Print this page

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 14) - NGUYỄN HỮU THIỆN

Posted by September 03, 2022 1245
CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 14)


 
Hồi ký
NGUYỄN HỮU THIỆN


(tiếp theo kỳ 13)

CHƯƠNG 6 – Suối Máu & Tống Lê Chân (tt)

Bên cạnh khu vực nhốt tù chính nói trên còn có một khu phụ nhỏ hơn, có lối đi thông với khu vực chính. Khu phụ này nằm sát phía sau khu nhà của ban giám thị trại, gần một con suối khá lớn, cũng giống như con suối ở Phước Long, là một trong số hàng trăm con suối tạo thành thượng nguồn sông Sài Gòn.


Khu phụ này chỉ có hai dãy nhà, cũng mái tôn vách ván như nhà của ban giám thị nhưng cũ kỹ, vá víu, được dành cho tù cải tạo cấp tá được đưa tới vào đầu năm 1979.

Ở Tống Lê Chân không hề có các buổi học tập chính trị, và cũng không có các màn cán bộ vào từng nhà để kiểm soát. Nguyên nhân chính là vì ở đây không có hội trường, còn các dãy nhà dành cho cải tạo thì quá tối tăm, chật hẹp.

Chỉ thỉnh thoảng mới có một buổi tập họp toàn trại ngoài sân để ngồi nghe cán bộ “lên lớp” chuyện này chuyện nọ, và cũng là nơi tập họp mỗi buổi sáng để nghe phân công lao động trong ngày.

Qua những lần tập họp ấy, tôi ước lượng tổng số tù cải tạo ở Tống Lê Chân chỉ vào khoảng 1000 người, chia ra từng đội và một số tổ chuyên môn như tổ tăng gia (trồng rau), tổ mộc, tổ may.

Mỗi buổi sáng, vào khoảng 7 giờ, hai ba tay trong ban giám thị, thường là cấp trung úy, thiếu úy cho mở khóa cổng và tiến vào cùng với một số bảo vệ mang súng có nhiệm vụ canh chừng các toán đi lao động.

Nếu không có tin tức, chỉ thị cần loan báo cho tù cải tạo, đám giám thị sẽ cho các tổ chuyên môn ra khỏi cổng trước tiên, không có công an bảo vệ, sau đó mới lần lượt phân công tác cho các đội: làm rẫy, đi chặt tre, cưa gỗ, hoặc công tác trên “khung”: tu bổ nhà cửa, làm cỏ, dọn dẹp, và làm những công việc linh tinh trên khu nhà của ban giám thị.

So với thời gian còn ở trên Phước Long dưới quyền bộ đội, mọi công tác lao động ở Tống Lê Chân nhàn hơn nhiều, có lẽ vì không trực thuộc một hệ thống hàng dọc, hoặc nằm trong một đại đơn vị sản xuất như thời bộ đội nên không bị cấp trên đưa ra chỉ tiêu.

* * *

Nhàn nhất là làm rẫy. Rẫy quanh trại, bên trong cũng như bên ngoài hàng rào, đã được khai hoang từ hồi nào, đám tù cải tạo chúng tôi chỉ phải làm cỏ, trồng khoai trồng mì, đậu phộng... cho đám công an thu hoạch.

Công tác chặt tre tuy phải đi bộ mấy cây số nhưng thú vị hơn. Thú vị vì cảnh sắc thiên nhiên, không khí trong lành, và được tự do.

Không hiểu vì thiếu nhân sự hay không mấy quan tâm tới việc tù cải tạo có thể bỏ trốn, ban giám thị ở Tống Lê Chân chỉ cho hai tay bảo vệ đi theo mỗi toán chặt tre trên dưới 50 mạng. Rừng tre ở đây không biết có từ đời nào, mọc kín dọc các bờ suối, khó khăn lắm mới tìm được một thân tre tương đối trống trải có thể leo lên để chặt (vì không thể nào chui vào gốc tre), cho nên mọi người phải phân tán mỏng, có lúc chẳng còn ai nhìn thấy ai.

Một ngày nọ, xảy ra một việc khá ly kỳ mà nếu không có mặt ở đó chỉ nghe kể lại, tôi nhất định không tin!

Lúc ấy, tôi và một vài anh em đang quanh quẩn bên bờ suối quan sát, tìm tre để chặt, đứng bên cạnh là tay công an bảo vệ gốc Bắc mặt còn non choẹt. Bỗng có một con nai khá lớn có lẽ đang uống nước dưới bờ suối thấy động hoảng hốt bỏ chạy lên bờ và bị vướng trong một bụi tre. Mọi người chưa biết phải phản ứng ra sao thì tay bảo vệ đã vội vã đưa khẩu súng trường CKC về phía một anh tù cải tạo, miệng lắp bắp:

- Anh bắn đi... anh bắn đi!

Cũng may, ngay lúc đó con nai đã thoát ra khỏi bụi tre và phóng chạy vào rừng; bằng không chúng tôi cũng không biết phải phản ứng ra sao trước diễn tiến tức cười này!

Sau này có dịp tìm hiểu khi làm công tác trên “khung”, chúng tôi được biết đa số công an làm công tác bảo vệ, canh gác ở Tống Lê Chân là đám trẻ mới lớn lên sau 1975, tới tuổi đi “nghĩa vụ” được gia đình chạy chọt, lo lót cho gia nhập công an để khỏi phải đi bộ đội lên biên giới đánh nhau với quân Trung Cộng, hoặc sang Căm-bốt đánh nhau với Khmer Đỏ.

Theo luật cung cầu, càng có nhiều người muốn vào ngành công an thì Bộ Nội Vụ càng “vẽ” thêm nhu cầu tuyển mộ để có chỗ trốn nghĩa vụ cho con cái cán bộ cao cấp, và để ăn hối lộ.

(BỘ NỘI VỤ: Trước năm 1975, Bộ Nội Vụ và Bộ Công An của CSVN là hai bộ riêng biệt, tới năm 1975, Bộ Công An bị sát nhập vào Bộ Nội Vụ; năm 1998, do tranh chấp quyền lực trong nội bộ, tầm quan trọng của ngành công an được nâng lên tương đương với quân đội, Bộ Nội Vụ trở thành Bộ Công An. Năm 2002, Bộ Nội Vụ được tái lập nhưng chỉ còn đặc trách những công việc mang tính cách hành chánh mà thôi)

Có lẽ vì phải dành ưu tiên cho việc huấn luyện bộ đội, đám công trẻ này đa số không qua một khóa học nào về vũ khí trước được đưa đi các nơi, con ông cháu cha hoặc gia đình biết cách chạy chọt thì được ở phường, quận, thành phố, không thì đi về các miền quê, hoặc Cục Trại Giam để làm bảo vệ.

Trong đám công an trẻ ở Tống Lê Chân, trừ một hai tay gốc Bắc tương đối lạnh lùng, đa số còn lại, gốc Bắc cũng như gốc Nam, mặt búng ra sữa, ăn nói khá nhã nhặn và không hề tỏ thái độ hằn học, thù nghịch với tù cải tạo như công an ở Suối Máu...

Sau khi chặt tre, trên đường về trại, nếu gặp người dân, chúng tôi được phép dừng lại dăm ba phút để “thương lượng” mua những con thú nhỏ mà họ đánh bẫy được.

Người dân ở đây hầu hết là người Thượng thuộc sắc tộc S'tiêng, cùng sắc tộc với những người Thượng mà chúng tôi gặp ở Phước Long (Sông Bé).

Người S'tiêng (có khi viết X’tiêng) là một sắc tộc tương đối nhỏ trong tập thể người Thượng sống ở Việt Nam. Về hình dạng, họ cũng nhỏ con và đen đủi hơn các sắc tộc Ra-đê (nay gọi là Ê-đê), Ba Na, Gia Lai... ở Tây Nguyên.

Nhưng nói về tinh thần chống cộng thì người S'tiêng nếu không hơn cũng phải bằng người Ra-đê, người Ba Na. Trước năm 1975, ở Bình Long, Phước Long hầu như không bao giờ người ta nghe tới chữ “Thượng cộng” như ở Kontum, Pleiku... Trái lại, đa số binh sĩ trong Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu ở vùng này đều là người S'tiêng.
Về sau, năm 1970, khi Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu được cải biến thành Biệt Ðộng Quân Biên Phòng, đại đa số binh sĩ người S'tiêng ở trại Tống Lê Chân đã tình nguyện ở lại để trở thành quân nhân của Tiểu Ðoàn 92 BÐQ Biên Phòng.
Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, phần lớn người S'tiêng ở Bình Long, Phước Long đã bỏ chạy sang phía bên kia biên giới Việt-Miên, cho nên chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp một vài người. (1)

* * *

Công tác lao động nặng nhất là đi cưa gỗ. Gọi là nặng nhưng vẫn đỡ hơn nhiều so với ở Phú Quốc, về thể xác cũng như tinh thần.

Khi được phân công đi cưa gỗ, chúng tôi ra khỏi cổng gác, đi trên con đường đất đã đưa chúng tôi tới trại, tức là đi về hướng Quốc lộ 13, luôn luôn có một tay giám thị cùng với mấy tay bảo vệ trang bị AK đi theo.

Ra khỏi trại khoảng hai cây số, chúng tôi được đưa vào khu rừng thưa ở phía bên mặt nơi có vô số gốc cây lớn nhỏ. Tay giám thị đích thân chọn những gốc cây không lớn lắm (chỉ khoảng một vòng tay ôm) ở những vị trí tương đối dễ hạ. Cây hạ xuống, chúng tôi cưa thành từng khúc dài khoảng một mét, rồi xếp thành từng khối vuông vức.

Chỉ sau vài lần đi cưa gỗ, chúng tôi khám phá ra có những khối gỗ “đặc biệt” nằm ở những vị trí kín đáo, không thuộc “thành phẩm của trại” mà sẽ được bán lén cho những tay buôn củi để lấy tiền bỏ túi. Vì có một toán tù cải tạo dành riêng cho công tác này, chúng tôi đoán họ (công an trại) có ăn chia từ cấp trên xuống cấp dưới.

Càng ngày các toán cưa gỗ càng được đưa đi xa hơn, cuối cùng gần tới cái quán ở khu kinh tế mới bỏ hoang. Mỗi lần như thế, tay giám thị thường cho phép hai tù cải tạo đi tới cái quán để mua thuốc rê, đường thẻ, bánh kẹo cho những anh em muốn mua.

Viết “bánh kẹo” chỉ để nghe cho thuận tai còn trên thực tế, cũng giống như cái quán trên đường đi chặt le ở Đồng Ban, cái quán này chỉ bán một thứ bánh kẹo duy nhất là kẹo dừa, loại kẹo sản xuất sau năm 1975 vừa cứng vừa nồng mặc mùi xà bông (tôi cũng không hiểu tại sao?)

Trong những lần đi xa như thế, thỉnh thoảng anh em tù cải tạo đã gặp một số thanh thiếu niên của trại tù “tệ đoan xã hội” ở gần Quốc lộ 13 cũng bị bắt vào rừng cưa gỗ.

Cùng là thân tù tội nhưng chúng tôi đã không thể cầm lòng trước những thân hình tiều tụy, những khuôn mặt hốc hác, những cặp mắt không còn sinh khí của đám thanh thiếu niên này. Mặc dù bị nghiêm cấm tiếp xúc với tù cải tạo, họ vẫn lén lút mò tới, hy vọng sẽ xin được một nhúm thuốc rê, một hai cục đường thẻ...

* * *

Hơn một tháng sau khi đám tù cải tạo cấp úy chúng tôi bị đưa từ Suối Máu lên Tống Lê Chân, có thêm một đợt tù đặc biệt được đưa tới nơi. Gọi là “đặc biệt” bởi gồm nhiều thành phần đối tượng khác nhau, trong đó có cả một hồi chánh viên người miền Nam, tức gốc gác Mặt Trận Giải Phóng.

Để có chỗ cho những người mới tới, chúng tôi bị dồn nhà. Nhờ đó, trong khi chỗ ngủ trở nên chật chội hơn, tôi được gần gũi với một số anh em cùng chí hướng, lập trường (nói theo từ cách mạng là “có tư tưởng phản động”), phần lớn thuộc ngành Chiến Tranh Chính Trị.

Thực ra có hay không có tư tưởng phản động thì giờ này tất cả tù cải tạo ở Tống Lê Chân cũng cùng chung một “chính sách”, cùng một tương lai vô định như nhau.

Viết là vô định bởi vì khác với ở Suối Máu và những trại chúng tôi ở trước kia, người tù có thể suy diễn, đoán mò những gì sắp xảy ra qua các buổi “lên lớp” của giáo viên, tiết lộ của quản giáo, qua tin tức trên đài phát thanh, đài truyền hình, qua hệ thống loa phóng thanh trong trại (ở Suối Máu), và quan trọng không kém là những gì được thân nhân rỉ tai trong những lần thăm nuôi, ở Tống Lê Chân chúng tôi không có bất cứ một nguồn thông tin nào! (Tù cải tạo chỉ được nhận quà chứ không được viết và nhận thư từ)

Kể cả với công an, Tống Lê Chân cũng giống như một hòn đảo xa xôi. Cả tháng mới đôi lần nghe thấy tiếng xe vận tải chở lương thực tới trại. Còn lại thường ngày chỉ là tiếng máy điện, chạy từ giờ cơm tối cho tới 9 giờ đêm để công an xem truyền hình. Sau đó là đêm đen dài như vô tận...

Nhờ có nhóm “phản động”, tụ tập bàn luận chính chị chính em, kể chuyện trên trời dưới biển, chúng tôi mới có thể giết thì giờ những lúc rỗi rảnh, tạm quên đi tương lai mờ mịt.

Bên cạnh đó, tôi còn mở lớp... dạy nhạc!

Chuyện khá dài dòng. Nguyên vào một ngày nọ không phải đi lao động, xế chiều tôi đi tắm ở con suối phía sau khu nhà của ban giám thị trại, lúc về đi ngang khu nhà mái tôn vách ván của tù cải tạo cấp tá được đưa lên Tống Lê Chân vào đầu năm 1979, tôi nghe có tiếng người gọi tên cúng cơm của mình. Quay lại thì thấy anh PT Tùng, một ông Thiếu tá Liên đoàn trưởng cùng đơn vị kỹ thuật trong phi trường Biên Hòa trước 1975.

Anh Tùng là người gốc Bắc, thư sinh trắng trẻo, tính tình hiền lành lại nhỏ thó nên có biệt hiệu Tùng “con”. Trước năm 1975, tôi khá thân với anh Tùng cho nên từ Phước Long về K3, Suối Máu, gặp lại nhau chúng tôi mừng lắm, tuy nhiên tôi vẫn giữ ý tứ, mỗi khi tình cờ gặp nhau ngoài sân, tôi chỉ nói chuyện qua loa, hỏi thăm ngắn gọn, vì vào thời gian Suối Máu còn nằm trong tay “bò xanh”, tù cấp tá được khuyến cáo không nên quan hệ với tù cấp úy, thường bị đánh giá là không chịu học tập tiến bộ!

Tới đầu năm 1979, sau khi ăn tết ta xong và đám cấp úy chúng tôi bị phân tán đi các K khác, toàn bộ cấp tá ở K3 bị đưa khỏi Suối Máu. Anh Tùng là một trong số những người may mắn được đưa lên Tống Lê Chân. Nói là may mắn vì so với những trại tù hắc ám như Xuân Phước (A20), Gia Trung ngoài miền Trung, Tống Lê Chân là... thiên đàng!

Bên cạnh đó, nhờ gia đình khá giả, anh Tùng thường xuyên nhận được những gói quà rất chất lượng!

* * *

Lúc đó anh Tùng đang ngồi “trà lá” với mấy ông thiếu tá khác quanh cái bàn gỗ bên hông nhà, trong đó có Thiếu tá Ph, một ông Trưởng Phòng cùng đơn vị với chúng tôi. Sau khi tay bắt mặt mừng, anh Tùng cho tôi biết chiều nào anh cũng ngồi trà lá ở đây và nói tôi ngày mai qua chơi (vì lúc đó tôi đi tắm suối về, người ngợm ướt nhẹp).

Chiều hôm sau, khi tôi tới nơi thì thấy anh Tùng đang ôm cây đàn ghi-ta để tập đệm. Chỉ cần nghe sơ, tôi biết anh mới chập chững bước đầu. Buổi kế tiếp, tôi mang theo cuốn “Cách bấm hợp âm trên cần đàn ghi-ta” mà tôi soạn ở Suối Máu, hy vọng sẽ giúp anh tự học bấm những hợp âm thông dụng nhất.

Không ngờ cuốn vở 50 trang ấy lại được khá nhiều quan tá chiếu cố, chuyền tay nhau sao chép. Sau khi các “học trò” của mình bấm các hợp âm tương đối đã nhuyễn, tôi đưa thêm cuốn “Hòa âm căn bản” để giúp họ tự ghi ra các hợp âm chính của một ca khúc.

Kết quả, công việc mà ngày còn trẻ theo thầy, tôi cho là nhàm chán, nhức đầu, giờ đây lại được ít nhất phân nửa “học trò” của tôi thích thú. Khỏi nói, anh Tùng phục tôi sát đất, và vô cùng hãnh diện vì có gã đàn em KQ tài hoa hết mực, ít nhất cũng là dưới mắt anh và các quan tá vào tù mới tập đàn và học nhạc!

Bù lại, anh Tùng, với sự đóng góp các quan tá nói trên, không bao giờ để tôi phải đói thuốc (thuốc rê, thuốc lào), lại còn san sẻ quà gia đình gửi vào, tôi mà từ chối là anh giận!

* * *

Cũng ở Tống Lê Chân, tôi còn được gặp một đàn em cùng ngành Chiến Tranh Chính Trị trong quân chủng Không Quân, Thiếu úy Th. Th thuộc lớp sĩ quan trẻ nhất của quân đội miền Nam, ngập ngũ sau Mùa hè đỏ lửa 1972, vừa mang lon thiếu úy được mấy tháng thì mất nước. Nghĩa là chưa kịp gây “tội ác với cách mạng” nhưng vẫn bị liệt vào thành phần nguy hiểm vì cái mác Chiến Tranh Chính Trị!

Thiếu úy Th phục vụ tại Sư Đoàn 5 Không Quân ở Tân Sơn Nhất, còn được gọi là “sư đoàn vận tải”, lại còn độc thân cho nên vào những ngày cuối tháng 4-1975, muốn di tản cũng không khó, nhưng vì sợ pháo kích của Việt Cộng nên không dám vào phi trường. Rốt cuộc bị kẹt lại.


* * *

Khoảng ba, bốn tháng sau khi đám tù cải tạo cấp úy chúng tôi từ K1 Suối Máu được đưa lên Tống Lê Chân, xảy ra một vụ trốn trại khá “đẹp mắt”.

Qua quan sát hiện trường và suy diễn từ các biện pháp đối phó của công an trại sau đó, chúng tôi được viết sự việc xảy ra như sau:

Mấy anh em trốn trại này đã chuẩn bị từ trước bằng cách lén cắt đứt các dây buộc lớp hàng rào bằng tre ở phía trong để thoát ra, sau đó sử dụng kìm cắt kẽm gai để cắt lớp hàng rào bên ngoài.

Việc lén cắt đứt các dây buộc hàng rào tre không có gì khó khăn, miễn sao đừng lộ liễu, nhưng cắt hàng rào kẽm gai phía bên ngoài cả là một vấn đề.

Trước năm 1975, tôi thấy cái kìm cắt kẽm gai là loại kìm đặc biệt, dài ít nhất cũng 30 cm, trong trại cải tạo tìm đâu ra; còn tự chế thì kiếm đâu ra loại thép có thể cắt được kẽm gai?! Vậy mà họ thoát được mới tài!

Về thời điểm vượt thoát, có lẽ các anh em này đã lợi dụng lúc sắp sửa tắt điện để ra tay.

Khác với ở Suối Máu, nơi máy phát điện chạy suốt đêm, ở Tống Lê Chân, máy phát điện chỉ bắt đầu chạy vào trước giờ cơm tối để cung cấp ánh điện cho toàn trại và các đèn pha trên vọng gác, tới 9 giờ thì máy phát điện ngưng chạy. Sau khi điện tắt, tù cải tạo không ai được ra khỏi nhà.

Trên nguyên tắc, trên bốn vọng gác ở bốn góc trại có công an gác 24/24, nhưng về sau, ỷ y có ánh đèn pha sáng rực, đám công an có nhiệm vụ canh gác, sau khi ăn cơm tối đã nán lại để xem truyền hình, gần tới giờ tắt điện mới đi ra vọng gác.

Sau khi điều nghiên, biết được “lỗ hổng thời gian” này, các anh em trốn trại đã quyết định hành động vào khoảng 8 rưỡi tối, tức là họ có khoảng 15, 20 phút để chui ra ngoài hàng rào tre rồi cắt hàng rào kẽm gai và chạy vào khu rừng chồi.

Qua ngày hôm sau, đội của tôi bị phân công cột lại lớp hàng rào tre, khi ấy chúng tôi mới khám phá ra hàng rào tre ở hướng tây và hướng nam có nhiều chỗ bị cắt, suy ra một là những anh em nói trên đã cắt ở nhiều vị trí khác nhau để tùy cơ ứng biến, hai là còn có những anh khác cũng chuẩn bị trốn trại. Nếu đúng là còn những toán khác thì coi như dẹp luôn, bởi sau đó đám công an canh gác được lệnh có mặt trên các vọng gác 24/24 chứ không được lơ là như trước nữa.

Về phần những anh em trốn trại, tôi được biết cả đều là cấp úy thuộc các đơn vị tác chiến, tức là dư khả năng vượt qua mọi chướng ngại thiên nhiên, nhưng có thoát khỏi bàn tay con người hay không mới là điều đáng nói.

Lo ngại lớn nhất của chúng tôi là những anh em này đi về hướng bắc, liều mạng vượt biên giới Việt – Miên tìm đường đi sang Thái Lan với hai bàn tay không thì gần như nắm chắc cái chết nếu gặp Khmer Đỏ. Chỉ có cách băng rừng đi về hướng tây hoặc hướng nam thì mới hy vọng bằng cách này cách khác về được Sài Gòn.

Hướng tây là huyện Tân Châu của tỉnh Tây Ninh, hướng nam là hai huyện Dầu Tiếng và Chơn Thành của tỉnh Bình Dương. Theo suy đoán của tôi, nếu quyết định đi về Sài Gòn thì những anh em nói trên sẽ men theo quốc lộ 13 đi về Chơn Thành rồi tùy cơ ứng biến...

Khác với những gì thường xảy ra dưới thời “bò xanh” khi có người trốn trại, vụ mấy anh em tù cải tạo ở Tống Lê Chân vượt thoát đã không bị ban giám thị làm lớn chuyện. Theo tôi nhớ, trước sau chỉ có một buổi “lên lớp” của viên Thiếu tá công an thủ trưởng Tống Lê Chân, lên án những anh em trốn trại và tiên đoán trước sau cũng bị bắt lại. Nhưng rồi thấy im re, chúng tôi đoán có lẽ những anh em nói trên đã thoát.

[Sau này, qua lời thuật lại một anh em vượt thoát thành công, rồi vượt biển, định cư tại hải ngoại, chúng tôi được biết cho tới lúc chia tay nhau tại một địa danh nào đó thuộc tỉnh Bình Dương, toán trốn trại vẫn còn đầy đủ]

* * *

Khoảng một tháng sau vụ trốn trại, một buổi sáng nọ, sau khi toàn trại đã tập họp ngoài sân chờ nghe phân công lao động trong ngày, khóa cổng được mở, thay vì chỉ có hai ba tay giám thị cấp úy và đám công an bảo vệ tiến vào như thường lệ, hôm nay lại có cả một “phái đoàn” tiền hô hậu ủng, trong đó chúng tôi nhận ra Trung tá Đào Lưỡng, Giám thị trưởng Chí Hòa – Suối Máu, đi bên cạnh là viên Thiếu tá thủ trưởng Tống Lê Chân, cùng hai tay công an lạ mặt đeo xà-cột (sacoche), sau này được biết là người của Cục Trại Giam, Bộ Nội Vụ.

Việc viên Giám thị trưởng Chí Hòa – Suối Máu lần đầu tiên xuất hiện ở Tống Lê Chân quả là chuyện lạ cho nên không cần đám giám thị ra lệnh, cả ngàn người tù tự động giữ im lặng hướng lên phía cổng.

Thông thường, khi tập họp chờ nghe phân công lao động mỗi buổi sáng, các tổ chuyên môn (may, mộc, tăng gia, hậu cần...) ngồi phía trên vì họ sẽ được ra khỏi cổng trước tiên, kế tới là các đội cấp tá, dưới cùng là các đội cấp úy trở xuống.

Riêng tôi và đám bạn “phản động” cùng đội hay không cùng đội cũng luôn luôn quây quần ở góc sân xa nhất ngồi tán dóc, hút thuốc, chẳng thèm quan tâm tới việc hôm nay đội mình bị giao công tác gì, nhưng hôm nay trước sự xuất hiện của Đào Lưỡng và mấy tay công an lạ mặt, chúng tôi cũng ngưng tán dóc để theo dõi.

Trước hết, mấy tay công an bảo vệ vào trạm xá (nằm phía trong hàng rào) khiêng ra một cái bàn và hai cái ghế.

Sau khi Đào Lưỡng lên lớp mấy câu theo đúng sách vở (học tập tốt, lao động tốt, nghiêm chỉ chấp hành nội quy...), ông ta ngồi xuống ghế. Một trong hai tay công an tháp tùng ông ta cũng ngồi xuống, lấy trong xà-cột ra một xấp hồ sơ và trao cho tay công an còn lại một tờ giấy.

Tay công an này đứng bên cạnh bàn, dõng dạc công bố “tiến trình làm việc” đại khái như sau: hắn ta sẽ lần lượt đọc tên từng người trong danh sách, người nào có tên thì đứng lên, rồi đọc to cấp bậc và số quân của mình, kế tiếp là đơn vị phục vụ, sau cùng tới địa chỉ cư trú. Trường hợp có nhiều người trùng tên, hắn chỉ ai thì người đó trả lời trước. Nếu không đúng với chi tiết trong danh sách, hắn sẽ nói người ấy ngồi xuống, rồi tới người kế tiếp...

Mặc dù chưa biết những người có tên trong danh sách sẽ bị chuyển trại hay được thả, đám tù cải tạo cũng xôn xao, khiến những người ngồi phía cuối sân không thể nghe rõ (vì không có megaphone), cho nên mỗi lần tay công an đọc xong một cái tên, những người ngồi gần đó lại quay xuống phía dưới lớn tiếng lập lại, rồi những người ngồi giữa sân lại lập lại cho cuối sân nghe.

Vì sự lập lại ấy, có những anh em tên gần giống tên được gọi cũng đứng dậy, để rồi vừa đọc xong cấp bậc và số quân đã bị tay công an khoát tay bảo “ngồi xuống!”

Cuối cùng, khoảng trên dưới 50 người có tên trong danh sách - tất cả là cấp úy - lần lượt tiến lên và được lệnh tập họp bên cạnh trạm xá, số tù cải tạo còn lại đi lao động như thường lệ.

Tới trưa khi mọi người trở về trại thì được biết số anh em được gọi tên buổi sáng sẽ được đưa về Suối Máu “để làm thủ tục trở về xum họp với gia đình” – nguyên văn lời Đào Lưỡng nói với họ.

Dĩ nhiên, kinh nghiệm bị cho ăn bánh vẽ trong hơn 5 năm cải tạo không cho phép chúng tôi tin ngay lời Đào Lưỡng, nhưng rồi so sánh danh sách này với danh sách bị đưa về Chí Hòa sau vụ nổi loạn đêm Giáng Sinh 1978, chúng tôi tin tới 90% những người có tên sáng nay sẽ được thả. Bởi vì đa số anh em đều có “thân nhân cách mạng”.

Hơn nữa, chính những anh em này cũng được gia đình cho biết trước, hay ít ra cũng tin rằng mình sắp được thả; bên cạnh đó, số người có tên trong danh sách mà không có “thân nhân cách mạng” thì đều có gia đình là “tư sản mại bản” (tức “nhà giàu” theo cách gọi của CSVN) mà chúng tôi đoán là đã “chạy vàng”.

Sáng hôm sau, hai chiếc molotova tới Tống Lê Chân chở số tù cải tạo nói trên rời trại.

* * *

Khoảng hai tháng sau, sự việc lại tái diễn. Số người được về lên tới gần 100, trong đó có “thân nhân cách mạng” chỉ chiếm khoảng một nửa, nửa còn lại vừa là “tư sản mại bản” vừa là “con bà phước” từ cấp thiếu tá xuống tới thiếu úy trước năm 1975 phục vụ tại các đơn vị không tác chiến, tuy nhiên không có một tay “giặc nói” (Chiến Tranh Chính Trị) nào!

Trước việc có nhiều “con bà phước” được thả về, chúng tôi suy luận một cách lạc quan như sau: có lẽ sau khi chiếm đóng Căm-bốt, tình hình trong nước được xem là đã ổn định, nhà cầm quyền CSVN lại cho thả tù cải tạo sau mỗi thời hạn 3 năm, như họ đã bắt đầu từ năm 1978 khi tôi còn ở Phước Long.

Và cũng giống như ở Phước Long trước đây, đám “con bà phước” được thả có thể mang bất cứ cấp bậc nào từ thiếu tá xuống thiếu úy, miễn không phải thành phần tác chiến thứ dữ (nhảy dù, biệt kích, TQLC, BĐQ), “giặc lái”, an ninh tình báo hay CTCT.

Nhưng tại sao họ lại không thả đám “con bà phước” theo ưu tiên cấp bậc lớn nhỏ: thiếu úy về trước rồi mới tới trung úy, đại úy, thiếu tá?

Như tôi đã viết trong một kỳ trước, trong đợt thả tù đầu tiên sau thời hạn 3 năm khi tôi còn ở Phước Long, cùng với đám trung úy, thiếu úy ở Bù Gia Phúc (L2) còn có các anh Tư (thiếu tá) ở Bù Gia Mập!

Sau này khi đã được thả, tôi nghe một ông trung tá CSBV ra vẻ hiểu biết đường lối chính sách “học tập cải tạo” của Đảng và Nhà nước, giải thích đại khái như sau:

Không kể các tướng tá giữ những chức vụ quan trọng, các thành phần “có nhiều nợ máu với nhân dân”, và các đối tượng khó cải tạo (CTCT), tất cả còn lại được xét cho về qua kết quả học tập cải tạo chứ không phải cấp bậc hay thời gian phục vụ chế độ dài hay ngắn. Bên cạnh đó, những người mang cấp bậc cao thường đã lớn tuổi, có con có cháu, được thả về sẽ sống an phận, khác với đám sĩ quan trẻ còn hăng máu, sẵn sàng chống phá cách mạng.

(Đó cũng là những gì chúng tôi đã được nghe Đào Lưỡng “lên lớp” sau khi tù cải tạo ở Suối Máu được bộ đội bàn giao cho công an vào năm 1978.)

Nhưng - chữ NHƯNG viết hoa – làm sao cách mạng biết được mức độ “tiến bộ” một khi tất cả mọi “bài thu hoạch” của cải tạo viên sau đợt học tập chính trị 10 bài đã được bộ đội sử dụng để nhóm bếp, hoặc tệ hại hơn, để làm giấy đi cầu, thay vì đưa về trung ương để “đánh giá” như quản giáo đã hù dọa, đồng thời sau mỗi lần chuyển trại lại có sự “xóa bàn làm lại” (về quá trình học tập cải tạo của mỗi cá nhân ở các trại cũ)!

Thành thử có thể viết trong đám “con bà phước” từ cấp tá xuống thiếu úy nếu không thuộc thành phần tác chiến thứ dữ, “giặc lái”, an ninh tình báo, CTCT... ai được thả sớm hơn ai là do hên xui may rủi!

Điều này đã được chính Đào Lưỡng xác nhận khi diễn ra đợt thả tù thứ ba ở Tống Lê Chân vào cuối năm 1980; trước khi tiến hành việc đọc danh sách, viên Trung tá công an Giám thị trưởng Chí - Hòa Suối Máu đã vui vẻ nói đùa “Các anh giữ im lặng để nghe kết quả xổ số nè!”

Giai thoại này (lời tuyên bố của Đào Lưỡng) ra vẻ khó tin nhưng có thật, mà anh em tù cải tạo ở Tống Lê Chân là những nhân chứng sống, được nghe tận tai!


* * *

Khoảng giữa tháng 1/1981, tức là trước tết Tân Dậu, diễn ra cuộc thả tù lần thứ tư ở Tống Lê Chân.

Cũng giống như những lần trước đó, sau khi tù cải tạo đã tụ họp ngoài sân đợi phân công lao động trong ngày, “phái đoàn” mới tiến vào. Tuy nhiên lần này chỉ có mấy tay công an của Cục trại giam đem danh sách lên chứ không có Đào Lưỡng; rất có thể vì danh sách được thả lần này chỉ vào khoảng ba chục người may mắn được về ăn tết với gia đình.

Và cũng giống như ba lần trước, nhóm “phản động” chúng tôi tụ tập ở một góc sân xa nhất vẫn tiếp tục trà lá tán dóc vì tự biết chẳng tới lượt mình được gọi tên.

Một hồi sau, bỗng có tiếng nhao nhao từ giữa sân vọng xuống:

- Ê Sáu Lèo, Sáu Lèo, có tên mày kìa!

Nhìn lên, tôi thấy không có ai đứng cả. Sau này tôi được biết đã có mấy người trùng tên với tôi đứng lên trả lời... cầu may nhưng đều bị tay công an của Cục trại giam khoát tay bảo ngồi xuống.

Tôi chậm rãi đứng lên, trong bụng vẫn nghĩ chắc có một sự lầm lẫn nào đó, hoặc anh em nghe không rõ. Thấy tôi lề mề, tay công an cầm danh sách quát lớn:

- Tên gì?

Trả lời xong, tôi quên mất rằng phải đọc tiếp cấp bậc và số quân của mình, phải đợi tay công an quát tháo, tôi mới giật mình đọc cấp bậc và số quân.

Đọc xong tôi ngưng lại, chờ tay công an khoát tay bảo ngồi xuống, nhưng không, hắn vẫn nhìn tôi chờ đợi... Một anh bạn phải nhắc tuồng “Đơn vị, địa chỉ” tôi mới làm theo như một cái máy. Và tới khi tay công an của Cục Trại Giam miệng quát lớn “Lên đây tập họp”, tay chỉ về phía những người đã có tên đang đứng riêng bên cạnh trạm xá, tôi bỗng như người mất hồn!

Sau này dù cố gắng hồi tưởng, tôi cũng không thể nhớ đích xác lúc đó tôi và nhóm anh em thân thiết phản ứng ra sao. Chỉ biết một điều chắc chắn là tôi lâm vào một trạng thái vô cảm, không hề mừng rỡ, xúc động...

Trước kia, mỗi đêm mơ tưởng tới ngày được thả, tôi nghĩ là mình sẽ sung sướng phát điên lên nhưng giờ đây cảm xúc ấy đã không đến, chẳng hiểu tại sao?!

Phải đợi tới chiều, khi anh em quen biết kéo hỏi han, chúc mừng, tôi mới lấy lại phần nào bình tĩnh. Chỉ tội nghiệp Th., chàng thiếu úy Chiến Tranh Chính Trị ở SĐ5KQ, đã tìm cách gặp riêng tôi để hỏi đi hỏi lại xem tôi có “thân nhân cách mạng”, hay có “chạy vàng” không; bởi vì cho dù chính viên Trung tá Giám thị trưởng đã gọi đây là những cuộc “xổ số”, Th. vẫn không thể tin một trung úy CTCT thâm niên như tôi lại được thả trước một đàn em mang lon thiếu úy mới được mấy tháng!... Tôi đã phải thề sống thề chết tôi là con bà phước thứ thiệt, nhà không đủ ăn để trấn an chàng thiếu úy trẻ.

Buổi tối hôm đó, tôi sang chào từ biệt Thiếu tá Tùng “con”, học thuộc lòng địa chỉ nhà bố anh ở Thủ Đức để tới thăm, rồi cùng vài anh em thân thiết nhất ra góc sân trà lá lần cuối cùng. Dù không nói ra, ai cũng có vẻ lên tinh thần trước việc một trung úy CTCT “con bà phước” nổi tiếng “phát ngôn linh tinh” như tôi lại được thả, cho thấy anh em cũng có thể có tên trong những kỳ “xổ số” kế tiếp!

* * *

Sáng hôm sau, nhóm tù sắp được thả được anh nuôi (tổ làm bếp) phát cho mỗi người một ổ bánh mì làm bằng bột bo bo (cao lương) dài hơn một gang tay, là khẩu phần cho một ngày ăn, vì theo dự trù, sau khi về Suối Máu ngủ qua đêm, sáng hôm sau chúng tôi sẽ nhận được Giấy Ra Trại để tung cánh chim tìm về tổ ấm!

Mấy chục người chúng tôi ngồi chờ hoặc đi tới đi lui trước trạm xá ở gần cổng, nhưng chờ mãi vẫn không thấy công an từ Ban giám thị xuống gọi mà cũng chẳng nghe tiếng xe molotova chạy tới nơi.

Gần tới giờ ăn trưa, chúng tôi bắt đầu băn khoăn, lo ngại mà dù không nói ra, ai cũng có cùng một câu hỏi trong đầu: có khi nào danh sách lần này bị hủy bỏ vào giờ phút chót không?!

Mãi tới hơn bốn giờ chiều mới nghe tiếng xe chạy vào trại. Công an Cục Trại Giam xuống ra lệnh cho chúng tôi xếp hàng, điểm danh một lần nữa rồi đi lên khu nhà của Ban giám thị. Tôi quay lại nhìn anh em lần cuối, khẽ đưa tay vẫy chào...

Lên tới nơi, thấy có hai chiếc molotova chờ sẵn, tôi thầm cám ơn Cục Trại Giam chơi đẹp, vì trong những lần chuyển trại trước đây, 30 tù cải tạo thì chỉ cần một xe cũng dư sức nhét vào. Như vậy, hôm nay chúng tôi sẽ được ngồi thoải mái trên đường trở về Suối Máu.

Leo lên xe rồi chúng tôi mới biết mình bị hố: dưới sàn xe đặc kín một lớp thân gỗ dài khoảng nửa mét, đường kính 30-40 cm, tức là gỗ để bổ ra làm củi, có lẽ đưa về Suối Máu để sử dụng trong nhà bếp của công an (còn bếp của tù sử dụng than nắm - tức bột than đá trộn với bùn rồi nắm thành từng nắm).

Ngửi mùi mạt cưa còn tươi, tôi suy ra nguyên nhân khiến hai chiếc molotova này vào Tống Lê Chân trễ hơn một buổi: vì trước đó đã phải ghé trại tù “tệ đoan xã hội” ở gần Quốc lộ 13 để lấy gỗ củi; nhưng vì không có sẵn, họ phải chờ tù cưa những khúc gỗ dài ra làm hai, làm ba khúc ngắn.

Vì có lớp thân gỗ dưới chân, chúng tôi không thể đứng thẳng người mà ngồi thì đau... bàn tọa (ở tù gần 6 năm, chúng tôi vẫn không thể tiếp thu kiểu ngồi nước lụt của dân Bắc kỳ 2 nút), đã vậy quốc lộ 13 lại đầy rẫy ổ gà, xe molotova “made in China” (Trung Cộng gọi là xe “Giải Phóng”) chạy ì à ì ạch cho nên đoạn đường từ Tống Lê Chân về Bình Dương không bao xa mà như bất tận!

Tới Bình Dương thì trời đã tối. Khoảng nửa tiếng sau, tới Lái Thiêu xe bỗng dừng lại. Nghe tiếng nói chuyện giữa tay công an của Cục Trại Giam ngồi trên xe với người đứng dưới đường, chúng tôi biết đây là một trạm kiểm soát của công an địa phương.

Một lát sau, xe tắt máy, tay công an Cục Trại Giam rời xe bước xuống đường, tiếp theo là tiếng đối thoại có vẻ gay gắt; rồi có mấy tay công an địa phương trong đó có một tay ra vẻ cấp chỉ huy tiến tới phía sau chiếc molotova tôi đang ngồi, kiễng chân soi đèn pin vào những khúc gỗ củi trên sàn xe.

Tới đây chúng tôi đã hiểu đại khái những gì đang diễn ra: công an địa phương chặn bắt công an Cục Trại Giam về tội chở gỗ bất hợp lệ. Như vậy, nếu quả thật đây là gỗ đưa về Suối Máu để làm củi thì chỉ cần một cú điện thoại xác nhận từ Suối Máu là xong, nhưng những gì diễn ra tiếp theo đó cho thấy đây là một cách “làm ăn” của đám công an cắc ké thuộc Cục Trại Giam!

Trước hết, mấy chục tù cải tạo chúng tôi được lệnh xuống xe, đi bộ tới một trường học gần đó, gồm mấy gian nhà mái tôn vách ván không có cửa nẻo gì cả, vào một lớp học để... nghỉ ngơi, cần tiểu tiện thì ra trước nhà, không được đi ra khỏi sân trường.

Chúng tôi chỉ biết than trời: cả đến lúc được thả về cũng còn gặp nạn, trong lòng thầm cầu mong trời phù hộ... đám công an chở gỗ lậu!

Tới quá nửa đêm, vẫn không thấy động tịnh gì, chúng tôi chán nản, nằm dưới nền đất cố dỗ giấc ngủ.

Sáng hôm sau, khi mặt trời đã lên cao, mới thấy hai chiếc molotova thân yêu trên có mấy tay công an của Cục Trại Giam chạy tới đậu ngoài đường lộ phía trước trường học, và chúng tôi được lệnh lên xe.

Thấy lớp gỗ củi còn nguyên vẹn dưới sàn xe, chúng tôi hiểu đã có một sự “dàn xếp” nào đó giữa công an Bình Dương và công an Cục Trại Giam!

Khi xe lăn bánh tiếp tục đi về hướng nam, tức là đi về Suối Máu, cho rằng mình đã an toàn, trong lòng tôi lại tội nghiệp đám công an cắc ké của Cục Trại Giam chẳng biết kiếm chác được bao nhiêu nhưng kỳ này về chắc chắn sẽ bị kiểm điểm!


* * *

Tới xa lộ Đại Hàn, hai chiếc xe quẹo trái để về Biên Hòa. Khi đi ngang phi trường trên con đường trước 1975 mang tên Phạm Phú Quốc, từ Cổng 2 (Dốc Sỏi) tới Cổng 1, tôi rất muốn nhìn xem cảnh vật đã thay đổi ra sao sau gần 6 năm bể dâu nhưng không đủ can đảm, vẫn cúi gầm mặt!

Gần tới trưa, xe chạy vào Suối Máu. Thấy trại giam cũ, tôi lại cảm thấy bần thần như khi nghe đọc tên mình trong danh sách được thả ở Tống Lê Chân sáng hôm qua.

Sau này nhớ lại, tôi cho rằng có lẽ vì được thả về quá bất ngờ nên tôi bị “shock”, đầu óc cứ mơ mơ màng màng, cho nên tôi cũng không để ý tới việc chúng tôi được đưa vào K nào, chỉ nhớ chắc chắn không phải K2 hay K1 mà tôi đã ở trước đây vì ở ngoài sân có trồng cây.

Về tới nơi, chúng tôi được cho biết đám công an của Cục Trại Giam làm thủ tục “ra trại” cho tù cải tạo, trong đó có tay tài vụ phát tiền xe (cho tù đi về nhà) đã về Sài Gòn, sáng hôm sau mới trở lại, vì thế chúng tôi phải ngủ lại một đêm tại hội trường; tuyệt đối cấm tiếp xúc với tù đang ở Suối Máu.

Thật đúng là cái số ăn mày, đã mất một đêm ngủ hoang ở Lái Thiêu bây giờ lại thêm một đêm màn trời chiếu đất ở Suối Máu!

Đêm hôm ấy, chúng tôi hầu như không ai ngủ được, vừa đói bụng vừa nôn nao chờ cho trời mau sáng!

Cuối cùng rồi trời cũng sáng. Dù mất ngủ hai đêm liên tiếp, chúng tôi ai nấy rạng rỡ nét mặt vì ngày hôm nay – ngày mà chúng tôi mỏi mòn chờ đợi từ 5 năm rưỡi qua – cuối cùng đã tới.

Khoảng 9 giờ sáng, cổng mở, mấy tay bảo vệ và một tay công an của Cục Trại Giam đi vào, tập họp điểm danh rồi đưa chúng tôi ra khu nhà của Ban giám thị.

Tại đây, một tay ra vẻ cao cấp nhất “lên lớp” lần cuối cùng. Từ ngày vào tù tới giờ, chưa bao giờ chúng tôi được nghe những lời lịch sự, tử tế đến như thế. Sau khi chúc mừng chúng tôi đã học tập cải tạo tiến bộ được cấp trên xét cho về xum họp với gia đình, tay công an nhắn nhủ đại khái như sau:

- Về tới nhà việc đầu tiên là trình diện công an phường, xã để đăng ký.

- Tuân theo các quyết định cho từng cá nhân ghi trong giấy ra trại.

- Nghiêm chỉ chấp hành luật pháp nước CHXHCNVN và luật lệ của chính quyền địa phương các cấp để sớm được phục hồi quyền công dân.

Sau cùng, ông ta chúc chúng tôi thượng lộ bình an và mong rằng sẽ không có người nào bị đưa vào nhà tù lần thứ hai!

Sau đó, mỗi người chúng tôi được cấp một tờ Giấy Ra Trại, tất cả được trở về địa chỉ cư trú khi trình học tập cải tạo, nhưng riêng tôi và một vài người khác ở Sài Gòn thuộc ngành chiến tranh chính trị, an ninh quân đội, quân báo, v.v..., bị ghi thêm hàng chữ:

CHÚ THÍCH: Không được phép cư ngụ tại TP Hồ Chí Minh sau thời hạn 3 tháng (hoặc 6 tháng tùy người)

Nhưng chúng tôi không mấy quan tâm tới hàng chữ trên, chỉ cần được tự do, mọi việc tính sau!

Theo đúng quy định, sau khi được cấp Giấy Ra Trại, chúng tôi sẽ được phát tiền xe đi về nhà. Tôi còn nhớ mang máng ngày ấy người nào về Sài Gòn thì được phát 5, 7 đồng tiền Hồ, người nào về tận miền Trung thì được phát khoảng 20 đồng. (Theo thời giá, 1 đồng tiền Hồ lúc đó mua được một ly cà-phê đen hạng bét – toàn là hạt bắp rang cháy – ở các quán lề đường, hoặc trả một cuốc xích-lô đạp ngăn ngắn)

Nhưng một tay công an cho chúng tôi biết hôm nay tay tài vụ của Cục Trại Giam chưa tới, và nói chúng tôi ra bên ngoài chờ, khi nào anh ta tới họ sẽ gọi chúng tôi.

Đứng chờ mỏi cả chân, anh em bàn tán và tin rằng đám công an cố tình trì hoãn việc phát tiền xe với hy vọng một số tù nóng ruột không muốn chờ đợi sẽ bỏ ra về để họ đút túi số tiền xe. Một vài anh em nói “thí cô hồn, về cho rồi” nhưng cũng có những anh em không có tiền dằn túi, hoặc chỉ có năm bảy đồng, muốn tiếp tục chờ.

Bỗng một anh nói:

- Tôi ở ngay Sài Gòn, còn dư mấy chục, anh nào nhà ở miền Trung, tôi biếu!

Trước hạnh phúc sắp được đoàn tụ với những người thân yêu, lòng hào hiệp bỗng có tác động dây chuyền. Ít nhất có thêm hai anh nữa bắt chước nghĩa cử này.

Kết quả, hầu hết trong tổng số trên dưới 30 tù cải tạo được về đợt này đã quyết định “thí cô hồn” để rời xa nơi chốn hắc ám này càng sớm càng tốt. Chỉ có vài anh nán lại để chờ, nhưng không phải vì cần tiền mà vì không chấp nhận để công an chơi gác. Một anh nói:

- Mẹ chúng nó chứ, một đồng tôi cũng chờ, nhất định không cho chúng nó ăn!

Rồi mấy chục anh em chúng tôi, cầm tờ Giấy Ra Trại trên tay, lần lượt bước qua cái cổng ngoài cùng của trại tù Suối Máu. Ra tới quốc lộ 1, chúng tôi chờ xe lam đi tới Ngã Ba Sặt để đón xe đò về Sài Gòn.

Ngã Ba Sặt là nơi xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa chấm dứt tại quốc lộ 1, nơi có giáo xứ Kẻ Sặt của người Bắc di cư, được xem là trung tâm thương mại và ẩm thực của vùng Hố Nai.

Trước năm 1975, đoạn đường này tấp nập xe cộ, cứ vài phút lại có một chuyến xe lam chạy từ thành phố Biên Hòa, nhưng nay vắng tanh, thỉnh thoảng mới có một người dân đi xe đạp.

Thay vì đứng chờ xe lam không biết bao giờ mới tới, chúng tôi quyết định đi bộ về hướng Ngã Ba Sặt. Nửa tiếng đồng hồ sau, tôi ngoái cổ nhìn lại, trại tù Suối Máu đã khuất hẳn.

(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH:

(1) Trong thời gian cuộc chiến tàn khốc diễn ra tại miền Nam VN, hình ảnh người S'tiêng đã được cả hai phe quốc cộng đề cập tới: phe quốc gia qua vụ thảm sát Dak Son, còn phe cộng sản với bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”.

Cuộc thảm sát Dak Son chúng tôi đã đề cập tới trong một kỳ trước, xảy ra vào cuối năm 1967 tại làng Dak Son gần thị xã Phước Long, vốn một làng “Cuộc Sống Mới” được chính phủ VNCH dựng lên cho khoảng 800 đồng bào Thượng, đa số là người S’tiêng, vượt thoát từ những vùng bị quân cộng sản kiểm soát.

Đêm mồng 5 rạng mồng 6 tháng 12, một lực lượng cộng quân thuộc Trung Đoàn 88 chính quy Bắc Việt đã bao vây làng, sử dụng súng phun lửa đốt cháy nhà cửa trong lúc mọi người đang an giấc, người nào chạy thoát được ra ngoài thì bị bắn bằng súng tiểu liên... Kết quả, 252 đồng bào Thượng phần lớn là phụ nữ và trẻ em đã bị tàn sát một cách dã man, đa số bị chết cháy.

Còn bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” là một “ca khúc cách mạng” của nhạc sĩ Xuân Hồng, mô tả cuộc sống “vừa tăng gia sản xuất vừa đánh giặc giữ đất” của người người S’tiêng.

Đây là một trong những ca khúc phổ biến nhất, không chỉ trong thời gian chiến tranh mà còn sau năm 1975, rất có thể còn phổ biến hơn bản “Cô gái vót chông” (là ca khúc mà Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã trình diễn đàn T’rưng trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2022, và bị dư luận trong cũng như ngoài nước chỉ trích kịch liệt!)

Bom Bo là một địa danh có thật ở huyện Bù Đăng, tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước), nhưng nội dung ca khúc lại là một sự bịa đặt trắng trợn. Chỉ cần đọc các bài viết về Bom Bo của truyền thông nhà nước cũng đã đủ để thấy nội dung ca khúc này hoàn toàn do óc tưởng tượng của tác giả.

Bài viết “Tiếng chày trên sóc Bom Bo - Xuân Hồng” của tác giả Mỹ Hạnh có đoạn viết:

“Trong một dịp tham gia chiến dịch Đồng Xoài, Xuân Hồng được lệnh hành quân đến sóc Bom Bo (nay là ấp I của xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước) để nhận gạo. Sóc Bom Bo là một đơn vị hậu phương vững chắc, người dân nơi đây sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo cho cách mạng, ăn tro để nhường muối cho bộ đội...”

Trong khi Cổng thông tin điện tử (website) của tỉnh Bình Phước hiện nay lại viết khác:

“Đến giữa năm 1963, khi địch vây bắt và khủng bố gắt gao thì già trẻ, gái trai của vài chục hộ dân sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ “Nửa Lon” để theo cách mạng. Ở vùng đất mới, bà con bắt tay vào vừa xây dựng lán trại, tăng gia sản xuất và vừa tham gia đánh giặc. Thanh niên thì vào bộ đội, du kích, làm giao liên; còn phụ nữ và trẻ em thì đêm đêm giã gạo nuôi quân.”

Điều này có nghĩa là vào thời gian tác giả Xuân Hồng tham gia chiến dịch Đồng Xoài, không còn một bóng người ở Bom Bo thì làm gì có tiếng chày giã gạo?!

Suy ra, “nguồn cảm xúc cho nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát Tiếng chày trên Sóc Bom Bo” (theo bài viết của tác giả Mỹ Hạnh) hoàn toàn là sự bịa đặt!

Chưa hết, vì sự nổi tiếng của ca khúc Tiếng chày trên sóc Bom Bo, sau năm 1975 đã xảy ra việc tranh giành địa danh “Bom Bo”.

Trong bài đã dẫn, tác giả Mỹ Hạnh viết sóc Bom Bo nay là ấp I của xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước, nhưng theo website chính thức của UBND tỉnh Bình Phước thì sau năm 1975 sóc Bom Bo trở thành “thôn 1, xã Bình Minh” chứ không phải “ấp 1, xã Bom Bo”.

Nguyên sau năm 1975, có lẽ để thu hút du khách (?) người ta đã lấy tên “Bom Bo” đặt cho một vùng đất cách đó cả chục cây số, gọi là “xã Bom Bo”, còn sóc Bom Bo nguyên thủy (trong bài hát hát của Xuân Hồng) được gọi là thôn 1 thuộc xã Bình Minh.

Sau khi có sự kiện cáo của xã Bình Minh, nhà cầm quyền tỉnh Bình Phước đã quyết định đổi tên thôn 1 của xã Bình Minh thành thôn Bom Bo. Như vậy hiện nay ở huyện Bù Đăng, Bình Phước có tới hai đơn vị hành chánh mang tên “Bom Bo”: thôn Bom Bo (thuộc xã Bình Minh) và xã Bom Bo.

Nhưng tính cách khôi hài không chỉ ở việc tranh giành địa danh mà còn ở chỗ khi du khách tới thăm viếng “sóc Bom Bo lịch sử” và được thưởng thức các màn vũ của “người dân tộc”, họ chẳng thấy một cô gái S’tiêng nào mà chỉ thấy toàn là gái Kinh trắng trẻo tươi mát giả làm... sơn nữ!

NGUYỄN HỮU THIỆN

Reader Response: CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 14)
Rate this item
(1 Vote)

Posted by Nguyen Huu Thien

Related items