(Để riêng tặng Quý gà, người bạn chân thành của tôi. TML)
Khi nhớ về dĩ vãng, một thi nhân đã viết :
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một chiêm bao.
Tôi không có tài để viết lên được những vần thơ như vậy nhưng hàng năm, khi trong bầu trời Mông Thị (Thành phố Montréal của tôi), những cơn bão tuyết đã bị thay thế bỏi những cơn mưa đầu mùa hạ, và khi trong không gian, bầu trời u ám xám xịt thỉnh thoảng lại bị xé nát bởi những tia chớp chói lòa, những tiếng sấm động lại đưa tôi về với dĩ vãng xa xưa, những năm, những tháng lao tù giữa núi rừng u Minh, những người bạn, những kẻ thù mà tôi không bao giờ quên được. Nhanh thật, thế mà đã 25 năm trời!
Mùa hè năm ấy, bọn tù chúng tôi được chuyển đi làm lao động cưỡng bách tại vùng rừng núi U Minh thuộc tỉnh Cà Mau. Gần ngàn tên tù rách rưới hôi hám bị dồn vào một chiếc tầu đi sông chật hẹp. Chúng tôi ngồi chật chội ben nhau, hơi người nồng nực, mùi phân, mùi nước tiểu xông lên làm tôi muốn ngất xỉu.
Khởi đi từ Cần Thơ, khi trời còn tối thui, chiếc tàu cũ kỹ ì ạch mãi đến gần trưa mới tới được Rạch Giá. Bọn cán bộ ra lệnh cho tàu ghé lại một khu vườn nằm bên bờ của một con sông tôi quên mất tên để bọn tù lên sửa soạn bữa ăn trưa. Thực phẩm ban phát chỉ là mấy trăm gam gạo cho mỗi đầu người. Không có một chút đồ dùng để nấu ăn, không có bếp núc gì hết. Vùng đất này khi trước có lẽ là mật khu của bọn Việt Cộng thì phải nên hoàn toàn hoang vắng, chỉ có sông nước, lau sậy chập chùng. Bọn tù chúng tôi thì đã từ lâu đã biết sẽ có ngày bị đi đầy ải như hôm nay nên cũng không ngạc nhiên gì. Tôi thì từ xưa đến nay vốn là loại dài lưng tốn vải lại yếu đuối không bao giờ làm được chuyện gì ra hồn nên rất bình tĩnh.
Bản tính bất cần đời, tôi đã định bụng cùng lắm thì mình đem mấy hạt gạo đó nhai ra từ từ rồi lấy nước sông uống cũng đỡ đói.
Cũng may trong đội tôi lại có Quý gà, vốn từng làm sĩ quan tùy viên cho một ông lớn Tỉnh Trưởng gì đó nên rất tháo vát. Quý rất thương tôi vì tôi hay nói chuyện tiếu lâm cho anh ta nghe, những khi anh ta buồn vì phải ở tù, xa vợ con. Và cũng có thể vì lý do méo mó nghề nghiệp, lúc nào Quý cũng cần có một người để phục vụ, bây giờ tù tội, không có ông lớn nào sáng giá nên Quý phải chọn tôi, một cách rất là bất đắc dĩ. Mấy trăm đứa tù chúng tôi đều có cùng một cấp bậc đại úy trong quân đội miền Nam. Không may cho Quý là tính tôi hay trêu chọc nên nhiều khi Quý khổ sở vì tôi. Cái tên Quý gà của anh cũng là do tôi đặt cho, nhân lấy sự tích bình dân là hễ ai mặt hơi tái thì gọi là “gà mái”, hễ ai mặt rỗ thì gọi là “gà mổ”. Quý có cả hai quý tướng nói trên. Tôi lúc đó còn độc thân nên dù ở tù vẫn nghịch ngợm như trước. Những lần được vợ thăm nuôi tiếp tế cà phê xong, sáng hôm sau thế nào Quý cũng pha một ly cà phê vào buổi sáng sớm để mời tôi. Những lúc đó, Quý mới nhẹ nhàng bảo tôi:
-Ông Lâm, tôi lo cho ông ăn, tôi pha cà phê cho ông uống, từ nay trở đi ông không được gọi tôi là Quý gà nữa. Ông nhớ không?
Những giờ phút nghiêm trọng như vậy thì tôi cảm động lắm. Tôi long trọng hứa với Quý là tôi sẽ bỏ ngay cái tật nói tầm bậy tầm bạ, không khi nào tôi gọi anh là Quý gà nữa, nhưng khốn thay, ly cà phê uống xong, tôi quên hết.
Vậy thì tôi không hiểu bằng cách nào, với một cái lon nhôm, ngày xưa được dùng để đựng sữa bột trẻ em, ngày nay thằng tù nào cũng có một chiếc trong bọc, Quý gà cũng lo cho tôi có được hai chén cơm buổi trưa hôm đó, trong một khu đất hoang vu thuộc tỉnh Rạch Giá. Ăn uống xong bọn tù lại bị xua lên tàu đi tiếp.
Gần sẩm tối, trời mưa xối xả, con tàu đã hoàn thành nhiệm vụ là chở chúng tôi đến nơi bị lưu đày.
Vùng đất đó gọi là Kim Quy, Đá Bạc, thuộc vùng rừng núi U Minh.
Đây là lãnh địa của bọn Cộng sản, dân ở đây là Việt Cộng 100% nên bọn cai tù không cần phải canh giữ chúng tôi một cách nghiêm ngặt. Nếu có định bỏ trốn, đi xớ rớ gặp bọn dân có máu việt cộng thâm căn cố đế, làm sao thoát. Bọn cán bộ xua chúng tôi xuống đất rồi bắt chúng tôi phải theo chúng đi ngay đến nơi tập trung, cách đấy khoảng mấy giờ đi bộ.
Trước khi di chuyển, chúng tôi đã sửa soạn mọi thứ lỉnh kỉnh để sẵn sàng sống trong một nơi hoang vu, chịu sự lao động cưỡng bách. Quần áo và chai lọ đựng những thứ lặt vặt đã được tôi cho vào hai cái túi để xách tay. Để làm chỗ ngủ, tôi đã tìm được một tấm tôn có gợn sóng khi còn bị giam tại Trà Nóc, đập thẳng ra, đóng vào bốn thanh nẹp gỗ, làm thành một cái giường dã chiến. Những chiếc giường này được bọn cán bộ cho chất lên những chiếc xuồng, chở đi theo các con rạch nhỏ. Hành lý còn lại tù nhân phải tự lo lấy.
Mưa xối xả tối mặt tối mũi. Tôi lạnh run lên lập cập, hai tay xách hai túi đồ lết theo các bạn.
Đất cát ở cái xó rừng này thật kỳ lạ, đó là một thứ đất sét dẻo quẹo dính chặt lấy đôi bàn chân. Lúc đầu tôi còn đi đôi dép cao su chế tạo bằng cách cắt ra từ một bánh xe vận tải cũ, do một anh bạn đồng tù người gốc Triều Châu làm giùm, sau đó thấy cứ mỗi năm phút lại phải dừng lại móc dép lên khỏi đất thì tôi nản quá, bỏ luôn dép để đi theo kịp đám đông. Quý gà đi bên cạnh cứ phải thúc giục tôi cố gắng đi mau.
Hành lý thì lúc mới xuống nhẹ hều, đi phom phom. Chỉ độ hai chục phút sau gớm sao mà chúng nặng thế. Tôi cứ phải vừa đi vừa chạy cho theo kịp anh em.
Có một lúc chúng tôi đi qua những căn nhà thường dân nào đó. Bọn tù trông thảm hại như vậy mà nào họ có thương. Anh nào vô phúc vì cận thị phải đeo kiếng càng khổ hơn. Tôi nghe thấy họ sỉ nhục các anh em này:
-Mấy thằng đeo kiếng trông mặt như mấy con cá thòi lòi (cho đến bây giờ, tôi cũng chưa hề biết đến cái con cá này hình dạng ra sao), thấy ghét!
Rồi họ mang cả gạch đá liệng vào người chúng tôi. Chúng tôi cứ lầm lũi đi riết.
Tôi càng ngày càng tụt lại phía sau. Hoảng quá, không theo kịp, sợ lạc lại giữa đám dân ghê gớm này thì có mà sống mà ăn sắn. Chỉ có cách là vứt ngay đi những gì có thể vứt bỏ được, cho nó nhẹ người, dẫu biết rằng sau này, mọi thứ đều rất sẽ là cần thiết cho mình.
Đường đi mỗi lúc một khó, mưa mỗi lúc một lớn hơn, ôi, những ngày mưa miền Nam!
Đến một lúc chúng tôi phải lội qua một con sông nhỏ để qua đến bờ bên kia. Không có cách nào khác là phải mang vào người đủ mọi thứ lỉnh kỉnh để nín thở qua sông. Trong dịp qua sông này tôi mất luôn chiếc mền nhỏ để đắp ấm những đêm lạnh. Không sao, còn giữ được chiếc mùng để chống chọi lại đám muỗi U Minh là tốt rồi.
Sau cùng thì tôi cũng đến được nơi lưu đầy. Mệt lả!
Tôi nhìn quanh để xem nơi này là chốn nào, chỉ thấy những chuối là chuối. Thì ra đây là một rừng chuối. Điều đặc biệt là những buồng chuối đã được chặt đi hết rồi, Chỉ còn những cây chuối già nhưng không có quả chuối để ăn!
Chúng tôi được lệnh tự lo lấy chốn ăn ở. Nhìn quanh, chỉ thấy nước là nước. Không biết ai đã đắp lên những bờ đất cao trên mặt đất khoảng chừng hai thước, chiều ngang khoảng một thước. Trên những con đường đê đắp cao lên như vậy, thỉnh thoảng có một nơi con đê được phình ra thành một nền đất dài khoảng một trăm mét và chiều rộng khoảng hai chục mét. Có độ năm sáu cái nền như vậy. Từ nền này qua nền kia là những con đê có chiều ngang khoảng hơn một mét, chiều cao hai mét như đã nói lúc đầu. Khoảng cách từ nền này qua nền kia ước độ nửa cây số.
Bọn tù chúng tôi được chia làm thành từng toán, mỗi toán 100 người làm thành một C, có nghĩa như một đại đội. Mỗi C được chỉ định đóng trên một nền đất. Tôi thuộc C4. Chúng tôi chưa hiểu phải làm sao để có chỗ ngủ đêm nay.
Túng thì phải tính. Nhìn quanh, không có lấy một thứ cây nào ngoài cây chuối. Thôi thì đành lấy cây chuối làm nhà. Vứt bỏ lá chuối đi, thân chuối được chôn vào những cái lỗ được đào sâu khoảng 40cm và cách nhau chừng nửa thước. Những tấm vải nilon được nối vào nhau làm vách, làm mái. Những chiếc giường chế tạo bằng những tấm tôn như đã nói ở đoạn trên được lấy ra khỏi những chiếc xuồng, đem lên và đặt sát vào nhau trên mặt đất, ở trong những cái chòi mà cột và xà đều là những cây chuối, vách và mái là những miếng vải ny lông. Như vậy là chúng tôi đã hoàn thành được một cái lán, chữ này tôi mới nghe lần đầu, để gọi nơi chúng tôi trú ngụ. Lán chúng tôi như vậy gồm có 10 cái nhà chòi, trong mỗi nhà chòi có mười cái giường cho 10 tên tù, hành lý của người nào đặt trên đầu giường người đó. Chai lọ lỉnh kỉnh, những chiếc mùng được giăng lên, xem như cũng tạm yên.
Chưa kịp nghỉ ngơi gì thì tôi được lệnh phải lên trình diện tên cán bộ phụ trách C4 của chúng tôi. Lại lặn lội trên những con đê lầy lội khoảng hai chục phút, sau cùng tôi tới được nơi những tên cán bộ ở. Chúng ở trong những căn nhà lợp tranh, vách ván, tuy có vẻ sang trọng hơn các căn nhà chòi của chúng tôi nhưng thực ra không khác lắm với cái mà chúng ta thường gọi là ổ chuột. Tên Năm Xuân cán bộ phụ trách chúng tôi được ở riêng một căn, Hình như tên này đeo lon thiếu úy trong quân đội việt cộng. Bọn tù chúng tôi may mắn được quản lý bởi quân đội, nói may mắn vì bọn sĩ quan dù sao cũng ít tàn ác hơn bọn công an.
Trong thời kỳ còn đóng ở Trà Nóc, không hiểu bằng cách nào Năm Xuân mua được một chiếc xe đạp, một cái radio mà bọn chúng gọi là đài. Hai thứ này làm thành một gia sản quý báu cho Năm Xuân. Chiếc xe đạp đã được tháo ra, hai bánh xe treo lên gần mái nhà và chiếc thân xe được cột chặt lên vách, ngay chỗ đầu giường nằm của Năm Xuân.
Đi đi lại lại trong cái ổ chuột đó, dáng điệu oai hùng như một ông tướng... Năm Xuân ra lệnh cho tôi:
-Kể từ ngày hôm nay, tôi cho anh lãnh chức C trưởng coi sóc tất cả các anh em. Anh cũng đồng thời lo việc săn sóc sức khỏe cho họ nữa vì anh là y sĩ. Anh phải theo dõi anh em, thấy có gì sai trái, người nào phản động chống đối cách mạng phải báo cáo ngay. Anh có nhất trí như vậy hay không.
Tôi hoảng quá, năn nỉ:
-Làm y sĩ thì tôi làm được nhưng điều khiển tất cả các anh em thì xin anh chọn người khác có khả năng hơn tôi.
Năm Xuân có vẻ bực bội:
-Tôi đã quyết định như vậy, anh đừng nói lôi thôi nữa. Bây giờ có việc làm khẩn cấp, anh phải lo xây ngay một cái nhà cầu cho anh em ngày mai có chỗ đi ỉa, không thể để họ ỉa đái bừa bãi được.
Tôi thấy Năm Xuân nói đúng nên cho ý kiến:
-Xin anh Năm chỉ định chỗ cho chúng tôi đào những hố vệ sinh.
Hai tay mân mê một tờ giấy nhàu nát, vẻ mặt kiêu ngạo, Năm Xuân nhìn tôi cười khinh bỉ:
-Thế mà anh cũng làm được bác sĩ. Đào một cái hố vệ sinh thì ai chả đào được. Cách mạng sẽ chỉ cho các anh những gì tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Tôi đây này, nếu không vì chuyện vào miền Nam chống Mỹ Nguỵ các anh thì tôi đã tốt nghiệp kiến trúc sư từ lâu rồi. Thôi không nói dông dài nữa, anh phải xây ngay cho tôi một cái nhà cầu theo như đồ án tôi thiết kế đây. Một cái nhà cầu nổi, anh nghe chưa, một cái nhà cầu nổi, chiều ngang hai thước, chiều dài năm thước và cao hơn mặt đất hai thước để lấy chỗ cho các anh ỉa đái ngày mai. Chỗ để xây là 500 mét trước mặt cái nền đất của lán các anh.
Tôi than thầm trong bụng:
-Khổ rồi, cái thằng bần cố nông này đang hăng say với chiến thắng muốn học làm sang không phải lúc phải chỗ. Lấy cái cùi chỏ mà xây với cất. Nghĩ như vậy song tôi không dám phản đốì, chỉ vớt vát:
-Anh Năm cho xin dụng cụ cho anh em làm việc.
Năm Xuân quảng cho tôi hai chiếc xẻng đã han ri, nhỏ tí:
-Đây là dụng cụ cho các anh. Dùng hai chiếc xẻng này đào đất rồi đắp lên mà làm thành chiếc nhà cầu, tôi thử xem các anh có biết lao động hay không. Các anh phải biết khắc phục các khó khăn. Đất nước mới thống nhất, còn có nhiều hạn chế nhưng không phải không xây dựng được tốt hơn bằng năm, bằng mười chế độ Mỹ-Ngụy các anh.
Không còn cách nào khác, tôi đành mang hai chiếc xẻng đi ngược về chỗ các bạn tôi đang chờ.
Về đến nơi, tôi mệt nhọc nói với Quý gà:
-Cậu đến mỗi tổ nói họ cử ra mỗi tổ 3 người theo tôi ra làm cầu tiêu, xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Sau gần một ngày mệt nhọc vì di chuyển, vì hoang mang, vì đói khát, không một người tù nào có vẻ hăng say. Tuy nhiên, biết thân phận tù tội của mình, họ không dám phản đối.
Dẫn ba chục ông quan ba, ngày xửa chắc cũng từng có lúc vẻ vang, ra chỗ chỉ định để thi hành công tác, không hiểu sao tôi có cảm giác mình hơi giống cái ông sĩ quan của quân đội đồng minh ngày nào, bị bọn Nhật bắt xây cái cầu bắc ngang con sông Kwai. Có điều trong cuốn phim xem được thủa xưa, khi đi làm việc còn có mặt trời, còn có điệu nhạc “Hello, le soleil brille, brille, brille. . . . ”. Chúng tôi thì chỉ có mưa rơi trên mặt, vuốt không kịp. Tuy nhiên, vì vốn chỉ biết cầm kim và ống chích, nay bỗng nhiên trở thành kỹ sư xây cất, lại được chỉ huy cả trăm mạng, tôi không khỏi có ít nhiều kiêu hãnh. Tôi nghĩ bụng: Mình sẽ xây một cái nhà cầu có một không hai trong vùng rừng núi này. Tôi quên mất trong một phút giây là từ sáng đến giờ, anh em mới chỉ được ăn có hai bát cơm trắng.
Quần áo xốc xếch nhưng dáng điệu hiên ngang không kém gì Alec Guiness, tôi tóm tắt cho anh em hiểu công tác phải làm. Để khuyến khích anh em, tôi nói những lời nhạt nhẽo mà chính mình cũng không tin được: Anh em cố gắng lao động tốt để mau được về với gia đình.
Tôi đánh dấu trên mặt đất một hình chữ nhật có chiều ngang hai mét và chiều dài năm mét, rồi bên ngoài cái hình chữ nhật này, tôi vẽ một hình chữ nhật khác lớn hơn, một cạnh 4 mét, một cạnh 7 mét, nghĩa là lấy từ cái hình chữ nhật trước ra hai phía, mỗi bên một mét. Đất đào lên sẽ được xếp vào khoảng giữa hai hình chữ nhật và như vậy lên cao hai mét. Trong cái đầu đơn giản của tôi, không còn cách nào khác hơn.
Nói thì giản dị như vậy nhưng thực tế khó khăn hơn nhiều. Với dụng cụ thô sơ, đào lên một cục đất đã khó, chất những cục đất này lên nhau để làm thành một bức tường càng khó khăn hơn. Sau cùng chúng tôi buồn nản mà đồng ý với nhau là cục đất không phải là cục gạch để từ đó người ta có thể xây những bức tường thẳng đứng. Vì lý do đó mà để có thể giữ cái lòng của cầu tiêu là hai mét trên năm mét, cái đáy của cầu tiêu cứ phải nối thêm ra. Đất thì nhẽo nha nhão nhẹt, chúng tôi phải trộn vào với cỏ để cho thêm chắc chắn.
Tóm tắt lại là trong buổi chiều mưa tối trời tối đất ngày hôm đó, tôi khổ không sao tả xiết được. Mọi dự tính tốt đẹp lúc ban đầu khi nhận công tác biến mất hết. Chỉ mong sao làm được đại khái để báo cáo qua loa là tốt rồi.
Sau cùng, sau gần ba giờ làm việc kiệt sức, chúng tôi hoàn thành cái cầu tiêu mà Năm Xuân đã nặn óc thiết kế ra.
Nó lù lù như cái kim tự tháp giữa núi rừng U Minh!
Cái cầu tiêu sau đó trở thành một sự đàm tiếu ngay cả giữa bọn cán bộ với nhau. Các C khác đều có cầu tiêu đào thành hố dưới mặt đất, phía trên dùng lá chuối quây quanh che đậy kín đáo, chỉ riêng C chúng tôi có cầu tiêu nổi.
Năm Xuân mất mặt, tôi mất bay ngay cái chức C trưởng vừa nhận được mấy giờ trước đó. Mọi người lại còn nghi là tôi mưu mẹo cố tình làm ra như vậy để khỏi phải làm C trưởng. Quý gà thán phục:
-Tôi biết ông không muốn phải làm tay sai cho thằng Năm Xuân để báo cáo, theo dõi anh em.
Thực sự, tôi không đủ thủ đoạn như Quý nghĩ, buồn thay.
Chiếc cầu tiêu vĩ đại dù muốn dù không cũng không thể không được sử dụng. Bọn tù chỉ than phiền là leo lên đó để ỉa cũng quá mệt. Do đó, nhiều khi trong đêm tối, họ làm bậy ngay ở chân cái nhà cầu. Rồi giấy bẩn vứt bừa bãi, rồi ruồi nhặng vo ve, kinh khủng không thể tả được, khác hẳn các hố vệ sinh nhỏ, người ta có thể lây lá chuối che đậy được.
Cũng may hai tuần sau đó, chúng tôi được lệnh nhổ trại để di chuyển vào sâu hơn nữa trong rừng núi U Minh. Ở chỗ mới này, chúng tôi lại phải làm cầu tiêu. Lần này, rút kinh nghiệm, Năm Xuân không bắt phải làm cầu tiêu nổi nữa.
Tôi đã sống như vậy trong mấy tháng, suốt thời gian tôi ở Kim Quy Đá Bạc để chặt sậy hoang, làm thành những thửa ruộng trồng lúa, đã gieo mạ, đã nhìn những cây lúa lớn lên nhưng không được thu hoạch. Khi đến mùa thu hoạch, chúng tôi đã được chuyển đi nơi khác, để lại những công lao của mình cho người khác hưởng.
Mấy chục năm sau, tại hải ngoại, nhìn việc làm của bọn lãnh đạo đảng Cộng Sản trong việc cai trị đất nước, tôi không khỏi nghĩ đến Năm Xuân. Bọn chúng cá mè một lứa, năng lực cũng xêm xêm như nhau. Việc xây dựng kinh tế cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta được giao phó vào tay những tên cán bộ với những kế hoạch 5 năm, 10 năm, vượt chỉ tiêu... v. v.. Kết quả thì cũng lù lù như cái nhà cầu mà chúng tôi còn để lại giữa U Minh mà thôi.
Nếu chưa bị thời gian tàn phá, tôi chỉ sợ một ngày nào đó, có một tên khảo cổ nào tốt nghiệp tại Hà Nội, lặn lội vào núi rừng U Minh tìm tòi, thấy dấu tích cái cầu tiêu chúng tôi xây vào thời gian đó, sẽ hô hoán lên rằng: VN đã tìm được dấu tích của nền văn hoá Óc Eo, dân chúng từ thuở xa xưa đã biết đến việc chế tạo phân bón một cách rất văn minh.
Riêng người cựu sĩ quan, cựu tù nhân ngày xưa đã tự xem mình như ông đại tá vai chính của phim cầu sông Kwai, hôm nay ngồi buồn tại Montréal, thấy lăn tăn trong lòng.
Với Năm Xuân, tôi không thù oán, chỉ thương cho sự ngu dốt của hắn ta.
Với bạn bè, những người đồng cảnh ngộ, tôi chỉ thấy ngậm ngùi thương nhớ.
Quý gà ơi, hiện giờ ông ở đâu, nếu có được tin ông, mấy sông tôi cũng sẽ lội, mấy đèo tôi cũng sẽ qua để đến thăm ông.
Trần Mộng Lâm