binh cơ hữu bắt buộc phải theo yểm trợ sát nút. Đó là nguyên tắc hành quân của Lục Quân. 

Và cũng vì thế, trong quân đội Pháp hay Mỹ, ngành trực thăng (kỵ binh) được đặt trong quân chủng Lục Quân để dễ phối hợp hành quân. Nguyên tắc cần và đủ để tổ chức hành quân trực thăng vận kiểu này, khi mang áp dụng tại Việt Nam thì gặp ngay trở ngại, chỉ vì Việt Nam ‘lém’ hơn dân Algérie. 

Bạn thử nghĩ, chuẩn bị hành quân trực thăng vận trong Vùng IV Chiến Thuật chẳng hạn, bạn phối trí pháo binh trước. Ví dụ đó là pháo 105 mm, có tầm tác xạ hữu hiệu 10 km. Việt Cộng được báo có phối trí pháo nơi đó thì chúng lấy ‘compas’ ghi một vòng tròn trên bản đồ, có tâm là nơi đặt pháo của ta, và bán kính là 10 km. Nếu có 3 vị trí pháo 105mm thì 3 vòng tròn ấy sẽ có một điểm giao, điểm đó chính là điểm trung tâm nơi hành quân đổ bộ. Nếu địch kém thì chúng chém vè càng sớm càng tốt. Nếu địch có thể điều động đủ lực lượng để chơi thì chúng sẽ sắp xếp nhanh chóng, hay phối trí từng lúc thích hợp. Người ta đã nghĩ ra phương cách đối phó, bằng cách dùng xà lang để chở đại bác 105 mm, có thể di chuyển bất cứ nơi nào trong vùng nhiều sông rạch này. Nhưng dường như khi tác xạ thì xà lang bị chồng chềnh, mất đi độ chính xác của nó. 


Sẵn đây, xin kể một ngày yểm trợ hành quân trực thăng vận ở Vùng IV CT, đó là một ngày Chủ Nhật. Vào khoảng năm 1962-63 không nhớ rõ, Mỹ cung cấp trực thăng được pháo binh Việt Nam yểm trợ, và KQVN yểm trợ bằng A-1H xuất phát từ Biên Hòa. Chúng tôi gồm 2 phi tuần nhẹ, thay phiên nhau yểm trợ cuộc hành quân này theo nhu cầu bao vùng. Chúng tôi bay phi tuần đầu đến nơi vào khoảng 8 giờ sáng, và bắt liên lạc với O-1A đang có mặt trên vùng hành quân. Và được biết quân bạn chưa đổ bộ được vì mục tiêu bị mây thấp che từ 300 bộ lên đến 1,000 bộ. Bay tới bay lui một lúc thì nghe trên vô tuyến FM nói chuyện ầm ỉ, té ra trực thăng đã tiếp cận mục tiêu nhưng không vào được, đành phải đổ quân cách khu vực mục tiêu tới 3 km từ hướng Tây. Nghe được như vậy nên chúng tôi nhờ FAC xác nhận trong vùng mục tiêu có quân bạn nào không, thì được nhanh chóng khẳng định là chưa có bạn. Chúng tôi xuống dưới mây và nhờ phi tuần viên số 2 bay trên mây và luôn luôn giữ liên lạc vô tuyến. Khi xuống dưới mây rồi thì thấy một đoàn người đi trên bờ ruộng. Đặc biệt họ đi từ mục tiêu về hướng Đông, nghĩa là đối diện với hướng trực thăng đã đổ bộ. Họ đi hàng một trên bờ ruộng, sát vào nhau giống như một con rắn bò trên bờ, người sau lấy lưới che từ lưng người trước mà trùm lên đầu. Vì bay lượn qua lại thấp hơn 300 bộ nên thấy rất rõ là lưới ngụy trang dùng chống phát hiện từ phi cơ. Kỳ lạ là họ lại mang khăn choàng màu vàng, giống như các đơn vị Biệt Động Quân chúng ta thường dùng. Tôi xin FAC xác nhận một lần nữa là trên mục tiêu tôi đọc tọa độ cho FAC hoàn toàn không có quân bạn, và được FAC tái xác nhận. Ngay sau đó, vì ngại địch tán hàng nên tôi tấn công ngay bằng 4 hỏa tiển 5”. Giống như bắn bích kích pháo vậy. Mũi phi cơ ngốc lên, và bắn phỏng chừng, vì bay quá thấp nên không thể chúi mũi mà nhắm bắn được, và sau khi bắn liền quẹo phải để tránh hỏa tiển nổ lên trúng mình. Hỏa tiển rớt hai bên bờ ruộng đúng vào đoàn người di chuyển, nhưng họ trầm tỉnh tiếp tục đi, dù có một số bị thương, máu chảy đỏ trên ruộng nước. Tôi liền tìm cách trở lại bắn hết 8 hỏa tiển còn lại để cho nhẹ phi cơ mà sử dụng súng cho chính xác. Sau đợt bắn thứ hai thì chúng nhảy nằm núp xuống bờ ruộng, nhưng tuyệt đối không bắn trả. Và cứ dọc theo bờ ruộng tôi bắn đại bác 20mm. Bắn cho tới khi hết đạn, và bất cứ cái gì nhúc nhích đều bắn cả. Sau đó, cũng hết giờ hoạt động và cũng được phi tuần thứ 2 lên thay thế nên chúng tôi báo cáo rời vùng, không đề cập gì đến vụ sử dụng hỏa tiển và súng vừa kể. Trên đường về, thật lo lắng, không biết mình đã bắn lầm bạn hay không. Ngại sẽ có ngày ra hội đồng kỷ luật.


Khi bay lên vùng lần thứ hai, sau khi uống một ly nước lạnh, thì nghe bộ chỉ huy chiến dịch gọi trên tần số VHF. Bộ chỉ huy hỏi mãi tên tuổi phi tuần trưởng phi tuần đầu tiên sáng nay. Tôi xin thưa không thể cho biết được trên tần số, có gì thì liên lạc với Bộ Tư Lệnh Không Quân. Vào lúc đó, ngay trên miếng ruộng mà tôi tàn sát sáng nay, xe M-113 cán tới cán lui VC đang núp dưới nước. Vũ khí thu lượm được khá nhiều. Và bộ chỉ huy chiến dịch đề nghị tưởng thưởng Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngủ Đẳng. Đây là lần thứ năm tôi được đề nghị ở mặt trận, nhưng có khi nào được gắn huy chương đâu. Điều đơn giản là vị Tư Lệnh Không Quân còn chưa có huy chương cao quý đó thì làm sao tôi có thể có được. Nhưng rồi cấp trên cũng đã gắn cho tôi, người mang cấp Đại Úy duy nhứt trong buổi lễ tại Biệt Khu Thủ Đô, lãnh Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngủ Đẳng, cùng lúc với các vị sĩ quan cấp tướng cấp tá, chỉ có mấy ngày trước khi đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm (26-10-1963).

Lam Sơn 1 là lần đầu tiên chúng tôi từ Biên Hòa ra Đà Nẵng để yểm trợ cuộc hành quân trực thăng vận, chở toán Biệt Kích tấn công một tổng hành dinh của một tướng VC tên Đôn. Chúng tôi gồm 10 chiếc A-1H, mang mỗi chiếc 3 trái bom GP 1,000 lbs, 4 trái bom GP 500 lbs, và 4 trái bom GP 250 lbs. Chúng tôi thả từ cao độ 10,000 bộ theo kiểu “dive bomb”, chỉ có 2 lần thả mà thôi, một lần cho cánh trong gồm 3 trái 1,000 lbs, và một lần cho cả cánh ngoài, tất cả 8 trái bom 500 và 250 lbs. Cao độ giải tỏa là 3,000 bộ. Sau khi tấn công mục tiêu, là những hầm trong vách núi, một số trực thăng UH-21 đã đổ bộ và một cảnh buồn cười xảy ra. Một số lính xuống máy bay từ phía trong lại chạy ra phía ngoài, và ngược lại, một số lính từ phía ngoài lại chạy vào trong. Ai cũng biết UH-21 chỉ có một cửa dây về bên phải. Đáng lẽ ra thì các trực thăng phải đáp theo hướng thích họp để toán quân của mình chạy thẳng đến mục tiêu ngay sau khi bước ra khỏi cửa. Vì hoa tiêu đáp lộn hướng nên các biệt kích chạy lòng vòng. Những người lính gan lì này đã vào tận sào huyệt của tướng Đôn, mà họ xác nhận quả bom gần nhất khoảng 10m cách miệng hậm. Trong hầm đá đổ tứ tung, nhưng không có vết máu. Họ còn cho biết trong hầm đó có cả áo lạnh đàn bà, chứng tỏ ông tướng đi hành quân cũng mang theo “hộ lý”.

Yểm trợ hành quân trực thăng vận ở Vùng II CT cũng nhiều, nhất là ở vùng Kontum, nơi có hai vách đá dựng đứng, mà khi mây kéo tới thì khu trục cơ không còn không gian để xoay sở, nên phải bay theo vòng ‘elliptic’.

Trong Vùng III CT cũng như các Vùng I CT và Vùng II CT, khu trục thường được điều động để tiền kích mục tiêu và yểm trợ quân bạn gần như từ đầu chí cuối, vì khó mang pháo binh tận nơi. Sự kết hợp phi pháo là nghệ thuật hành quân của quân ta.


Nhưng có lần quân ta bị oan ức vì quá nhiều UH-21 bị “bắn hạ” trên vùng đổ bộ. Tôi không nhớ vào năm nào và đó là cuộc hành quân gì, dường như là Ấp Bắc. Có khoảng 5 chiếc UH-21 bị lật ngữa ngay khi hạ cánh, làm thương tích rất nhiều quân đổ bộ, còn máy bay thì coi như thiệt hại nặng. Vào thời điểm trước 1963, ở miền Nam, VC không có súng phòng không loại lớn mà đôi khi mới có đại liên 12,7ly. Thế mà đổ thừa cho quân ta không tiền kích tốt nên trực thăng Mỹ bị bắn hạ tới 5 chiếc. Thật ra, chính mắt tôi thấy, ngay lúc đáp, phi cơ bị ‘ground resonance’. Họ không hạ cánh xuống ruộng khô và gá chân trên bờ ruộng để chờ lính nhảy xuống. Vừa chạm một bánh là lật úp bên kia liền. Mà chiếc này xuống vừa bị lật úp, chiếc kế đáp xuống cũng lại lật úp như trước. Đó là những kinh nghiệm ban đầu về hành quân trực thăng vận mà tôi có dịp chứng kiến tại chiến trường Việt Nam trước 1965.

Sau này, khi đã sử dụng UH-1H thì ít nguy hiễm hơn nhiều. Các vấn đề như cửa mở cả hai bên, muốn xuống bên nào cũng được. Và nhất là có xạ thủ ở hai bên hông thì càng an toàn hơn nhiều. Vấn đề ‘ground resonance’ cũng được giải quyết nhờ sử dụng càng thay vì bánh xe có bộ phận nhún.

Vấn đề yểm trợ hỏa lực cho hành quân trực thăng vận bằng trực thăng vũ trang là bước tiến mới đáng được ca tụng. Với cùng một tốc độ và cao độ bay, trực thăng vũ trang hữu hiệu hơn khu trục cơ, và phối hợp dễ dàng hơn trong mọi đường bay từ khi đi đến mục tiêu cho đến tiếp cứu phi hành đoàn phi cơ bị bắn rơi dọc đường, hay yểm trợ tiếp cận cho quân bạn. Chỉ có một điều là hỏa lực không đủ mạnh để thanh toán các mục tiêu lớn, nhưng thiết nghĩ nếu đó là súng phòng không hay hỏa tiển phòng không của địch thì phi cơ nào cũng nguy hiễm như nhau. Trái lại, nếu có khu trục cơ địch tấn công thì phải có khu trục cơ bạn bảo vệ hộ tống.


Một đợt đổ quân phải có số lượng binh sĩ tối thiểu được mang vào vùng hành quân, mà thà nghĩ luôn luôn có địch đang chờ đón chúng ta. Một đại đội, một tiểu đoàn, hay nhiều hơn nữa thì tùy thuộc rất nhiều yếu tố.

Thứ nhất là số phi cơ trực thăng khả dụng cho cả cuộc hành quân, chỉ dùng để chở quân là bao nhiêu. Mỗi một đợt thả từ nơi xuất phát đến nơi hạ cánh trên bãi đáp mất bao nhiêu thời gian, và một đợt xoay vòng tốn gấp đôi thờ gian đó, nếu không kể thời gian tiếp tế nhiên liệu khi cần thiết. Rồi còn cần phi cơ chỉ huy, phi cơ túc trực tản thương.. Một chiếc UH-1 chở khoảng 10 người lính. Mười chiếc thì được có 100 người mà thôi. Nếu chỉ dùng UH-1 để đổ quân thì phải canh số lượng khả dụng cho cuộc hành quân.

Máy bay có khả năng chở quân nhiều hơn, như chiếc CH-47 cũng có thể được sử dụng đổ quân, nhưng chỉ khi nào tình hình bãi đáp được an toàn, vì nếu rớt một chiếc CH-47 phải mất tới 50 quân lính tham dự hành quân, mà giá tiền của loại phi cơ này cũng rất đắt.

Công tác bảo trì một đơn vị trực thăng gặp nhiều trở ngại vì phi cơ khả dụng hành quân đều phải hoạt động ngoài hậu cứ. Vì thế, chuyên viên bảo trì hằng ngày khó chu toàn nhiệm vụ. Nếu nhớ không lầm thì Lục Quân Không Binh Hoa Kỳ dành 1/7 số phi cơ khả dụng để tu bổ hằng ngày.

KQVN chỉ có khả năng hành quân trực thăng vận sau 1970. Trước chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh, lực lượng trực thăng dự trù là Phi Đoàn 219 yểm trợ Lực Lượng Đặc Biệt, đồn trú tại Đà Nẵng. Mỗi Không Đoàn Chiến Thuật được trang bị một phi đoàn H-34 để tản thương, đồn trú tại Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa và Bình Thủy. Chương trình Việt Hóa Chiến Tranh dự trù giao các UH-1H từ Lục Quân Không Binh Hoa Kỳ cho KQVN, và từ đó, KQVN mới có khả năng hành quân trực thăng vận. Nổi khổ của các đơn vị trực thăng KQVN thời bấy giờ là thiếu phi hành đoàn, vì huấn luyện không kịp. Khi thành lập đơn vị, phải chấp nhận tỷ lệ hoa tiêu/phi cơ là 1/1, nghĩa là mỗi phi cơ chỉ có một hoa tiêu mà thôi. Lẽ tất nhiên, chúng ta phải bay hai hoa tiêu trên một trực thăng, và vì thế, phi hành đoàn trực thăng bay ngày, bay đêm, ngày này sang ngày nọ, không ngừng nghỉ. Sau này, khi đã sang Mỹ định cư, có lần đi bác sĩ thì được biết, chính ông bác sĩ của tôi ngày nay, trước kia là một sinh viên sĩ quan KQVN sang đây học lái trực thăng. Nhưng vì rả ngủ, anh được ở lại đây học ngành y khoa và nay làm bác sĩ. Chúng ta đã làm mọi thứ có thể làm được để đáp ứng như cầu chiến trường, và theo sự đòi hỏi của Mỹ để kịp ký Hiệp Định Paris. Vì thế, sự phát triển ngành trực thăng quá gấp rút, nên đơn vị nào cũng hết sức mệt mõi với nhu cầu hành quân và huấn luyện liện tục và gian khổ.
Đó là những phức tạp hiểu được từ hành quân trực thăng vận.

Viết bài này mới thấy KQVN là những anh hùng kỵ binh, vì qua chiến tranh Việt Nam thì kỹ thuật hành quân trực thăng vận mới được trao dồi và phát huy đúng mức. Và bay trực thăng thì ai cũng phải nhớ đến một người, đó là Thiếu Tướng Nguyễn Huy Ánh, người duy nhứt xuất thân một trường đào tạo hạ sĩ quan Marrakech mà được mang cấp Thiếu úy khi tốt nghiệp. Khi chỉ huy Sư Đoàn 4 Không Quân, điều mà ông làm cho tôi kính phục nhất là tổ chức ăn trưa cho nhân viên phi hành trực thăng trong các cuộc hành quân đổ bộ. Từ trước, tôi chỉ phục Mỹ tổ chức ‘hot lunch’ cho quân sĩ đang hành quân, dù hành quân trong chiến khu D hay bất kỳ ở đâu. Còn KQVN ta thì tôi rất cảm động nhận thấy mấy cái ‘gào mên’ đựng cơm trưa cho anh em trực thăng đi hành quân. Hy vọng là ở các sư đoàn không quân khác cũng được như vậy, hay là chỉ có cơm tay cầm?

Rất tiếc là con người đa tài như anh Nguyễn Huy Ánh lại chết vì một chuyện không đâu. Đáng lẽ ra một nhà võ như anh Ánh, kỵ nhất là bị khích tướng. Mình biết cái gì nên làm và không nên làm. Chỉ vì ông đại tá cố vấn bảo, US Army Aviation làm được, tai sao ta làm không được. Trên đời này, thiếu gì người làm ẩu mà vẫn được sống, còn có người chỉ mới làm ẩu lần đầu là chết queo. Chuyện dùng chiếc UH-1H mà trục một chiếc O-1A để nguyên không tháo cánh ra, khó không phải vì trọng lượng O-1A hay sức nâng của UH-1H, mà là phải có dù neo gắn vào chiếc O-1A cho nó bay đầm khi ta đỗi hướng bay, nghĩa là giữ được giây cáp luôn luôn thẳng. Nếu không có neo, chiếc trực thăng quẹo thì chiếc O-1A có cánh tiếp tục bay thẳng theo quỷ đạo bay cũ. Giây cáp bắt đầu dùng lại khi trực thăng bay quẹo. Cho đến khi giây cáp căng trở lại thì bứt đứt luôn. Chừng đó, giây cáp xoay quanh theo chiều xoay của cánh quạt trực thăng mà cuốn vào thân, giống như lấy giây cáp cột cứng cánh quạt lại thì làm sao tiếp tục bay được. Và anh Ánh đã phải chết cùng với ông đại tá cố vấn vĩ đại của anh. Thật là phí một nhân tài của KQVN trong giờ phút rất cần đến. Nhiều người mến anh Ánh đã từng về thăm anh ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Mong anh luôn được an nghỉ.

Hành quân trực thăng vận được phát huy ở chiến trường Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh đặc biệt, là chiến tranh không giới tuyến (no bomb line). Trong hoàn cảnh đó, không phận VNCH được coi như bất khả xâm phạm, vì Bắc Việt không dùng phi cơ để tham chiến ở miền Nam. Nhưng sau khi đã ký kết Hiệp Định Paris rồi thì hoàn toàn khác. Hiệp Định bảo đảm cho Bắc Việt là Mỹ không trở lại oanh kích miền Bắc. Với điều này, Bắc Việt mang tất cả súng phòng không từ Bắc vào Nam. Và khi chỗ nào có súng phòng không thì hoạt động của máy bay yểm trợ nơi đó sẽ bị giới hạn. Ít người nghĩ ra được sở dĩ ta có được tự do hành động trong bầu trời của ta, chỉ vì địch chưa có lực lượng khắc phục được ta. Trong khi đó thì địch luôn luôn bị máy bay ta áp đảo khi chúng chưa có được súng phòng không để tự vệ. Bảo đảm tự do hành động trên không là mục tiêu tối thượng mà nước nào cũng muốn có trong chiến tranh. Và hành quân trực thăng vận cũng thế, nếu không thể làm chủ không phận, hay là ‘air superiority’, thì không thể nào thực hiện được. Trên chiến trường có giới tuyến, một khi đã vượt tuyến thì phải có phi cơ khu trục hộ tống để phản không, chống lại khu trục cơ địch tới bắn phá đoàn trực thăng đang di chuyển. Công tác này chắc chắn sẽ khó khăn rất nhiều, và cũng vì thế, hành quân trực thăng vận khó có thể được duy trì ngay trên đất địch.

Vì không phải chuyên môn trong ngành trực thăng nên chắc chắn bài này có rất nhiều thiếu sót, xin được các vị niệm tình tha thứ và sẵn lòng chỉ giáo.

Tarin65
11-2009 
Rate this item
(0 votes)

Posted by Tn07