Login to your account

Username *
Password *
Remember Me

Câu Chuyện Tù... Số Mạng - Nguyễn Như Ý

Posted by December 06, 2018 3676
LTS. Sau tháng Tư 1975 tại Việt Nam , người viết loạt bài này từng lãnh án tử hình vì bị kết tội “phục quốc.” Đúng như quẻ bói đoán trước trong xà lim tử hình, người tù được giảm án xuống chung thân, hơn 8 năm sau, giảm thành 20 năm. Rồi nhà tù ăn có chính sách đổi mới, cũng đổi mới bằng cách cho tù đi phép để thâu tiền, người tù tử hình về nhà, và duyên số... 

***

1. Án Tử Hình

Tôi lập gia đình năm 1977, vợ của tôi là cô bạn học chung lớp từ thuở lớp 10. Từ tình bạn đồng môn ban đầu, hai năm sau, năm lớp 12, một ngày nọ, bất chợt nhìn thấy ở cuối lá thư của nàng nhờ bạn học lén chuyền cho tôi trong giờ học, nội dung thư cũng chỉ là những chuyện tào lao, ta ri... ta ra... của tuổi học trò như hàng trăm lá thư mà chúng tôi đã gởi cho nhau trước đó, nhưng ở cuối thư nàng lại chấm dứt bằng ba chữ mới tinh: Em yêu anh! 

Nàng đã ngỏ lời yêu tôi trước, còn tôi lại cúi đầu run run e lệ, thẹn thùng, ngoẻo đầu, cắn móng tay... chấp nhận. 

Quen nhau năm 70, yêu nhau năm 72, nhưng mãi hai năm sau ngày “bể dĩa, tan hang” tháng Tư 1975, chúng tôi mới cưới nhau tháng12-1977. Không may, duyên số của chúng tôi lại quá ngắn ngủi vì đến tháng 4-1979, khi con gái đầu lòng của chúng tôi mới 8 tháng tuổi thì cả hai chúng tôi đều bị bắt vì tội "Chặt tre, chống Trời" (Chính trị) ! 


Hình minh họa


Khi ra tòa, tôi bị lãnh một bản án kinh hoàng: Tử hình! Còn vợ tôi, tòa án xét vì cô ấy chỉ làm theo lời chồng và con gái của chúng tôi còn quá nhỏ, cần phải có mẹ nuôi dưỡng nên đã tuyên cho cô ấy một bản án tù ở bằng đúng với thời gian tạm giam cho tới ngày ra tòa, nghĩa là trả tự do ngay tại tòa ngày tuyên án.

Trong biệt giam tử hình, tôi có một người "bạn tù" cùng mức án, đã ở trong đó trước tôi và chờ ngày thi hành án là chú Ba P. tức là Tr/Tá Đinh Văn P. .

Sau ngày 30/4/1975, chú Ba đã không chịu ra trình diện mà còn dẫn cả một đoàn quân hỗn hợp đủ mọi quân binh chủng thuộc QLVNCH vào rừng, lập ra một chiến khu kháng chiến chống chính quyền CS.

Hơn một năm sau, vào đầu năm 1977, khi mật khu kháng chiến bị bao vây tấn công và tan rã, chú Ba bị bắt tại chiến trường, vì mải mê chiến đấu mà quên chừa lại viên đạn hay quả lựu đạn cuối cùng cho bản thân chú! 

Vì là bạn đồng chí & đồng cảnh nên chúng tôi rất mau chóng thân thiết nhau. Chúng tôi vẫn bình tĩnh, vui vẻ sống trong một hoàn cảnh mà giờ đây khi nhớ lại, tôi vẫn còn rợn người, không thể hiểu được vì sao chúng tôi lại tỉnh bơ khi cái chết cận kề đến như vậy?

Cho đến một ngày kia, bên ngoài nổi cơn giông. Sau một hồi sấm sét rung rinh đất trời, cơn mưa tầm tã đổ xuống ầm ầm tưởng chừng như không bao giờ dứt. 

Tôi ngồi bó gối, ngước lên khe cửa sổ tí xíu nhìn ra ngoài trời mưa gió...nhớ lại hoàn cảnh của bản thân, nhớ tới vợ con, nhớ tới gia đình...tự nhiên tôi tuôn nước mắt trong lặng thinh. Dưới ánh đèn bóng vàng vọt của cát-xô, chú Ba trông thấy tôi như vậy, ông buột miệng: 

- Sao tự nhiên chú em có vẻ nản chí như vậy, chú em có chuyện gì mà buồn vậy? 

- Sao không buồn được chú Ba, chuyện mong ước chưa thành, chưa làm được điều gì cho dân tộc mình nhờ, chưa xong bổn phận với gia đình, vợ con; mới có hai mươi mấy tuổi đầu thì bản thân cháu đã lãnh án tử, nằm chờ ngày chết ở pháp trường thì làm sao mà cháu không buồn? 

Đang nằm, Chú Ba bật ngồi dậy, nhìn thẳng vào mặt tôi chăm chú một hồi rồi ông khẽ khàng nói: 

- Chú em yên tâm đi, chú em không bao giờ chết vì cái bản án tử hình này đâu, đừng có nản chí. 

- Trời đất, tòa đã tuyên án tử mà cháu thì không làm đơn xin tha tội chết, như vậy thì nay mai, sớm muộn gì tụi nó cũng sẽ xách cháu đem đi bắn là cái chắc rồi, làm sao mà cháu không chết vậy Chú Ba? 

- Tao nói chú mầy không chết đó! Nếu muốn biết chắc chắn thì mình xích ra xa nhau một chút cho trống chỗ, tao coi cho chú mầy một quẻ là biết liền. 

Sở dĩ ông nói vậy vì chúng tôi nằm trên nền tráng xi măng, cùng bị cùm hai chân vào một thanh sắt, hai tay của chúng tôi đều đeo đồng hồ Omega (còng số 8). 

Do căn biệt giam quá hẹp, muốn có một chỗ trống giữa hai người, chúng tôi phải dọn dẹp bớt những tư trang ít ỏi, những keo hũ lọ đựng thức ăn gia đình đã thăm nuôi mới có được một khoảng trống cỡ một mặt bàn học trò mẫu giáo. Ông kêu tôi khấn vái một câu gì đi rồi nói cho ông biết, căn cứ vào đó, ông sẽ coi cho tôi một quẻ. Và tôi đã khấn: 

- Cầu xin Trời Phật, những vị khuất mày khuất mặt... cho con biết tương lai, hậu vận của con ra sao. 

Chú Ba dùng chai dầu gió Song Thập viết dòng chữ này xuống nền xi măng, khoảng trống mà chúng tôi vừa tạo ra, rồi chú gạch gạch, xóa xóa, viết ra thành một dề số chi chít, kín cả tấm bản xi măng. Sau mươi phút im lặng, nhìn vào dề số chằng chịt đó, mặt ông dãn ra, tươi hẳn lên, ông thở một cái khì như cậu học trò vừa giải đúng được một bài toán khó. Chú nói: 

- Chuyện đầu tiên tao muốn nói với chú mầy là tao xác định chú mầy sẽ không chết trẻ như vầy đâu. Mạng của chú em mầy rất lớn vì nhờ luôn có ông Quan Đế Thánh Quân với lại nhiều vị Ơn Trên phò hộ. Chú em mầy thọ ghê lắm, tới gần ngót nghét một trăm tuổi lận đó! Hồi nhỏ thì hơi khó nuôi nhưng càng già thì càng mạnh giỏi, không có bệnh tật gì tầm bậy tầm bạ như người khác đâu. Từ bây giờ cho tới đó, có bỏ chú em vô cối mà giã thì chú em cũng văng ra, sống khỏe re. Bây giờ là tháng tư âm lịch phải hông, tới tháng mười, tức là sáu tháng nữa thì chú em sẽ thấy kết quả cụ thể là chú em sẽ không chết. Rồi đó, coi như chú em biết mình sẽ còn sống dài dài. Hễ còn sống tới già thì còn rất nhiều chuyện phải lo, vậy chú em muốn biết thêm chuyện gì nữa đây? 

Không biết có phải vì trong hoàn cảnh tuyệt vọng nên khi tôi quớ được lời phán tiên tri đầy lạc quan của Chú Ba, kể từ giờ phút đó trở đi, tôi trở nên phấn chấn, yêu đời hẳn lên vì tin chắc chắn vào một tương lai tươi sáng (đã thoát chết án tử mà lại còn sống dai nữa) đang chờ đón tôi. Tôi vui vẻ hỏi: 

- Vậy chú Ba cho cháu biết chuyện gia đình, vợ con cháu sẽ ra sao đi? 

Nghe tôi hỏi như vậy, Chú Ba lại cắm cúi nghiên cứu tiếp, một lúc sau, chú trầm ngâm nói: 

- Chú em mầy không có duyên nợ lâu dài với vợ con lần nầy đâu! Vợ chồng, con cái đều... khắc tử với nhau. Nếu ở gần nhau thì vợ chồng, con cái tụi bây sống chưa nát tấm chiếu là sẽ bị mất mạng đó. Con gái của hai đứa bây cũng vậy, nó khắc với cha mẹ ghê lắm. Cái số của nó là phải làm con nuôi của người ta, nó mới không gây hại số phần của cha mẹ và mới nên người được. Sau nầy khi lớn lên, nó vẫn biết chú mầy là cha của nó nhưng nó sẽ không ở chung nhà mà chạy đi, chạy về thăm chú mày thôi. Nói là con nuôi người ta nhưng những người đó cũng là ruột rà, máu mủ gần như cha mẹ ruột của nó vậy. 

(Mãi sau này, tôi mới biết tin là khi chúng tôi bị bắt, vợ chồng người anh hai của vợ tôi đã đón con gái tôi từ nhà ba má vợ tôi mang về nuôi luôn, cho tới khi gả chồng năm nó 22 tuổi. Anh chị của vợ tôi chỉ có hai đứa con trai nên yêu thương, nuôi dạy nó như con ruột, nhưng khi nó vừa có đủ trí khôn, anh chị đã cho biết nó là con nuôi và đúng ra nó phải gọi anh chị là cậu mợ!) 

- Còn vợ của chú mầy thì... nói thật chú mầy đừng buồn, thím nó không có số sống gần chồng con! Hiện thím được thả ra rồi nhưng không có ở gần để nuôi dạy con đâu. Thím nó đang bôn ba kiếm sống xa nhà lắm, rày đây mai đó, đầu đình xó chợ mới có cái ăn qua ngày. Chú mầy đừng buồn, đừng tự trách bản thân đã thiếu trách nhiệm với vợ con. Tao nghiệm trong lá số này, biết chú mày rất thương vợ con và rất nặng lòng muốn lo cho vợ con, nhưng chỉ tại vì cái số của tụi bay là như vậy đó. Trời định rồi, không cãi lại được đâu! 

Và cũng rất lâu về sau, khi gặp mặt gia đình lúc được thăm nuôi, tôi mới biết vợ tôi khi đó đang đi theo một đoàn hát cải lương nhỏ của tư nhân, bán và soát vé vào cửa, vì vậy nên không thể mang con theo mà phải tiếp tục để nó lại cho anh chị hai nuôi và dạy học cho nó. 

Anh chị hai của vợ tôi trước 75 là hai nhà giáo dạy Trung học đệ nhị cấp. Anh bị động viên đi SQ Thủ Đức, cấp bậc & chức vụ sau cùng là Đ/úy chỉ huy phó Căn Cứ tồn trữ nhiên liệu Gò Vấp, cục Quân Nhu /QLVNCH. Sau ngày mất nước, anh bị đi tù cải tạo hơn ba năm, khi trở về thì nhà cửa, cơ ngơi đã bị tiếp thu nên anh phải sống tá túc trong nhà ba má vợ tôi, ngày ngày cùng chị làm những công việc lao động không tên để nuôi sống bản thân anh chị và hai đứa con trai và con gái tôi. Sau đó anh chị bị bắt buộc đi kinh tế mới tận vùng rừng sâu, nước độc Dương-Minh-Châu, Tây-Ninh. 

Đây lại là một câu chuyện dài có dính dáng, liên lụy tới vợ chồng, cha con tôi. Xin sẽ kể lại đoạn sau này. 

Thấy tôi ngồi im lặng không hỏi thêm điều gì nữa, biết tôi đang bị nhiều điều đau đớn cào xé tâm can, chú Ba nói tiếp tới như muốn giúp tôi quên đi cái số phần quá hẩm hiu, đen đủi, oan trái của gia đình và bản thân tôi: 

- Tao nói chú mầy đừng có buồn nữa, tại số Trời đã định như vậy rồi, có muốn cãi lại cũng không được đâu mà. 

Sau ngày mất nước rồi thì còn có biết bao nhiêu gia đình khác bị rơi vô hoàn cảnh túng cùng, khổ ải hơn nhà chú mày nhiều! Tan nhà, nát cửa, mất hết vợ con, còn bị mất mạng luôn nữa, như... tao nè! Vậy mà tao có buồn đâu, số Trời đã định rồi chú ơi. Biết như vậy rồi thì chú mày hãy yên tâm, cam phận. Nếu chịu chấp nhận số phận rồi thì nghe tao nói tiếp chuyện "con vợ sắp tới" của chú mầy nè. 

Vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh tiên tri một số phận nghiệt ngã của gia đình, tôi ngơ ngác nhìn chú Ba: 

- Vợ con... sắp tới là sao chú Ba, vợ con nào vậy chú Ba? 

Chú Ba như không nghe câu hỏi ngớ ngẩn của tôi, chú cúi sát bản số tiên tri vận mệnh của tôi, tính toán một hồi thật lâu rồi nói chầm chậm, thật rõ như sợ tôi không chú tâm nghe: 

- Tao nói trước 7 điều về người vợ sắp tới của chú mày nha: 

1/ Năm 36 tuổi, chú mầy sẽ gặp người vợ thứ hai. 

2/ Con nhỏ đó là một người lai nhiều dòng máu chứ không phải người Việt "chánh nòi" đâu. 

3/ Bên cánh tay trái của nó, từ bắp vai xuống tới cùi chỏ, có một cái thẹo hay cái bớt, cái vá heo gì đó dễ thấy lắm. 

4/ Nó ở gần nhà chú mày. 

5/ Nó có quen biết gia đình gia đình chú mày, quen biết luôn gia đình cô vợ hiện nay của chú mày nữa đó. 

6/ Con nhỏ đó chủ động tới tận nhà làm quen, chứ không phải chú mày là người tấn công nó trước đâu. Cái số của chú mày có trốn trong phòng riêng đi nữa thì cũng có đàn bà, con gái tụi nó tới ... kiếm mày hà. Tin tao đi! 

7/ Hai đứa tụi bay làm đám cưới khi đang có... đại tang! 

Tôi suy nghĩ một lúc rồi hỏi chú Ba: 

- Cháu có thắc mắc này xin chú cho cháu biết, năm nay là 1981, cháu 28 tuổi, vậy năm cháu 36 tuổi là 8 năm nữa, năm 1989 phải không? Như vậy nếu cháu "bể án" tử hình xuống án chung thân, cháu chỉ mới ở tù có 10 năm thôi (tôi bị bắt năm 1979) mà án chung thân tội chính trị thì làm gì có chuyện được tha sớm để gặp gỡ rồi cưới vợ trong năm 1989 vậy chú Ba? 

- Nếu muốn biết chi tiết như vậy thì phải tính toán thêm nhiều lắm, mà cái chỗ này viết kín mít rồi làm sao viết thêm đây? Nhưng tao cam đoan 100% năm 36 tuổi chú mày sẽ có vợ, qua năm sau nữa khi 37 tuổi, chú mày sẽ có một thằng con trai. Có... chặt đầu tao, tao cũng vẫn cam đoan đúng là như vậy. 

- Chú cháu mình án tử hình, bây giờ tụi nó xử bắn không hà, chứ đâu còn xài máy chém hay mã tấu nữa, Chú Ba? 
Cả hai chúng tôi vô tư cười lăn ra sau câu nói đùa rùng rợn của tôi... 

Sau đó, tôi cũng quên hết buồn phiền, thản nhiên chờ đợi số phận, chờ đợi có một đêm nào đó, cánh cửa sắt cát-xô biệt giam này mở ra, rít lên ken két như tiếng nghiến răng của Tử Thần, tôi sẽ bị kêu tên để mang ra pháp trường khi trời chưa mờ sáng... 

Những năm đó, án tử hình tội chính trị có nhanh gì cũng phải 2-3 năm sau khi kêu án mới bị bắn. Không phải bởi lý do gì gì khác như chờ thẩm tra lại hồ sơ, chờ cứu xét giảm án, v.v... mà mục đích chính cho chuyện "câu giờ" này là để phòng ngừa tử tội có liên quan tới một hoặc vài vụ án khác, nếu bắn sớm quá thì e rằng sẽ bị những bị can khác đổ thừa cho tử tội đã chết mà chạy tội cho mình. Chính vì vậy mà có những tử tội bị tuyên đến hai, ba cái án tử hình! 

Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Câu nói đó có thể đúng với những người tù còn mong có ngày mãn án nên mới cảm thấy ngày tù quá dài. Ngược lại, người tử tù lại thấy sao một ngày trôi qua quá nhanh, cuộc đời mình sao quá ngắn ngủi. Những ngày nằm trong cát-xô tử hình, tôi "giải trí" bằng cách cố nhớ lại quá khứ, những ngày đã qua của cuộc đời mình, từ khi mới bắt đầu có ký ức của một đứa trẻ rồi từ từ lớn lên với bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn. 

Với những chuyện đáng tiếc trong quá khứ, tôi phân tách thật chi ly mọi khía cạnh, lỗi lầm, sai sót của tôi để suy ra phương cách hành xử hợp lý nhất cho chuyện đó kết thúc thật hoàn hảo, chứ không tệ hại như trong thực tế đã xảy ra. Với những kỷ niệm đẹp, tối cố tình "chế" ra thêm, tưởng tượng ra thêm cho nó được kéo dài như bất tận.... 

Cứ như vậy, tôi sống những ngày trong biệt giam mà tâm trí lại bay thoát tự do ra ngoài trời cao, không còn nhà tù, không còn phòng biệt giam tù túng, chật chội, tăm tối...không nghĩ tới ngày mai tôi sẽ còn cơ hội nhìn thấy ánh bình minh ban mai nữa hay không... 

2. Nửa Đêm Đọc Lệnh 

Cánh cửa phòng cát-xô biệt giam bật mở kêu lên ken két trong đêm khuya khu biệt giam tử hình nghe thật ớn lạnh đến rợn người... 

Tôi và chú Ba ngồi bật dậy, hai cái vòng sắt cùm chân quá chật nghiến thịt tôi tóe máu mà tôi nào có biết đau đớn gì! Đứng ngoài cửa có ba tên cai ngục áo vàng, nón cối che sùm sụp tới tận sống mũi như sợ người tử tù trông thấy mặt rồi sau khi chết sẽ hiện hồn về đòi nợ máu vậy! 

- Thằng nào "nà" Nguyễn Như Ý, đứng "nên", chuẩn bị ra ngoài, đồ đạc để "nại" đó. 

Tôi đưa hai tay, đang bị đeo còng số 8, siết chặt hai tay chú Ba, run run nói: 

- Vậy là cháu "đi" trước chú Ba rồi! Chú ở lại... mạnh giỏi nha chú Ba. 

Chú nhìn thật sâu vào mắt tôi, rất chậm nhưng thật rõ ràng, chú nói lại câu nói ngày nào mà chú đã nói với tôi: 

- Chú em yên tâm đi, chú em không bao giờ chết vì cái bản án tử hình này đâu. 

Tôi choàng hai tay qua đầu chú Ba rồi ôm siết chú, như thay thế một lời vĩnh biệt mà tôi không sao nói lên được. Đó là lần sau cùng tôi còn nhìn thấy chú Ba... 

Ba tên cai ngục dẫn tôi vào văn phòng của tay Giám thị trưởng trại giam, nơi vẫn thường làm cái thủ tục đọc lại bản cáo trạng và bản án mà tòa án đã tuyên cho tử tội nghe, cho họ ăn một bữa ăn và hút một điếu thuốc, trước khi làm nốt thủ tục sau cùng là mang ra pháp trường. 

Trong phòng đã có ba tên nữa đứng dàn thành hàng ngang, chờ sẵn trước khi tôi bị áp giải vào. Tên Thượng tá trưởng trại tay cầm một xấp giấy tờ; tên Trưởng phòng chấp pháp trước kia đã từng trực tiếp "làm việc" với tôi trong thời gian lấy cung (đúng ra phải nói là khảo cung tôi) và một tay lạ mặt vận thường phục, mà sau này tôi mới biết là Thẩm phán đại diện cho tòa án. Tên Trưởng phòng chấp pháp nhìn mặt tôi rồi xác nhận tôi đúng là phạm nhân Nguyễn Như Ý và ký vô biên bản. Tôi thầm nghĩ: "Như vậy là...xong hồ sơ mình rồi!" 

Tên Trưởng trại lạnh lùng ra lệnh cho tháo còng tay tôi rồi nói lớn: 

- Phạm nhân Nguyễn Như Ý đứng nghiêm, nghe đọc quyết định của chủ tịch nước! 

Cái đầu tôi đang trống rỗng không chút suy nghĩ, bỗng làm việc lại thật nhanh: "Sao lạ vậy ta? Mình không làm đơn xin tha tội chết, sao lại có quyết định của chủ tịch nước?" 

Tôi chưa kịp nghĩ tiếp thì tên công an trưởng trại đã đọc một hơi cái quyết định. Thật ra hắn đọc lắp bắp, cà lăm cà lặp vì đọc chữ không thông, nhiều đoạn bị ngắt quãng, im lặng do hắn phải đánh vần thầm. Nội dung cái quyết định nhắc lại tội trạng "phản cách mạng, phản lại Tổ Quốc, phản lại Nhân Dân của tôi và tôi đã bị kết án tử hình. 

Lúc đó có thể vì không còn gì để mà sợ trước cái chết đang hiển hiện chắc chắn không thể thoát khỏi, tôi tự nhiên đâm ra bực bội, nổi giận vì tên này đang kéo dài thời gian chờ chết của tôi và tra tấn tinh thần tôi vì sự dốt nát của hắn. Tôi hít một hơi dài, tính yêu cầu hắn bỏ qua những phần thủ tục rườm rà, đọc ngay cái phần quan trọng nhất cho rồi, khỏi mất thì giờ! 

"Nhưng, xét vì tên Ý chưa gây ra nợ máu với nhân dân, chưa gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho đảng và nhà nước, chưa đến mức cách ly vĩnh viễn cuộc sống (?), còn có thể được cải tạo lâu dài nên nay chủ tịch nước quyết định ân xá cho tên Nguyễn Như Ý từ án tử hình, thành án tù chung thân kể từ ngày bị bắt! 

Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân và công an nhân dân tỉnh....có trách nhiệm buộc tên Ý thi hành quyết định này".......... 

Hà Nội ngày.....tháng 11 năm 1981, 

Chủ tịch nước đã ký..... 

(Tháng 11 đương lịch là tháng 10 âm lịch năm 1981) 

Tôi bị áp giải ra phòng giam tập thể ngay sau khi nghe đọc quyết định nên không thể trở về cát xô nói lời từ biệt, vĩnh biệt chú Ba, nhất là nói cho chú Ba biết lời tiên tri đầu tiên của chú cho vận mệnh của tôi là hoàn toàn chính xác. 

Sau vài tháng giam ở phòng giam tập thể, đầu năm 1982, tôi được chuyển ra miền Trung thụ hình án tù chung thân khổ sai tại trại tù A-20 Xuân Phước. Trại cải tạo A-20 này còn có tên do anh em tù nhân đặt cho nó là "Thung lũng tử thần" hay như KQ Đỗ Văn Phúc gọi, nó là "Tầng địa ngục cuối cùng". 

3. Trại tù Chung Thân Khổ Sai 

Trong trại tù A-20, tôi có quen biết rất nhiều các bác, chú, anh em đồng cảnh ngộ tù chính trị như tôi. Các vị đó gồm đủ thành phần trong chế độ VNCH từ một người Nông dân chân chất, anh Sinh viên, Giáo sư đại học, Luật sư, Bác sỹ y khoa, các vị SQ Hải- Lục- Không quân QLVNCH, các vị Bộ trưởng trong chính phủ, các Thầy dòng hay Linh mục, các Đại đức, các vị Mục sư, các vị Quản đạo Cao Đài, Hòa Hảo... Và trong số các "bạn tù" đó có vài người thân tình như linh mục Đ., đại đức T.T.S, Đ.Úy ĐPQ H.M.Q, Th/Tá Tiểu đoàn trưởng Công Binh H.Q.T... đã chấm cho tôi lá số Tử Vi. Có một điều lạ lùng là các vị đó đều nói y chang như chú Ba về người vợ trong tương lai của tôi. 


Hình minh họa


Đọc những hồi ký của cựu tù từ trước tới nay, tôi thường thấy người ta than rằng đói khổ lắm. Điều đó ai mà không biết. Đã thế chúng tôi lại là những Tù Nhân Khổ Sai, bị án chung thân, trong khi cả nước thiếu ăn thì bọn tù no làm sao được! 

Năm 1986, nhà nước CSVN thay đổi, đi theo chính sách gọi là "Đổi mới", xã hội và kinh tế VN như đang hạn hán gặp mưa rào, ngoi ngóp hồi dương sau hơn mười một năm hấp hối. Kinh tế VN khấm khá hơn. Ngoài xã hội "có ăn" thì trong nhà tù cũng được... ăn có! 

Khoai mì lát, bo bo, cao lương đỏ, bột mì luộc... từ từ biến mất trong bữa ăn của tù nhân, thay vào đó là cơm gạo. Thức ăn mặn truyền thống "canh đại dương" (nước muối luộc rau muống) dần dần trở thành: đầu tiên là xác mắm thối kho nước muối, sau rất lâu sau đó là thức ăn mặn thật sự, dù khẩu phần rất là khiêm tốn, như cá tạp kho, thịt mỡ kho... 

Đã đi qua giai đoạn thèm rau xanh tới mức vặt sạch cả cỏ kiểng để ăn, tới giai đoạn đội trồng rau xanh gánh sản phẩm củ cải trắng, cải bẹ xanh tù-xậy... từ ngoài đồng về bếp trại, cân để lấy số liệu báo cáo rồi lại gánh thẳng ra... hố rác đổ bỏ vì không còn bất cứ ai nuốt cho nổi nữa. 

Các CA quản giáo nhận các lô đất khoán, chuyển qua trồng những loại nông phẩm thật sự có lợi ích kinh tế, nhận các ao nuôi cá, lò gạch... hay làm cai thầu nhận các đội tù nhân có tay nghề xây dựng, làm mộc ra ngoài làm thuê nhà cửa cho dân. Tù nhân đã thật sự làm giàu cho các cán bộ CA (thay vì "làm giàu" cho nhà nước) thì cách nhìn của họ đối với tù nhân cũng thay đổi, không còn cực kỳ tàn độc, bất nhân như trước... Đã có những bữa tiệc ăn nhậu thường xuyên được tổ chức trong các nhà lô của các đội với những lý do vu vơ nào đó như mừng vụ mùa bội thu, mừng cán bộ quản giáo mới tậu được chiếc xe Honda cúp (xe second hand nhập cảng từ các nước Đông Nam Á)... mà các cán bộ CA quản giáo và quản chế dẹp cất hết súng ống, ngồi bệt xuống đất chung chén, cụng ly với tù nhân. 

Quà thăm nuôi không còn khống chế chỉ có 3 kí lô nữa mà xả cảng, tùy theo khả năng của gia đình cho bao nhiêu thì tù nhân được nhận bấy nhiêu. Định kỳ thăm nuôi từ ba tháng một lần tăng lên một tháng hai lần. Một nhà thăm nuôi mới khá rộng rãi, khang trang, có vườn hoa cây kiểng rất đẹp được chia ra thành nhiều phòng riêng có giường ngủ, bàn ghế để cho các phạm nhân "cải tạo tốt" được ở lại thăm gặp gia đình, vợ con có khi cả tuần lễ, ăn gần hết quà thăm nuôi mới chịu trở vô. 

Nhà tù “ăn có” đổi mới. Bể án 

Chính nhờ chính sách Đổi mới mà đến giữa năm 1988 có một chủ trương "cách mạng" trong chính sách cải tạo là: nếu các tù nhân đã thụ án được 1/2 bản án, không có thành tích trốn trại, không bị giam kỷ luật vì phạm nội quy trại, được gia đình làm giấy bảo lãnh... thì được phép "cải tạo không cách ly xã hội", nói nôm na là được trại giam cấp một giấy chứng nhận đang cải tạo không cách ly xã hội, mang về trình CA tại địa phương cư trú rồi ở lại nhà mình, đi làm ăn kiếm sống, nuôi gia đình như một người bình thường. Hàng tháng, tù nhân phải quay về trại đổi giấy chứng nhận và đóng cho trại một số tiền, gọi là tiền công lao động đóng góp cho quỹ của trại. Số tiền này không phải là nhỏ, nhưng có rất nhiều gia đình cắn răng ăn mắm húp dòi, chắt mót, tiện tặn để mua sự tự do(!) cho chồng con, cha anh. Chính sách cải tạo không cách ly xã hội này chỉ áp dụng cho tù chính trị phạm. Các tù nhân hình sự, dù chỉ còn dăm ba tháng của bản án cũng tuyệt nhiên không được hưởng chính sách này! 

Năm 1988, tôi "bể án" chung thân xuống mức án 20 năm, sau đó được giảm thêm 6 tháng vào đầu năm 1989. Tính ra từ khi bị bắt đến thời điểm đó, tôi đã thụ hình được 1/2 bản án 20 năm. Như vậy là tôi đã lọt vào danh sách đủ điều kiện "cải tạo không cách ly xã hội".

Nguyễn Như Ý
https://www.facebook.com/search/top/...E1%BA%A7n%20I)

Xem tiếp Phần II

Rate this item
(0 votes)