Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 10) - NGUYỄN HỮU THIỆN

CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 10)
 
 
Hồi ký
NGUYỄN HỮU THIỆN



(tiếp theo kỳ 9)

CHƯƠNG 6 – Suối Máu & Tống Lê Chân


Tại sân trung đoàn (L2), sau khi tất cả tù cải tạo bị chuyển trại từ các T đã lên tới nơi, một tay cán bộ đọc tên từng người trong danh sách đã được chia sẵn thành từng toán. Tôi cũng chẳng quan tâm tới việc mình thuộc toán nào bởi vì, thứ nhất, tôi không thấy một người quen nào trong đám cải tạo “nặng tội” này, và thứ hai, sau khi thoát chết vì sốt rét rừng tôi vẫn chưa bình phục, trong người lúc nào cũng mệt mỏi, chẳng thiết tha ăn uống, kể cả đầu óc cũng trở nên lười biếng, cho nên tương lai trước mặt tôi cũng thờ ơ...


Vì thế, sau khi tù cải tạo lên xe, vải bạt phía sau được thả xuống, cột kín mít thành xe bít bùng, khác với ngày từ Đồng Ban lên Phước Long, tôi cũng chẳng hơi đâu thắc mắc.

Trên đường đi, mặc dù đoán trước lần chuyển trại này hung nhiều hơn cát, nhiều anh em vẫn xôn xao bàn tán sau mỗi lần xe quẹo, hoặc một người nhìn qua khe vải bạt thấy được một tấm biển ghi địa địa danh, một cái cầu, một trại lính nào đó...

Nghe những lời bán tán, tôi biết đoàn xe đi về hướng nam, theo Quốc lộ 14, rồi Quốc lộ 13.

Gần tới ngã tư xa lộ Đại Hàn, một số anh em trên xe bắt đầu tiên đoán một cách bi quan: chắc chắn sẽ không quẹo mặt vì đó là đường trở về Tây Ninh, còn quẹo trái là đi Biên Hòa, Long Khánh... chắc cũng không nốt, mà có lẽ sẽ chạy thẳng tới Tân Cảng Sài Gòn, nơi đó một chiếc tàu đang chờ để đưa chúng tôi ra Bắc!

Nhưng cuối cùng đoàn xe không chạy thẳng mà quẹo trái, như vậy chắc chắn chúng tôi sẽ không bị đưa ra Bắc!

Sau này chúng tôi mới biết lúc đó ngoài miền Bắc không còn chỗ cho chúng tôi. Không còn chỗ không phải vì đất hẹp người đông - núi rừng Hoàng Liên Sơn trùng điệp thiếu gì chỗ để đày tù - mà chỉ vì vào thời gian này, quan hệ “anh em môi hở răng lạnh” giữa đàn anh Trung Cộng và đàn em cộng sản Việt Nam đã trở nên cực kỳ căng thẳng, tới mức Đặng Tiểu Bình đã công khai tuyên bố trong một chuyến công du ngoại quốc: “Đã tới lúc phải cho Việt Nam một bài học”.

Khi ấy Trung Cộng đã dàn một quân đoàn ở phía bắc biên giới Hoa -Việt cho nên ai cũng hiểu “nội dung” bài học ấy là gì, vì thế cùng với việc ban hành lệnh tổng động viên, gấp rút đưa các lực lượng đang chiếm đóng Căm-bốt về biên giới phía Bắc, nhà cầm quyền CSVN đã đưa tù cải tạo từ các trại nằm gần biên giới như Quyết Tiến, Phong Quang… về miền xuôi, để đề phòng việc tù có thể lợi dụng lúc hỗn loạn để trốn thoát.

Trên bình diện quốc gia, cuộc xâm lược của Trung Cộng vào sáu tỉnh biên giới phía bắc VN, với mức độ dã man tàn bạo chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh giữa hai nước, phải được xem là nỗi đau chung cho cả dân tộc, nhưng nếu chỉ xét ảnh hưởng đối với tù cải tạo thì “bài học” ấy của Bắc Kinh đã đem lại nhiều cái lợi, trong đó có việc đa số tù cải tạo ở miền Bắc không còn phải lao động khổ sai ở những vùng rừng thiêng nước độc nữa, đồng thời đám tù cải tạo “nguy hiểm, nặng tội” trong Nam dự trù bị đưa ra Bắc đã được ở lại miền Nam.



* * *


Đoàn Molotova chạy qua phi trường Biên Hòa, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III cũ, qua Ngã Ba Vườn Mít, theo Quốc lộ 1 hướng về phía Hố Nai, nhưng vừa qua khỏi Dưỡng trí viện thì rẽ mặt vào khu trại tù mà thời VNCH gọi là Trung Tâm Cải Huấn Tân Hiệp, sau năm 1975 trở thành Trại Cải Tạo Tân Hiệp, thường được tù cải tạo và thân nhân gọi ngắn gọn là Trại Tù Suối Máu.

Ba năm sau cùng của đời quân ngũ tôi phục vụ trong căn cứ không quân Biên Hòa, rất thường đi về vùng Hố Nai cho nên vị trí của trại tù này tôi vẫn còn nhớ rõ.

Trại này nằm về phía đông bắc thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km; tức là cách cổng chính của phi trường và Ngã Ba Vườn Mít khoảng 1 km.

Trại nằm trên một vùng đất cát thuộc ấp Tân Hiệp, xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa. Phía trước (hướng Bắc) là Quốc lộ 1, bên kia đường là giáo xứ Phúc Hải; phía sau (hướng Nam) là đường rầy xe lửa, phía bên mặt (hướng Đông) là khu dân cư Tân Hiệp nằm xa xa, phía bên trái (hướng Tây) là Suối Máu. (1)



Trại Tù Suối Máu hình chữ nhật, chia thành 5 khu gọi là K: K1, K2, K3, K4 và K5. Các K được ngăn cách bằng hai, ba lớp hàng rào kẽm gai.

Toán chúng tôi, khoảng vài chục người, được đưa vào K2. Có thể nói mọi thứ ở đây, từ nhà cửa tới các phương tiện sinh hoạt cũng giống trại tù Phú Quốc, chỉ khác ở Suối Màu số nhà để giam tù trong mỗi K nhiều gần gấp đôi ở Phú Quốc.

Trước tiên cũng là cái cổng ra vào chật hẹp, chằng chịt kẽm gai, bên trong là một sân cát phía trước một ngôi nhà lớn dùng làm hội trường, phía bên tay trái là dãy nhà bếp và lò bánh mì, giếng nước, tiếp theo là các dãy nhà để nhốt tù, gần cuối có một sân bóng chuyền nằm giữa hai dãy nhà, và sau cùng là dãy nhà cầu nổi với các thùng phân đặt bên dưới, mà anh em thường lén gọi là “lăng Bác”!

Nhà để nhốt tù cũng là nhà tiền chế, nền xi-măng, khung sắt, mái tôn vách tôn, có hai cửa ra vào, một phía trước một phía sau. Mỗi nhà nhốt khoảng trên dưới 50 tù cải tạo (trước kia giam giữ từ 20-25 tù phiến cộng).

Như vậy, ở K2 có khoảng 1000 tù cải tạo. Bốn K còn lại cũng tương đương, suy ra toàn trại Suối Máu có trên dưới 5000 tù.

Xung quanh các K là một vòng đai 3, 4 lớp kẽm gai xen lẫn concertina với các chòi canh trang bị đèn pha, súng máy. Bên ngoài vòng đai này là doanh trại của đám cai tù. Sau giờ làm việc, khi đám quản giáo đã ra về, các cổng trại được đóng lại, khóa kỹ.

Sau này, khi thỉnh thoảng “được” gánh phân ra bên ngoài vòng đai, chúng tôi được biết trước năm 1975 trại tù Suối Máu có cả nhà thờ Công Giáo và Niệm Phật Ðường, nay đã biến thành chuồng heo và chuồng gà “kỹ nghệ” (gà nuôi trong chuồng). Ngoài ra còn có một bệnh xá nằm khá xa khu nhốt tù.

Ngoài cùng là một lớp hàng rào có gài mìn...
* * *





Sau này nghe các đàn anh cấp tá kể lại, tôi được biết vào thời gian đầu (cuối năm 1975), trại tù Suối Máu được dành cho sĩ quan cấp tá đưa về từ khắp nơi; tới khi phần lớn những đàn anh này bị đưa ra Bắc, hoặc những trại khác ở trong Nam, thì trong số 5 K ở Suối Máu chỉ còn K2 nhốt toàn cấp tá, các K khác nhốt từ cấp đại úy trở xuống, về từ nhiều nơi: Trảng Lớn (Tây Ninh), Cà Tum (Tây Ninh), Thành Ông Năm (Hốc Môn, trại đầu tiên của tôi), Long Giao...

Về sau, tù cấp tá ở K2 được dồn vào những nhà ở phía trước gần hội trường, các nhà ở phía sau dành cho đám đàn em từ đại úy trở xuống lần lượt bị đưa từ các nơi về. Đám trung úy Phước Long chúng tôi là toán cải tạo sau cùng được đưa về K2.

Tôi và vài anh em được phân phối vào nhà 19 (hoặc 20, tôi không nhớ rõ) gần cầu tiêu, nơi đã có khoảng 40 anh em về từ các nơi, thuộc đủ mọi thành phần, đa số bị xem là “nặng tội” như chiến tranh chính trị, an ninh tình báo, quân cảnh tư pháp, đại đội trưởng tác chiến, phi công, thuyền trưởng (Hải Quân sông ngòi), cảnh sát dã chiến, v.v..., và một số nhỏ “nhẹ tội’” như những người phục vụ tại văn phòng, các ngành nghề không tác chiến, giáo chức biệt phái, v.v...

Cấp bậc thì cao nhất là trung úy, thấp nhất là... binh nhì!

Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ cách CSVN phân loại “ngụy quân” cấp thấp nhất bị bắt đi học tập cải tạo. Chẳng hạn sĩ quan của đa số các ngành thì từ cấp thiếu úy trở lên; riêng ngành chiến tranh chính trị thì từ cấp chuẩn úy trở lên, các ngành an ninh quân đội, quân cảnh tư pháp, cảnh sát đặc biệt... thì cả cấp hạ sĩ quan cũng bị đi, riêng Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo thì tất cả mọi cấp, từ binh nhì tới tướng tá đều phải trình diện học tập cải tạo, cho nên nhà 19 của chúng tôi mới có Kh., một chàng binh nhì trẻ măng mà nhiệm vụ chỉ là lái xe đưa đón các sếp!

Vì đám tù cải tạo cấp đại úy trở xuống ở K2 được đưa về Suối Máu bằng nhiều đợt khác nhau cho nên không có những buổi “lên lớp” tại hội trường của viên thủ trưởng. Vì thế trong thời gian mấy tuần lễ đầu, chúng tôi chỉ thấy đám cán bộ quản giáo cấp trung úy trở xuống, mỗi tay phụ trách một số nhà.

Đơn vị bộ đội, tức Quân Đội Nhân Dân, coi tù cải tạo ở Suối Máu cũng thuộc Đoàn 775 mà tôi đã nhắc tới trong kỳ đầu, viết về thời gian ở Thành Ông Năm (Hốc Môn).

Thời gian mấy tháng đầu ở Thành Ông Năm chủ yếu dành cho việc khai lý lịch tới lui, học tập và thu hoạch 10 bài học chính trị, cho nên chúng tôi chưa có cơ hội, chưa đủ yếu tố để đánh giá mức độ sắt máu của đơn vị coi tù này.

Việc một trong hai đại úy chui rào vượt ngục bị bắn chết là chuyện đương nhiên, nội quy đã ghi rõ, trại nào cũng thế thôi.

Chỉ tới khi về Suối Máu, qua thái độ và cách đối xử của đám quản giáo và vệ binh với tù cải tạo, qua nghe những gì anh em kể lại, và quan sát sinh hoạt trong trại, tôi mới biết mình đang nằm trong tay đám bộ đội cai tù sắt máu nhất.

Trước đó, trong những trại tôi đã sống qua, Phú Quốc được xem là hắc ám nhất. Nhưng ở đó chúng tôi bị hành hạ về thể xác nhiều hơn tinh thần. Chúng tôi bị cưỡng bách lao động khổ sai với cái bụng trống rỗng, chúng tôi bị buộc phải cắt tranh ở những bãi mìn, nhưng rất hiếm trường hợp bị biệt giam vì có tư tưởng chống đối.

Rất có thể vì nhiệm vụ của tù cải tạo ở Phú Quốc là “góp phần vào kế hoạch biến Phú Quốc thành một trung tâm kinh tế hàng đầu của tỉnh Kiên Giang” - theo lời viên trại trưởng - cho nên khai thác sức lao động của chúng tôi là việc chính, cải tạo tư tưởng là việc phụ.

Ở Suối Máu thì ngược lại. Từ đầu mùa tới cuối mùa không hề có “lao động là vinh quang”. Những tù cải tạo duy nhất được hưởng “vinh quang” hàng ngày là anh em trong đội canh tác, đội chăn nuôi, toán mộc, toán gò rèn..., những anh em còn lại thì may mắn lắm lâu lâu mới được phân công gánh phân người ra đổ ở hố phân gần vườn rau. Chấm hết!

Bù lại, chúng tôi phải học tập tư tưởng ngày 7, 8 tiếng. Buổi sáng, đúng kẻng là mọi người phải vào nhà ngồi quay mặt ra lối đi để nghe viên quản giáo “lên lớp” và nghe đọc sách báo cách mạng!

Nghe đọc đi đọc lại, chỉ trong vòng hơn một tháng, chúng tôi dã thuộc lòng các cuốn Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu, Con đường đau khổ..., với nội dung đề cao lý tưởng cộng sản, đả phá tôn giáo, cương thường đạo lý, tôn tri trật tự trong xã hội tư bản, Đường Kách Mệnh của Hồ Chí Minh, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (bút hiệu của Hồ Chí Minh khi viết cuốn sách này để ca tụng bản thân)...

Nhưng đáng sợ nhất phải là không khí khó thở trong trại. Khó thở vì những cặp mắt cú vọ của đám quán giáo; khó thở vì ở Suối Máu đầy rẫy ăng-ten; khó thở vì chính anh em cải tạo nhiều người cũng muốn chấp hành nghiêm chỉnh nội quy với hy vọng sớm được thả về...

Sau khi được đưa về K2 Suối Máu, tôi được anh em kể lại những cái chết của tù cải tạo trước đó, người bị bắn trên đường vượt thoát, người bị kết án tử hình và bị xử bắn ngay trại.

Trong số những người bị kết án tử hình có một vị Thiếu tá xuất thân trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt mà tôi không nhớ tên, nhớ khóa, trốn trại bị bắt lại và bị xử tử hình trong năm 1976.

Người thứ hai nổi tiếng hơn, Trung úy Nguyễn Ngọc Trụ, Cao học Quốc tế Công pháp, giảng viên trường VBQG Đà Lạt, bị tử hình vào cuối năm 1976.

Nguyễn Ngọc Trụ gốc Trảng Lớn, thân phụ là một vị Trung tá cũng đang bị tù cải tạo ngoài miền Bắc. Nghe kể lại, ngay trong đợt học tập 10 bài học chính trị ở Trảng Lớn, anh đã công khai tranh luận với các giáo viên trong đó một tay mang cấp bậc Trung tá. Đại khái anh nói anh không chấp nhận việc “đế quốc Mỹ” đổ quân vào Việt Nam nhưng anh cũng “không thích chủ nghĩa Cộng Sản” vì “cả Mỹ lẫn cộng sản đều là hiểm họa của dân tộc VN”!

Sau đó tới phần “thu hoạch 10 bài học chính trị” và “tự lên án bản thân”, Nguyễn Ngọc Trụ dứt khoát không nhận các tội danh “tay sai đế quốc Mỹ, bán nước, có nợ máu với nhân dân”!

Một ngày nọ có hai Thiếu úy trốn trại và bị bắt lại. Hai người này theo học khóa cuối cùng ở trường VBQG Đà Lạt, tức là học trò của Nguyễn Ngọc Trụ. Sau đó, Nguyễn Ngọc Trụ bị biệt giam (nhốt conex); nguyên nhân, theo lời các quản giáo, hai Thiếu úy kia khai rằng họ trốn trại theo lệnh của “Thầy Trụ” rồi sẽ dẫn đường “đem tàn quân quay lại tấn công giải thoát trại giam”.

[Vì từ lúc Nguyễn Ngọc Trụ bị biệt giam cho tới khi bị xử bắn, anh không được tiếp xúc với một tù cải tạo nào, cho nên anh em cũng không được biết cáo buộc nói trên có phải do hai thiếu úy kia bị ép cung mà khai như thế, hay hoàn toàn là sự bịa đặt của đám cai tù?]

Tới giữa tháng 5/1976, tức là khoảng một tháng trước khi tôi bị đưa từ Phú Quốc về Trảng Lớn thì tại đây có đợt chuyển trại đi Suối Máu; trong số khoảng 1000 người bị đưa đi có cả Nguyễn Ngọc Trụ.

Tới Suối Máu, anh tiếp tục bị biệt giam. Cuối tháng 11/1976, khi anh em tù cải tạo được thăm nuôi lần đầu tiên thì cũng là lúc Tòa Án Quân Sự Khu 7 xét xử Nguyễn Ngọc Trụ với bản án tử hình đã được định sẵn (trước đó, một số anh em đã được giao công tác khiêng một cái quan tài từ trên xe xuống, dấu trong lùm cây gần chỗ sẽ xử bắn Nguyễn Ngọc Trụ). (2)



* * *





Trở lại với tình hình ở Suối Máu vào thời gian tôi bị đưa từ Phước Long về (khoảng tháng 8/1978), hầu như K nào cũng có người bị biệt giam (nhốt conex) vì có tư tưởng chống đối, hoặc vi phạm nội quy và bị ăng-ten báo cáo, hoặc bị vu cáo.

Bản thân tôi cũng như những anh em mới về Suối Máu có thể không bị, hoặc chưa kịp nếm mùi ăng-ten (trước khi bộ đội bàn giao tù cho công an), nhưng những anh em ở từ trước ắt hẳn phải thấm thía, thậm chí có người thấm đòn!

Tôi viết điều này ra không phải để bôi nhọ tập thể sĩ quan QLVNCH bị bắt đi học tập cải tạo trong số đó có tôi, mà chỉ để người đọc thấy được âm mưu thâm độc, quỷ quyệt của bọn cai tù CSBV trong việc khai thác tâm lý tham sinh úy tử nơi những con người an phận, nhẹ dạ, hoặc đã đánh mất lương tâm, không còn lòng tự trọng, tin tưởng một cách hão huyền vào những hứa hẹn được thả sớm, thậm chí hy vọng sẽ có một tương lai “tươi sáng” hơn những người khác sau khi được thả về!

Theo nội quy trại, tù cải tạo giữa các Đội không được quan hệ với nhau. Giờ nay tôi cũng quên mỗi đội gồm mấy nhà và mình ở đội nào, tôi chỉ nhớ muốn tìm người quen hoặc trò truyện với bạn bè, chúng tôi thường ra ngồi trước thềm hội trường nơi có đông người qua lại, hoặc ngoài sân bóng chuyền xem anh em đấu với nhau, để tránh sự dòm ngó của ăng-ten (có thể có trong mỗi nhà), và cũng để tránh cho các ông nhà trưởng bị +lâm vào thế khó xử khi có người lạ vào nhà mình nói chuyện phản động, hoặc ngồi chơi... quên giờ về!

Riêng tôi khi ra thềm hội trường ngồi còn tìm được một thú giải trí “thanh tao” là vẽ hình trên mặt cát (toàn thể trại Suối Máu là một vùng đất cát), không phải hình nàng Aline trong ca khúc nổi tiếng của Christophe, cũng không vẽ tranh nghệ thuật như các họa sĩ hè phố ở kinh thành ánh sáng Paris mà vẽ máy bay, một đam mê của tôi từ thời trung học chứ không phải sau này khi đã gia nhập Không Quân.

Một ngày nọ, khoảng ba bốn tuần sau khi tôi về Suối Máu, trong số những người đứng xung quanh xem tôi vẽ, có một giọng quen thuộc gọi tên cúng cơm của tôi. Tôi hơi ngạc nhiên, bởi từ ngày còn ở Trảng Lớn, rồi lên Đồng Ban, Phước Long, anh em quen biết đều gọi tôi là “Sáu Lèo” hoặc “anh Sáu”. Nhìn lên, tôi thấy Nguyễn TM, anh bạn tù ở Phú Quốc bị anh em ghét nhất trong số những “lao động gương mẫu”, bị tặng biệt hiệu “Pavel” – tên nhân vật chính trong cuốn Thép đã tôi thế đấy của Liên-Xô.

Nguyễn TM là bạn cùng Khóa 18 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang với hai người bạn thời trung học của tôi, cho nên tôi không nỡ ghét anh mà chỉ bực mình.

Tuy không ghét nhưng cũng không có cảm tình, thành thử nay gặp lại nhau tôi cũng chẳng lấy gì làm vồn vã cho lắm. Nhưng Nguyễn TM thì trái lại, rất mừng khi gặp lại tôi. Anh cho biết ngày ấy từ Phú Quốc anh cũng được đưa về Trảng Lớn (khác T với tôi) và ở đó cho tới ngày bị chuyển trại lên Suối Máu cách đây mấy tháng.

Nhận xét đầu tiên của tôi khi gặp lại Nguyễn TM là trông anh hồng hào, khỏe mạnh và sáng sủa sạch sẽ hẳn ra, có lẽ vì về Trảng Lớn và lên Suối Máu không phải lao động nặng, lại được gia đình thăm nuôi thường xuyên nên không còn bị đói rách.

Nhà của Nguyễn TM ở gần khu Thiếu tá, và trong một lần ngồi ở bên ngoài trò truyện tôi đã gặp lại một đàn anh cùng đơn vị đi ngang qua. Đó là Thiếu tá Đ, vị liên đoàn trưởng tôi rất quý mến trong số các ông liên đoàn trưởng kỹ thuật trong đơn vị, từng nhậu với nhau mấy lần.

Qua Thiếu tá Đ, tôi được biết hiện có 5, 6 vị cựu thiếu tá cùng đơn vị - giữ chức vụ liên đoàn trưởng hoặc trưởng phòng - đang ở K2.

Đơn vị của tôi là Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận Không Quân (BCH/KT&TV/KQ) nằm trong căn cứ không quân Biên Hòa; dưới quyền ông Chỉ huy trưởng, Chuẩn tướng Từ Văn Bê, có 4 vị đại tá và hàng chục trung tá, thiếu tá.

Trong số cấp tá nói trên, sau 30/4/1975, có hai ông trung tá và đa số thiếu tá bị kẹt lại. Nguyên nhân: BCH/KT&TV/KQ của chúng tôi là một đơn vị kỹ thuật & tiếp vận, tuy cấp số tương đương với một sư đoàn không quân nhưng không có phi cơ. Thành thử trừ ông Chỉ huy trưởng Từ Văn Bê được ngồi chung trực thăng với Chuẩn tướng Huỳnh Bá Tính, Sư đoàn trưởng Sư Đoàn 3 KQ, vào tối 28/4/1975 sau khi đốt CCKQ Biên Hòa, tất cả đã phải tự mình tìm đường thoát thân hoặc chấp nhận ở lại.

Theo lời kể của Thiếu tá Đ, lúc đầu ở Suối Máu còn có một số trung tá, đại tá Không Quân, trong đó có sếp cũ của tôi ở Pleiku ngày trước là Trung tá Lê Bá Định, cựu Trưởng Khối CTCT, sau làm Không đoàn trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật, nhưng ít lâu sau, tất cả đã bị đưa ra Bắc.

Ngoài các đàn anh cùng đơn vị kể trên, tôi được biết ở K2 Suối Máu lúc đó còn có Thiếu tá Lê Thanh Hồng Vân (LTHV), một hoa tiêu khu trục nổi tiếng, xuất thân Phi Đoàn 514 Phượng Hoàng, về sau có thời gian giữ chức Phi đoàn phó Phi Đoàn 530 Thái Dương ở Pleiku.

Trong suốt mấy tháng trước khi anh LTHV bị đưa về nhà giam Chí Hòa, tôi chỉ nhìn thấy anh vài lần chứ không gặp gỡ trò truyện vì nhà của anh nằm ngay “ngã tư quốc tế” đông người qua lại, nên tôi không muốn anh hay tôi, hoặc cả hai, bị một người bạn tù quý hóa nào đó báo cáo vi phạm nội quy.

Nhưng dù không được trò truyện với nhau, tôi cũng biết ở Suối Máu, LTHV vừa là một anh hùng, vừa là một huyền thoại. “Anh hùng” là việc đứng đầu “Ban hành động” trước khi xảy ra cuộc nổi loạn đêm Giáng sinh 1978 (tôi sẽ thuật lại ở một phần sau), còn “huyền thoại” là việc anh có đào là một đảng viên cộng sản!

Anh LTHV đã qua đời cách đây mấy năm tại Hoa Kỳ, tôi xin hương linh anh cho phép kể lại huyền thoại trên trong thiên hồi ký này, bởi vì ngày đó ở Suối Máu, anh em tù cải tạo thường kể cho nhau nghe một cách thích thú và quả quyết đó là... chuyện thật!

Huyền thoại ấy - hoặc “giai thoại” nếu là chuyện thật - như sau: trước năm 1975, cộng sản cho một nữ cán bộ xinh đẹp giả dạng “em gái hậu phương” quyến rũ anh LTHV để khai thác bí mật quốc phòng.

Không biết cô cán bộ có khai thác được bí mật nào không, chỉ biết thay vì quyến rũ anh, cô đã bị anh quyến rũ. Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, tức là nhiệm vụ được đảng trao phó đã hoàn tất, cô cán bộ cộng sản vẫn không bỏ tay “giặc lái”. Sau khi LTHV bị đi học tập cải tạo, cô lên thăm nuôi thường xuyên – muốn thăm lúc nào thì thăm chứ không phải chờ đợi tới kỳ thăm nuôi như những tù cải tạo khác, bởi vì cô là một... đảng viên kiêm thượng úy Việt Cộng!

Nhờ đó, hay ít ra cũng là suy luận của anh em bạn tù, LTHV không bị đưa ra Bắc, và ở Suối Máu anh tỏ ra cực kỳ ngoan cố, nhất quyết không chịu cạo bộ râu mép theo sự khuyến cáo của viên thiếu tá thủ trưởng K2.

* * *

Như đã viết từ đầu thiên hồi ký, tôi là một trong những sĩ quan ngành Chiến Tranh Chính Trị may mắn nhất trong số những người bị bắt đi học tập cải tạo; nay về Suối Máu, tôi vẫn tiếp tục được hưởng cái số may mắn ấy khi được lọt vào K2.

Vì các đàn anh cấp tá đã được dồn vào những nhà ở phía trước, những nhà phía sau trở thành “giang sơn” của đám đàn em cấp đại úy trở xuống bị đưa từ các nơi về.

Đám đàn em này đa số thuộc thành phần “nặng tội” và còn trẻ nên thường rất ngang tàng, điếc không sợ súng, thành thử chúng tôi có thể tin tưởng lẫn nhau, cuộc sống căng thẳng ở Suối Máu nói chung nhờ đó cũng bớt căng thẳng đi rất nhiều.

Càng may mắn hơn nữa khi tôi được lọt vào nhà do anh Huyến làm nhà trưởng. Anh là một trung úy giáo chức biệt phái, lớn hơn tôi gần 10 tuổi, xuất thân là dân... tu xuất (đi tu nhưng hoàn tục trước khi trở thành linh mục), tính tình hiền lành, cung cách nhã nhặn, chẳng làm mất lòng ai bao giờ, cho nên kể cả những tay tác chiến ngang tàng nhất cũng tự nguyện vào khuôn vào khổ, vì thông cảm, quý mến anh chứ không phải vì ngán cách mạng.

Riêng tôi mãi nhớ những ưu ái anh dành cho tôi; thứ nhất, anh luôn luôn lấy tư cách một người đáng tuổi anh (chứ không với cương vị “nhà trưởng”) để khuyên nhủ, cảnh giác tôi về cái tật phát ngôn bừa bãi, và thứ hai, trong những lúc rảnh rỗi, anh tận tình hướng dẫn tôi về xướng âm (solfège), môn yếu nhất của tôi trong lĩnh vực âm nhạc.

Ngoài anh Huyến, tôi còn có một vài người bạn mới ở cùng nhà. Thân nhất là Sáu, một trung úy Hải Quân gốc Thủ Đức chứ không phải TTHL Hải Quân Nha Trang. Sáu là dân Nam kỳ, ít nói, không phát ngôn linh tinh, không châm biếm cách mạng như tôi mà chỉ kể những chuyện có thật trong binh nghiệp của anh nhưng rất có sức thu hút.

Thoạt tiên, trong một lần anh em tụ tập kể chuyện đánh giặc trước 1975, có người nói đại khái Hải Quân “thọ” nhất, trong suốt cuộc chiến kéo dài 20 năm chỉ đánh duy nhất một trận Hoàng Sa, Sáu mới từ tốn chậm rãi đính chính, cho mọi người biết trong quân chủng Hải Quân VNCH cũng có nhiều đơn vị tác chiến, điển hình là các “giang đoàn xung phong” thuộc Bộ tư lệnh Hải Quân Vùng IV Sông Ngòi mà anh đã phục vụ trong suốt 6 năm binh nghiệp.

Từ đó về sau, mọi người thường được nghe anh kể lại những lần hành quân phối hợp với quân bạn, hoặc những lần chạm địch bất ngờ. Anh có tài kể chuyện, từ chiến thuật tác chiến trên sông, rạch cho tới trang bị trên các loại giang đĩnh, như đại bác 20mm, hoặc công dụng của lưới chống B-40..., và nhất là những trận đánh anh đã vào sinh ra tử với thương tích để lại trên người.

Kế tới là một chàng thiếu úy cảnh sát dã chiến, cũng dân Nam kỳ. Anh tên là Thật, cái tên vô tình nói lên bản chất con người anh: thật thà, chất phác. Đôi lúc tôi cứ thắc mắc: anh là người miền Nam, lẽ ra cha mẹ anh phải đặt tên là “Thiệt” mới đúng kiểu phát âm của dân Nam bộ, không hiểu sao lại đặt là “Thật”?

Sau này, mỗi lần nhớ tới Thật, tôi lại liên tưởng tới ni sư Huỳnh Liên, “oan gia” của anh.

Nguyên gia đình Thật theo đạo Phật từ bao đời, nhưng oái oăm thay trong thời gian ni sư Huỳnh Liên và các ni cô đệ tử của bà đại náo thủ đô Sài Gòn, anh lại nằm trong lực lượng cảnh sát dã chiến có nhiệm vụ phong tỏa tịnh xá Ngọc Phương, nơi bà đặt bản doanh, không cho bà và đám ni cô xuống đường biểu tình quậy phá, và toán cảnh sát dã chiến dưới quyền anh được phân công ngay phía ngoài cổng chính, nơi lúc nào cũng có các phóng viên quốc tế chờ để săn tin, chụp hình...

Sau năm 1975, người dân miền Nam, trong đó có các phật tử, đều biết ni sư Huỳnh Liên, tục danh Nguyễn Thị Trừ, là một người theo cộng sản từ những ngày đầu của “kháng chiến Nam bộ”, về sau cầm đầu một hệ thống nữ cán bộ đội lốt khất sĩ hoạt động khắp miền Nam; và tịnh xá Ngọc Phương của bà ở Gò Vấp không chỉ là ổ Việt Cộng nằm vùng mà còn là cơ sở kinh tài cho cộng sản...

Thế nhưng trước đó, không ít người - đa số là phật tử - cho rằng vị ni sư này chỉ thuộc “thành phần thứ ba”, đòi hỏi dân chủ, phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình... Trong số phật tử đó có cha mẹ của Thiếu úy Thật, ông bà cấm con trai không được đụng tới vị ni sư và đám ni cô.

Thời gian đầu, Thật nghe lời cha mẹ, ra lệnh cho các nhân viên dưới quyền bằng mọi giá không đụng tới “ngọc thể” của các ni cô. Chính vì thế, khi ni sư Huỳnh Liên cho “nữ tướng” Ngoạt Liên – một vị ni sư hung hãn khét tiếng – chỉ huy đám ni cô bác gỗ leo qua hàng rào kẽm gai (concertina) thì Thiếu úy Thật và các cảnh sát dã chiến dưới quyền chỉ biết đứng nhìn chứ không dám chạm tới thân người của họ.

Nhờ đó mà ni sư Huỳnh Liên đã nhiều lần đưa được hàng trăm ni cô xuống đường biểu tình, quậy phá trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mà đỉnh cao là cuộc biểu bạo động ngày 10/10/1974 trước trụ sở Hạ viện.

Mục tiêu của ni sư Huỳnh Liên trong cuộc biểu tình này là xông vào trụ sở Hạ viện, chiếm diễn đàn để đọc tuyên ngôn đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, VNCH phải tôn trọng Hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ phải ngưng can thiệp vào tình hình Việt Nam, tức là ngưng viện trợ quân sự...

Biết trước mưu đồ của vị ni sư, nhà cầm quyền VNCH đã đưa một lực lượng quân sự hùng hậu tới để đối phó, và sau một trận “đọ sức” trước thềm tòa nhà quốc hội, lực lượng ni cô dưới quyền “nữ tướng” Ngoạt Liên đã bị đẩy lui!

Dĩ nhiên, những hình ảnh không lấy gì làm đẹp mắt này đã được thu vào ống kính của các phóng viên ngoại quốc, gây thất lợi về mặt tuyên truyền cho VNCH trên trường quốc tế!

Sau đó, lệnh từ phủ đầu rồng ban xuống: bằng mọi giá, cảnh sát dã chiến không được để một ni cô nào thoát ra khỏi hàng rào phong tỏa tịnh xá Ngọc Phương! Thế là lực lượng cảnh sát dã chiến, trong đó toán của Thiếu úy Thật, đã phải áp dụng những “đòn hiểm” một cách bất đắc dĩ!

Kết quả thật mỹ mãn, nhưng cũng đã quá muộn. Nền đệ nhị cộng hòa của miền Nam VN đã bước vào những ngày tháng cuối cùng.

Khi được chúng tôi hỏi “đòn hiểm” mà anh nhắc tới là những đòn gì, Thiếu úy Thật nhoẻn một nụ cười hồn nhiên, trả lời:

- Mấy cha đừng nghĩ bậy, tụi tui không dám đụng tay tới người mấy cổ đâu, chỉ lấy chưn đạp... phía dưới thôi!

* * *


Bạn văn nghệ của tôi thì có Phú, một tay thiếu úy bộ binh gốc Bắc kỳ có giọng baritone (nam trung) rất mạnh, có khả năng tự đệm đàn ghi-ta.

Ở Suối Máu lúc ấy, đàn hát nhạc vàng là điều tối kỵ. Anh em tù cải tạo chỉ dám đàn những bản nhạc ngoại quốc không lời, còn hát thì quanh đi quẩn lại chỉ có một vài bài “cách mạng” tương đối nghe đỡ chói tai, chẳng hạn bản Tình Đồng Chí (Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá...), Tự Nguyện (Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng, Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương...), hoặc những ca khúc có gốc gác “Liên Xô vĩ đại” như Chiều Mát-xcơ-va (Moscow’s Night), Tình Ca Du Mục (Those Were The Days)...

Vì thế, tôi đưa “sáng kiến” với anh Huyến tập cho Phú hát hai ca khúc đã được phổ biến tại miền Nam VN trước năm 1975, mà sau này có người nhận vơ là “nhạc cách mạng”, đó là bản Ngày Về của Hoàng Giác và Tình Quê Hương của Phan Lạc Tuyên & Đan Thọ.

Ngày Về được Hoàng Giác sáng tác năm 1948, do ông tự trình bày lần đầu tiên trên đài phát thanh Hà Nội, được xem là một trong những ca khúc được yêu chuộng nhất thời bấy giờ, được nhiều ca sĩ nổi tiếng thu âm. Năm 1954, Hoàng Giác lựa chọn ở lại miền Bắc.

Vì Ngày Về là một ca khúc tình cảm thuần túy, cho nên dù tác giả đang sống ở phía bắc vĩ tuyến 17, tới giữa thập niên 1960, chính quyền miền Nam đã sử dụng ca khúc này làm nhạc hiệu cho chương trình “Tiếng Chim Gọi Đàn” của Bộ Chiêu Hồi, với mục đích kêu gọi các chiến binh cộng sản quay về với chính nghĩa quốc gia!

Tung cánh chim tìm về tổ ấm
Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
Luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh...


Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, cùng với tất cả mọi ca khúc của miền Nam VN, bản Ngày Về cũng bị cấm hát. Phải đợi tới cuối thập niên 1980, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề ra chính sách “mở cửa”, “đổi mới”, “cởi trói”, Ngày Về mới được phép hát trở lại. (3)

Còn Tình Quê Hương nguyên là một bài thơ có cùng tựa của Phan Lạc Tuyên, được Đan Thọ phổ nhạc năm 1956:

Anh về qua xóm nhỏ
Em chờ dưới bóng dừa
Ánh chiều lên mái tóc
Tình quê hương đơn sơ...


Ngày ấy tại miền Nam VN, Tình Quê Hương được cả người hát lẫn người nghe có trình độ đặc biệt yêu chuộng, được xem là một trong những ca khúc hay nhất viết về tình người, tình non sông đất nước.

Riêng đối với Đan Thọ, một nhạc sĩ sáng tác không nhiều, giới thưởng ngoạn cho rằng chỉ cần hai bản Chiều tím (nhạc Đan Thọ, lời Đinh Hùng) và Tình Quê Hương cũng đủ đem lại cho tên tuổi ông một vị trí xứng đáng trong nền tân nhạc Việt Nam.

Rất tiếc, mấy năm sau, tháng 11/1960, Phan Lạc Tuyên, lúc đó mang cấp bậc Đại úy, giữ chức vụ Chỉ huy phó Liên Đoàn Biệt Động Quân thủ đô, tham gia cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm do Trung tá Nguyễn Chánh Thi, Trung tá Vương Văn Đông cầm đầu. Thất bại, ba người đào thoát sang Căm-bốt; tại đây, Phan Lạc Tuyên được Việt Cộng móc nối, trở về VN tham gia Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam.

Vì thế, ca khúc Tình Quê Hương đã bị chính quyền VNCH cấm hát. Bước sang nền Đệ nhị Cộng hòa, lệnh cấm được bãi bỏ, nhiều ca sĩ nổi tiếng đã tiếp tục trình bày Tình Quê Hương trên đài thát thanh và các băng nhạc, như Hà Thanh, Mai Hương, Lệ Thu, Hoàng Oanh...

Tôi đề nghị Phú hát bản Tình Quê Hương không chỉ vì tác giả lời hát sau này đi theo “cách mạng” mà còn vì trong đó có hai chữ “giải phóng” để chứng minh với cán bộ quản giáo đây là nhạc “cách mạng” - trong trường hợp bị hạch hỏi. (4)

Tôi và anh Huyến mất mấy ngày mới nhớ đầy đủ lời hát của hai bản Ngày Về và Tình Quê Hương, dù không chính xác 100%. Nhưng sau đó, anh Huyến đã suy nghĩ đắn đo rồi đổi ý:

- Không được! Với bản Tình Quê Hương mình còn có thể lập lờ, chứ bản Ngày Về thì cả miền Nam đều biết đó là ca khúc của chương trình Chiêu Hồi. Tới tai mấy ổng thế nào mình cũng bị kêu ra “làm việc”. Thôi quên đi!

Nhưng chỉ cần một bản Tình Quê Hương cũng đủ để Phú... thành danh ở K2. Ngoài giọng baritone ấm mạnh, anh còn có lối hát phóng khoáng, luyến láy tùy hứng, cho nên rất có sức thu hút, nhất là điệp khúc, tôi cho rằng anh còn hát hay hơn, có hồn hơn Nhật Trường:

Anh: chiến binh tiền tuyến
Về giải phóng quê em
Bao nhịp cầu đất nước
Nối về quê miền Trung.

Anh sẽ là anh đàn em nhỏ
Là con của mẹ giữ quê hương
Quê nghèo mai sẽ tươi mầm sống
Đàn trẻ thơ reo giữa lúa vàng.



* * *


Ít lâu sau khi toán Phước Long chúng tôi về Suối Máu, vào khoảng tháng 10 hay 11 năm 1978, tù cải tạo ở Suối Máu được thăm nuôi. Vì gần Sài Gòn, vợ tôi cho hai con cùng đi lên thăm bố.

Thoạt thấy vợ tôi và hai đứa bé từ xa xa, tôi không nhận ra hai con! Thật ra cho dù chúng có đen đủi gầy còm xấu xí đi, nét mặt cũng không mấy thay đổi, sở dĩ tôi không nhận ra từ xa bởi vì cả thằng con trai 7 tuổi lẫn cô con gái 6 tuổi đều hớt tóc trọc lóc! Sau đó hỏi ra mới biết Sài Gòn đang bị một trận dịch ghẻ khủng khiếp, bắt đầu từ ngày thành phố này “được mang tên Bác”, 3, 4 năm sau mới giảm bớt.

Vẫn biết ở các nước nghèo khổ, vào thời nào, dưới chế độ nào cũng có bệnh ghẻ, chẳng hạn trước năm 1975, người ta thường nói tới một loại ghẻ để lại những vết thẹo khó phai trên thân thể, nhất là hai chân, gọi là “ghẻ tàu” vì nghe nói do những người Tàu tha phương cầu thực đem vào Việt Nam.

Nhưng “dịch ghẻ” thì từ ngày chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam, đây là lần đầu tiên xảy ra dịch ghẻ! Đã gọi là “dịch” thì nó chẳng tha ai, từ ông già bà cả tới con nít, từ chàng trai trẻ tới cô gái dậy thì, người người bị ghẻ, nhà nhà bị ghẻ...

Những ai sống ở Sài Gòn thời gian mấy năm sau “giải phóng” hẳn vẫn chưa quên được trận dịch ghẻ kinh hoàng này. Kinh hoàng không chỉ vì tính cách quy mô của trận dịch mà còn vì mức độ trầm trọng cũng như sự hoành hành của con ghẻ trên thân thể con người!

Tôi không cường điệu, cũng không cố tình viết lách thô tục mà chỉ xin nêu ra một hình ảnh có thật để những độc giả may mắn thoát khỏi Sài Gòn năm 1975 biết được tác hại ghê gớm của dịch ghẻ ngày ấy: chưa bao giờ ra đường mà người ta thấy đàn bà con gái gãi... mông một cách kịch liệt như sau năm 1975 tại thành Hồ (không hiểu vì nguyên nhân gì, đám con nít và các thiếu phụ, các cô gái trẻ thường bị con ghẻ chiếu cố tận tình nhất).

Sẵn tâm lý thù ghét, khinh rẻ đám nón cối, người Sài Gòn bèn đổ tội cho “bộ đội Trường Sơn” đã mang theo con ghẻ về hòn ngọc Viễn Đông. Quy trách như thế kể ra cũng hơi oan, bởi kết quả nghiên cứu khách quan của các nhà dịch tễ trong Nam sau đó cho biết thủ phạm mang con ghẻ vào miền Nam quả thật là người miền Bắc, nhưng là người miền Bắc nói chung chứ không chỉ có “bộ đội Trường Sơn”.

Nói có sách mách có chứng, xin trích đăng một đoạn trong một bài viết về nguyên nhân dịch ghẻ ở Sài Gòn sau năm 1975, hiện vẫn còn được phổ biến trên Internet:

1. Cái ghẻ (Sarcoptes Scabiei), một loại ký sinh trùng gây bệnh ngoài da) được cho là du nhập vào miền Nam từ bộ đội, thân nhân cùng những cán bộ từ miền Bắc ồ ạt kéo vào miền Nam lập nghiệp và công tác.

2. Thuốc trị bệnh ghẻ ngứa bị khan hiếm.

3. Vệ sinh cá nhân trở thành “xa xỉ”, do thiếu xà phòng tắm, xà phòng giặt, nước sạch…


Hai con sau dịch "ghẻ bộ đội" ở thành Hồ


Trở lại với việc hai đứa con tôi bị cạo đầu trọc lóc. Tôi vừa bực mình vừa tội nghiệp con vì trước kia hai đứa đều để tóc dài rất dễ thương.

Nguyên gia đình tôi có máu tóc quăn, cứ để dài tới ót là quăn tự nhiên, đẹp như tóc... các thiên thần trong tranh vẽ. Tôi lại có máu híp-pi, trước khi vào quân đội cũng bày đặt bắt chước kiểu tóc của ban Beatles cho nên sau này có con trai tôi cho để tóc dài, chỉ lâu lâu đem ra tiệm cắt tỉa cho gọn ghẽ. Còn con gái tôi cho để tóc thề giống mẹ...

Thấy tôi cứ càm ràm, vợ tôi nói hết ghẻ là mừng rồi, còn tóc thì mọc dài mấy hồi. Lúc đó tôi mới sực nhớ tới dịch ghẻ ở Sài Gòn, bèn hỏi vợ trị cách nào mà hai con hết ghẻ, nàng đáp ngay:

- Hà thủ ô!

Thoạt tiên tôi tưởng vợ tôi nói đùa, hỏi lại thì nàng giải thích:

- Hà thủ ô của bố bán không ai mua, lấy nấu nước tắm ghẻ cho con, ghẻ chết sạch!

Nguyên vào lần thăm nuôi cuối cùng ở Phước Long, tôi trao cho vợ khoảng nửa bao cát rễ hà thủ ô phơi khô, đem về kiếm chỗ bán được đồng nào hay đồng ấy.

Thực ra trong thâm tâm, tôi không tin tưởng một chút nào vào những lời truyền tụng về công hiệu của hà thủ ô. Không phải vì bản thân đã có những trải nghiệm mà chỉ vì được Thành cận khai sáng.

Như tôi đã giới thiệu trước đây, Thành cận (Trung úy Khương Hữu Thành), tổ trưởng của tôi ở Thành Ông Năm, người đã truyền thụ cho tôi cách sử dụng quả lắc cảm xạ, là một tay bách nghệ tinh, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, có một kho kiến thức rất đáng nể, từ nghệ thuật tới ẩm thực, từ tây y tới đông y, từ khoa học thực nghiệm tới khoa học huyền bí...

Trong năm đầu, sau đợt học tập 10 bài học chính trị, tù cải tạo ở Thành Ông Năm rảnh rỗi chẳng biết làm gì, một số người hiểu biết về hà thủ ô, thấy nó mọc hoang trong trại liền đào lấy rễ đem về nấu nước uống, và ra sức ca tụng, kể lại nhiều huyền thoại về loại “thần dược” này.

Những huyền thoại ấy đều bị Thành cận thẳng thừng bác bỏ, nói rằng chẳng qua người Việt mình “bị Tàu nó bịp”. Anh cho biết rễ hà thủ ô chỉ là một vị trong toa thuốc bắc, khi đi một mình nó chẳng có công dụng đặc biệt nào cả, chưa kể rất đắng, có thể nói là đắng nhất trong tất cả các vị thuốc bắc.

Hà thủ ô có lai loại: rễ đỏ và rễ trắng, gọi tắt là hà thủ ô đỏ và hà thủ ô trắng; theo đông y chỉ có hà thủ ô đỏ mới được xem là dược thảo.

Hà thủ ô đỏ mọc nhiều ở Hoa Nam và các tỉnh phía bắc VN, còn ở miền trung và nam VN, chỉ có hà thủ ô trắng, nhiều nhất là ở đảo Phú Quốc, nơi mà vào năm 1976, đám bộ đội cai tù đã bắt chúng tôi lên núi đào cả tấn rễ hà thủ ô, đem về phơi khô chất đầy một nhà kho!

Theo sự “tố giác” của Thành cận, vì Hà thủ ô đỏ mọc ở Hoa Nam và bắc VN chỉ có hạn, hơn nữa trước năm 1975, Trung Cộng và CSBV còn bế quan tỏa cảng, cho nên nguồn cung cấp hà thủ ô cho ngành “thuốc bắc” Hương Cảng và Đài Loan chủ yếu là đảo Phú Quốc!

Hà thủ ô trắng ở Phú Quốc sau khi đưa về Hương Cảng, Đài Loan được các chú Ba ngâm trong một loại phẩm, trông cũng khá giống hà thủ ô đỏ, rồi được “xuất khẩu” sang Việt Nam dưới cái tên thật kêu: “thiên niên hà thủ ô Trung Quốc”!

Sau năm 1975, tình trạng khan hiếm thuốc tây đã tạo cơ hội cho việc thần thánh hóa nhiều loài thảo mộc trong đó có hà thủ ô. Từ đó ngày càng có nhiều người đi đào hà thủ ô để bán. Nhiều tới mức cuối cùng không còn ai mua nữa.

Lúc đó cũng là khoảng thời gian dịch “ghẻ bộ đội” đang hoành hành mạnh mẽ. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra cách nấu rễ hà thủ ô tắm để chữa ghẻ, để rồi về sau nhiều người trong đó có vợ tôi bắt chước để chữa ghẻ cho các con.
(Cả đến "ghẻ bộ đội" cũng chết vì hà thủ ô đủ biết nó đắng tới mức nào!)

Nghe vợ kể chuyện lấy “thiên niên hà thủ ô” bố gửi về làm thuốc chữa ghẻ cho con, lúc đó tôi cũng hơi quê, chỉ sau khi đi tù cải tạo về, nghe bà ngoại tôi tả lại tình cảnh thê thảm của hai đứa con lúc bị ghẻ, tôi mới thôi tiếc rẻ công sức đào hà thủ ô của mình. (5)

(Còn tiếp)


CHÚ THÍCH:

(1) Sự hiện hữu của địa danh “Suối Máu” theo các tài liệu chúng tôi sưu tầm được không có sự thống nhất.

Bài “TRẠI TÙ SUỐI MÁU TÂN HIỆP” (không rõ tác giả) viết:

”Trại Tù Suối Máu (tên do anh em tù gọi) chính là Trại Cải Tạo Tân Hiệp, ở Biên Hòa.

“Anh em tù thường gọi là Trại Suối Máu để nhắc nhở một chiến tích của một đơn vị thuộc Sư Đoàn Cọp Biển TQLC Việt Nam đã đánh tan tành một đơn vị cộng quân tại đây trong thời gian Tết Mậu Thân 1968. Theo lời dân chúng địa phương kể lại, máu địch chảy như suối nên có tên là Suối Máu. Dù bọn cai tù cộng sản cấm không được gọi là Trại Suối Máu nhưng anh em tù vẫn gọi như thế.” (ngưng trích)

Tuy nhiên, trong một tài liệu của phía CSVN viết về cuộc nổi loạn của tù cộng sản tại Nhà Lao Tân Hiệp (tên gọi thời Pháp thuộc) vào năm 1956, họ đã viết: “...phía tây giáp Suối Máu”.

Nhưng hiện nay, trong tất cả các bản đồ Thành phố Biên Hòa do chế độ CS ấn hành, “Suối Máu” lại được ghi là “Rạch Suối Lớn”, phía Nam ăn thông với sông Đồng Nai, phía Bắc chảy qua Quốc lộ 1 và có một nhánh rẽ phải được gọi là “Suối Săn Máu”, chảy dọc theo quốc lộ tới tận giáo xứ Thánh Tâm ở vùng Hố Nai.

Vì thế, muốn biết một cách chính xác tên gọi con suối (rạch) này phải hỏi những người dân địa phương đã sống tại đây từ thời Pháp thuộc! Nhưng dù bắt nguồn từ đâu, có từ thời nào, sau năm 1975 tên gọi “trại cải tạo Suối Máu” không chỉ được tù cải tạo và gia đình của họ sử dụng, mà sau khi được bộ đội bàn giao, đa số công an coi tù cũng gọi là Suối Máu!

Nhân đây, vì có ít nhất một tác giả trong bài viết về trại tù Suối Máu, đã viết đây là vùng “Tam Hiệp” thay vì “Tân Hiệp”, chúng tôi xin viết thêm: Tam Hiệp là một vùng đất cách xa thành phố Biên Hòa 7, 8 km, tiếp giáp xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn. Ngã ba Tam Hiệp nổi tiếng là nơi có nhiều quán ăn, quán nhậu, cũng như chợ trời Tam Hiệp chuyên bán đồ Mỹ.

(2) Sau này có khá nhiều bài viết về nguyên nhân đưa tới bản án tử hình dành cho Trung úy Nguyễn Ngọc Trụ, cũng như diễn tiến phiên tòa và cuộc xử bắn người sĩ quan QLVNCH bất khuất này, trong đó có nhiều chi tiết không thống nhất với nhau.

Sau khi tìm hiểu, kiểm chứng, chúng tôi cho rằng bài viết mang tựa đề “Anh Hùng Kẻ Sĩ NGUYỄN NGỌC TRỤ” của tác giả TÙ CỰU (XM520), một người bạn tù của Nguyễn Ngọc Trụ từ Trảng Lớn, có sức thuyết phục nhất. Bài này hiện được phổ biến rộng rãi trên Google, và được lưu trữ trên website Hội Quán Phi Dũng, chuyên mục “Chuyện tù cải tạo”.

(3) Hoàng Giác (1924 – 2017) là một nhạc sĩ nổi tiếng kiêm ca sĩ rất được ái mộ ở Hà Hội trước năm 1954. Từ ngày còn là một cậu học sinh trường Bưởi, ông đã tự học hỏi về sáng tác và hòa âm qua sách vở của người Pháp. Năm 1945 ông viết ca khúc đầu tay, bản Mơ Hoa.

Sự nghiệp sáng tác của Hoàng Giác không đồ sộ như nhiều nhạc sĩ đương thời, tổng cộng chỉ có 12 bản (không kể 3 bản đặt lời cho Nguyễn Thiện Tơ) nhưng đều là những ca khúc sống mãi với thời gian: Mơ Hoa, Ngày Về, Lỡ Cung Đàn...

Theo tiểu sử của Hoàng Giác trên Wikipedia, khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra ở miền Bắc (1946), ông cùng gia đình sơ tán lên chiến khu Việt Bắc. Cuối năm 1946, ông sáng tác bài hát "Ngày Về" khi còn là một đội viên trong Đoàn Tuyên Truyền Xung Phong được trở về thăm gia đình sau những chuyến đi công tác.

Ngày Về

Tung cánh chim tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao ngày xanh.

Tha thiết mong tìm về bạn cũ
nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió
vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây
mờ khuất xa xôi nghìn phương

Trên đường tha hương, vui gió sương
riêng lòng ta mang mối nhớ thương
âm thầm thương tiếc cho ngày về
tìm lại đường tơ nay đã dứt

Nghe tiếng chim chiều về gọi gió
như tiếng tơ lòng người bạc phước
nhắp chén men say còn vương bóng quê hương
dừng bước tha hương lòng đau.

(2)


Trong bốn phương mờ hàng lệ thắm
mơ đến em một ngày đầm ấm
nhớ phút chia phôi cùng ai dứt đau thương
tìm đến em nay còn đâu.

Năm tháng phai mờ lời hẹn ước
trong gió sương hình người tình mến
oán trách ai quên lời thề lúc ra đi
thôi ước mơ chi ngày mai

Phong trần tha hương bao nhớ thương
tim buồn ta mơ đôi bóng uyên
lưng trời âu yếm bay tìm đàn
lòng nguyện giờ đây quên quên hết

Ta sống không một lời trìu mến
như bóng con đò lạc bến
lờ lững trôi qua cùng ngày tháng phôi pha
duyên kiếp sau ta chờ mong.


Năm 1948, Hoàng Giác bỏ kháng chiến trở về Hà Nội, vừa sáng tác vừa ca hát trên đài phát thanh và Nhà hát lớn.

Năm 1951, ông kết hôn với cô Kim Châu, nổi tiếng là hoa khôi của đường Quán Thánh.

Tới đây, chúng tôi cũng xin lưu ý độc giả về một chi tiết mâu thuẫn trong bài viết “Ngày về” với Hoàng Giác, nơi tôi có được của tác giả Orchid Lâm Quỳnh ở California vào giữa năm 2007, được phổ biến trên website của thi sĩ Du Tử Lê và một số trang mạng khác.

Sau khi kể về tình sử Hoàng Giác - Kim Châu, từ lần đầu tiên bà được nghe ông hát ở Nhà hát lớn Hà Nội tới đám cưới giữa chàng ca nhạc sĩ “nghèo rớt mồng tơi”, ế vợ (28 tuổi) với nàng thiên kim tiểu thơ 19 xuân xanh vào năm 1951, tác giả Orchid Lâm Quỳnh viết:

...Và, cũng thật may mắn cho tôi, khi sau đó, bà Hoàng Giác quay lại khúc phim gia đình ly tán!

Đó là thời gian toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Hà Nội sơ tán. Nhạc sĩ Hoàng Giác tham gia đoàn Tuyên Truyền Xung Phong. Trong lần được phép về thăm vợ con (khi đó đã tản cư tới Phúc Yên,) để đánh dấu ngày gặp lại, Hoàng Giác viết “Ngày Về”Một “Ngày Về” ngợi ca tình yêu. Một “Ngày Về” đơm hoa cho quá khứ đã tan nát... (ngưng trích)

Rõ ràng tác giả đã lồng việc Hoàng Giác sáng tác ca khúc Ngày Về vào “khúc phim gia đình ly tán” mà không để ý tới hai mâu thuẫn:

(1) Sau khi nhạc sĩ Hoàng Giác sáng tác Ngày Về vào năm 1946, rồi rời bỏ kháng chiến vào năm 1948 trở về Hà Nội ca hát, ông mới lọt vào mắt xanh của tiểu thơ Kim Châu, để rồi nên duyên vào năm 1951!

(2) Nội dung Ngày Về với những câu hát như ”nhớ phút chia phôi cùng ai dứt đau thương, tìm đến em nay còn đâu”, “oán trách ai quên lời thề lúc ra đi, thôi ước mơ chi ngày mai” là những lời than thở tuyệt vọng trước một mối tình đã mất, đã tan, chứ không phải “ngợi ca tình yêu”, “đơm hoa cho quá khứ đã tan nát”.

* * *


Sau Hiệp định Genève 1954, Hoàng Giác lựa chọn ở lại miền Bắc, sống bằng nghề dạy nhạc tại Trường âm nhạc dân lập.

Tiểu sử của Hoàng Giác trên trang mạng Wikipedia có đoạn viết:

Từ khoảng nửa sau thập niên 1960, gia đình ông rơi vào cảnh sống cơ cực ở miền Bắc Việt Nam bởi nhà cầm quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam sử dụng nhạc bản "Ngày về" của ông để làm nhạc hiệu cho chương trình "Chiêu hồi".

Nhưng trên thực tế, theo lời kể lại của một số nhạc sĩ miền Bắc, không cần đợi tới “khoảng nửa sau thập niên 1960” Hoàng Giác mới bị bạc đãi mà ngay sau khi cộng sản tiếp thu Hà Nội vào năm 1954, ông đã bị chế độ “đì” về cái tội “dinh tê” (bỏ vùng Việt Minh kiểm soát để về vùng quốc gia). Đồng thời, vì Ngày Về đã trở thành ca khúc được yêu chuộng bậc nhất, được nhiều nam nữ ca sĩ nổi tiếng trình bày trên đài phát thanh Hà Nội (vùng quốc gia kiểm soát) cho nên sau năm 1954, nó đã bị các ca sĩ “quốc doanh” ở miền Bắc tẩy chay (chắc hẳn phải có sự khuyến cáo của Đảng), chứ không cần đợi tới khi được miền Nam sử dụng làm “tiếng chim gọi đàn” vào thập niên 1960.

Mãi tới cuối thập niên 1980, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề ra chính sách “mở cửa”, “đổi mới”, “cởi trói”, cho phép phổ biến, trình diễn một số ca khúc của các tác giả trong Nam, Ngày Về của Hoàng Giác ở ngoài Bắc mới được phép hát trở lại.

 
Ngày Về (Tiếng Chim Gọi Đàn ) - Anh Ngọc


(4) Cựu Đại úy Phan Lạc Tuyên (1930-2011) là anh trai của nhà thơ (Trung úy Không quân) Phan Lạc Giang Đông, xuất thân Khóa 1 Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định (1951); ông cũng là một nhà thơ.

Năm 1956, Phan Lạc Tuyên cho xuất bản tập thơ Mùa Hoa Mới, trong đó có bài Tình Quê Hương. Cùng năm, bài thơ này được nhạc sĩ Đan Thọ phổ nhạc, rất được thính giả miền Nam yêu chuộng.

Nguyên vào năm 1955, sau Hiệp định Genève, Phan Lạc Tuyên, khi ấy đang mang cấp bậc trung úy, tham gia chiến dịch bình định Liên khu 5 trước đây do Việt Minh chiếm đóng, trong đó có vùng Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi, nơi đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác bài thơ “Tình Quê Hương”:

Tình Quê Hương
(Thân gửi thôn Sa Huỳnh trong Chiến dịch Giải phóng)

Anh về qua xóm nhỏ
Em chờ dưới bóng dừa
Ánh chiều lên mái tóc
Tình quê hương đơn sơ...

Quê em nghèo, cát trắng
Tóc em lúa vừa xanh
Anh là người lính chiến
Áo bạc màu đấu tranh...

Em mời anh dừng lại
Đêm trăng ướt lá dừa
Bên nồi khoai mới luộc
Ngát thơm, vườn ngâu thưa.

Em hẹn - Em sẽ kể
Tình quê hương đơn sơ...
Mẹ già như chiều nắng
Nhớ con trai chưa về
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tầm thưa
Ngõ buồn màu hoang loạn
Quê nghèo thêm sác sơ...

Anh: chiến binh tiền tuyến
Về giải phóng quê em
Bao nhịp cầu đất nước
Nối về quê miền Trung.

Anh sẽ là anh đàn em nhỏ
Là con của mẹ giữ quê hương
Quê nghèo mai sẽ tươi mầm sống
Đàn trẻ thơ reo giữa lúa vàng.

*
Người em nhỏ mắt thơ bừng tin tưởng
Vui nhìn đoàn trai trẻ tới miền Trung...


Phan Lạc Tuyên

Về binh nghiệp của Phan Lạc Tuyên, trang mạng Thơ Văn Lạc Việt kể lại nguyên văn như sau:

“Sau chiến dịch tiếp thu Liên khu 5 trở về Sai Gòn, Phan Lạc Tuyên được thăng đại úy và được đại tá Lê Văn Kim (chỉ huy chiến dịch bình định) giới thiệu với trung tá Vương Văn Đông, hiệu trưởng trường đại học quân sự về tham gia ban giảng huấn trường này. Chính dịp làm việc ở trường đại học quân sự, Phan Lạc Tuyên liên hệ với bác sĩ Trần Kim Tuyến, và năm 1957 Phan Lạc Tuyên được bác sĩ Tuyến cử sang Mỹ, tiếng là tu nghiệp về báo chí nhưng thực tế là học về tình báo.

Nhờ học về tình báo ở Mỹ về nên Phan Lạc Tuyên đươc trao cho nhiệm vụ cùng với Lữ Đinh Sơn sáng lập liên đoàn biệt động quân” (ngưng trích)

Sau 30/4/1975, khi Phan Lạc Tuyên trở lại miền Nam với mảnh bằng Tiến sĩ Sử học (tốt nghiệp tại Ba Lan), thì báo chí quốc doanh chỉ nhắc tới ông như “một nhà nghiên cứu văn hóa và Phật học” chứ không đả động gì tới sự nghiệp thơ văn của ông trước kia.

Chỉ tới sau khi ông qua đời, mới có hai bài viết – một trên tờ Tuổi Trẻ, một trên tờ Thanh Niên - nhắc tới bài thơ Tình Quê Hương, nhưng không nói rõ hoàn cảnh, thời điểm sáng tác mà chỉ mập mờ: “sáng tác trong những năm 1950”.

Chúng tôi không được biết trong danh sách những ca khúc của các tác giả miền Nam trước năm 1975 nay được bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch cho phép phổ biến có bản Tình Quê Hương hay không, chỉ biết một điều cho tới nay, không thấy có ca sĩ nào của miền Bắc thu âm ca khúc này.

Như vậy có thể viết, cho dù sau này Phan Lạc Tuyên đi theo cộng sản và từng tuyên bố ông “thần tượng Hồ Chí Minh” (phim tài liệu “Phan Lạc Tuyên - Cuộc lữ hành” của đạo diễn Nguyễn Hoàng), Tình Quê Hương trước sau vẫn là một ca khúc của “phe ta”, với nội dung đề cao chính nghĩa quốc gia.

(5) Tất cả những gì tôi viết về hà thủ ô trong bài này đều có thật. Để chứng tỏ tinh thần khách quan, nhân đây tôi cũng xin ghi ra một trường hợp rễ hà thủ ô có khả năng chữa bạc tóc.

Người may mắn ấy là một tay trung úy Không Quân Khóa 69B, lái C-130, ở trại tỵ nạn Galang với tôi cùng thời gian, và sau đó cùng định cư tại thành phố Melbourne, Úc-đại-lợi, cho biết trong trại cải tạo anh bị bạc tóc gần như 100%, nhờ uống rễ hà thủ ô mà tóc đen trở lại. Hiện nay anh đã gần 7 bó rưỡi, tóc mới hoa râm!

 

Reader responses => (CẢI TẠO NỬA MÙA - VƯỢT BIÊN TÀI TỬ (kỳ 10))

Rate this item
(0 votes)