Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những người muôn năm cũ... Thái Dương TRẦN THANH LONG

Collapse
This topic is closed.
X
X

Những người muôn năm cũ... Thái Dương TRẦN THANH LONG

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những người muôn năm cũ... Thái Dương TRẦN THANH LONG

    Những người muôn năm cũ...
    Thái Dương TRẦN THANH LONG




    Trong số những sĩ quan đã góp phần vào việc thành lập Phi Đoàn 530 Thái Dương (Jupiter) ở CCKQ Pleiku vào năm 1970, cựu Thiếu tá Trần Thanh Long - người mới qua đời tại California, Hoa Kỳ - có lẽ là người “bỏ cuộc chơi” sớm nhất: chỉ vài tháng sau khi lên Pleiku, anh đã bị lọt vào tay địch.

    Ngược dòng thời gian, trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, năm 1970, hai phi đoàn đặc nhiệm của Không Lực Hoa Kỳ đồn trú tại Thái Lan là 602nd SOS (Special Operation Squadron) và 22nd SOS bị giải thể, các khu trục cơ cánh quạt A-1H và A1-E được chuyển giao cho Không Quân VNCH để thành lập một phi đoàn khu trục tân lập, Phi Đoàn 530 Thái Dương.

    (Hai phi đoàn đặc nhiệm 602nd SOS “Sandy” và 22nd SOS “Zorro” được thành lập vào năm 1964 để đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến Việt Nam. Riêng Phi Đoàn 602nd SOS được thành lập tại CCKQ Biên Hòa, đồn trú tại đây cho tới khi di chuyển ra Nha Trang năm 1966, và tới năm 1968 sang Thái Lan đồn trú tại Căn Cứ Hải Quân Nakhon Phanom)

    Vào thời gian trước khi Phi Đoàn 530 được thành lập, Thiếu tá Lê Bá Định, xuất thân Khóa 58A Trần Duy Kỷ, vị phi đoàn trưởng tiên khởi, đã có mặt tại Pleiku, nơi ông giữ chức vụ Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị, Căn Cứ 92 Không Quân (sau trở thành Khối CTCT, Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku) mà tôi là một nhân viên dưới quyền.

    Ngoài Thiếu tá Lê Bá Định, thành phần nhân sự đầu tiên của PĐ 530 gồm hơn một chục hoa tiêu khu trục dày dạn kinh nghiệm của PĐ 514 và PĐ 518 từ Biên Hòa khăn gói lên xứ Thượng.

    Trong số này tôi nhớ nhất Thiếu tá Lê Thanh Hồng Vân, Phi đoàn phó, vì sau năm 1975 tôi được sống chung với anh trong trại tù Suối Máu, nơi anh làm Trưởng Ban Hành Động của K2 trong cuộc nổi dậy đêm Giáng Sinh 1978.

    Kế tới là các Đại úy Trần Thanh Long (TiTi), Nguyễn Văn Huynh, Phạm Văn Thặng (Fulro), Trần Ngọc Hà (nhà văn Trần Ngọc Nguyên Vũ sau này), Vũ Văn Thanh (ngố), Vũ Công Hiệp (cò), Trung úy Lê Bình Liêu (Hiệp sĩ say)...

    Dân khu trục gọi anh Trần Thanh Long là “Long TiTi” để phân biệt với khá nhiều “Long” khác cùng bay A-1 ở Biên Hòa, như Nguyễn Văn Long (con), Lê Hưng Long, Lê Văn Long (vọng cổ), Trần Kim Long...

    (Thiếu tá Nguyễn Văn Long (con) là một trong số sáu hoa tiêu khu trục đầu tiên được chọn sang Hoa Kỳ xuyên huấn A-1. Mấy năm sau ông tử nạn cùng với Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng Yểm cứ Biên Hòa, trên một chiếc AD-5 (A-1E ) bị hư hệ thống thủy điều, đáp ra lề cỏ, lọt xuống một hố bùn ở phi trường Biên Hòa; cả hai bị chết ngộp)

    Mấy tháng sau khi Phi Đoàn 530 được thành lập, Đại úy Trần Thanh Long (TiTi), Trưởng Phòng Hành Quân, bay một chiếc A-1E xuống Nha Trang đón Đại úy Trần Văn Lân lên Pleiku nhập bầy.





    Nguyên anh Trần Văn Lân và ông Lê Bá Định đã biết nhau từ khi ông còn làm Liên đoàn trưởng Liên Đoàn 62 Tác Chiến (Nha Trang), và anh Lân từng chỉ huy biệt đội khu trục của Phi Đoàn 524 Thiên Lôi biệt phái Pleiku (khi phi đoàn này chưa chuyển sang phản lực cơ A-37), cho nên anh đã bị ông Định thuyết phục: “Ở vùng Tây Nguyên toa là số 1, toa phải lên đây giúp moa!”, và sau đó anh đã nhận lời.

    Khi chiếc A-1E - danh hiệu Thái Dương 3 - của hai vị đại úy về tới Phú Nhơn, thuộc lãnh thổ Quy Nhơn nằm sát Pleiku, thì được lệnh của Trung Tâm Hành Quân Không Trợ II xuống yểm trợ một đơn vị của Sư Đoàn 22 BB đang tấn công một mật khu địch.

    Vì đây là một phi vụ liên lạc, Thái Dương 3 không trang bị bom, nhưng chỉ với bốn nòng đại bác 20 ly, ngay trong pass thứ nhất, theo sự hướng dẫn của “Blackcat’ (Phi Đoàn 118), Đại úy Trần Thanh Long đã phá nổ kho vũ khí với một tiếng nổ long trời.

    Pass thứ hai, Đại úy Long “nhường” cho Đại úy Lân dớt đoàn molotova đang núp dưới những lùm cây, nhưng khi tàu xuống thấp, đã bị phòng không địch bắn nát một bên cánh. Hai hoa tiêu phải nhảy dù!

    Được cấp báo, Thiếu tá Lê Bá Định, Phi đoàn trưởng 530 kiêm quyền Liên đoàn trưởng Liên Đoàn 72 Tác Chiến (thế Trung tá Nguyễn Văn Trang về Nha Trang dưỡng bệnh), đã điều động khu trục của 530, trực thăng của 229 lên tham chiến và cứu hai phi công lâm nạn; đích thân ông Định tháp tùng Lạc Long 4 để chỉ huy.

    Diễn tiến và kết quả của cuộc tiếp cứu bi hùng này về sau đã được hai nhà văn KQ Trần Ngọc Nguyên Vũ và Hùng “chùa” thuật lại như một huyền thoại, ở đây tôi chỉ xin ngắn gọn:

    Hai hoa tiêu nhảy dù xuống giữa vùng giao tranh và đều bị vướng trên cây. Đại úy Lân gỡ dây dù, xuống đất trước và được Lạc Long 4 đáp xuống bốc an toàn. Nhưng khi con tàu bay về hướng Đại úy Long còn lủng lẳng trên cành cây gần đó thì lọt ổ phục kích của Việt Cộng, chúng ma giáo gài bẫy, không bắn một phát đạn nào cho tới khi Lạc Long 4 đáp xuống chuẩn bị cứu người hoa tiêu lâm nạn, tất cả các loại súng mới đồng loạt trực xạ vào chiếc UH-1.

    Đại úy Vũ Ngọc Huyên, hoa tiêu chánh của Lạc Long 4 bị đạn AK bắn bể nát đầu gối, nhưng hoa tiêu phụ – một “em mới” – được sự trấn an, khích lệ của Thiếu tá Lê Bá Định, đã bình tĩnh điều khiển con tàu bốc lên, thoát khỏi vùng lửa đạn, bay thẳng về Quân y viện Pleiku...

    Trên bầu trời Phú Nhơn, các Thái Dương và Lạc Long vẫn tiếp tục tấn công địch, nhưng họ biết không còn hy vọng cứu được Long TiTi nữa, bởi Việt Cộng đã bắt sống anh trước khi bôn tẩu để tránh cơn thịnh nộ của những cánh chim sắt.


    * * *

    Sự việc xảy ra, cả căn cứ KQ Pleiku buồn bã, lo âu. Buồn vì Đại úy Huyên bị tàn phế vĩnh viễn một chân. Lo vì không biết Long TiTi sống chết ra sao. Bởi vì ngày ấy, tùy trường hợp mà Việt Cộng có “bắt sống tù binh” hay không. Tù binh Mỹ đương nhiên bắt sống, nhưng tù binh VNCH thì nếu bị bắt ở xa các trại giam bên kia biên giới Miên, Lào, hoặc gặp tên chỉ huy khát máu, thường bị xử tử tại chỗ cho rảnh tay, để trả hận...

    Rất may, Đại úy Trần Thanh Long đã “được” Việt Cộng bắt làm tù binh, và tới năm 1973 được trao trả theo Hiệp Định Paris.

    Thời gian này, tôi đã thuyên chuyển về Biên Hòa, chỉ nghe tin vui chứ không có dịp gặp lại anh. Sau này định cư ở Úc, vào trang nhà của Phi Đoàn 530 thấy tên Long “TiTi” trong danh sách hoa tiêu đang sống tại Hoa Kỳ, tôi cũng mừng cho anh.

    Không ngờ nay anh đã vội ra đi, dẫu “thọ 77 tuổi” cũng bị xem là hơi sớm vào thời buổi này.

    Thành kính tưởng nhớ và xin góp lời cầu nguyện cho Linh hồn anh được thảnh thơi nơi Thiên đường cuối trời.

    NGUYỄN HỮU THIỆN
    (nguyên SQ Thông Tin & Báo chí CCKQ Pleiku)





    NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ
    Biên Hòa 1968 (?) từ trái: Thiếu tá Ed Mentzer, các Đại úy Phạm Đăng Cường (qua đời), Nguyễn Văn Huynh (qua đời),
    Trần Thanh Long (mới qua đời), Dan Hoài Bửu (còn tại thế - sống mạnh sống hùng), Hoàng Mạnh Cường (?)



    Last edited by Nguyen Huu Thien; 07-28-2022, 03:51 AM.

  • #2
    Đọc bài viết của anh , nhìn 2 tấm hình nữa , thấy nhớ Pleiku chi lạ . Cám ơn anh đã nhắc lại những ngày nhiễu nhương làm tôi hơi xúc động , gần muốn khóc . Nhớ hôm đó , gần tối , tôi với anh Hà vòng vòng trở lại tìm kiếm anh Long trong vô vọng,
    Mới đó mà đã bao nhiêu năm trôi qua , Anh Long đã ra đi, chúng tôi còn vài mống , vất vưởng qua ngày.

    Đọc xong tôi hơi buồn , cái “ bầy 530 “ không hiểu đã làm gì để anh khinh miệt đến vậy , anh không thể dùng một tiếng nhẹ hơn sao ? Tôi chưa bao giờ gặp anh ở Pleiku , cũng không biết anh là nhân viên dưới quyền anh Định lúc anh Định làm Trưởng phòng Chiến Tranh Chính Trị , Anh Định đã làm gì để anh coi thường lây sang chúng tôi . Chuyện gì vậy anh?

    Nguyễn tiến Thuỵ “ bầy 530”

    Comment


    • #3
      BẦY CHIM

      Thưa anh Nguyễn Tiến Thụy,

      Vì người ta thường sánh người phi công với những cánh chim cho nên ở đây tôi sử dụng chữ “bầy” để nói về một tập thể phi hành là Phi Đoàn 530, không ngoài mục đích nhấn mạnh sự liên kết, gắn bó trong tập thể ấy.

      Nếu anh không đồng ý với cách sử dụng chữ của tôi và cho rằng mình bị xúc phạm, tôi thành thật xin lỗi cá nhân anh.

      Về quan hệ giữa cá nhân tôi và cố Trung tá Lê Bá Định, anh có thể tìm đọc bài viết “LÊ BÁ ĐỊNH - một người thầy, một người anh” của tôi viết sau khi ông qua đời tại VN, hiện vẫn được lưu giữ trên Hội Quán Phi Dũng, mục Quân Sử Không Quân.

      Trân trọng,
      KQ Nguyễn Hữu Thiện
      Last edited by Nguyen Huu Thien; 07-26-2022, 05:21 AM.

      Comment


      • #4
        Anh ngụy biện hay quá ,
        “ Bầy” là tiếng dùng cho vật , bầy gà , bầy chim ,bầy chó .
        Gắn bó hay không , không quan trọng . Tình KQ là gắn bó , sông chết với nhau rồi .
        Không ai nói bầy trục thăng , không ai gọi KQ là bầy KQ .
        Ta là đàn ( đoàn ) chim bay trên cao xanh , chứ không là bầy chim bay trên cao xanh.
        Chúng tôi lên Pleiku nhập Gia đình 530 , nhập gia đình Những cánh chim 530,
        chứ không nhập bầy 530.
        Những người trong gia đình 530 , sống chết với ông thầy Lê Bá Định của anh , không thể là bầy 530 được.
        Anh viết chúng tôi là bầy 530 , chọ dù anh viết cho ngắn gọn , chữ chim cho hiểu ngầm ,
        cũng là mang ý không tôn trọng . Chúng tôi là phi công , gọi là Cánh Chim còn có thể hiểu, chứ nhất quyết không là Bầy Chim .

        Anh hỏi mọi người xem , tôi không khó tính lắm đâu.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X