Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
Trận lũ lụt tháng 10 năm Giáp Thìn (11-1964) là cơn đại hồng thủy ập xuống các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Nam, Quảng Tín, và Quảng Ngãi, xóa trắng ruộng đồng hoa màu, cuốn phăng đi nhà cửa gia cầm với hàng ngàn người dân trong vùng. Nhà thơ Tuờng Linh của xứ Quảng, đã làm bài thơ “Thảm Nạn Quê Hương” ngay sau cơn lụt kinh hoàng, trong đó có những câu thống thiết như:
“Đất Quảng thân yêu người người rên siết
Sáu mươi năm lại đến “họa năm Thìn”
….
Nói không cùng, ghi chẳng hết em ơi!
Đất Quảng quê ta chết bốn ngàn người
Kể chung miền Trung còn hơn thế nữa!
Người sống sót không còn nhà cửa….
Riêng thành phố Hội An bị nhấn chìm trong biển nước. Cư dân phải leo lên gác hai, gác ba, hoặc lên tận nóc nhà để tạm trú suốt cả tháng. Họ phải dùng thuyền nhỏ để đi lại khi cần. So với vùng quê thì sự thiệt hại của Phố Cổ không nhiều, nhưng không phải là không có. Có những thiệt hại không đáng kể về vật chất, nhưng lại quá lớn về tinh thần như kỷ vật gia bảo, giấy tờ hộ tịch, sách vở, tạp chí, kinh sách, hoặc thư từ... Những vật đơn giản nầy (cùng với những tài sản giá trị khác) đã bị nước lũ cuốn phăng ra đại dương. Trong số những kỷ vật thân yêu đó, có tập truyện Hoài Cố Nhân xé rời mà khổ chủ là... chị Thu của tôi.
Gia đình tôi có 3 chị em. Năm 1960, thằng út Xíu đang ê a ở tiểu học, còn 2 chị em tôi là học sinh Trung học Trần Quý Cáp, Hội An. Tôi đệ tứ, chị Thu lớp đệ tam. Thời đó, bọn nam sinh tại đây phong tặng cho chị em tôi mỹ danh “nhị kiều Nguyễn Thái Học”, vì nhà của chúng tôi nằm trên con đường mang tên nầy. Chị Thu có mái tóc thề mượt mà (như con gái Huế) và hai mắt long lanh lúc nào cũng như mỉm cười nên có lắm anh theo đuổi. Còn tôi thì còn... nhỏ dại nên chẳng có mống nào để ý đến. Tôi không buồn mà trái lại rất hớn hở mỗi khi được các anh mời làm kỳ đà đi theo chị để được đãi ăn... kem!
Trong số những chàng trai để ý đến mình, hình như chị Thu chấm anh Lê Thức, sinh viên sĩ quan (SVSQ) trường Võ bị Đà Lạt. Trong một dịp nghỉ phép Tết về thăm nhà ở Huế vào năm 1960, anh vào Hội An thăm gia đình bác Vĩnh Cửu, Trưởng Ty Học Chánh Hội An. Tình cờ gặp hai chị em tôi đi phố, anh liều lĩnh làm quen và xin địa chỉ. Được biết, trước khi nhập ngũ, anh Thức là “gia sư” của gia đình bác Cửu, nên giữa họ có mối thâm tình.
Trở lại quân trường sau lần kỳ ngộ, anh giữ lời hứa và đã gởi thư về thăm chị tôi. Chị Thu rộn ràng mỗi khi nhận thư. Giữa hai người, không biết có giao ước gì không mà thấy thư đi thư về ngày càng đều đặn. Chị tôi đã sống tuổi hoa niên mộng mơ bằng những tờ thư đến từ Đà Lạt mù sương sau lần gặp gỡ mùa xuân 1960 cho đến trận lụt tháng 11 năm Thìn 1964...
Dù bận rộn với chương trình thụ huấn, chàng SVSQ Lê Thức vẫn giữ trọn lời hứa trước đây. (Chữ “Tín” cũng là một trong những đức tính cần thiết của một sĩ quan chỉ huy tương lai!) Tôi đoán mò, vào dịp cuối tuần, anh đã xử dụng thời gian rảnh rỗi để đọc thư và viết thư cho người thân. Những tờ thư từ cao nguyên bay về số 19 Nguyễn Thái Học, Hội An ngày càng trở nên quen thuộc. Ròng rã trên ba năm như vậy nên hộp lưu giữ thư của chị tôi cũng đầy áp. Tôi khâm phục đầu óc phong phú của anh Thức qua nhiều đề tài viết thư và cũng mừng cho chị tôi may mắn, được gặp người ý hợp tâm đầu. Tôi đâm có thiện cảm với anh ấy và cầu mong hai người sớm đạt ước nguyện...
Trận lụt năm Thìn đã cuốn phăng đi rất nhiều vật dụng quý báu của gia đình, điều làm chị tôi đau buồn chính là hộp đựng thư của chị, như thể chị vừa mất một người thân yêu! Trong khoảnh khắc sầu thảm đó, chị thổ lộ với tôi chuyện tình của hai người... Tôi ngạc nhiên đến thú vị khi được nghe những vần thơ bóng bẩy khả dĩ làm rung động tâm hồn một nữ sinh lớp đệ nhị rất làng chàng về môn Việt văn như tôi:
Rồi phố trên thương về phố dưới
Đà Lạt thu mình nhớ Hội An…
Rồi bãi thơ chàng mang hoang vắng
Về phong em mây núi sương ngàn,
Chiếc hộp sắt đựng thư bị nước lũ cuốn trôi không phải chứa toàn thư (và thơ) mà còn có cả tập truyện Hoài Cố Nhân của nhà văn Võ Hồng. Vào thập niên 60, ít người biết nhà văn (cũng là nhà giáo) người gốc Tuy Hòa, Phú Yên nầy. Hoài Cố Nhân là một câu chuyện tình học trò thơ mộng nhưng đầy éo le đau thương chia lìa...
Những tờ thư đầu của anh Thức thường là thả bong bóng dò dẫm, kể chuyện quân trường, chuyện trên trời dưới đất chứ chưa dám đề cập đến chuyện nhớ chuyện thuơng. Một thời gian sau, chị tôi đột nhiên nhận được phong thư trong đó chứa bốn trang giấy xé ra từ tập truyện của Võ Hồng. Chị hồi hộp đọc “thư đặc biệt” nhiều lần để tìm hiểu xem anh Thức muốn nhắn gởi điều gì trong đó. Tuần sau, chị lại nhận bốn trang sách xé rời kế tiếp, và ròng rã cả năm như vậy cho đến khi nhận những trang cuối cùng, biết là hết chuyện, chị bèn đóng lại thành tập và giữ làm kỷ niệm.
Việc xé các trang sách trong tập truyện gởi cho bạn gái thay vì tự tay viết thư, là kiểu tỏ tình mới lạ và đầy... sáng tạo! Có thể ông SVSQ Lê Thức hết đề tài (hoặc lười biếng, hoặc không đủ thì giờ viết thư) nên mới nghĩ ra cách này chăng? Phương chi, cách nầy cũng giúp cho người tỏ tình “đỡ ngượng” nếu chẳng may bị người tình chối từ...
Nhân vật chính trong Hoài Cố Nhân là cô Xuân, con nhà giàu, và anh sinh viên nghèo Hoàng Gia Lý. Họ yêu nhau gian nan vì bố cô Xuân ngăn cản. Nhờ thành tâm và kiên trì, hai tâm hồn được toại nguyện, nhưng giữa đường thì gãy gánh, chàng ra đi để lại một trời “hoài cố nhân” cho người ở lại…
Câu chuyện như một lời tiên tri...
Sau khi ra trường, Thiếu úy Lê Thức được tuyển theo học một khóa chuyên môn của Không Quân. Anh tốt nghiệp hoa tiêu vào giữa năm 1964 và về phục vụ tại phi trường Đà Nẵng. Đây là thời gian đằm thắm nhất trong cuộc tình của hai người. Họ thường gặp nhau khi Đà Nẵng, khi Huế, khi Hội An. Cả hai gia đình đều biết rõ sự quen thân nầy. Một năm sau, do công vụ, Thiếu úy Thức đổi vào Nha Trang. Hai người vẫn giữ liên lạc và chị tôi mong chờ một lời... hứa, nhưng ngại ngùng không dám bày tỏ ước nguyện thầm kín của mình. Còn anh Thức vẫn tỏ ra yêu thương chị tôi nhưng không hề đề cập đến chuyện... tương lai!
Ít lâu sau ngày anh Thức đổi đi Nha Trang thì gia đình tôi gặp chuyện không may. Má tôi và chị Thu quyết định di chuyển cả nhà ra Đà Nẵng cho tiện công ăn việc làm. Chị tôi vẫn âm thầm mong chờ, còn anh Thức thì như thể có điều chi khác lạ, hoặc vì tương lai sự nghiệp, hoặc giả, có bóng hình mới đã làm nhạt nhòa hình bóng cũ rồi chăng?
Có điều, giữa nhân vật cô Xuân và chị tôi có một điểm giống nhau là, ba tôi không ưa anh Thức và ra mặt phản đối chị quen thân với anh ấy!
Hai người bặt tin nhau sau đó.
Một năm sau, chúng tôi nhận một tin quá bất ngờ, anh Thức lấy vợ! Dĩ nhiên, chị tôi tức tưởi khóc thầm. Tôi trở thành niềm an ủi và là người bạn thân thiết của chị hơn là cô em gái bé bỏng ngày nào.
Từ chỗ có thiện cảm, tôi đâm thù ghét cái ông phi công Lê Thức đã phản bội chị tôi. Những câu thơ bỏng bẩy ngày xưa như:
Chàng về đây mùa xuân quen em/ Bảy ngày sao không bằng thoáng nhìn/ Con đường hoàng hôn mù dáng bước/ Hôm chia tay lòng nghe rưng rưng...
chỉ là những lời lẻ đầu môi chót lưỡi chứ không phải rung cảm chân thành! Dù vậy, chị tôi vẫn trân trọng hình bóng cũ. Vẫn mái tóc thề mượt mà, vẫn hai mắt nhìn đời và mỉm cười với đời, để tự vỗ về vết thương lòng rướm máu!
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 ập đến, chị tôi kết hôn với anh Liệu, người cùng sở làm. Cuộc sống vô cùng chật vật. Năm năm sau, anh Liệu bị bắt đi tù vì tội... ”chống phá cách mạng”! Để tránh bị công an sách nhiễu, chị tôi quyết định bỏ Đà Nẵng vào Saigon với 3 con thơ và hai bàn tay... trắng!
Trong cuộc đổi đời, chỉ mong sao kiếm đủ gạo nuôi con qua ngày, chị tôi không còn mơ mộng như ngày xưa nữa. Chị đã gầy, càng gầy rộc, mái tóc cháy khô, hai mắt thâm quầng. Ngoài việc lo cơm áo gạo tiền, lòng chị mang thêm một nỗi lo bị công an xét hỏi “hộ khẩu”! Dù Saigon xô bồ và người người chen chúc, nhưng vì “sống chui” nên trái tim của chị lúc nào cũng thình thịch với nhip đập lo sợ bị xét giấy tờ!
Chị theo đạo từ khi lấy chồng và cầu nguyện Chúa thương xót mỗi ngày. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, chỉ có đức tin là chỗ dựa cuối cùng. Ơn Trời, Chúa đã mở lòng che chở cho 4 mẹ con khỏi con mắt cú vọ của bọn công an. Chị cũng được bạn bè cưu mang, lá rách đùm lá nát trong tình nghĩa quý hiếm của những đồng môn trước 1975.
Trong nỗi cơ cực và đơn chiếc tận cùng của một người mẹ, cuộc sống chỉ còn biết cam đành với hiện tai, tương lai thì mịt mù và quá khứ là điều xa xỉ. Cho đến một ngày đầu xuân năm Bính Thìn (1989), chị tôi gặp người xưa trên đường phố Phú Nhuận, Sàigon. Đây là một tình cảnh vô cùng ngỡ ngàng và bàng hoàng sau 23 năm xa cách! Anh Thức vừa ra tù được hai tuần, đạp xe đi thăm bà cụ thân sinh, tình cờ gặp chị tôi và ba cháu nhỏ đang bán “quầy thuốc lá lẻ” bên vệ đường. Cả hai mừng mừng tủi tủi. Từ đó, họ thường gặp nhau để an ủi vổ về cho vơi đi bao cay nghiệt sau một cuộc đổi đời....
Dù không “tử biệt” như hai nhân vật trong truyện Hoài Cố Nhân ngày xưa, nhưng họ gánh chịu cảnh “sinh ly” như biết bao gia đình sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Chị tôi vẫn canh cánh bên lòng người chồng đang trong vòng lao lý và vẫn kéo dài cuộc sống lây lất với chiếc xe bán thuốc lá lẻ, thường bị công an đuổi chạy tất tả không biết bao nhiêu lần trong ngày! Còn gia đình anh Thức thì nghe đâu đang lo giấy tờ đi Mỹ theo diện HO.
Cuộc tình trắc trở của Thu - Thức chỉ là hạt bụi so với nỗi đau thương của toàn dân. Hộp thư kỷ niệm của chị tôi đã bị cơn lũ cuốn vào đại dương thăm thẳm năm nào không nghĩa lý gì so với một giải giang sơn gấm vóc đang mất dần vào tay kẻ thù phương Bắc…
Cố nhân gặp lại, ai cũng xác xơ, ai cũng bầm dập, nhìn nhau mà rướm máu trong lòng. Thời hoa mộng, gương vỡ lại lành, châu về hiệp phố, chỉ là chuyện hoang đường. Có chăng, một nỗi xót xa và ngậm ngùi cho một kiếp người (và cho cả dân tộc) bị đày đọa dưới xích xiềng của quỷ.
Mới biết, trải qua một cuộc biển dâu, “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Kiều). Chị tôi, anh Lê Thức, và chính tôi cũng vậy, chúng tôi đều nhận ra rằng, chuyện trăm năm là do duyên nợ, cho nên nếu mộng không thành thì cũng không nên trách móc nhau làm gì. Mỗi sợi tóc rơi đều do ý muốn của Chúa thì huống gì là chuyện lứa đôi? Từ nhận thức đó, tôi không còn thù ghét anh Thức như trước kia, trái lại tôi thông cảm và thương xót cho cả hai người.
Và tôi, cô em kỳ đà cản mũi hơn nửa thế kỷ trước, nay xin phép hương linh cố nhà văn Võ Hồng, cho tôi được viết lại chuyện tình của chị tôi dưới nhan đề “Hoài Cố Nhân 2” để phân biệt với bản gốc...
Dù là bản phụ, không lẽ hai nhân vật trong câu chuyện không còn chút gì gọi là “để thương để nhớ” hay sao?
Thu 2014 - Westminster, CA
Source:Đa Hiệu số 110