Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

30 THÁNG TƯ và một bài báo cũ - Nguyễn Hữu Thiện

Năm 2005, nhân đánh dấu 30 năm ngày miền Nam VN lọt vào tay cộng sản, ông Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu giới thiệu tôi với ký giả Larry Schwartz của tờ The Age để được phỏng vấn, cùng với hai người Việt tỵ nạn khác - một vị luật sư và một nữ thành viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Trong số những tờ báo hàng đầu ở Úc, The Age là tờ uy tín bậc nhất vì đa số độc giả thuộc thành phần trí thức, nhưng đồng thời cũng là một tờ nổi tiếng khuynh tả. Vì thế, khi trả lời những câu hỏi liên quan tới ý thức hệ, những gì xảy ra cuối tháng Tư năm 1975, và cảm nghĩ khi nhớ về ngày miền Nam VN lọt vào tay quân Cộng sản Bắc Việt, tôi đã cố tình bày tỏ một lập trường chống cộng thật gay gắt để gây “khó khăn” cho ông ký giả trong việc viết bài.

Sau đó, khi ông đề nghị tôi lựa chọn một địa điểm để chụp hình vào ngày hôm sau, tôi đã không ngần ngại chọn ngay bia tưởng niệm chiến sĩ QLVNCH trong khuôn viên Đài Tử Sĩ (Shrine of Remembrance) Melbourne, nơi mà trước đó hai ngày, các cựu quân nhân VNCH đã đặt vòng hoa tưởng niệm sau khi tham gia cuộc diễn hành ANZAC Day (Ngày Quân Lực Úc).

Chưa hết, tới khi chụp hình, tôi còn cẩn thận yêu cầu ông phó nhòm phải lấy cả vòng hoa màu cờ vàng ba sọc đỏ đặt dưới chân bia tưởng niệm vào trong hình.

* * *


Hai ngày sau, số báo 29/4/2005 của tờ The Age được phát hành. Trái với dự đoán “bi quan” của tôi, tất cả những điều tôi muốn nói đều được ký giả Larry Schwartz ghi lại trong bài viết, có khác chăng là với cung cách ôn hòa hơn, sử dụng ngôn từ lịch sự hơn. Tấm hình chụp tôi nửa ngồi nửa quỳ bên bia tưởng niệm cũng được kèm theo.

Bài viết mang tựa đề “The Fall” (Thất thủ ) ấy hiện nay vẫn còn được lưu trữ trên Google, nhưng chỉ có chữ (text) chứ không có hình.


* * *


Trong bài The Fall có hai đoạn ngắn mà tôi cho là đã tóm gọn tất cả những gì tôi muốn nói ra:

(1) "When our president surrendered I cried, I cried," says Thien, who 30 years on refuses to refer to his former home as Ho Chi Minh City, as Saigon was to become...

(2) Thien Nguyen hopes his father, who died in Vietnam in December 1999, understood his decision not to return to the country of his birth. "We didn't want to see the communist flag flying over our country," he says.

Tôi khóc khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng bởi vì, nghe theo lời đồn lan truyền trong Không Quân nói rằng Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ sẽ lãnh đạo “tử thủ” Vùng 4, sau khi đốt phi trường Biên Hòa vào chiều 28/4/1975, anh em KQ đã hẹn gặp lại nhau tại Cần Thơ... Nhưng giờ đây, Sài Gòn đã mất, tất cả đều sụp đổ!

Mãi sau này tôi mới được biết xế chiều 29, khi tôi và một số binh sĩ dưới quyền từ Biên Hòa chạy về Sài Gòn bằng đường bộ, tướng Kỳ đã lên trực thăng riêng bay ra hạm đội Mỹ!

Sau khi vượt biên thành công và định cư tại Úc năm 1982, tôi đã thề sẽ không bao giờ trở lại VN một khi quê hương còn bóng cờ đỏ. Năm 1997, bố tôi lâm trọng bệnh, để rồi qua đời sau hơn 2 năm mỏi mòn chờ trông gã trưởng nam về nghe lời trăn trối mà vẫn không thấy tăm hơi.

Ngày ấy tôi đã bị không ít người trong thân tộc chê trách, nhưng có điều an ủi là trong số những người không chê trách lại có cả mẹ tôi, bởi bà cụ biết tôi có lời thề.

Vào những năm cuối đời, mẹ tôi căn dặn: “Con không cần về, cứ ở Úc tổ chức lễ cầu hồn cho mẹ được rồi!”

Tháng 5/2019, vợ tôi về VN thọ tang mẹ chồng.

Điều tốt đẹp là trong khoảng thời gian gần 20 năm từ khi bố tôi được Chúa gọi về cho tới khi mẹ tôi mất, mọi người trong thân tộc đã dần dần hiểu được và thông cảm với nỗi đau xót của tôi khi không thể trở về VN để vuốt mắt hai đấng sinh thành.

VIẾT THÊM: Một người tử tế

Sau khi được đọc bài The Fall trên tờ The Age, tôi có ý định điện thoại cho ký giả Larry Schwartz để cám ơn, nhưng chưa kịp thực hiện thì ông đã liên lạc hỏi cảm tưởng của tôi về bài báo, và một lần nữa cám ơn sự hợp tác nhiệt tình của tôi.

Tôi thích thú hơn là ngạc nhiên trước sự tử tế ấy (điện thoại cám ơn) của Larry Schwartz, bởi vì ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên, tôi đã có nhận xét ông là một người tử tế, có trình độ (dĩ nhiên) và có tâm hồn. Vì thế, khi Larry Schwartz, kém tôi mấy tuổi, đề nghị chúng tôi duy trì liên lạc như hai “đồng nghiệp”, tôi vui vẻ nhận lời.

Sau đó, qua tìm hiểu trên trang mạng LinkedIn (nối kết chuyên ngành), tôi mới giật mình và càng cảm thấy thích thú.

Trước hết, Larry Schwartz là một nhà thơ. Xưa nay, tôi vốn quý các nhà thơ hơn các nhà văn, và nhất là đám nhà báo ăn tục nói phét chúng tôi.

Thứ đến, Larry Schwartz là một người có khả năng, trình độ, về học thức cũng như nhận thức: sau 25 năm làm việc với đại công ty truyền thông Fairfax Media của Úc, viết bài cho các tờ The Age, The Sunday Age, và The Sydney Morning Herald với tư cách một “senior writer”, ông trở thành giảng viên môn báo chí (Journalism) tại Đại học Swinburne (Swinburne University of Technology).

Ngoài công việc sáng tác, dạy học, ông còn thường xuyên tham gia các hội nghị, diễn đàn văn học, công việc thiện nguyện trước khi về hưu vào năm 2020.

Larry Schwartz sinh ra và lớn lên ở Úc, được hưởng một nền giáo dục nhân bản tuyệt đối tôn trọng tự do tư tưởng, cùng một thế hệ đa phần là phản chiến, lẽ đương nhiên không thể trở thành một người bạn cùng lý tưởng với tôi. Nhưng chúng tôi vẫn tôn trọng nhau vì tư cách con người, quý mến nhau qua lòng tử tế. Giữa người với người, như thế đã quá đủ.

Nguyễn Hữu Thiện
Melbourne, Úc-đại-lợi, tháng 4/2023


Đặt vòng hoa tại bia tưởng niệm chiến sĩ QLVNCH trong khuôn viên Đài Tử Sĩ Melbourne
sau cuộc diễn hành ngày ANZAC Day hàng năm (25/4)



Nhà thơ kiêm ký giả Larry Schwartz. Photo by courtesy of LinkedIn
Rate this item
(0 votes)