Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Audio "Sông Côn Mùa Lũ" - Nguyễn Mộng Giác

Collapse
X

Audio "Sông Côn Mùa Lũ" - Nguyễn Mộng Giác

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Audio "Sông Côn Mùa Lũ" - Nguyễn Mộng Giác

    Sông Côn Mùa Lũ
    Nguyễn Mộng Giác

    Giọng đọc: Đặng Đa Khoa
    (nguồn: https://youtu.be/pt9zwOcqcos )












    Sông Côn Mùa Lũ - Nguyễn Mộng Giác
    (Nguồn: https://nguyenmonggiac.com/song-con-mua-lu.html )

    TÓM LƯỢC

    4-10-1977: Bắt đầu tìm tài liệu
    24-5-1978: Bắt đầu viết chương I Sông Côn Mùa Lũ
    1-3-1981: Viết xong chương cuối lúc 10 giờ 25 đêm tại Sài Gòn.

    PHẦN I: VỀ AN THÁI

    Chương 1: Năm 1765, sau khi Trương Phúc Loan giết quan nội hữu Trương văn Hạnh, giáo Hiến đem gia đình (gồm vợ và năm con, bốn trai một gái) trốn khỏi Phú xuân bằng thuyền. Ra đến cửa khẩu bị chặn lại, giáo Hiến ghé thăm người bạn cũ là sư cụ chùa Hà Trung. Sau đó, theo đường bộ, họ vượt đèo Hải Vân vào Qui Nhơn. Tâm trạng giáo Hiến khi đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống phía nam.

    Chương 2: Về đến bến Gò Bồi. Trên đường lên An Thái quê vợ của giáo Hiến, ông gặp một người làm việc của biện Nhạc tên Lợi. Đến An Thái, cả gia đình tạm cư nhờ sự giúp đỡ của Hai Nhiều, người anh cùng cha khác mẹ của bà giáo.

    Chương 3: Cảnh sống của gia đình ông giáo ở vùng đất mới. Giao tiếp ban đầu với dân An thái. Sự giúp đỡ của họ. Sự vị nể của dân địa phương đối với một ông đồ thất thế từ kinh đô vào. Tính tình và công việc của mấy đứa con: Kiên, Chinh, An, Lãng, Út.

    Chương 4: Đời sống gia đình ông giáo tạm ổn định. Bà giáo bệnh nặng từ khi vào An Thái, sau một thời gian nằm liệt giường mê man, đã từ trần. Đám tang bà giáo. An có kinh nguyệt lần đầu đúng hôm mẹ mất, hãi hùng trước một tương lai bất trắc mơ hồ.

    Chương 5: Đối phó với bọn chức dịch tham lam ở An Thái. Qua Lợi, giáo Hiến làm quen với biện Nhạc. Nguyễn Nhạc nhờ ông giáo dạy học cho hai cậu em Lữ và Huệ. Kiên đến tuổi sung quân, phải tạm lánh lên Tây Sơn thượng coi sóc trạm trầu cho biện Nhạc. Cha con, anh em chia tay nhau.

    Chương 6: Lớp học của ông giáo Hiến. Lễ khai tâm cho Lữ, Huệ. Lữ học hành tầm thường trong khi Huệ tỏ ra thông minh xuất sắc. Bài tựa truyện du hiệp trong Sử ký Tư Mã Thiên khiến Huệ ngờ vực vai trò của đạo Nho. Trong khi đó, cả vùng Tuy Viễn được mùa, nhờ thế gia đình ông giáo sống được một năm ổn định.

    Chương 7: Các câu hỏi của Huệ khiến ông giáo băn khoăn, bắt đầu nghi ngờ nền tảng trung quân của mình. Biện Nhạc xuống thăm ông giáo, nói xa nói gần đến chí hướng mình và ý định nhờ ông giáo làm quân sư.

    Chương 8: Lợi chăm sóc giúp đỡ gia đình giáo Hiến. An có cảm tình với Lợi. Cô bé so sánh tính tình Lợi và Huệ. Những kình cãi vụn vặt giữa gia đình Hai Nhiều và gia đình giáo Hiến.

    Chương 9: Ông giáo được tin Kiên bị hành hung trên Tây Sơn thượng. Ông vội lên trường trầu thăm con. Nguyên nhân vụ hành hung. Cảm tưởng đầu tiên của giáo Hiến giữa những người bất đắc chí trốn đồng bằng lên nương náu ở trường trầu.

    Chương 10: Kẻ hành hung Kiên trốn vào rừng bị cọp ăn. Xác kẻ bất hạnh được tìm thấy, tạo nên sự căm phẫn đối với Kiên. Kiên bị đám đông phẫn nộ bao vây, nhờ có Chinh và Mẫm cứu thoát. Sự hoang mang của Kiên. Ông giáo đành phải mang Kiên xuống lại An Thái.

    Chương 11: Hai cha con ông giáo về An Thái. Lớp học ông giáo chỉ còn một người học trò là Nguyễn Huệ. Khắp vùng đói kém, trộm cướp xảy ra hằng đêm. Ông giáo và Nguyễn Huệ bàn với nhau về thời thế, và Huệ càng thêm hoài nghi khả năng của nhà nho.

    Chương 12: Kiên bị bắt lính. Thái độ của họ hàng láng giềng đối với gia đình ông giáo sau khi Kiên bị bắt. Cùng lúc đó, gia đình biện Nhạc ở Kiên thành bị quân phủ bao vây, nhà bị đốt. Biện Nhạc đem cả gia đình lên Tây Sơn thượng. Huệ từ biệt ông giáo và An lên Tây Sơn thượng theo anh. Mười hôm sau, Huệ lén xuống An Thái đưa gia đình thầy lên đó tị nạn.

    PHẦN II: TÂY SƠN THƯỢNG

    Chương 13: Tân Mão 1771.

    Địa thế vùng Tây Sơn thượng. Các khó khăn buổi đầu ở căn cứ địa. Nạn khan hiếm muối do cắt đứt liên lạc với đồng bằng. Nỗi hoang mang bơ vơ của ông giáo giữa đám người nghèo khổ hung bạo. Vụ hành quyết một người vô kỷ luật để thị uy của biện Nhạc khiến ông giáo và An rúng động bàng hoàng, trong khi Chinh bị cuốn hút vào bạo lực. Bất đồng giữa biện Nhạc và ông giáo.

    Chương 14: Nhạc sai Phạm Ngạn lo việc xây thành phòng thủ, trong khi Huệ lo tập luyện cho các nhóm nghĩa quân chuẩn bị đột kích các đồn quân phủ. Chinh say mê bạo hành, bị ông giáo đập đòn. Dưới Tuy Viễn, gia đình Lợi bị quân phủ tàn sát. Tây Sơn thượng ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa. Nhạc bác bỏ "giải pháp hoàng tôn" do giáo Hiến đề nghị.

    Chương 15: Giáo Hiến và Huệ bàn nhau về ý nghĩa phải có của hành động khởi nghĩa. Tình yêu còn mơ hồ giữa Huệ và An. Nhạc nhờ giáo Hiến thảo cho một tờ hịch khởi nghĩa, và một lần nữa lại có bất đồng quan điểm trầm trọng. Việc tổ chức các đội nghĩa quân. Bắt đầu xuống núi tấn công các làng cận sơn. Sự khác biệt giữa các đội do Nhạc, Huệ và Tuyết chỉ huy.

    Chương 16: Sự lạm dụng bạo hành là nguyên do các thất bại ban đầu. Lãng chán nản xin trở lên Tây Sơn thượng. Dân các làng cận sơn giấu sổ thuế, không dám nhận thóc do nghĩa quân tịch thu của nhà giàu chia cho. Nhạc mời ông giáo xuống hỏi ý kiến, và đồng ý tạm dùng chiêu bài "phò hoàng tôn Dương".

    Chương 17: Huệ về Tây Sơn thượng thúc đẩy việc rèn thêm vũ khí. Thận chế ra được vũ khí mới: hỏa hổ. Huệ ghé thăm An con gái thầy giáo. Hai người nhắc đến thời An Thái, rộn rã với ý tưởng sắp được về quê.

    PHẦN III: HỒI HƯƠNG

    Chương 18: Tình hình Nam Hà năm Quí Tị (1773) theo nhận định của sử quán triều Nguyễn. Phê phán lối nhận định thiển cận này. Giáo Hiến say sưa với giải pháp hoàng tôn. Nhạc quyết định đánh xuống Kiên thành. Sau khi thành công, xếp đặt lại bản doanh cho có đủ nghi vệ cần thiết. Cuộc hội kiến hợp tác giữa các nhóm lẻ tẻ để hợp nhất lực lượng: biện Nhạc, Nguyễn Thung, Huyền Khê, Tập Đình Lý Tài.

    Chương 19: Huệ vượt lệnh anh, dẫn quân chiếm sâu xuống An Thái bị Nhạc quở trách. Huệ ghi nhận sự thay đổi thái độ của anh. Cảnh An Thái sau ngày được giải phóng. Niềm vui mới của Huệ. Mẫm gặp lại được anh ruột. Gia Đình Hai Nhiều về An Thái. Hành động tham lam và sốc nổi của vợ chồng Hai Nhiều.

    Chương 20: Lợi về Xuân huề, trả thù nhà. Huyền Khê can thiệp, Lợi bị Nhạc trừng phạt. Cái thế cài răng lược giữa lực lượng Tây Sơn thượng và Nguyễn Thung, Tập Đình Lý Tài.

    Chương 21: An và Lãng xuống thăm cha ở trại Kiên Thành, rồi về An Thái. An chứng kiến sự tham lam hống hách của vợ chồng Hai Nhiều. An và Lãng tìm lại dấu tích kỷ niệm cũ. Huệ đến thăm, bàn luận với hai chị em về các triển vọng mới. An thao thức đau khổ vì tưởng Huệ đã thay đổi.

    Chương 22: Ban tham mưu của Nhạc chuẩn bị kế hoạch đánh phủ Qui Nhơn.

    Chương 23: Nghĩa quân đánh phủ Qui Nhơn. Chiếm hai kho Càn dương và Nước ngọt. Khâm sai Lạng bị anh ruột của Mẫm giết. Cảnh hỗn loạn ở phủ Qui Nhơn. Tiệc khao quân.

    Chương 24: Lâu nay Kiên bị giam trong ngục tối tại phủ Qui Nhơn, nay được quân khởi nghĩa giải thoát. Cảm thức tự do đầu tiên. Kiên mạnh dạn đứng ra lo liệu tang ma cho viên cai cơ, ân nhân của mình, sau đó bảo bọc cho vợ con viên cai cơ.

    Chương 25: Ông giáo giúp Nhạc ổn định trị an sau chiến thắng. Các ý kiến khác nhau về những việc phải làm, trong đó có việc phân chia các chức vụ. Giáo Hiến ngỡ ngàng thấy cả Kiên lẫn Huệ đều thay đổi. Ông cảm thấy Nguyễn Huệ càng lớn lao hơn, và xa lạ hơn trước.

    Chương 26: Kiên đưa vợ con viên cai cơ về An Thái. Cảnh đoàn tụ buồn hiu, ngượng ngập. Hai Nhiều bị ám sát. Không khí khủng bố sau đó tại An Thái. An, Lãng lại hoang mang trước không khí sợ hãi ấy. Họ bàn luận với nhau. An nhắc trọn các ý kiến của Huệ. Lãng theo Huệ xuống sung quân ở đèo Cù Mông.

    Chương 27: Các cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân triều sau khi phủ Qui Nhơn mất.

    Chương 28: An rời An Thái xuống ở phủ Qui Nhơn. An được các gia đình "quí phái mới" mời dạy nữ công, trang điểm cho con gái họ. An dạy chữ cho Thọ Hương, con gái Nhạc. Kiên về ở hẳn với vợ viên cai cơ tại cái quán gần bến tắm ngựa. Chinh sống buông lung khi dự trận với toán quân Hòa nghĩa ngoài Quảng Nam. Lợi giữ kho nên đủ phương tiện giúp đỡ cho An để gây cảm tình.

    Chương 29: Nhạc cho "rước" đông cung Dương về Qui Nhơn. Cuộc nghinh giá long trọng. Cảm giác hụt hẫng của giáo Hiến khi gặp đông cung. Xúc động ban đầu của Thọ Hương. Tình thế gay go của Qui Nhơn: quân Trịnh đã dấn sâu vào Quảng Nam. Quân Gia Định đã chiếm Phú Yên. Giải pháp hoãn binh của Nhạc.

    Chương 30: Nguyễn Huệ gửi biếu An tập thơ Đỗ Phủ. Tâm trạng dao động của giáo Hiến trước tình thế khó khăn. Huệ nói với thầy về sự đào thải tất nhiên của lịch sử. Huệ ghé thăm An ở Qui Nhơn. Thọ Hương lo âu khi nghe tin cha sắp gả mình cho đông cung Dương.

    Chương 31: Các biện pháp của Nhạc để trấn an dân chúng Qui Nhơn. Đám cưới Thọ Hương và nỗi thất vọng ê chề của Thọ Hương sau ngày cưới. Giải pháp hoàng tôn không giải quyết được tình hình cô lập. Nhạc chọn giải pháp hợp tác với Trịnh. Ông giáo bị ngờ là kẻ phản bội, bắt đầu bị đào thải.

    Chương 32: Huệ ở doanh trại đóng trên đỉnh Cù Mông. Niềm tin tưởng lạc quan khác thường của Huệ giữa giai đoạn đen tối. Lợi lợi dụng việc tiếp tế cho quân lính để tìm lợi riêng. Tình cảm ông giáo và An trong cảnh thất sủng và bị cô lập.

    Chương 33: Chinh theo đạo quân Hòa nghĩa rút về Qui Nhơn. Cuộc sống phóng đãng của Chinh. Lợi bị Chinh buộc phải chu cấp cho các cuộc rượu thịt của bọn lính vong mạng.

    Chương 34: Chiến thắng đầu tiên của Nguyễn Huệ ở Phú Yên. Khắp Qui nhơn dân chúng rộn rã đón tin chiến thắng. Nhạc đứng ra làm mối để ông giáo gả An cho Lợi, vì nhu cầu chính trị. Tâm trạng tuyệt vọng của An trước cuộc hôn nhân bất đắc dĩ.

    Chương 35: Đám cưới An tổ chức cùng một lúc với lễ tiếp sắc của chúa Trịnh. Tâm trạng Nguyễn Huệ khi nghe tin An đi lấy chồng. Cuộc đối thoại giữa hai anh em Nhạc Huệ. Tâm sự giữa An và Thọ Hương.

    Chương 36: Nguyễn Hữu Chỉnh vào Qui Nhơn lần đầu. Chỉnh giãi bày quan niệm thực tiễn về nhân sinh. Giáo Hiến và Huệ tâm sự với nhau sau lễ cưới của An.

    Chương 37: Cảm tưởng xót xa bẻ bàng của An sau đêm tân hôn. Giáo Hiến khám phá ra sự lầm lẫn của mình khi thuận gả An cho Lợi. Vị thế ông giáo ở Qui Nhơn bấp bênh nguy hiểm hơn. Nguyễn Huệ can thiệp với Nhạc để ông giáo được sống yên thân tại Bằng châu. Nguyễn Nhạc xưng vương ở Qui Nhơn.

    PHẦN IV: PHƯƠNG NAM

    Chương 38: Ở Bằng Châu, giáo Hiến thất chí, lú lẫn thành người bị bệnh tâm trí. An dần dà thích nghe với cuộc sống vợ chồng dung thường. Lợi bị thất sủng do liên lụy với cha vợ, tình nguyện theo quân vào đánh Gia định để lập công. Ông giáo càng ngày càng mất sáng suốt.

    Chương 39: Lợi từ Gia Định trở về, nhờ có công mau chóng phục hồi được địa vị cũ. An sinh đứa con trai đầu lòng. Thọ Hương đến thăm An sau thời gian bị khủng hoảng (do đông cung Dương trốn đi). An hỏi thăm tin tức Nguyễn Huệ.

    Chương 40: Diễn tiến vụ phản bội của quân Hòa nghĩa (trong đó có Chinh) tại phủ Phú yên năm Ất Mùi 1775. Tâm trạng Chinh sau khi cắt đứt ràng buộc với gia đình và Qui Nhơn. Gia Định vào năm đông cung Dương trốn khỏi Qui Nhơn mới vào Gia Định. Chinh trong hoàn cảnh mới.

    Chương 41: Nguyễn Đăng Trường trốn khỏi Qui Nhơn vào nam. Gia Định lo ngại các cuộc tấn công định kỳ của Tây Sơn. Trước khi dẫn quân vào Gia Định, Huệ đến thăm thầy. Giáo Hiến xin học trò nương tay đối với họ Nguyễn Gia Miêu. Huệ gặp lại An sau khi An lấy chồng.

    Chương 42: Tình hình phòng thủ ở Gia Định. Nhật ký chiến dịch của Lãng ghi lại diễn tiến cuộc tiến công Gia Định lần thứ hai năm Đinh Dậu. Nguyễn Huệ gặp lại Nguyễn Đăng Trường.

    Chương 43: Sau chiến thắng, Lãng tìm tông tích Chinh. Nguyễn Huệ đọc các tài liệu về phong tục, địa thế Gia Định do Lãng sưu tập để tìm giải pháp trị an thích hợp. Huệ bắt được đông cung Dương ở đồn Ba vác. Huệ do dự, nhớ lời cầu khẩn của thầy, trước khi ra lệnh hành quyết Tân Chính vương. Lãng tìm ra xác Chinh ở căn cứ Đông sơn tại Cần thơ. Quyết định của Huệ để cứu danh dự cho gia đình thầy. Duệ tôn bị bắt và bị giết.

    Chương 44: Lãng trở về Qui Nhơn. Cái chết của Chinh và của hai chúa khiến giáo Hiến thêm quẫn trí. Thọ Hương sau cái chết của đông cung tại Gia Định. Manh nha mối tình giữa Lãng và Thọ Hương.

    Chương 45: Công cuộc xây dựng Hoàng đế thành. Vua Thái Đức xếp đặt để Nguyễn Huệ cưới em gái Bùi văn Nhật, Bùi Đắc Tuyên, để củng cố quyền hành. An sinh đứa con gái thứ hai, đặt tên Thái để nhớ kỷ niệm đẹp thời An Thái.

    Chương 46: Diễn biến tình yêu của Lãng. Những cuộc bàn tán chung quanh cuộc hôn nhân của Nguyễn Huệ. Lãng đến quán rượu thăm Kiên, nghe Kiên thuyết lý về quan niệm vạn vật hòa đồng.

    Chương 47: Tai biến của gia đình An: Lợi bị bắt giam vì biển thủ khi lo việc cấp lương cho dân phu xây thành. Sự quyền biến của An trước hoạn nạn. An vận động xin tha cho chồng nhưng thất bại.

    Chương 48: Quan hệ giữa Lãng và Nguyễn Huệ trong hoàn cảnh mới. Lãng thăm Kiên, lại được giảng giải thêm về khám phá tâm linh của Kiên. Ông giáo Hiến mất. Đám tang có Nguyễn Huệ đi đưa.

    Chương 49: Ba anh em Nhạc, Lữ, Huệ nói chuyện với nhau về vai trò nhà nho. Phái bộ Chapman thăm Qui Nhơn. Cuộc bệ kiến của Chapman ở Hoàng đế thành. An biến đổi tính tình do cuộc mưu sinh. Đối thoại của An và Lãng về cuộc đời. An chịu đến gặp Nguyễn Huệ để xin ân huệ tha cho Lợi.

    Chương 50: Lợi được phóng thích. An thích nghe hơn với các cuộc làm ăn bất chính của Lợi. Nguyễn Ánh chuẩn bị chống cự cuộc tiến công thường niên của Qui nhơn. Huệ phác họa kế hoạch đánh Gia Định. Ghi chép của Lãng về chiến thắng lẫy lừng này của Nguyễn Huệ trước quân Gia Định (có thêm sự giúp đỡ của các cố đạo). Huệ đọc các ghi chú của Lãng, chê trách những điểm không đồng ý.

    Chương 51: Vụ tàn sát Hoa kiều sau cái chết của Phạm Ngạn. Tiếp theo nhật ký chiến dịch của Lãng. Lãng xin xuống Cần Thơ hốt cốt Chinh. Bất đồng giữa Nhạc và Huệ về giải pháp cho Gia Định.

    Chương 52: Năm Nhâm Dần 1782. Chỉnh đem gia đình trốn vào Qui Nhơn. Tình hình Bắc Hà do lời thuật của Nguyễn Hữu Chỉnh. Huệ phát biểu ý kiến về Chỉnh. Lãng xin được rời quân ngũ để qua làm việc ở giáo phường, vì không chịu được cảnh chém giết.

    Chương 53: Bị dao động, Lãng lại thăm Kiên. Kiên cho biết Nguyễn Lữ cũng chán cảnh bon chen tìm đến Kiên để nghe thuyết giáo. Lợi thay đổi "kỹ thuật" sống, làm thân với Nguyễn Hữu Chỉnh để đón gió.

    Chương 54: Em rể Nguyễn Hữu Chỉnh vào Qui Nhơn cho biết tình hình mới nhất ở Bắc hà. Mối nghi ngờ của Tây Sơn đối với Chỉnh. Lãng chính thức về bộ Lễ, làm ở giáo phường.

    Chương 55: Chỉnh khuyên Lợi nên theo Nguyễn Huệ để dọn đường cho tương lai. Tin Nguyễn Ánh rước quân Xiêm xâm lăng Gia Định đến Qui Nhơn. Trận Rạch gầm. Xoài mút. Phê phán lối giải thích của sử quan triều Nguyễn. Diễn tiến trận chiến thắng quân Xiêm.

    PHẦN V: VƯỢT ĐÈO HẢI VÂN

    Chương 56: Lãng viết và cho tập diễn tuồng Chàng Lía. Phản ứng bất lợi của triều đình đối với vở tuồng. An khuyên em nên cẩn thận khi viết một vở tuồng "bình dân". Suy nghĩ của Lãng về lời chị, về tương lai.

    Chương 57: Nguyễn Hữu Chỉnh lại khuyên Lợi nên tiên liệu thời cơ. Lợi đem các tính toán của mình nói với vợ. Tin thắng trận về đến Qui Nhơn. Cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng An Lợi về các tính toán đón gió do Chỉnh truyền cho Lợi.

    Chương 58: Cuộc tiếp đón lạnh nhạt của Qui Nhơn đối với đoàn quân chiến thắng khải hoàn. Đêm diễn tuồng Chàng Lía để khao quân bị Nhạc ra lệnh cho ngưng chỉ. Nhạc Huệ tranh luận gay gắt với nhau về vở tuồng. Huệ xin nhà vua cho Lãng trở lại làm thư ký thân cận cho mình.

    Chương 59: Nguyễn Phú Như vào Qui Nhơn cho biết tình hình Thuận Hóa. Nhạc, Chỉnh, Huệ bàn kế hoạch đánh Thuận Hóa. Nguyễn Huệ suy nghĩ về vị trí bấp bênh của mình ở Hoàng đế thành.

    Chương 60: Bàn kỹ hơn về kế hoạch tấn công Thuận Hóa. Tâm trạng Lãng trước khi theo quân ra bắc. Lãng lại đến thăm Kiên. Ý kiến của Kiên về chiến tranh.

    Chương 61: Lợi ra Phú Xuân trước theo kế hoạch chia rẽ hàng ngũ địch của vua Thái Đức. Nhà vua dặn dò Nguyễn Huệ trước khi xuất quân. An dặn dò Lãng. Quận Tạo mắc mưu chia rẽ của Qui Nhơn. Lãng gặp lại Lợi ở Phú Xuân.

    Chương 62: Thành Phú Xuân bị bao vây. Cảnh dáo dác náo loạn ở kinh thành. Diễn tiến trận tấn công của Tây Sơn.

    Chương 63: Quân Tây Sơn chiếm thành Phú xuân. Cảnh phố phường sau khi thất thủ. Lãng vâng lệnh Nguyễn Huệ gặp dật sĩ Ngô Thế Lân.

    Chương 64: Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên Nguyễn Huệ nên nhân đà thắng lợi tiến công ra bắc. Băn khoăn của Nguyễn Huệ. Phản ứng của dân Thuận Hóa khi đọc tờ hịch Bắc tiến. Tâm trạng của Trần Văn Kỷ.

    Chương 65: Trần Văn Kỷ gặp sư cụ chùa Hà Trung để hỏi về lẽ xuất xử. Trần Văn Kỷ quyết định ra mắt Nguyễn Huệ. Bàn thảo kế hoạch đánh Bắc Hà. Ghi chép của Lãng về cuộc Bắc tiến năm Bính Ngọ. Thăng long sụp đổ trước sức tiến công của Tây Sơn.

    Chương 66: Nguyễn Huệ vào Thăng Long, yết kiến vua Lê. Cảnh Thăng Long trong cơn binh lửa. Cái chết của Trịnh Khải. Thái độ đắc chí của Nguyễn Hữu Chỉnh khi trở lại kinh đô.

    Chương 67: Chỉnh e ngại trước thái độ cố chấp của sĩ phu Bắc Hà. Tâm trạng Nguyễn Huệ ở Thăng Long. Vua Lê Hiển tôn thiết triều để chính thức tiếp kiến Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ cưới Ngọc Hân công chúa.

    Chương 68: Tâm trạng Ngọc Hân đêm hợp cẩn. Tâm trạng Nguyễn Huệ. Vua Lê băng hà.

    Chương 69: Vua Thái Đức ra Thăng Long. Hai anh em nói chuyện với nhau. Ngọc Hân ra mắt vua anh. Vua Thái Đức tiếp kiến sĩ phu Bắc Hà. Vua Lê Chiêu Thống và vua Thái Đức gặp nhau.

    Chương 70: Dư luận dân chúng Thăng long trước các biến cố. Lợi vui chơi trác táng ở Thăng Long. Vua Thái Đức lừa Nguyễn Hữu Chỉnh để bỏ Chỉnh lại Bắc Hà, đột ngột rút quân về nam.

    Chương 71: Quân vào đến dinh Vĩnh. Vua Thái Đức và Nguyễn Huệ bàn luận với nhau về Nghệ An. Chỉnh theo kịp đến dinh Vĩnh. Đến Lũy Thầy. Tinh thần quân sĩ lúc nghỉ lại Lũy Thầy. Lãng cùng với Nguyễn Huệ thăm quân sĩ. Hai người tâm sự với nhau khi đứng trên lũy nhìn ra phía bắc.

    PHẦN VI: PHÚ XUÂN

    Chương 72: Về đến Phú Xuân. Dân Thuận Hóa nô nức mừng chiến thắng. Lễ khao quân. Mối bất hòa giữa Nhạc Huệ bắt đầu biểu lộ. Vua Thái Đức công khai trách mắng các tướng lãnh theo phe em. Nhà vua trở về Qui Nhơn.

    Chương 73: Ác mộng của công chúa Ngọc Hân. Nguyễn Huệ do dự trước khúc quanh quan trọng của lịch sử. Nguyễn Huệ suy nghĩ về Ngọc Hân. Nguyễn Huệ hỏi ý kiến Trần văn Kỷ về giải pháp cho Bắc Hà. Kỷ nhắc đến La sơn phu tử. Lãng tháp tùng phái bộ Phú Xuân ra Nghệ An mời Nguyễn Thiếp tham chính.

    Chương 74: Vua Thái Đức về Hoàng đế thành, giận lây gia đình các tướng đã theo Huệ, trong đó có gia đình An. Bắt đầu biện pháp khủng bố, quản thúc. Lễ phong vương cho Nguyễn Lữ. Lữ lại tìm đến Kiên để an tâm. Lời khuyên của Kiên.

    Chương 75: An trốn ra Phú Xuân để tránh khủng bố. Ba mẹ con đến nơi, ngẫu nhiên gặp Lợi ngoài đường phố. An ra mắt Nguyễn Huệ.

    Chương 76: Nguyễn Huệ nhận được thư phúc đáp của La sơn phu tử. Nguyễn Huệ bực dọc trước thái độ cố chấp của bọn nhà nho trung quân hẹp hòi. Tâm trạng Trần Văn Kỷ. Lãng đến thăm An. Hai chị em bàn với nhau về lời lẽ hỗn xược trong bài hịch chống Qui Nhơn. Nhận định về nguyên nhân vụ "nồi da xáo thịt" giữa hai anh em Nhạc Huệ. Nỗi cơ đơn của Nguyễn Huệ trước quyết định bất đắc dĩ.

    Chương 77: Vũ văn Nhậm báo cáo tình hình Bắc Hà. Sứ bộ Trần Công Xán vào Qui nhơn đòi Nghệ An. Cuộc tiếp sứ. Quyết định của Nguyễn Huệ.

    Chương 78: Mô tả cung điện của chúa Nguyễn ở Phú Xuân. Công cuộc sửa sang cung điện cũ để làm cung điện cho vương triều mới. Vai trò mới của Lợi. Gia đình Nguyễn Huệ đã ra Phú Xuân. Vai trò trung gian của An giữa Hoàng hậu và Ngọc Hân công chúa. Cảnh sung túc của gia đình Lợi. Cuộc hội kiến đáng ngại giữa Hoàng hậu và Ngọc Hân.

    Chương 79: Trở lại nhân vật Kiên. Kiên trở thành một "đạo sĩ" được dân chúng Qui Nhơn kính nể. Nếp sống yên tĩnh của Kiên bị đảo lộn vì có người bà con viên cai cơ từ Gia Định ở chung. Kiên sợ bị lôi cuốn vào âm mưu tạo phản, trốn khỏi Bằng châu lên lập am ở An Thái.

    Chương 80: La sơn phu tử lại gửi thư từ chối cộng tác với Nguyễn Huệ. Trần văn Kỷ thảo lá thư mời thứ ba. Phe Bùi Đắc Tuyên tranh mối làm ăn với Lợi, tìm cách hại Lợi. Hình bộ thượng thư Hồ Công Thuyên được phái đem thư ra mời La sơn phu tử.

    Chương 81: Vụ mưu phản ở Qui Nhơn bị khám phá. Bùi Đắc Tuyên lợi dụng cơ hội lại tìm cách hại Lợi. Lãng xin thụ giáo quan Trung thư Trần văn Kỷ. Hai người bàn nhau về lẽ chính thống. Tình yêu sôi nổi của Lãng đối với cô con gái con Trần Văn Kỷ.

    Chương 82: Kiên bị bắt giam. Nguyễn Lữ đến thăm Kiên tại nhà ngục. ở Hoàng đế thành, vua Thái Đức chán nản bỏ cả thiết triều. Lữ xin nhà vua tha chết cho Kiên.

    Chương 83: Vợ chồng Lợi cố vận động để thoát nạn. Lo sợ, Lợi định trốn vào Gia định. Một lần nữa, Lợi thoát nạn. Lãng thố lộ tâm sự với chị.

    Chương 84: Trên đường ra Bắc giết Nhậm, Nguyễn Huệ gặp La sơn phu tử. Nguyễn Huệ nổi giận vì bọn hủ nho cố chấp. Đến Thăng long, Nguyễn Huệ ra lệnh giết Nhậm, rồi xếp đặt lại các quan chức.

    Chương 85: Nguyễn Huệ tiếp kiến giới sĩ phu Bắc Hà. Ngô Thì Nhậm ra mắt riêng Trần Văn Kỷ, hai người tâm sự về văn chương, thời thế, lẽ xuất xử của nhà nho. Nhậm được Nguyễn Huệ tin dùng. Cảnh Thăng Long qua mắt Lãng.

    Chương 86: Phan Huy Ích vào Phú Xuân. Tâm trạng của Phan Huy Ích. Tình bạn giữa Phan Huy Ích và Trần Văn Kỷ. Sự lạc loài của Ích ở triều đình. Ích được giao tra xét vụ án gạo. Phạm Văn Hưng đem tin buồn từ Gia Định về. Nguyễn Huệ tiếp Kỷ và Ích bàn luận về lẽ trung quân và chính thống.

    Chương 87: Vụ gạo thêm rắc rối. Các tranh chấp nội bộ giữa các phe phái ở Phú xuân. Bất lợi của phe Bùi Đắc Tuyên. Lãng được gặp mặt và nói chuyện với con gái Trần Văn Kỷ lần đầu. An báo cho Lãng biết cô Cúc con Trần Văn Kỷ có bệnh nan y. Lãng hoang mang tự tìm hiểu mình.

    Chương 88: Phan Huy Ích được trở về bắc làm việc với anh vợ là Ngô Thì Nhậm. Buổi tiệc tiễn hành đạm bạc. Trần Văn Kỷ phân tích thái độ ngập ngừng của Phan Huy Ích. Lại tranh luận về chính thống. Phan Huy Ích từ biệt Nguyễn Huệ. Nhà vua nghi ngờ khả năng của nhà nho.

    Chương 89: Ngô Thì Nhậm qua mắt Phan Huy Ích. Nhậm cho Ích đọc thư chửi bới mình của bọn hủ nho Bắc hà. Tâm sự giữa hai người.

    Chương 90: Thái độ của các nho sĩ Bắc Hà trước lời mời hợp tác của đại tư mã Ngô Văn Sở, trong lúc có tin Chiêu Thống đang rước quân Thanh về xâm lăng đất tổ. Ban tham mưu Tây sơn bàn chuyện chống giữ. Cuộc họp mặt của giới sĩ phu Bắc Hà trước nạn xâm lược. Tâm trạng xấu hổ tủi nhục cho nghiệp nho của Nhậm.

    Chương 91: ở Phú Xuân, An được Ngọc Hân nhờ vào cung thêu áo bào cho Nguyễn Huệ. Lợi tham gia vào vụ đốt kho thóc, giữa lúc Nguyễn Huệ chuẩn bị lên ngôi đế. Lợi bị bắt và bị hành quyết.

    Chương 92: Tình cảnh mẹ con An sau khi Lợi chết. Lãng dẫn chị và hai cháu đi thăm mộ. Phú xuân nhận được tin quân Thanh đã chiếm Thăng Long. Tâm sự giữa An và Lãng trước hôm làm lễ đăng quang.

    Chương 93: Lễ đăng quang sáng 25 tháng 11 Mậu Thân (1788) và sau đó là lễ xuất sư. Lãng tìm chị và hai cháu không được, theo đại quân ra bắc.

    Chương 94: Vua Quang Trung ghé Nghệ an vời La sơn phu tử đến hỏi ý kiến. Sự thay đổi quan niệm của Nguyễn Thiếp. Cuộc tuyển binh ở Thanh Nghệ. Nhà vua phủ dụ ba quân.

    Chương 95: Đến đèo Ba dội. Các tướng lãnh và văn thần báo cáo tình hình Bắc hà. Bàn luận kế hoạch tiến công. Lãng cho nhà vua biết ba mẹ con An đã trốn khỏi Phú Xuân.

    Chương 96: Diễn tiến chiến thắng năm Mậu Thân từ lúc xuất phát ở đèo Ba dội cho đến lúc toàn thắng. Vua Quang Trung vào Thăng long. Quang cảnh cung điện vua Lê. Cảnh nô nức của dân chúng. Lãng đề nghị diễn tuồng Chàng Lía để khao quân. Nguyễn Huệ gạt đi y như Nguyễn Nhạc đã làm sau khi thắng quân xâm lược Xiêm ở Rạch gầm, Xoài mút.

    PHẦN KẾT TỪ

    Chương 97: Trở lại An ở Phú Xuân. Ba mẹ con trốn đi không được do biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trong lễ đăng quang. Các cuộc bàn tán ở trong quán về cuộc bắc tiến diệt xâm lăng. An nghe nhắc đến Bến Ván. Tâm sự của bà chủ quán có con trai và chồng sung quân dẹp giặc.

    Chương 98: Mô tả Bến Ván như một vùng đệm vô chính phủ do sự nhường nhịn hoặc né tránh giữa hai anh em Nhạc Huệ. Gia đình An tạm ổn định ở Bến Ván. An lẻn về An thái tìm Kiên... Hai anh em gặp nhau. Kiên thuật lại cái chết của Nguyễn Lữ và tình hình dao động của Qui Nhơn. An hỏi anh về tương lai. Kiên thú nhận sự lừa đảo của mình.

    Chương 99: Lãng sau chiến thắng Xuân Kỷ Dậu trở về Phú Xuân, dần dần bị đào thải, thành người bất đắc chí. Nếp sống buông thả bất chấp dư luận của Lãng. Lãng sống bám vào một mụ góa hồi xuân có nhiều tai tiếng. Tìm xuống chùa Hà trung học kinh Phật, rồi mê phong lan. Niềm hân hoan của Lãng khi đọc bài Chiếu khuyến nông.

    Chương 100: Lãng bỏ mụ góa trở lại đời sống lang bạt. Bị chính các biện pháp khắt khe trong Chiếu khuyến nông đe dọa. Nhận được tin An. Hai chị em gặp nhau ở Bến Ván. Không chịu đựng nổi Bến Ván xô bồ, Lãng trở ra Phú xuân. Lãng tìm quên bằng thú chơi phong lan. Cuối cùng, Lãng mất tích trong một cuộc tìm thứ mặc lan hiếm có.

    Chương 101: Nguyễn Huệ mất (1792). Bến Ván đóng cửa đề phòng Qui nhơn. An lấy cớ ra Phú Xuân tìm Lãng, dự đám táng vua Quang Trung một cách vô danh. Trở lại Bến Ván, An bị Phát mắng. Thái (con gái An) có kinh lần đầu. An nói với con gái về sự tiếp nối của đời sống.



    Sông Côn Mùa Lũ - Tài Liệu Tham Khảo


    1. Hoàng Lê nhất thống chí: Ngô gia văn phái. Hai bản dịch:

    a. Bản của Ngô Tất Tố. Phong trào văn hóa tái bản, Sài gòn 1969.
    b. Bản của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch. Nhà xuất bản Văn học, Hà nội 1970.

    2. Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ. Nguyễn Lương Bích và Đặng Ngọc Phụng. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà nội 1971.

    3. Lịch sử nội chiến ở Việt nam từ 1771-1802. Tạ Chí Đại Trường. Nhà xuất bản Văn học sử, Sài gòn 1973.

    4. Tây sơn Việt nam thời bành trướng. Nguyễn Phương. Nhà sách Khai Trí, Sài gòn 1968.

    5. Kinh tế và xã hội Việt nam dưới các vua triều Nguyễn. Nguyễn Thế Anh, nhà xuất bản Lửa Thiêng Sài gòn.

    6. Việt sử xứ Đàng Trong (1558-1777). Phan Khoang. Nhà xuất bản Khai Trí, Sài gòn 1970.

    7. Đại nam chính biên liệt truyện. Phần Ngụy Tây. Bản dịch của Viện Khảo cổ. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài gòn 1970.

    8. Bản triều bạn nghịch liệt truyện. Kiều Oánh Mậu. Bản dịch của Trần Khải Văn. Bộ Quốc gia giáo dục, Sài gòn 1963.

    9. Lịch triều tạp kỷ. Ngô Cao Lãng. Bản dịch của nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1975.

    10. Đại Việt sử ký toàn thư. Ngô Sĩ Liên. Bản dịch của Cao Huy Giu. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1973.

    11. Đại Việt quốc thư. Bản dịch của Hoàng văn Hòe, Đình Thụ. Bộ Quốc gia giáo dục Sài gòn xuất bản 1967.

    12. Phủ biên tạp lục. Lê Quí Đôn. Tập 1 bộ Lê Quí Đôn toàn tập. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1977.

    13. Thượng kinh ký sự. Lê Hữu Trác. Nhà xuất bản KHXH, Hà nội 1977.

    14. Kiến văn tiểu lục. Lê Quí Đôn. Bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Đàm Duy Tạo. Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài gòn 1963-1965.

    15. Hải ngoại ký sự. Thích Đại Sán. Viện Đại học Huế xuất bản 1963.

    16. Phương đình dư địa chí. Nguyễn văn Siêu. Ngô Mạnh Nghinh dịch. Nhà xuất bản Tự do, Sài gòn 1958.

    17. Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt nam. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề. Nhà xuất bản Hoa Lư, Sài gòn 1968.

    18. Sử ký Tư Mã Thiên. Bản dịch của Nhượng Tống. Tân Việt xuất bản, Sài gòn 1964.

    19. La sơn phu tử. Hoàng Xuân Hãn. Nhà xuất bản Minh Tân, Paris 1952.

    20. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm quyển 1,2. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1978.

    21. Dụ am ngâm lục. Phan Huy Ích. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1979.

    22. Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Bản dịch của viện Sử học. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội.

    23. Quang Trung, anh hùng dân tộc. Hoa Bằng. Nhà xuất bản Bốn Phương, Sài gòn 1958.

    24. Bút nghiên. Chu Thiên. Nhà xuất bản Đồ Chiểu Sài gòn tái bản 1968.

    25. Tây sơn Nguyễn Huệ. Kỷ yếu hội nghị nghiên cứu phong trào nhân dân Tây sơn và anh hùng Nguyễn Huệ. Ty Văn hóa và Thông tin Nghĩa bình xuất bản 1978.

    26. Đường thi. Ngô Tất Tố tuyển dịch. Nhà xuất bản Khai Trí Sài gòn.

    27. Chinh phụ ngâm khúc. Đoàn thị Điểm diễn nôm. Nhà xuất bản Tân Việt 1958.

    28. Thơ Đỗ Phủ. Trần Xuân Đề. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 1975.

    29. Việt nam Phật giáo sử lược. Thích Mật Thể. Phật học viện Trung phần ấn hành 1960.

    30. Việt nam văn học sử yếu. Dương Quảng Hàm. Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài gòn 1961.

    31. Nước non Bình định. Quách Tấn. Nhà xuất bản Nam Cường, Sài gòn 1968.

    32. Tang thương ngẫu lục. Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án. Trần văn Ngoạn trích dịch: Nam Phong tạp chí I, IV. Nguyễn Hữu Tiến dịch: Nam Phong tạp chí IV, V.

    33. Vũ trung tùy bút. Phạm Đình Hổ. Nguyễn Hữu Tiến dịch. Nam Phong tạp chí V, XXỊ

    34. Việt nam sử lược. Trần Trọng Kim. Nhà xuất bản Tân Việt, Sài gòn 1956.

    35. Chapman và Berland H. Relation d'un voyage en Cochinchine en 1778. BSEỊ XXIII/2, 1948.

    36. La révolte et la guerre de Tay Son d'après les Franciscains Espagnols de Cochinchine, Taboulet G., BSEI, XV/3-4, 1940.

    37. Pierre Poivre. Bài của Malleret đăng trên EFEO, 1974.

    38. Tạp chí Sử Địa, Sài gòn các số:

    - 9 và 10, 1968. Đặc khảo về Quang Trung.

    - 13, 1969. Kỷ niệm chiến thắng xuân Kỷ dậu.

    - 21, 1971. Hai trăm năm phong trào Tây sơn.

    39. Khảo cổ học tạp chí, Hà nội 1977, số 4 có bài:

    - Đồn lũy trên đất Tây sơn của Vũ Minh Giang. - Hoàng đế thành của Phan Huy Lê.

    40. Thơ Nghiên Hoa Mộng. Hư Chu. Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, Sài gòn 1956.

    41. Tục ngữ Việt nam. Chu Xuân Diên, Lương văn Đan, Phương Tri biên soạn. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1975.

    NGỮ VỰNG DỰA THEO

    42. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ. Nhà xuất bản Khai Trí, Sài gòn 1970.

    43. Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh. Nhà xuất bản Minh Tân, Paris 1950.

    44. Việt ngữ đồng âm của Nguyễn Châu. Bản chép tay chưa xuất bản.

    45. Từ điển tiếng Việt. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1977.

    ĐỊA DANH DỰA THEO

    * Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội 1977.

    * Đại Nam nhất thống chí. Sử quán triều Nguyễn.

    * An Nam đại quốc họa đồ (Tabula Geographica emperii anamitici. AB auctore dictionairii latino-anamitici disposita. 1838.)

    * Tài liệu viết tay về thành Gia định xưa của Sơn Nam.

    * Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771-1802 của Tạ Chí Đại Trường. (Phần xác minh địa danh các nơi thuộc Gia Định).
    Last edited by chimtroi; 10-05-2021, 12:28 PM.

  • #2
    "...Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín chạy lấy thân, quân ta trèo qua xác giặc đuổi theo về đến tận biên thuỳ...", đoạn Việt Sử trên đây học từ thời Trung học vẫn còn nằm trong đầu, nay nhân nghe đến đoạn vua Quang Trung đại phá quân Thanh (chương 95-96) thật cảm khái...




    Đại Phá Quân Thanh
    Hoàng Thi Thơ


    Ai phá tan quân Sầm Nghi Đống? Vua Quang Trung
    Đất Đống Đa chôn vạn quân thù. Nơi chôn bao nhiêu quân thù
    Ai phá tan binh đoàn giặc Thanh? Vua Quang Trung
    Đất Hà Hồi còn vọng hồi chiêng

    Ai nhớ chăng Quang Bình anh dũng? Vua Quang Trung
    Đất Đống Đa chôn vạn quân thù. Nơi chôn bao nhiêu quân thù
    Ai phá tan binh đoàn giặc Thanh? Vua Quang Trung
    Đất Hà Hồi còn vọng hồi chiêng

    ĐK:
    Giặc nhà Thanh, đây Tôn Sĩ Nghị
    Giặc nhà Thanh, đây Sầm Nghi Đống
    Giặc tràn qua khắp bờ sông Nhị
    Giặc tràn qua vây chặt thành Thăng Long

    Mười vạn quân do ngài Quang Bình
    Ào Ào đi ngăn đoàn quân tiến
    Ào Ào đi đến miền Tam Điệp
    Đợi mồng năm tiêu diệt sạch quân Thanh

    Này bập bùng nhịp trống bồi hồi dòng chiến
    Vó ngựa hùng anh, vó ngựa dồn nhanh, vó ngựa tàn canh
    Vó ngựa lừng vang, rung rinh kinh thành
    Nhằm Lục Đầu mà tiến, nhìn về Lạng Giang, hướng về Hải Dương
    Bắc Bình Đại Vương, tiến Hà Hồi nhanh
    Đến Ngọc Hồi luôn, quân Thanh tan tành

    Ngàn quân Tàu vượt cầu, như nước tràn
    Hàng ngàn hàng ngàn quân Tàu, vượt cầu trong gió ngàn
    Ngàn quân Tàu sập cầu tô thắm màu Nhị Hà
    Nhị Hà nước về đỏ ngầu thây chất tràn

    Nào ngờ đâu bao mộng tan tành
    Vạn giặc Thanh như là mây khói
    Và từ đây nước Việt yên lành
    Ngàn đời sau Bắc Bình còn vang danh.
    Last edited by chimtroi; 10-10-2021, 11:58 PM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X