Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

VỀ BÊN SÔNG TRẸM - KHA LĂNG ĐA

Posted by April 24, 2023 897

Đò vừa cặp bến chợ Thới Bình, Thới vui mừng cùng Tuân bước lên bờ, mang 2 chiếc “ba-lô” trên lưng, đi bộ dọc theo con đường cạnh bờ sông. Nhà Thới cách chợ hơn một cây số, càng đi xa chợ, nhà cửa hai bên đường càng thưa thớt và phía bờ sông, có những chòm dừa nước um tùm.
Đến khi trông thấy cái nhà sàn, lợp bằng lá dừa nước cạnh bờ sông, có vó cá sau nhà, Thới chỉ tay, nói với Tuân:
_ Nhà em đó Đại úy!
Tuân dặn dò Thới:
_ Anh đã dặn em gọi anh là “anh” thôi, đừng nói câp bậc, nhớ nhé!
_ Dạ, em quên. Xin lỗi anh.
Vừa bước đến trước nhà, con chó mực nhảy ra, sủa vang, nhưng khi nhận ra Thới, nó vẫy đuôi, chồm lên, mừng rối rít. Môt người thiếu phụ trạc 30 tuổi, hé cửa nhìn ra ngoài, khi thấy Thới, nàng vội chạy đến, nắm tay Thới, vui mừng nói:
_ Em mới về hả?
Quay nhìn Tuân, nàng hỏi:
_ Còn ai đây?
_ Xếp của em đó chị!
Thới giới thiệu:
_ Đây là chị Thủy, chị ruột của em!
Tuân cúi chào Thủy:
_ Chào chị Thủy!
_ Dạ, chào anh!
Nàng hối thúc:
_Thôi, mình vô nhà đi rồi nói chuyện nhiều hơn.
Vừa đi, Thới vừa hỏi:
_ Anh Tùng có ở nhà không chị?
Thủy đáp:
_ Ảnh đi đánh lưới cá chẽm và giở lú, chiều mới về. Hai người tắm rữa đi, chị nấu cơm, chắc chưa ăn gì, phải không?
Thới nói:
_ Để tụi em đi một vòng ra chợ chơi và ăn cái gì qua loa thôi, chờ chiều nay anh Tùng về, mình ăn cơm sum họp gia đình một bữa.
Thủy ái ngại nói:
_ Khách đến nhà mà để khách ăn cơm chợ sao?
Tuân đỡ lời cho Thới:
_ Không sao đâu chị. Tụi tôi chỉ đi dạo chơi thôi vì hai đứa tôi đã ăn bánh mì thịt trên đò rồi, bây giờ vẫn còn no.
_ Thôi thì tùy hai người.
Thới và Tuân đi ngược theo con đường cũ, trở ra chợ Thới Bình. Họ dự tính sẽ mua bia, nước đá cho bữa ăn nhậu tối nay. Hai người đi song song, nói chuyện. Khi cách nhà khoảng một trăm thước thì thình lình có một con vật giống như con chồn từ phía bờ sông chạy ngang trước mặt họ. Với phản ứng nhanh như phản xạ, Tuân đá mạnh vào con vật văng ra xa và rơi xuống đất. Bỗng nghe tiếng một cô gái từ phía bờ sông la thất thanh;
_ Trời ơi! chết con rái cá của tôi rồi!
Cô ta vội chạy nhanh đến, ôm con rái cá bị trào máu miệng và đã chết mà khóc sướt mướt. Tuân và Thới ngạc nhiên đến hoảng hốt. Tuân hỏi:
_ Con rái cá của cô sao? Tôi tưởng thú hoang. Xin lỗi cô, tôi xin bồi thường cho cô, thôi đừng khóc nữa.
_ Mẹ con tôi nhờ nó bắt cá hằng ngày. Anh coi đây nè!
Nàng đưa cái cái giỏ đan bằng tre, đựng một mớ cá mè, con nào cũng to gần bằng bàn tay cho Tuân và Thới xem và mếu máo nói:
_ Nhờ nó mà mẹ con tôi khỏi phải mua cá ăn, nhiều khi còn đem bán bớt cá để lấy tiền đi chợ.
Tuân vội móc túi lấy 2.000 đồng đưa cho cô gái:
_ Cô cầm số tiền nầy của tôi, gọi là tôi bồi thường, nếu không thoả đáng thì cô cứ định giá để tôi gởi thêm tiền cho cô.
Chợt nhận ra cô gái là bạn học trường làng của mình, Thới hỏi:
_ Cô Xinh không nhận ra tôi sao? Tôi là Thới học cùng lớp với Xinh ngày trước, còn đây là “ông thầy” của tôi.
Xinh nhìn Thới như để nhận dạng:
_ Hèn chi thấy anh quen quen. Thôi thì chuyện rủi ro xảy đến, có nói cho cùng thì con rái cá của tôi đã chết, mẹ con tôi như mất một “người”mưu sinh cho gia đình tôi. Thôi được rồi, tôi nhận số tiền nầy để an ủi mẹ tôi, chắc chắn bả sẽ khóc khi hay tin “đứa con cưng” của bả đã chết. Hai anh đi di, tôi cũng xin kiếu từ., nhà tôi là cái quán lá sát bờ sông, cách đây vài chục thước. Mời hai anh ngày mai đến uống cà phê sáng.
Thới trả lời:
_ Sáng mai, tôi sẽ dẫn “ông thầy” tôi đến uống cà phê.
Tuân đi bên cạnh Thới, lòng cứ ưu tư và hối tiếc cho sự việc vừa xảy ra. Chàng nghĩ mà thương con vật xấu số và tự trách mình sao hiếu động quá, nếu không thì con rái cá đâu có chết! Nhớ ngày xưa, mẹ Tuân đã kễ cho chàng nghe rái cá là con vật biết nhớ ơn tổ tiên. Mỗi năm đến ngày giỗ tổ, cả đàn rái cá lặn dưới sông bắt cá, đem xắp trên bờ để cúng tổ, nếu ai muốn cướp số cá đó thì cả đàn rái sẽ đái rắc trên cá, có lấy được cá cũng không ăn được vì nước đái của rái cá rất hôi. Mẹ chàng cũng đã kễ rằng: có một người thợ săn rái cá để lấy bộ lông đem bán. Một hôm, ông bắt đươc môt con rái cá và lột da tại chỗ rồi ném xác nó bên đám cây rậm. Ông ấy thấy con rái cá vẫn còn sống, gượng lếch đến một cái hang và chui vào. Sau khi đi săn về, ông ghé vào chỗ cái hang để quan sát thì thấy con rái cá bị ông lột da đã chết, mấy con rái cá con vẫn nằm, ngậm vú của mẹ chúng. Hối hận vì thấy mình quá độc ác, ông bỏ nghề săn rái cá và xuống tóc đi tu.
Mãi suy tư mà đã gần tới chợ, đã trưa rồi mà chợ vẫn còn đông đúc. Thới hỏi Tuân:
_ Mình ăn bánh xèo nhe “ông thầy”?
_ Cũng được!
Hai người ngồi vào cái bàn dài đã có mấy cô gái mặc áo bà ba đang ngồi ăn bánh xèo. Họ nhìn Tuân và Thới mỉm cười duyên dáng. Thới gọi bà chủ gian hàng
đang đổ bánh xèo nhanh nhẹn với cả chục cái chảo một cách nhuần nhuyễn:
_ Cho chúng tôi bốn cái bánh xèo.
Một bé gái phụ bà dọn bánh xèo và rau cải xanh tươi lên bàn cho Thới và Tuân. Hai thầy trò ăn rất ngon lành. Sau đó, họ đến một quán nhậu, mua 2 két bia 33, một phần ba cây nước đá. Vì đường khá xa mà vật mang theo khá nặng nên Thới mướn một người đẩy xe ba bánh, chở bia và nước đá về nhà. Bỗng gặp ông xã trưởng đang đi chợ, Thới đến chào ông. Ông bắt tayTuân và Thới:
_ Tính nhậu sao mà chở bia nhiều vậy?
Thới nói nhỏ cho ông vừa đủ nghe:
_ Dạ, có Đại úy của tôi cùng về phép với tôi nên tôi mua bia, tối nay nhậu lai rai chơi. Nếu xã trưởng không chê nhà tôi nghèo thì xin mời ông đến chung vui với chúng tôi.
Ông xã trưởng cũng là Đại úy, được bổ nhiệm xuống quê của Thới đã mấy năm nay. Ông biết gia đình vợ chồng Tùng và thường đến mua tôm cá khi Tùng đi đánh lưới và đặt lú về. Ông tươi cười, nói:
_ Cám ơn em. Tôi sẽ đến.

Hai người về đến nhà khoảng mười phút thì ghe cua Tùng đi đánh lưới cũng vừa cặp bến. Thới dẫn Tùng ra sau nhà đón Tùng. Thấy có em vợ về phép và dẫn theo một người khách, Tùng vui vẻ chào Thới và Tuân. Thủy ra đón chồng về và phụ mang lên hai bao lưới, môt bao đựng cá chẽm, môt bao đựng cá tôm bắt được từ cái lú, trong đó có mấy con cua đã được trói càng. Thới giành hai cái bao trên tay chị:
_ Chị để em xách cho chị.
Thủy trao hai bao lưới đựng tôm cá cho Thới xách. Thủy lấy hai cái xảo để sẵn, Thới mở miệng bao đổ cá tôm vào xảo. Thủy vui cười, hớn hở khi trông thấy thành quả của chồng làm được hôm nay, một cái xảo đựng 6 con cá chẽm, một xảo khác đựng khoảng mấy chục con cá mè, 8 con cá nâu, một mớ cá chạch lấu, một mớ tôm càng xanh, 5 con cua và một mớ cá nhỏ lộn xộn..Tùng lấy một cái thau lớn, chọn lựa cá chẽm, cá nâu, cá chạch, tôm càng và cua để tối nay đãi khách. Số hải sản còn lại, Tùng đựng trong một cái giỏ tre và nói với Thủy:
_ Em lấy xe đạp chở phần cá tôm ra chợ cho Bà Hai và mua gia vị, rau cải để mình sẽ nấu lẫu cá, cua xào dấm, còn tôm càng thì mình sẽ nướng. Anh sẽ làm cá sẵn cho em.
Thủy dẫn xe đạp ra trước nhà. Tùng mang giỏ cá ra, để trên cái yên sau xe đạp và buộc dây cẩn thận. Tùng dặn Thủy:
_ Nhớ mua một két bia nhe em!
Tùng cướp lời:
_ Đừng mua bia, em đã mua hai két bia và nước đá rồi.
Thủy vội vã đạp xe đi. Thới nói với Tùng:
_ Anh Tùng đi tắm rữa, nghỉ ngơi cho khoẻ, để em làm cá cho anh.
*
Vợ chồng Tùng và Thủy ăn ở với nhau mười năm rồi mà chưa có con. Có lẽ họ bị hiếm muộn. Tùng khỏi phải đi lính vì thuở nhỏ chơi nghịch bị cụt mất ngón tay trỏ của bàn tay phải.
Bữa tiệc vừa được dọn lên thì trời vừa sụp tối. Vầng trăng rằm mới lên phía trời Đông, toả ánh vàng lung linh trên mặt sông phẳng lặng. Ghe thuyền qua lại đã thưa dần để cho dòng sông yên bình, loang loáng ánh trăng thơ mộng và huyền ảo. Vơ chồng Tùng cùng Thới và Tuân ngồi quanh bàn tiệc, còn chừa một ghế trống để đón ông xã trưởng.
Khoảng 15 phút sau, ông xã trưởng đến với một anh nghĩa quân, tay ông cầm theo chai rượu “ST Remy VSOP”, bước vô nhà. Mọi người đứng lên chào ông. Ông đến bắt tay từng người rồi giới thiệu:
_ Đây là Chánh, em tôi.
Chánh chào mọi người. Thới đứng dậy nhường ghế cho hai người :
_ Kính mời xã trưởng và anh Chánh ngồi, để tôi đi lấy thêm cái ghế nữa.
Tùng khui bia và rót vào ly đá cho từng người :
_ Bây giờ kính mời xã trưởng và mọi người nâng ly và cụng ly để uống mừng đêm hội ngộ hôm nay!
Sau khi mọi người uống xong, ông xã trưởng vừa khui chai rượu vừa nói:
_ Bây giờ tôi mời anh em uống xen kẻ thêm rượu “St Remy”cho ấm lòng..chiến sĩ! Anh Tùng cho tôi mượn cái ly nhỏ.
Tùng đi lấy một cái ly nhỏ, trao cho ông xã trưởng. Ông rót ly rượu đầu tiên và trao cho Tùng:
_ “Tiên chủ hậu khách” mời chủ nhà uống trước!
Tùng nâng ly rưọu uống một hơi, kế đến là ông xã trưởng, Tuân, và xoay vòng hết mấy ông “đực rựa”. Thủy không uống rượu mạnh chỉ uống một ly bia thôi. Nồi lẫu đã sôi, mọi người bắt đầu thưởng thức hương vị cá chẽm, cá nâu, cua xào dấm và tôm càng nướng. Qua mấy lượt uống bia, lượt nào cũng được uống dậm thêm rượu “ST Remy”. Mọi người bắt đầu cười nói xôn xao. Ông xã trưởng rất vui khi biết Tuân là Đại úy Đại Đội Trưởng của một Sư Đoàn đồn trú tại Đồng Tâm - Mỹ Tho. Ông cho biết đơn vị gốc của ông là Sư Đoàn ở miền cuối Việt. Tuân kễ lại chuyện làm chết con rái cá của cô Xinh. Ông xã trưởng liền kễ chuyện về gia đình cô gái ấy:
_ Cô Xinh là con của một ông thượng sĩ đóng đồn sát bia giới Miên. Mẹ cô là Dì Tư, theo chồng, sống trong đồn từ năm 1968, cô Xinh ở với Dì Ba để đi học và phụ Dì Ba bán qưán khi đi học về. Ông thượng sĩ là xạ thủ súng đại liên đã dạy cho Dì Tư biết nạp đạn, bắn súng đại liên và sử dụng lựu đạn những khi bà theo chồng đi gác nơi vị trí phòng thủ của đồn có đặt súng đại liên. Đó là một ”Lô-cốt” trong bốn “Lô-cốt” của cái đồn mà vòng đai phòng thủ hình vuông. Năm 1969 thì tình hình biên giới bị nhiều áp lực của địch quân vì quốc trưởng của Miên là “Sihanouk” cho VC mượn đất Miên làm sào huyệt. Nhiều đêm, chúng di chuyển cấp trung đoàn đi qua sát cạnh đồn vá phát loa đe doạ đồn: “Hãy nằm im! nếu nổ súng, chúng tao sẽ san bằng đồn của chúng bây thành bình địa!”Cả đồn được lệnh ra vị trí phòng thủ dưới giao thông hào chớ không dám nổ súng vì lực lượng ta chỉ có một đại đội Địa Phương Quân. Kễ đến đây, ông xã trưởng nói:
_ Bây giờ mời tất cả uống một trăm phàn trăm và uống xoay vòng mỗi người một ly rượu rồi tôi sẽ kễ tiếp.
Sau khi mọi người hưởng ứng cụng ly uống cạn cả ly bia và ly rượu, ông xã trưởng kễ tiếp:
_ VC de doạ đồn lần thứ hai thì đồn trưởng báo cáo cấp trên để đặt kế hoạch tiêu diệt chúng nó. Đồn được tăng cường thêm quân số và cấp số đạn dươc. Chung quanh đồn được bố trí mìn “Claymore”, được xác định vị trí hoả tập cho Pháo binh tác xạ hội tụ vào những điểm địch hay mượn đường di chuyển ngang qua đồn, xin phi vụ C47 “Hoả Long” thả trái sáng và yểm trợ đồn bằng “Mini Gun” 6 nòng. Ban đêm, đồn luôn ứng chiến chờ địch đi qua. Đêm nọ, một lực lượng của địch di chuyển ngang qua đồn. Chúng cũng phát loa đe doạ sẽ triệt hạ đồn nếu lực lương ta nổ súng. Đêm ấy có máy bay C47- Hoả Long túc trực trên không. Đồn trưởng báo cáo cấp trên, xin lệnh khai hoả bằng Pháo Binh bắn hoả tập đến mục tiêu quân địch đang đi qua, trước khi quay “Mũi tên lửa” về hướng địch để chỉ điểm cho máy bay. Tức tốc mấy Pháo Đội của Pháo Binh gần đó, bắn hôi tụ đạn nổ và đạn nổ chụp vào đơn vị quân của địch. Trên trời, sau khi Hoả Long biết rõ cao độ đạn đạo của Pháo Binh, liền bắn “Mini gun” 6 nòng xuống đầu địch. Chúng nó hô xung phong vào đồn, nhưng bị hàng rào mìn “Claymore”nổ khiến chúng chết nằm la liệt dưới ánh sáng của hoả châu. Hai cây đại liên ở hai “lô-cốt” đối diện với hướng địch nổ liên tục gây tổn thất nặng nề cho địch. Bỗng một viên đạn địch lọt lổ “Lô-cốt”, trúng ngay ngực của ông thượng sĩ xạ thủ đại liên - chồng của Dì Tư. Ông ngả về phía sau, nằm bất động. Dì Tư ôm chồng mà khóc. Sau khi biết ông đã chết, Dì Tư căm hận vội đứng lên ghìm cây súng đại liên, nhắm địch quân đang tiến sát vòng đai của đồn mà tiếp tục nhả đạn. Pháo Binh vẫn tác xạ, Hoả Long vẫn thả trái sáng và bắn “Minigun” 6 nòng để yểm trợ cho đồn. Bắn hết đạn, Dì Tư lại nạp đạn, thỉnh thoảng Dì ngưng bắn và tung lựu đạn qua lổ châu mai. Khi Dì ngưng bắn để ném lựu đạn, địch quân đoán lầm khẩu đại liên của Dì bị trở ngại tác xạ nên dồn lực lượng đển thanh toán “Lô-cốt” mà Dì Tư đang cố thủ. Khi thấy chúng nó tiến đến gần thì Dì Tư tiếp tục trút căm hờn qua những tràng đạn đại liên khiến chúng chết như rạ. Liệu không đánh úp nổi đồn lính, chúng rút lui nên tiếng súng địch thưa dần. Hoả Long ngừng bắn chỉ còn thả hoả châu. Pháo Binh còn tác xạ quấy rối cầm chừng. Hoả Long rời vùng trách nhiệm.Trời tờ mờ sáng, lực lượng trong đồn vẫn bố trí nơi phòng thủ vì ngại địch sẽ tấn công nữa, nhưng chúng đã lấy xác của đồng đội và rút đi về bên kia đất Miên. Máy bay trực thăng tải thương đến chở những quân nhân chết, bị thương, xác Ông Thượng sĩ xạ thủ đại liên và Dì Tư về Cần Thơ.
_ Mời anh em uống một trăm phần trăm nhé!
Mọi người hưởng ứng, uống cạn ly. Tuấn nói:
_ Dì Tư thật là can đảm, đúng là một nữ kiệt.
Ông xã trưởng kễ tiếp:
_ Sau khi chôn cất chồng xong, Dì Tư về ở vớ Dì Ba và cô Xinh, được một năm thì Dì Ba lâm trọng bệnh mà qua đời. Mẹ con Dì Tư tiếp tục mưu sinh bằng cái quán cà phê cho tới ngày nay. Thương cho hoàn cảnh mẹ goá con côi, tôi dặn dò anh em nghĩa quân lưu ý, bảo vệ an ninh cho mẹ con Dì Tư và tôi thường đến quán, uống cà phê, ăn sáng để coi Dì Tư có việc gì cần nhờ tôi giúp không.
Quay sang Tuân, ông tươi cười nói:
_ Chuyện “Con rái cá” chắc là ông tơ xuôi khiến cho anh Tuân gặp gỡ cô Xinh đó!
Mọi người cười, nhìn Tuân khiến Tuân hơi bẻn lẻn. Xã trưởng nói tiếp:
_ Sáng mai,tôi mời anh Tuân và tất cả anh chị em đến quán Dì Tư ăn sáng, uống cà phê nhé!
Ngoài trời trăng sáng vằng vặc. Tiệc vui càng về khuya càng sôi động khi men rượu khiến mọi người bốc hứng. Tùng lấy cây đàn lục huyền cầm treo trên vách xuống, đàn cho Thới ca giúp vui cho bữa tiệc. Ngày trước chưa đi lính, thới đã học ca Vọng cổ mà thầy dạy là anh rể của Thới. Tuân cũng ca một bài vì đơn vị của chàng có một ông Thượng sĩ già đàn kìm đã dạy chàng ca bài bản cổ nhạc. Đặc biệt Thủy ca những bài Vọng cổ thật mùi. Ông xã trưởng khen tặng nàng có giọng ca giống như “Lệ Thủy”. Tiệc vui tiếp diễn đến hơn nửa đêm, mọi người mới chia tay. Sau khi tiễn ông xã trưởng và Chánh ra về, Thới lấy 2 cái áo lạnh làm quà tặng cho Thủy và anh rể. Tuân cũng tặng cho Tùng một cái hộp quẹt Zipo và tặng Thủy một chai đầu thơm.
***
Khi Thới cùng Tuân đến quán cà phê “ Xinh” đã thấy ông xã trưởng và Chánh ngồi chờ từ lâu. Tuân đến bắt tay hai người. Thới cũng cúi chào ông xã trưởng và Chánh rôi cả hai ngồi vào bàn. Dì Tư và Xinh đến chào khách và hỏi:
_ Ông xã trưởng và quý anh em muốn ăn sáng hay chỉ uống cà phê?
Ông xã trưởng nói:
_ Cho chúng tôi 4 tô hủ tiếu và 4 ly cà phê sữa.
Dì Tư nhìn Tuân rồi nói:
_ Xin phép ông xã trưởng và anh em cho tôi nói chuyện riêng với Đại úy Tuân vài phút.
Dì Tư chỉ cái bàn trống, nói với Tuân:
_ Kính mời Đại úy qua đây.
Tuân đứng dậy đi theo Dì Tư đến cái bàn do bà chỉ định.
_ Mời Đại úy ngồi.
Sau khi Tuân ngồi, Dì Tư ngồi đối diện và mở lời:
_ Hôm qua con gái tôi về kễ chuyện Đại úy làm chết con rái cá của tôi nuôi và bồi thường 2 ngàn đồng. Khi biết được người làm chết con rái cá là Đai úy Đại Đôi Trưởng của cháu Thới, tôi áy náy vô cùng. Tôi biết đó là sự rủi ro chớ Đại uý không cố ý. Chồng tôi cũng là một Thượng sĩ đã đền xong nợ nước, gặp được người nhà binh như Đại úy, tôi rất vui mừng vì mình như người nhà với nhau. Vậy, tôi xin hoàn trả lại Đại úy 2 ngàn đồng mà Đại úy bồi thường cho tôi.
Bà đưa cho Tuân cái phong bì đựng 2 ngàn đồng trong đó. Tuân không nhận và nói:
_ Thưa Dì, Dì nói như vậy cháu vô cùng cảm kích. Vậy Dì hãy giữ số tiền nầy, coi như món quà của cháu tặng cho Dì vì cháu rất kính nễ Dì đã thay thế ông Dượng khi ổng bị tử thương, bắn súng đại liên, đẩy lui giặc Cộng khi chúng tấn công đồn.
Dì Tư hơi xúc động;
_ Nếu Đại úy nói vậy thì tôi xin nhận số tiền nầy, xin cám ơn Đại úy. Bây giờ mời Đại úy trở lại bàn, kẻo anh em chờ. Chiều nay mời Đại uý, cháu Thới và vợ chồng cô Thủy qua nhà tôi ăn cơm chiều nhé!
Trở lại bàn xã trưởng và anh em đang ngồi thì Xinh đã đem hủ tiếu và cà phê đến cho mọi người. Để mọi người không thắc mắc, Tuân thuật lại câu chuyện giữa Dì Tư và chàng. Hôm nay Xinh mặc áo bà ba trắng, quần đen, mái tóc dài đen mượt phủ xuống bờ vai, thân hình cân đối với những đường cong tuyệt mỹ, khuôn mặt nàng rất thùy mị đoan trang. Tuân nhìn nàng mà nghe lòng xao xuyến. Ông xã trưởng nói:
_ Cô Xinh ơi! Đại úy Tuân hỏi thăm cô nè!
Xinh cười duyên dáng, hỏi Tuân:
_ Đại úy hỏi chi hả Đại úy?
Tuân trả lời:
_ Tôi chỉ khen cô đẹp mà thôi!!
Mọi người cười khiến Xinh bẻn lẻn và trước khi quay đi, nàng mỉm cười, nói:
_ Cám ơn anh Đại úy.
Ông xã trưởng cười thích thú:
_ Coi bộ được đó nghen! Tôi sẽ làm mai cho hai người.
Tuân mỉm cười rồi chăm chú nhìn tấm ảnh hoạ lớn như một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật treo trên vách, đó là ảnh của Xinh, nàng mặc áo dài trắng nữ sinh, nghiêng vành nón lá, cười duyên dáng, phía sau là cây phượng vĩ nở hoa rực rỡ. Sau buổi ăn sáng, mọi người vui vẻ giả từ nhau, trước khi chào Dì Tư và cô Xinh.
***
Buổi cơm chiều hôm ấy, Tuân, Thới cùng vợ chồng Tùng và Thủy đến, sau khi quán “Xinh” đã nghỉ bán. Mọi người vui mừng gặp lại ông xã trưởng và Chánh. Tùng đem đến cho Dì Tư một con cá chẽm nặng 4 kg, một mớ tôm càng và 5 con cua.
Dì Tư cám ơn Tùng và nói:
_ Vậy thì con cá chẽm mình nấu thêm món cháo khuya, cua tôm thì luộc cho xã trưởng và các cháu nhậu. Hôm nay mình nhậu rượu đế nhe anh em!
Thủy nhanh nhẹn nhận phần làm cá chẽm còn Xinh thì bắt nồi nấu cháo. Sau đó, mọi người nhập tiệc. Thức ăn đã bày sẵn gồm những món canh chua cá bông lao, Cá mú chưng tương, cá rô kho tộ, gỏi tôm, lòng, dồi và lỗ tai heo.Ông xã trưởng “dàn cảnh” cho Xinh ngồi bên Tuân. Ông làm “chủ xị” rót rượu cho mọi người uống xoay vòng, thỉnh thoảng Dì Tư cũng uống một ly, riêng Xinh thì không uống rượu. Xinh gắp thức ăn cho Tuân bằng cử chỉ yêu thương. Dì Tư đi lấy thêm món tôm càng và cua luộc rồi ngồi xuống, hỏi Tuân:
_ Đại úy Tuân có gia đình chưa? Quê quán ở đâu và song thân còn đủ không?
Tuân thầm hiểu Dì Tư muốn biết chàng có vợ chưa nên trả lời:
_ Thưa Dì, quê cháu ở Sa Đéc. Cháu còn độc thân. Cha cháu là môt sĩ quan chết trận Đồng Xoài năm 1965 lúc cháu vừa đậu văn bằng Tú tài phần 1. Cháu tình nguyện ngập ngũ còn mẹ cháu thì về ở với người cậu bán vật liệu xây cất ở Cao Lãnh. Khi cháu vừa lên cấp bậc Trung úy thì mẹ cháu bị ung thư mà chết. Bây giờ chỉ còn người cậu là thân nhân của cháu thôi.
Gương mặt Xinh bỗng rạng rỡ như niềm vui đang ngập lòng nàng. Xinh quay sang, nói nhỏ với Tuân:
_ Chưa có vợ, nhưng anh có quen cô nào chưa?
Tuân kề miệng sát tai Xinh, nói:
_ Anh mới quen với cô Xinh trên bờ sông Trẹm lần đầu tiên thôi!
_ Thiệt hôn?
_ Thiệt mà!
Cuổc vui kéo dài đến 1 giờ khuya và kết thúc sau khi mọi người ăn nồi cháo cá chẽm. Xinh hỏi nhỏ Tuân:
_ Chừng nào anh về đơn vị?
_ Ngày mốt anh và Thới cùng về đơn vị.
Gương mặt Xinh bỗng thoáng buồn. Tuân an ủi Xinh:
_ Ngày mai, em viết cho anh địa chỉ quán của em để thỉnh thoảng anh sẽ viết thư thăm Dì Tư và thăm em.
Tự nhiên Tuân và Xinh xưng hô bằng hai tiếng “Anh” và “Em” hồi nào họ cũng không hay biết! Mọi người chào nhau , chia tay , trước khi cám ơn Dì Tư và Xinh. Tuân nói riêng với Dì Tư đừng gọi chàng là Đại úy nữa mà hãy gọi bằng cháu. Tuân theo Thới, Tùng và Thủy về nhà. Tuân quay nhìn lại, thấy Xinh vẫn còn đứng trông theo. Tuân vẫy tay với nàng.

Sáng ngày Tuân và Thới lên đường về đơn vị, Tùng đã chèo xuồng đi đánh lưới và đặt lú từ lúc hừng đông, chỉ còn Thủy ở nhà, Tuân và Thới đã chuẩn bị hành trang trong 2 cái “ba-lô” đầy ắp. Xinh đến trao cho 2 chàng 2 ổ bánh mì thịt. Nàng đưa cho Tuân một tờ giấy đã ghi địa chỉ quán của nàng. Xinh thoáng buồn trong buổi chia tay, nàng nói:
_ Hai anh cất 2 ổ bánh mì để ăn buổi trưa và đây là địa chỉ của em, anh Tuân cất giữ, nhớ gởi thơ thăm má và em nhé! Chúc 2 anh thượng lộ bình an. Em muốn tiễn 2 anh ra bến đò, nhưng bận phụ má em sáng nay. Em từ giả anh Tuân và Thới nhé!
Thới và Thủy đi xuống nhà bếp để lánh mặt. Tuân cầm tay Xinh rồi chàng và nàng ôm nhau say đắm, trao gởi nụ hôn đầu tiên. Rời khỏi vòng tay Tuân, nàng từ giả chàng thêm một lần nữa và nói vọng xuống nhà bếp để kiếu từ chị em Thủy rồi trở về quán.
Sau khi từ giả Thủy, Tuân và Thới mang “ba-lô” lên vai rồi men theo con đường dọc bờ sông để đi ra bến đò ở chợ. Lúc đi ngang qua quán “Xinh”, Tuấn nhìn vào, thấy nàng đứng trước cửa vẫy tay với chàng và Thới. Hai chàng cũng vẫy tay với nàng.
***
Về đơn vị được một tuần thì Tuân và Thới phải theo đơn vị lớn hành quân qua biên giới Campuchia, truy lùng địch quân ở phía Đông Nam tỉnh “Svay Rieng”
Đại đội của Tuân đi tiền thám đã chạm địch trong khu vực trách nhiệm, nhưng địch thấy hoả lực của lực lượng ta quá mạnh nên chúng rút lui để lại nhiều xác chết, một số súng AK47, AK50 và B40. Quân ta thừa thắng xông lên truy kích địch. Tuân đi trước, Thới mang máy vô tuyến FM đi theo sau. Bỗng một tiếng nổ vang lên, Tuân và Thới ngã xuống đất. Đơn vị tiến tới chỗ hai người dẫm phải mìn bẫy. Cả hai thầy trò đều bị thương ở chân, máu chảy rất nhiều. Tức tốc, toán cứu thương đến băng bó vết thương cho hai người và gọi máy bay trực thăng đưa họ về Tổng Y Viện Cộng Hoà.
Thới bị gãy mất cái xương nhỏ cạnh xương ống chân của chân trái, và xương ống chân bị nứt.Tuân bị gãy xương bàn chân và bị đứt gần lìa cái “nhượng” ngay trên gót chân bên phải. Sau ba tháng nằm bệnh viện, hai thầy trò xuất viện, nhưng cả hai đều mang thương tật, chân đi khập khiễng. Nghỉ ngơi được một tuần, Tuân và Thới ra Hội Đồng Giám Định Y Khoa và cả hai được giải ngũ. Mang nỗi buồn phải xa lìa anh em đồng đội, Tuân nói với Thới:
_ Thới ơi! Từ đây mình phải rời xa đơn vị, chia tay cùng chiến hữu thân thương, không biết đời mình sẽ đi về đâu khi anh gần như tứ cố vô thân.
Thới an ủi Tuân:
_ Ông thầy đừng buồn, hãy về quê em, mình tìm cách sinh sống. Buổi ban đầu, tạm tá túc nhà chị Thủy và anh Tùng, vã lại anh còn có một người đang yêu anh, đó là cô Xinh.
Tuân ưu tư, khẽ thở dài:
_ Bây giờ anh thành phế binh, đi khập khiễng làm sao xứng với Xinh, liệu nàng có còn yêu anh chăng.
_ Em nghĩ nàng không có thay lòng đổi dạ đâu. Đêm nay, em viết thư cho chị Thủy và anh Tùng báo tin nầy và nói rằng mình đã giã từ vũ khí để trở về đời sống thường dân, còn anh cũng viết thư cho cô Xinh trình bày hoàn cảnh hiện tại của anh và em, thử coi nàng phản ứng ra sao.
_ Em nói hay đó, anh sẽ làm theo ý em.

Thư gởi đi được hơn nửa tháng thì Tuân nhận được thư hồi âm của Xinh. Nàng vui mừng, xúc động rơi nước mắt. Trong thư nàng bày tỏ đã yêu Tuân tha thiết và từ khi chàng đi đến nay, nàng luôn thương nhớ, chờ mong. Nàng nói dù Tuân bị thương tật, nhưng nàng vẫn một dạ yêu chàng và nàng không còn lo sợ sẽ bị mất chàng nữa, nàng và mẹ nàng hân hoan đón Tuân về mái ấm bên dòng sông Trẹm. Tuân vui sướng, ôm lá thư vào lòng, mắt giăng màn lệ mỏng.
Thới cũng nhận được thư của Thủy và Tùng. Họ rât vui mừng khi hay tin Thới và Tuân giải ngũ. Họ bảo hãy về nương tựa nhà họ rồi sẽ tính chuyện mai sau.
Sau khi nhận giấy giải ngũ và làm xong thủ tục rời đơn vị, Tuân và Thới về Sài Gòn mua quà cho những người thân yêu rồi mua vé xe đò về Cà Mau để đi đò về chợ Thới Bình. Suốt hành trình trở về bên bờ sông Trẹm yêu thương, lòng Tuân và Thới luôn miên man trong nỗi suy tư chuyện tương lai.
Đò cập bến , Thới và Tuân đi lên chợ ăn chiều rồi theo đường cũ đi về nhà của Tùng và Thủy. Trời bỗng kéo mây vần vũ, báo hiệu cơn mưa sắp đến. Khi đi ngang qua quán “Xinh”, Thới nói với Tuân:
_ Ông thầy ghé quán cô Xinh không?
_ Mình về nhà tắm rữa sạch sẽ rồi sẽ qua.
Bỗng Xinh trông thấy Tuân và Thới, nàng ra đứng trước của quán và gọi:
_ Anh Tuân! Anh Thới!
Mãnh lực của tình yêu thôi thúc, Tuân vui mừng chạy khập khiễng đến nơi Xinh đang đứng. Xinh rời chỗ đứng, chạy đến đón Tuân. Hai người ôm nhau mà nước mắt trào tuôn. Thới đứng nhìn đôi trai gái trong cảnh tương phùng mà lòng dâng lên niềm cảm xúc. Trời bỗng đổ cơn mưa trong khi Tuân và Xinh vẫn đứng dưới mưa mà ôm nhau, chưa chịu rời xa nhau. Xinh nắm tay Tuân run run nói:
_ Mình vào quán đi anh, mưa ướt áo rồi.
Xinh nắm tay Tuân, đi nhanh vào quán. Thới cũng chạy theo sau. Dòng sông Trẹm trắng xoá dưới cơn mưa chiều, con nước lớn vừa dâng ngập bờ sông./.

Rate this item
(0 votes)

Posted by Võ Ý