Print this page

BẠN CŨ - Đào Vũ Anh Hùng

Posted by February 28, 2022 1911

Kính gửi dến Quý Niên Trưởng và Quý Chiến hữu một bài biết của KQ Đào Bá Hùng, tức Đảo Vũ Anh Hùng viết cho Đặc San kỷ niệm ngày họp mặt các khoá 65 SVSQ/KQ vào tháng 07, năm 2005.
Niên Trưởng coi tôi như một người em từ tuổi đời, tuổi lính và tình Huynh Đệ Hướng Đạo.

Bài viết này, trước khi gửi cho họp mặt các khoá 65. KQ Đào Bá Hùng đã gửi trước cho vài người bạn thân thiết nhất và tôi là một đứa em cũng được nhận.
Giờ đây, KQ Đào Bá Hùng đã đi vào cõi thênh thang không oán ghét, không hận thù và không đố kỵ.
Xin cẩu nguyện cho Linh Hồn Niên Trưởng Đào Bá Hùng sớm hưởng Nhan Thánh Chúa. Niên Trưởng Đào Bá Hùng ra đi được nhiều người thương tiếc. Trong đó có tôi, một đàn em của trưởng Hướng Đạo Đào Bá Hùng, có tên Rừng là Hổ Trực Ngôn.
Tên Rừng là một trò chơi của HĐVN được đăt tên cho một trưởng hướng đạo xin gia nhập sinh hoạt Rừng. Hội đồng Rừng căn cứ vào dáng dấp, khả năng, tính tình của trưởng Hướng Đạo và qua nhiều thử thách để chọn tên thật đúng cho trưởng xin gia nhập.


Trần Đình Phước
(Khoá 7/68 KQ)

 

BẠN CŨ

Đào Vũ Anh Hùng

---oo0oo---

 

Khi tôi đến địa điểm, đã thấy đông người náo nhiệt. Họ đi lại, nói cười ầm ĩ từ trong ra ngoài nhưng bước vào hội trường, tôi không thấy “thầy” đâu. Đang nhìn quanh tìm kiếm thì Long tiến đến chào:

- Dạ thưa chào anh.Thầy qua chùa Đạo Quang thăm thầy Tịnh Đức rồi sẽ về đây, chắc cũng sắp rồi. Có lẽ thầy còn kẹt ở bên đó, mời anh ngồi đây đợi thầy về. Thầy nhắc đến anh và nói em phải tìm mời được anh đến cho thầy gặp.


“Thầy” đây là Đại đức Thích Linh Quang, tức Phan Xuân Hòa, bạn cùng khóa 65A, hoa tiêu vận tải, lái C-130 nay đã đi tu, có pháp danh, có nơi trụ trì, ở một nấc thang xã hội khác nên giữa nơi công quán quan chiêm nhĩ mục, tôi phải gọi bằng “thầy”. “Thầy” khó quá, từ Mỹ qua tận bên Ấn độ - Nepal, xứ Phật - để tu trong một ngôi chùa giữa vườn Lâm Tì Ni là nơi Phật đản sanh - địa danh được nhắc đến rất nhiều trong kinh sách - không một Phật tử nào là không nghe biết đến vườn này nhưng khi hỏi vườn rộng bao nhiêu mẫu, trồng những cây trái gì, bông gì thì bà con bù trất.

Hồi đầu năm ngoái hay giữa năm kia, một hôm tự nhiên Hạnh Đầu Bò từ Houston điện thoại cho tôi, hỏi:

- Ông còn nhớ Phan Xuân Hòa khóa mình không?

Tôi cười trả lời:
- Sao không nhớ? Thằng Hòa... “Hột Vịt Lộn” phải không?

Lúc đó tôi chưa biết Phan Xuân Hòa đã là “thầy”, vẫn nghĩ mình có quyền thân mến gọi bạn bằng cái hỗn danh được anh em thân tặng từ ngày ở quân trường mà tôi không rõ đứa nào đặt và lý do tại sao. Hạnh nói:
- Phan Xuân Hòa đi tu, thành “thầy” rồi ông ơi. Thầy mới về Houston, nhờ tôi liên lạc một số anh em bạn cũ đến gặp.
- Đương sự về Houston, ở bao lâu? Rồi sẽ đi những nơi nào? Về Houston làm gì?

Tôi hỏi Hạnh với giọng dồn dập như chuyện cần phải biết đến nơi đến chốn. Nhớ không lầm dường như lâu lắm rồi tôi có phong thanh nghe nói Hòa đi tu, có lẽ nguồn tin cũng phát xuất từ Hạnh Đầu Bò vì Hạnh rất thân và biết rõ nhiều chuyện về Hoà.

- Ông ấy tu mãi bên Ấn độ, ở một ngôi chùa nghèo lắm. Qua đây vài tuần để quyên góp giúp chùa xây viện mồ côi bên đó và nhờ tôi quy tụ một vài anh em cho thầy gặp. Bạn có thì giờ xuống đây chơi với anh em và gặp thầy?
- Chắc là đi không được rồi. Hoà ở đâu? Bạn cho tôi số điện thoại để tôi gọi hỏi thăm thì tốt hơn.

Tôi gọi “thầy” ngay sau đó, nói bằng giọng tự nhiên:
- Mô Phật. Thầy có biết ai gọi đây không?

Đầu dây bên kia có tiếng cười:
- Biết chứ... Tôi biết ai rồi. Bạn đang ở đâu?
- Bạn nào?

“Thầy” không nói tên tôi mà trả lời bằng cách hỏi ngược lại:
- Bạn dạo này vẫn còn viết lách đều chứ?

A, thì ra “thầy” vẫn còn nhớ và nhận ra giọng tôi. Còn tôi, nghe lại tiếng Hòa sau bao nhiêu năm không gặp, thấy vui và xúc động. Tôi vẫn nhớ rất rõ gương mặt Phan Xuân Hòa với cặp môi dày và nụ cười hiền lành của thời huấn nhục Nha Trang, nhưng không thể hình dung ra người bạn ngày xưa lúc này nhân dáng thế nào trong bộ áo tu hành, đầu cạo trọc. Tôi cười lớn:
- Chịu thầy. Vậy bây giờ thầy muốn tôi xưng hô thế nào? Nói thật lâu lắm mới nghe tiếng thầy, “con” mừng quá, chỉ muốn “mày tao” như ngày xưa cho sướng cái miệng!
- Ôi... nghĩa lý gì đâu điều vặt vãnh.
- Thôi, đùa ông tí chơi chứ ông tu hành thì tôi phải trọng, đâu dám hỗn! Chúng nghe được tôi “mày tao” với ông, chúng uýnh tôi chết. Nhưng “thầy con” với ông thì tôi chưa quen.

Bắt đầu từ phút đó tôi hỏi han trò chuyện với Phan Xuân Hòa lúc thì “thầy và tôi”, lúc thì “ông và tôi”, có khi buột miệng “bạn và tôi” loạn cào cào, nhưng vẫn chưa lú sảng đến độ gọi thầy bằng “mày” xưng “tao” như ngày xưa ở quân trường. Tôi hỏi:
- Lý do nào ông lại xuất gia? Chuyện đi tu đâu phải dễ, đâu phải ai cũng làm được?
- Thì cũng là cơ duyên thôi. Tôi qua Mỹ năm 75, cũng lao động tốt như mọi người suốt mười mấy năm trời cho đến khi bà vợ tôi ly dị tôi để theo người khác thì tôi chán quá, vô chùa. Tôi nghĩ vợ bỏ đi rồi, con cái cũng lớn hết rồi, bây giờ chỉ có một mình, đi làm cũng chỉ để tháng tháng trả bill, chẳng ích lợi gì, thôi thì đi theo con đường mình chọn lựa.
- Vậy đúng là ông “trốn việc quan đi ở chùa” rồi! Chán đời kiểu gì mà khôn thế?

Hòa chỉ cười không nói tiếp và tôi cũng không muốn đào sâu thêm về chuyện gia đình và chuyện tu hành của bạn. Hôm đó chúng tôi nói chuyện khá lâu, thoải mái và thú vị. Thầy Thích Linh Quang cho tôi biết là thầy còn ở Houston thêm một tuần rồi đi vài nơi khác trước khi về lại Népal. Chúng tôi nói linh tinh đủ thứ và hai “thằng” cười hinh hích với nhau mỗi khi có chuyện thú vị... Tôi chẳng thấy xa cách “thầy” chút nào. Ngày xưa ở quân trường Hòa và tôi không ở chung phòng, không có những kỷ niệm thắm thiết đáng ghi nhớ. Hòa qua Mỹ du học sau tôi nên cũng không có thời gian gần gụi để tôi có kỷ niệm gì với Hòa ở Mỹ vì tôi rời Lackland qua trường bay thì Hòa mới đến. Về nước, mỗi người một ngành bay, một đơn vị khác. Tôi ở Nha Trang, Hòa ở Tân Sơn Nhất. Hòa nhớ và nhắc lại cho tôi kỷ niệm chúng tôi chỉ có một lần gặp nhau là lần tôi quá giang chiếc C-130 của Hòa về phép Saigon, năm đó là năm 70, 71 thì phải.

Đấy là lần đầu tiên nhờ Hạnh Đầu Bò móc nối mà tôi được nói chuyện với Hoà qua điện thoại sau 30 năm có lẻ. Ngay sau đó, tôi gọi Chín Đầu Trâu, giục Chín phải phone thăm thầy Thích Linh Quang. Chín hỏi:
- Mày xưng hô với chả thế nào? Tao phân vân chưa biết khi nói chuyện phải xưng hô ra sao vì kêu chả bằng “thầy” thì dễ rồi nhưng xưng “con” tao thấy khó quá!

Tôi cười lớn trêu Chín:
- Có gì là khó? Mày bắt chước tao, dung hòa cả hai cách xưng hô giữa đạo và đời. Cứ gọi nó là “thầy”, xưng “tao” là được cả đôi đàng.

Chín biết tôi đùa nhảm, chỉ cười và nói sẽ gọi ngay.

Vài tháng sau, một buổi chiều bỗng Long gọi đến, hỏi tôi có rảnh không. Long là Mévo của một phi đoàn trực thăng thuộc Sư đoàn 4, rất dễ thương và có tinh thần xã hội cao. Hai vợ chồng Long là Phật tử thuần thành, hăng say làm việc cho chùa, cho hội một cách sốt sắng chí tình đáng phục. Long cho tôi biết có thầy Thích Linh Quang từ bên Ấn độ qua, ghé Dallas mấy ngày và nhờ Long liên lạc mời tôi đến dự bữa cơm chay gây quỹ của nhóm Phật tử Đạo Tâm giúp nạn nhân Tsunami ở Á châu. Địa điểm cũng gần nhà nên tôi nhận lời ngay dù lời mời đến bất ngờ và quá gấp rút.

Tôi được dẫn đến một bàn trên cùng, gần sân khấu, có lẽ là bàn VIP. Tôi gật đầu chào mấy bà vợ, bắt tay các ông chồng đến trước rồi ngồi xuống một trong ba ghế còn bỏ trống. Nhiều người ngạc nhiên khi trông thấy tôi, đến chào hỏi vì dễ thường đã cả bảy tám năm qua tôi “quy khứ lai từ”, tránh xa cái cộng đồng địa phương đầy chuyện nhiễu nhương này, tránh xa những hội họp, đám đông, chuyện thị phi trời ơi đất hỡi từng làm tôi điêu đứng... Khoảng mươi phút sau “thầy” đến. Tôi nhận ra ngay. Thầy cũng nhận ra tôi khi tôi đứng dậy, bước tới đón chào. Tôi cười toe khi trông thấy người bạn cũ trong bộ cà sa, gương mặt chẳng thay đổi bao nhiêu, nụ cười mở rộng. Thầy chắp tay trước ngực xá vài cái rồi đưa cả hai tay ra trong cử chỉ đón nhận và ôm chầm lấy tôi. Tôi cũng chắp tay chào lại bằng cung cách đó. Cả hai vồ vập lấy nhau trong nỗi vui mừng. Tôi thấy bồi hồi giữa phút giây tương ngộ.

Có ai ngờ, phải, có ai ngờ hai tên lính Ngụy, phi công giặc lái ngày xưa của Không lực VNCH lại gặp nhau giữa chốn ta bà náo nhiệt này, nơi xứ sở này? Một anh đã “nửa đường đi xuống”, tóc tai rụng lả tả như lá mùa thu, hói trông thảm hại cái đầu. Một anh thay chiếc phi bào bằng bộ thiền y nhà Phật, dáng vẻ khoan thai, trông hiền như ông bụt. Có mấy ai biết đôi bàn tay vồn vã đang thân mật và nồng nhiệt vỗ vỗ vai tôi trước đây đã từng cầm cần lái, điều khiển chiếc phi cơ C-130 khổng lồ bay len lỏi qua lưới đạn phòng không, hạ cánh chớp nhoáng rồi cất cánh cuống cuồng rời phi đạo đang quằn quại nẩy tung hứng trận mưa pháo tàn bạo của Bắc quân? Tôi thảng thốt như thấy lại hình ảnh chiếc C-130 của Trần Ngọc Châu tức Châu Râu khoá 64D bay tiếp tế Phước Long, vừa sà xuống đầu phi đạo của phi trường Phước Bình, chưa kịp hạ cánh đã vội vã bốc mình rời vùng đất chết nhưng Châu Râu đã chào thua định mệnh. Chiếc C-130 trúng đạn phòng không cộng sản tua tủa bắn lên, bốc cháy và nổ tung ở cao độ thấp. Lúc đó tôi đang dẫn hợp đoàn bay quần quần trên ngọn đồi thấp phía Nam, tìm đường vào bãi đáp. Con chim sắt khổng lồ nghiêng đôi cánh vỡ kéo theo ngọn lửa rực rỡ, lao xuống đất, nẩy tung lên rồi khuỵu xuống cháy phừng phừng giữa buổi trưa Phước Vĩnh đầy trời lửa đạn...

Rất nhiều cặp mắt nhìn chăm chú chúng tôi, tò mò muốn biết giây liên hệ giữa nhà sư đến từ Ấn Độ và tôi như thế nào. Có lẽ họ chỉ nghĩ được thầy với tôi có tình quen biết trước chứ khó ai nghĩ thầy từng là một phi công vận tải, bây giờ xuất gia...

Vợ chồng Long bưng đồ ăn chay đến mời. Tôi xin lỗi đã ăn và no rồi. Thầy cầm đôi đũa đưa lên ngang mày vái tạ rồi gắp miếng chả giò chay cho vào bát. Tôi nhìn thầy ăn, thấy có một thứ tình cảm xốn xang, vừa rất thân quen, vừa như lạ lẫm. Gần thì thật gần vì là đôi bạn đang ngồi sát cạnh nhau nhưng xa cũng thật xa vì nay Hoà đã là một thầy tu và tôi vẫn là tôi giữa cõi đời ô trọc nhiễu nhương này. Hình ảnh Phan Xuân Hoà trong bộ áo tu hành mới lạ quá, tỏa ra mầu đạo hạnh và dáng nét tôn kính, tôi chưa thu được đầy đủ góc cạnh để xếp vào ngăn tiềm thức.

Trước mắt tôi, vẫn là hình ảnh Phan Xuân Hoà, Sinh viên Sĩ quan khoá 65A ngồi cùng bàn ăn với chúng tôi trong phạn xá Trung tâm Huấn luyện ngày nào. Nhớ những bữa ăn sáng với bánh mì cặp chả có phết chút bơ, một quả chuối và ly trà đá sau cuộc chạy bộ từ sân khoá sinh ra bãi biển Duy Tân rồi chạy về, có Trần Thế Vinh hay Phan Văn Có đếm nhịp cho toán đi đều bước và hát những bài hát quân hành hùng tráng. Những bữa ăn sáng, bữa cơm trưa, bữa cơm chiều bốn đứa xếp vào một caret, tuổi đôi mươi sung sức ăn như hạm... Nhưng hôm nay thầy ăn từ tốn và ăn không nhiều. Xong, buông đũa, chắp tay xá xá. Lại nhớ ngày xưa đứng xếp hàng đợi tiếng hô mới răm rắp ngồi xuống hay nhất loạt đứng lên. Tôi ngùi ngậm thấy từng gương mặt bạn bè thân mến cũ lướt qua trí tưởng.

Lúc chia tay, tôi mời thầy về nhà tôi chơi ngày hôm sau để có thì giờ rộng rãi chuyện trò, ôn nhớ kỷ niệm thời xưa cũ. Chúng tôi hỏi han nhau về ngày cuối cùng và những giờ khắc cuối cùng trước lúc di tản. Nói với nhau chuyện quân trường, chuyện bôn ba bay bổng khắp miền đất nước, chuyện bạn bè, chuyện thăng trầm trong bước truân chuyên đời luân lạc... Tôi hỏi thầy có nhớ Phùng “Cầu Muối” không? Thầy trả lời nhớ chứ. Tôi mỉm cười. Nếu là ngày xưa, thầy đã không trả lời “Nhớ chứ” như bây giờ, mà đã trả lời tôi bằng hai chữ gọn lỏn thầy rất quen dùng, “Bắt buộc!” khi nghe tôi hỏi... Có lẽ đó là điều duy nhất tôi nhớ về Phan Xuân Hòa.

- Phạm Đình Phùng chết rồi, mới chết vài tháng nay, bệnh hay vì hậu quả của Sì-ke tôi không rõ. Dầu sao một thằng bạn ra đi hẩm hiu như thế cũng thương tội...

Phạm Đình Phùng tức Phùng Cầu Muối, dân khu trục của phi đoàn 518 Biên Hoà. Hồi đó Phùng vượt biển đến Thái Lan rồi qua Mỹ, thân tứ cố. Tôi tội nghiệp Phùng lêu bêu, đem về ở chung nhà. Ông anh Phùng ở Pensacola gọi lên cám ơn và nhờ tôi giúp đỡ, khuyên bảo Phùng cố gắng làm lại cuộc đời. Vợ chồng tôi dành riêng cho Phùng một phòng. Ký giấy bảo đảm cho Phùng mua chiếc Camaro hai cửa màu đen mới toanh để chạy cho có vẻ tay chơi. Phùng sống sạch sẽ ngăn nắp, rất cưng chiều mấy đứa con tôi. Con bé út lúc đó mới được ba, bốn tuổi, Phùng gọi nó là “Mai Lệ Huyền” và giải thích tại nó có giọng khào khào giống Mai Lệ Huyền!. Phùng dạy con bé hễ cứ trông thấy Phùng là nói “Khổ quá... Chán đời..!” rồi hai bác cháu cười với nhau. Phùng lâu lâu tập hợp lũ con tôi lại, dạy cách thoát hiểm nếu xảy ra hoả hoạn, bắt lũ nhỏ thực tập cách thở cho khỏi bị sặc khói, lấy khăn bịt mắt lần bò từ phòng ngủ tìm lối thoát. Ngày đó chúng tôi rất appreciate Phùng về chuyện này. Sau mới té ngửa nghĩ ra, ông nội bắt lũ nhỏ thực tập thoát hiểm vì sợ có ngày ông nội nằm trên giường hút thuốc lỡ bị say, làm cháy nhà...

Vợ tôi rất quý Phùng, lo cơm nước mỗi ngày để Phùng đem đi làm. Nhưng rồi một hôm nàng mách tôi rằng Phùng vì nể mà mang theo thôi chứ không ăn, đem đổ đi. Phùng lén lút hút cần sa trong phòng nhưng chúng tôi biết vì mùi khói thật khó chịu dễ nhận ra. Tôi lôi Phùng ra sát xà bông cho một trận rất kỹ và cảnh cáo. Phùng xin lỗi, nhưng không hứa bỏ, chỉ nói sẽ không hút trong nhà. Tôi lo sợ cho các con tôi, lâu lâu đóng vai cán bộ đi khám phòng. Mấy lần tôi moi ra tang vật, tịch thu vứt đi những gói cần sa cu cậu dấu dưới áo gối hay nhét trong xó kẹt hoặc ngăn tủ nào đó. Một lần Phùng đi chơi đêm bị cảnh sát chặn bắt, khám trong xe có cần sa, còng tay đem nhốt. Nửa đêm Phùng từ nhà giam điện thoại dựng đầu tôi dậy năn nỉ. Tôi phải mặc vội quần áo đem tiền đóng bail bond lãnh Phùng về. Rồi sau đó giúp chạy luật sư lo cho Phùng trắng án. Hồi đó có Dự cùng phi đoàn với Phùng cũng ở Dallas, khoá đàn em, thường đến chơi, khuyên nhủ Phùng hết lời nhưng rút cục phải lắc đầu chào thua. Ở xa thì có Hai Còi, cũng điêu đứng về những chuyện bê bối của Phùng.

Phùng biết nấu ăn và nấu rất ngon, nhất là món hủ tíu được vợ tôi khen nước lèo ngọt và đúng mùi vị hủ tíu của người Nam. Thể chất Phùng rất yếu, có lẽ vì nghiện hút và ăn rất ít. Thỉnh thoảng bạn bè tụ họp với nhau tại nhà tôi, Phùng cũng ăn cũng uống nhưng ăn uống rất khổ sở. Nhất là khi ăn ớt cay hoặc đồ ăn nóng, mồ hôi đổ ra nhễ nhại từ đỉnh đầu chảy xuống ròng ròng như tắm, mặt mũi nhợt nhạt, tay run lẩy bẩy. Người tình cũ của Phùng hồi ở Biên Hoà biết Phùng ở với tôi, từ Houston phóng lên Dallas kiếm Phùng. Gặp lại người xưa, Phùng tỏ vẻ cà lơ, thái độ gần như ruồng rẫy. Vĩnh rớm nước mắt lúc chia tay, gượng nở nụ cười héo hon chào Phùng và tôi, lên xe lái về Houston, biệt vô âm tín từ ngày đó.

Phùng ở với chúng tôi được khoảng hai năm, sau đó dọn ra apartment vì giận hờn vô lý. Tôi “kẹt”, không mua sắm được gì vì đứng tên bảo đảm cho Phùng mua chiếc Camaro mới toanh, mỗi tháng trả khá nặng. Phùng hứa chắc sẽ sang tên cái xe sau sáu tháng khi có việc làm ổn định nhưng mãi không đả động gì tới việc này. Cho mãi đến hơn một năm sau vì cần dùng credit, tôi mới yêu cầu Phùng sang tên. Phùng đi với tôi vào credit union làm giấy tờ nhưng vẫn giận tôi ngấm ngầm.

Phùng ra ở riêng, thỉnh thoảng cuối tuần hai vợ chồng tôi vẫn đưa các con đến thăm “bác Phùng”, đem theo đồ ăn vì biết Phùng ở một mình, lười nấu nướng. Một hôm đến thăm, định gõ cửa, nhưng tôi ngưng gõ vì tưởng Phùng đang tiếp khách. Có tiếng Phùng nói lớn bên trong như đang cãi cọ, mắng mỏ ai. Tôi đứng sát vào cửa nghe rõ tiếng Phùng như nói với đứa trẻ nào đó.

- Ê, tao không cho mày chạy. Mày chạy đi đâu? Chết cha mày rồi con ơi...


Có tiếng lục đục và tiếng chân di chuyển rồi lại vang lên tiếng Phùng cười khoái trá:
- Mày tưởng mày lẹ hơn tao sao con? OK, tao cho mày chạy thêm vòng nữa tao mới “dích” à nhe. Đừng lưu manh nghe mày! Ê... ê... thằng con không có ăn gian, tao cấm đi lối đó mà! Còn thằng này... đứng dậy chạy tiếp đi. Đu mạ, đừng giả bộ nằm chỏng cẳng phây phả như vậy nghe con!


Đứng một lúc, chỉ nghe tiếng Phùng độc thoại, ngoài ra chẳng có tiếng ai, tôi gõ cửa.


- Mày làm gì mà la lối quá vậy?
- Buồn quá cha nội ơi. Buồn và chán đời thảm thiết, tôi đang chơi với mấy con gián! Gián mà khôn tổ chảng, chơi với tụi nó cũng mệt...


Tôi vừa buồn cười vừa ái ngại nhìn bạn, thương trong lòng. Buồn và cô đơn, Phùng giải sầu bằng cách bắt gián bỏ lên bàn chơi với chúng. Ngày xưa cũng vì buồn và chán, Phùng đã tung hê đời mình vào đáy sâu trụy lạc. Sau tai nạn bất cẩn ở quán cơm Ngọc Hương làm khẩu rouleau giắt trong bụng nổ suýt bay cậu chó lần biệt phái hành quân trên Pleiku, Phùng giải ngũ về Biên Hoà làm sở Mỹ LSI & RMK, có nhiều tiền nên hư hỏng. Tháng 4-75 Phùng kẹt lại, trốn không ra trình diện học tập, sống lây lất với giới mánh mung buôn bán chợ trời ở Saigon rồi tìm cách vượt biển...

Hôm đó tôi chỉ vắn tắt nói với thầy Thích Linh Quang rằng Phùng vượt biển, trước kia ở với gia đình tôi và đã chết, tôi biết tin rất muộn khi tình cờ đọc báo và rồi sau đó nhận thư Phạm Đình Khuông thông báo đến anh em trong khoá. Thầy hỏi tôi có liên lạc với các bạn 65A thường không? Tôi nói lâu rồi tôi cũng vì chán đời và ngán người, chẳng liên lạc với ai, ngoài Chín Đầu Trâu. Chín với tôi điện thoại qua lại thường xuyên. Hai thằng qua đây vẫn tái diễn trò cãi nhau ỏm tỏi như ngày xưa ở quân trường nhưng thân nhau và tin nhau nhất. Tôi kể cho thầy nghe chuyện lần vợ chồng tôi lên Minnesota chơi với vợ chồng Chín. Chúng tôi lái xe đi thăm Yellowstone ở Wyoming và Mount Rushmore ở South Dakota.


- Cái thằng buồn cười lắm. Tôi lái xe, thỉnh thoảng dở coi bản đồ tìm check-point xem đến đâu và còn bao xa thì tới hoặc nơi này là nơi nào, dân số bao nhiêu nhưng nó nhất định cấm tôi không được xem bản đồ. Nó bắt tôi chỉ chú tâm vào việc lái xe, cứ thẳng theo xa lộ 94 là tới và nó biết đường. Tôi bực mình, lại thích trêu cậu Chín, hỏi vặn lại nó rằng mày là Pilot, lái máy bay không bao giờ coi bản đồ hay sao? Nó chửi tôi là thằng ngoan cố, vừa lái xe vừa coi bản đồ lỡ xảy ra tai nạn thì sao? Tôi bảo tai nạn thế chó nào được! Mày cứ lải nhải bên tài xế làm nó si-nẹc mới dễ xảy ra tai nạn. Mày biết traffic New York thế nào rồi chứ? Vậy mà... hỏi vợ tao đi, tao lái xe trong thành phố New York, vừa lái, vừa coi bản đồ, vừa tìm đường, vừa chụp hình, vừa quay Vidéo ngon lành, có chết thằng tây nào đâu?


Vợ tôi ngồi băng sau với vợ Chín, lên tiếng xác định:
- Thật đó anh Chín! Ông ấy hay lắm, thấy cảnh đẹp bảo tôi chụp hình hay quay Vidéo nhưng tôi vừa giơ máy lên chưa kịp bấm thì xe đã đi qua mất rồi... Cuối cùng ông ấy bảo tôi đưa cho ông ấy cả hai cái máy, quàng lên cổ rồi ổng vừa lái xe, vừa xem bản đồ, vừa tìm đường, vừa chụp ảnh hay quay phim...


Chín quay sang cự vợ tôi:
- Sao bà... liều vậy? Bà giao trứng cho ác mà không sợ sao? Có ngày chết không kịp trối!

Rồi nó cáu, trừng trợn nhìn tôi, quát lớn:
- Thằng này lì lợm quá mày! Tao biểu mày đưa cái bản đồ đây cho tao. Tao chỉ đường cho mày lái.

Và Chín giựt lấy tấm bản đồ. Thấy Chín giận thật tình, tôi thôi không trêu chọc nữa. Hai nàng vợ lắc đầu, cười. Vợ Chín nói:
- Tôi thấy hai ông này thân nhau, thương nhau lắm. Mà sao hễ nói chuyện một chút là cãi nhau, kỳ vậy?

Tôi nói:
- Chính tôi cũng thấy kỳ nhưng tôi với nó trời sinh ra không cãi nhau không được. Có lẽ do thói quen từ hồi còn trong quân trường. Tôi với nó ở gần nhau cùng một phòng. Hai giường chỉ cách nhau một cái tủ đứng xài chung. Mà bà biết, cán bộ xét phòng, một thằng bê bối như xếp quần áo không ngay ngắn và đúng kích thước là cả hai đều bị phạt. Không ngày nào mà tôi không bị phạt lây với anh chồng bà. Thằng này nhiều lúc cũng tội nghiệp vì tôi biết nó cũng sợ bị phạt, sợ làm tôi liên lụy bị nghe sỉ vả nên lúc nào thấy cán bộ sắp tới phòng là nó lăng xăng như gà mắc đẻ lật đật vuốt lại quần áo hay phủi bụi đôi giày, kéo lại tấm drap, dù rằng trước đó nó đã o bế rất cẩn thận và mời tôi kiểm soát cho chắc ăn... vậy mà vẫn bị phạt! Có gì đâu... Thằng em đo đạc, sắp xếp lại quần áo, rút tấm giấy phạt trong túi rồi để quên ở ngoài. Hoặc kéo đôi giày ra phủi bụi, nghe tiếng hô chào cán bộ bước vào phòng, nó quýnh quáng đẩy đôi giày vào chỗ cũ nhưng mũi giày bị lệch, thế là lãnh củ...!

Hồi đó tôi điên lên vì cái vụng về lật đật của cậu Chín, chửi cậu là trâu bò. Cậu chỉ biết vò đầu bứt tai than sao tao ngu quá tụi bay khiến bọn tôi chỉ biết cười trừ thôi chứ giết được nó à? Tôi với nó cự nhau, cãi nhau hàng ngày, nên bây giờ gặp nhau mà không cãi cọ thì ăn không ngon, ngủ không yên. Cũng là một thứ bệnh tâm thần, một thứ “hội chứng Việt nam” đấy.

Thầy nghe tôi kể cũng cười vui một cách hồn nhiên, rồi hỏi:

- Bạn nhớ Vũ Việt Dũng không... Dũng bây giờ ở đâu?
- Dzũng chứ không phải Dũng! Làm dáng cái tên, có chữ “Zét” sau chữ “Dê“. Dzũng lùn có xương hàm vuông giống y chang chú vịt Donald của Walt Disney!... Dzũng Vịt ở tiểu bang Pennsylvania.
- Hồi còn huấn nhục ở quân trường, ngồi nhổ cỏ làm tạp dịch, nó với Nguyễn Cao Hùng, Võ Ngọc Sơn tủi thân khóc. Ngày đó đứa nào cũng non choẹt, trông rất “sữa”... Vũ Việt Dzũng bị cán bộ bắt gặp đang khóc sụt sịt, hỏi tại sao?...

Nó òa lên khóc lớn hơn, nói là tại nhớ... má, muốn về với má!

Chúng tôi nhắc đến kỷ niệm quân trường, đến bạn bè với những thói tật hay thành tích đặc biệt tạo nên huyền thoại của khóa 65A. Mà huyền thoại nóng hổi hiện tại là “Chuyện Lý Tống”. Tôi bảo có lẽ tôi sẽ phải viết thêm “Chuyện Lý Tống” thứ hai để cho những người anh em KQ “tử tế có thừa” hùn tiền đưa cho Tống, xúi Tống mướn luật sư kiện tôi một thể. Thầy cười, nói đùa:

- Hay ông viết bài vận động bầu cho Lý Tống làm tổng thống Mỹ cũng có lý lắm!

Lúc đó dư âm mùa tranh cử giữa anh Bush con và gã lưu manh láu cá vặt John Kerry vẫn còn nóng hổi. Tôi lãng qua chuyện khác:

- Ông có nhớ Nguyễn Hữu Thụy, khoá 65B Kỹ thuật không? Ông ấy ở Biên Hoà, Không đoàn Bảo trì Tiếp vận...
- Không. Thụy nào ta? Chịu, tôi không nhớ. Nhưng mà sao?
- Ông Thụy cũng xuất gia lâu lắm rồi và đã viên tịch cách đây bốn năm năm, dường như bị viêm gan. Thầy đi tu khi đang sống yên bình với vợ con. Cả gia đình đều hoan hỉ đồng ý để thầy xuất gia.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Thụy tức Đại đức Thích Chân Tịnh, trụ trì tại một ngôi chùa trên Kansas City. Hồi còn sống, thầy rất quý tôi, thường gọi thăm, gửi cho tôi kinh sách hoặc những bài giảng thâm thúy giá trị thâu trong audio tape. Thỉnh thoảng thầy còn viết bài về Phật đạo gửi cho Lý Tưởng và viết thư khuyên tôi giữ tâm an tịnh, trau luyện hùng lực và sự tinh tấn để vững vàng trước bao sóng gió dập vùi thời kỳ tôi nắm giữ trách vụ Tổng hội trưởng và chủ biên tờ Lý Tưởng. Thời gian đó, tôi thấy mình như có triệu chứng của bệnh “trầm uất” sau những trận đòn thù đón nhận từ một số người chỉ vì thứ danh hờ lợi hão và lòng đố kỵ, ganh ghét, đã nhắm vào tôi bằng những đối xử bất công, tàn độc vì tôi lỡ đứng ra nhận trách nhiệm điều hành Tổng Hội và một mình chăm lo tờ Lý Tưởng. Tôi khủng hoảng đến độ tới những nơi hội họp KQ, nhìn thấy cái slogan “Không Bỏ Anh Em, Không Bỏ Bạn Bè” chính mình là tác giả, tôi ngầy ngật khó chịu, buồn nôn, thấy cả một sự mỉa mai cay đắng, sợ trông thấy nó, sợ nghe thấy nó đến hoảng hốt tâm thần...

Thầy Chân Tịnh với Tạ Ngọc Chủy (dường như cùng khoá với Vĩnh Anh?) và tôi có tình thân thiết vì chúng tôi đều có liên hệ với cụ Cử Phùng, cụ bà là nữ sĩ Việt An, song thân của nhà văn nữ Thiều Giang, viết cho báo Sống. Chị Thiều Giang nay tuổi đã gần thất tuần, ở Virginia, về hưu nhưng vẫn say mê theo đuổi việc khảo cứu văn hoá, lịch sử Việt Nam. Hồi còn ngoài dân chính, tôi cũng viết báo trong ê-kíp Chu Tử, làm việc chung và rất thân với chị Thiều Giang. Ông Chu Tử ngày xưa là học trò cụ Cử Phùng, nên hàng năm vào dịp tết lễ, tôi vẫn đưa ông đến nhà chị Thiều Giang ở đường Trương Tấn Bửu, Phú Nhuận biếu lễ cụ bà và lạy trước bàn thờ cụ ông. Anh Nguyễn Hữu Thụy và Tạ Ngọc Chủy là người trong thân tộc của cụ Cử Phùng. Anh Thụy qua Mỹ trở thành Đại đức Chân Tịnh. Tạ Ngọc Chủy, thiếu úy, phi công L19 của phi đoàn 114 ở Nha Trang, cùng với Nguyễn Thành Sang 64C bay trên chiếc cessna trong phi vụ liên lạc Saigon, chuyến về gặp mưa bão và rớt tại vùng biển Cà Ná khoảng tháng 10-67, không tìm thấy xác. Hồi đó tôi viết bài “Mùa Biển Động” trên Lý Tưởng BTLKQ là viết về cái chết này của Chủy.

Hôm đó sau một tuần trà, tôi tiễn chân Đại đức Thích Linh Quang ra về. Nhìn thầy trong chiếc áo tu hành màu nâu, dáng đi hơi vội, tự nhiên tôi thấy lòng chùng xuống, bùi ngùi. Thầy vẫn còn là Phan Xuân Hoà của khoá 65A chứ chưa thể hoàn toàn tan biến trong tôi để thay bằng hình ảnh một nhà sư đang lầm lũi bước theo dấu vết Đường Tăng đi tích thiện và hành thiền cứu khổ mãi tận nơi Thiên Trúc.

Đào Vũ Anh Hùng
(Ngày cuối tháng 2, 2005)

Reader Response: (BẠN CŨ)

Rate this item
(0 votes)

Posted by Tranbienman

Related items