Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
Cùng với việc phát hành đồng 5 Úc kim nói trên, Chính phủ Liên bang Úc-đại-lợi đã ra một Thông cáo Báo chí, có đoạn chính như sau:
“Trước ngày kỷ niệm 50 năm trận đánh Long Tân, Sở in & đúc hiện kim Úc-đại-lợi đã phát hành đồng tiền tưởng niệm đặc biệt dành riêng cho giới sưu tầm (commemorative collectible coin) để tưởng nhớ các chiến binh đã chiến đấu và hy sinh tính mạng trong trận đánh này.”
Năm mươi năm trước, vào ngày 18/8/1966, tại một rừng cao-su gần làng Long Tân, tỉnh Bình Tuy, 108 chiến binh Úc-đại-lợi và Tân-tây-lan đã phải đương đầu với một lực lượng địch trên 2000 gồm bộ đội chính quy Bắc Việt và Việt Cộng trong Nam. Trong trận đánh được ghi nhận là lớn nhất của quân đội Úc trong suốt thời gian tham chiến tại Việt Nam, đã có tổng cộng 17 quân nhân Úc tử trận, 25 người bị thương trong đó có một người không qua khỏi.
Vào dịp tưởng niệm 3 năm trận đánh này, một cây Thánh giá đã được dựng lên tại rừng cao-su Long Tân để ghi nhớ những người đã chiến đấu và hy sinh trong suốt cuộc chiến, và biểu tượng đặc biệt này (cây Thánh giá trong rừng cao-su) đã được đưa lên mặt đồng tiền có đường kính 3.874 cm (1.5 inch).” (PHỤ LỤC: Thánh giá Long Tân)
Sự việc ấm lòng này (phát hành đồng tiền tưởng niệm trận Long Tân) không phải tự dưng mà có, trái lại nó đã được trả bằng một giá rất đắt.
Cái giá ấy không chỉ là công sức chiến đấu, phục vụ của hơn 61.000 quân nhân Úc, trong đó có 521 người đã hy sinh, hơn 3000 người bị thương tật trong cuộc chiến, mà còn là nước mắt tủi nhục, là cuộc chiến kiên cường bất khuất của cựu chiến binh Úc và Đồng Minh - trong đó có các cựu quân nhân QLVNCH tại Úc - trên mặt trận tư tưởng trong suốt bao năm qua, để đánh bại các thế lực phản chiến thiên tả đã làm mưa gió trong suốt hai thập niên 1960, 1970.
Khởi đầu vào tháng 8 năm 1962 và chấm dứt vào tháng 12 năm 1972, cuộc tham chiến của lực lượng Úc-đại-lợi tại miền nam Việt Nam đã được ghi nhận là “cuộc tham chiến dài nhất trong lịch sử Quân Lực Hoàng Gia Úc-đại-lợi”. Không chỉ dài nhất mà còn gây tranh luận gay gắt nhất, và gây chia rẽ trầm trọng nhất tại quốc gia này.
Vào thời gian của cao trào phản chiến, những năm đầu thập niên 1970, mỗi khi có phi cơ chở các lực lượng Úc rút quân về nước đáp xuống Căn cứ Không quân Fairbairn ở gần thủ đô Canberra, cho dù đã phải đáp trong đêm tối, đã luôn luôn bị các lực lượng phản chiến thiên tả “dàn chào” ở ngoài cổng để nhục mạ.
Nhưng cuối cùng, chính nghĩa đã thắng, cho dù không thắng ngoài chiến địa cũng thắng trên chính trường, và quan trọng không kém, trong lòng người. Giữa thập niên 1990, cùng với phong trào “Welcome Home” ở Hoa Kỳ để vinh danh các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, danh dự của các chiến sĩ đồng minh Úc cũng được phục hồi.
Cuộc tuần hành “Welcome Home” tại Sydney (1987)
Sau cuộc tuần hành của cựu chiến binh Úc diễn tại thủ đô Canberra năm 1992, tới các thành phố thủ phủ tiểu bang, như Melbourne, Adelaide, Brisbane, Perth..., và sau cùng, và cũng là đỉnh cao, là cuộc tuần hành vĩ đại vào ngày 3 tháng 10 năm 1997 tại Sydney, thành phố lớn nhất nước Úc, với sự góp mặt của trên 25.000 cựu chiến binh Úc từng tham chiến tại Việt Nam, dẫn đầu bởi thân nhân ruột thịt của trên 500 chiến binh đã hy sinh, trên tay mỗi người cầm một lá quốc kỳ Úc “thay mặt cho người đã chết”, trước sự hoan hô nồng nhiệt của hàng trăm nghìn người dân Úc xuống đường để chào mừng.
[Chính khí thế của các cựu chiến binh, sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng trong cuộc tuần hành vĩ đại nói trên đã dẫn đưa tới việc Thủ tướng Úc Bob Hawke công bố quyết định lấy ngày 18 tháng 8 hàng năm, ngày kỷ niệm chiến thắng Long Tân (Long Tan Day) làm Ngày cựu chiến binh Úc tham chiến tại Việt Nam (Vietnam Veterans Day)]
Điều cần ghi nhận là tất cả các cuộc tuần hành nói trên đều có sự tham gia đông đảo của tập thể cựu quân nhân QLVNCH tại Úc.
Tới tháng 9 năm 2012, kỷ niệm 50 năm (1962-2012) ngày Quân Lực Hoàng gia Úc-đại-lợi tham chiến tại Việt Nam, người Việt quốc gia tại Úc đã tổ chức nhiều sinh hoạt đặc biệt để vinh danh và tri ân các lực lượng Úc đã góp phần mồ hôi xương máu trong công cuộc chiến đấu bảo vệ lý tưởng Tự Do tại miền Nam Việt Nam, chống lại cuộc xâm lược của cộng sản Bắc Việt.
Năm nay, nhâp dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Long Tân, chúng tôi mời độc giả cùng điểm lại cuộc tham chiến đầy chính nghĩa ấy của Quân Lực Hoàng gia Úc-đại-lợi tại miền Nam VN.
TIỀN ĐỒN của THẾ GIỚI TỰ DO
Năm 1957, thời gian cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản đã tới giai đoạn gay gắt, quyết liệt nhất, miền nam Việt Nam - tức Việt Nam Cộng Hòa - trở thành tiền đồn chống cộng của Thế Giới Tự Do, Tổng thống Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống tiên khởi của Việt Nam Cộng Hòa, mở cuộc công du Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đồng minh.
Tổng thống Ngô Đình Diệm công du Úc-đại-lợi năm 1957, được Thủ tướng Robert Menzies (đi phía sau) chào đón
Ngày 2/9/1957, Tổng thống Ngô Đình Diệm tới Úc, được cả đảng Tự Do của đương kim Thủ tướng Robert Menzies lẫn đảng Lao Động hết lòng ủng hộ. Sau khi đọc diễn văn tại lưỡng viện Quốc Hội, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã được trao tặng huân chương danh dự Knight Grand Cross of the Order of St Michael and St George, là huân chương cao quý nhất dành cho những người không phải thần dân của Nữ hoàng Anh.
Tới năm 1962, sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam - lúc đó núp dưới danh xưng “Đảng Lao Động Việt Nam” - cho thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN), mở màn cho cuộc chiến tranh du kích với âm mưu lật đổ chính phủ VNCH, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chính thức yêu cầu sự trợ giúp của các nước đồng minh trong Thế Giới Tự Do. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đáp ứng qua việc gửi các cố vấn quân sự tới miền nam Việt Nam. Sau đó lần lượt là 4 thành viên khác trong khối SEATO (Southeast Asia Treaty Organisation: Liên Phòng Đông Nam Á) gồm Úc-đại-lợi, Tân-tây-lan, Phi-luật-tân, và Thái-lan. Về phía các đồng minh không nằm trong khối SEATO có Đại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn) và Trung Hoa Dân Quốc (Đài-loan).
Trong số 7 đồng minh nói trên, chỉ có Hoa Kỳ, Úc-đại-lợi, Tân-tây-lan, Nam Hàn, và Thái-lan gửi các đơn vị tác chiến. Còn Trung Hoa Dân Quốc chỉ gửi một Phái bộ Cố vấn Chiến Tranh Chính Trị, và Phi-luật-tân gửi các toán Dân sự vụ.
Úc-đại-lợi và Tân-tây-lan cũng là hai thành viên thân thiết nhất với Hoa Kỳ, bởi vì trước đó, vào năm 1951, ba quốc gia này đã cùng nhau ký kết Hiệp Ước An Ninh Hỗ Tương ANZUS (Australia - New Zealand - United States).
Sự tham dự của Úc-đại-lợi vào cuộc chiến Việt Nam được thực hiện qua hai lĩnh vực: cố vấn quân sự và tác chiến.
I- Cố vấn Quân sự (1962-1972):
Không một ai, kể cả người Mỹ, có thể phủ nhận thực tế: trong cả khối Thế Giới Tự Do, không quân đội nước nào có khả năng “chống du kích” chuyên nghiệp và hữu hiệu cho bằng quân đội Úc. Khả năng ấy có được là nhờ truyền thống sẵn có và tích lũy kinh nghiệm trong thời gian tham gia cuộc chiến chống phiến quân cộng sản tại Mã-lai, từ năm 1955 tới 1960.
Cuộc chiến này được người Anh gọi là “The Malayan Emergency”, khởi sự vào năm 1948. Lực lượng địch là “Giải phóng quân” của Đảng Cộng Sản Mã-lai. Tự cái tên gọi “Giải phóng quân” đã cho thấy có bàn tay của Trung Cộng nhúng vào. Trên thực tế, lãnh tụ Chin Peng (Trần Bình) và đa số “Giải phóng quân” cùng những kẻ ủng hộ đều là người gốc Hoa.
Thời gian mấy năm đầu, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ với các cuộc tấn công của quân phiến loạn nhắm vào lực lượng Anh – Mã-lai, cùng với các cuộc khủng bố, ám sát (trong số người bị ám sát, có cả Cao Ủy Anh tại Mã-lai).
Một toán tiền sát chống du kích của Úc tại Mã Lai
Nhưng từ khi quân Úc được đưa sang thì gió bắt đầu xoay chiều. Lợi thế của hình thái chiến tranh du kích dựa vào yếu tố “ta thấy địch mà địch không thấy ta”. Từ đó, người Úc nhận định: nếu cứ giữ thế thủ, sẽ không bao giờ đánh bại được du kích quân cộng sản, mà phải săn lùng địch và chủ động tấn công. Những gì xảy ra tại miền Nam Việt Nam sau này đã chứng minh khả năng chống du kích “thần sầu quỷ khốc” của quân Úc; qua đó, yếu tố “ta thấy địch mà địch không thấy ta” thay vì là sở trường của “du kích quân” Việt Cộng, đã trở thành ưu điểm của “phản du kích quân” Úc!
Theo cuốn “Vietnam” của sử gia quân đội Paul Ham, trong một cuộc hội thảo giữa hai phía Hoa Kỳ và Úc diễn ra tại Canberra vào tháng 5 năm 1962, chính Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk đã phải nhìn nhận “lực lượng quân sự Mỹ biết rất ít về chiến thuật chống du kích trong rừng núi”, và yêu cầu sự trợ giúp của phía Úc.
Kết quả, một đơn vị cố vấn Úc tại Việt Nam được cấp tốc thành lập, với danh xưng “Australian Army Training Team in Vietnam” (AATTV), thường được người Úc gọi một cách ngắn gọn là “The Team”, do Đại tá Francis Philip “Ted” Serong, một người hùng quân đội (từng được ân thưởng huân chương OBE), chuyên gia chống du kích nổi tiếng bậc nhất của Úc, cầm đầu.
Toán Cố Vấn Úc tới Việt Nam (1962)
Ngày 31/7/1962, Đại tá Serong tới Sài Gòn, và ba ngày sau, toán cố vấn đầu tiên của The Team gồm 30 người (15 sĩ quan và 15 hạ sĩ quan) có nhiều kinh nghiệm chống du kích ở Mã-lai đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Nhiệm vụ chính của The Team là phối hợp với các cố vấn Mỹ (MACV) trong việc huấn luyện quân đội VNCH về chiến thuật chống du kích; vì thế, đa số thành viên của The Team đã được ưu tiên đưa tới các trại Dân sự Chiến đấu (CIDG: Civilian Irregular Defense Group, người Việt thường gọi là Biệt kích Mỹ).
Nhìn chung, sự phối hợp giữa The Team và các cố vấn Mỹ được mô tả là tốt đẹp, tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi những bất đồng, thậm chí đụng độ, từ cấp thấp nhất tới cấp cao nhất. Hiện nay, tài liệu quân sử của Úc vẫn còn ghi lại cuộc “đụng độ nảy lửa” (nguyên văn: violent challenge) trong một buổi hội thảo về đề tài “chống du kích quân cộng sản”, tổ chức tại Ngũ Giác Đài ngày 23/5/1963, giữa Đại tá Ted Serong với Trung tướng Victor “Brute” Krulak – một người hùng của TQLC Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên.
Thế nhưng trên chiến trường, hai phía đồng minh đã luôn luôn sát cánh. Ngày 6/7/1964, trong lúc chống trả cuộc tấn công của lực lượng Việt Cộng và quân chính quy Bắc Việt vào trại Biệt kích Nam Đồng gần biên giới Lào, Chuẩn úy Kevin Conway của The Team và Thượng sĩ Nhất Gabriel Alamo của Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ (USSF: US Special Forces, tức Green Berets) đã anh dũng hy sinh, xác nằm bên nhau trong một cái hố chiến đấu ở hàng rào phòng thủ.
Chuẩn úy Kevin Conway được ghi nhận là quân nhân Úc đầu tiên hy sinh trong lúc chiến đấu tại Việt Nam.
Đại tá Serong quan sát vị trí Chuẩn úy Conway hy sinh
Cũng theo tài liệu của Úc, Thượng sĩ Nhất Gabriel Alamo bị tử thương ngay trong đợt tấn công đầu tiên của quân cộng sản; còn lại một mình, Chuẩn úy Kevin Conway đã bình tĩnh sử dụng khẩu súng cối để “rót” một cách vô cùng chính xác lên đầu địch quân. Địch quân càng tới gần, tầm đạn càng thu ngắn; cuối cùng, khi địch tràn vào hàng rào phòng thủ, Kevin Conway đã bắn thẳng lên trời, để đạn cối rớt xuống đầu địch, và xuống cả cái hố của mình. Kết quả, địch quân đã không thể tiến xa hơn, và phải rút lui trước sức chiến đấu của lực lượng phòng thủ.
Trước hành động chiến đấu dũng cảm và gương hy sinh anh hùng của cố Chuẩn úy Kevin Conway, Đại tá Ted Serong đã gửi bản đề nghị xin truy tặng huân chương Victoria Cross – huân chương cao quý nhất của Úc do vị Tổng Toàn Quyền đại diện Nữ hoàng quyết định và trao gắn - nhưng đơn đã bị Bộ Quốc Phòng Úc bác.
Theo hồi ký của Đại tá Ted Serong (sau này lên cấp Chuẩn tướng), nguyên nhân đơn bị bác là vì trên nguyên tắc, việc người Mỹ sử dụng lực lượng Dân sự Chiến đấu (Biệt kích Mỹ) là bất hợp pháp, cho nên họ đã giữ bí mật tới mức tối đa. Vì thế, việc truy tặng huân chương Victoria Cross cố Chuẩn úy Kevin Conway cùng với bản tuyên dương công trạng (bắt buộc phải có), chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”!
VIẾT THÊM: Ngày ấy, cũng vì hoạt động bí mật của lực lượng Dân sự Chiến đấu (Biệt kích Mỹ), cho nên đã không có cơ quan truyền thông nào tường thuật đầy đủ về trận phản công đẫm máu ở trại Biệt kích Nam Đồng, cách Đà Nẵng 50 cây số về hướng tây, nằm sát biên giới Lào – Việt. Trong hai ngày 5 và 6/7/1964, một lực lượng lực địch khoảng 1000 tên, gồm quân chính quy Bắc Việt và Việt Cộng địa phương, mở cuộc tấn công Trại, do 300 biệt kích người Kinh, 60 biệt kích người Nùng, 12 quân nhân LLĐB Mỹ và một cố vấn Úc (Chuẩn úy Kevin Conway) trấn giữ. Kết quả, sau hai ngày giao tranh đẫm máu, địch vẫn không chiếm được trại, phải rút lui, để lại 63 xác chết tại trận (chưa kể số xác chết được đồng bọn mang theo); thiệt hại của lực lượng bạn gồm 115 biệt kích Việt chết và bị thương, 10 quân nhân đồng minh tử thương, gồm 9 người Mỹ và một người Úc duy nhất có mặt tại trại – tức Chuẩn úy Kevin Conway.
* * *
Trở lại với The Team, tới tháng 9/1964, tổng số lên tới 73 người, rồi 112 người vào tháng 6/1965, và cuối cùng là 217 người vào tháng 11/1970.
Nhiệm vụ chính của The Team là cố vấn trực tiếp tại mặt trận - viết một cách chính xác hơn là vừa cố vấn vừa chiến đấu – và cũng có khi chỉ huy các toán Biệt kích người Thượng. Các thành viên của The Team được phân bổ đi khắp nơi, thường hoạt động riêng lẻ (như trong trường hợp Chuẩn úy Kevin Conway), hoặc hai người; chỉ trong trường hợp đặc biệt mới kết hợp thành toán, nhưng cũng không quá 10 người. Lần duy nhất có sự tham dự đông đảo của các thành viên là buổi lễ đón nhận huân chương cao quý US Army Meritorious Unit Commendation của Hoa Kỳ, do Đại tướng Abrams, Tư lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, trao tại thị xã Vũng Tàu ngày 30/9/1970.
Đầu năm 1971, The Team mở khóa huấn luyện chống du kích đầu tiên cho các quân nhân QLVNCH tại Jungle Warfare Training Centre ở Núi Đất, thuộc tỉnh Phước Tuy. Phải chi phía Hoa Kỳ nhờ người Úc làm công việc này từ giữa thập niên 1960, công việc chống lại du kích quân cộng sản ở miền nam VN đã tốt đẹp hơn rất nhiều!
Năm 1972, khi Lực Lượng Đặc Nhiệm của Úc đã rút hết về nước, The Team vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam, với nhiệm vụ huấn luyện chiến thuật chống du kích cho phía VNCH và Quân đội Quốc gia Khmer.
The Team chỉ chấm dứt hoạt động vào ngày 18/12/1972, được ghi nhận là đơn vị Úc phục vụ tại Việt Nam lâu nhất (trên 10 năm), và cũng là đơn vị có tỷ lệ quân nhân được ân thưởng huy chương cao nhất, trong đó có bốn người được huân chương cao quý Victoria Cross.
II- Lực lượng tham chiến (1965 –1972):
Ngày 8/8/1964, một phi đội vận tải cơ Caribou hạ cánh xuống phi trường Vũng Tàu và đặt căn cứ tại đây, được ghi nhận là đơn vị đầu tiên của Quân Lực Hoàng Gia Úc-đại-lợi tới tham chiến tại Việt Nam. Từ đó cho tới cuối năm 1972, hơn 61.000 quân nhân thuộc Hải, Lục, Không Quân Úc đã lần lượt tới phục vụ tại Việt Nam, và trong số ấy, 521 người đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do.
A- Lục Quân:
Ngày 29/4/1965, Thủ tướng Úc Robert Menzies (đảng Tự Do) loan báo việc chính phủ Úc chính thức nhận được yêu cầu từ phía Hoa Kỳ trong việc gia tăng yểm trợ quân sự, và chính phủ Úc quyết định gửi một tiểu đoàn bộ binh sang chiến đấu tại Việt Nam, vì theo lời ông Menzies,“việc Cộng Sản chiến thắng tại miền nam Việt Nam sẽ là mối đe dọa về mặt quân sự trực tiếp vào nền an ninh của Úc”.
Hơn một tháng sau, Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn Hoàng Gia Úc-đại-lợi (1st Batallion, Royal Australian Regiment, viết tắt là 1 RAR), cùng với một chi đội thiết vận xa M-113 và các đơn vị tiếp liệu, đã được mẫu hạm HMAS Sydney vận chuyển sang Việt Nam.
Sau khi tới nơi, Tiểu Đoàn 1 hoạt động với tư cách một đơn vị trực thuộc Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ, địa bàn hoạt động là lãnh thổ tỉnh Biên Hòa.
Mặc dù Tiểu Đoàn 1 cũng đã đánh vài trận với tư cách một đơn vị độc lập, sau đó cả hai phía Mỹ - Úc đã cùng nhau thỏa thuận: các đơn vị Úc được đưa tới Việt Nam trong tương lai sẽ được trao toàn bộ trách nhiệm lãnh thổ một tỉnh nào đó, để họ có thể “đánh giặc theo kiểu Úc”, không liên hệ gì tới các đơn vị của Hoa Kỳ.
Tháng 4 năm 1966, Lực Lượng Đặc Nhiệm 1 Úc-đại-lợi (1st Australian Task Force, viết tắt là 1 ATF) tới Việt Nam, đặt bản doanh tại Núi Đất, tỉnh Phước Tuy, và Tiểu Đoàn 1 chấm dứt trực thuộc Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ để trở thành một đơn vị trong Lực Lượng Đặc Nhiệm.
Lực Lượng Đặc Nhiệm này tương đương một đơn vị cấp Lữ Đoàn (Brigade) của Hoa Kỳ, gồm 3 tiểu đoàn bộ binh - gồm các Tiểu Đoàn 1, 3, 4, 5, 6, 7, và 8 của Trung Đoàn Hoàng Gia (tức 1 RAR, 3 RAR, 4 RAR, 5 RAR , 6 RAR, 7 RAR, 8 RAR) luôn phiên phục vụ - cộng với một chi đoàn thiết vận xa M-113, một đội biệt kích SAS, cùng nhiều đơn vị yểm trợ đặt dưới sự điều động của Liên Đoàn 1 Yểm Trợ Tiếp Vận (1st Australian Logistics Support Group) đặt căn cứ tại Vũng Tàu. Tới cuối năm 1967, Lực Lượng Đặc Nhiệm được tăng cường một thiết đoàn chiến xa hạng trung Centurion.
Một toán Biệt kích SAS của Úc tại Phước Tuy
Về nhiệm vụ, Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc được trao toàn bộ trách nhiệm gìn giữ an ninh lãnh thổ tỉnh Phước Tuy, trừ một vài thị trấn lớn do phía VNCH chịu trách nhiệm.
B- Không Quân:
Tính tới năm 1967, Không Lực Hoàng Gia Úc đã có 3 phi đoàn tới hoạt động tại Việt Nam, gồm:
- Phi Đoàn 35 Vận Tải (No.35 Transport Squadron)
Tiền thân là phi đội vận tải cơ Caribou tới Vũng Tàu vào tháng 8/1964 đã nhắc tới ở đoạn đầu. Do nhu cầu đòi hỏi, ngày 1/6/1966, phi đội này được nâng cấp với danh xưng No.35 Transport Squadron (Phi Đoàn 35 Vận Tải), đồn trú tại phi trường dã chiến Luscombe Field gần căn cứ Núi Đất. Tuy nhiên với đa số quân nhân Úc phục vụ tại Việt nam, họ thích gọi, và cho tới nay vẫn còn nhớ, phi đoàn này bằng nickname “Wallaby Airlines” (Hàng Không Wallaby).
[Wallaby là một loài động vật đặc thù ở Úc, cùng họ “đại thử” (chuột túi) với con kangaroo nhưng nhỏ hơn]
Caribou của Phi Đoàn 35 Vận Tải và trẻ em VN
Với khả năng đáp và cất cánh trên những phi đạo thô sơ, cực ngắn của các vận tải cơ Caribou, nhiệm vụ chính của Phi Đoàn 35 Vận Tải là tiếp tế cho các Trại Biệt Kích Mỹ ở Vùng 2 và vùng 3 Chiến Thuật, cũng như cho các toán cố vấn Úc (của The Team) ở vùng Tây Nguyên.
* Phi Đoàn 9 Trực Thăng (No. 9 Helicopter Squadron)
Nhân viên cùng với các trực thăng UH-1 của Phi Đoàn 9 Trực Thăng được mẫu hạm HMAS Sydney vận chuyển tới Vũng Tàu ngày 6/6/1966, và tới cuối tháng, bay tới đồn trú ở căn cứ Núi Đất.
Nhiệm vụ của Phi Đoàn 9 Trực Thăng rất đa dạng, từ đổ quân, vận chuyển thương binh tới tiếp tế đạn dược cho chiến trường, từ rải truyền đơn kêu gọi chiến binh cộng sản hồi chánh cho tới xịt thuốc khai quang tiêu diệt hoa màu trong các mật khu của Việt Cộng.
Các binh sĩ Tiểu Đoàn 7 RAR và UH-1 của Phi Đoàn 9 trực thăng
Từ năm 1967, sau khi được trang bị loại UH-1 đời mới, có trọng tải lớn hơn, Phi Đoàn 9 Trực Thăng còn phối hợp với Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Hoàng Gia Úc tại Việt Nam (Royal Australian Navy Helicopter Flight - Vietnam) và lực lượng trực thăng của Lục Quân Hoa Kỳ thực hiện những phi vụ cực kỳ nguy hiểm là đổ và bốc những toán tiền sát của QLVNCH trong lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật, và sang cả bên kia biên giới Việt – Miên. Trong thời gian thi hành nhiệm vụ này, một số phi cơ của Phi Đoàn 9 Trực Thăng đã bị hỏa lực địch bắn hạ và bị thiêu hủy hoàn toàn.
Tính tới ngày 17/12/1971 - ngày phi đội cuối cùng Phi Đoàn 9 Trực Thăng rời Vũng Tàu - đã có 7 nhân viên phi hành hy sinh.
* Phi Đoàn 2 Oanh Tạc (No. 2 Bomber Squadron):
Phi Đoàn 2 Oanh Tạc được trang bị oanh tạc cơ tầm xa Canberra (tức B-57 trong Không Lực Hoa Kỳ và Không Lực VNCH), tới Việt Nam năm 1967, đồn trú tại Căn Cứ Không Quân Phan Rang. Phi Đoàn hoạt động phối hợp với Không Đoàn 35 Chiến Thuật (35th Tactical Fighter Wing) của Không Lực Hoa Kỳ trong các nhiệm vụ: oanh tạc đường mòn Hồ Chí Minh, cơ sở hậu cần, vị trí đóng quân của Việt Cộng và quân chính quy Bắc Việt trong nội địa Việt Nam, đôi khi cả bên kia biên giới Việt – Miên.
Oanh tạc cơ Canberra của Phi Đoàn 2 Oanh Tạc tại CCKQ Phan Rang
Phi Đoàn 2 Oanh Tạc rời Việt Nam ngày 14/7/1971. Trong thời gian 4 năm phục vụ tại Việt Nam, Phi Đoàn 2 Oanh Tạc đã mất 2 phi cơ và 5 nhân viên phi hành.
Ngoài 3 phi đoàn đồn trú thường trực vừa kể, tại Việt Nam, Không Lực Hoàng Gia Úc còn có những biệt đội vận tải sử dụng vận tải cơ C-130 Hercules của hai Phi Đoàn 36 và 37 Vận Tải (No.36, No.37 Transport Squadron) đặt hậu cứ ở Úc.
Nhiệm vụ chính của Phi Đoàn 36 Vận Tải là vận chuyển binh sĩ, vũ khí, tiếp liệu cho các đơn vị Úc, và đôi khi vận chuyển quân nhân và thường dân Việt Nam.
Phi Đoàn 37 Vận Tải, với các phi cơ C-130 được trang bị đặc biệt, có nhiệm vụ chính là cấp cứu, chuyên chở thương binh.
Ngoài ra, Không Lực Hoàng Gia Úc còn biệt phái một toán gồm 6 nhân viên phi hành tới bay chung trên các phản lực cơ F-4 Phamtom (2 chỗ ngồi) của Không Lực Hoa Kỳ trong các phi vụ chiến đấu và không thám. Đồng thời, Úc cũng cung cấp những tiền sát viên phi hành (FAC: forward air controllers) bay chung với phía Hoa Kỳ trong các phi vụ hướng dẫn phi cơ oanh kích và chấm tọa độ cho pháo binh.
Sau cùng, không thể không nhắc tới đoàn Nữ Y Tá Phi Hành của Không Lực Hoàng Gia Úc (RAAF Nursing Service), đặc trách việc chăm sóc các thương binh trên phi cơ, di chuyển trong nội địa Việt Nam hoặc trên đường bay về Úc.
Về lực lượng không phi hành (non-flying) tại Việt Nam, Không Lực Hoàng Gia Úc có Phi Đoàn 5 Tạo Tác (No. 5 Airfield Construction Squadron) đảm trách công việc xây cất tại hai căn cứ Vũng Tàu và Phan Rang; và lực lượng phòng thủ căn cứ (Air Defence Guards) tại hai căn cứ không quân nói trên.
* * *
Ngoài các lực lượng phi hành kể trên, tại miền nam Việt Nam ngày ấy còn có hai đơn vị phi hành đặc biệt của Lục Quân và Hải Quân Úc. Đó là Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161 (161 Independent Reconnaissance Flight) của Lục Quân và Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Hoàng Gia Úc tại Việt Nam (The Royal Australian Navy Helicopter Flight – Vietnam) của Hải Quân.
* Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161:
Sau khi Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn Hoàng Gia Úc-đại-lợi (1 RAR) tới Việt Nam vào tháng 6/1965, mặc dù nằm dưới quyền điều động của Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ, các giới chức Lục Quân Úc vẫn cho thành lập một phi đội quan sát để yểm trợ hoạt động của Tiểu Đoàn 1, mang danh xưng Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161 (161st Independent Reconnaissance Flight, thường được viết, gọi tắt là 161st Recce Flight). Phi Đội bắt đầu hoạt động vào tháng 9/1965, đặt căn cứ tại Biên Hòa.
Phi đội có danh hiệu truyền tin (callsign) là “Possums” (một loại chuột sóc đặc biệt ở Úc châu), sử dụng nhiều loại phi cơ khác nhau, từ trực thăng Sioux cổ lỗ sĩ tới phi cơ liên lạc Cessna 180, từ phi cơ quan sát O-1 Bird Dog (tức L-19) tới phi cơ liên lạc bán phản lực PC-6 Turbo Porter...
“Bản doanh” Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161
Qua năm 1966, cùng với việc Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn Hoàng Gia sát nhập vào Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc, Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161 cũng di chuyển về Núi Đất. Bên cạnh nhiệm vụ chính là yểm trợ cho Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc, Phi Đội còn phối hợp yểm trợ các đơn vị Đồng Minh, như Sư Đoàn 9 Đại Hàn (tức Sư Đoàn “Bạch Mã”, đóng tại Tuy Hòa, Phan Rang, Bình Định...).
Trong hơn 4 năm hoạt động tại Việt Nam, Phi Đội Quan Sát Độc Lập 161 đã mất 12 phi cơ và 3 phi công hy sinh.
* Phi Đội Trực Thăng Hải Quân:
Vào giữa thập niên 1960, Hải Quân Hoàng Gia Úc chỉ có một phi đội trực thăng “tác chiến” duy nhất với nhiệm vụ dò tìm tàu ngầm địch trong vùng lãnh hải của Úc. Họ hoàn toàn xa lạ với những phi vụ yểm trợ hoặc phối hợp với các lực lượng trên đất liền.
Sau khi xảy ra trận Long Tân vào tháng 8/1966, chính phủ Tự Do đã cho tăng cường lực lượng tham chiến tại Việt Nam. Thời gian này, Hải Quân Úc hầu như vẫn đứng vòng ngoài với những chiến hạm biệt phái cho Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ, vì thế Thủ tướng Úc Harolt Hold đã quyết định Hải Quân Úc phải trực tiếp tham chiến bằng phi cơ, đưa tới việc thành lập thêm một phi đội trực thăng “tác chiến” của Hải Quân với nhiệm vụ chiến đấu tại Việt Nam.
Kết quả, vào tháng 4/1967, 46 chàng trai ưu tú nhất trong ngành phi hành của Hải Quân Úc đã được gọi về New South Wales để thành lập Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Hoàng Gia Úc tại Việt Nam (The Royal Australian Navy Helicopter Flight – Vietnam).
Họ gồm 12 phi công, 10 xạ thủ, và 24 cơ khí viên phi hành (cơ phi), hầu hết xuất thân từ Phi Đoàn 723 của Hải Quân Hoàng Gia Úc. Tổng số nhân viên của Phi Đội về sau lên tới hàng trăm, tức là một lực lượng tương đương với một Phi Đoàn của Mỹ hay VNCH, cho nên cũng không có gì ngạc nhiên khi vị chỉ huy Phi đội là một sĩ quan cao cấp: Hải Quân Đại Tá Neil Ralph.
Sau mấy tháng thực tập để làm quen với những phi vụ trên đất liền, Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc được đưa tới Vũng Tàu vào tháng 10/1967. Để tránh bỡ ngỡ trong thời gian đầu, Phi Đội được Bộ Tư Lệnh Đồng Minh tại Việt Nam cho hoạt động chung với Phi Đoàn 135 Trực Thăng của Lục Quân Hoa Kỳ tại Vùng 3 Chiến Thuật. Phi Đoàn này chuyên về tấn công yểm trợ hơn là chuyển quân, cho nên Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm xương máu!
Tháng 12/1967, Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc di chuyển vể căn cứ Blackhorse ở tỉnh Long Khánh để đặc trách việc yểm trợ Sư Đoàn 18 Bộ Binh QLVNCH. Từ năm 1970, do nhu cầu chiến trường đòi hỏi cũng như do “tiếng thơm” đã đạt được, Phi Đội còn mở rộng hoạt động xuống tận U Minh ở Vùng 4 Chiến Thuật, và tham dự cuộc hành quân đại quy mô của QLVNCH sang lãnh thổ Căm-bốt, với nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm là đưa đón các toán trinh sát của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân.
Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc
Qua thời gian 4 năm phục vụ tại Việt Nam, Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc đã được ghi nhận là đơn vị tham dự nhiều trận đánh đẫm máu nhất, và có tỷ lệ thương vong cao nhất trong số tất cả mọi đơn vị Úc tham chiến tại Việt Nam.
Phi Đội cũng tạo hai thành tích “đầu tiên” sau đây:
- Ngày 19/11/1967, Hải Quân Trung Úy phi công Cassidio, lái chiếc một trực thăng võ trang UH-1C của Phi Đội, liều chết đáp xuống tiếp cứu hai chiếc UH-1H của phía Hoa Kỳ bị địch bắn hạ. Trở về, Trung Úy Cassidio được Bộ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam ân thưởng Phi Dũng Bội Tinh Hoa Kỳ (American Distinguished Flying Cross), huân chương cao quý mà cho tới lúc đó, chưa một nhân viên phi hành nào của chính Phi Đoàn 135 Trực Thăng của Lục Quân Hoa Kỳ được ân thưởng!
Điều đáng buồn là 9 tháng sau, ngày 21/8/1968, trong phi vụ giải cứu một đơn vị VNCH bị lọt ổ phục kích địch ở Bình Tuy, chiếc trực thăng võ trang của Trung úy Cassidio bị bắn hạ. Ông cùng với một người xạ thủ bị chết cháy theo tàu!
- Trước đó, vào ngày 12/2/1968, trong phi vụ yểm trợ một lực lượng của Sư Đoàn 18 Bộ Binh đang giao tranh với địch, chiếc trực thăng võ trang UH-1H của Hải Quân Trung Tá Patrick Vicker bị trúng đạn phòng không của địch. Mặc dù bị thương nặng, Trung Tá Vicker cũng cố gắng lái phi cơ về đáp ở đơn vị bạn gần nhất, để rồi vài tiếng đồng hồ sau đó tắt thở vì thương tích ở ngực và bụng.
Ông được ghi nhận là phi công đầu tiên của Úc tử trận tại Việt Nam.
C- Hải Quân:
So sánh với Lục Quân và Không Quân, sự tham gia của Hải Quân Hoàng Gia Úc vào cuộc chiến Việt Nam được xem là mang tính cách yểm trợ nhiều hơn là tham chiến – trừ Phi Đội Trực Thăng Hải Quân vừa đề cập tới ở trên.
Bắt đầu từ năm 1962, cùng với việc toán cố vấn Úc (The Team) tới phục vụ tại Việt Nam, các khu trục hạm của Hải Quân Úc cũng thay phiên nhau cập bến Sài Gòn với mục đích tuyên truyền, thể hiện sự ủng hộ của “Đồng Minh Úc-đại-lợi” dành cho VNCH.
Tháng 5/1965, “tuyến phà Vũng Tàu” (Vung Tau Ferry) được “khai trương” với chuyến cập bến lần đầu tiên của mẫu hạm HMAS Sydney, vận chuyển Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn Hoàng Gia Úc (1 RAR), cùng với chi đội thiết vận xa M-113 và các đơn vị tiếp liệu tới Vũng Tàu.
HMAS Sydney (số hiệu: R17) nguyên là một trong hai mẫu hạm của Hải Quân Hoàng Gia Úc, mua lại từ Hải Quân Hoàng Gia Anh sau Đệ nhị Thế chiến (chiếc kia là HMAS Melbourne, số hiệu R21).
HMAS Sydney (Vung Tau Ferry) trên đường tới Việt Nam
Vì không có khả năng tiếp nhận các loại phi cơ hiện đại, tới đầu thập niên 1960, HMAS Sydney được biến cải thành tàu vận chuyển, và từ năm 1965 tới năm 1972, đã thực hiện 23 chuyến hải hành từ Úc tới Vũng Tàu, vì thế đã được các quân nhân Úc tặng nickname “Vung Tau Express” (Tàu tốc hành Vũng Tàu). Mỗi “chuyến tàu tốc hành” ấy đều được một lực lượng của Hải Quân Úc hộ tống, có lần gồm cả mẫu hạm HMAS Melbourne.
[Về sau, vào năm 1975, HMAS Sydney được bán cho Nam Hàn, và hơn 10 năm sau, tới lượt HMAS Melbourne cũng được bán cho Trung Cộng để lấy sắt vụn]
Về chiến hạm, từ năm 1966 tới năm 1971, bốn khu trục hạm của Hải Quân Úc – gồm các chiếc Hobart, Perth, Brisbane và Vendetta - đã được biệt phái tới Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Nhiệm vụ chính của các chiến hạm này là sử dụng hải pháo để yểm trợ lực lượng bạn trên đất liền; và tham gia chiến dịch “Sea Dragon” (tên gọi của hoạt động tấn công lãnh thổ Bắc Việt bằng hải pháo).
Tổng cộng, trong thời gian hoạt động ngoài khơi Việt Nam, các khu trục hạm của Hải Quân Úc đã di hành 397.484 hải lý và bắn trên 100.000 viên đại bác.
Bên cạnh hoạt động của các chiến hạm và Phi Đội Trực Thăng Hải Quân Úc, không thể không nhắc tới hoạt động của các người nhái Úc trong toán CDT3 (Clearance Diving Team 3).
CDT3 được đặc biệt thành lập để hoạt động tại Việt Nam, gồm những người nhái ưu tú được tuyển chọn từ CDT1 và CDT2. Nhiệm vụ của CDT3 là kiểm soát tàu thuyền và dò tìm, khám phá, và phá hủy bom mìn của quân cộng sản, không chỉ chung quanh các chiến hạm và hải cảng mà còn cả trên các sông ngòi. Chính nhiệm vụ nguy hiểm và khó khăn ấy đã khiến CDT3 được các đồng nghiệp Mỹ nể phục.
III- Khả năng & Thành tích
Ngày ấy, vì toàn bộ trách nhiệm an ninh lãnh thổ tỉnh Bình Tuy được trao cho Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc, nên phía VNCH đã không có nhiều người biết tới cách thức đánh giặc và tài thiện chiến của quân Úc.
Xin trích dịch một đoạn trong cuốn Vietnam của sử gia quân đội Mỹ Paul Ham viết về Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn Hoàng Gia Úc-đại-lợi (1 RAR), khi còn nằm dưới sự điều động của Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù Hoa Kỳ:
“Tiểu đoàn Úc được mô tả là lực lượng tác chiến an toàn nhất trong chiến tranh Việt Nam... Các chiến binh Úc đã cho thấy họ có khả năng truy lùng địch mà không trở thành mục tiêu của các cuộc phục kích đẫm máu vốn đã khiến nhiều quân nhân Mỹ thiệt mạng...
“Các toán tuần tiễu của Úc không bao giờ sử dụng các con đường mòn hoặc băng ngang những nơi trống trải, mà họ cẩn thận, âm thầm lần từng bước qua từng bụi tre, lùm cây rậm rạp... Không có gì bực bội cho bằng đi theo một toán tuần tiễu của Úc băng rừng. Nhiều khi mất tới 9 tiếng đồng hồ để chỉ tiến được một dặm. Họ di chuyển từng bước một, rồi dừng lại, lắng nghe, rồi bước tiếp...”
Về phần cố nhiếp ảnh gia Neil Davis (1934-1985) nổi tiếng của Úc, người từng làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam và Căm-bốt trong 10 năm trời, đã tuyên bố vào năm 1983:
“Tôi vô cùng hãnh diện về quân Úc. Họ rất chuyên nghiệp, được huấn luyện rất kỹ lưỡng, và họ chỉ đánh nhau với những người mà họ được đưa tới để đánh: Việt Cộng. Họ cố gắng không để thường dân bị liên lụy, và thường có tỷ lệ thương vong thấp hơn phía Hoa Kỳ”.
[Hai năm sau, 1985, Neil Davis bị tử thương tại Vọng-các trong lúc thực hiện phóng sự tại chỗ về một cuộc đảo chánh của quân đội Thái-lan]
Cựu Đại tá Mỹ David Hackworth, quân nhân Hoa Kỳ được ân thưởng nhiều huy chương nhất trong chiến tranh Việt Nam (24 huy chương đủ loại) do lòng dũng cảm, đồng thời cũng là một ký giả quân đội, đã nhận xét như sau:
“Quân Úc chỉ sử dụng những toán nhỏ để tìm địch, sau khi tìm được mới gọi viện binh tới để thanh toán. Họ điều quân với sự tin tưởng: chỉ cần một trung đội cũng đủ khả năng xoay sở khi đụng trận”.
“Khả năng xoay sở khi đụng trận” ấy đã được chứng minh qua trận Long Tân – một chiến thắng để đời của quân Úc trước một lực lượng địch đông hơn gấp 20 lần.
Vào thời gian này Lực Lượng Đặc Nhiệm Úc-đại-lợi mới tới đặt bản doanh ở Núi Đất được bốn tháng, công việc xây dựng căn cứ vẫn chưa hoàn tất.
Trận đánh diễn ra trong hai ngày 18 và 19/8/1966 trong rừng cao-su gần làng Long Tân ở tỉnh Phước Tuy, giữa lực lượng Úc lúc ban đầu chỉ có 108 người và lực lượng địch từ 1500 tới 2500 quân cộng sản của Trung Đoàn 275 (Sư Đoàn 5), Tiểu Đoàn D445 Địa phương Cơ động, với sự tăng cường của ít nhất một tiểu đoàn quân chính quy Bắc Việt.
Kết quả, phía Úc chỉ có 18 quân nhân bị thiệt mạng, phía cộng sản bỏ xác tại trận 245 tên, chưa kể số bị thương hoặc tử thương được đồng bọn mang đi.
Cho tới nay, tỷ lệ thương vong cách biệt tới mức khó tin nói trên vẫn được website của Bộ Quốc Phòng Úc hãnh diện ghi nhận là “chưa từng có trên thế giới”!
Trước khi xảy ra trận Long Tân, tại tỉnh Phước Tuy, lực lượng cộng sản luôn luôn ở thế chủ động, nhưng từ đó về sau, cho tới khi quân Úc rút đi, phía cộng sản chỉ còn những hoạt động du kích lẻ tẻ.
Về phần quân Úc, cho tới khi ngưng mọi hoạt động tác chiến và bàn giao Căn cứ Núi Đất cho Quân Đội VNCH vào ngày 16/10/1971, đã tạo thêm nhiều chiến thắng oai hùng khác, tất cả đều với tỷ lệ thương vong (death ratio) 4:1 trở lên - nghĩa là 1 mạng lính Úc phải được đổi với ít nhất là 4 mạng Việt Cộng - tuy nhiên vì chiến thắng Long Tân vừa là trận đụng độ quy mô đầu tiên, vừa tạo một kỷ lục huyền thoại, cho nên mỗi khi nhắc nhớ tới cuộc tham chiến tại Việt Nam, người Úc sẽ liên tưởng ngay tới hai chữ “Long Tân”!
PHẦN KẾT
Cùng với phong trào phản chiến ở Úc (do tổ chức thiên tả Vietnam Moratoriums sách động) mà đỉnh cao là các cuộc xuống đường biểu tình của hàng trăm nghìn người trong hai năm 1970 và 1971, trước áp lực của cử tri và ngay trong nội bộ đảng Tự Do, ngày 18/8/1971, Thủ tướng Tự Do William McMahon đã quyết định khởi sự rút quân Úc về nước.