Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Các Trại "Tù CẢI TẠO" - Tình Hoài Hương

Các Trại "Tù CẢI TẠO"

Tình Hoài Hương


---oo0oo---

 



Chuyện thứ nhứt:
Khi "gươm đàn gãy gánh", thì có: các trại "tù- CẢI TẠO" & Tiếc thương.
Lý Thục Kỳ Tân, người đã giúp Lưu Bang dựng lại Đại Hán đã từng nói:
“Nước lấy dân làm gốc, còn dân coi sự ăn mặc (trong đời sống) giống như Trời”.


Nếu một người muốn từ bỏ cuộc sống cá nhân, dốc lòng bảo vệ quê hương, hy sinh cho đất nước, quyết giữ gìn quê hương được an thịnh sinh tồn, họ coi nỗi đau của dân như chính nỗi đau của mình, mà ra sức bảo vệ gìn giữ đất nước an toàn đến giờ phút cuối. Quả thật rất đáng trân trọng và ngợi khen. Còn những kẻ đã có quyền lực, lại chối bỏ đất nước, ngoảnh mặt làm ngơ, nhởn nhơ lượn lờ đó đây, hoặc bỏ chạy trối chết ra khỏi nơi gian nguy khốn cùng, bình yên tận hưởng vinh thân phì da riêng cá nhân và gia đình, chẳng hề ngoái nhìn (dù chỉ một lần) khi chiến sự khốc liệt đang tàn phá tất cả, đã mang đến cho dân tộc sự nguy khốn tột độ, khiến đất nước nầy phải gánh chịu muôn vàn chua xót đắng cay cùng cực
Lẽ ra, những người đầu đàng phải trả giá gấp bội, do không làm tròn trách nhiệm trước lịch sử về bao thiếu sót, sai lầm trầm trọng của người thiếu trách nhiệm & bổn phận công dân. Họ phải trả giá cho hành động ấy như tội ác, (ví như lìa bỏ nguồn gốc, hay vô tình diệt chủng… là gì) về các việc đó trước lịch sử, làm cho một đất nước tươi đẹp trù phú hùng mạnh, trở thành một lãnh thổ suy tàn, sụp đổ cả một chính thể quốc gia. Họ phải bị trừng trị thích đáng mới phải. Chiến tranh tương tàn bây giờ quá bất hạnh, không chiến đấu cho lẽ phải, hoặc công bằng chi cả. Thật là bất công và phi lý khi một người lính chính trực liêm minh có năng lực và tài ba, nhưng vì lý do nào đó không thể thi hành trách nhiệm & bổn phận làm trai, mà sau rốt bị đì vô rọ tù “cải tạo”.

Định nghĩa tổng quát về chữ TÙ: (danh từ, hoặc động ngữ).

* Bị Tù – (theo nghĩa đơn thuần): một tội danh dân sự nào đó -vấp phạm sai lầm-, là sẽ bị hình phạt, bị giam giữ ở một xó góc bên trong cánh cửa sắt, bị mọi hình phạt, khổ cực, bị bó buộc một nơi ấn định (do người ấy vi phạm pháp luật -giữa người ấy với luật pháp của quốc gia mình-). Họ (chính quyền sở tại) cần sửa trị, phải uốn nắn người vi phạm, trở thành một công dân tốt, hữu ích cho xã hội. Cốt lỏi của hành pháp là sự trừng phạt, răn đe và hướng thiện cho người vấp phạm sai lầm. Nhưng, quốc pháp được thiết lập không ngoài mục đích lấy tình trị pháp, lấy pháp trị quốc: Đó là ý nghĩa thật sự của quốc pháp, công bằng phân định rõ ràng ai có tội nặng, tội nhẹ; mà buộc người tù thụ pháp, ngỏ hầu huấn luyện cho người ấy trở nên tốt hơn, hoàn thiện & có tình người, người tù chừa bỏ thói hư tật xấu, để trở thành công dân hữu ích chính mình, nói riêng, và cho xã hội, nói chung.

* Bị tù học tập “cải tạo” trái ngược lại: đó là hình phạt giữa con người ở "chế độ mới" đang thẳng tay hành xử, chà đạp, dày vò, chưởi bới, đay nghiến, dã man đánh đập trả thù người ở "chế độ trước" (chế độ cũ). Người mới nổi lên luôn hãnh diện, vỗ ngực tự hào ta là kẻ chiến thắng, họ tự thay mặt chế độ (mới) vừa đắc thắng cái quyền “tiếm đoạt” mà độc ác hành xử con người cũ ra sao, tùy thích. Họ không hề cảm thấy ray rứt, dày vò, áy náy lương tâm. Tùy theo mức độ tên tù cũ nào đó cao giá đến đâu -mà hành xử-. Nôm na là “con người mới” vừa chân ướt chán ráo đứng lên, liền trả thù một chính sách, một chế độ, một nhân phẩm...
Vậy thì, tù “cải tạo” là gì? Hừ! Có phải chữ cải tạo không ở trong hai ngoặt kép? (“…”). Cái dấu "..." nầy có tác dụng làm ranh giới cho một câu văn, câu nói được thuật lại, hoặc giả ghi một từ ngữ khi muốn dí dỏm diễn tả về mức độ thân thiện nào đó, và cuối cùng có thể là hóm hỉnh miả mai), nôm na nó được định nghĩa là:
- Làm cho “chất lượng” thay đổi -(chưa chắc thay đổi căn bản, theo chiều hướng tốt hơn).
- Muốn “lao động là vinh quang" -để cải tạo con người!?
- Muốn “giáo dục” làm lột xác, thay đổi con người cũ (từ nhân cách, bộ dạng, tập tục gia phong, quần áo tươm tất…) để khoát lên mình bộ đồ tù mà trở thành con người mới.
- Muốn “cải tạo tư tưởng” xóa bỏ những tập tục cổ xưa, -để thay thế tư tưởng “tiến bộ”?
- “Cải tạo xã hội chủ nghĩa” ở trong “quan hệ cải tạo”, sản xuất không xã hội chủ nghĩa, hầu trở thành - “quan hệ sản xuất” xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện cho “lực lượng sản xuất phát triển”? Và, cuối cùng “cải tà quy chánh”:
- Tù nhân 75 “cải tạo” là: từ bỏ con đường đã đi, để đến “con đường chính nghĩa” vẫn là: tù nhân chính trị - cái gọi “học tập cải tạo” là: tù nhân quanh năm suốt tháng nhịn đói rã ruột, khát khô cổ họng, thất thểu vác cuốc ra đồng, cúi đầu cuốc cuốc, cày cày, bừa bừa, (cày bừa do chính thân thể con người vác cày kéo bừa... làm quần quật -thay thế con trâu) trong nghĩa "lao động là vinh quang, lang thang là chết đói" mà trồng trồng... trọt trọt...
* Khi tù nhân “cải tạo” đi trước tên cán bộ coi tù, thì người tù “cải tạo” bị cán bộ dùng báng súng đập mạnh vô lưng tù, quát mắng:
- Muốn chạy trốn hở, dám đi trước cán bộ hử?
* Tù nhân “cải tạo” đi ngang hàng với cán bộ, thì bị cán bộ quát nạt:
- Muốn đi gần ông giật súng hở?
* Tù nhân “cải tạo” đi sau lưng cán bộ coi tù, bị cán bộ quay lại, giơ súng chiã vô trán tù, đạn lên nòng:
- Đi sau lưng cán bộ, muốn ám sát hay sao thế?
*… "Tù cải tạo” một ngày trong tù, bằng thiên thu tại ngoại cơ mà! (nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại). Tù có làm cái gì… dù nhũn nhặn chịu đựng, kiên cường, đầy thiện chí, có tình mến, có lòng bác ái vị tha, dung hòa, trung thực, ôn tồn, tốt lành, cam chịu ẩn nhẫn, thì tù "cải tạo" cũng bị cán bộ, công an bắt bẻ chụp mũ… Thế nên thời buổi nầy người tù nếu có bị công an ác ôn, cán bộ cay nghiệt đối xử thậm tệ như con vật, vẫn hơn làm “con người”... Trong trại tù “cải tạo” Z 30 A, tên cán bộ răng đen mã tấu thao thao lên lớp:
- "Nịch xử lước" ta toàn "nà" anh hùng cả đấy nhá. Bắt đầu "nà" vua "Nạc Nong" Quân "nấy" bà Triệu Ẩu, đẻ "da" một bọc 100 trứng…
Cả hội trường cười ồ. Mất hứng, hắn quắc mắt, hất hàm hỏi:
- Cười cái quái gì thế?
Một sĩ quan “ngụy” giơ tay lên, lịch sự trả lời thay tất cả tù ngồi:
- Thưa cán bộ, Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, chớ không phải bà Triệu Ẩu.
Hắn khó chịu, im lặng vài giây, quay sang hỏi tên cán bộ phụ tá, rồi dõng dạc nói:
- Nạc Nong Quân "nà" vua, ông ấy muốn "nấy" gái "lào" mà chả được. Bà Âu Cơ hay "nà" bà Triệu Ẩu, đều "nà" đàn bà nốt. Thì… chúng ta chả phải "nà ròng rõi" cá mè một "nứa" cuả Triệu “ẩu tả, nà rì"!
Tại hội trường ở trại tù “cải tạo” khác, một cán bộ nọ lên giọng:
- Các anh biết không, đất nước ta giàu có cực kỳ, tiền rừng bạc bể. Nhiều nơi trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chỉ cần cắm ống nứa xuống đất, là dầu hỏa phụt lên. Thế là ta cứ việc mang thùng ra hứng, đem về nhà tha hồ đốt nhá.
Cả lớp tù ngồi khúc khích "cừi cừi". Hắn hứng chí tiếp:
- Ngoài mỏ dầu, miền Bắc còn nhiều mỏ, nào mỏ than, mỏ vàng, mỏ xăng, mỏ nhớt.
- Thưa cán bộ, có thứ mỏ nầy không biết miền Bắc có không, nhưng miền Nam nghèo đói chắc chắn có, đó là mỏ Dốc Mơ, và "mỏ DốcLết".
Hắn bỉu môi:
- Ồ, cái anh nầy rõ là mang dòng họ Triệu Ẩu nha. Mỏ dốc lết hả? Cái gì chứ mỏ dốc lết thì miền Bắc thiếu giống gì. có hàng tá mỏ mà đảng và nhà nước đang có kế hoạch đào bới khai thác đấy.
Đó đó..., đó chính là cái giá rất đắt cho tù nhân “cải tạo” tri thức & lương tâm là thế đấy ạ. Vậy thì, người tù đã được “học tập” điều sâu sắc bổ ích gì? Ai “cải tạo” ai? - "học tập cải tạo” những thứ tinh nhuệ gì!? (loạt chữ nầy phải ghi trong hai dấu mang đầy ý nghĩa của cái “ngoặt kép”. Tù thấu hiểu được điều gì cao cả trong xã hội chủ nghĩa thế nầy!? Ngoài việc anh ấy không thể “bồi dưỡng văn hóa”, cho dù một chữ bẻ đôi cũng không. Duy có điều anh tù phải “học tập cải tạo tốt” là: cuốc đất trồng khoai mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, trong sự bịp bợm của từ “học tập” và "cải tạo”, để rồi ngày qua ngày, tháng trôi theo từng năm, anh trở thành thân tàn ma dại có da bọc xương?! bởi do phần lớn trại tù học tập “cải tạo” mọc lên như nấm mà ra.

* Trại TÙ! Trại tù nhiều vô số... hơn cả chuyện nhà nước đi khắp hang cùng ngõ hẹp quyên góp “cứu trợ” nạn nhân thiên tai, hoả hoạn, lụt lội. Nhà nước không xây dựng kiến thiết quốc gia, không xây trường học, không làm đường sá, không làm những công trình kiến tạo khác. Mà, trên toàn lãnh thổ Việt Nam đâu đâu cũng có “trại tù” khổng lồ! Trại tù đã giết chết bao người trai trẻ, hủy hoại rất nhiều tiềm năng, xeo nạy nạo vét hết tinh tuý những khối óc thông minh tuyệt vời, tiêu diệt sĩ khí, dũng chí quật cường biết bao người yêu nước, yêu quê hương và thiết tha với dân tộc. Đa số anh em quân nhân công cán chính Việt Nam Cộng Hoà chân thật cả tin, đã bị trắng trợn phản bội lời hứa, bị mắc lừa, bị lọt lưới, họ xô nhau tới đường cùng & trở thành những người tù tội "cải tạo" bị nhánh tình đoạ đày lưu vong trên chính quê hương. Mặc dù quê hương không bao giờ phản bội con người, mà chỉ có con người ngoảnh mặt quay lưng nơi chôn nhau cắt rún.
Lớp lớp thanh niên trai tráng bị nhà nước đánh cắp không chỉ gia sản, tài năng, trí dũng, sức khoẻ, thân phận… tình bạn, tình thân giữa đồng loại. Ý niệm về không gian và thời gian từ sự bình thường tiềm ẩn trong những tâm hồn và khối óc phi thường đã qua. Trơ tráo trắng trợn hơn là tù “cải tạo” bị ăn cắp tuổi xuân-thì, bị lột trần về tình yêu – (tình yêu nhìn qua nhiều lãnh vực và lăng kính: tự tin, dung hòa, đức độ, nhân ái, khoan dung tha thứ... trên mọi phương diện).
Cuối cùng, cuộc chiến không phải do hơn thua vì chiến tranh. Ta cần tin & trọng con người có nhân phẩm, nhân tài, có năng lực; chớ chẳng phải thân phận giàu sang và thứ cấp, trước hết phải xét người có năng lực, rồi sau đó mới tính đến thứ cấp. Việc giữ lại người có tài có cái tâm, là điều quan trọng lắm. Nếu thuộc cấp của "chế độ cũ" là người có tài, và chính trực, mà bị "chế độ mới" ngược đãi, đàn áp và trả thù, thì các cấp lãnh đạo và đất nước ấy sẽ không gìn giữ được trường tồn vĩnh thịnh, chẳng chóng thì chày sẽ có ngày con người và đất nước ấy bị lọt vô tay kẻ thù, ngoại bang tha hồ tung hoành lấn chiếm mà bành trướng.
Họ (tù "cải tạo") đã bị nhà nước xã hội chủ nghiã láo khoét tuyên bố:
- “đi học tập 14 ngày cho thông, rồi về”.
Thế nhưng… quá khứ ngục tù canh cánh bên lòng trỗi dậy; hy vọng mong manh, tự do bị vùi dập, lãng quên, một sự thiếu tình thương và chẳng hề thông cảm từ “phía nội thù” nằm ngay trước mặt. Yêu thương, thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm thì ở chân trời xa tít tắp. Để rồi hắt lại trong đời tù "cải tạo" sự buồn phiền, đố kỵ, lạnh lùng, câm nín dày vò... vì nghe theo lời khuyến dụ của "cách mạng thành công" mà chọn lầm chỗ, người tù sa cơ thất thế đã nằm gọn trên đe dưới búa, trong tay không có một khúc cây, ngỏ hầu tự vệ. Hóa ra, “chinh nhân chọn lầm một đất nước mới” mà “cấp lãnh đạo cao qúy” ấy chỉ biết dẫm đạp lên mọi người tù, để trả thù! Gợi lại trong lòng mỗi người bao hoài niệm bi hận về một giai đoạn lịch sử quá đau thương, nghiệt ngã, cay đắng xót xa ngậm ngùi của miền Nam Việt Nam khốn cùng, điêu linh khổ ải tang thương và bất hạnh sụp đỗ: Họ bị lọt vô cái bẫy sập tinh vi, độc ác, kinh dị nhứt thế giới.
Hàng hàng lớp lớp thanh niên trai tráng đã thừa kế tinh hoa dân tộc: khỏe mạnh, được tinh luyện trí thức tinh túy, cường tráng, ngày nay họ trở thành tù “cải tạo”, vùi dập đời trai đầy dũng khí và tráng kiện, như món hàng béo bở đồ sộ -đã ngã giá trong thương vụ quốc tế-. Ngược lại, qua những túm quà thăm nuôi eo xèo bé xíu đựng trong giỏ tre: mắm muối, đường thẻ, tôm khô, cá khô, bánh thuốc lào, nửa ký đường cát trắng, trăm gram cà phê… Tuy quà cáp rất đơn sơ ít ỏi, nhưng đôi khi sơ ý ngủ gục, vợ con của tù cũng bị cướp sạch trơn. Ai vô phước đeo bông vàng, đều bị giật đứt lìa tai, máu chảy ròng ròng. Thậm chí áo quần mặc trong người, nếu vô tình “lọt mắt xanh kẻ cướp” coi “bộ đồ gió, bộ đồ vía” polyester mới xỏ vô lần thứ nhứt, cũng bị bọn ấy trấn lột trắng trợn. Bạn tôi thế mà linh:
- Tao đi thăm nuôi tù chính trị, chớ có phải đi coi ca nhạc, hay đi ăn tiệc tùng gì, mà tao xum xoe diện áo quần bảnh bao. Hử? Khi trời tối canh ba, cướp ùa ra trấn lột hết, chỉ còn bộ đồ lót. Có may, thì nó quăng cho bộ đồ rách cụt ngủn, vợ tù khóc hu hu, đi chân đất tới thăm chồng. Khi đó thì mi tha hồ mè nheo nè:
Ngày xưa ăn nói dễ nghe,
Bây giờ cẳn nhẳn chua lè khó ưa.
Ngày xưa thích được mây mưa,
Bây giờ hạn hán hết ưa tù tì
Ngày xưa thường sánh vai đi,
Bây giờ chỉ thích năm ì xem phim.
Ngày xưa nhớ nhau đi tìm,
Bây giờ mặc kệ... con chim mất dzồi. (*)

* Chuyện thứ hai:
Anh Trần Công Thái (là con trai bác Cửu Trí quê làng Hưng Nhơn, Tổng An Thơ, Hải Lăng), anh tốt nghiệp trường Tây, rồi dạy học, sau đó anh động viên đi lính, trở về Tiểu Khu Tuyên Đức. Nhà anh ở Nam Thiên, khi đất nước vừa ngấp nghé phong phanh có danh nghĩa hòa bình, thì tối ngày 24 tháng Tư năm 75, anh ngủ ở nhà. Nửa đêm có nhiều người mặc đồ đen đội nón tai bèo, quàng khăn xanh đỏ tới nhà anh đập rầm rầm vô vách, gọi cửa tới tấp. Chị Thái hoảng hốt mắt nhắm mắt mở, bàng hoàng khi thấy súng ống lên nòng rốp rốp, lăm le chỉa trước ngực dân, họ xông vô nhà, chẳng thèm nói một câu phải trái, họ bịt mắt, lấy báng súng dụi sau lưng, trói thúc kéo anh xềnh xệt lôi đi. Chờ bọn kia đi khuất xa vô rừng, chị Thái chạy qua bên nhà láng giềng gần nhứt báo hung tin. Ai nấy đều lo sợ hãi hùng, chẳng biết khi nào đến phiên ta!? Mọi người bàng hoàng lo sợ hoang mang, vì cách mạng thành công giải phóng Đà Lạt trước Sài Gòn rồi đó! Sau ngày 30-4, một tốp người đi kiếm củi trong rừng sâu trở về phố, họ len lén hấp tấp tạt qua nhà báo chị Thái biết:
- Bà chị, ở miệt suối Cát Tiên có sáu nấm mồ mới đắp cạn chưa mọc cỏ, đã xông mùi thum thủm thúi, trên một nấm mồ kia có tấm áo đẫm máu đề tên: “Trần Công Thái”.
Chị vợ vốn dĩ là một người đàn bà tra trắn, lanh lẹ, lảy chảy, nghe tin chồng đã chết, ấy mà chị không dám vô nơi quỷ cốc thâm u, để xác minh tin chấn động? Sao họ giết anh Thái đẹp trai, nghèo, nghèo lắm, trên răng dưới đế giày. Anh hiền lành vui vẻ, bao dung và độ lượng. Anh chưa bao giờ làm mất lòng một đứa trẻ, anh không thiết gì ngoài việc thích dạy học, đam mê hội hoạ. Anh vẽ phong cảnh & chân dung sống động tài tình.
Người ta tụm năm tụm ba, xôn xao to nhỏ thì thầm bàn tán đủ thứ chuyện. Không ai giải được con số bí ẩn!? Sự về thiên đàng hay sa hỏa ngục, không ai tránh khỏi, chẳng ai biết trước sớm hay muộn. Duy có điều cái chết đến với anh Thái, đối với họ hàng thân quyến quá đột ngột, đầy kinh hãi không ai có thể tin “cách mạng” lại làm như thế! Khi đám con dại chín mười đứa nheo nhóc, rất cần cha chăm sóc, dìu dắt đến nơi đến chốn. Người thân, ngậm ngùi thương tiếc, bàng hoàng khi vĩnh viễn mất một người đáng yêu, đáng kính dường bao! Nhưng không ai dám hé môi than thở một lời nào. Vì, điều ấy... do cách mạng đã thành công rồi, thì trả thù dân tộc từ đó!?

* Chuyện thứ ba:
Một hôm, đang bới móc đống rác ở cuối chùa Hoàng Pháp (thuộc Huyện Hóc Môn), tôi nghe một tràng súng nổ dòn, thật diếc con ráy, khiến tôi giật mình lo sợ kinh khủng. Bộ đội, công an súng chĩa tới trước, chạy rần rần. Họ quát tháo kêu gọi nhau ầm ĩ báo tin:
- Thành Ông Năm có tù “sĩ quan Ngụy” trốn trại.
Tôi cùng năm bảy người dân đen ngơ ngác phút giây, rồi ùn ùn chạy đến bờ rào kẽm gai sát thành Ông Năm, ngóng cổ lên nhìn xem cảnh tượng rùng rợn xảy ra: Có một anh tù bị trói thúc ké, quần áo tù binh bê bết máu, tay anh ấy ôm bụng, khúc ruột trắng lòng thòng lòi qua kẽ tay. Anh ấy gò thân chậm bước, hình như không thể bước mà rệu xuống. Thì một công an trở báng súng giáng mạnh vô lưng anh ấy kêu "cái hự".
Một anh khác bị cột bởi sợi lòi tói cả hai tay chân và xỏ dưới cán tre. Không phải họ gánh anh ấy đi, mà họ lôi kéo anh ấy đi lệt xệt, lê theo vệt máu đỏ từ bả vai chảy tong tong xuống đất. Anh ấy giống con heo mọi bị đồ tể cột bốn chân gánh đi làm thịt. Bàn chân bầy nhầy, giơ bắp đùi mở toang hoang, lòi khúc xương nhọn trắng phếu. Toàn thân anh ấy nẩy lên, đập xuống tưng tưng. Đau đớn nhất có lẽ là chiếc đầu trí thức va cồm cộp vô những cục đá lởm chởm trên đường, đầu anh ấy luôn lắc qua lắc lại, kêu lộp độp. Mặt anh ấy tái méc, nhưng đôi mắt sáng quắc trợn lên, lông mày nhướng cao, quai hàm bành ra, môi nghiến chặt. Anh ấy không hề hé một tiếng kêu, dù chỉ tiếng than rít qua kẽ răng!
Lẽ ra bọn dân quèn chúng tôi còn được dòm xem "những pha tình cờ kinh hồn quái đãng" khác, nhưng có một tên cán bộ ngồi xổm đi “tè re tháo tỏng” ở lùm cây hồng tiên, gần chỗ đám dân ngu khu đen đứng, hắn đã phát hiện ra chúng tôi lấp ló bên mé rào thành Ông Năm, sợ dân thấy việc kinh khủng bị lộ, nên vụt đứng dậy, hắn la bai bãi, tay khoát lia lịa đuổi dân đi ra khỏi vùng ấy. Bọn tôi liền dzọt đi, vừa chạy vừa la ơi ới:
- Công an bạn dân đánh tù, bà con ơi.
- Bọn đó giết tù "cải tạo" coi ghê lắm...
Hai tên công an khác rượt theo chúng tôi, cho đến khi bị hàng kẽm gai chận lại, họ mới bắn phát súng chỉ thiên. Ban đầu nghe tiếng súng, tôi sợ hãi nằm úp mặt xuống đất, rất sợ bọn ấy hăng tiết vịt ria ẩu, mình sẽ lạc đạn. Nhưng sau khi ngước lên nhìn, tôi thấy chúng chỉ đứng lại bên trong hàng rào dây kẽm gai mà hù doạ, nên tôi kêu mấy bà kia đứng lên. Rồi chúng tôi trêu chọc bọn công an: người thì vỗ bụng dưới bồm bộp, người quay về phía họ tụt chút xíu quần đen ra, bà ấy chỉ chỉ vô mông, quẹt quẹt vô đít mình mấy cái, rồi vất tay về phía bọn công an, mà cười ha hả. Người thì lấy nắm tay bụm lại thoi thoi vô không khí. Còn tôi nhăn răng le lưỡi và giơ hai bàn tay ngược lại, làm cái kèn để lên miệng, lắc lắc mấy ngón tay nhúc nhích, chọc quê họ. Nghĩ lại tức cười... chúng mình già trên dưới "hai ba bó củi" cả rùi, nhưng đôi khi còn có những hành động "ngây thơ" như trẻ nhỏ, cũng quá vui vẻ và ngộ thiệt!
Ít lâu sau, toàn Huyện Hóc Môn biết tin mấy anh ấy bị trọng cấm biệt giam, bị tra tấn hành hạ dã man, tay chân mang gông cùm, gỗ dằm cứa vô da, thối rữa thịt, dòi bọ lúc nhúc ở hai cườm tay và mắc cá chân. Hai anh ấy bị nhịn đói, không hề được cho ăn uống, chẳng thuốc men, không hề có thứ gì... cho đến chết. Họ bị bắn, chỉ vì các anh đi hái rau “cải thiện” ở ngay trong những vòng kẽm gai trại tù, hầu ăn cho đỡ đói lòng. Do: Năm đồng đổi lấy một xu. Thằng khôn 'đi học', thằng ngu làm thầy. (1)

* Chuyện thứ tư:

Thuở ấy tôi đã có trí khôn, nhưng ưa thích hái hoa bắt bướm ngoài vườn rau, nghe ba tôi gọi con gái út vô nhà chào anh họ mới tới thăm. Tôi vô phòng khách, thấy chị Ấm (chị ở Huế và chồng chị đổi lên Đà Lạt. Thời gian hơn một năm đầu, anh chị Ấm tá túc ở nhà ba mẹ tôi, chị Ấm là con ông bác ruột, chồng chị là Trung tá Phạm văn Minh, An-ninh Quân-đội). Trong phòng khách còn có anh Xích ở dòng tu về nhà nghỉ hè, và một người đàn bà lạ. Do sự giới thiệu của chị Ấm, nên anh Xích mới quen biết với bà ta có đồn điền của Tây ở Xuân Lộc. Họ lên Đà Lạt đã ghé thăm ba má tôi. Hình ảnh đầu tiên khi tôi gặp mặt người anh họ: Anh trắng trẻo, cao ráo, trẻ trung, khá đẹp trai, mái tóc cắt cao bồng bềnh sóng gợn, anh ăn nói hóm hỉnh, hoạt bát, linh động, vui vẻ, lúc nào trên môi anh cũng nở nụ cười tươi, anh kể nhiều chuyện dí dỏm. Khiến tôi có cảm tình ngay với ông anh họ nầy.
Ngược lại bà bạn của anh Xích quá bình thường, có nghĩa là chị không đẹp, trông không sang, nét mặt chị già và xấu, thô thiển hơn anh tôi nhiều. Tuy rằng sau nầy bao lần dùng cơm chung trong gia đình, thì chị làm ra vẻ ngây thơ cụ... ưa nhõng nhẽo vòi vĩnh anh tôi đủ thứ, dù trước mặt người lạ hay thân, chị thích “bắt nạt anh một xí cho vui” mà coi vô duyên chi lạ. Anh thường hướng dẫn anh chị em chúng tôi nhiều điều hữu ích. Anh thấy tôi sớn sác lóc chóc, lại dốt toán và chữ Việt quá, anh thân thiện cóc đầu tôi cốp cốp. Nhưng tôi lì lợm không xoa đầu, không khóc, còn bu bám theo anh, ngụ ý lêu lêu anh "giống bà chằn kia”:
- Tại sao anh đi tu sắp ra cha, mà bỏ về?
- . . .
- Anh bị bà chằn kia bỏ bùa quyến rũ hả?
Anh cười vui vẻ xỉ ngón tay trên trán tôi, mà bảo:
- Ha ha... con nít biết gì, em đừng có lém lỉnh nha.
Sở dĩ ngày nay tôi biết làm thơ và viết văn, âu cũng nhờ một phần anh góp ý:
- Khi nào tới lớp Đệ Tam, Đệ Nhị, thì em nên bỏ trường Tây, ra trường Việt mà học "cho thông chữ quốc ngữ", anh khuyến khích vậy. Bài thơ "Tình Ươm Nắng" vu vơ đầu tiên, có anh dạy tôi biết cách gieo vần:
Mộng tương phùng ngời sáng
Cành cây rớt giọt sương
Nhớ ai tình mới nở
Bên thềm thơm nhánh hương.
Bầu trời xanh sắc biếc
Gió mát thoảng bên tường
Hàng phượng chim tìm bạn
Trước song gió thoảng hương.
Cúc đơm hoa mấy đóa
Rực rỡ đón mùa sang
Nhịp cầu thương mới bắc
Ngồi đây nhớ ngút ngàn.
Bên hè tình ươm nắng
Nhớ màu áo anh mang
Cành hương thơm mùi tóc
Hừng đông thấy rộn ràng. (2)
Có mấy lần gia đình tôi đi Ba Mê Thuột thăm họ hàng và đồn điền cà phê bạt ngàn của bác Hường (cạnh phi trường, chợ, và nhà thờ). Lúc tôi từ lớp Nhứt lên Trung-học ở Couvent, thì anh Xích có bằng cử nhân lâu rồi. Bỏ dòng tu, anh đi Sĩ-quan Trừ-bị Thủ Đức, tốt nghiệp khóa 2. Tôi lớn khôn có gia đình, thì anh Xích lần lượt thăng lên Thiếu tá, Trung tá trong Quân-lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày anh làm Tỉnh Trưởng Tỉnh Gia Định, sau đó làm bên Giám Sát Viện, thì anh em chúng tôi người chân trời kẻ góc biển. Kể từ đó thân nhân thực sự xa cách nhau dài lâu. Tuy thế, thông qua đại gia đình thân tộc, chúng tôi đều biết tin về nhau cả. Đến ngày mất miền Nam, anh Xích vượt biên ở Rạch Giá, chẳng may bị bắt, họ đưa anh lên trại tù quân khu, canh giữ anh rất chặt chẽ từ năm 1977. Sau 1978 trại tù dời về vườn Đào thuộc Xã Mỹ Phước Tây, Huyện Cai Lậy, Tỉnh Mỹ Tho. Tôi đi thăm nuôi chồng. Bất ngờ nghe tin anh Xích bị biệt giam cay nghiệt nơi đây, lòng tôi cảm thấy đau buồn và thương anh biết bao! Tôi nghe chồng nói lại:
- Anh Xích "khả sĩ tử bất khả nhục" ở tù, do anh có lập trường kiên định, cứng rắn, anh không chịu cúi đầu khuất phục bọn ngu dốt lên làm vua, cỡi đầu cỡi cổ, vì anh có tấm ảnh đã chụp chung với Tổng Thống Diệm, nên anh bị cán bộ đánh đập tàn nhẫn, dã man, anh bị nhốt trong cornex thường xuyên. Tối hôm đó có hai bạn tù đi lên trạm xá xin bác sĩ cấp cứu một người ở trong lán trại bị đau nặng. Họ nhìn thấy tên cán bộ cẩn thận mở ba lớp khóa ở cornex hừng hực nóng, hắn nói:
- Tôi tha cho anh, hãy đi đi.
Tưởng thật, anh Xích bước đi trước độ chừng năm mét, thì hắn nổ một tràng súng bắn từ phía sau lưng anh. Hắn tri hô lên:
- Tên nầy trốn trại! Tôi bắn đấy.
Trong trại tù ai nấy đều rụng rời nghe hung tin, nhưng không một ai tin về điều cán bộ nói. Vì tù "cải tạo" đều biết anh Xích hiện đã bị nhốt "trọng cấm" ở trong xà lim, nơi cornex có nhiều lớp khoá kín bưng, con ruồi bay không lọt vô trong, huống hồ gì anh là một người cao to dường ấy, nếu anh có được thả ra khỏi xà lim, chắc chắn anh thất thểu rệu rạo chập choạng bước đi không vững, vì anh đã bị cùm hai chân, lâu ngày, có thể bại xuội, làm sao anh thoát ra ngoài với từng ấy ổ khoá ngược, mà chạy trốn trại?

* Chuyện thứ năm:
Những buổi chiều gần cuối tháng Sáu năm 1976 tại đảo Phú Quốc, theo lịnh của cán bộ thì mỗi người tù đều phải gò một chiếc xô nhôm, có nắp đậy kín, chiều cao độ 30cm, đường kính độ 18cm, để mỗi cá nhân ngồi, và tiêu, tiểu, tại chỗ trên tàu thủy. Luật nghĩ: "Có lẽ chúng lại cho dời tù đi đâu đây". Trời mưa tầm tả không lúc nào dứt hạt, thế nhưng trên đoạn đường dài khoảng chừng hơn ba cây số từ trại Bốn; đoàn tù trong các lán trại tù lũ lượt đi ra cảng Phú Quốc, đông đúc di chuyển về đất liền. Bởi vì Luật đã bị sốt rét da vàng rất nặng, rét run lập cập, nên anh không thể dễ dàng di chuyển. Luật đứng lại gò lưng thở dốc, phải nhờ anh Đinh Văn Sinh mang vác dùm ít đồ đạc cá nhân. Đoàn tù lội bì bõm trong sình lầy, Luật đi không nỗi, bị té chúi nhũi vô một anh tù khác. Chính đó là anh tù Kha Tư Giáo. Hai người mỉm cười gật đầu chào nhau.
Luật gượng đứng lên cùng anh Giáo khập khễnh đi ngang hàng, sát cánh dìu nhau chập choạng bước. Luật nhìn thấy hai tay anh Giáo đã bị bẻ quặp ra sau lưng, khóa chặt bởi hai cây thanh gỗ to hình chữ nhật, chiều ngang 20cm, chiều dài 40cm. Hai thanh gỗ đục thành một cái lỗ hình tròn, chỉ vừa xỏ hai cánh tay anh Giáo vào đấy, và đóng kín bằng một ổ khoá bự sư. Thanh gỗ dài mới rất nhám không bào, còn lởm chởm những dằm nhọn cứng tua tủa cứa vô da thịt, mỗi khi anh Giáo dợm bước đi, thì máu và những cục mủ lầy lụa tươm ra. Mùi hôi thối quanh hai cánh tay anh Giáo xông lên nồng nặc, hôi thối kinh khủng, không thể nào tả nỗi. Nhưng, điều mà Luật quá sức rợn người, cảm thấy như chính mình đau đớn tột độ, (chứ dường như không phải là anh Giáo đang gánh chịu nhục hình khốn khổ kia): Đó là những con ruồi xanh u u u vẫn bay lượn, những con dòi lớn có, nhỏ có, dòi trắng hếu lúc nhúc rúc rỉa bu quanh hai cánh tay anh Giáo. Cũng có con dòi bò lên vai, lên cổ, hoặc nó lả tả rớt xuống mặt đường. Thế mà Luật chỉ thấy anh Giáo nghiến chặt hai hàm răng, anh lặng lẽ cất bước, không hề hé miệng than thở một lời nào. Luật rất khâm phục, vô cùng quý mến và kính trọng về cung cách và bản lãnh của anh Kha Tư Giáo.
Lúc đoàn tù chui xuống hầm của chiếc tàu thủy to tướng tối đen lềnh bềnh nước, lòng tàu rất chật chội, do nhốt khoảng vài ngàn người dưới đáy, nên gần như ngợp thở, thì Luật không biết anh Giáo đứng ngồi, hoặc nằm ở xó nào. Cán bộ bắt tù gò một cái bô, là để tự mình ngồi suốt ngày đêm trên đó, và đái ỉa tại chỗ, là vậy! Đi lênh đênh trên biển như thế chẳng biết mấy ngày. Khi đoàn tù lên bờ di chuyển bằng xe Molotova bít bùng về tới Long Giao, thì chẳng hiểu sao anh Giáo lại nằm sát cạnh bên Luật.
Đoàn tù đến ở trại tù Long Giao quá đông, nên tất cả tù phải nằm sắp lớp sát rạt như cá mòi, họ đều nằm nghiêng mình về một phía như nhau suốt cả đêm, thì mới có đủ chỗ nằm. Tù nằm im một chỗ chừng vài giờ như thế, thì cùng bảo nhau trở xoay qua một chiều khác, cho đỡ nhức mỏi. Lúc đó anh Giáo nằm ở phía ngoài cùng cạnh Luật, vì anh Giáo vẫn bị cùm ở hai cánh tay, khó cử động, xoay trở, nên anh Giáo đã ôn tồn bảo Luật:
- Làm phiền bạn đỡ dùm tôi trở dậy, cho tôi xoay qua bên kia chút nào.
Luật mỉm cười ngồi dậy lặng lẽ làm y lời anh Giáo yêu cầu, sau đó đa số anh em không thể nào chợp mắt. Họ nằm bên nhau thì thầm chuyện trò to nhỏ. Anh Giáo đã kể rõ cho mấy bạn nằm gần gần chung quanh lán trại nghe:
- Khởi đầu tôi bị biệt giam khốn khổ tra tấn dã man vô cùng, là thế nầy: Ban đầu có một “thằng cần câu” nào đó trong đám tù chúng ta, đi méc với cán bộ : "tên Kha Tư Giáo đã hát nhạc vàng".
- Thì tôi cười mà nói:
- Hát là hát ca cho vui xí, chứ nhạc vàng, nhạc đỏ gì đâu!
- Thế là từ đó trở đi... họ nói tôi có tài hùng biện, giỏi lý luận, tiếp sau tôi bị “đì” tới bến; mới sinh ra đủ thứ chuyện oan khiên! Cán bộ đưa cho tôi một gram giấy pelure dày cui, bắt tôi ngồi tại chỗ viết ra, phân tích, so sánh về lý thuyết Karl Marx. Tôi đã phân tích tỉ mỹ hai chế độ: miền Nam & miền Bắc, bên đúng, bên sai. Rồi đến chuyện tôi thẳng thắng đốp chát, hùng hồn tranh luận về lý thuyế́t cộng sản trực tiếp với Võ Đông Giang. Xong xuôi sau đó... a lê hấp tôi bị cùm mục gân!
Anh Giáo dõng dạc từ tốn kể rất tỉ mỹ chuyện anh đã tranh luận, phân tích mọi khía cạnh của từng vấn đề ra sao! Hầu như những anh tù nằm gần bên đều im lặng lắng nghe như thế, không ai ngủ ngáy gì được! Ngoài hai cánh tay bị dòi rúc, máu mủ lầy lụa, trơ lòi ra khúc xương trắng thành một vòng tròn theo cái "cùm" (còng) gỗ ra, Luật nhận thấy anh Giáo vẫn khỏe mạnh, trí óc anh minh mẫn, anh ăn nói lưu loát, đàng hoàng chững chạc, trí thức, từ tâm và độ lượng. Nhưng anh Giáo rất trực tính, anh không hề có dấu hiệu nào là người “khùng” hay điên dại đau ốm gì.
Khoảng hơn bốn giờ sáng (của một buổi đầu tiên khi vừa đặt chân lên đất liền, vô ở lán trại Long Giao một đêm nầy thôi), thì có một tốp bộ đội tới ngay lán trại, họ kêu anh Kha Tư Giáo đi. Ngoài trời vẫn còn tối mịt, Luật không biết họ dẫn anh Giáo đi đâu! Độ chừng bảy giờ sáng ngày hôm đó, thì cả trại bàng hoàng, rụng rời, băn khoăn, lo lắng khi nghe tin anh Giáo đã chết!? Nhiều nghi vấn cho rằng anh Kha Tư Giáo đã bị chích thuốc độc. Một người bạn cùng tù ở đội 2 của trại 4 Long Giao với Luật tên: Lê N Ẩn luôn nhắc nhở anh em bạn:
- Sau nầy, chúng ta sẽ cố gắng lập một nhóm bạn, đến ngày 30 tháng 6 mỗi năm là làm giỗ: để tưởng nhớ anh Kha Tư Giáo. Đồng thời anh tù Phong đã làm bài thơ lưu truyền rất nổi tiếng trong giới tù ca Xuân Lộc:
Chúa Nhật của người tù. Chúa sao không đến thăm!
Người tù ngồi đập đá giữa cơn rét căm căm.
Chủa Nhật của người tù có bao giờ được yên.
Ngày làm không kịp thở dưới họng súng vây quanh.
Chúa nhật của người tù Chúa sao không đến coi.
Áo quần tơi tả, bước như những bóng ma trơi.
Chúa Nhật của người tù có bao giờ được nghe.
Hồi chuông nhà thờ đỗ, thay tiếng quát liên hồi!
Chúa Nhật mùa Xuân thay trâu kéo cày
Chúa Nhật mùa Hạ vào rừng lấy mây.
Chúa Nhật mùa Thu lên núi kéo gỗ
Chúa Nhật mùa Đông lên cơn rét rừng.
Chúa Nhật người tù Chúa sao không đến cho
Người tù ôm bụng đói ước một bữa cơm no.
Chúa Nhật của người tù muốn đêm về thật mau.
Nằm lịm trong mộng cũ mơ những Chúa Nhật nào...

 

* Chuyện thứ sáu:Trại Tù “cải tạo” Đại Lợi.
Bác Hồ chết phải giờ trùng.
Nên bầy con cháu dở khùng dở điên.
Thằng tỉnh thì đã vượt biên.
Những thằng ở lại nửa điên nửa khùng. (*)
Chỉ là thế thôi. Anh ra đi “cải tạo” tù tội mút chỉ cà tha, anh đã vất lại gánh hành trang quá nặng trên vầng trán nhăn nheo già nua cuả mẹ, trên đôi vai gầy khô đét cuả vợ, trên bờ môi héo hon cuả con trẻ dại khờ. Ngày ngày mặt trời bừng lên soi dọi mọi xó xỉnh, nung đỏ mặt đất, đè nặng hoàng hôn với bóng đêm buông về hừng hực hơi nóng muốn lột da! Bao năm sống trong quá khứ ngục tù “cải tạo”, hy vọng và tự do vẫn nằm ở chân trời xa xăm, có thể còn đầy gian truân thử thách đã bị lãng quên, nay bùng trỗi dậy. Một thời lừng danh rạng rỡ huy hoàng đã hết, nay anh phải dùng những viên thuốc ngủ bé tí xíu, để xoa dịu cơn đau tâm hồn & thể xác. Vì thực tế "người nuốt những hờn căm"...:
Vàng phai trên thanh gươm.
Người mái tóc điểm sương.
Ngựa tung vó trong mưa buồn trên quê hương sầu thương.
Đường mây vỡ tan thành mộng trong cô đơn còn mơ sa trường.
Bóng xô nghiêng hoàng hôn.
Mài gươm trong cô đơn.
Người nuốt những hờn căm.
Ngựa nuôi móng non thay bờm trên quê hương cuồng giông.
Đường xa dẫu xa muôn trùng trong đêm nay ngựa phi sa trường.
Bóng dõi bóng quê hương.
Chiến mã đã đến sát dòng sông đêm quê hương mênh mông.
Sao chưa hừng đông?!
Chiến mã rất khát miếng nước trong trên quê hương tang thương
Ai qua trường giang...!? (Trần Lê Việt)
Chao ôi! Làm thế nào được khi chiến mã đến sát giòng trường giang trên quê hương nầy, chỉ còn là dòng sông cạn và đục ngầu. Dẫu qua bao mùa giông bão, chiến mã vẫn khát miếng nước trong! Không còn cảnh "đem đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo"*. (*Nguyễn Trãi). Có câu sau mà ai đó đã nói rất chí lý: “Phẩm giá con người được tôn trọng trong sự hoàn thiện và cao trọng”. Thế nhưng ở thời buổi mất hết tất cả nầy, nay chỉ ùn ùn mọc lên: Một trong muôn vàn trại tù khủng khiếp nhứt tại đất nước đã mang danh hiệu “thống nhất, hoà bình và tự do”, thì quả thật đã có trại tù Đại Lợi (một cao ốc của Mỹ bỏ lại) nằm chình ình ngay ở thành phố Sài Gòn, sát nách bên khu chợ ông Tạ. Con đường ấy ngày nay đã đổi tên lại: Phạm Văn Hai.
Nơi trại tù Đại Lợi có quá nhiều phòng giam nhỏ trên một cao ốc năm từng lầu. Mỗi phòng giam làm bằng vật liệu nặng kiên cố bê tông cốt sắt, mỗi phòng có chu 3 x 4 mét, mỗi phòng có một cái xô nhựa lớn, có nắp đậy, dùng để cho tù đi tiêu, đi tiểu sau năm giờ chiều. Mười người hoặc mười bốn người tù bị nhốt trong một phòng kín như bưng, có song sắt to chắc chắn, và dĩ nhiên có sợi xích sắt to bằng nửa cùm tay chạy vòng quanh những song cửa sắt, cuối cùng còn chấn thêm ổ khóa bự sư. Một tù đã bó gối buồn bã ngâm nga:
Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái;
Cái công danh là cái nợ nần.
Nặng nề thay hai chữ quân thân,
Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ!
Cũng rắp điền viên vui thú vị;
Trót đem thân thế hẹn tang bồng.
Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung,
Hết bốn chữ "tinh trung báo quốc".
Một mình để vì dân, vì nước,
Túi kinh luân từ trước đến nghìn sau,
Hơn nhau một tiếng công hầu. (Nguyễn Công Trứ)
Ngay sau đó mươi lăm phút, tên quản giáo chẳng thể hiểu thơ văn trứ danh của thi sĩ, đã phán cho anh tù tội “có mưu đồ dùng thơ lôi kéo tù phản động”. Anh tù chưa kịp há hốc miệng, chẳng hề cự nự, liền bị bốn công an súng ống nai nịt điệu đi lên tít tóp trên trần thượng, nơi cao chênh vênh tha hồ bọn họ đánh đấm hành hạ dã man…Tù sưng húp mặt mũi, máu me lênh láng, tù bị còng tay cùm chân, tự chui vô trong cornex bịt bùng, mấy ổ khoá bự sư siết bên ngoài cánh cửa ti hí, nóng hầm hập suốt ngày đêm, và dĩ nhiên anh tù đói khát triền miên đó là Quốc, Trung Úy Thủy Quân Lục Chiến, cháu cuả tôi. Úi chao! ở thời buổi nầy cháu có điên không, mà ca với ngâm làm gì cho đau đớn khổ vậy cháu ôi!
Mùa hè tù nhân ở trần, họ chỉ mặc mỗi cái quần xà lỏn, ấy thế mà trong phòng vẫn nóng như nằm trên cái chảo nung đỏ lửa. Mỗi buổi sáng, sau khi một anh tù (đến phiên trực ban), có bổn phận khệ nệ xách cái xô nhôm, lò dò đi xuống những dãy lầu Đại Lợi, tù đem xô nước cứt đái ra đổ trong bồn chứa to ơi là to, để tưới rau xanh. Cũng từ cái xô tráng rửa qua loa đó, (vì khan hiếm chả có xà bong, không sẵn có nước máy, giếng khô cạn). Họ rửa cái xô nầy đựng nước tắm, đôi khi thiếu vật dụng, cán bộ sai tạp dịch dùng xô ấy, xách nửa xô canh rau lều bều lỏng bỏng lên lán trại, cho tù chan vô chén bo bo ăn cầm hơi cả ngày. Tù thì thầm bảo:
Ở với Hồ Chí Minh.
Cây đinh phải đăng ký.
Trái bí cũng sắp hàng.
Khoai lang cần tem phiếu.
Thuốc điếu phải mua bông.
Lấy chồng nên cai đẻ.
Bán lẻ chạy công an.
Lang thang đi cải tạo.
Hết gạo ăn bo bo.
Học trò không có tập.
Độc lập với tự do.
Nằm co mà hạnh phúc! (*)
Nếu công an bắt ai, thì ít khi lầm. Mà, lỡ có lầm, thì cứ nhốt ít nhứt vài ba năm, để “lao động là vinh quang”, và theo dõi. Thậm chí nếu người ấy chưa biết “giác ngộ”, chưa “phấn đấu tốt”, chưa “học tập tốt”, không “thành thật khai báo”, chưa “đả thông tư tưởng”, chưa sửa đổi bản thân, hay không làm “cần câu” điềm chỉ, a lê hấp cho vô tù mút mùa lệ thuỷ, không về nữa. Nghe ra chữa?

* Chuyện thứ bảy:
Mỗi lần có dịp đi ngang qua tiền đồn Xà Bang nằm cạnh Liên Tỉnh Lộ số 2 (LTL2), nối liền từ Ngã 3 Tân Phong, Quận Xuân Lộc, Tỉnh Long Khánh đến Thị Trấn Bà Rịa, Tỉnh Phước Tuy. Xà Bang cách Bà Rịa 28Km về hướng Bắc Đông Bắc và cách Xã Cẩm Mỹ 6Km về hướng Nam, vùng Long Khánh, để thăm chồng ở trong trại tù nầy, tôi không thể không hồi tưởng và tiếc nhớ những vị anh hùng khả kính tận tụy vì dân vì nước, đã hy sinh cho tổ quốc sống còn. Cho đến phút chót, khi vĩnh biệt cõi đời ô trọc, chiến sĩ ấy cũng âm thầm về trong khuya muôn trùng lạnh lẽo. Có thể họ âm thầm phù giúp bạn đồng-cam chịu khổ chút tình tri ngộ chăng? Huyền thoại về bức tượng “Tiếc Thương” của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu (sĩ quan trừ bị Thủ Đức, khóa 13) há chẳng phải là một bằng chứng cụ thể hay sao?! Cư dân địa phương gần quanh vùng nghĩa trang Quân-Đội Biên-Hoà, há chẳng luôn luôn đồn đãi về chuyện anh hạ sĩ Võ Văn Hai đi lính Nhảy Dù. Dường như anh muốn nhắc nhở chúng ta tưởng nhớ đến các chiến sĩ trận vong, nghĩa tử là nghĩa tận mà! Cư dân địa phương thường rù rì kháo nhau rằng:
- Dưới ánh trăng ngà khuya khoắt, có người chiến sĩ mặc quần áo trận, đầu đội nón sắt, mang giày đinh, lưng đeo la lô, từ trong bức tượng "Tiếc thương" anh lính ấy đỉnh đạt bước từng bước trên bệ đá đủng đỉnh xuống đồi, băng qua đại lộ, anh ấy chỉ đến gõ cửa nhà của một bà cụ. Khi cụ bà mở cửa ra, chiến sĩ ấy cúi đầu chào, lặng lẽ cầm bi đông trên bàn tay trái, anh ấy giơ bi đông ra, xin bà cụ nước uống. Ban đầu cụ bà hoảng sợ, ngập ngừng toan lùi bước. Nhưng sau nhiều lần, cụ bà vẫn thấy chiến sĩ ấy xuất hiện, cúi đầu im lặng, trầm buồn, âm thầm không hại ai. Cụ bà xúc động, vội vàng trở vô nhà, cụ niềm nở ân cần rót nước, đem ra cho người lính đơn độc. Thương lắm thay! Cụ bà ngẩn ngơ đứng nhìn anh từ từ quay trở lên trên đồi hoang vắng.

Giòng tình cảm đã, đang, còn ùa về chảy qua trong đời tôi, mình cảm thấy luôn hổ thẹn, dày vò, băn khoăn, bâng khuâng bao bất nhẫn về quá nhiều hình ảnh sống động không thể gội rửa, xóa sạch... Lúc nầy đôi chân tôi không còn sủng ái tin tưởng lẫn nhau, nên một trong hai bàn chân kia đã giận dữ, tự nhô lên hụp xuống, nếu chân nầy chấm, thì chân kia phản nghịch lại phết, làm tôi mệt nhoài run rẩy, chới với nghiêng ngả hoài. Cứ như thế mà hai đầu gối lập cập bò lết trong cõi đời ô trọc. Chính “xéc” là “hai thằng chân” đã “phẻn” đối cái bản thân tôi nặng quá tải đang nhún lên nhún xuống trong đời sống bốc lửa.

 

Ngày Anh Đi
Nhạc & lời: Trần Thiện Thanh
Giọng hát: anh Trần Đình Phước

 


***


Tình Hoài Hương


Thơ Tình Hoài Hương
Lượm lặt sưu tầm đó đây trên Net
Thơ và nhạc: Trần Ng Phong.
Lời & nhạc: Trần Lê Việt

__________________________________________

 
Bút trần nào tả được lưu luyến!
Thơ trần đành cam chịu vô duyên...

Tình Hoài Hương

 

Ý kiến cho bài đọc xin nhấn vào đây => (Các Trại "Tù CẢI TẠO" - Tình Hoài Hương)

Rate this item
(0 votes)