Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
Về căn chung cư – tổ ấm của hai mẹ con gần hai mươi năm nay – tôi gọi phone cho con trai báo sẽ vắng nhà khoảng ba ngày, dán lên tủ lạnh những dặn dò về thực phẩm và xách ba lô lên đường.
Xe trực chỉ hướng đông nam. Phố xá dần khuất sau lưng, quốc lộ 20 hiện ra trước mắt. Qua địa phận Long Khánh, những rừng cao su xanh ngắt hai bên đường. Mới tuần trước, dân đào hố trồng cây phát hiện bốn bộ hài cốt trong quân phục treillis và ba khẩu M16 rỉ sét. Chắc hẳn đó là những chiến binh thuộc Sư đoàn 18 của Tướng Lê Minh Đảo vào hai tuần cuối tháng Tư năm Bảy Lăm bi tráng. Chiến tranh đã đi qua hơn ba mươi năm nhưng cuộc chiến về nhân tâm xét cho cùng vẫn còn dai dẵng…
Xe dừng lại ở trung tâm huyện Đạ Huoai, tôi vẫy một chiếc xe ôm vào huyện Đạ Teh. Con đường càng lúc càng lên cao. Mùa khô đã về. Hai bên đường, hoa dã quỳ vàng trải dài ngút mắt. Những cơn gió cao nguyên thốc vào mặt mát lạnh.
Đạ Teh là một huyện mới nằm về phía tây của tỉnh Lâm Đồng. Trước 75, đây là vùng oanh kích tự do của Không quân miền Nam. Tên huyện cũng là tên của con sông lớn nhất chảy qua địa bàn. Đạ Teh theo tiếng gọi của người Mạ bản địa là Nước Nóng. Nghe nói tên này bắt nguồn từ việc nước con sông bao giờ cũng ấm hơn những con sông khác. Đó cũng từng là một mật khu có bí danh T, T2, T3; nơi giam giữ tù binh miền Nam trong chiến tranh đồng thời cũng là đơn vị hậu cần của Việt Cộng có tên Công Doanh 19/8 chuyên tăng gia lương thực chi viện cho bộ đội chính quy Bắc Việt vùng Lâm Đồng – Đồng Nai Thượng. Sau 75, đây là chốn lưu đày của những gia đình “Ngụy quân” miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bình Định… núp dưới chiêu bài xây dựng “Vùng kinh tế mới”; cũng là nơi những người dân miền Bắc với hai mươi năm đi lên XHCN nghèo khổ khát đất mò vào. Dấu ấn quê hương còn đậm nét qua những tên xã như Triệu Hải, Triệu Phong, Hương Lâm, Quảng Ngãi, An Nhơn, Mỹ Đức, Quốc Oai…
Tôi ngồi bên hồ Đạ Teh. Hồ đựơc hình thành do việc xây dựng đập thủy lợi chắn ngang dòng sông. Mặt hồ xanh biếc, những con sóng lăn tăn dàn đều trên mặt nước. Vài chiếc thuyền nan đang neo nghỉ cạnh bờ. Cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc. Người dẫn đường chỉ cho tôi một nghĩa trang nhỏ có khoảng mười mấy ngôi mộ của những người đi mở đất và đã chết khi lao động xây hồ. Đây được xem là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Nó phục vụ tưới tiêu cho hơn ba ngàn mẫu đất của nông dân các xã. Ấy thế mà giờ đây nó dần trở thành sở hữu cho một tập đoàn tư nhân đang dự định thi công dự án khu du lịch sinh thái có sự tiếp tay của chính quyền sở tại và người dân đang kêu cứu với báo chí!
Tôi cũng đã tiếp xúc với những người nông dân chân lấm tay bùn để có một cơ ngơi được gọi là tạm ổn hôm nay. Với giọng nói chơn chất của nhiều vùng miền, họ kể cho tôi nghe những ngày khai hoang đầy máu và nước mắt. Bao nhiêu người đã gục ngã vì sương lam chướng khí. Những địa danh còn in đậm gian khổ như dốc “Ma Thiên Lãnh”, đảo Khỉ…Những tai nạn xảy ra trong lao động như cây ngã, rắn cắn, bọ cạp đốt… xảy ra thường xuyên. Nâng bát nước chè xanh họ mời, tôi nghe như có vị mặn của mồ hôi và máu.
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ và tư liệu, tôi trở về thị trấn. Chiếc Cup thuê của cửa hàng trước nhà nghỉ bò ì ạch qua con dốc. Và khi đã vượt đỉnh một cách khổ sở, xe đột ngột tắt máy. Khởi động mấy lần đều bó tay, chỉ còn một cách là bỏ số O cho nó tuột dốc.
Và ơn trời, phép màu đã hiện ra khi cuối dốc xuất hiện căn nhà nhỏ trong bức tranh đồng quê vắng lặng. Nếp nhà gỗ mái tranh nép mình trong vườn cây xanh. Hàng cau thẳng trước mặt gợi nhớ khung cảnh của một làng quê miền Trung, làn khói bếp nhẹ nhàng lan tỏa. Trước nhà là cái quán nhỏ có bảng hiệu bằng nhôm cũ kỷ với dòng chữ “Sơn sửa Honda, xe đạp”.
Tôi chặm mồ hôi, đẩy xe vào. Một cậu con trai đang cầm quyển sách chăm chú học bài. Quán hàng hẹp, bên trái làm chỗ sửa xe với mấy cái lốp cũ treo trên móc. Bên kia là sạp tre đặt lèo tèo mấy thẩu kẹo bánh, bó rau, trái mướp… Cậu bé giúp tôi dựng chiếc xe lên và lễ phép“Cô chịu khó chờ một chút, ba con đang dở tay trong nhà…”. Ngồi trên chiếc ghế nhỏ, tôi thở ra nhẹ nhỏm. Thế nào cũng phải về thành phố chiều nay để kịp cho bài báo lên khuôn.
Người đàn ông bước ra, mũ lưỡi trai che khuất nửa mặt. Ông ta huơ tay xua đàn gà con đang lúc thúc theo mẹ kiếm ăn trước cửa bếp. Cậu bé kêu “Ba ơi! Có khách”. Ông vào quán, không ngước mắt lên, hỏi “Xe bị thế nào cô?”
Tôi hơi rùng mình… Giọng nói sao nghe quen, ngữ điệu đặc trưng của người Bình Định. Âm thanh như vọng lên từ một cõi xa xăm trong tiềm thức. Và khi ông ta mở thùng đạn đại liên lấy dụng cụ sửa xe, chiếc nhẫn Võ Bị trên bàn tay phải có vết sẹo dài thì ký ức tôi sống dậy, chói lòa. Tôi run rẩy, lập bập: “ Anh, anh Th.???
*
Ta quen nhau mùa thu…
Tháng chín năm 1973.
Cô bạn Như Huy, Ủy viên xã hội của lớp, thò đầu vào hét lên: “Sáng nay nghỉ học, đi ủy lạo các chiến sỹ Dù trở về từ mặt trận Cổ Thành Quảng Trị…Phòng Sinh Viên Vụ thông báo”.
Lớp Anh văn năm hai nhốn nháo. Tường Vy thở phào: “May quá. Tao chưa soạn bài, thoát khỏi Mr Malia”. Mấy ông con trai bảo: “ Chuyện này chỉ dành riêng cho các Em gái hậu phương. Chúng tôi đi cà phê đây”.
Kim Chi níu tay tôi và Tường Vy: “Trốn qua phố chơi đi. Hàng vải Bảo Thạnh về mấy mặt hàng rất đẹp. Mới lĩnh học bổng tha hồ vi vu”. Như Huy năn nỉ: “Thương tui với. Mấy bạn giúp tui. Đây là đơn vị của ông anh ruột tui là Hoàng Công Thức đó. Tội nghiệp lính mà!”. Liên tưởng đến ông anh trai thuộc Sư đoàn I đang đóng quân ở tiền đồn, tôi nhẹ nhàng: “Thôi tụi mình đi đi. Cũng là một cơ hội để gặp Anh tiền tuyến”.
Cả lớp gần hai mươi nàng kéo nhau lên bờ sông Hương trước mặt Trường Luật. Ôi chao! Lính Dù ở đâu nhiều quá. Những gương mặt vừa kinh qua cuộc chiến sinh tử tái chiếm Cổ thành nhưng vẫn mang vẻ hào hoa. Những nụ cười vui vô tư của người trở về từ cõi chết. Cũng không hiếm các khuôn mặt măng tơ của những anh lính sớm từ giã bút nghiên theo nghiệp kiếm cung… Tôi và hai cô bạn thân vén áo dài nhảy lên chiếc GMC có những bàn tay cứng cáp đang chìa ra giúp đỡ. Đoàn xe trực chỉ Lăng Tự Đức, một thắng cảnh của miền sông Hương núi Ngự.
Sau những dè dặt ban đầu, câu chuyện nở như bắp rang. Vốn kiến thức về quân sự qua phóng sự chiến trường của Kiều Mỹ Duyên, Phạm Huấn, Phan Nhật Nam … được chúng tôi phát huy và các anh lính nhiệt tình góp chuyện. Mấy ông Pháo binh Dù tròn mắt khi nghe tôi “phét lác” về bắn Prep, TOT… Một ông Đại úy nói vui:“Đề nghị Đại Tá Tường, Chỉ huy trưởng Pháo binh Dù xin Bộ Giáo Dục cho cô này đổi về Trường Pháo Binh Dục Mỹ”. Cả xe cười vui. Tài giỏi chi, chẳng qua tôi nghe lóm từ ông anh Pháo thủ của Sư đoàn Đèn cầy số I.
Lăng Tự Đức rợp mát. Tiếng thông reo vi vu. Như Huy thuyết trình về lịch sử của Khiêm Lăng đúng như Cours Lịch sử kinh thành Huế của thầy Phan Văn Dật dạy chúng tôi trong môn nhiệm ý bên Văn Khoa. Kim Chi đi dọc hàng sứ cổ thụ lượm một nón hoa tặng cho các anh lính mỗi người một bông. Họ gắn trên mũ, gài trên nắp áo trông thật dễ thương.
Tôi chú ý ông Thiếu úy ngồi một mình trên bậc thềm thủy tạ, mắt nhìn mông lung ra mặt hồ. Cuối thu, sen đã tàn, những tán lá khô vàng là đà trên mặt nước. Tường Vy đẩy nhẹ vai tôi: “Thủy Tiên ra an ủi anh chàng kia kìa. Coi cái mặt như mới bị bồ đá!”. Ừ, thì đi. Đêm qua đọc Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam thấy thương lính quá.
… Thế là chúng tôi quen anh Th., người sĩ quan xuất thân từ trường Võ Bị, khóa 25 có tên Quyết chiến tất thắng.
Ta thương nhau mùa Đông…
Tôi sinh ra trong một gia đình có hai anh trai và tôi là gái út. Cha mất sớm, mẹ tần tảo với sạp hàng bên chợ Đông Ba nuôi mẹ chồng và các con ăn học. Như đa số các bà già Huế, mệ nội tôi rất trọng con trai. Các anh có thể rủ bạn bè về nhà ở hàng tuần, đêm đêm cùng học nhóm hoặc ngâm thơ, đàn ca hát xướng, bình luận về cô ni cô tê dưới tàng cây nhãn cổ thụ. Mệ tôi coi tất cả như con cháu, thuộc hết tên tuổi và tính nết của họ. Gia đình không giàu có nhưng mẹ tôi về chợ bao giờ cũng nhớ mua thêm chút gì cho cả nhóm ăn khuya, lâu không thấy anh nào đến chơi thì mệ tôi lại nhắc nhở. Và tôi, đứa con nít còn đưa tay quệt mũi nhảy lò cò cũng hay được các anh sai vặt “Út ơi, ra quán mua lửa (mua nợ) cho anh mấy điếu Bastos xanh, không có thì lấy Ruby nghe! Nhớ ba đồng bốn điếu…”
Nhưng những ngày tươi đẹp qua mau. Chiến tranh đã cướp mất thanh bình, tuổi trẻ và thứ tình yêu mơ mộng của các chàng trai mới lớn. Họ lần lượt lên đường nhập ngũ và ra trường dưới nhiều màu áo khác nhau. Tôi còn nhớ mũ đen Thiết giáp của anh Minh, mũ xanh Thủy quân lục chiến của anh Trọng…Tôi cũng không quên ngày anh Linh trở về trong chiếc quan tài bọc kẽm và dòng nước mắt thầm lặng của chị Mai hàng xóm…. Hai anh tôi, một người dạy học tận miền Tây xa xôi, người thứ hai đang học dở Đại học cũng bị động viên vào quân trường Thủ Đức và trở thành sĩ quan tiền sát viên của một đơn vị pháo binh đóng ở căn cứ Birmingham.
Mười sáu tuổi, tôi thừa kế “gia tài” của các anh với một chồng dày programme của các rạp chiếu bóng Hưng Đạo, Châu Tinh, Tân Tân ở Huế; những thùng sách truyện đầy ắp để rồi từ đó sau giờ học, tôi mê man với tài điều binh khiển tướng của Napoleon, Moshe Dayan; hiện sinh với Một chút mặt trời trong nước lạnh, Buồn ơi chào mi! của F.Sagan; lãng mạn với tiểu thuyết Mười đêm ngà ngọc của Mai Thảo và phiêu du trong các bộ truyện chưởng của Kim Dung; khi buồn miệng thì ngâm nga những câu thơ thời cuộc bi tráng của Quang Dũng, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Tất Nhiên …
Tôi cho anh Th. địa chỉ nhà mình và tìm thấy nơi anh hình ảnh người anh trai cùng trang lứa, của những chàng trai Việt Nam bị cướp đi tuổi trẻ và quyền được sống, được yêu. Tôi hiểu về nỗi buồn của anh khi vừa mới ra trường thì tháng sau đã nghe tin bạn TVD- người được các tân khóa sinh ưu ái đặt tên là “Hiền thần”- là người đầu tiên của khóa tử trận, lon thiếu úy còn vàng chóe trên cổ áo. Và ngày đi chơi lăng Tự Đức thì đêm trước người bạn cùng đại đội thời ở quân trường có tên TKV đã mất một chân. Trong khi đó mở radio các cô ca sỹ cứ nức nở “Anh trở về hòm gỗ cài hoa…Anh trở về trên chiếc băng ca…”nghe thật não lòng.
Quê anh ở Bồng Sơn. Từ năm 1965, miền quê ấy đã trở thành “vùng xôi đậu”. Gia đình anh tản cư vào Quy Nhơn và anh học trung học ở trường Cường Để. Bốn năm thụ huấn Võ Bị, tính ra đã gần trăm lần mặc niệm trước bữa ăn về những niên trưởng đã hy sinh nhưng khi đụng trận anh mới thấy hết được sự tàn khốc của chiến tranh.
Trước ngày ra trường- thường vào cuối năm- các anh hăm hở chọn lựa đơn vị. Ai cũng háo hức mong về các binh chủng thiện chiến. Bạn nào không may mắn rơi vào bộ binh thì bị chê là “Gà rù- Gà chết”. Anh Th. thỏa mãn ước vọng khi về binh chủng lừng danh Red Hat và được ném ngay ra chảo lửa Quảng Trị để bàng hoàng chứng kiến những cái xác cộng quân non choẹt bị xiềng vào xe tăng T54, những gương mặt ngây thơ cứ tuyệt vọng tràn lên, tràn lên trước mũi súng với chiến thuật bỉển người tàn bạo.
Từ đó, nhà tôi là cái trạm cho anh mỗi lần có dịp về Huế. Mệ nội và mẹ tôi lại coi anh như những đứa con trai trước đây của gia đình. Mệ nội nói “Có mất chi mô! Cháu mình đóng quân nơi xa xôi cũng được người khác thương yêu như rứa!”.
Tôi và Kim Chi, Tường Vy đưa anh đi chơi Đại Nội, đọc cho anh nghe những câu thơ hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan; về Cồn Hến ăn chè bắp; qua Chi Lăng ăn bún bò Mụ Rớt cay xé lưỡi để rồi phá ra cười khi anh so sánh “ ăn tô bún bò Huế còn khổ hơn đi đánh giặc các em à!”
Mùa Đông Huế với cái lạnh cắt da nhưng tình cảm anh em tôi ấm áp biết bao nhiêu!
Ta yêu nhau mùa Xuân… để rồi tàn theo mùa xuân …
Tháng hai năm 1974.
Từ trường về, tôi thấy anh nằm trên chiếc giường nhỏ, mặc bộ pyjamas cũ của anh tôi và ngủ mê mệt. Mệ nội xua tay: “Đừng có ồn. Để yên cho anh nằm. Tay hắn bị thương đó”. Tôi lặng người nhìn nét mặt hốc hác của anh, bàn tay phải được băng chặt, vệt máu còn vương trên miếng compress. Tôi ra giếng, giặt cho anh bộ đồ trận bê bết bùn đất, giũ sạch ba lô. Trong ba lô chỉ có bộ đồ lót, một ống kem Hynos đã bẹp dúm, cái bàn chải toe đầu và một cuốn Chuyện cấm đàn bà của nhà văn quân đội Đặng Trần Huân mất bìa…Lòng tôi rưng rưng. Một cảm xúc mới lạ òa vỡ!
Mệ nội nấu cho anh một tô canh tập tàng với những thứ rau hái vội sau vườn, dĩa cá bóng thệ kho khô đạm bạc nhưng anh nói đây là bữa ăn ngon nhất của anh trong đời. Tôi ngồi bên anh, thêu giúp hai bông mai đen trên cổ áo trận. Anh cầm muỗng ăn bằng tay trái, tôi hỏi có đau không, anh trả lời “Như kiến cắn thôi. Nếu nặng hơn thì anh đã nằm ở quân y viện Nguyễn Tri Phương chứ đâu mò ra thăm em được”. Và thật bất ngờ, anh nói với tôi: “Sau này em có chịu nấu cơm cho anh ăn suốt đời không?”.Tôi đỏ mặt gật đầu. Chúng tôi trao nhau những ánh mắt yêu thương. Với tình yêu, đâu cần ngôn ngữ!
Đơn vị anh về dưỡng quân ở Hương Điền, cách Huế 20 cây số, nhường mặt trận Cổ thành cho Lữ đoàn Thủy quân lục chiến. Chúng tôi có cơ hội gặp nhau nhiều hơn. Tôi hãnh diện được anh đón sau buổi học trong bộ quân phục rằn ri. Tôi biết Thánh tổ Nhảy dù là ông Thánh Micae; biết thế nào là nhảy chuồng cu ở trại Hoàng Hoa Thám; biết khi nào thì bấm dù lưng, dù bụng; biết cách gập dù sau khi tiếp đất …Tôi viết cho anh hai câu thơ: “Em nguyện làm tín đồ ngoan đạo. Theo anh không quản gian lao”.
Như những người yêu nhau khác, chúng tôi xây đắp ước mơ. Một ngày đẹp trời nào đó khi tôi nghỉ hè, khi anh có phép, chúng tôi sẽ vào Quy Nhơn ra mắt cha mẹ anh ở căn nhà trên đường Nguyễn Huệ, đường lên Ghềnh Ráng, có mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử ngày đêm nghe tiếng sóng rì rào. Kim Chi trêu tôi: “Mi dân Huế về làm dâu người Bình Định, nói chuyện với mẹ chồng phải cần thông dịch viên đó nghe!”. Mệ nội tôi bắt đầu những bài Gia Huấn ca trong các bữa ăn cho cô cháu gái tương lai sẽ về làm dâu Xứ Nẫu.
Anh không đẹp trai nhưng rất chân thật và hào sảng. Trường Võ Bị đã tạo cho các anh tính cách ấy. Anh kể về Thủ khoa NAD văn võ song toàn, về giọng hát trứ danh của ca sỹ trung đoàn BPT, về anh bạn NH đai đen Taekwondo, về bạn PMT được vinh dự qua Mỹ vào học trường West Point …Những con người tài hoa ấy nếu phải hy sinh thì thật tiếc cho cả một thế hệ. Anh tạo cho tôi một ấn tượng đẹp về ngôi trường quân sự ở thành phố cao nguyên dù tôi chưa một lần đặt chân.
Đơn vị có lệnh rút về Quảng Nam đóng ở căn cứ Chu Lai. Đêm trước khi anh lên đường, chúng tôi đi lang thang trên những con đường nội thành. Tôi cầm chặt tay anh, bàn tay phải có vết sẹo hơi cộm lên. Anh bảo “Là người yêu lính thì phải cứng rắn, sau này anh còn phải đi hành quân xa mà lỡ nếu như không về thì…” Tôi bịt vội miệng anh :“Đừng nói, đừng nói. Em không muốn nghe. Em đợi anh mà!”. Anh mua cho tôi hai cuốn truyện Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh và Một thời để yêu và một thời để chết của E.M.Remarque ở nhà sách Ưng Hạ.Từ đây những bức thư là chiếc cầu nối cho mối tình chúng tôi.
Tháng ba năm 1975.
Khởi đầu bằng những chuyến xe đò chở dân chúng chạy từ phía bắc vào thành phố. Tiếp theo đó là những đoàn người gồng gánh, tay xách nách mang những gì có thể. Nhà giàu Huế bắt đầu bỏ đi. Rồi con đèo Hải Vân chật cứng xe cộ di tản vào Đà Nẵng. Trên đài phát thanh, Ông Tướng tuyên bố tử thủ. Mẹ tôi đi chợ về nói “Người ta chộn rộn lắm. Mình có chạy không mệ?”. Mệ nội thở ra: “Chạy mô nữa! Nhớ năm 72 chạy vô Đà Nẵng ở tạm bợ trong mấy cái trường học khổ bắt chết. Khi về thì nhà bị ăn trộm hết đồ đạc. Để chờ tin thằng hai trên núi đã. Mạ sợ lắm rồi. Mạ tính không chạy mô hết! Huế mà mất thì cả nước mất!”.
Và lời mệ nội như một sự tiên tri! Thôi, kể làm chi nữa những chuyện đau lòng!
Anh thứ hai của tôi đi cải tạo ở trại Thanh Cầm tỉnh Thanh Hóa. Anh đầu chạy vội từ Cần Thơ ra giục giã gia đình chuyển vào miền Nam, càng xa đây càng tốt. “Mệ và mẹ không nhớ Mậu Thân răng?”. Tiếng nói của người con trai cả như mệnh lệnh trong một gia đình toàn đàn bà. Căn nhà được bán vội vàng và…tôi xa Huế, xa anh giờ đã biệt vô âm tín.
Sau này, tôi có nhờ cô bạn ở Quy Nhơn tìm đến căn nhà mà anh đã cho địa chỉ trên đường Nguyễn Huệ. Bao nhiêu hy vọng tràn trề. Nhưng căn nhà cũng đã đổi chủ. Người ra tiếp bạn tôi là một ông cán bộ người Bắc. Căn nhà thuộc diện được phân phối mà ông ta cũng không cần biết chủ cũ là ai.
Ôi, anh Th. Ôi, mối tình đầu của tôi!
Và thời gian qua…Tôi bị đẩy vào một cuộc sống gia đình buồn tẻ, bên người chồng mà hôn nhân không bắt đầu từ tình yêu. Cuộc sống tinh thần càng lúc càng bế tắc và khi Mệ nội và mẹ lần lượt qua đời thì tôi cũng quyết định chọn cho mình một sự giải thoát. Tôi làm lại cuộc đời mình với vai trò một bà mẹ đơn thân.
Thỉnh thoảng trong giấc mơ, hình ảnh anh Th. hiện về và khi tỉnh giấc bao giờ mặt tôi cũng đầm đìa nước mắt. Tôi hy vọng anh đã thoát được vào tháng tư kinh hoàng năm 75; hoặc trên một chuyến tàu vượt biên; hay những chuyến đi HO sau này dành cho những sỹ quan VNCH “cải tạo”. Trong thâm tâm, bao giờ tôi cũng cầu nguyện cho anh hạnh phúc. Hai cuốn truyện anh tặng vẫn nằm trang trọng trên kệ sách dù những trang giấy đã úa vàng. Tôi thường bắt đầu một ngày của mình với bài hát Dang Dở của Đoàn Chuẩn-Từ Linh qua giọng ca Lệ Thu trong băng cassette: Ta quen nhau mùa thu…Ta thương nhau mùa Đông…Ta yêu nhau mùa Xuân để rồi tàn theo mùa Xuân…Câu hát như một lời nguyền cho mối tình mong manh của chúng tôi!
Và giờ đây…
Vĩ thanh
Tưởng có thể ôm chầm lấy nhau sau hơn ba mươi năm cách biệt; tưởng có thể òa khóc thật to cho thỏa lòng mong nhớ…Nhưng không. Hai cánh tay anh đưa ra để rồi …buông thỏng.
Anh ngồi trước mặt tôi, khuôn mặt hằn rõ những nếp nhăn gian khổ, đôi bàn tay chai sần, mái tóc lốm đốm bạc. Tất cả cho thấy một cuộc sống không mấy suôn sẻ. Cuốn phim dĩ vãng được quay chậm qua giọng kể trầm buồn…
Anh bị đưa ra Bắc ngay trong những ngày đầu tháng tư Bảy lăm theo diện tù binh ở mặt trận Hiệp Đức. Phải hơn một năm mới được liên hệ với gia đình nhưng cha mẹ anh đã rời Quy Nhơn về lại làng quê nên gần hai năm sau anh mới có thông tin.
Chấp nhận làm bên thua cuộc có nghĩa là chấp nhận tất cả những gì bị phân biệt đối xử. Anh cũng không hiểu tại sao mình có thể tồn tại trong hơn bốn năm ăn đói mặc rét và chỉ được thăm nuôi hai lần. Ra khỏi tù anh về lại làng xưa nhưng muốn làm một anh nông dân bình thường cũng khó. Ngày nào anh cũng phải đi lên xã viết đi viết lại lời khai. Anh không được đi đâu xa và cũng chẳng thể làm được gì để giúp gia đình đang khốn khó. Anh bị sung vào lực lượng đi phá gỡ bom mìn. Những quả mìn cóc, mìn lá, mìn ba râu…luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Cứ chợp mắt là nghe tiếng nổ, là thấy ánh sáng của quầng lửa chói lòa, là nghe tiếng rên la đau đớn của người bên cạnh với một cái chân bay tuốt lên ngọn cây. Có những đêm anh thức trắng. Những lúc ấy anh nhớ về ngày xưa, nhớ về Huế, về tôi với bao nhiêu kỷ niệm nhưng để rồi cũng tự mình lắc đầu gạt phắt.
Nghe lời cha mẹ, anh lập gia đình với một cô giữ trẻ của Hợp tác xã, ít học và mộc mạc như sắn như khoai. Còn chi để mà kén chọn, yêu thương. Tất cả đã thuộc về quá khứ!
Xã phát động phong trào đi kinh tế mới ở Tây Nguyên. Muốn thoát ra khỏi sự hành hạ, khinh khi, gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên tình nguyện lên đường. Những năm tám mươi đây là nơi rừng thiêng nước độc. Biết bao người đã ngã xuống vì sốt rét, bệnh tật. Hai vợ chồng anh cũng từng võng đứa con trai tám tuổi ra bệnh viện huyện nhưng khi qua khỏi con dốc “Mạ ơi!” thì đứa bé chỉ còn là một cái xác lạnh ngắt.
Anh đủ tiêu chuẩn đi HO nhưng khi phỏng vấn, giấy ra trại và giấy khai sinh của đứa con không khớp nhau do sự cẩu thả của tay thư ký nhà quê. Thôi thì định mệnh đã an bài, anh cam tâm làm một người nông dân nghèo, giả đui giả điếc nơi chốn thâm sơn cùng cốc.
Đất không phụ người, đến hôm nay đời sống của anh tương đối tạm ổn. Anh gởi gắm kỳ vọng của mình vào hai đứa con còn lại. Hy vọng đời chúng nó sẽ khá hơn! Anh không liên hệ với ai, kể cả bạn bè cũ cùng khóa 25. Quá khứ của anh chỉ còn lại chiếc nhẫn Võ Bị và hai chữ “Tự thắng”trong tư tưởng.
Xe đã sửa xong. Anh vào nhà rửa tay. Tôi nhét vội vào túi áo của cậu con trai cái phong bì đựng số tiền tạm ứng cho chuyến đi công tác của phòng tài vụ. Anh trở ra với một túi ổi vườn nhà và né tránh ánh mắt tôi. Chao ôi! Hơn ba mươi năm anh còn nhớ sở thích ăn ổi của cô bé Sư phạm Huế? Mắt tôi mờ đi…
Có nhiều chuyện tình Võ Bị bền vững qua nhiều giông bão và cũng có những mối tình không trọn vẹn như của chúng tôi. Nhưng muôn đời đó vẫn là mối tình đẹp không bao giờ quên. Ôi! Phải chi tôi được cầm lại bàn tay anh, dù chỉ một lần…
Hương Thủy
Source:http://t-van.net/?p=36665